Người Việt hải ngoại: Chuẩn bị đón Tết; Nghệ sĩ đưa Tết vào graffiti; Tiến sĩ tại Mỹ viết về vaccine; Sinh viên tại Israel tiêm vaccine; Hoan nghênh sắc lệnh của Biden

Người Việt xa xứ chuẩn bị đón Tết cổ truyền

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Tết “gọi mời” những người con xa quê trở về, “gọi lại” những người bận rộn quây quần bên mâm cơm gia đình, bên những chiếc bánh chưng xanh, bên bàn trà nước nói cười râm ran chuyện xưa mới, bên những lời chúc tụng thoảng khí xuân rộn ràng...

Vậy nên, mỗi khi Tết đến Xuân về, hai tiếng quê hương, hai tiếng gia đình luôn là hình ảnh ngẫm ngợi trở về của biết bao người con Việt Nam xa xứ.

Anh Bảo Lâm - Việt kiều Việt Nam tại London, UK: Luôn hướng về Tổ quốc, người thân và gia đình trong giây phút chuyển giao năm mới

https://media.suckhoedoisong.vn/Images/nguyenkhanh/2021/02/05/anh%20phuong.jpg

Tôi cảm thấy rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh để có thể bay về Việt Nam trong năm nay, năm mà dịch bệnh COVID-19 đang gây ra những tác hại vô cùng nghiêm trọng. Tôi cảm thấy rất vui mừng khi có thể có mặt ở Việt Nam lúc này, chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc. Đối với những Việt kiều như chúng tôi, ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn luôn là một dịp hết sức quan trọng và dù có ở nơi đâu, tôi tin các người con Việt Nam vẫn luôn hướng về Tổ quốc, hướng về người thân và gia đình trong giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tôi rất mong đại dịch sẽ sớm được kiểm soát và bà con Việt kiều lại có thể bay về Việt Nam thăm gia đình.

Anh Nguyên - (Phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam tại Seoul, Hàn Quốc): Chuẩn bị một cái Tết thật đầm ấm để vơi đi nỗi nhớ nhà

“Tết năm nay rất đặc biệt. Mặc dù là nhiệm kỳ thứ hai công tác thường trú tại Hàn Quốc và là lần thứ 5 đón xuân tại xứ sở Kim Chi, song lần này là nhiệm kỳ đầu tiên phải “sống chung” với đại dịch COVID-19. Điều may mắn là ở Hàn Quốc bây giờ là các nguyên liệu chuẩn bị cho Tết cổ truyền Việt Nam đã được phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, cần gì cũng có thể mua được qua mạng. Cộng đồng người Việt tại đây cũng đã có thêm các dịch vụ cung cấp các món ăn mang đậm hương vị quê nhà như bánh chưng, giò chả, nem, các loại mứt..., may mắn là không thiếu thứ gì. Thông thường vào dịp cuối năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ phối hợp Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Tết Cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, mọi hoạt động tập trung đông người đều đã phải hủy bỏ. Với cá nhân tôi, điều may mắn là có cả gia đình nhỏ bên cạnh nên phần nào cũng đỡ nhớ quê nhà, người thân hơn nhiều người khác vào dịp Tết đến, Xuân về”.

Chị Châu (Tỉnh Ibaraki, Nhật Bản): Tự ru lòng mình rằng ngày mai, tất cả sẽ trở lại bình thường

Người Việt hay có truyền thống tụ tập cuối tuần để cùng nhau đón năm mới, dù có thể lệch so với lịch, sớm hay muộn hơn vì cuộc sống xa xứ đã gắn bó chúng tôi như đại gia đình, nhưng năm COVID-19 khiến chúng tôi phải thận trọng hơn. Tâm trạng của các anh chị em năm nay cũng có nhiều xao động, đa phần là có chút buồn và lo lắng, chúng tôi đều hiểu rằng rất khó để có thể được trở về quê hương sớm. Đại dịch cũng đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn, nhiều người lao động mất việc, nhiều du học sinh khốn khó do gánh nặng nợ nần và học phí quá cao. Tết với chúng tôi, nay chính là một cột mốc thời gian tượng trưng của khởi đầu mới, giúp chúng tôi thắp lên niềm hy vọng nho nhỏ rằng ngày mai, tất cả sẽ lại trở lại bình thường”.

Chị Nancy Kiều (Bang California, Mỹ): Tết năm nay buồn lắm vì nỗi nhớ Việt Nam!

“Với tôi, Tết năm nay buồn lắm! Năm ngoái, vì mang thai nên tôi không thể về quê để đón Tết, tính năm nay, cả nhà sẽ cùng về ăn một cái Tết tại quê nhà thật vui cho thỏa nỗi nhớ mong. Thế mà, dịch COVID-19 ập đến khiến các chuyến bay thương mại từ Mỹ về Việt Nam đều bị ngừng lại và thậm chí còn chả biết bao giờ mới hoạt động trở lại. Tết năm nay, tôi dự định sẽ lên mạng để đón Giao thừa cùng múi giờ với Việt Nam thông qua các kênh YouTube trực tuyến”.

Chị Phạm Thanh Hoa (Hồng Kông, Trung Quốc): Mong Tết xứ người qua thật nhanh để ngưng nỗi nhớ

Đối với tôi, một người con xa xứ đang sống tại Hồng Kông, Trung Quốc, Tết ở nơi xứ người rất buồn vì nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết ở quê nhà quá lớn. Năm nay, chắc chắn, Tết với tôi còn chán nản hơn vì không được về nhà, trong khi tại Hồng Kông, mọi nơi vui chơi, nhà hàng ăn uống, quán bar đều buộc phải đóng cửa từ 18h, áp dụng từ đầu tháng 12/2020 và chắc chắn đến Tết cổ truyền vẫn còn hiệu lực. Muốn đi ăn ở ngoài thì bị giới hạn không quá 2 người. Nói chung là tôi không hy vọng Tết năm nay ở xứ người sẽ vui vẻ, thoải mái. Thôi thì, cũng may Tết ở Hồng Kông cũng ngắn, chỉ 3 ngày thôi, nên mong nó sẽ qua thật nhanh để ngưng nỗi nhớ nhà”...

Nghệ sĩ gốc Việt đưa nét Tết xưa vào nghệ thuật đường phố graffiti

Tết Tân Sửu, nghệ sĩ graffiti tài ba Cyril Kongo dành tặng người hâm mộ Việt Nam tác phẩm giao thoa văn hoá, kết hợp tranh linh vật Tết với hội hoạ đường phố graffiti.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Thú chơi tranh Tết của người Việt xưa

"Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc", thú chơi tranh Tết từ lâu đã là một nét văn hoá độc đáo, một phong tục cổ truyền ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa mà mỗi thế hệ đều mong muốn giữ gìn. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, dù giàu hay nghèo gia đình Việt Nam cũng đi chợ lựa mua những bức tranh với hi vọng đón may mắn về nhà, sửa soạn nhà cửa, ban thờ, gỡ tranh cũ xuống treo tranh mới lên với hàm ý "Tống cựu, nghinh tân". Đối với gia đình ở nông thôn, gian nhà tranh vách đất cũng rạng rỡ hơn với một tờ tranh nhỏ, tuy mộc mạc nhưng là món ăn tinh thần to lớn. Còn đối với gia đình ở thành phố, việc treo tranh không chỉ cho có không khí Tết mà còn thể hiện lễ giáo gia phong của gia đình.

Tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng... chiếm vị thế chủ đạo trong tập quán tốt đẹp này. Nội dung tranh thường là những biểu tượng linh vật hiền hoà, quen thuộc, no tròn, ấm áp, hoặc đi kèm thông điệp, lời chúc hài hoà, thịnh vượng. Màu sắc trong các bức tranh Tết thường rực rỡ, tạo cảm giác mới mẻ, ấm cúng, rộn rã sắc xuân và tràn ngập những ước vọng đẹp đẽ. Xã hội phát triển và văn hoá phương Tây du nhập, thú treo tranh truyền thống không còn mạnh như trước kia, tuy nhiên những tập tục này vẫn hằn in trong tiềm thức của những người con Việt Nam.

Dù xa quê hương từ năm 6 tuổi, nhưng vốn được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu văn hoá truyền thống gốc Huế, những nét đẹp này đã phần nào ăn sâu trong kí ức của Cyril Kongo. Đối với ông, đây là thú sưu tầm tranh đặc trưng của người Việt, đã có lịch sử lâu đời và ý nghĩa tốt đẹp, cũng cho thấy niềm yêu nghệ thuật và hội hoạ rất mãnh liệt đến từ mọi tầng lớp của xã hội. Trưởng thành từ graffiti - một môn nghệ thuật được nuôi dưỡng từ niềm yêu thích hội hoạ của ngay cả những tầng lớp bình dân nhất, Cyril Kongo tâm đắc với sự tương đồng giữa hai nét đẹp trong chơi tranh Tết của người Việt và graffiti, cũng chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác bức "Kongo 2021".

Biểu tượng Tân Sửu trên đất diễn graffiti

Trong vô vàn những sáng tạo độc đáo của các nghệ sĩ ngày ngay, kết hợp tranh Tết truyền thống với nghệ thuật graffiti là hướng đi độc đáo, xuất phát từ một người con xa quê nhiều năm nhưng không đánh mất tình yêu trước cái đẹp của nền văn hoá nơi ông được sinh ra.

"Tôi luôn nhớ về ký ức tuổi thơ của mình tại Việt Nam. Ký ức chứa đựng nhiều điều kỳ diệu hơn chúng ta tưởng. Những tầng ý nghĩ về căn nguyên, nguồn gốc quê hương luôn là cảm hứng lớn trên con đường sáng tác nghệ thuật của mình. Tác phẩm "Kongo 2021" chính là dòng chảy về tiềm thức của tôi hướng về quê hương mùa xuân này. Thông qua đó, tôi hy vọng rằng thế hệ các bạn trẻ có thể tìm kiếm những góc tiếp cận nghệ thuật mới mẻ để lưu giữ các giá trị truyền thống của Việt Nam", Cyril Kongo chia sẻ.

"Kongo 2021" lấy hình tượng con trâu – linh vật của năm Tân Sửu làm trung tâm của bức tranh khổ vuông có viền, cách điệu từ lá cờ hội dân gian. Trâu nước – người bạn quen thuộc của nông dân, loài vật tượng trưng cho nền văn minh lúa nước cũng là hiện thân cho đức tính cần cù, chăm chỉ và bản lĩnh, được Cyril Kongo thể hiện tương phản trên nền "Chúc mừng năm mới Tân Sửu".

Khác với những đường nét mềm mại trong tranh cổ, dưới lăng kính Graffiti, Kongo đã khắc hoạ hình tượng trâu thông qua những hình khối đa sắc màu. Sự đan xen của những gam màu ấm nóng ẩn chứa nhiều ý nghĩa như màu đỏ của hoa đào, vàng của mai, hồng của xác pháo... cũng chính là các màu sắc của sự tươi mới vốn vẫn được yêu thích trong tranh Tết truyền thống bao đời. Tựu trung lại, trên nền cờ hội nhưng được cách điệu, cũng lời cầu chúc nhưng được viết bằng phông chữ của thời đại, cũng linh vật, cũng những sắc màu tươi sáng, Kongo đã hội tụ những nét truyền thống và thổi vào đó tinh thần đương đại của Việt Nam năm 2021, đầy năng lượng phóng khoáng và lạc quan.

Là một trong những nghệ sỹ tiên phong đưa graffiti vượt qua khỏi khuôn khổ của những bức tường, đi vào nhiều triển lãm, phòng trưng bày lớn trên thế giới, Kongo nổi tiếng với những tác phẩm graffiti được thực hiện trên nhiều bề mặt với nhiều kích thước khác nhau. Lần này, ông đã chọn chất liệu vải linen đặc biệt của Pháp kết hợp cùng sơn acrylic nhằm lột tả những kỹ thuật "chơi màu" độc đáo. Trên nền vải linen, những dải màu xanh chuyển từ tông đậm sang nhạt một cách uyển chuyển và sự tương phản màu sắc xanh dương – đỏ cam càng trở nên rõ rệt, tạo nên chiều sâu thị giác cho mỗi vị khách khi thưởng thức tác phẩm này. Nhờ đó, thông điệp "Chúc mừng năm mới Tân Sửu" cũng được truyền tải một cách độc đáo mang đậm dấu ấn nghệ thuật của Cyril Kongo.

Đây là lần đầu tiên Kongo sáng tác chủ đề này và cũng chỉ hoàn thiện một bức duy nhất đề gửi về trưng bày tại gallery đầu tiên ở Việt Nam, trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. Tranh của Cyril Kongo luôn được yêu thích bởi tinh thần Joie de Vivre – toát lên sự lạc quan và yêu cuộc sống, giúp thắp sáng không gian sống hiện đại và truyền cảm hứng cho người xem mỗi ngày. Chính vì thế, dù là thể hiện nét văn hoá truyền thống của phương Đông nhưng Cyril Kongo đã đem đến một góc cảm nhận mới, tìm thấy điểm chung cộng hưởng của nhiều thú chơi văn hoá cũng như tương đồng trong cảm xúc, gửi gắm trong một tác phẩm hướng về quê hương và tương lai mang tên "Kongo 2021".

Tiến sĩ người Việt tại Mỹ viết về khả năng bảo vệ tuyệt vời của vắc xin COVID-19

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

"Trời, hiệu quả cao đến vậy à?" - đây chính là câu cảm thán tôi lặp đi lặp lại với chính mình mỗi lần nghĩ về con số 95% - hiệu quả bảo vệ của vaccine Moderna và Pfizer khi kết quả vừa được công bố cuối năm vừa qua. Tôi còn nhớ như in sự vui mừng hớn hở của tôi và một cậu nghiên cứu sinh người Malaysia trong lab khi cập nhật thông tin cho nhau nghe trong mấy tuần đó. Chúng tôi đều nghĩ "Vậy là có hi vọng rồi!", và còn nói đùa sẽ lên kế hoạch về thăm gia đình ngay sau khi vaccine được tiêm chủng đại trà.

1001 lý do vaccine COVID-19 đã có thể bị thất bại

Làm việc trong một trung tâm đã gần 20 tuổi đời chuyên nghiên cứu vì sao vaccine cúm mùa thất bại, chúng tôi đều nhìn thấy có quá nhiều lý do để vaccine COVID-19 không thành công: kích thước của protein gai (thành phần chính trong hầu hết mọi vaccine COVID-19) quá to khiến protein dễ bị biến đổi cấu hình, làm giảm hiệu quả; cơ thể người không đáp ứng tốt với protein gai; kháng thể tạo ra không ngăn chặn virus hiệu quả, v.v… Đó là chưa kể trường hợp hiếm gặp nhưng rất đáng sợ là một vaccine không hiệu quả đủ sẽ có thể làm bệnh nặng hơn.

Một năm cúm mùa được xem là thành công khi hiệu quả bảo vệ của vaccine ở vào khoảng 40-60%, trong khi con số này có thể giảm xuống đến 10%-15% vào những năm thất bại như mùa cúm 2004-05 và 2014-15 ở Mỹ. Trong hơn 15 năm qua, con số này chưa từng vượt qua ngưỡng 60%.

Vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi không hi vọng quá nhiều vào một "kết quả trong mơ" của vaccine COVID-19. Một vaccine có hiệu quả 60%-70% với thời gian phát triển trong một năm như vậy đã được xem là thành công. Bởi vì một năm từ phát triển vaccine đến hoàn thành pha 3 thử nghiệm lâm sàng cũng có nghĩa là không được phép sai sót, mỗi bước đều phải được thực hiện một cách hoàn hảo. Với dân nghiên cứu như chúng tôi vốn thường gặp thất bại nhiều hơn thành công, điều này cũng đồng nghĩa với "phép màu".

Phép màu - sự thành công vượt xa mong đợi của vaccine COVID-19

Tôi theo dõi kỹ từng bước phát triển của các loại vaccine COVID-19 từ tháng tư năm ngoái, một phần vì công việc, một phần vì mong mỏi một tin tốt lành về khả năng vượt qua đại dịch của toàn thế giới. Khi nghe tin bệnh viện địa phương tuyển tình nguyện viên cho thử nghiệm lâm sàng pha 1 của công ty Pfizer tháng 6 năm 2020, tôi lập tức đăng ký tham gia.

Ngày Pfizer công bố kết quả pha 1, tôi vội tìm đọc ngay bảng kết quả chi tiết về lượng kháng thể tạo ra trong máu những người tình nguyện, dĩ nhiên trong đó có tôi. Tôi đã hân hoan vô cùng.

Hàm lượng kháng thể (thuật ngữ chuyên ngành là "hiệu giá kháng thể") do vaccine của Pfizer tạo ra cao hơn nhiều so với lượng kháng thể tạo ra khi tiêm chủng cúm mùa tôi thường phân tích, phải gọi là "cao đến ngỡ ngàng".

Tín hiệu vui tiếp nối nhau. Đến cuối tháng 11 năm 2020, Pfizer công bố kết quả pha 3 với hiệu quả bảo vệ người tiêm chủng tránh mắc bệnh lên đến 95%. Hơn một tuần sau đó, công ty Moderna cũng tuyên bố hiệu quả bảo vệ ở ngưỡng trên 90%. Cả hai công ty Pfizer và Moderna đều phát triển vaccine dựa trên công nghệ mRNA, một công nghệ mới cho phép tạo ra vaccine trong thời gian ngắn kỉ lục. Do đã biết về hàm lượng kháng thể rất cao do vaccine tạo ra, tôi tin những con số được báo cáo là chính xác.

Lần lượt trong những tuần sau đó cho đến cuối tháng 1 năm 2021 vừa qua, các công ty vaccine khác cũng tuyên bố những kết quả rất đáng khích lệ, với hiệu quả trong khoảng 70-90% đối với virus SARS-CoV-2. Các công ty khác sử dụng những công nghệ chế tạo vaccine truyền thống (khác với Pfizer và Moderna), bao gồm protein gai tái tổng hợp, dùng vector hoặc virus bất hoạt. Những công nghệ này có ưu điểm là độ an toàn đã được biết đến nhiều hơn, nhưng nhược điểm là thời gian phát triển vaccine dài hơn.

Tuy vậy, cho dù cho sử dụng công nghệ vaccine nào chăng nữa, tất cả những vaccine được báo cáo đến nay đều có hiệu quả cao hơn mong đợi.

Vaccine COVID-19 đến nay bảo vệ gần như tuyệt đối khỏi tử vong

Các tin tức chung quanh vaccine thường tập trung vào hiệu quả bảo vệ người tiêm chủng khỏi nhiễm COVID-19, ví dụ những con số 95% hay 70-90% tôi vừa đề cập bên trên. Điều này khiến cho thông tin về các biến thể mới ở Anh, Nam Phi và Brazil dễ dàng làm dấy lên nỗi lo sợ trong cộng đồng, dù những hoang mang này nhanh chóng dịu đi khi có thêm nhiều kết quả nghiên cứu được công bố.

Thế nhưng còn một điểm sáng của vaccine rất ít được chú ý mà có lẽ lại là quan trọng nhất: Cho đến nay cả năm loại vaccine đã hoặc gần hoàn thành thử nghiệm pha 3 đều bảo vệ người nhiễm bệnh khỏi tử vong. Năm loại vaccine này bao gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Novavax và Johnson & Johnson.

Một bài báo đăng trên tờ New York Times đã đưa ra những con số rất đáng suy ngẫm: Trong số khoảng 75.000 người tham gia thử nghiệm của năm loại vaccine trên, không có ca tử vong nào vì COVID-19, và chỉ một vài người đã phải nhập viện. Dù vậy, tất cả những người tinh nguyện đó đều đã được xuất viện trong vòng 28 ngày kể từ ngày tiêm chủng.

Trong khi đó, trung bình cứ mỗi 75.000 người Mỹ, COVID-19 đã giết khoảng 150 người và khiến hàng trăm người khác phải nhập viện. Ngay cả một mùa cúm bình thường ở Mỹ cũng giết chết khoảng 5-15 người trưởng thành và khiến hơn 100 người nhập viện (tính trung bình cho 75.000 người).

Những con số này hiển nhiên chỉ mang tính chất tham khảo. Nhưng nói như vậy để thấy rằng dù những ca mắc bệnh nhẹ sau khi tiêm chủng bị báo cáo như một thất bại, chúng vẫn là hiệu quả đáng ghi nhận của vaccine, giúp đưa chúng ta một bước đến gần hơn cuộc sống "bình thường" trước đại dịch.

Những con số này cũng nhấn mạnh rằng: dù hiệu quả của vaccine có giảm đi đối với các biến thể đã và sẽ được phát hiện, vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ đáng kể. Ví dụ, hai vaccine của Johnson & Johnson và Novavax đã được thử nghiệm tại Nam Phi, và chưa có ai được tiêm chủng chết vì COVID. "Mọi người vẫn chưa mắc bệnh nặng"- Tiến sĩ Rebecca Wurtz thuộc Trường Y tế Công cộng Đại học Minnesota nói.

Kết luận

Với sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới, có lẽ cả thế giới đang bắt đầu nhìn nhận một điều: virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất hoàn toàn trong thời gian ngắn sắp tới. Thay vào đó, một tình huống đã được một số chuyên gia dự đoán trước là virus SARS-CoV-2 sẽ ở lại.

Và viễn cảnh tốt nhất là chúng sẽ trở thành một loại cảm mùa thứ năm, cùng với bốn loại coronavirus gây cảm mùa đang lưu hành khi tất cả mọi người đều đã được tiêm chủng. Lúc đó, trường học, hàng quán, dịch vụ lại có thể mở cửa như thời kỳ trước đại dịch. Để chờ được đến ngày đó một cách an toàn nhất, chúng ta cần kiên nhẫn tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan y tế, thực hiện 5 K - "Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" - để bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho bản thân và những người chung quanh.

Sinh viên Việt Nam tại Israel được tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Hàng trăm sinh viên Việt Nam đang tham gia chương trình thực tập nông nghiệp tại Israel đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, do cơ quan y tế Israel tiến hành.

“80% sinh viên đã được tiêm chủng vắc xin. 20% còn lại sẽ được tiêm trong tuần tới”, bà Hanni Arnon, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp AICAT của Israel, cho biết.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Theo thông tin từ Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, các nhà ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel cũng đã được tiêm vắc xin.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eschar khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể để bảo vệ những người khách quý Việt Nam, giúp họ an toàn và khỏe mạnh, để họ luôn cảm thấy được chào đón”.

Việt Nam là nước có số lượng sinh viên tham gia thực tập nông nghiệp 11 tháng tại Israel đông nhất trong số các đối tác của Israel. Hằng năm, có khoảng 1.500 sinh viên tham gia chương trình này. Hiện, Israel là nước đi đầu thế giới về tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân.

Người Việt tị nạn tại Thái Lan hoan nghênh sắc lệnh của Tổng Thống Biden

Người Việt đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan vui mừng khi hay tin Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký sắc lệnh khôi phục lại các chương trình tiếp nhận người tị nạn.

Hôm 4/2, Tổng thống Biden ký sắc lệnh “khởi động các nỗ lực cải cách hành chính” với mục tiêu tăng số người tị nạn lên 125.000 người trong năm tài chính đầu tiên.

Nội dung của sắc lệnh này bao gồm việc hủy bỏ các chính sách của chính quyền Donald Trump về việc hạn chế việc tái định cư người tị nạn và xét duyệt quá mức; cải thiện hiệu quả, tính toàn vẹn, an ninh và minh bạch của Chương trình Hoa Kỳ về việc Tiếp nhận người Tị nạn (USRAP); mở rộng năng lực xét duyệt người tị nạn; tăng cường khả năng tiếp cận nhiều nhất những người tị nạn dễ bị tổn thương.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo cho biết: “Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden gửi một thông điệp to lớn và rõ ràng: những người tị nạn được chào đón ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hôm nay, Hoa Kỳ tái cam kết bằng cả phẩm giá và sự tôn trọng, và không phân biệt đối xử đối với tất cả những cá nhân đăng ký chương trình tị nạn của Hoa Kỳ.”

Từ Bangkok, nhà hoạt động Đoàn Huy Chương, người từng bị cầm tù ở Việt Nam và hiện đang xin quy chế tị nạn chính trị, bày tỏ sự vui mừng trước sắc lệnh mới của Tổng thống Biden:

“Nghe được tin này chúng tôi rất vui mừng. Tôi hy vọng rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ mở ra các cơ hội cho những người tị nạn. Hiện nay, tại Thái Lan có những người Việt xin tị nạn hơn 20 năm vẫn chưa được nước thứ ba tiếp nhận.”

Ông Đoàn Huy Chương cho biết hiện tại có hơn 2.000 người đang tị nạn tại Thái Lan:

“Có bốn nhóm sắc tộc gốc Việt xin tị nạn ở Thái Lan: nhóm người Việt (Kinh), Khmer Krom, Montagnard, H’mong. Tổng cộng người tị nạn ở đây khoảng 500 gia đình, với khoảng 2.100 người.

“Người tị nạn ở đây gặp rất nhiều khó khăn do Thái Lan không ký Công ước 1951 về việc công nhận người tị nạn, cho nên họ không được ở lại Thái Lan, và phải tìm cách đi đến một nước thứ ba. Dù có được cấp quy chế tị nạn thì vẫn bị xem người cư trú bất hợp pháp.”

Ông Y Quynh Bdap, người Montargnard theo đạo Tin Lành ở Đắc Lăk và sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018, nói với VOA về sắc lệnh của Tổng thống Biden:

“Đây là một tin mừng cho người tị nạn vì chúng tôi đang gặp khó khăn ở đây. Hiện nay số lượng người Montagnard ở Thái Lan gần 800 người, trong đó có 600 người từ Việt Nam sang, còn là từ Campuchia.

“Đây là một số lượng số người tị nạn do chính quyền Việt Nam đàn áp về tôn giáo và chính trị.

“Ở đây chúng tôi không được phép làm việc, không được an toàn do chính phủ Thái không ký Hiệp định 1951 về người tị nạn.

Tân Tổng thống Biden cam kết khôi phục “vai trò lịch sử” của Mỹ là một quốc gia luôn chào đón người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, sau 4 năm chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt giảm tiếp nhận người tị nạn.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, mục tiêu cho năm tài chính tới, bắt đầu từ ngày 1/10/2021, là tiếp nhận 125.000 người tị nạn, tăng hơn 8 lần so với con số 15.000 người của chính quyền tiền nhiệm.

Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần miêu tả người tị nạn như mối đe dọa an ninh và gây ảnh hưởng các cộng đồng Mỹ. Ông đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm siết chặt vấn đề nhập cư.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết ước tính có 1,4 triệu người tị nạn trên toàn thế giới đang cần tái định cư khẩn cấp.

(Nguồn: VOA, Vietnamnet, Sức Khỏe Đời Sống, CafeBiz, Soha)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Học tập - Lao động

Cảnh báo ngành cắt tóc làm móng: Vấn nạn lao động chui phổ biến hơn bao giờ hết

19/04/2024

Người Việt xa xứ chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Tết “gọi mời” những người

Hành khách cần biết: Nghiệp đoàn Verdi Lufthansa lại đình công thứ 5 - 7; Đường sắt đình công thứ 5 - 7, vận tải hàng thứ 4 - 6

05/03/2024

Người Việt xa xứ chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Tết “gọi mời” những người

Cảnh báo hành khách Đức: Nghiệp đoàn Ver.di đình công - Giao thông công cộng địa phương ùn tắc

01/03/2024

Người Việt xa xứ chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Tết “gọi mời” những người

Kinh doanh

Lufthansa, Ryanair và Co sắp tăng vé, có kế hoạch cần đặt vé sớm; Xếp hạng sân bay thế giới 2024 cần biết, cơ hội lựa chọn cho hành khách

21/04/2024

Người Việt xa xứ chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Tết “gọi mời” những người

Thương hiệu xe Đức cạnh tranh bất chấp cả xe xăng lẫn xe điện Trung Quốc; Mô hình bán mỳ Ramen độc đáo của đầu bếp Christopher Selig

21/04/2024

Người Việt xa xứ chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Tết “gọi mời” những người

Kiểm tra lao động chui nhiều cơ sở kinh doanh có cả vũ khí ở Nordrhein-Westfalen; Khám xét tiệm mát xa người Trung Quốc ở NRW

24/03/2024

Người Việt xa xứ chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Tết “gọi mời” những người

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang