Người Việt hải ngoại: Chuẩn bị gì đón Tết; Thị trường Tết ở Campuchia; DHS đón năm mới; Ngày Tết làm thêm, đi đền thờ

NGƯỜI CON XA XỨ CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ ĐÓN TẾT CÙNG GIA ĐÌNH?

(Ảnh minh hoạ).

Nhớ nhung chắc hẳn là nỗi niềm của những người con sống xa quê hương mỗi dịp Tết về. Song, trong thời đại công nghệ, không khó để họ thể hiện sự quan tâm và chăm lo cho gia đình.

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn và được mong chờ nhất năm trong văn hóa của người Việt. Bởi lẽ, sau khoảng thời gian dài vất vả và xa cách, đây là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum họp và kết nối yêu thương.

Với những người con xa xứ, không phải ai cũng có điều kiện và cơ hội trở về Việt Nam đón năm mới cùng gia đình. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển, họ có nhiều cách để thể hiện tình cảm và “chăm sóc từ xa” cho những người thân yêu.

Gọi điện hỏi thăm gia đình

Đây là năm đầu tiên Hoàng Anh (23 tuổi, Australia) ăn Tết xa gia đình. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp cử nhân, Gen Z được cấp học bổng du học thạc sĩ tại Australia và nhanh chóng lên đường theo đuổi sự nghiệp học vấn. Việc bay qua, bay lại giữa 2 quốc gia tốn không ít chi phí nên Hoàng Anh quyết định đón Tết Quý Mão 2023 tại nước bạn.

Gen Z chia sẻ: “Trước giờ, mình luôn là ‘con gái cưng’ của bố mẹ. Mình tự đặt một luật bất thành văn cho bản thân là có thể đi chơi vào mọi ngày trong năm, nhưng đêm giao thừa phải ở nhà đón năm mới cùng gia đình. Vậy mà năm nay mình lại đón giao thừa một mình. Chắc sẽ cô đơn một chút, nhưng đây sẽ là trải nghiệm mới để giúp mình trưởng thành hơn”.

Bên cạnh lý do tài chính, Hoàng Anh cũng muốn tranh thủ thời gian này để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa nước bạn, hòa nhập môi trường mới nhằm phục vụ việc học tập và làm việc nếu có cơ hội trong tương lai. Nữ sinh còn lên kế hoạch ghé thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Australia để chúc Tết vào đầu năm, đồng thời rủ vài người bạn ngoại quốc về nhà riêng để ăn thử những món truyền thống.

“Mình đã lên một kế hoạch ‘ăn chơi’ chi tiết trong những ngày Tết để đỡ buồn. Tuy nhiên, vào đêm giao thừa, mình vẫn sẽ video call cho bố mẹ để cùng cả nhà đón năm mới như truyền thống hàng năm. Năm đầu tiên đón Tết xa con gái, chắc bố mẹ còn thấy buồn hơn mình. Song, thỉnh thoảng có những phút giây xa cách thế này cũng giúp các thành viên trân trọng thời gian ở bên nhau hơn”, Hoàng Anh nói thêm.

Không dừng lại ở việc hỏi thăm sức khỏe và cùng gia đình đếm ngược đón Tết Quý Mão 2023, Gen Z còn chuẩn bị một khoản lì xì may mắn để “ting ting” cho từng thành viên. Công nghệ phát triển giúp việc “quan tâm từ xa” trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Đặt tour du lịch cho cả nhà

Tết Nhâm Dần 2022, Tuấn Linh (25 tuổi, Pháp) được đón năm mới ở Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học tại Pháp. Tuy nhiên, với mong muốn lập nghiệp và định cư lâu dài tại nước bạn, Gen Z đã trở lại thành phố Lyon để tìm việc làm. Cách đây vài tháng, Tuấn Linh được nhận vào một công ty quảng cáo với vị trí nhân viên thiết kế đồ họa. Do không thể xin nghỉ phép, lại mới vào làm nên bạn quyết định ở lại Pháp dịp Tết này.

Không phải lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, nhưng năm nay Tuấn Linh muốn tạo bất ngờ khác biệt cho gia đình. Gen Z lên kế hoạch đặt một tour du lịch Phú Quốc để bố mẹ nghỉ ngơi, thư giãn thay vì phải “quay cuồng” trong những ngày Tết.

“Mấy năm gần đây, mẹ mình hay than thở vì mệt mỏi với cỗ bàn, thủ tục… dịp năm mới. Năm nay, mình quyết định đặt một tour du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc để cả nhà ‘trốn Tết’. Mẹ bảo ăn Tết mà thiếu con trai cũng bớt vui, nên rất háo hức với sự ‘đổi mới’ này”, bạn chia sẻ.

Cách đây một tháng, Tuấn Linh đã lên mạng xã hội để tham khảo một số “deal hot” từ các đơn vị lữ hành. Gen Z khá bất ngờ khi du lịch “trốn Tết” đang dần trở thành xu hướng được các gia đình hiện đại ưa chuộng. Tuấn Linh khá hài lòng khi chốt được một combo nghỉ dưỡng tại đảo ngọc với mức giá hợp lý. Với món quà này, bạn mong trải nghiệm ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí tại resort trong những ngày Tết có thể giúp bố mẹ “đổi gió”.

Tuấn Linh cho biết: “Mẹ mình là mẫu phụ nữ của gia đình nên ít tiêu tiền cho bản thân và không biết cách sống hưởng thụ. Mình đặt mục tiêu mỗi năm đưa bố mẹ đi du lịch 1-2 chuyến. Khởi đầu bằng Phú Quốc, biết đâu một vài năm nữa, mình có thể đưa cả nhà sang Pháp đón năm mới cũng nên”.

Tặng quà sức khỏe

Với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), không cần về Việt Nam, những người con xa nhà vẫn có thể tặng quà cho gia đình. Lựa chọn những món quà giúp bảo vệ và tăng cường sức khỏe là cách chị Thùy An (29 tuổi, Canada) chăm lo cho người thân dịp Tết này.

“Tôi đã có nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc tại Canada nên không lạ lẫm với việc đón Tết xa nhà. Với tôi, điều quan trọng nhất là thấy bố mẹ cùng các em mạnh khỏe, vui vẻ. Tất nhiên, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên và xem pháo hoa đón giao thừa là trải nghiệm ai cũng muốn có. Song, là một người con xa nhà, tôi chỉ có thể ‘chăm sóc từ xa’ trong khả năng của mình và hoàn toàn hài lòng vì điều này”, chị chia sẻ.

Khi mới sang Canada, chị An thường chuẩn bị quà Tết cho gia đình trước nhiều tháng. Đó thường là các loại vitamin, thuốc bổ, thực phẩm chức năng, bánh kẹo… khó mua ở Việt Nam. Sau đó, chị phải đóng gói cẩn thận, gửi về nhà từ sớm để tránh gặp sự cố trong quá trình giao nhận. Những năm gần đây, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn nhờ các nền tảng TMĐT.

Chị An cho biết: “Một trong những bất lợi khi gửi quà từ Canada về Việt Nam là tôi không có cơ hội gói ghém sao cho đẹp mắt. Năm nay, tôi quyết định đặt cho gia đình nội ngoại những giỏ quà Tết được đóng gói sẵn trên Lazada. Tôi có thể dễ dàng lựa chọn phần ‘lõi’ với các sản phẩm chính hãng từ những thương hiệu uy tín. Sau khi được đóng gói cẩn thận, ‘tình cảm’ này sẽ được chuyển đến tận tay từng gia đình mà tôi không cần mất quá nhiều thời gian và công sức”.

Một trong những điểm khiến chị An ấn tượng với Lazada là chương trình “Tết sale bung xõa” diễn ra từ 5/1 đến 15/1, giúp người dùng có cơ hội được giảm giá đến 50%, hoàn tiền tới 2,3 triệu đồng, nhận voucher tích lũy 800.000 đồng, freeship toàn quốc... Bên cạnh giỏ quà Tết, chị cũng dự định tặng thêm một số loại vitamin, thực phẩm chức năng, tổ yến, máy massage… để bố mẹ có thể chủ động chăm sóc sức khỏe tại nhà.

(Nguồn: Zing News)

NHỘN NHỊP THỊ TRƯỜNG TẾT VIỆT TẠI CAMPUCHIA

Còn 3 tuần nữa mới tới Tết Quý Mão 2023, nhưng trên nhiều con phố sầm uất ở thủ đô Phnom Penh, thị trường hàng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu Tết của kiều bào đã rất sôi động.

Tại siêu thị Vinamart trên Đại lộ Movivong, thủ đô Phnom Penh, ngay lối ra vào, hàng loạt các mặt hàng mang đậm hương vị Tết Việt, như: giỏ quà, bánh chưng, mứt tết, bánh kẹo,… đã được bày la liệt nhằm thuận tiện cho người dân mua sắm. Năm nay, Tết đến sớm nên ngay từ tháng 11, siêu thị đã bắt đầu chuẩn bị hàng hóa phục vụ bà con Việt kiều. Nhằm chuẩn bị lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết, siêu thị đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất và nhà cung cấp. Cùng với đó, siêu thị cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.

Anh Ngô Văn Vinh, quản lý siêu thị Vinamart cho biết: "Vinamart đã cùng với đối tác bên Việt Nam chuẩn bị các loại hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết của truyền Việt Nam. Đặc biệt là các món hàng mang đậm hương vị Tết Việt, như: Mứt, bánh kẹo, bánh chưng, bánh tét, lịch Việt hay giỏ quà biếu các loại".

Không được nghỉ dài ngày, nhưng cộng đồng bà con người Việt tại Campuchia vẫn duy trì phong tục ăn Tết cổ truyền của dân tộc. Nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong ngày Tết, nhà hàng Hoa sen tại thủ đô Phnom Penh cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho các đơn hàng thực phẩm ngày Tết như: bánh chưng, bánh tét, giò, củ kiệu…

Anh Lê Mạnh Hùng, Chủ nhà hàng Hoa sen chia sẻ: "Mặc dù chưa đến Tết nhưng đã có khách đến đặt từ vài chục đến hàng trăm chiếc bánh chưng và giò tại cửa hàng. Anh hi vọng càng gần đến ngày Tết thì sẽ bán được nhiều hàng hơn và hi vọng số hàng năm nay sẽ bán ra gấp đôi số hàng Tết năm trước".

Lượng khách mua hàng Tết tại Phnom Penh cũng bắt đầu tăng dần. Mặc dù giá cả hàng hóa năm nay có xu hướng tăng nhẹ so với những năm trước nhưng mọi người đều vui vẻ với mong muốn chuẩn bị một cái Tết Việt tươm tất hơn sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Anh Nguyễn Đức Tính, người Việt tại Thủ đô Phnom Penh cho biết: “Trong dịp cuối năm thì mình muốn đi siêu thị để mua một số hàng của Việt Nam để về trang trí và sử dụng trong những ngày Tết. Mình thấy năm nay hàng hóa đầy đủ hơn, nhiều hơn mọi năm. Năm trước có dịch Covid nên hàng hóa ít. Năm nay thì rất là nhiều loại để mình lựa chọn".

Hòa chung không khí chuẩn bị Tết, các cửa hàng kinh doanh đồ trang trí, hoa, cây cảnh tại Phnom Penh cũng tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của người dân. Quay cuồng với các đơn hàng Tết, chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, quản lý cửa hàng hoa Kim Long cho biết: Năm nay, cửa hàng nhập nhiều loại hoa và cây cảnh từ Việt Nam hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa dự đoán, các loại hoa và cây cảnh mang ý nghĩa may mắn và tài lộc sẽ rất đắt hàng trong dịp Tết: "Hiện nay, cửa hàng đang nhập nhiều cây cảnh và hoa cho ngày tết như: cúc mâm xôi, cát tường, hướng dương, hoa hồng, kim ngân lượng hay là đỗ quyên và nhiều mặt hàng khác. Khoảng một tuần nữa, cửa hàng sẽ nhập các loại quất cảnh, mai, đào nhằm phục vụ cho bà con đón Tết".

Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch, nhưng thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại Campuchia được dự báo sẽ tiếp tục sôi động hơn trong những ngày tới đây.

(Nguồn: VTV4)

DU HỌC SINH VIỆT TỤ TẬP ĐÓN NĂM MỚI

(Ảnh minh hoạ).

Năm đầu tiên xa nhà trong cả Tết dương và âm lịch, chiều 31/12, Minh Đức, du học sinh Mỹ, cùng bạn bè nấu "bữa cơm Tết Việt Nam", mặc áo dài đón năm mới.

Được nghỉ đông từ trước Giáng sinh, Bùi Minh Đức, 29 tuổi, du học sinh Việt tại Đại học Clark, Mỹ, cùng các học giả Fulbright tụ họp tại thủ đô Washington để đón năm mới. Đức cho biết 10 thành viên trong nhóm đều lần đầu xa nhà trong dịp Tết, nên cuộc gặp giúp các du học sinh bớt nhớ nhà.

Sáng 31/12, cả nhóm tới chợ người Việt Eden Supermarket tại bang Virginia để mua bánh chưng và măng, miến, đồ làm nem cho bữa tối. "Chúng tôi cố gắng làm một mâm cơm giống Tết âm lịch ở nhà nhất. Trong nhóm có một bạn người Mỹ, chúng tôi cũng muốn giới thiệu ẩm thực Tết của Việt Nam với bạn", Minh Đức nói.

Sau khi kết thúc bữa tối, cả nhóm sẽ ra Đồi Capitol để cùng xem pháo hoa, rồi mặc áo dài truyền thống của Việt Nam để chụp ảnh kỷ niệm trong ngày đầu năm mới. Dù là Tết dương lịch, Minh Đức nói cả nhóm cố gắng tổ chức giống Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Lý do là bởi đến ngày ở nhà đón Tết âm lịch, các du học sinh đã kết thúc kỳ nghỉ đông nên không thể gặp nhau đông đủ.

Theo kế hoạch, Minh Đức sẽ kết thúc chương trình học thạc sĩ Fulbright của mình vào mùa hè 2024. Năm nay, Minh Đức đặt mục tiêu duy trì điểm trung bình học tập ở mức 3.9/4, lập kế hoạch đi xuyên Mỹ trong ba tháng nghỉ hè.

Chia sẻ về không khí đón năm mới tại Mỹ, Minh Đức cho biết người bản xứ không nghỉ dài như Việt Nam, chủ yếu nghỉ ngày 1/1. Các hoạt động, đồ trang trí từ dịp Giáng sinh vẫn chưa gỡ xuống, tạo không khí rộn ràng. Theo Minh Đức, các lệnh giới hạn về Covid tại Mỹ cũng đã được dỡ bỏ, người dân tụ tập đông đúc trong đêm giao thừa tại các tụ điểm vui chơi.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 200.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình ở nước ngoài. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay các du học sinh gặp gỡ bạn bè, đồng hương với tâm lý thoải mái, phấn khởi hơn.

Cũng học tại Mỹ, Minh Quân, sinh viên Đại học bang Georgia, Atlanta, đón năm mới bằng cách tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại nơi ở với bạn bè Việt Nam. Tiệc gồm các món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, chả giò, gỏi cuốn.

Sống và học tập ở Mỹ đã 5 năm, Minh Quân chứng kiến và trải qua giai đoạn khó khăn của đại dịch. Do đó, cậu có nhiều cảm xúc lẫn lộn trước thời khắc giao thừa. "Tôi nhẹ nhõm vì một năm khó khăn sắp kết thúc và tràn đầy hy vọng cho tương lai. Tôi tin rằng với sự quyết tâm và làm việc chăm chỉ, chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại và đạt được mục tiêu của mình", Quân nói.

Tại Canada, Nguyễn Mai Linh, 22 tuổi, sinh viên Đại học Calgary, cảm thấy háo hức trước thềm năm mới vì đã hoàn thành chương trình đại học nhanh hơn dự kiến, chuẩn bị đi làm vào tháng 1 này.

Mai Linh cho biết, so với đêm Giáng sinh tuần trước, không khí đêm 31 ấm áp hơn. Do các hàng quán đóng cửa sớm vào đêm giao thừa, Mai Linh và các bạn cùng đi chợ mua đồ, nấu bữa ăn tất niên. "Sau khi ăn, tụi em sẽ ra Peace Bridge, biểu tượng của thành phố, ngắm pháo hoa và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm 2023", Linh nói.

Ở Anh, Nguyễn Hoàng An, 29 tuổi, sinh viên Đại học Westminster, bậc thạc sĩ, lần đầu đón năm mới xa nhà. Để tránh cảm giác chạnh lòng vì xa người thân, Hoàng An đi ăn lẩu cùng các học giả Chevening Việt Nam khác, gọi video về Việt Nam và cùng bạn bè mua vé tham dự show trình diễn pháo hoa mừng năm mới bên bờ sông Thames, London.

Với Nguyễn Huyền Trang, du học sinh Việt tại Đại học quốc tế Kansai (Nhật Bản), các hoạt động trong ngày Tết dương lịch ở xứ sở mặt trời mọc không làm em bỡ ngỡ. Các cửa hàng đều đóng cửa trước 3 giờ chiều ngày 31/12, nên 6 năm trước, Trang rơi vào cảnh "mọi cửa hàng đều đóng cửa mà chưa kịp chuẩn bị gì". Năm nay, Trang đi siêu thị từ sớm. Buổi tối cuối cùng của năm 2022, cô gái quê Sơn La ăn mỳ soba, một loại mỳ truyền thống của Nhật Bản. Trang giải thích mỳ soba rất dễ cắt, nên người Nhật quan niệm ăn mỳ này trước thời khắc chuyển giao để cắt bỏ những khổ cực, vất vả của năm cũ, chào đón năm mới với nhiều vận may.

Theo Trang, trong đêm giao thừa, du học sinh Việt tại Nhật thường đến các đền thờ thần đạo, chùa đề cầu chúc những điều tốt đẹp cho năm mới giống người bản xứ. Trước khi vào đền, người tham dự sẽ thực hiện nghi thức rửa tay Misogi. "Đây là nghi thức gội rửa cơ thể cũng như tâm hồn bằng cách rửa tay và miệng của mình", Trang nói.

Theo Trang và các du học sinh, hoà nhập và tôn trọng văn hoá nước bạn là cách bớt nhớ nhà. Trang cho rằng khi dịch bệnh đã bớt căng thẳng, kinh tế đang phục hồi như hiện tại, trải nghiệm văn hoá là điều có ý nghĩa với người sắp ra trường như cô.

"Lời chúc năm mới của em dành cho gia đình, bạn bè và toàn thể cộng đồng du học sinh ở nước ngoài là sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Em hy vọng một ngày nào đó cộng đồng du học sinh Việt có thể cùng nhau ăn mừng tinh thần của năm mới, bất kể ở đâu trên thế giới", Quân nói.

(Nguồn: Vnexpress)

NGÀY TẾT LÀM THÊM, ĐI ĐỀN THỜ CỦA DU HỌC SINH VIỆT NAM

Minh Quân, Trần Đạt cùng bạn bè đón giao thừa tại châu Âu. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Lê Hào phải tăng ca trước thềm năm mới, Thảo Linh chọn đi đền thờ tại Nhật Bản vào sáng 1/1.

Đúng thời khắc giao thừa (7h giờ Hà Nội), cùng với tiếng chuông nhà thờ, thủ đô London (Anh) chào đón 2023 bằng màn pháo hoa hoành tráng. Đây cũng là màn pháo hoa lần đầu tiên kể từ năm 2019 và người dân không phải tuân theo bất cứ hạn chế phòng dịch nào.

Sau màn pháo hoa, một dàn máy bay không người lái được triển khai trên bầu trời, tạo thành hình Nữ hoàng Elizabeth II và Vua Charles III. Theo Yahoo, ước tính hơn 10.000 người đã xếp hàng dọc sông Thames, cùng nhau đón 2023.

Cùng hòa mình trong đám đông Trần Đạt (20 tuổi, du học sinh tại London) háo hức và thích thú với lần đầu đón năm mới tại xứ sở sương mù, tuy đứng khá xa và không nhìn rõ được phần máy bay xếp hình.

"Countdown" tại châu Âu

Đạt cho biết tại Anh, London và các thành phố lớn đã bắt đầu trang trí đón Giáng sinh và năm mới từ giữa tháng 11. Hầu hết công ty sẽ được nghỉ vài ngày đón hai ngày lễ lớn này. Trong khi đó, học sinh, sinh viên sẽ được nghỉ dài 3-4 tuần, đồng thời là kỳ nghỉ đông.

Tối ngày 31/12, Đạt cùng nhóm bạn người Việt sẽ vui chơi tại công viên Winter Wonderland, sau đó, 22h bắt đầu di chuyển đến bờ sông chờ đợi khoảnh khắc đếm ngược.

"Lần đầu đón năm mới xa nhà, giao thừa cũng là lúc mình nhớ gia đình. Mình khá ấn tượng sau khi kết thúc chương trình, chính quyền và lực lượng an ninh tại London phân luồng thoát người khá tốt. Vì vậy mà mình có một buổi đón năm mới vui hơn", Đạt chia sẻ.

Tương tự Đạt, 2023 cũng là năm đầu tiên Minh Quân (21 tuổi) đón năm mới tại Hà Lan. Từ trước Giáng sinh, đường phố ở Amsterdam tràn ngập đèn và đồ trang trí rực rỡ, kéo dài đến năm mới.

Tuy nhiên, Quân cho biết chính phủ Hà Lan sẽ không bắn pháo hoa vào đêm giao thừa, thay vào đó, người dân được phép tự bắn pháo hoa để chào đón năm 2023.

Quân dự định tối 31/12 sẽ cùng bạn đi club. Tuy nhiên, giá vé ngày lễ khá đắt, gấp 3-4 lần ngày bình thường. Vì vậy, nhóm bạn lựa chọn đến bờ sông để cùng người dân Hà Lan đếm ngược và xem pháo hoa.

Giao thừa năm nay, thời tiết Amsterdam có mưa phùn và gió lạnh. Tuy nhiên, số người đổ ra đường đón năm mới khá lớn. Do người dân được tự do bắn pháo hoa, vì vậy, pháo đã được đốt từ chiều 31/12 cho đến 3-4h ngày đầu năm mới.

Sáng 1/1, Quân dậy sớm đi mua quà lưu niệm tặng bạn. Thủ đô của Hà Lan yên tĩnh hơn thường ngày, thời tiết cũng đẹp hơn đêm hôm trước. Các cơ quan, công ty và nhiều cơ sở kinh doanh đều đóng cửa, chỉ có một số ít người còn làm việc vào ngày này.

Tăng ca tại Hàn Quốc

Không đón countdown ngoài trời, Lê Hào (24 tuổi, sống tại Seoul) phải tăng ca làm thêm trong những ngày lễ, Tết tại Hàn Quốc. Giống như Việt Nam, người dân Hàn Quốc cũng được nghỉ làm một ngày 1/1 để đón Tết dương lịch.

Lê Hào cho biết không khí đón năm mới tại nước bạn cũng không quá nhộn nhịp, đường phố cũng hiếm khi được trang trí, chủ yếu người dân sẽ gặp gỡ bạn bè hoặc ăn nhậu.

Năm nay, thủ đô Seoul nơi Hào sống có tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới. Tuy nhiên, một phần do ám ảnh vụ việc tại Itaewon, một phần phải tăng ca làm thêm, Hào không tham gia hoạt động này.

"Thông thường, du học sinh làm thêm sẽ không được nghỉ làm vào những ngày lễ chính, thậm chí phải tăng ca bởi nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi của người dân tăng mạnh trong dịp này. Một số nơi sẽ có thưởng thêm cho nhân viên, vì vậy, du học sinh làm việc ngày lễ có thể tăng thêm thu nhập, trang trải học phí và sinh hoạt", Hào chia sẻ với Zing.

Ngày cuối cùng của năm, Hào phải tăng ca thêm 1 tiếng, từ 14h-23h. Theo văn hóa Hàn Quốc, các ngày lễ lớn thường sẽ ăn rất nhiều gà và đến các cửa hàng tiện lợi (nơi Hào làm việc) để mua bia. Vì vậy, lượng khách Hào phải tiếp ngày 31/12 khá lớn, ra vào liên tục, cô thậm chí không có thời gian ăn uống, mệt hơn ngày bình thường rất nhiều.

Hào mô tả "làm việc mùa đông mà mồ hôi vã ra như mùa hè", chân tay hoạt động liên tục, từ thanh toán, sắp hàng lên kệ, dọn vệ sinh, cô đều phải làm một mình.

23h40, thời tiết -2 độ C, Hào về đến nhà sau một ngày làm việc bận rộn. Còn 20 phút nữa để chuẩn bị đón năm mới. 4 năm ở nước bạn, Hào đã quen với việc đón năm mới xa nhà này.

Năm nay, Hào cầu mong cho gia đình và bản thân một năm mới mạnh khỏe, cô sẽ tiếp tục những ước mơ, dự định còn dang dở sau 2 năm đại dịch.

"Từ phương xa, mình chúc mọi người vạn sự tốt lành. Chúc các bạn du học sinh luôn khỏe và mạnh mẽ, tạo được nhiều thành công ở xứ người và trở thành niềm tự hào của dân tộc", Hào chia sẻ.

Ngày 1/1, Hào vẫn tiếp tục công việc làm thêm như mọi ngày. Tuy nhiên, cuối ngày hôm nay, sau khi tan làm, Hào sẽ cùng nhóm bạn Việt Nam tranh thủ tụ họp tại nhà một người bạn để chào năm mới.

Đi đền thờ tại Nhật Bản

Khác với những nước châu Á khác như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore… Nhật Bản từ lâu đã không đón Tết theo âm lịch. Vì vậy, Tết dương lịch được coi là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm.

Tương tự Quân, Đạt, 2023 là năm đầu tiên Thảo Linh (18 tuổi) đón năm mới tại Nhật Bản. Linh cho biết khác với văn hóa Việt Nam, người Nhật đón năm mới nhẹ nhàng hơn. Đa số người dân chỉ dọn dẹp nhà cửa, một số nhà sẽ trang trí thêm để tạo không khí. Các dịch vụ sẽ bắt đầu nghỉ từ 29/12/2023 đến hết ngày 1/1/2023.

Thời tiết tại Nhật Bản khá lạnh, vì vậy, 7h tối ngày cuối cùng của năm 2022, Linh cùng một số người bạn Việt Nam đã tụ họp, chuẩn bị đồ ăn.

Các món ăn như lẩu, nem rán, thịt kho... được cả nhóm chuẩn bị, cùng nhau xem truyền hình và đếm ngược đến khoảnh khắc chuyển giao. Đối với Linh, cô cảm nhận những khoảnh khắc đó ấm cúng như được ở nhà cùng cha mẹ.

"Nhật Bản có phong tục sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới sẽ thức dậy trước lúc mặt trời mọc, cùng nhau leo lên chỗ ngắm mặt trời rõ nhất và cầu nguyện khi mặt trời vừa lên. Tuy nhiên, thời tiết lạnh quá, cả nhóm mình chọn đi đền cầu nguyện", Thảo Linh chia sẻ.

6h20 hôm nay, Linh cùng 6 người bạn Việt Nam đi tàu đến đền thờ Kibitsu Jinja, tỉnh Okayama, để trải nghiệm rung chuông cầu nguyện, xin quẻ đầu năm và mua bùa cầu bình an. Năm nay, linh cầu sức khỏe và bình an cho cả gia đình. Nữ sinh cũng rút được quẻ đại cát, may mắn ngay ngày đầu năm mới.

Đối với Linh, đây đều là những trải nghiệm mới lạ và thú vị khi lần đầu tiên đón năm mới xa nhà.

(Nguồn: Giáo Dục Thủ Đô)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Gửi hy vọng cho 2023; Đón Tết ở Odessa; Tết sớm tại CH Séc; Chặng đường mới 2023 ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang