Người Việt hải ngoại: Cuộc đời trên Biển Hồ; Thùng từ thiện ở Đức; Nhân sự ở Big Tech Singapore; Bẫy cua nâu ở Na Uy

NGƯỜI VIỆT XA XỨ VÀ CUỘC ĐỜI 'BỌT NƯỚC TRÔI ĐÂU, TUI TRÔI TỚI ĐÓ' TRÊN BIỂN HỒ

(Ảnh minh hoạ).

Tonle Sap nghĩa là sông nước ngọt lớn, người Việt Nam gọi là Biển hồ. Ở nơi đó có một cuộc hành trình không bờ không bến của đồng bào xa xứ.

Dòng Mekong sau cuộc hành trình chảy hết đất nước Lào, ở đoạn cuối đã chia thành nhiều nhánh tạo nên vùng đất lạ kỳ Si Phan Don với hơn 4.000 hòn đảo. Vào lãnh thổ Campuchia cứ tưởng dòng sông sẽ xuôi theo hướng Đông Nam mà chảy, vậy mà không phải. Đến gần Phnom Pênh con sông bất ngờ đẻ ra dòng Tonle Sap rồi lấy nước của mình bơm ngược hơn 100 cây số lên một vùng đồng bằng rộng lớn của 5 tỉnh Pursat, Battambang, Siem Reap, Kampong Thom và Kampong Chhnang. Người Campuchia gọi đó là Tonle Sap, nghĩa là sông nước ngọt lớn còn người Việt ở đây gọi là Biển hồ. Dù là cách gọi nào cũng chỉ muốn thể hiện sự rộng lớn, mênh mông của hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.

Sông nước ngọt lớn

Có nhiều cách để đến Biển hồ Tonle Sap nhưng chúng tôi chọn lối đi từ Kampong Thom qua Siem Reap. Nghe kể đó là thành phố được đặt tên theo truyền thuyết về một cuộc xung đột qua nhiều thế kỷ giữa vương quốc Xiêm và vương quốc Khmer. Dụng ý đặt tên của người xưa muốn ám chỉ đây là nơi quân Xiêm bại trận. Thực hư thế nào đến nay chưa ai rõ, duy chỉ có điều dễ dàng cảm nhận, cố đô Siem Reap là thành phố du lịch nổi tiếng nhất đất nước Chùa Tháp. Đây chính là quê hương của di tích tôn giáo Angkor Wat rộng lớn nhất thế giới, cũng là thành phố gần với Biển hồ Tonle Sap nhất.

Chiếc thuyền máy rẽ sóng đưa đoàn làm phim của Báo Nông nghiệp Việt Nam đến với một trong nhiều khu vực sinh sống của người Việt Nam trên Biển hồ. Thời điểm này đang bắt đầu vào mùa khô ở Campuchia nhưng chỉ sau vài phút rời bến thuyền Chung Knea chỉ thấy bốn bề toàn sóng nước.

Chovkimyeung, anh bạn dẫn đường người Campuchia nói, thường thì vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 Biển hồ khá hẹp và nông, chỗ sâu nhất chỉ hơn 1m, diện tích khoảng 10.000km2. Đó cũng là thời điểm nước từ khu vực này chảy xuống hòa vào dòng Mekong rồi hướng về Việt Nam. Đến mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6, nước sông dâng cao lại chảy ngược lên “biển”. Diện tích lúc này của Biển hồ vào khoảng 16.000km2, chỗ sâu nhất có thể tầm 9 - 10m. Ruộng đồng, nhà cửa nhiều nơi có thể bị nước nhấn chìm nhưng đó cũng là mùa người dân nơi đây vui nhất. Cá tôm, phù sa từ sông Mekong theo con nước chảy vào từ bao đời qua đã trở thành nguồn sống gần như vô tận.

Nguồn nước Mekong mỗi năm ra vào Tonle Sap hai lần chính là sinh kế của khoảng 3 triệu người, bao gồm cả người Campuchia và người Việt.

“Sông nước ngọt lớn” giống như người mẹ bao dung nuôi nấng cả một cộng đồng rất nhiều người, nhưng Chovkimyeung cũng nói, “người mẹ” ấy dường như đang ngày càng kiệt quệ. Biến đổi khí hậu cộng với quá nhiều dự án xây dựng thủy điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia đang gây ra những tác động đến Biển hồ.

Lịch trình con nước thay đổi, mức nước cũng không còn theo quy luật tự nhiên như trước đây. Người dân sông nước vì thế ngày càng khốn khó, nhất là cộng đồng người Việt. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng Campuchia, dù thường xuyên thay đổi nhưng hiện nay có khoảng gần 8.000 hộ dân gốc Việt Nam đang sinh sống ở Biển hồ. Họ sống chủ yếu trên những ngôi nhà nổi, ven những cánh rừng ngập nước hoặc ở các khúc sông gần Tonle Sap. Quần tụ với nhau thành từng xóm, từng làng, lại có những nhóm người nay đây mai đó, theo mùa nước lên nước xuống, rải rác ở khắp mọi nơi. Mấy năm qua Chính phủ Việt Nam và Campuchia cũng có nhiều chính sách quyết liệt nhằm hỗ trợ đưa người Việt trên Biển hồ lên bờ nhưng xem chừng còn lắm gian nan.

Thuyền xuyên qua những cánh rừng ngập nước, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là một ngôi chùa nhỏ dựng trên sàn nổi bằng mấy chục chiếc thùng phuy. Đây là trung tâm của một ngôi làng người Việt với khoảng 315 hộ, hơn 2.000 người, sống đời lênh đênh trên sóng nước. Người trông coi ngôi chùa là ông Nguyễn Văn Miêu (61 tuổi), quê gốc Tây Ninh nhưng xã nào, huyện nào thì ông lại không nhớ rõ. “Đi lâu quá rồi mà”, ông Miêu nói.

Thời kỳ loạn ly

“Không ai nhớ chính xác được người Việt mình có mặt ở Biển hồ vào khoảng thời gian nào”, ông Miêu báo thế. Những người thế hệ trước kể lại, đã từ rất lâu đời người Việt ở khu vực phía Nam vẫn thường ngược dòng sông Mekong chài lưới. Họ sống trên sông, lấy nghề tôm cá mưu sinh, thuyền cũng là nhà, rày đây mai đó rồi đi lên đến tận Biển hồ. Họ sống quần tụ với nhau thành từng xóm nhỏ, hết đời cũng không về lại được với tổ tiên mà nằm xuống bên các cánh rừng ven sông ven “biển”.

Lại có thêm phân tích nói vào thời kỳ Pháp thuộc, không ít người Việt sang Campuchia làm công nhân cao su, binh biến loạn ly sau đó đã kéo nhau lên Biển hồ sinh sống. Gốc gác ra sao không còn ai nhớ rõ, chỉ có giai đoạn sau này là còn nhiều người biết. Buồn thay, đó là một cuộc hành trình không điểm đầu điểm cuối, lắm nỗi đoạn trường mà cũng lắm chết chóc tang thương.

Gia đình ông Miêu cùng với mấy hộ nữa, vốn là bà con cô bác với nhau sang đây từ những năm sau ngày thống nhất đất nước ở Việt Nam. Với nhiều người trong số họ, đó là sự trở về, bởi cha ông trước cũng đã từng sinh sống trên đây nhưng vì biến cố phải quay về nước.

Trong khoảng từ năm 1970 đến năm 1975, hàng ngàn người Việt trên đất nước Campuchia đã bị sát hại dưới bàn tay của chính quyền Cộng hòa Campuchia. Hàng chục vạn người Việt khác buộc phải hồi hương. Đến thời Khmer Đỏ, người gốc Việt ở Campuchia lại tiếp tục bị sát hại dưới nạn diệt chủng của Pol Pot. Chuyện này có số liệu lưu giữ hẳn hoi. Các tài liệu của Campuchia thể hiện, thời kỳ đó đã có hơn 170.000 người gốc Việt bị Khmer Đỏ đuổi về Việt Nam, số người ở lại bị chết vì đói, chết vì bệnh tật và bị sát hại dã man cũng rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hà, 70 tuổi, người ông Miêu gọi bằng dì Tám, vẫn còn nhớ mang máng là mình được sinh ra ở trên Biển hồ này. Bố mẹ bà lên đây từ thuở trước đó. Họ sinh được cả thảy 8 người con, bà là út. Một cuộc sống như bà nói là “bọt nước trôi tới đâu tụi tui trôi tới đó”. Dù lớn lên ai cũng dựng vợ gả chồng, cứ tưởng đời này qua đời khác cũng sẽ dạt trôi trên những con thuyền hay những căn nhà nổi. Nhưng khoảng năm 1975 hay 1976 gì đó bà Hà không nhớ rõ, nạn diệt chủng Khmer Đỏ nổi lên và tác oai tác quái ở đất nước Chùa Tháp.

“Người Việt mình bị đuổi về xứ hết”, giọng bà Hà nghẹn lại. "Nào giờ có biết “xứ Việt Nam” ở chỗ nào đâu? Cả gia đình dắt díu nhau lên thuyền thả trôi xuôi sông, chưa về được đến quê hương đã gặp cảnh người Việt bị giết hại dã man, xác chất thành từng đống nơi này nơi khác. Tui sợ quá. Chẳng còn nhớ được về đến Châu Đốc (An Giang) rồi Hồng Ngự (Đồng Tháp) bằng cách nào. Chỉ nghe nói đó là quê chồng nhưng bà con chòm xóm cũng đã đi hết trơn".

Từ vùng sông nước về miền sông nước vậy mà không sống nổi. Giăng câu, thả lưới kiếm con bống cát đem đổi gạo ăn được một thời gian vẫn cứ thấy xứ này xa lạ, bất an quá. Một số vùng của miền Tây Việt Nam thời điểm đó cũng phải trải qua nhiều tang thương do Khmer Đỏ gây ra, thành thử khi quân giải phóng vào và đánh đuổi Khmer Đỏ đến đâu thì không ít người dân đã theo chân đến đó. Nỗi ám ảnh chết chóc khiến họ phải bám vào bộ đội để mong giữ được mạng sống của mình, trong đó có những người như bà Hà, ông Miêu.

Họ trở lại Biển hồ quãng từ năm 1979 trên một chiếc xuồng ba lá khi nạn diệt chủng đã tạm yên. Mồ mả bố mẹ vẫn còn chôn đâu đó ở vùng Bato, trong một cánh rừng ven Biển hồ nhưng chính xác ở đâu đã không còn ai nhớ nữa. Ngay chính bản thân bà Hà cũng không ngờ được là chuyến đi khỏi quê hương đó kéo dài cho đến tận bây giờ.

Yên ổn trên bọt nước

Hơn 40 năm qua cuộc sống của những người như bà chỉ quanh quẩn trên Biển hồ này, chưa một lần được trở về Việt Nam. Ban đầu chỉ có 7 - 8 hộ gia đình, dần dà thành xóm thành làng cùng đùm bọc nhau ở nơi xa xứ. Đàn ông đi “biển” đánh cá, đàn bà ở nhà vá lưới chăm con trở thành mô típ của tất cả những ngôi làng người Việt. Kết những chiếc thùng phuy lại làm sàn nhà ở, một chiếc ghe thuyền vừa là phương tiện đi lại vừa là mưu sinh, thế hệ này qua thế hệ khác đều lênh đênh như vậy. Một thời gian khá dài cuộc sống cũng có thể coi là yên ổn, nhưng những năm gần đây đó là sự yên ổn nằm trên bọt nước.

Gia đình ông Miêu có 7 người, dù mấy người con cũng đã dựng vợ gả chồng cả rồi nhưng vẫn sống cùng ông bà trên một căn nhà nổi. Sống giữa mênh mông Biển hồ nhưng nước uống phải mua, mấy chục năm trong bóng tối, chỉ thời gian gần đây mới sắm được tấm pin năng lượng mặt trời để dùng. Chốn sinh hoạt chật chội, tù túng và khốn khó trăm bề đã đành, mười mấy con người dựa hoàn toàn vào những chuyến “ra khơi”. Ngày trước cá tôm Biển hồ còn dồi dào, nỗi lo còn ít. Ông Miêu kể rằng lắm hôm chuẩn bị lưới từ hôm trước để ngày mai đi làm thì sáng ra cá đã vướng đầy không thèm gỡ. Mỗi chuyến “đi biển” bố quăng chài con bỏ lưới cùng nhau kiếm vài tạ cá là chuyện bình thường. Cá đánh được mang bán hoặc đem đi đổi gạo và vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Dù không thể coi là sung túc nhưng vẫn có thể đắp đổi qua ngày, miếng ăn không đến nỗi phải quá lo. Vậy nhưng mấy năm gần đây đã không còn cảnh đó nữa.

Tôm cá ít dần là một nhẽ, kể từ khi chính phủ Campuchia khoanh vùng hạn chế đánh bắt, ban hành các quy định cấm sử dụng công cụ chài lưới trên Biển hồ cuộc sống lại càng thêm khốn khó.

“Giá xăng dầu năm nay cao quá, đi chuyến nào lỗ chuyến đấy nên nhiều người chán bỏ nằm nhà. Mà bây giờ người Việt ở Biển hồ cũng không còn được tự do đánh bắt như ngày xưa nữa đâu. Chính phủ Campuchia họ cấm người dân kéo cào, giật điện, đánh cá trong lô của nhà nước nên người Việt mình trên này chỉ được phép quăng lưới, thả câu mấy vùng ven ven như thế này thôi. Họ chỉ cho mỗi gia đình đăng ký 70 - 100m lưới, đánh được cá mới có tiền mua gạo ăn, không đánh được thì cũng đành nhịn chứ biết sao giờ”, ông Miêu vừa ngậm ngùi vừa nổ máy thuyền đưa chúng tôi ra khu vực ngã ba sông Siem Reap và Biển hồ.

Chỗ đó, trước cũng là một làng chài người Việt khác, nhưng sau khi có lệnh cấm đánh bắt bằng kéo cào, giật điện bây giờ chỉ còn sông nước mênh mông, dân làng kéo nhau đi đâu không ai rõ. “Chắc rồi đây chúng tôi cũng thế”, giọng ông lão hơn 60 tuổi không giấu được sự lo lắng. Một số gia đình ở đây thay vì chài lưới như ngày trước đã chuyển đổi sang nuôi cá lồng bè nhưng cũng chẳng ăn thua. Sơ sểnh ra là bị phạt, chưa kể gặp một hai đợt cá chết phải bán luôn cả thuyền.

Ông Miêu lấy tôi xem một tấm thẻ màu vàng, dạng như căn cước công dân do Campuchia cấp. Cũng có gắn chip và mã số nhưng thời hạn chỉ được hai năm, quá hạn không làm thủ tục làm lại sẽ bị phạt 1 triệu riel, tương đương 6 triệu tiền Việt Nam. Đó là tất cả những gì mà ông hay những người lớn ở ngôi làng nổi này có. Họ gọi đó là thẻ thường trú dành cho những người nước ngoài thuộc diện nhập cư.

"Bước đường cùng rồi chú ơi. Cũng có nhiều người lên bờ rồi nhưng không biết làm nghề gì kiếm sống cả. Người đi vào các công ty của Việt Nam mình bên này làm công nhân trồng cao su, trồng chuối, cũng có nhiều người đi về Việt Nam rồi đấy nhưng rồi được một thời gian lại thấy quay trở lại đây. Cả đời sống trên nhà nổi, thuyền ghe, lênh đênh quen quá rồi bây giờ lên bờ có khi lại ốm. Nghề nghiệp kiếm sống ngoài chài lưới, cá tôm ra người Biển hồ có biết gì khác đâu. Lái thuyền ghe quen rồi lên bờ cầm xe máy đi loạng quạng gây tai nạn giao thông mất mạng suốt đấy".

Vừa nói chuyện vừa như muốn khóc, và rồi ông Miêu khóc thật. Đó là khi ông cầm tấm ảnh người con gái đầu chụp trong ngày cưới 7 năm về trước. Từ đó đến giờ ông chưa có cơ hội gặp lại, chỉ biết qua điện thoại là đã sinh cháu ngoại nay đã đến tuổi đi học rồi.

“Đám cưới nó cũng ở giữa Biển hồ này. Nhà trai chỉ có 2 người, đi xuồng ghe đến rước dâu rồi sau đó vợ chồng chạy vạy về Việt Nam sinh sống. Ở Đồng Nai hay Bình Dương tôi cũng chỉ nghe nói thế chứ nào đã được về Việt Nam bao giờ. Cũng muốn về lắm nhưng không có giấy tờ gì nên về không nổi. Hôm trước có đoàn khách Việt mình qua đây du lịch tôi có hỏi tình hình người Việt ở Biển hồ được bố trí trở bên đấy sống ra làm sao, họ nói là toàn những xóm liều, xóm không quốc tịch, nghe tủi thân lắm”, ông Miêu vén áo lau nước mắt.

(Nguồn: VTC)

NGƯỜI VIỆT VÀ THÙNG TỪ THIỆN Ở ĐỨC

Những chiếc thùng gỗ được viết chữ "thùng từ thiện" rõ ràng, đặt gần các khu chung cư, dành cho bất cứ ai có nhu cầu tìm một món đồ ưng ý

Kéo từ trong thùng từ thiện ra chiếc áo khoác nỉ màu lạc đà đã bạc màu đôi chỗ, anh H. Vũ, sinh sống ở Berlin - Đức, nói: "Chiếc áo khá tốt, dùng được trong mùa đông giá rét năm nay".

Càng đáng chú ý hơn khi theo lời anh Vũ, giá nhiên liệu tăng phi mã khiến việc gồng gánh thêm chi phí lò sưởi làm anh quá sức. Đây cũng là lý do anh quyết định tìm đến thùng từ thiện để kiếm đôi ba chiếc áo khoác dày, tiết kiệm một phần chi phí cho thời gian sắp tới.

"Chiếc túi Doraemon"

Những chiếc thùng từ thiện không phân biệt đối tượng nhận quà. Đó có thể là một người vô gia cư nghèo khó thật sự nhưng cũng có thể là một người không đến nỗi bần cùng, hoặc chỉ đơn giản là một người muốn tiết kiệm tiền mua sắm. "Cũ người mới ta", tìm một món đồ ưng ý miễn phí đôi khi cũng là thú vui của đôi ba người.

Nhưng trong tình hình khó khăn hiện tại, việc tìm những món đồ cũ miễn phí trở thành một trong những giải pháp thức thời.

Trường hợp như anh H. Vũ không phải là hiếm. Gần 10 năm định cư ở Đức với công việc bán cây cảnh, trước đây gia đình anh không đến nỗi vất vả. Ngoài khoản tiền thuê nhà khá cao, 700 euro/ tháng cho căn hộ rộng 50 m2, thì những chi phí sinh hoạt khác không khiến gia đình anh quá bận tâm, bởi hầu hết mặt hàng tiêu dùng cấp thiết hay thực phẩm ở Đức đều được chính phủ trợ giá.

Nhưng nay mọi thứ có nhiều đổi khác, vật giá leo thang vì cuộc xung đột Nga - Ukraine (đặc biệt là giá năng lượng) cộng với tình hình buôn bán không còn thuận lợi do người dân siết chặt chi tiêu khiến cuộc sống của nhiều gia đình người Việt rơi vào cảnh khó khăn.

Công việc làm móng của chị Hương Lưu không tốt như trước vì tiền "boa" giảm đến 80%. Những nhân viên như chị đều trông chờ vào khoản tiền này bởi lương cứng không thấm vào đâu. "Nhưng dường như khách hàng đã bắt đầu bỏ thói quen thưởng thêm cho nhân viên" - chị Lưu ngậm ngùi.

Điều này cũng dễ hiểu bởi trước đây, người ta mua 1 chai dầu ăn với giá 90 cent hay 1,2 euro thì nay giá đã đội lên gần 5 lần, tức 4,5 euro/ chai. Kinh tế khủng hoảng, cuộc sống chật vật thì việc tiết kiệm, chắt bóp trở thành điều kiện tiên quyết để tồn tại!

Chính vì những khó khăn đó mà sự xuất hiện của các thùng từ thiện như chiếc túi thần kỳ của chú mèo máy Doraemon, mang trong mình những chiếc áo thun vải nỉ ấm áp, những chiếc áo khoác không mới nhưng vẫn "xài tốt chán", vài đôi giày lông giữ ấm trong mùa đông giá rét, đôi chiếc quần dài đã cũ nhưng sạch sẽ…

Tất cả đều cần thiết cho ai đó, nhất là trong hoàn cảnh tuyết đã rơi và rất nhiều người không thể nghĩ đến việc sử dụng lò sưởi một cách thoải mái như trước nữa.

Bài học quá khứ

Chị Joey Phan, một cô giáo mầm non ở Đức hơn 10 năm, kể rằng khi còn lay lắt ở Berlin vì chưa có việc làm, cuộc sống bấp bênh bởi số tiền tiết kiệm mang từ quê nhà sang cạn dần, chị đã đến một số nơi nhờ giúp đỡ. Họ đã dẫn chị đến những chiếc thùng từ thiện đáng quý này.

Khi lâm vào hoàn cảnh đói khổ, yếu tố thẩm mỹ không còn là điều đáng lưu tâm, chỉ cần tìm được một món đồ hữu ích đã là may mắn rồi.

Hiểu rõ những chiếc thùng từ thiện này cần thiết thế nào với người chẳng may khốn khó nên hiện tại, cứ 2 tháng/lần, chị Joey Phan lại soạn tủ quần áo của mình, chồng con và chọn những món còn tốt đem đến các thùng từ thiện. Dù chưa từng biết người nhận là ai nhưng chị Joey Phan cảm thấy hạnh phúc. "Tôi tin rằng những món đồ này sẽ là món quà quý giá cho ai đó" - chị bộc bạch.

Kể cả ở một đất nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu như Đức thì không phải ai cũng có cuộc sống đủ đầy. Trong cơn khó ngặt, nếu nhận được sự giúp đỡ của ai đó, cuộc sống sẽ dần thay đổi theo hướng ấm áp hơn.

Có những người tìm đồ thì cũng có những người sẵn sàng chia sẻ những gì mà họ đang có. Nhiều người Việt càng hiểu rằng một hơi ấm trong cái lạnh cắt da cắt thịt quý giá biết bao nhiêu cho những bạn đồng hương nơi xứ xa.

Ở Berlin không thiếu những tổ chức từ thiện chuyên nghiệp đã vươn tay giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhưng những thùng từ thiện nơi công cộng này vừa đáng quý vừa... đáng yêu! Những chiếc thùng từ thiện ấy dù không phát ngôn bất cứ lời nào song lại tỏa ra nguồn năng lượng tích cực và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người.

Tình yêu thương lan tỏa từ những chiếc thùng vô tri vô giác đã đem lại sức lôi cuốn tuyệt vời, khiến ai cũng muốn đóng góp một phần sức mình vào đó.

(Nguồn: Người Lao Động)

NHÂN SỰ VIỆT Ở BIG TECH SINGAPORE: 'LÀN SÓNG SA THẢI ĐƯỢC BÁO TRƯỚC'

(Ảnh minh hoạ).

Trước xu hướng các công ty cắt giảm nhân sự, Lucas Trần (32 tuổi) cho rằng dù ai cũng có thể bị thay thế, ngành Công nghệ chắc chắn không đánh mất sức hấp dẫn.

Năm 2022 là năm chứng kiến hàng chục nghìn lao động làm việc ở lĩnh vực Công nghệ trên thế giới đột ngột mất việc, thành người thất nghiệp khi những "ông lớn" trong ngành như Meta, Amazon, Microsoft nhiều lần đưa ra quyết định sa thải hàng loạt một cách chóng vánh.

Tại Singapore, tập đoàn Sea Limited đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, tương đương 10% lực lượng, chỉ trong vòng 6 tháng, theo Nikkei Asia Review. Kể từ khi Elon Musk tiếp quản Twitter và tiến hành cuộc "thanh lọc nhân sự", các nhân viên công ty làm ở văn phòng Singapore cũng sớm nhận được email cho nghỉ việc.

Đảo quốc sư tử vốn là nơi tập trung các trụ sở, chi nhánh khu vực Đông Nam Á của nhiều công ty, start-up lớn ở châu Á và quốc tế, thu hút đông nhân viên ngành Công nghệ đến làm việc nhờ mức lương cao top đầu và nhiều cơ hội hấp dẫn.

Zing có cuộc trò chuyện với 4 người Việt đang làm việc tại các tập đoàn, công ty hoặc nền tảng thương mại điện tử lớn ở Singapore để hiểu thêm về làn sóng sa thải từ góc nhìn người trong cuộc.

Nhìn thấy từ trước

Với Lucas Trần (32 tuổi), người có hơn 4 năm làm việc trong ngành Công nghệ ở Singapore, làn sóng sa thải của các Big Tech diễn ra đột ngột, nhưng không quá bất ngờ. Theo anh, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến điều này.

Đầu tiên, mỗi năm, ngành công nghệ luôn có những đổi mới kinh doanh, tức là tạo ra dòng tiền mới và cần nguồn nhân lực mới.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng dịch vụ/sản phẩm trong một thời gian mà không tạo ra doanh thu, động thái đầu tiên sẽ là cắt bỏ dòng đầu tư này.

Thứ hai, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhiều nhân viên ở lại với công ty lâu hơn.

“Ví dụ, sau khoảng 2 năm làm việc, người lao động có thể chuyển đổi ở năm thứ 3. Với tỷ lệ thôi việc này, doanh nghiệp cần tuyển thêm nhân sự để bù vào.

Tuy nhiên, với tình hình địa chính trị không ổn định, người cũ nghỉ ít, số lượng người mới lại vượt quá nhu cầu dẫn đến chi phí dành cho hoạt động tăng lên. Trong khi đó, dòng đầu tư mang lại doanh thu không có. Việc cắt giảm một phần nhân sự được dự đoán trước đó”, anh giải thích.

Cuối cùng, là nhân sự theo hợp đồng có thời hạn. Nhóm này được tuyển liên tục trong giai đoạn Covid-19 để thử nghiệm dịch vụ và chạy sản phẩm mới, nhưng không thành công. Họ đa phần được ký kết bằng hợp đồng 1-2 năm hoặc trả lương theo giờ.

Dù vậy, điều đó không có nghĩa là những nhân sự có hợp đồng làm việc toàn thời gian đứng ngoài làn sóng sa thải.

Thời gian qua, một số bạn bè của Lucas làm trong các Big Tech chi nhánh Singapore cũng gặp trường hợp bị thôi việc đột ngột. Họ có thể nhận được khoản bồi thường 3 hoặc 6 tháng tiền lương, tùy vào chế độ của mỗi công ty.

“Phản ứng chung đều là bất ngờ. Với những ai còn độc thân, họ dễ xoay xở hơn vì thu nhập chỉ ảnh hưởng một mình. Nhưng với người là trụ cột gia đình, thậm chí đưa cả vợ và con cái qua nước ngoài, mất việc một cách chóng vánh như vậy gây không ít khó khăn”, anh cho biết.

“Hiện tại, tôi vẫn chưa thấy phản ứng nào hiệu quả trong tình huống này. Có chăng chỉ là nhanh chóng tìm công việc mới thay thế”, anh nói thêm.

Còn với Đăng Dương (27 tuổi), anh khá băn khoăn khi nghe tin tức nhân sự Công nghệ quanh mình bị cho thôi việc xuất hiện ồ ạt. Song, anh cũng nhận thấy trong 2 năm vừa qua, các công ty công nghệ nói chung tăng tốc tuyển người quá nhanh. Việc có được công việc với mức thu nhập tốt là khá dễ dàng, bất kể trình độ.

Sau giai đoạn phát triển quá nóng, cộng với tình hình kinh tế chung, việc các doanh nghiệp này cần cắt giảm chi phí, cụ thể hơn là cắt giảm nhân sự, là khó tránh khỏi.

Độ cạnh tranh tăng cao

Thường xuyên theo dõi tin tức, H.Tuấn (24 tuổi) không sốc hay ngạc nhiên trước việc một loạt "ông lớn" thẳng tay cắt giảm lao động.

Dù ví động thái này giống với cách “thị trường tự cân bằng lại”, anh không phủ nhận chúng dễ “phủ bóng đen” lên lĩnh vực của mình trong một vài năm tới.

Rời Việt Nam từ giữa năm 2022, Tuấn không quá bận tâm đến những biến động của ngành khi đó. Quyết định ra nước ngoài đơn thuần xuất phát từ nhu cầu nhảy việc, tích lũy kinh nghiệm ở môi trường mới.

Ở chỗ làm mới, anh háo hức vì có thêm cơ hội thử thách bản thân, đồng thời chưa muốn dừng ở vị trí hiện tại, mà muốn "lên một level cao hơn" hoặc trải nghiệm thêm một số doanh nghiệp khác về công nghệ ở Singapore.

Thế nhưng, bối cảnh thị trường lao động vào lúc này ít nhiều ảnh hưởng tới mong muốn đó.

Một mặt, độ cạnh tranh khi tìm việc gay gắt thêm bởi nhiều người cùng đua tranh vào một vị trí. Mặt khác, với nguồn ứng viên dư thừa, các công ty có nhiều lựa chọn hơn, dẫn tới lợi thế, vị trí bản thân trong lúc thỏa thuận về lương, công việc mới có khả năng bị sụt giảm.

Song, Tuấn nhấn mạnh những băn khoăn mới chỉ dừng ở mức để anh lưu tâm và cân nhắc, không phải gánh nặng hay áp lực lớn ở thời điểm hiện tại.

"Cảm giác hoang mang chỉ thoáng qua khi tôi chứng kiến một đồng nghiệp bị sa thải đột ngột. Về cơ bản, có lo lắng cũng không giải quyết được những vấn đề không thuộc quyền kiểm soát của mình", anh cho hay.

Thất nghiệp không phải nỗi lo lớn nhất

Với Đăng Dương, nhu cầu về nhân sự công nghệ giảm nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là người có trình độ. Khi kỹ năng và kiến thức tốt, người lao động không cần quá lo lắng về việc bị sa thải.

Dương khẳng định không có sự “bấp bênh” trong ngành Công nghệ bây giờ. Ngoài ra, trong số nhân sự bị sa thải khỏi các công ty công nghệ, lượng kỹ sư chiếm tỷ trọng không lớn.

Hiện tại, điều khiến Dương bận tâm là các khoản lương, thưởng có thể ít hơn so với trước.

“Dù vẫn làm việc bình thường, tôi và nhiều đồng nghiệp đều ý thức được rằng tình hình hiện giờ khó khăn hơn trước. Tôi biết một số trường hợp thuộc diện cắt giảm, nhưng đa phần đều tìm được công việc mới khá nhanh chóng chứ không quá khó khăn”, Dương nói.

Theo Dương, để không rơi vào thế bị động, nhân sự ngành công nghệ cần thực tế hơn, thay vì mơ mộng màu hồng như trước đây.

Từ đó, mỗi cá nhân có thể đưa ra những phương án dự phòng cho mình, về cả tài chính lẫn công việc, để nếu bị cắt giảm cũng có thời gian và tâm trí cho khởi đầu mới.

Tương tự, H.Tuấn cho rằng các "anh em" trong ngành không ở trong trạng thái sợ sệt, mà mang tâm thế sẵn sàng đề phòng cho tình huống xấu.

“Cơ hội việc làm vẫn dồi dào, nhưng điều mọi người quan tâm hơn là chỗ làm mới có đáp ứng đủ kỳ vọng về thu nhập, đãi ngộ, vị trí công việc hay khả năng thăng tiến hay không”, anh chia sẻ.

Chàng trai cũng xác định trước công việc khó hoàn toàn ổn định trong 1-2 năm tới, từ đó vạch trước kế hoạch dự phòng trong trường hợp mọi thứ không như ý muốn.

Trước đó, anh chưa có ý định quan tâm đến chính sách cho nghỉ việc hay quy định dành cho lao động nước ngoài ở nước sở tại. Tuy nhiên, khi làn sóng sa thải diễn ra, Tuấn bắt đầu tìm hiểu thêm về mặt pháp lý, như một bước chuẩn bị cho bản thân.

Mong chờ 'cơn bão' sớm tan

Trước khi sang Singapore làm việc từ đầu năm 2022, Nam Nguyễn (25 tuổi) có biết đến những thay đổi theo chiều hướng xấu diễn ra trong nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Tuy vậy, anh không nghĩ tác động của nó đến ngành Công nghệ lại mạnh mẽ tới vậy.

Mặt khác, Nam cũng đồng tình với nhận định rằng "cú trượt" của ngành chỉ mang tính tạm thời.

Tương lai, công nghệ vẫn có nhiều "đất" giúp ích cho vận hành doanh nghiệp và cuộc sống người tiêu dùng, vì vậy tiềm năng còn rất rộng mở.

“Tôi thấy bạn bè xung quanh có tâm lý lo lắng, nhưng khi hiểu được về xu hướng và dự báo về nền kinh tế thì mọi người vẫn hy vọng ‘cơn bão’ này sẽ sớm tan".

Về phía cá nhân, Nam tiếp tục dành thời gian cải thiện kỹ năng cứng và mềm, học thêm "kiến thức ngành" về các sản phẩm công nghệ có nhiều ứng dụng tới đời sống.

"Đặc trưng của ngành Công nghệ là luôn cải tiến và thay đổi nhanh chóng, do đó cần duy trì học hỏi thường xuyên nhằm không bị tụt lại phía sau. Tôi coi đây mới là những giá trị đi cùng xuyên suốt sự nghiệp và khó bị lung lay bởi giai đoạn ảm đạm hiện giờ", anh bày tỏ.

(Nguồn: Zing News)

THEO CHÂN DU KHÁCH VIỆT ĐI ĐẶT BẪY CUA NÂU Ở NA UY

Cặp vợ chồng người Việt, Đỗ Tuấn Việt và Nguyễn Quý Quỳnh Hạnh, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Espoo, Phần Lan. Vào tháng 5 năm nay, 2 vợ chồng cùng cô con gái nhỏ sang Na Uy – nơi có người chị của Quỳnh Hạnh sinh sống, để đặt bẫy cua và trải nghiệm cuộc sống ngư dân ở một thành phố ven biển, Aalesund.

Cuối tuần rồi, đi đặt bẫy cua thôi!

Qua lời giới thiệu của người chị gái, trong gần 1 tháng trời tại đây, Việt – Hạnh đã được đi đặt bẫy cua tầm 3-4 lần và đó là một trải nghiệm rất là "wow"- theo ngôn ngữ của Hạnh, bởi nó tuyệt vời tới nỗi không có một từ nào để miêu tả cảm xúc của cô.

Đi khỏi Việt Nam khoảng 6 năm nay và mặc dù hai vợ chồng đã đi qua khoảng 20 quốc gia trên thế giới nhưng đi đặt bẫy cua ở Na Uy là một hành trình chưa từng trải nghiệm. "Lần đầu tiên chúng mình bẫy được một con cua nâu to tầm 7-8 lạng thật là quá hạnh phúc, tới nỗi cả nhà tranh nhau chụp ảnh cùng chiến lợi phẩm. Cảm giác giống như là khách nước ngoài tới Việt Nam được tham gia vào cuộc sống của người nông dân Việt. Được đi cấy lúa chẳng hạn"- Hạnh kể lại.

Không đi theo lịch trình của các công ty du lịch, Việt – Hạnh được người chị gái giới thiệu một chuyến đi thực sự hòa mình vào đời sống của người dân bản địa, được sống trọn vẹn với những cảm xúc từ cuộc sống thường nhật của họ mà không phải chỉ là ngắm cảnh đẹp, chụp ảnh check-in hay thưởng thức đặc sản…

Aalesund là một thành phố cảng quan trọng nằm phía trên cùng của đất Na Uy, là một thành phố đẹp hoàn hảo như bức tranh trải dài trên các hòn đảo chạy dài tới Đại Tây Dương và tựa lưng vào núi Sunnmøre hùng vĩ.

Dân cư ở đây không đông đúc và làm ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng có một điểm chung là cuối tuần, vào mùa đặt bẫy tôm, cua, các gia đình lại cùng nhau đi đặt bẫy.

Hầu hết các gia đình đều có bẫy tôm, cua dù to hay nhỏ và ngay từ khi còn nhỏ, một em bé đã được người cha của mình chỉ cho những điểm nào có thể đặt được bẫy. Đó là nơi gần bờ, cạnh các vách núi và có hõm nước sâu, có dòng nước đi qua mang lại nhiều nguồn thức ăn – và nơi đó sẽ là nơi trú ngụ của những chú cua béo mầm.

Một trong những loại mồi yêu thích của loại cua nâu là cá Tuyết đã được ủ hoai cho tới khi… bốc mùi. Mặc dù cá Tuyết câu lên và chế biến ăn rất ngon nhưng chúng ta phải chấp nhận "hy sinh" để làm mồi cho cua nâu. Người dân ở đây giải thích, đó là vì loài cua này rất thích mùi hôi thối.

Một điều rất đáng lưu ý của dân đi đặt bẫy cua nâu Na Uy nữa là: chúng không bao giờ nhắm mắt và cũng chẳng thực sự ngủ. Ban ngày, cua nâu tìm nơi ẩn nấp nhưng đối phó với sự nguy hiểm rình rập khắp các vùng nước lạnh khiến nó không thể chợp mắt. Nhưng không sao, Việt – Hạnh đã được chỉ cách rằng, ban đêm hãy đi thả bẫy, chờ trời sáng tầm sau 6 tiếng đồng hồ, nếu may mắn, bạn sẽ thấy mình là siêu nhân khi mở bẫy ra vài chú cua nâu với những cái chân ngắn tũn đã nằm gọn trong ấy.

Lần đầu tiên, Việt và Hạnh được người dân chỉ tới một chỗ để đặt bẫy cua. Dùng hết sức bình sinh, Việt phải quăng tới 3 lần mới hạ được cái bẫy vào điểm nước sâu. Bình thường một cái bẫy thường nặng 3-4 kg được làm như một chiếc lồng khung sắt có một chỗ để đặt mồi và một đường cho cua vào.

Đương nhiên, với người bản địa thì thường quăng một phát trúng ngay vì dù họ có không biết ăn cua, không thích ăn cua nhưng bộ gen tự nhiên đã quy định: sinh ra và lớn lên ở đây thì phải biết quăng bẫy như thế. Từ bé đã được đi quăng và việc này ngấm vào máu.

Và tổng thể cả chuyến đi Na Uy, Việt – Hạnh đã rất tự hào với thành quả bắt được 15 con cua nâu, ăn không xuể!

Gìn giữ nguồn cua nâu

Mùa đánh bắt chính trong năm kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11, Na Uy quy định chỉ được đánh bắt cua nâu trưởng thành, con không đủ điều kiện phải thả trở lại môi trường và việc này phải được thực hiện bằng các thiết bị đặc biệt để không ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên.

"Vào mùa đánh bắt chính khiến mình cảm thấy hình như gia đình nào cũng lên chợ online để bán cá mồi và cua nâu bẫy được. Rất nhộn nhịp" – Hạnh kể.

Còn với vợ chồng du khách người Việt này thì hấp cua nâu là cách làm dễ nhất, được thưởng thức hải sản tươi sống, thịt cua ngọt, càng to, nhiều thịt lại còn do chính tay mình đặt bẫy được và ăn trong thời tiết lạnh nữa thì đúng là thêm một cảm giác "wow" nữa.

Trước khi sang Na Uy du khách thường được giới thiệu những địa điểm trekking núi đẹp, hay lướt sóng, lặn biển ở đâu… nhưng không nhiều người biết biết lại có trải nghiệm như bẫy cua chẳng hạn. Nhưng giờ thì sau vài lần đi đặt bẫy, Việt – Hạnh có thể tự tin hướng dẫn cho bạn đặt bẫy cua nâu ở Na Uy như một ngư dân lành nghề của Aalesund!

Nếu bạn muốn, hoàn toàn có thể cắm trại bằng võng, lều mượn được miễn phí tại các nhà thờ và qua đêm ngay ở gần bờ biển để sáng mai dậy là có thể vớt bẫy cua!

Việt – Hạnh rất muốn hè 2023 sẽ sang Aalesund tiếp bởi mỗi lần đi bẫy cua về, cảm giác lại yêu thiên nhiên hơn và thật là ghen tị với người Na Uy được sống gần thiên nhiên, sống với những nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhưng cũng rất biết cách gìn giữ cho thế hệ mai sau.

"Có lần đi đặt bẫy, mình gặp một cậu bé con. Dù nhỏ tuổi nhưng cậu ấy đã hiểu một việc rằng: ở đây, thế hệ trước nói với thế hệ sau cách bảo tồn nguồn hải sản như thế nào và ý thức đó được thực hiện một cách nghiêm ngặt dù không có mặt của lực lượng chức năng. Sang Na Uy, mình cũng cảm thấy biết ơn họ với cách bảo tồn như thế và đương nhiên rồi, khách du lịch cũng sẽ thấy cần phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn nguồn hải sản ở đó luôn luôn như thế này"- Việt chia sẻ.

(Nguồn: Tổ Quốc)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Cờ Việt ở World Cup; Trao giải cuộc thi HH ở HQ; Nhà soạn nhạc tài năng; Phản ứng với Vinfast ở Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang