- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Trao đổi riêng với Dân Việt ngày 25/9, ông Chady Issa, Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Lebanon cho biết, đến nay, không có báo cáo nào về thương tích trong số công dân Việt Nam tại Lebanon, mặc dù tình hình vẫn tiếp tục xấu đi do cuộc xung đột đang diễn ra.
Theo Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Lebanon, hiện tại, có khoảng một chục công dân Việt Nam còn lại ở nước này. Ông cho biết, trước cuộc khủng hoảng tài chính và các cuộc phản đối diện rộng cuối năm 2019, đã có hơn 200 người Việt ở Lebanon.
Tuy nhiên, tình trạng suy thoái kinh tế, kết hợp với các xung đột gần đây, đã khiến nhiều người rời đi. Những người Việt còn lại ở Lebanon chủ yếu là các nữ tu Công giáo, người lao động gia đình, nhân viên các trường đào tạo thẩm mỹ và nhân viên nhà hàng.
Để hỗ trợ người Việt tại Lebanon khi xung đột giữa Israel và Hezbollah gia tăng gần đây, ông Chady Issa cho biết: "Văn phòng Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam đã hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập thiết lập một nhóm liên lạc trên ứng dụng WhatsApp và một đường dây nóng 24/24 (+96170229300) để cung cấp hỗ trợ và trợ giúp ngay lập tức".
"Đối với những người cần di dời, chúng tôi đã sắp xếp chỗ ở an toàn xa khu vực xung đột, cung cấp thực phẩm và nơi trú ẩn cần thiết. Chúng tôi cũng đã hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận, các công ty luật và chính quyền địa phương để đảm bảo hỗ trợ toàn diện cho cộng đồng trong những thời điểm khó khăn này" - ông nói.
Theo ông Chady Issa, đến nay, không có báo cáo nào về thương tích trong số công dân Việt Nam tại Lebanon, mặc dù tình hình vẫn tiếp tục xấu đi do cuộc xung đột đang diễn ra.
"Chúng tôi duy trì liên lạc chặt chẽ với cộng đồng thông qua trang Facebook của chúng tôi và nhóm WhatsApp. Chúng tôi đã thông báo cho mọi người về sự có mặt của chỗ ở an toàn và sẵn sàng phản ứng nhanh chóng nếu ai cảm thấy không an toàn" - ông nói.
"Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn và phúc lợi cho cộng đồng người Việt tại Lebanon" - Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam Chady Issa nhấn mạnh.
Tình hình an ninh tại Lebanon đã xấu đi thời gian qua, sau vụ nổ hàng loạt thiết bị liên lạc trên cả nước nhằm vào các thành viên lực lượng Hezbollah khiến hàng chục người chết, hàng nghìn người bị thương. Vụ việc được cho là do tình báo Israel thực hiện, tuy nhiên phía Israel không lên tiếng.
Tiếp đó đầu tuần qua Israel đã tấn công quy mô lớn nhằm vào lực lượng Hezbollah ở miền nam Lebanon gần biên giới Israel, ngoại ô thủ đô Beirut và gần biên giới với Syria khiến hàng trăm người chết, hơn 1.000 người bị thương.
Hezbollah đã đáp trả với nhiều vụ tấn công tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự của Israel.
Trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang nguy hiểm và có nguy cơ mở rộng trong khu vực, hôm 23/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon đã ra thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lebanon rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Đại sứ quán khuyến cáo công dân trong nước dự định đến Lebanon cần dừng/hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Đối với công dân đang sinh sống và làm việc tại Lebanon, trong trường hợp bất khả kháng không thể rời khỏi Lebanon, bà con cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao diễn biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở sở tại, hạn chế tối đa tụ tập nơi đông người và tuyệt đối không đến gần biên giới Lebanon - Israel, khu vực phía Nam thủ đô Beirut và khu vực phía Bắc gần biên giới với Syria.
Đại sứ quán khuyến cáo bà con cần tìm nơi tạm trú ở những vùng an toàn hơn và có phương án dự trữ thực phẩm, thuốc men đề phòng tình huống xấu.
Đại sứ quán tiếp tục theo dõi và giữ liên lạc chặt chẽ với bà con để chuẩn bị các phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp. Đại sứ quán cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan hữu quan trong trường hợp cần sơ tán hay bảo hộ công dân từ Lebanon.
Khi bị mắc kẹt trên núi Matterhorn, anh Tùng bấm điện thoại gọi cho cứu hộ, quấn cờ tổ quốc quanh người để giữ ấm thêm và đứng chờ 31 giờ trong bão tuyết.
"Tôi mơ ước từ rất lâu về kế hoạch chinh phục ngọn núi này", anh Nguyễn Thanh Tùng, 39 tuổi, sống tại thành phố Mine, Đức, nói với VnExpress sau chuyến leo núi Matterhorn, phía tây Thụy Sĩ. Anh là một trong hai người Việt bị mắc kẹt và được đội cứu hộ vùng Zermatt giải cứu thành công sáng 24/9.
Anh Tùng từng leo rất nhiều ngọn núi ở Đức và có kinh nghiệm 7-8 lần leo ở Thụy Sĩ. Matterhorn thuộc dãy Pennine Alps, có độ cao 4.478 m, là một trong những đỉnh núi anh yêu thích.
Matterhorn được ví như "viên ngọc quý của dãy Alps Thụy Sĩ", "thiên đường dành cho người yêu thiên nhiên" và là địa điểm leo núi nổi tiếng hút khách nhất châu Âu. Đỉnh núi nằm giữa thị trấn Zermatt, bang Valais phía tây Thụy Sĩ và khu nghỉ mát Breuil-Cervinia, Italy.
Sau một thời gian tìm hiểu thông tin về ngọn núi, phương thức leo cũng như rèn luyện thể lực, anh Tùng cùng một người bạn lái xe từ Đức đến Thụy Sĩ để chinh phục Matterhorn.
Hai du khách Việt đến Thụy Sĩ vào tối 20/9 và nghỉ đêm tại làng Zermatt nằm dưới chân núi. 9h30 ngày 21/9, họ bắt đầu đi bộ lên núi. Cả hai đến Hörnli Hut, lán trung chuyển nằm trên núi Matterhorn ở độ cao 3.200 m lúc 18h30 và nghỉ đêm tại đây để bắt đầu hành trình lên đỉnh vào 4h15 hôm sau.
11h30 ngày 22/9, anh Tùng và bạn đã leo đến độ cao 4.150 m. Khi cách đỉnh gần 400 m, họ quyết định trở xuống vì nhận định cố leo hết thì quay lại quá muộn, sẽ không an toàn. Theo tính toán của anh Tùng, họ sẽ về đến lán Hörnli Hut vào buổi tối.
Khi xuống tới độ cao 3.700 m, trời bắt đầu có mưa tuyết. Tuyết rơi ngày càng dày, lấp hết đường đi khiến anh Tùng không tìm được lối xuống. Trời tối nhanh, nhiệt độ xuống thấp và bão tuyết vẫn không có dấu hiệu dừng. Anh Tùng lấy điện thoại và bấm số cứu hộ SOS. Tuy nhiên, thời điểm đó trạm cứu hộ Zermatt đã hết giờ làm việc. Anh không gặp được nhân viên mà chỉ nghe được đoạn thông tin ghi âm sẵn. Sau đó, anh lên mạng tra cứu thì biết được trạm chỉ làm việc từ 7h đến 17h30 hàng ngày.
Họ đành đứng đợi một đêm trên núi, nép vào vách đá để tránh gió, chờ đến sáng hôm sau gọi cứu hộ. Anh Tùng cho biết vì xác định leo núi tuyết nên đã trang bị đầy đủ quần áo, phụ kiện. Anh mặc ba áo và hai quần chuyên dụng giữ nhiệt. Tuy nhiên, chân tay anh vẫn bị tê cóng do bão tuyết và mưa lớn, đôi giày cổ cao chuyên dụng đã bị rơi mất trên đường lên, chỉ còn đôi giày cổ thấp.
Nam du khách cho biết luôn cảm thấy tự hào là người Việt Nam, nên mỗi khi đi leo núi hoặc đi du lịch thường mang theo cờ tổ quốc, loại cờ vải nilon, có khả năng giữ ấm, chắn gió. Lần leo Matterhorn này cũng không ngoại lệ. Và nhờ quấn cờ tổ quốc quanh người, anh được hỗ trợ chống lại gió lạnh của bão tuyết, tránh "chết cóng".
6h ngày 23/9, nam du khách gọi điện lại cho cứu hộ Zermatt. Họ hướng dẫn anh gọi 144, số cứu hộ trực thăng của công ty Air Zermatt để nhanh chóng được đưa xuống núi. Tuy nhiên, phía cứu hộ cho biết bão tuyết và thời tiết xấu, trực thăng không thể bay. Họ hướng dẫn hai du khách Việt hít thở sâu, giữ bình tĩnh, giữ ấm điện thoại trong người để không bị tắt nguồn và để ý các cuộc gọi đến. Đội cứu hộ cách 30 phút đến một tiếng lại gọi lại một lần để cập nhật tình hình cho hai du khách.
"Chúng tôi mặc đủ ấm nên chỉ bị ướt lớp áo ngoài cùng", anh Tùng nói thêm. Trong thời gian chờ đội cứu hộ đến cứu, cả hai đều đói. Họ mang theo đồ ăn nhưng hoa quả, bánh trái đều bị đông thành đá trong bão tuyết.
Cổ họng khô rát, anh Tùng bốc một ít tuyết ăn cho đỡ khát. "Tôi ăn được ba chiếc kẹo để cầm cự", anh Tùng cho biết.
Khi đội cứu hộ gọi đến để cập nhật tình hình, họ thông báo nếu thời tiết vẫn xấu, hai du khách sẽ phải đợi đến ngày hôm sau. "Tôi trả lời họ không thể đợi thêm nữa, vì chúng tôi đã đứng chờ trong bão tuyết quá lâu rồi", anh Tùng nói.
12h cùng ngày, phía cứu hộ thông báo họ đã cử ba người giỏi nhất đi tìm kiếm và yêu cầu anh gửi thông tin tuyến đường. Chỗ nam du khách bị mắc kẹt chỉ cách lều Hörnli Hut 190 m. Ba chuyên gia xuất phát từ 13h và tìm thấy anh Tùng cùng bạn lúc 14h25. Sau đó, cả đoàn gồm 5 người tiếp tục đu dây thêm hai tiếng nữa để leo xuống Hörnli Hut. 19h, họ đã an toàn ở Hörnli Hut và vào trong lều thay quần áo ấm.
2h ngày 24/9, thời tiết thuận lợi để trực thăng cất cánh, anh Tùng và đoàn đi cùng được trực thăng đón xuống làng Zermatt, kết thúc hành trình giải cứu 14 tiếng. Tổng thời gian anh Tùng và bạn bị mắc kẹt trên núi đến khi xuống núi là 31 tiếng.
"Khi được đưa xuống Hörnli Hut, tôi mới gọi điện thông báo cho vợ về sự cố bị mắc kẹt", anh Tùng nói.
Tại sân đáp trực thăng, bác sĩ đi cùng đoàn cứu hộ đã kiểm tra sức khỏe của hai du khách. Họ được xác định đều khỏe, chân tay chỉ bị bầm tím đôi chỗ do va đập vào đá lúc được giải cứu. Anh Tùng nghỉ ngơi đôi chút rồi tiếp tục lái ôtô 12 tiếng để về Đức.
Nói về thông tin báo Krone, một trong những báo lớn nhất tại Áo, chỉ trích hai du khách Việt "đã quá bất cẩn khi không trang bị đồ bảo hộ an toàn khi đi leo núi", anh Tùng phủ nhận. Anh cho biết đã mang theo 20 kg đồ leo núi và để lại tại Hörnli Hut, chỉ mang theo ba lô nhỏ đựng quần áo cần thiết, đồ ăn khi leo lên đỉnh. Về thông tin đi giày leo núi không đạt chuẩn, anh Tùng nói mang theo hai đôi giày leo núi: cổ thấp và cổ cao. Đôi cổ cao rất nặng, dùng để leo những đoạn tuyết rơi dày. Đôi cổ thấp dùng để leo địa hình còn lại. Trong lúc leo núi, anh bị rơi mất đôi giày cổ cao.
"Lúc đội cứu hộ tìm thấy, tôi đang đi đôi giày cổ thấp nên họ bị bất ngờ", anh Tùng nói.
Anh Tùng cho biết Air Zermatt chưa gửi hóa đơn chuyến giải cứu lần này, nhưng anh ước chừng chi phí vài nghìn euro. Hiện tại, sức khỏe của anh Tùng và người bạn đi cùng đã ổn định. Nam du khách cho biết vợ anh không muốn chồng tiếp tục leo núi nữa.
Anh nói nếu du khách khác rơi vào hoàn cảnh mắc kẹt tương tự, điều nên làm là hít thở sâu, giữ bình tĩnh và gọi cứu hộ cũng như giữ cho điện thoại không hết pin. Lần đầu tiên gặp sự cố, anh không thấy sợ hãi, ngay cả khi đứng 7 tiếng trong đêm bão tuyết.
"Nếu leo cung khó, nguy hiểm, tốt nhất nên thuê hướng dẫn viên leo núi đi cùng và đừng quên rèn luyện thể lực", anh Tùng rút ra kinh nghiệm.
Bộ phim Hàn Quốc “Đố anh còng được tôi” gây bất ngờ với sự góp mặt của một diễn viên Việt Nam trong nhiều phân cảnh quan trọng.
Bên cạnh dàn diễn viên đình đám xứ Hàn: Hwang Jung Min, Jung Hae In, Jang Yoon Ju, bộ phim "Veteran 2" hay còn gọi là "I, the Executioner" (tựa Việt: Đố anh còng được tôi) còn có sự tham gia của nữ diễn viên Việt Nam Tuệ Minh.
Trong phim, Tuệ Minh vào vai một cô gái người Việt Nam sang Hàn Quốc sinh sống. Đột nhiên, có một biến cố xảy ra khiến cô phải nhờ đến sự trợ giúp của cảnh sát. Đây là nhân vật mấu chốt giúp cảnh sát truy tìm ra được hung thủ và phá những vụ án trước đó.
Chia sẻ về cơ duyên đến với vai diễn đặc biệt này, Tuệ Minh cho biết: "Tôi bất ngờ nhận được lời mời từ một công ty chuyên casting các dự án nước ngoài ở Việt Nam. Tôi đã chần chừ tham gia vì nghe nói đây là vai diễn về một cô gái Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc. Tôi tự nhận biết là gương mặt mình không quá thuần Việt để đảm nhận vai diễn này.
Tuy nhiên, tôi nghĩ: ‘Thôi cứ đi casting cho biết phía Hàn Quốc người ta làm việc thế nào?’. Rồi tôi mang tâm trạng thoải mái, biết chắc sẽ ‘rớt’ để đi casting. Ai ngờ đâu mình lại vượt qua vòng 1, vòng 2, vòng 3 và có mặt trên bộ phim như hiện tại".
Vì là một nhân vật mấu chốt giúp giải quyết vấn đề trong phim, nên thời lượng Tuệ Minh xuất hiện khá nhiều và có những phân đoạn đòi hỏi cao về kỹ năng diễn xuất. Đặc biệt, những cảnh quay của cô phần lớn đều có sự tương tác với hai diễn viên chính là Hwang Jung-min và Jung Hae-in trên phim trường. Do đó, nữ diễn viên đã có sự quan sát và học hỏi ít nhiều kinh nghiệm từ dàn cast thực lực của Hàn Quốc.
Nói về cơ hội làm việc cùng Hwang Jung-min và Jung Hae-in, Tuệ Minh hào hứng chia sẻ: "Tôi nghĩ họ là những ngôi sao lớn nên sẽ có những tiêu chuẩn tiếp xúc nhất định, chắc phải giữ khoảng cách xa lắm đây. Nhưng không, khi gặp rồi mới thấy những điều mình lo lắng là vô nghĩa vì họ vô cùng dễ thương và nhiệt tình.
Chú Hwang Jung-min rất hài hước, luôn chủ động nói chuyện giao lưu cùng mình và còn nói muốn nhận được lời mời qua Việt Nam hợp tác một lần nữa. Còn anh Jung Hae-in thì như một anh trai nhà bên, lúc nào cũng dịu dàng, lịch sự và cười hiền".
Không chỉ ấn tượng với sự chuyên nghiệp của dàn sao Hàn, Tuệ Minh còn xúc động bởi sự quan tâm và trân trọng mà ê-kíp Hàn Quốc dành cho cô. Vì phải quay trong điều kiện thời tiết lạnh đầy khắc nghiệt mà bản thân Tuệ Minh - một cô gái Việt Nam chưa thể thích nghi, ê-kíp Hàn Quốc đã hiểu được điều đó và luôn có sự trang bị chu đáo về đồ giữ ấm, miếng dán giữ nhiệt và túi sưởi cho cô trên phim trường. Thậm chí, ê-kíp còn chuẩn bị một căn lều riêng để Tuệ Minh nghỉ ngơi những lúc đợi quay với rất nhiều đèn sưởi xung quanh.
"Trước khi sang tôi cứ nghĩ bản thân là người mới, cứ yên lặng để quan sát học hỏi, làm tốt vai trò của mình và không làm phiền ai là được. Nhưng khi làm việc cùng mọi người thì tôi nhận được nhiều sự quan tâm, đến mức… hơi mắc cỡ. Ở cảnh cuối phim tôi phải giữ một tư thế khó chịu trong thời gian dài và đây là công việc của người diễn viên nên mình cũng đã quen với nó. Nhưng ê-kíp và chú đạo diễn Ryoo Seung-wan liên tục hỏi tôi có khó chịu không, có muốn nghỉ ngơi một chút không dù mình cũng chưa ngồi lâu mấy. Điều đó làm tôi cảm thấy rất ấm áp về sự quan tâm và tôn trọng của họ đối với mình" - Tuệ Minh chia sẻ kỷ niệm cùng đoàn làm phim Hàn Quốc trên phim trường.
Tuệ Minh sinh năm 1996, theo học khoa Diễn viên kịch - điện ảnh tại Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Cô bắt đầu đóng phim từ năm 2018. Trước khi có được cơ hội "xuất ngoại" với dự án phim Hàn lần này, Tuệ Minh từng ghi dấu ấn với khán giả trong loạt phim truyền hình Việt như: Ước mình cùng bay, Bóng của thị thành, Dưới bóng bình yên...
Nhờ vẻ đẹp sắc sảo cùng kỹ năng diễn xuất tự nhiên, Tuệ Minh đã vượt qua nhiều ứng cử viên để đứng "chung sân" với những diễn viên gạo cội của Hàn Quốc.
Dù chỉ xuất hiện trong tuyến nhân vật phụ, nhưng sự tham gia của diễn viên Việt Nam trong một dự án phim do Hàn Quốc sản xuất là một dấu hiệu tích cực cho thấy những nhà làm phim nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến thị trường và khán giả Việt Nam. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội "xuất ngoại" cho những diễn viên trẻ tiềm năng của Việt Nam trong tương lai.
Năm 2015, bom tấn "Veteran" từng xác lập kỷ lục mọi thời đại tại Hàn Quốc với hơn 13 triệu vé bán ra. "Veteran 2" tựa Việt "Đố anh còng được tôi" ghi nhận mức doanh thu tại Hàn Quốc là hơn 54 tỷ Won (tương đương 1.036 tỷ VND) với 5,7 triệu vé bán ra chỉ trong vòng 12 ngày. Phim sẽ "hạ cánh" tại Việt Nam từ suất chiếu sớm vào lúc 18h ngày 26/9 và chính thức khởi chiếu vào ngày 27/9.
2 công dân Việt Nam vừa bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì có hành vi gian lận liên quan đến việc mua và sử dụng vé tàu JR East Pass – một loại vé dành cho du khách quốc tế, với mục đích cho thuê lại để kiếm lợi nhuận.
Cảnh sát cho biết, 2 nghi phạm gồm một nam giới 29 tuổi, kinh doanh nhà hàng tại quận Taihaku và một nữ nhân viên văn phòng 26 tuổi, sống tại tỉnh Chiba. Cả 2 bị cáo buộc đã mua vé JR East Pass từ ngày 29/2 và sử dụng để cho nhiều người thuê lại với giá 4.000 yên (khoảng 700 nghìn đồng) mỗi lần sử dụng, mặc dù theo quy định là loại vé này không được chuyển nhượng hoặc cho thuê.
Vé JR East Pass có giá 30.000 yên (khoảng 5 triệu đồng) cho 5 ngày sử dụng không giới hạn trên các tuyến tàu của JR East, được bán riêng cho khách du lịch quốc tế và người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản.
Sự việc bị phanh phui khi cảnh sát tỉnh Miyagi phát hiện hành vi giao dịch vé trái phép trên mạng xã hội trong quá trình điều tra trên SNS vào đầu năm 2024. Cảnh sát cho rằng có một hệ thống tổ chức thực hiện hành vi này trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Theo cảnh sát, thời điểm đó, 2 nghi phạm đã đăng bài và tìm kiếm người dùng sử dụng thẻ JR East Pass mà họ mua tại một quầy vé ở thành phố Sendai, với điều kiện mỗi người phải trả khoảng 4.000 yên cho mỗi chuyến đi.
Ngoài 2 nghi phạm trên, cảnh sát cũng bắt giữ thêm 2 người Việt khác tại tỉnh Chiba với cáo buộc nhận vé và sử dụng dù biết đó là hành vi gian lận. Hiện tại, cảnh sát chưa công bố thông tin chi tiết về lời khai của các nghi phạm để đảm bảo tiến trình điều tra.
Cảnh sát nghi ngờ các giao dịch vé gian lận được thực hiện một cách có hệ thống trong cộng đồng người Việt và đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ các vi phạm khác liên quan đến vụ việc này.
Nguồn: Dân Việt; Vnexpress; Gia đình & Xã hội; LocoBee
Người Việt hải ngoại: Trung thu ở Udon Thani; Người đầu tiên nhận giải TechWomen 100; TS hóa dược ở Hungary; Giữ mâm cơm nhà ở Dubai
Người Việt hải ngoại: 'Nhường cơm sẻ áo' ở Singapore; Mang trung thu tới Abyei; Tết thiếu nhi tại Nhật; 1 người bị bắt tại Đài Loan
Người Việt hải ngoại: Hồng Nhung hạnh phúc với bạn trai ở trời Tây; Nghệ sĩ Hoài Thanh du lịch y tế ở Nhật; 2 người bị bắn chết ở Malaysia
Người Việt hải ngoại: Góp sức cứu trợ lũ lụt ở Séc; Dẫn đầu về du học sinh trốn ở Nhật; Bán phở bò ở Thụy Sỹ
Người Việt hải ngoại: Giúp việc cho đại gia Trung Đông; Ăn phở đêm ở Cali; Nữ ca sĩ bị điều tra ở HQ; 4 người làm tại hộp đêm ở Chiba bị bắt
Người Việt hải ngoại: Tết trung thu tại Anh, Pháp; Nơi học tập của thiếu sinh quân tại Séc; Giải cứu 2 nhà leo núi ở Thụy Sĩ; CLB áo dài ở Séc
Người Việt hải ngoại: Nghe tiếng bom ở Liban; Ôm con tháo chạy ở Israel; 9 người bị bắt ở Thái Lan; Cô giáo gây sốt ở Phi
Người Việt hải ngoại: Lễ hội gắn kết kiều bào ở New Zealand; Sinh viên phát huy truyền thống ở Thái Lan; Lớp tiếng Việt ở Östergötland
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá