Người Việt hải ngoại: Chuyện đi bầu Tổng thống; Lý do chọn Trump hay Harris; Cuộc thi hùng biện tiếng Việt tại Nhật

CHUYỆN ĐI BẦU TỔNG THỐNG

Một tháng trở lại đây, không khí bầu cử đã nóng lên bên trong lòng nước Mỹ và toàn thế giới. Trên các ngã tư đường nơi tôi đang sống, băng rôn và bảng quảng cáo được treo đầy hình ảnh các ứng cử viên tổng thống, phó tổng thống.

Ngoài ra còn có tên và hình ảnh của các thượng nghị sĩ và tòa án của bang Maryland. Sau gần 25 năm sống ở Mỹ, đây là lần thứ năm tôi đi bầu.

Bốn lần trước thì luôn bỏ phiếu vào ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11. Nhưng năm nay do bận nên tôi tranh thủ đi bầu sớm ngay tại địa điểm gần công ty.

Được phục vụ tận răng

Vì Maryland là "thánh địa" của đảng Dân chủ, đội ngũ của ông Trump chẳng thèm chi tiền quảng cáo nên toàn thấy bảng hiệu của bà Harris và ông Wilz - ứng viên tổng thống và phó tổng thống của Đảng Dân chủ.

Đi bỏ phiếu mới thấy họ phục vụ mình tận kẽ răng. Từ lúc bước vào cổng đã có người chào đón, hướng dẫn tận tình, kỹ lưỡng. Nhân viên nơi đây toàn những người lớn tuổi, nghỉ hưu, xung phong hay được tuyển làm thêm trong giai đoạn này.

Tôi được yêu cầu tắt nguồn điện thoại. Sau khi kiểm tra tên, tuổi, địa chỉ mà không cần phải đưa bất kỳ giấy tờ nào chứng minh (vì gian lận bầu cử là trọng tội nên chẳng ai dại gì vi phạm), tôi chọn bầu trên máy. Nhân viên dắt tôi tới máy ngồi, gõ số phiếu và chỉ tường tận. Sau đó họ để tôi tự do với lá phiếu của mình.

Ngoài bầu tổng thống, tôi còn chọn thượng nghị sĩ đại diện của Maryland cho quốc hội và quan tòa của quận và tiểu bang. Sau đó bỏ phiếu cho quy định về phá thai và nhiều dự án mượn nợ của chính phủ để thi công các công trình công cộng.

Sau năm phút, tôi đã hoàn thành lá phiếu của mình. Tôi in ra kẹp vào tập hồ sơ. Một nhân viên dắt tôi tới một trạm khác, yêu cầu tôi tự tay bỏ vào máy đọc kết quả. Sau khi máy nhận xong dữ liệu, mọi thứ xong xuôi, bà nhân viên cảm ơn, chúc một ngày tốt lành và cười tươi bảo tôi ra cổng nhớ lấy cái sticker "I Voted" (đã bỏ phiếu xong) về làm kỷ niệm.

Thời khắc sôi động nhất nước Mỹ

Thủ đô Washington D.C. và các quận/thành phố lân cận là thành trì của đảng Dân chủ. Đảm bảo một điều rằng dù cả nước Mỹ có chuyển sang đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) thì D.C. vẫn mãi xanh. Nên các bảng quảng cáo ở D.C. chủ yếu của bà Harris và ông Walz. Đi xa hơn một chút ra ngoại ô hay vùng quê, màu đỏ của ông Trump và ông Vance (ứng viên tổng thống và phó tổng thống của Đảng Cộng hòa) mới xuất hiện.

Sáng đi làm mở radio, nghe bầu cử. Vô công ty, nghe bàn về những chính sách của hai ứng cử viên. Chiều về nhà mở tivi, toàn tin tức bỏ phiếu.

Có lẽ đây là một trong những thời khắc sôi động và thú vị nhất của nước Mỹ, khi cả thế giới đang dõi mắt hồi hộp mong chờ vị tổng thống kế tiếp của đất nước hùng mạnh này.

Giữa Eden Center, trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt tại thành phố Falls Church (Virginia), nơi vào tháng 8 vừa qua, ông Trump bất ngờ xuất hiện trong nhà hàng Trường Tiền để ăn trưa lấy lòng cử tri, không khí bầu cử khá sôi động. Đi ngang ngó nghiêng, cũng nghe những người gốc Việt ở đây nói về chuyến thăm của ông Trump vừa qua và sẽ bỏ phiếu cho ai. Nhưng điều đó có lẽ cũng không "tô đỏ" những thành phố sát vách thủ đô Hoa Thịnh Đốn này được.

Nhưng không vì thế mà cư dân D.C. tự tin cho chiến thắng sắp tới của đảng mình như cách Tổng thống Biden đã làm bốn năm trước. Chính quyền và cả cư dân chuẩn bị tâm lý cho khá nhiều kịch bản vào thứ ba tuần sau. Một là bà Harris thắng cử và ông Trump với những người ủng hộ sẽ biểu tình phản đối kết quả bầu cử như họ đã làm bốn năm trước. Thứ hai là ông Trump thắng và dân D.C. sẽ đau buồn gạt bỏ mọi thứ để chấp nhận sự thật này. Và họ sẽ phải chịu đựng một nhiệm kỳ bốn năm dài chướng mắt, khi ngày nào ông Trump cũng xuất hiện trên đất đai của họ.

Những lần bầu cử trước, những người ủng hộ hai đảng lớn cũng ghét và khinh miệt lẫn nhau. Nhưng từ khi ông Trump xuất hiện trên diễn đàn chính trị, sự mâu thuẫn và chia rẽ được đẩy lên tới đỉnh điểm.

"Nội chiến" trong gia đình vì chọn phe

Minh Tú, sống ở Phoenix (bang Arizona) đã hơn 10 năm, kể trong gia đình Tú hôm qua mới "nội chiến" một trận về việc bầu cho phe nào. Người dân Arizona cũng chia phe ghê lắm. Những người đi làm hãng xưởng hầu như ít mặn mà với việc ai lên làm tổng thống, vì người nào lên, họ cũng đóng thuế nhiều hơn chứ không thể ít hơn.

Người châu Á như Hàn Quốc và Việt Nam ở Arizona vẫn mê ông Trump như điếu đổ. Đường phố Arizona trưng hình, khẩu hiệu tranh cử bà Harris nhiều hơn ông Trump. Dự đoán Arizona năm nay vẫn giữ màu xanh như cách bốn năm trước họ đã từng làm.

Tú bảo những người lớn tuổi gốc Việt bên đó ít người đi bầu, chủ yếu ngồi nghe YouTube, coi Facebook xong rồi mê... ông Trump. Một phần vì họ không biết đăng ký như thế nào và tới ngày bầu cử thì bận đi làm. Còn bỏ phiếu qua thư thì cũng phải đăng ký và ngồi đọc cả buổi mới xong tờ phiếu.

California là thành trì vững chắc của đảng Dân chủ với số phiếu đại cử tri nhiều nhất. Nhưng chắc chắn một điều quận Cam tập trung đông người Việt thì đỏ rực.

Anh Cường ở quận Cam kể mọi khi giờ này không khí bầu cử rất rộn ràng. Sáng sớm ra ăn sáng, cà phê, nghe mọi người bàn luận rôm rả lắm. Nhưng năm nay tình hình chán hẳn vì cách đây không lâu, ông Andrew Do - vị cựu giám sát viên của quận Cam - bị bắt vì tội nhận hối lộ và tham nhũng, làm rúng động cộng đồng Việt Nam, nên bà con thờ ơ luôn chuyện bỏ phiếu và ai sẽ làm tổng thống.

Trái ngược với California, Texas lại là bang siêu đỏ. Nhưng lần bầu cử gần đây, đảng Dân chủ lại chiếm ưu thế ở quận Harris và thành phố Houston.

Vào năm 2020, tại quận Harris, Tổng thống Biden đã đánh bại ông Trump ở mức 56% - 43% nhưng lại thua 6% tổng phiếu ở toàn bang. Những năm gần đây có rất nhiều người ở các bang xanh, đặc biệt là California xuống Texas và chọn Houston làm nhà.

Nên những người theo đảng Dân chủ ở đây luôn hy vọng một ngày nào đó Texas sẽ trở thành một bang chiến trường khốc liệt cho thêm phần thú vị. Nhưng điều đó coi bộ khó khả thi trong một thời gian ngắn.

Anh Thành, chủ một nhà hàng ở Texas, cho biết tối hôm trước tụ tập ở nhà một người bạn ăn uống. Mọi người vỗ vai anh bảo nhớ bầu đỏ đừng bầu lộn qua xanh nhen. Anh Thành nói đừng lo bỏ phiếu kiểu gì thì bang này cũng đỏ lè rồi. Một người bạn sau khi lờ mờ đoán anh là người của đảng Dân chủ đã... hủy kết bạn với anh trên Facebook.

Nhưng dù theo Dân chủ hay Cộng hòa, có mâu thuẫn lẫn nhau thế nào đi chăng nữa, tôi nghĩ hầu như người Việt và các sắc dân khác ở Mỹ đều mong muốn vị tổng thống sắp tới sẽ đưa ra đường lối kinh tế mới để giảm tình trạng lạm phát vẫn còn ngất ngưởng, hạ lãi suất, giảm giá nhà khi mọi thứ ngày càng vượt quá tầm tay của những người đóng thuế xứ Mỹ.

 

 

CHỌN TRUMP HAY HARRIS, LÝ DO LÀ GÌ?

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần. Với các cuộc thăm dò cho thấy hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris bám đuổi nhau sát nút, cử tri bên nào cũng đầy niềm tin người mình chọn sẽ chiến thắng.

Nhưng có lẽ dân Mỹ vẫn chưa thể biết tổng thống thứ 47 là ai ngay sau ngày 5/11. Thậm chí các bên đã chuẩn bị ứng phó, nếu một bên tuyên bố thắng cử khi kết quả chính thức vẫn chưa rõ ràng.

Người Mỹ quá tải thông tin về bầu cử

Dòng nước lững lờ, êm đềm của sông Columbia không giấu nổi trong lòng nó sự nóng bỏng của thành phố Vancouver, tiểu bang Washington và thành phố Portland, tiểu bang Oregon hai bên bờ về ngày bầu cử.

10 ngày trước cuộc bầu cử, cái tên hai thành phố này xuất hiện dày đặc trên báo chí Mỹ. Dù cả hai tiểu bang này không nằm trong các tiểu bang chiến trường. Hai thành phố cũng chẳng được ứng cử viên cho chức tổng thống nào ghé thăm.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc nhiều thùng Ballot Drop (thùng phiếu) bị tấn công bằng thiết bị gây cháy, khiến hàng trăm phiếu bầu sớm bên trong một thùng bị đốt cháy.

Việc các phiếu bầu bị phá hủy là một vấn đề vô cùng nhạy cảm, trong một cuộc tranh cử mà các cuộc thăm dò cho thấy hai ứng viên đang bám đuổi nhau quyết liệt. Đặc biệt là trong bối cảnh có hàng loạt các cáo buộc đã có gian lận bầu cử do Donald Trump đưa ra.

Việc phá hoại này dần được hé lộ là không liên quan đến gian lận, mà chỉ là cách phản đối vai trò của Mỹ đối với Israel trong các cuộc chiến ở Trung Đông.

Bầu cử ở Mỹ từ khi Donald Trump xuất hiện trên chính trường càng trở nên giống các show diễn kịch nghệ.

Donald Trump, một người sinh ra đã ngậm thìa vàng, vì lần thứ ba tìm việc ở Nhà Trắng đã chấp nhận đứng chiên khoai tây tại một tiệm McDonald vào hôm 20/10. Rồi 10 ngày sau đó, nhân vật này lại xuất hiện bên trong một chiếc xe thu gom rác.

Trước đó, hồi cuối tháng 3 năm nay, cũng chính Donald Trump đăng một đoạn clip trên mạng xã hội của mình có cảnh đương kim Tổng thống Joe Biden bị trói nằm trên một chiếc xe bán tải.

Và 5 ngày trước bầu cử, Donald Trump đòi chĩa súng vào mặt bà Liz Cheney. Bà Liz Cheney là cựu lãnh đạo có sức ảnh hưởng tại Hạ viện và con gái một cựu phó tổng thống thuộc thành phần bảo thủ nhất, nhưng bị Donald Trump xem như kẻ thù vì không ủng hộ ông.

Càng gần ngày bầu cử, người Mỹ như quá tải trước những thông tin không đúng sự thật, gây sốc và bạo lực. Điều này làm cho họ chẳng còn sức để nhớ đến cách ông Trump xử lý dịch bệnh tai hại, những tuyên bố không đúng sự thật của ông trong thời đại dịch Covid-19, cách ông đối phó với phong trào Black Lives Metter và kích động bạo loạn trong ngày 6/1/2021 tại tòa nhà quốc hội Mỹ…

Ai làm tổng thống cũng thế thôi?

Năm nay là lần đầu tiên đi bầu cử ở Mỹ, ông Trần Thanh Thảo, sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, đã bầu cho Donald Trump. Chọn ông Trump cho chức tổng thống vì ông Thảo thấy bản thân hiểu Trump hơn bà Kamala Harris. Dù nhận thấy những lời nói của ông Trump nhiều khi khó nghe, nhưng ông Thảo vẫn chọn vì tin là người làm được việc.

Hơn 40 năm sống ở thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California, ông Thanh Phạm nói sẽ rời khỏi nước Mỹ nếu Trump đắc cử tổng thống. Ông cho rằng nước Mỹ thêm một nhiệm kỳ với Trump sẽ rất tồi tệ. Theo ông Thanh, những điều Donald Trump chưa làm được trước đây sẽ được lấp đầy qua kế hoạch thay đổi nước Mỹ một cách có hệ thống theo hướng bảo thủ cực đoan với dự án 2025 (Project 2025). Đây là dự án mà nhóm những đồng minh thân cận của ông Trump xây dựng.

Qua các lần trò chuyện trước đây, tôi thấy được tâm trạng bi quan của ông Thanh, khi các cuộc thăm dò đều cho thấy nguy cơ thất cử của đương kim Tổng thống Joe Biden. Phải đến khi bà Kamala Harris được chọn làm ứng cử viên Đảng Dân chủ mới thắp lên trong ông một hy vọng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Vũ, một kỹ sư công nghệ thông tin sinh sống tại Seattle, tiểu bang Washington, dù đã chọn tổng thống thứ 47 của mình nhưng anh vẫn cho rằng việc ai làm tổng thống Mỹ kế tiếp không thay đổi đến cuộc sống của anh và gia đình, miễn đừng đem chuyện chính trị quá sâu vào cuộc sống gia đình.

Nhưng có lẽ không phải người Mỹ nào cũng nghĩ vậy, hay ít ra đó là ông Jesse Watters, ký giả của đài Fox News. Trong một chương trình vào tối thứ Tư ngày 30/10, Jesse Watters nói nếu vợ ông bỏ phiếu cho bà Harris thì ông xem như đó là chuyện ngoại tình và họ phải ly dị.

Nhưng ông Jesse Watters quên mất là ông đang bỏ phiếu cho một người đã bị kết tội liên quan đến ngoại tình trở thành tổng thống Mỹ.

Theo anh Vũ, không phải tổng thống, chính các dân biểu liên bang, tiểu bang, thống đốc, các chức vụ khác ở quận hạt… và các dự luật mới là những điều ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng đến cuộc sống của cư dân trong một thành phố.

Trong khi đó, ông Thảo chỉ quan tâm đến việc chọn tổng thống, chứ không đặt nhiều sự quan tâm cho các vị trí dân cử khác. Do ông sống ở Mỹ chưa lâu, chưa hiểu đủ do các ứng viên cấp dưới này không được truyền thông nhắc nhiều.

Từng đi bầu cử nhiều lần khi còn ở Việt Nam, ông Thảo chia sẻ khi đi bầu cử ở Mỹ cảm thấy lá phiếu của mình được trân trọng, tin tưởng hơn, công bằng hơn và ít bị gian lận hơn.

Liệu người Việt ở California có đưa được người đến liên bang?

Tại “thủ đô” tị nạn của người Việt ở bang California, ứng cử viên gốc Việt Derek Trần thuộc Đảng Dân chủ tranh cử với đối thủ Michelle Steel, dân biểu liên bang đương nhiệm, thuộc Đảng Cộng hòa.

Derek Trần đang có nhiều cơ hội thắng cử tại khu vực bầu cử số 45, địa hạt có gần 40% cư dân là người gốc châu Á, trong đó có 17% là người Việt.

Từ sau năm 2021, việc chia lại khu vực bầu cử với địa hạt 45, chưa bao giờ “thủ đô” của người Việt tị nạn đứng trước cơ hội lớn đưa người của mình vào quốc hội Mỹ như hiện nay.

Mặc dù tiểu bang California do Đảng Dân Chủ luôn chiếm đa số, nhưng người Việt lại có truyền thống bầu cho Đảng Cộng hòa. Đây là cái khó cho Derek Trần.

Bởi thế, trong ngày 26/10, trong lần đến khu vực Little Saigon để vận động cho Derek Trần, cựu Tổng thống Bill Clinton đã bày tỏ sự ngạc nhiên về việc một khu vực tập trung người Việt đông đúc như ở địa hạt 45 vẫn chưa có được dân biểu gốc Việt.

Để khắc phục điều này, hiện có 60 người Việt làm việc cùng ủy ban tranh cử của Derek Trần để giúp ông chiến thắng. Trong số này có ông Nguyễn Đình Minh Quốc, giáo sư dạy toán tại trường Cao đẳng Cộng đồng Leredo (Laredo Community College) ở Houston, bang Texas. Từ đầu năm đến nay, ông Quốc đã bốn lần đến vùng Little Saigon, với tổng thời gian hơn cả tháng để vận động cho Derek Trần.

Họ chia nhau từ việc đi gõ cửa từng nhà, nói chuyện trên các phương tiện truyền thông, trong các buổi tiếp xúc với cộng đồng, đưa thông tin trên các mạng xã hội… để kêu gọi người Việt gạt qua đảng phái, ủng hộ con em của cộng đồng vào Hạ viện Mỹ.

Nhiều người Việt lớn tuổi có xu hướng bầu cho Đảng Cộng hòa, nhưng số người Việt trẻ tuổi hơn có thể còn do dự. Đây là đối tượng mà nhóm người làm việc trong ủy ban tranh cử của Derek Trần muốn hướng tới. Và đến thời điểm này công việc những người làm tình nguyện như ông Quốc trong cộng đồng gốc Việt đang đem lại hiệu quả. Các kết quả khảo sát mới nhất cho thấy ứng cử viên gốc Việt đang có chút lợi thế trước bà Michelle Steel.

Việc đưa ra ánh sáng các vụ tham nhũng của Andrew Đỗ, một đồng minh của bà Michelle Steel, gần đây đang đưa lại những lợi thế nhất định cho Derek Trần. Nhưng việc một vị dân cử người Việt bị buộc tội tham nhũng có thể ít nhiều ảnh hưởng đến các sắc dân khác khi chọn bỏ phiếu cho một người gốc Việt khác.

“Chỉ có người Việt mới hiểu được nguyện vọng của người Việt. Nên việc có được một dân biểu gốc Việt đại diện cho cộng đồng người Việt đông đảo nhất tại hải ngoại, không chỉ nói lên tiếng nói của người Việt tại Mỹ, mà còn có thể làm việc cùng các đồng liêu để thúc đẩy cho một Việt Nam tốt đẹp hơn,” ông Quốc bày tỏ.

 

 

CUỘC THI HÙNG BIỆN TIẾNG VIỆT CHO SINH VIÊN NHẬT BẢN

Thành phần đăng ký tham gia Cuộc thi hùng biện tiếng Việt năm nay không chỉ có các sinh viên đại học Nhật Bản mà còn có thêm các học sinh trung học và cao đẳng tham dự ở nhiều trình độ khác nhau.

Ngày 2/11, tại trường Đại học Ngoại ngữ Kanda, tỉnh Chiba đã diễn ra cuộc thi hùng biện tiếng Việt của 21 học sinh, sinh viên đến từ 8 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đang đào tạo tiếng Việt trên khắp đất nước Nhật Bản.

Đây thực sự là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên Nhật Bản đang theo học tiếng Việt có thể giao lưu, gặp gỡ và nâng cao trình độ ngôn ngữ cũng như tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, qua đó phục vụ tốt cho việc học tập và định hướng nghề nghiệp sau này.

Đây là lần thứ 18 trường Đại học Ngoại ngữ Kanda tổ chức cuộc thi hùng biện cho các học sinh, sinh viên Nhật Bản đang học tiếng Việt.

Năm nay, thành phần đăng ký không chỉ có các sinh viên đại học mà còn có thêm các em học sinh trung học và cao đẳng tham dự ở nhiều trình độ khác nhau.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, cô Iwai Misaki, Chủ nhiệm ngành Đông Nam Á, Khoa Ngôn ngữ châu Á, Đại học Kanda cho biết bộ môn tiếng Việt được thành lập vào tháng 4/2001 và đến nay đã có 20 khóa sinh viên tốt nghiệp.

Cuộc thi là sân chơi để các sinh viên, học sinh thể hiện khả năng thuyết trình, khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, qua đó nâng cao kỹ năng ứng dụng tiếng Việt trong học tập và trong công việc sau này.

Cô bày tỏ kỳ vọng trong tương lai nhiều người trong số các thí sinh tham dự cuộc thi ngày hôm nay sẽ trở thành cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, bà Vũ Thị Liên Hương, Bí thư thứ nhất, Trưởng Bộ phận giáo dục, thành viên Ban giám khảo đánh giá cao công tác giảng dạy tiếng Việt của trường Đại học Ngoại ngữ Kanda cũng như vai trò kết nối các trường đại học, phổ thông, cao đẳng có giảng dạy tiếng Việt tại Nhật Bản.

Thông qua chương trình này các em sinh viên Nhật Bản có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Việt cũng như thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm đến văn hóa Việt Nam cũng như tiếng Việt trong thời gian tới.

Trong cuộc lần thứ 18 này, các thí sinh tham gia phần thi hùng biện sẽ nói về hai chủ đề rất thú vị gồm nhận định và bình luận về câu nói của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Nếu bạn nói bằng ngôn ngữ mà người nghe được học, anh ấy sẽ ghi nhớ bằng não bộ. Nếu bạn nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ấy, anh ấy sẽ nhớ bằng cả trái tim.”

Chủ đề thứ hai là phát biểu cảm nghĩ về câu nói của nhà văn Haruki Murakami: “Học một ngôn ngữ mới là trở thành một con người mới.”

Ở các phần thi hùng biện, với vốn kiến thức và khả năng tiếng Việt của mình, các thí sinh đã lần lượt chia sẻ quan điểm của mình.

Bạn Miura Kotaro, đến từ trường Đại học châu Á-Thái Bình Dương kể về trải nghiệm của mình khi học tiếng Việt như một hành trình khám phá về một nền văn hóa mới với cách nhìn mới, suy nghĩ mới và kết luận lý do học tiếng Việt là vì “yêu mến đất nước và con người Việt Nam.”

Còn bạn Song Kaeun, một sinh viên người Hàn Quốc đang học tiếng Việt tại trường nữ sinh Showa thì nói về những điều thú vị trong cách xưng hô trong tiếng Việt. Trong đó, các đại từ nhân xưng như “anh, chị, em” giúp bạn cảm nhận được rằng dường như tất cả những người nói tiếng Việt như là các thành viên trong một đại gia đình.

Bạn Kaeun cũng ấn tượng về sự tự tin, chủ động và hòa đồng của người Việt Nam đối với người nước ngoài và cho rằng điều này đã truyền cảm hứng để bạn Kaeun sẵn sàng chinh phục những thử thách mới trong cuộc sống và trong công việc.

Giáo sư Kasuga Atsushi, giáo viên tiếng Việt, Khoa Ngôn ngữ châu Á, Đại học Ngoại ngữ Kanda, cho biết qua 18 lần tổ chức cuộc thi hùng biện, số lượng các thí sinh đăng ký tham gia tương tự như năm ngoái nhưng khả năng tiếng Việt ngày càng tốt hơn.

Các thí sinh được phân chia theo các nhóm tùy vào khả năng tiếng Việt của mỗi người. Ví dụ, nhóm A là sinh viên năm thứ nhất hoặc học sinh trung học; nhóm B dành cho sinh viên năm thứ hai; nhóm C là sinh viên chưa từng du học ở Việt Nam; nhóm D là sinh viên đã du học ở Việt Nam hơn 6 tháng và nhóm E là các thí sinh có bố, mẹ người Việt.

Thầy Kasuga cho rằng đây là dịp rất tốt để các em sinh viên Nhật Bản đang học tiếng Việt trên khắp cả nước có thể giao lưu học hỏi kinh nghiệm và nâng cao khả năng tiếng Việt thông qua thuyết trình hay đọc thơ.

Cuộc thi cũng dành sân khấu cho các thí sinh mới bắt đầu với yêu cầu đọc diễn cảm bài thơ “Nguyệt cầm” của nhà thơ Xuân Diệu và “Quê hương nỗi nhớ” của nhà thơ Hoàng Thanh Tâm.

Mặc dù phát âm có một số từ chưa thật trôi chảy nhưng hầu hết các thí sinh đều đọc thuộc hoàn toàn và có những hình thức biểu cảm rất riêng, giàu cảm xúc. Qua đó nhận được sự khích lệ của các thầy cô giáo và đông đảo bạn bè, người thân đến cổ vũ, động viên.

Kết thúc cuộc thi, lần lượt các giải Nhất, Nhì, Ba thuộc các nhóm đã được thầy Miyauchi Takahisa, Hiệu trưởng trường Đại học Kanda trao giấy chứng nhận kèm theo các món quà động viên.

Ando Fuma, sinh viên năm thứ 4 Đại học Osaka, người đạt giải đặc biệt của cuộc thi hùng biện năm nay bày tỏ xúc động khi nhận được phần thưởng và cho biết dự định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ quay trở lại Việt Nam để làm phiên dịch cho một công ty công nghệ thông tin.

Cũng tại cuộc thi lần này, các bạn sinh viên, học sinh Nhật Bản cũng có dịp giao lưu với các bạn sinh viên Việt Nam đang học tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại ngữ Kanda thông qua chương trình văn hóa văn nghệ như diễn kịch "Bạch Tuyết,” biểu diễn nhạc cụ dân tộc và ca hát đặc sắc.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ; BBC; VTV4

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang