- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Những lớp học tiếng Việt tại Lào không chỉ là nơi gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho cộng đồng người Việt xa xứ, mà còn là nhịp cầu văn hóa, giúp người Việt và người Lào thêm gần gũi. Đằng sau mỗi con chữ là nỗ lực không ngừng nghỉ của những người gieo chữ, mang trong mình sứ mệnh vun đắp tình hữu nghị hai dân tộc.
Thầy giáo trẻ gieo chữ Việt trên đất Lào
Đến với Trường Tiểu học Thống Nhất (thị xã Thakhek, tỉnh Khammuane, Lào), từ xa chúng tôi đã nghe được tiếng giảng bài đặc sệt vùng Quảng Bình của một thầy giáo hòa với tiếng trẻ râm ran học đánh vần tiếng Việt. Đó là giọng của thầy Trương Văn Phương (sinh năm 1987) - người 14 năm qua vẫn miệt mài với hành trình “cõng” tiếng mẹ đẻ sang dạy cho con em cộng đồng người Việt sinh sống tại nước bạn Lào.
Chia sẻ về cơ duyên đến với đất nước Triệu Voi, thầy Phương kể, năm 2011, tỉnh Quảng Bình thông báo tuyển giáo viên sang Lào dạy học. Thầy đăng ký tham gia nhưng trong lòng vẫn đắn đo bởi nỗi lo về cuộc sống xa nhà. Tuy nhiên, sự ủng hộ, động viên từ gia đình đã giúp thầy có thêm động lực để vững tâm vượt qua những khó khăn khi khăn gói “chân ướt chân ráo” sang Lào.
Trong quá trình giảng dạy, thầy Phương nhận thấy khó khăn lớn nhất là giao tiếp ngôn ngữ giữa thầy và trò. Nguyên nhân là bởi con em người Việt ở đây đã là thế hệ thứ 5, thứ 6, vốn tiếng Việt rất ít, hàng ngày chủ yếu đều sử dụng tiếng Lào. Để tạo sự kết nối, tăng tính hấp dẫn, hiệu quả cho bài giảng, thầy Phương đã áp dụng phương pháp vừa học vừa chơi.
“Xuyên suốt buổi học, tôi thường sử dụng các hình ảnh phù hợp với bài giảng hoặc ngôn ngữ cơ thể để các em dễ hiểu hơn. Như khi dạy về chữ “bé” thì phải đưa hình ảnh của các em bé hay khi dạy phát âm “dấu hỏi” trong từ “giỏ cá” thì phải có hình ảnh cái giỏ. Đồng thời phải tạo không khí thoải mái, giúp các em tự tin phát âm, trả lời câu hỏi thì mới dễ dàng tiếp thu kiến thức”, thầy Phương nói.
Những lúc rảnh rỗi, thầy Phương tự học thêm tiếng Lào, tìm hiểu về văn hóa đời sống của người dân bản địa hay học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô đi trước. Từ đó cải thiện cách làm để mỗi lần lên lớp có thể giúp các trò tiếp thu bài giảng nhanh, dễ hiểu và bổ ích nhất.
Thầy Phương bộc bạch: “Nghề giáo là một nghề thiêng liêng và đặc biệt hơn là giáo viên Việt Nam sang giảng dạy ở đất nước bạn có ý nghĩa trong việc gìn giữ tiếng Việt cho nhiều thế hệ con em người Việt. Chính mong muốn đem tiếng Việt vươn rộng ra thế giới và tinh thần ham học, khát chữ của các em học sinh đã tạo động lực để tôi ở lại Khammuane”.
Hơn 10 năm công tác tại Lào, thầy giáo trẻ Trương Văn Phương là tấm gương có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy tiếng Việt, được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh Khammuane, tỉnh Quảng Bình, Tổng lãnh sự quán… Về những dự định sắp tới, thầy Phương đang ấp ủ mở một trung tâm dạy tiếng Việt nâng cao, chuẩn bị hành trang cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại Lào có mong muốn sang Việt Nam học tập.
Tiếp tục hành trình lan tỏa tình yêu tiếng Việt
Giống với thầy Phương, trên mảnh đất Lào còn rất nhiều những tấm lòng mong muốn gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau. Dù bận bịu với công việc hàng ngày tại Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt, chị Đinh Thị Phương Loan, Việt kiều sinh sống tại thủ đô Vientiane vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để hàng tuần đến với lớp tiếng Việt miễn phí. Lớp học do Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane và Chùa Phật Tích phối hợp tổ chức.
Từng có kinh nghiệm giảng dạy tại Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, chị Loan cho rằng, việc mở thêm các lớp tiếng Việt là rất cần thiết bởi học tiếng Việt giúp các cháu hiểu thêm văn hóa Việt, tiếp tục gìn giữ các truyền thống tốt đẹp của người Việt và không quên nguồn cội. Đặc biệt, lớp học không chỉ có các học viên Việt đăng ký học tập mà còn có khá đông học sinh người Lào.
Đối với sư thầy Douangsamay Khamphoumi, tiếng Việt giúp ông giao tiếp được với người Việt, tìm hiểu được các nét văn hóa, phong tục tập quán và nhiều điều khác từ nước bạn Việt Nam. Do vậy việc học tiếng Việt là điều cần thiết và quan trọng. Nhờ tham gia lớp học tiếng Việt miễn phí tại Chùa Phật Tích, ông đã có thể hiểu và giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt. Thời gian tới ông mong muốn sẽ tiếp tục học nâng cao để thành thạo tiếng Việt hơn nữa.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane cho biết, nhờ sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Chùa Phật tích, Hội người Việt Nam ở thủ đô Vientiane và sự ủng hộ của cộng đồng, lớp học hiện duy trì 3 buổi/tuần với các khóa học tiếng Việt kéo dài 3 tháng. Các học sinh khi đến với lớp học không những không phải đóng tiền mà còn được cung cấp miễn phí tài liệu, sách, vở viết.
Ban tổ chức cũng thành lập Tủ sách tiếng Việt phục vụ miễn phí bà con kiều bào và các bạn Lào. Tủ sách được đặt ngay trong không gian các lớp học với nhiều đầu sách, trong đó có những cuốn sách, truyện, đặc san song ngữ Việt - Lào, giúp người đọc hiểu hơn về quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước.
Theo chị Huyền, những lớp học tiếng Việt không chỉ giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở Lào gìn giữ và phát huy tiếng Việt mà còn giúp những người nước ngoài có thêm tình yêu với tiếng Việt, hiểu thêm về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Từ đó góp phần lan tỏa các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt, xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.
Để góp phần xây dựng thành công những lớp học này không thể không kể đến sự nhiệt tình và tâm huyết của các giáo viên chuyên và không chuyên là người Việt đến từ cộng đồng. Những tấm gương ấy không chỉ mang trên vai trách nhiệm truyền dạy tiếng Việt, mà còn làm sống dậy giá trị văn hóa, tạo nên nhịp cầu kết nối hai dân tộc. Họ là biểu tượng của tình hữu nghị, đưa tiếng Việt trở thành phương tiện giao lưu, gắn bó con người Việt Nam và Lào
Trong 16 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary đã thực hiện tốt việc phối hợp hoạt động hiệu quả cho các chi hội thành viên, đại diện cho cộng đồng người Việt Nam.
Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary mới đây đã tổ chức đại hội lần thứ 3 (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là kỳ đại hội có quy mô lớn nhất của các hội đoàn người Việt Nam.
Cộng đồng Việt Nam tại Hungary được đánh giá là một cộng đồng đoàn kết, thuần hậu, hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có những đóng góp đáng khích lệ cho nước bạn và cho tình hữu nghị truyền thống và tốt đẹp giữa hai đất nước, hai dân tộc, đồng thời luôn hướng về quê hương đất nước.
Đại hội đã tiếp đón các vị khách Hungary, như nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Simicsko Istvan, lãnh đạo đảng Nhân dân dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP) thuộc Liên minh cầm quyền Hungary, đồng Chủ tịch Ủy ban Hữu nghị Hungary-Việt Nam và Ủy ban Hữu nghị Hungary -Đông Nam Á của Quốc hội Hungary; Thượng tướng về hưu Botz Laszlo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Hungary-Việt Nam.
Tham dự sự kiện về phía Việt Nam có Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary; ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; lãnh đạo Liên hiệp hội Người Việt Nam tại châu Âu; lãnh đạo các Hiệp hội người Việt Nam tại các quốc gia lân cận cùng một số vị khách mời khác cũng tới dự với gần 160 đại biểu của cộng đồng người Việt Nam tại Hungary.
Đại hội khóa 3 của Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary được mở đầu bằng các tiết mục văn nghệ chào mừng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của các câu lạc bộ Nghệ thuật Sen Việt, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, Hội Thiện nguyện EMVE và Đoàn Nghệ thuật Thăng Long.
Những tà áo dài Việt Nam cùng những trang phục truyền thống trong hai tiết mục múa "Đêm hoa đăng" và "Thư pháp," giai điệu "Xa khơi" và múa "Một vòng Việt Nam" đã được các đại biểu và khách mời đón nhận nồng nhiệt.
Phát biểu chào mừng đại hội và đánh giá những nỗ lực trong 7 năm qua kể từ Đại hội khóa 2 của Hiệp hội, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo nhắc lại nhận định của giới lãnh đạo Hungary, khẳng định cộng đồng Việt Nam tại Hungary là một cộng đồng đoàn kết, thuần hậu, hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có những đóng góp đáng khích lệ cho nước bạn và cho tình hữu nghị truyền thống và tốt đẹp giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Thay mặt phía Hungary, ông Simicsko Istvan bày tỏ niềm vui và vinh dự khi được mời tới dự một sự kiện quan trọng của cộng đồng người Việt Nam, một đất nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức đáng phục trên thế giới.
Ông cũng chia sẻ rằng nhờ đường lối ngoại giao "Hướng Đông" của Chính phủ Hungary, hai nước có hướng phát triển khá đồng điệu, có mối quan hệ mật thiết mà cộng đồng người Việt Nam đóng vai trò không nhỏ.
Trong báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2017-2024, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Quý Dương cho biết mục tiêu hoạt động của Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary là giúp đỡ cộng đồng hội nhập sâu rộng vào xã hội Hungary, đồng thời góp phần củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai dân tộc Việt Nam-Hungary; giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp Việt Nam trên lãnh thổ Hungary; động viên bà con tham gia đóng góp xây dựng nước sở tại cũng như luôn hướng về quê hương, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam bằng trí lực, sức lực, tiền tài...
Điểm lại nhiệm kỳ 2017-2024, mặc dù trải qua giai đoạn rất gian nan do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine, Hiệp hội đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, triển khai nhiều hoạt động có chiều sâu và chuyên nghiệp cho cộng đồng. Nổi bật là các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao... nhằm gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa giá trị tốt đẹp của dân tộc; các đợt quyên góp giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai, dịch bệnh ở quê nhà.
Hiệp hội cũng luôn mở rộng vòng tay để giúp đỡ những người Hungary khó khăn, trong đó có chương trình tặng quà mùa Giáng sinh thường niên cho các cơ sở hưu trí, trường thiếu nhi khuyết tật và mồ côi.
Hiệp hội đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao vị thế và uy tín cộng đồng, như lập hồ sơ trích 1% thuế thu nhập cá nhân từ người lao động Việt Nam tại Hungary thành công, tạo ra nguồn thu cho Quỹ Hiệp hội.
Hiện tại, Hiệp hội cũng đang nộp hồ sơ nhằm đề nghị Chính phủ Hungary công nhận cộng đồng gốc Việt là một dân tộc thiểu số ở Hungary. Nhiều thành viên Hiệp hội đã tham gia và trúng cử vào các vị trí chủ chốt các tổ chức trong nước và quốc tế.
Tại đại hội, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary cũng đã nêu ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới, thông qua điều lệ sửa đổi và bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2024-2029 với 42 ủy viên, trong đó có nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ thứ hai của cộng đồng Việt Nam tại Hungary.
Ra đời vào tháng 4/2008, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary là một tổ chức có tư cách pháp nhân được Tòa án Hungary công nhận. Trong 16 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội đã thực hiện tốt việc phối hợp hoạt động hiệu quả cho các chi hội thành viên, đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Hungary.
Ông Derek Trần hơn bà Michelle Steel 102 phiếu bầu trong cuộc đua giành ghế Dân biểu liên bang Hoa Kỳ đại diện cho Địa hạt 45 ở bang California, theo kết quả kiểm phiếu chiều 18/11, giờ địa phương.
Trong 94% các lá phiếu đã được kiểm, nam ứng cử viên gốc Việt thuộc đảng Dân chủ nhận được 153.824 phiếu so với 153.722 phiếu của nữ ứng cử viên gốc Hàn thuộc đảng Cộng hòa, trang web chính thức về bầu cử ở California cho biết.
Đến nay, hai ứng cử viên này đã bám đuổi nhau ráo riết, tạo sự hồi hộp trong 2 tuần qua. Thậm chí có những cư dân địa phương dùng từ “đau tim” để mô tả về cuộc đua này.
Vào những ngày đầu kiểm phiếu, đã có lúc bà Michelle Steel hơn ông Derek Trần cả 1,3 nghìn phiếu, rồi giảm xuống vài trăm phiếu, nhưng cuối tuần trước, ứng cử viên gốc Việt đã đảo ngược tình hình, dẫn trước nữ đối thủ của mình 36 phiếu và giờ đây càng nới rộng thêm khoảng cách.
Văn phòng vận động bầu cử của ông Derek Trần ra thông cáo hôm 18/11 bày tỏ sự lạc quan và khuyến khích mọi người kiên nhẫn chờ đợi trong lúc quá trình kiểm phiếu còn đang tiếp diễn. VOA liên lạc với phía bà Michelle Steel để ghi nhận bình luận, nhưng chưa được hồi âm.
Địa hạt 45 gồm Quận Los Angeles và Quận Cam, nơi có 3 thành phố đông cư dân gốc Việt sinh sống nhất tại Nam California là Garden Grove, Westminster, và Fountain Valley.
Theo dữ liệu của Bang vụ khanh California, khoảng 37% cử tri đăng ký là người theo đảng Dân chủ, 33% theo đảng Cộng hòa và 24% không thiên về đảng phái nào.
Về tổng thể, California lâu nay là một bang “xanh”, đồng nghĩa bang này chủ yếu ủng hộ các ứng cử viên của đảng Dân chủ. Nhưng riêng quận Cam, với khoảng 1 triệu 870 ngàn cử tri ghi danh bỏ phiếu, lại là quận “đỏ” nhiều năm nay, hay nói cách khác, thường bỏ phiếu cho người của đảng Cộng hoà.
Kết quả cuộc cạnh tranh giữa hai ông bà Derek Trần và Michelle Steel chưa ngã ngũ sau gần nửa tháng kể từ ngày bầu cử đã dẫn đến những thắc mắc.
Đáp lại, ông Bob Page, Giám đốc Văn phòng Bầu cử Quận Cam, lưu ý rằng những cử tri bỏ phiếu qua thư được đóng dấu bưu điện để gửi đi lá phiếu của họ muộn nhất là lúc 8h tối của Ngày bầu cử 5/11, cũng là giờ đóng cửa các điểm bỏ phiếu.
Nhưng California có một số khác biệt ở so với các bang khác ở Mỹ, ông nói thêm với VOA: “Sau đó, bưu điện có 7 ngày để gửi những lá phiếu đó cho chúng tôi … Và trong cuộc bầu cử này, California cho phép cử tri có 26 ngày sau Ngày bầu cử để giải quyết khiếu nại chữ ký đối với lá phiếu của họ. Trong khi các bang khác có thể chỉ cho 3 ngày, hoặc một khoảng thời gian rất ngắn”.
“California đặt ưu tiên cho quyền tiếp cận và sự tham gia của cử tri, và chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi kiểm đếm chính xác mọi lá phiếu và bất kỳ lá phiếu đủ điều kiện nào cũng sẽ được tính trong kết quả”, Giám đốc Văn phòng Bầu cử Quận Cam nhấn mạnh.
Với mức chênh lệch phiếu bầu rất ít ỏi, nhiều cử tri, các cơ quan truyền thông và nhân viên thuộc các văn phòng vận động bầu cử đã tới quan sát việc đếm phiếu ở Quận Cam. Trung bình khoảng 100 người tới đây mỗi ngày, và họ có quyền quan sát đến phút cuối cùng của ngày làm việc tại Văn phòng Bầu cử Quận Cam.
Ông Page, người đứng đầu văn phòng này, cho VOA biết cơ quan của ông đang bắt đầu đợt kiểm toán đầu tiên và giải thích thêm: “Chúng tôi sẽ kiểm phiếu bằng tay. 50.000 lá phiếu được chọn ngẫu nhiên để xác nhận tính chính xác của hệ thống bỏ phiếu. Chúng tôi sẽ kiểm phiếu bằng tay mọi lá phiếu tại 85 khu vực bỏ phiếu, và số đó là khoảng 50.000 lá phiếu sẽ do bốn nhóm người kiểm phiếu bằng tay, để xem liệu có đảm bảo kết quả của hệ thống bỏ phiếu là chính xác hay không”.
Thực tế cho thấy, khi một cuộc bỏ phiếu có kết quả quá sít sao, thường có người yêu cầu kiểm phiếu lại.
Vị giám đốc Văn phòng Bầu cử Quận Cam dẫn ra luật của California xác nhận rằng bất kỳ cử tri nào trong địa hạt bầu cử đều có thể yêu cầu và trả tiền để kiểm phiếu lại. “Luật tiểu bang không có điều khoản quy định việc tự động kiểm phiếu lại”, vẫn lời ông.
Nguồn: VTV4; Việt Báo; VOA
Người Việt hải ngoại: Gây tai nạn, người phụ nữ bị kiện ở Mỹ; Tỷ phú bị người mẫu Mỹ kiện; Vụ Đàm Vĩnh Hưng kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền
Người Việt hải ngoại: Đêm lo lắng tại Hàn Quốc; Cơ hội vàng cho chuyên gia AI Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Người Việt hải ngoại: Phở vươn tầm thế giới; 38 người ‘mất tích’ ở đảo Jeju; Làm giả thẻ My Number ở Nhật; Ngọc Quyên đón Noel ở Mỹ
Người Việt hải ngoại: ‘Chào tân sinh viên’ tại Nga; Chàng trai Pháp tìm mẹ ruột ở Bắc Kạn; Một quản lý bị bắt ở Lào
Người Việt hải ngoại: Kịch tính bầu cử ở Mỹ; Người đầu tiên thắng giải TechWomen 100; Đột nhập nhà dân, 3 người bị bắt ở Ibaraki
Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ trẻ em tại Hungary; Phó giáo sư tại Nam Úc; Derek Trần tuyên bố chiến thắng; Du học sinh khiếu nại công ty Nhật
Người Việt hải ngoại: Đại hội bóng đá tại Nhật; Cô gái Pháp tìm thấy mẹ ruột; Nữ nghệ sĩ guitar làm say đắm công chúng Bỉ
Người Việt hải ngoại: Chi đậm cho lễ Tạ ơn; ‘Hoa văn hóa’ tại Úc; Nữ khoa học gia cấp cao ở Mỹ; 4 điểm tập kết trộm cắp tại Nhật
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá