- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Cuộc đua tại khu vực bầu cử 45 của bang California để giành ghế Hạ viên liên bang Hoa Kỳ vẫn chưa có kết quả hôm 14/11, dù được nhiều người mong đợi. Đương kim Dân biểu Michelle Steel đang dẫn trước ứng cử viên gốc Việt Derek Trần với chênh lệch chỉ là 236 phiếu bầu, theo số liệu được chính quyền bang công bố.
Tính đến 5h11 phút chiều, giờ địa phương, ngày 14/11, ứng cử viên đảng Cộng hòa Michele Steel được 152.021 phiếu bầu, trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ Derek Trần được 151.785 phiếu bầu, sau ngày bầu cử 5/11, theo thông tin của Bang vụ khanh California Shirley Weber.
Hãng tin AP vào tối 14/11 cho biết đã có 93% số phiếu được kiểm đếm tại khu vực bầu cử này.
Với các kết quả dự phóng sau ngày 5/11 đến nay, mặc dù bị dẫn trước, nhưng ông Derek Trần ngày càng thu ngắn cách biệt với đối thủ.
Khoảng cách giữa hai ứng cử viên đã giảm từ 0,12% hôm 13/11 xuống 0,08% vào tối 14/11 nghiêng về bà Steel, theo trang LAist.
Kết quả chính thức của cuộc đua sẽ được chứng thực vào ngày 13/12/2024.
Bà Michelle Steel, người gốc Hàn, từ năm 2020 cho đến nay giữ chức dân biểu liên bang với 2 nhiệm kỳ đại diện cho 2 địa hạt khác nhau. Trước đó, bà đảm nhận chức giám sát viên cấp quận.
Ông Derek Trần, một người gốc Việt, lần đầu tranh cử vào Hạ viện Hoa Kỳ. Ông là một luật sư về lao động thuộc hội đồng Luật sư Đoàn cho Người tiêu dùng của California. Trước đó, ông phục vụ trong quân đội Mỹ và tham chiến ở Iraq.
Cả hai đảng chính trị đều đang tranh giành quyền kiểm soát khu vực dao động này, chủ yếu nằm ở phía bắc Quận Cam, nơi có nhiều người gốc Việt.
Trang LAist hôm 14/11 cho hay có hơn 46 triệu USD đã được đổ vào cuộc đua này, khiến nó trở thành cuộc tranh cử vào Hạ viện tốn kém nhất nước Mỹ.
Sau khi trừ các khoản chi phí điện nước, thuê nhà và thuế, bà Hue, chủ một cửa tiệm bán bánh mì kiểu Việt ở Singapore nhẩm tính tiền lãi nhận về khoảng 3.000 SGD (gần 60 triệu đồng).
Trên các nền tảng mạng xã hội ở Singapore, một cửa tiệm bánh mì của người Việt đang trở thành tâm điểm của truyền thông sau video ghi cảnh hàng trăm thực khách đứng xếp hàng chờ mua bánh gây sốt.
Theo tờ CNA của Singapore, đây là cửa tiệm của bà Hue, 47 tuổi, một người phụ nữ đến từ Việt Nam, hiện sinh sống và làm việc tại đảo quốc sư tử.
Tiệm bánh mì có tên "Hue Banh Mi", mở cửa cách đây 2 năm. Ban đầu, cửa tiệm chỉ là một quầy hàng nhỏ nằm trong khu ẩm thực Teck Whye.
Sau khoảng 10 tháng hoạt động, cửa tiệm phải đóng cửa vì chi phí thuê tăng từ 1.000 SGD (18,8 triệu đồng) lên 2.600 SGD (49 triệu đồng). Không chịu được tiền thuê nhà tăng chóng mặt, chồng bà Hue vốn là một tài xế lái xe công nghệ bàn với vợ chuyển quán về mở tại nhà.
Trước khi mở tiệm bánh mì, bà Hue đã làm trong ngành dịch vụ ăn uống khoảng 10 năm. Khi còn ở Việt Nam, bà từng bán phở, bánh mì và nem rán. Ngoài ra, bà cũng có kinh nghiệm trong việc mở quán cà phê bán những loại đồ uống thuần Việt.
"Khi sang Singapore, trong thời gian dịch bệnh, tôi vẫn duy trì việc nấu nướng và thử các công thức làm món ăn Việt. Nấu cho gia đình nhà chồng vốn là người Singapore, tôi quan sát xem mọi người phản ứng với hương vị món Việt ra sao. Tôi muốn bán những món ăn đậm chất Việt Nam không chỉ phục vụ cho đồng bào xa quê mà cả người dân ở đây và không muốn thay đổi hương vị quá nhiều", bà Hue bộc bạch.
Bánh mì được bà lấy từ một lò chuyên phục vụ các loại bánh cũng của người Việt ở Singapore. Chia sẻ về bí quyết để có những chiếc bánh ngon, bà chủ 47 tuổi cho rằng, điều quan trọng nhất là độ tươi của nguyên liệu và không thể thiếu nước sốt. Theo khẩu vị của người Singapore, nước sốt không nên pha chế quá ngọt.
Mỗi ngày, bà chủ người Việt dậy lúc 5h30 để kịp đưa 2 đứa con tới trường rồi ra chợ mua nguyên liệu cho tươi mới. Các đơn hàng khách đặt thường bắt đầu từ 10h30. Quán không phục vụ ăn tại chỗ mà khách sẽ gọi đồ rồi mang đi.
Sau khi những video của thực khách tới quán trải nghiệm được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, bánh mì bà Hue được biết tới nhiều hơn.
Cũng vì vậy bắt đầu xuất hiện tình trạng khách phải đợi từ 40 phút tới một tiếng mới có đồ ăn. Để tránh khách bị mất quá nhiều thời gian, bà Hue luôn nhắn khách nên đặt trước. Nếu không quá vội, khách có thể đi dạo xung quanh trước khi quay lại lấy bánh mì.
Khoảng một năm trở lại đây, các thành viên trong gia đình bà Hue bắt đầu quen với cảnh khách ngồi chờ ở phòng khách để đợi lấy bánh. Đôi khi chồng bà cũng trò chuyện với khách.
Quán mở tới 20h mỗi ngày nên không làm gián đoạn bữa cơm tối quây quần của gia đình. Được biết, phần lớn khách tới đây là cư dân ở các khu vực như Choa Chu Kang, Bugis và Tampines.
"Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi tháng tôi lãi khoảng 3.000 SGD - gần 60 triệu đồng. Dù bận rộn nhưng chúng tôi không lời lãi quá nhiều vì giá mỗi suất ăn cũng rẻ hơn các quầy hàng khác ở khu ẩm thực bên ngoài. Dù vậy tôi vẫn hài lòng miễn sao kiếm đủ tiền sinh hoạt và khách được thưởng thức đồ ăn Việt chính hiệu", bà chủ bộc bạch.
Đúng như lời bà Hue chia sẻ, mức giá đồ ăn tại cửa tiệm có phần rẻ hơn so với mặt bằng chung tại Singapore.
Cụ thể, nếu như một suất bánh mì tại các cửa tiệm khác thường ít nhất là 7,9 SGD (150.000 đồng), thì suất bánh đặc biệt tại đây chỉ có giá 6,3 SGD (120.000 đồng). Một số loại khác như bánh mì phô mai bò cũng có giá 120.000 đồng, bánh mì cá nướng và bánh mì heo quay đều đồng giá 113.000 đồng.
Quán còn bán thêm một số món tráng miệng như chè bưởi, chè thái, cà phê sữa đá và trà mật ong sả, giá khoảng 57.000 đồng/món.
Trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng giảm, người lao động nước ngoài đã và đang xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp nước này tại nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau. Việc tiếp nhận họ là một phần trong chiến lược của Chính phủ Nhật Bản nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhưng nhiều người lao động đang phải đối mặt với các vấn đề phát sinh do ở trong môi trường xa lạ hoặc phải đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Dân số người nước ngoài thường trú tại Nhật Bản đã đạt mức kỷ lục 2,74% tổng số, nhưng liệu đất nước này có thể trở thành nơi mà người lao động muốn gọi là “nhà” không?
Câu chuyện nỗ lực của một lao động Việt Nam tại Nhật
Mỗi sáng, Trần Thế Vinh (?), một công dân Việt Nam 29 tuổi, thức dậy lúc 5:30 sáng và rời khỏi nhà ở thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, để đến làm công nhân điều phối tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở thị trấn Kanda trong tỉnh.
“Mọi thứ vẫn chưa ổn định, nhưng tôi mừng vì đã chọn đến Nhật Bản”, người công nhân này suy nghĩ. Sau khi đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh kỹ năng vào năm 2015, anh đã làm việc tại một nhà máy cao su ở Nagoya. Anh đã phải trả cho công ty môi giới đưa anh đến đó một khoản phí tổng cộng khoảng 1,6 triệu yên (khoảng hơn 260 triệu đồng), số tiền này anh đã trả thông qua khoản vay từ ngân hàng của mình tại Việt Nam. Với mức lương thực lĩnh hàng tháng khoảng 100.000 yên (khoảng hơn 16 triệu đồng), sau khi trả nợ ngân hàng và gửi tiền về cho gia đình, anh “gần như không có gì trong tay”.
Anh tiếp tục làm việc 8 tiếng một ngày, có thể lên đến 10 tiếng nếu cần làm thêm giờ, một công việc chân tay và xung quanh toàn là nhân viên người nước ngoài, ngoại trừ một hoặc nhiều quản lý công trường và những người khác. Anh thường mệt mỏi đến mức ngủ thiếp đi ngay khi về nhà.
Mặc dù công việc của anh rất khó khăn, nhưng anh đã cải thiện được kỹ năng tiếng Nhật của mình và làm quen với cuộc sống ở đất nước này. Sau khi kết thúc thời gian đào tạo 3 năm, anh trở về Việt Nam, nhưng vào năm 2020, anh quay lại học kinh tế Nhật Bản và các chuyên ngành khác tại một trường cao đẳng 2 năm ở Kitakyushu, với mục đích phát triển thêm khả năng tiếng Nhật và tìm một nơi làm việc tốt hơn.
Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục làm việc cho một tổ chức giám sát chương trình thực tập sinh kỹ thuật trước khi được một người quen giới thiệu đến công việc hiện tại. Hiện anh giữ chức vụ quản lý sản xuất nhà máy. Anh mỉm cười nói: “Trước đây, đôi khi tôi muốn nghỉ việc vì thiếu nhân viên, vấn đề giao tiếp và nhiều vấn đề khác. Nhưng bây giờ, môi trường làm việc tốt và công việc được đền đáp xứng đáng”.
Số lượng lao động nước ngoài nhiều hơn 1,65 lần so với thập kỷ trước tại Nhật
Chính phủ quốc gia đã giới thiệu loại thị thực là Kỹ năng đặc định 1 và Kỹ năng đặc định 2 – Tokutei Gino vào năm 2019, nhằm mục đích giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành công nghiệp chính.
Chương trình thực tập sinh nước ngoài hiện tại, đã được áp dụng từ năm 1993, đã bị chỉ trích là chỉ đơn thuần là một con đường để Nhật Bản nhập khẩu lao động giá rẻ. Chính phủ sẽ thay thế chương trình này bằng một hệ thống mới sớm nhất là vào năm 2027, cho phép chuyển việc sau 1 hoặc 2 năm làm việc tại một nơi làm việc.
Trong khi sự thay đổi đó vẫn đang diễn ra, số lượng người nước ngoài sống tại Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục là khoảng 3,41 triệu người vào cuối năm 2023, cao hơn khoảng 1,65 lần so với mức 2,07 triệu người của 10 năm trước đó vào cuối năm 2013. Theo quốc tịch, hầu hết đến từ Trung Quốc, tiếp theo là Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó Việt Nam chứng kiến mức tăng 15,5% theo năm.
Nhiều người đến từ Việt Nam ở độ tuổi 20 hoặc 30, và một số đã kết hôn và sinh con tại đây. Tuy nhiên, do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, nhiều người cảm thấy cô đơn lạc lõng tại một đất nước không phải nơi mình sinh ra.
Ta Minh Thu (?), 37 tuổi, người sáng lập Hội người Việt tại Kitakyushu, đã đến Nhật Bản cách đây 14 năm với tư cách là một du học sinh. Không ít lần cô đã cảm thấy sợ hãi khi có người lớn tiếng hỏi cô rằng cô có hiểu tiếng Nhật không. Mặc dù đã kết hôn và có con tại Nhật, nhưng cô không biết đầy đủ về chế độ trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ phép, vì vậy cô đã không nhận được chúng. Cô cũng gặp phải những rào cản khi quyết định gửi con ở nhà trẻ và hoãn việc quay lại làm việc. Không có môi trường để cô có thể dễ dàng bày tỏ mối quan tâm của mình khiến nhiều lần sức khoẻ cô bị suy sụp.
Vì những trải nghiệm đó, cô muốn giúp đỡ những người Việt khác trong hoàn cảnh của mình. Hội của cô cung cấp dịch vụ tư vấn, các bài học tiếng Nhật, hỗ trợ tìm việc làm và hướng dẫn về các thủ tục hành chính, cùng nhiều dịch vụ khác.
Mặc dù các nỗ lực cung cấp dịch vụ đa ngôn ngữ đang được tiến hành tại các cơ quan hành chính ở Nhật Bản, cô tin rằng tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể vì vẫn còn thiếu sự hỗ trợ toàn diện. “Tôi muốn có nhiều dịch vụ hoàn thiện hơn để người nước ngoài có thể sống giống như người Nhật mà không gặp khó khăn”, cô nói về hy vọng của mình.
Phát triển nguồn nhân lực toàn diện, không chỉ ngôn ngữ
Nhật Bản cần làm gì để trở thành nơi mà người lao động nước ngoài lựa chọn sinh sống? Phó giáo sư xã hội học quốc tế, Takeshi Fukumoto của Đại học Nishikyushu ở tỉnh Saga, phía Tây Nam Nhật Bản, cho biết, “Cuộc cạnh tranh để đảm bảo nguồn nhân lực xuất sắc đang nóng lên trên toàn thế giới. Tôi muốn thấy chính phủ tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, bao gồm cả kỹ năng ngôn ngữ”.
Trong khi một số chính quyền địa phương cung cấp các lớp học tiếng Nhật miễn phí, Fukumoto nhận xét, “Chính phủ cũng nên cải thiện hỗ trợ của mình về mặt liệu họ có thích nghi với Nhật Bản như một nỗ lực chung hay không”. Ông cũng chỉ ra về phát triển khu vực rằng “Dòng chảy nguồn nhân lực ra các khu vực thành thị không chỉ giới hạn ở người Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ người nước ngoài như một cộng đồng và ngăn chặn dòng chảy nguồn nhân lực và làm thế nào chính phủ có thể dẫn đầu trong vấn đề này”.
Nếu là một người nước ngoài đang làm việc tại Nhật, hãy chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của bạn tới cộng đồng những người cần nó nhé.
Luật sư nhận định: nhóm đối tượng có hành vi giết người, cướp tài sản và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể phải đối diện với nhiều tội danh khác nhau cùng những hình phạt nghiêm khắc.
Dụ dỗ bằng chiêu "việc nhẹ lương cao"
Ngày 11/11, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an tỉnh An Giang đã kết thúc điều tra vụ án giết người, cướp tài sản và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP Sampeou Poun, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia.
Trong đó, Nguyễn Khắc Mạnh (34 tuổi), Nguyễn Văn Khoa (29 tuổi), Nguyễn Ngọc Thảo (27 tuổi), Phan Sỹ Dũng (27 tuổi) và Hoàng Văn Thanh (26 tuổi) bị điều tra tội “Cướp tài sản” và “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”; Lê Duy Cường bị khởi tố về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra xác định, còn một số đối tượng bỏ trốn, đang truy nã và tổ chức truy bắt để xử lý sau.
Theo điều tra, chiều 24/8/2023, nhóm 5 người quê ở tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa, được đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch khu vực biên giới tỉnh An Giang. Họ đi theo đầu mối đã liên hệ từ trước với lời hứa hẹn là qua Campuchia kiếm việc làm.
Tuy nhiên, khi đến Campuchia, cả 5 người bị nhóm Khoa, Mạnh, Thanh lên kế hoạch khống chế, bắt giữ. Các nạn nhân sau đó bị đưa về nhà trọ của Thanh thuê tại xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia và bị lấy hết tài sản gồm tiền, điện thoại di động...
Tại đây, Thanh, Dũng, Thảo cùng một số người đã tra tấn, đánh đập dã man các nạn nhân. Toàn bộ quá trình này được Thanh dùng điện thoại ghi hình, gửi cho người nhà các nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền chuộc "mạng".
Riêng một nạn nhân quê tỉnh Hải Dương, do gia đình không chuyển tiền chuộc nên bị các đối tượng dùng báng súng đánh vào đầu gây chấn thương sọ não, tử vong sau đó.
Ngày 25/8/2023, sau khi gia đình của 3 trong số 5 nạn nhân chuyển gần 500 triệu đồng, nhóm Khoa bỏ đi. 4 nạn nhân còn lại tự cởi trói rồi bỏ chạy, nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua khu vực tỉnh An Giang, cầu cứu lực lượng chức năng.
Cảnh sát xác định, Khoa và đồng phạm đã chiếm đoạt gần 500 triệu đồng của người thân các nạn nhân, hơn 70 triệu đồng tài sản bị cướp và gây nên cái chết của một nạn nhân.
Theo hồ sơ, khoảng tháng 10/2022, Mạnh xuất cảnh sang Campuchia và làm thuê tại Casino Yong Yuan. Tại đây, Mạnh quen biết với nhiều đối tượng là người Việt Nam cũng có tiền án, tiền sự.
Mạnh và các đồng bọn câu kết với nhau để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời gian làm việc tại Casino Yong Yuan, Mạnh biết được nhiều đối tượng là người nước ngoài dùng thủ đoạn dụ dỗ người Việt Nam sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao".
Khi các nạn nhân sang tới Campuchia đã bị bắt giữ, tra tấn, đánh đập rồi gửi hình ảnh về cho gia đình các nạn nhân buộc phải chuyển tiền chuộc mới thả cho về nên Mạnh đã làm theo.
Vụ án trên được điều tra từ vụ "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép" do Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh An Giang triệt phá trước đó. Trước đó, tháng 7/2024, nhóm của Trương Văn Chung và 4 người khác có hành vi đưa các nạn nhân vượt biên trái phép đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang tuyên phạt từ 5 năm đến 6 năm 6 tháng tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.
Các bị can đối diện nhiều tội danh
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của nhóm bị can là hành vi vi phạm pháp luật, liền một lúc phạm nhiều tội nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm khắc. Trong vụ việc trên, các bị can thực hiện hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là hành vi này có tính chất nguy hiểm, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Khi các bị can bắt giữ nạn nhân và thông báo cho gia đình về số tiền chuộc thì hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản của gia đình nạn nhân hay chưa. Với số tiền và mức độ nghiêm trọng, các đối tượng có thể sẽ bị xử lý về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 169, Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp bị chứng minh là có tội, người vi phạm có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 2 năm, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Cùng với đó, việc nhóm bị can có hành vi cướp tài sản với giá trị tài sản hơn 70 triệu đồng của các nạn nhân cũng có thể sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt thấp nhất là 3 năm, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, với đối tượng dùng báng súng đánh vào đầu gây chấn thương sọ não, tử vong cho 1 nạn nhân. Trường hợp có đủ cơ sở, cơ quan chức năng có thể sẽ khởi tố người gây ra vụ việc về tội “Giết người” theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt thấp nhất từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
“Việc tổng hợp và quyết định hình phạt đối với từng bị can thế nào sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự, nguyên nhân, động cơ, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên thông tin.
Nguồn: VOA; Dân Trí; LocoBee; Kinh tế & Đô thị
Người Việt hải ngoại: Gây tai nạn, người phụ nữ bị kiện ở Mỹ; Tỷ phú bị người mẫu Mỹ kiện; Vụ Đàm Vĩnh Hưng kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền
Người Việt hải ngoại: Đêm lo lắng tại Hàn Quốc; Cơ hội vàng cho chuyên gia AI Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Người Việt hải ngoại: Phở vươn tầm thế giới; 38 người ‘mất tích’ ở đảo Jeju; Làm giả thẻ My Number ở Nhật; Ngọc Quyên đón Noel ở Mỹ
Người Việt hải ngoại: ‘Chào tân sinh viên’ tại Nga; Chàng trai Pháp tìm mẹ ruột ở Bắc Kạn; Một quản lý bị bắt ở Lào
Người Việt hải ngoại: Kịch tính bầu cử ở Mỹ; Người đầu tiên thắng giải TechWomen 100; Đột nhập nhà dân, 3 người bị bắt ở Ibaraki
Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ trẻ em tại Hungary; Phó giáo sư tại Nam Úc; Derek Trần tuyên bố chiến thắng; Du học sinh khiếu nại công ty Nhật
Người Việt hải ngoại: Đại hội bóng đá tại Nhật; Cô gái Pháp tìm thấy mẹ ruột; Nữ nghệ sĩ guitar làm say đắm công chúng Bỉ
Người Việt hải ngoại: Chi đậm cho lễ Tạ ơn; ‘Hoa văn hóa’ tại Úc; Nữ khoa học gia cấp cao ở Mỹ; 4 điểm tập kết trộm cắp tại Nhật
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá