- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Người dân ở Mỹ sắp sửa đón mừng Lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm này bằng những bữa ăn đầm ấm bên người thân và bạn bè giữa lúc vật giá tăng cao vẫn còn là mối lo ngại đối với nhiều hộ gia đình.
Dù vậy, một khảo sát kinh tế mới đây lại cho thấy một bữa ăn tối trong ngày Lễ Tạ ơn – bao gồm một con gà tây nướng cùng những rau củ và bánh mì kèm – ít tốt kém hơn những năm trước đây.
Chi phí cho bữa ăn ngày lễ năm nay — ước tính là 58,08 đôla cho một buổi tụ tập 10 người, hoặc 5,81 đôla mỗi đầu người — đã giảm 5% so với năm ngoái, là mức thấp nhất kể từ năm 2021, theo một cuộc khảo sát toàn quốc về giá thực phẩm của Liên đoàn Nông trại Hoa Kỳ (AFBF), đại diện hàng triệu nông dân Mỹ.
"Nếu đồng đô la của bạn có sức mua chung tương đương với sức mua của người tiêu dùng vào năm 1984… thì đây sẽ là bữa ăn Lễ Tạ ơn rẻ nhất trong lịch sử 39 năm của cuộc khảo sát Lễ Tạ ơn của AFBF, trừ trường hợp ngoại lệ vào năm 2020," các tác giả viết.
Ví dụ, gà tây rẻ hơn 6% so với năm ngoái, mặc dù cúm gia cầm đã làm giảm một phần số lượng gà tây có sẵn. Trữ lượng sụt giảm thường đẩy giá lên cao, nhưng người Mỹ đang ăn ít hơn khoảng 1 pound (khoảng 0,5 kg) gà tây một người mỗi năm, do đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn để bù đắp nguồn cung bị ảnh hưởng, theo NBC News.
Một số loại thực phẩm qua chế biến có thể xuất hiện trên bàn tiệc Lễ Tạ ơn hiện có giá đắt hơn. Bánh mì ổ nhỏ (dinner rolls) và bánh mì nhồi gà tây (stuffing) đều được bán với giá cao hơn 8% so với một năm trước. Ngược lại, khoai lang và sữa nguyên kem có mức giảm giá hằng năm mạnh nhất, lần lượt giảm 26% và 14%. Dù giá quả nam việt quất (cranberry) tươi tăng 12%, đảo ngược mức giảm 18% của năm trước, nó vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2015 — và khi điều chỉnh theo lạm phát, giá ngang bằng với giá vào năm 1987, báo cáo cho biết.
Dù vậy, giá thức ăn cho dịp Lễ Tạ ơn đã tăng 19% kể từ năm 2019, theo AFBF.
Đối với nhiều gia đình người Việt, Lễ Tạ ơn cũng là một dịp quan trọng để mọi người quây quần họp mặt ngoài dịp Tết cổ truyền. Những bữa ăn của một số gia đình cũng có món gà tây dù nhiều gia đình ưa chuộng những món ăn truyền thống khác của Việt Nam phù hợp với khẩu vị của mình hơn.
Bà Mã Tiểu Linh, cư dân ở thành phố Woodbridge thuộc bang Virginia, cho biết lạm phát trong những năm qua đã khiến giá đồ ăn tăng cao ở nơi bà sinh sống. Mùa Lễ Tạ ơn này, bà nói bà mua được ít đồ hơn nhưng số tiền bỏ ra nhiều hơn.
Bà hết sức ngạc nhiên khi được cho biết về kết quả cuộc khảo sát của AFBF nói một bữa ăn ngày lễ cho 10 người năm nay chỉ tốn khoảng gần 60 đô la.
“Bữa ăn Lễ Tạ ơn của gia đình mình mọi năm thì đông,” bà nói, cho biết tổng số người của gia đình bà là 10 người. “Tôi không thấy mua được cái gì nhiều mà bill là 600 đô la rồi. Ngày hôm nay phải đi mua nữa nè.”
“Thống kê mà nói đồ ăn rẻ hơn thì tôi cũng muốn biết thống kê ở chợ nào để tôi ra đứng xếp hàng mua,” bà nói vui. “Không thể nào như vậy, con gà tây có thể rẻ hơn năm ngoái nhưng rau, hành, cải, ngò nó tăng lên thì cũng như không. Mà một bữa ăn của mình đâu phải chỉ có con gà tây.”
Bà Mai Hoa, một cư dân ở thành phố Houston thuộc bang Texas, cho biết năm nay bà cũng tiêu tốn khoảng từ 500 tới 600 đô la cho bữa ăn Lễ Tạ ơn. Bà nói bữa ăn này dành cho gia đình bao gồm hai vợ chồng bà, các con và các cháu từ 8 đến 10 người.
Bà nhận xét số tiền này “không cao hơn mà cũng không thấp hơn” nhiều so với chi phí mọi năm. Đồ ăn Mỹ thì giá không đắt hơn mọi năm nhưng đồ ăn Việt Nam thì có đắt hơn, bà cho biết thêm.
Nhưng chi phí ăn uống không phải là điều quan trọng đối với bà; điều quan trọng là bà có dịp cùng con cháu quay quần sum họp.
“Thường thường trong gia đình thì không phải một người lo hết. Mình có con thì con mình cũng phụ thêm, rồi mình phụ thêm cái gì mình thích,” bà chia sẻ. “Mỗi người chung nhau một chút xíu thì nó cũng vui và cũng có tình cảm hơn là một người lo hết từ A cho tới Z.”
Số tiền người ta tiêu tốn cho bữa ăn tối Lễ Tạ ơn cũng sẽ phụ thuộc vào khu vực địa lý. Các hộ gia đình ở miền Tây, khu vực đắt đỏ nhất cho các mặt hàng tạp hóa trong ngày lễ, sẽ chi tiêu trung bình nhiều hơn khoảng 18% so với những người sống ở miền Nam, nơi có giá rẻ nhất, theo ước tính của AFBF.
Sự kiện vui chơi giải trí mang tên 'Hoa Văn hóa' đã đưa các đội chơi đi qua một hành trình khám phá và tìm hiểu về các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.
Tại Sydney, Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Queensland (AVSQ) mới đây đã tổ chức thành công sự kiện vui chơi giải trí mang tên “Hoa Văn hóa” nhằm giúp các bạn sinh viên cũng như cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc tại Australia kết nối và khám phá thêm về các sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức và sự trân trọng đối với vẻ đẹp của các di sản văn hóa phi vật thể của “dải đất hình chữ S.”
Chương trình cũng đánh dấu cột mốc cuối cùng cho chuỗi các sự kiện và dự án của AVSQ trong năm 2024.
Với mục đích truyền tải và lan tỏa tinh hoa văn hóa nước nhà tới cộng đồng người Việt ở thành phố Brisbane (bang Queensland), “Hoa Văn hóa” đã đưa các đội chơi đi qua một hành trình khám phá và tìm hiểu về các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.
Để đến được đích cuối của hành trình và tìm lại được thân phận làng nghề truyền thống của mình, người chơi cần vượt qua 3 chặng thử thách, bao gồm các trò chơi giải đố, đòi hỏi sự vận dụng trí nhớ và sự suy luận do chính AVSQ sáng tạo và gây dựng.
Là người quản lý của dự án “Hoa Văn hóa,” bạn Quản Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ: “Đây là sự kiện cuối cùng trong năm 2024 của AVSQ. Hội đã rất tâm huyết với dự án này với mong muốn kết nối các bạn sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố Brisbane cũng như truyền tải và tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Qua 3 trò chơi đồng đội, người tham gia được trải qua hành trình khám phá các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Mỗi chặng thử thách đều được thiết kế không chỉ mang lại sự hứng thú mà còn giúp người chơi hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa đặc sắc của các làng nghề như tranh dân gian Đông Hồ, nón lá Gia Thanh, khảm trai Chuôn Ngọ…
Ban tổ chức hy vọng sự kiện sẽ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời tạo cơ hội để các bạn trẻ gắn kết với nhau hơn thông qua những trải nghiệm ý nghĩa và bổ ích”. Chương trình có sự hợp tác và tài trợ từ AUG Student Services.
Với hơn 30 người tham gia chia thành 6 đội, sự kiện “Hoa Văn hóa” diễn ra trong khoảng 4 giờ đồng hồ tại tòa nhà ModWest, cơ sở Saint Lucia của trường Đại học Queensland.
Để trở thành đội chiến thắng, người chơi phải thu thập manh mối để xác định đúng thân phận của làng mình. Trên hành trình này, các đội cần trải qua 3 giai đoạn ứng với 3 trò chơi khác nhau.
Ở trò chơi mở đầu hành trình mang tên “Phiên chợ ký ức”, trong vòng 10 phút, các đội chơi sẽ được xem một bức tranh gồm các hoạt động của 6 làng nghề truyền thống khác nhau. Các bạn sinh viên cần vận dụng hết sức để ghi nhớ càng nhiều các đặc điểm trong tranh càng tốt.
Điều này sẽ giúp các đội trả lời đúng các câu hỏi và thu thập được nhiều manh mối về danh tính làng của mình.
Đến với chặng tiếp theo mang tên “Mê cung tứ sắc”, người tham gia sẽ được tìm hiểu sâu hơn về quy trình sản xuất những vật liệu truyền thống thông qua một trò chơi.
“Tung xúc xắc,” “Chơi chiến thuật,” “Khai phá” và “Ghi nhớ mật mã” là 4 cụm từ để miêu tả cách chơi trong thử thách này.
Nhiệm vụ của các đội là gom được đủ 3 màu đỏ - cam - xanh để thu thập các bước làm nên những sản phẩm thủ công và chinh phục chiếc chìa khóa để giúp đến gần hơn với làng nghề.
Ở thử thách cuối cùng mang tên “Kho báu ý nghĩa”, người chơi sẽ được đối diện với một biển từ vô nghĩa.
Nhiệm vụ của các đội chơi là dùng những cặp mắt tinh anh để tìm kiếm và lắp ghép các câu văn để ghép thành một đoạn văn ý nghĩa cho làng nghề của mình. Trò chơi này cũng là cơ hội cuối cùng để các đội chơi tìm kiếm thông tin về thân phận làng nghề.
Được thành lập vào ngày 18/6/2021, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Canberra và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, AVSQ là một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các chương trình phát triển kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên tại bang Queensland nói riêng và trên toàn Australia nói chung, cũng như các sự kiện vui chơi giải trí giúp gắn kết cộng đồng.
Từ khi thành lập, hội đã liên tục tổ chức những dự án về phát triển định hướng nghề nghiệp như MentorShip - nền tảng kết nối, hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp giữa sinh viên và cựu sinh viên, các sự kiện “Job Hunting Camp”, “The Interview 2023” dành riêng cho học sinh ngành Công nghệ Thông tin…
Trong thời gian tới, AVSQ sẽ tiếp tục triển khai các sự kiện nhằm phát triển kỹ năng và gắn kết cộng đồng du học sinh Việt. AVSQ hướng đến mục tiêu trở thành điểm tựa đáng tin cậy, đồng hành cùng các bạn trên hành trình du học và tìm việc làm tại Australia.
Hiện nay, cô đang là nhà khoa học cấp cao tại một công ty công nghệ sinh học ở thành phố Boston, Mỹ.
Cùng lúc giành 8 học bổng tiến sĩ Mỹ
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, Nguyễn Thị Sao Ly (sinh năm 1993) đã được gia đình lên kế hoạch cho du học từ khi còn nhỏ. Đến năm 15 tuổi, cô sang Mỹ bắt đầu hành trình chinh phục tri thức và theo đuổi giấc mơ làm khoa học.
Sau khi hoàn thành bậc phổ thông, Sao Ly quyết định theo học ngành Sinh học tại Đại học California, một trong những trường đại học hàng đầu thế giới và đứng trong top 9 theo Times Higher Education World Reputation Ranking. Trong thời gian học tập tại trường, cô đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến ung thư khi chỉ mới 19 tuổi. Năm 2016, cô tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa, hạng summa cum laude – xếp hạng danh dự cao nhất và được mời ở lại làm trợ lý nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường.
Chỉ một năm sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Thị Sao Ly trở thành cái tên được chú ý khi nhận được học bổng tiến sĩ từ 8 trường đại học hàng đầu của Mỹ. Trong đó, cô chọn học bổng toàn phần từ Đại học Johns Hopkins – trường thuộc top 5 thế giới về nghiên cứu Y học, trị giá lên đến 9,3 tỷ đồng.
Trong năm đầu tiên tại Johns Hopkins, cô học các lý thuyết cơ bản để trở thành một nhà khoa học thực thụ. Những năm tiếp theo, Sao Ly làm việc tại phòng nghiên cứu, giải quyết các câu hỏi nghiên cứu mà đề tài của cô đặt ra. Đặc biệt, Sao Ly nhận thấy tỷ lệ mắc ung thư ngày càng gia tăng, trong khi các phương pháp điều trị căn bệnh này vẫn còn hạn chế. Đây đã trở thành động lực mạnh mẽ để cô quyết định nghiên cứu sâu về ung thư với hy vọng có thể đóng góp vào công cuộc tìm ra phương pháp chữa trị.
Đề tài tiến sĩ của cô là nghiên cứu protein và cơ chế di chuyển, cũng như bộ máy cơ học giúp tế bào ung thư có khả năng di căn. Ly tập trung vào các protein quan trọng trong việc điều hành bộ máy cơ học của tế bào và vai trò của chúng trong ung thư, đặc biệt là ung thư tụy.
Trở thành nhà khoa học cấp cao ở tuổi 30
Trong suốt quá trình nghiên cứu, Sao Ly đã xuất bản 6 bài báo khoa học quốc tế trên các tạp chí y khoa uy tín. Một trong những thành tựu nổi bật của cô là việc phát hiện chức năng mới của protein mang tên Discoidin vào tháng 5/2022. Discoidin đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp các thành phần chính của bộ máy cơ học trong tế bào, được cho là yếu tố thiết yếu giúp tế bào ung thư xâm lấn các mô khác. Trước đó, chưa có nghiên cứu nào xác định rõ chức năng của protein này.
Trước khi đạt được những thành công trên, Sao Ly từng là thực tập sinh tại Novartis -tập đoàn y dược lớn thứ 2 thế giới và tiên phong trong việc chữa ung thư bằng liệu trình tế bào. Ở tuổi 30, Ly là nhà khoa học cấp cao của một công ty công nghệ sinh học ở thành phố Boston, Mỹ. Công việc của cô tập trung vào phát minh, phát triển các thử nghiệm để giúp đánh giá hiệu lực và chất lượng của các sản phẩm liệu trình tế bào trước khi các phương thuốc này được đưa đến bệnh nhân trong các thử nghiệm trên người.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, khi được hỏi sau này sẽ định cư ở Mỹ hay sẽ về Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly chia sẻ cô chưa có kế hoạch cụ thể trong tương lai. Cô chỉ muốn tập trung làm tốt công việc ở hiện tại và nếu có cơ hội nào tốt, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam, cô sẽ nắm bắt.
"Khi có mục tiêu và cố gắng hết sức mình, dù việc đó có thành công hay không, bạn cũng sẽ trở thành con người độc lập, mạnh mẽ và học hỏi được rất nhiều điều quý giá qua quá trình đó", cô nhắn gửi.
Cảnh sát Nhật Bản hôm nay 27.11 đã đột kích bốn điểm tập kết hàng hóa bị nghi ngờ là hàng ăn cắp có liên quan đến đường dây trộm cắp của người Việt hoạt động ở 10 tỉnh của Nhật Bản.
Các cuộc đột kích nói trên do một nhóm điều tra chung gồm cảnh sát thủ đô Tokyo và cảnh sát các tỉnh Saitama, Chiba, Kanagawa và Gifu thực hiện, theo Hãng tin Jiji Press.
Trong các cuộc đột kích, nhóm cảnh sát đã tiến hành khám xét cùng lúc 4 địa điểm và những cửa hàng bỏ trống ở các tỉnh Saitama và Chiba vì nghi ngờ vi phạm luật chống tội phạm có tổ chức.
Đường dây này bị nghi là đã gửi các mặt hàng bị đánh cắp, chủ yếu là hàng ăn cắp vặt từ các nhà thuốc, đến Việt Nam để bán lại.
Giới chức Nhật Bản nghi ngờ những nghi phạm cầm đầu của nhóm, một người đàn ông và một người phụ nữ đang hoạt động ở Việt Nam, đã chỉ đạo các hoạt động từ xa qua Zalo để tuyển dụng người Việt tại Nhật Bản cho hoạt động trộm cắp.
Cảnh sát Nhật Bản đang chuẩn bị lệnh bắt giữ quốc tế đối với hai nghi phạm cầm đầu và đang điều tra hoạt động của tổ chức này.
Đường dây trộm cắp nói trên bị cho là có sự tham gia của hơn 30 thành viên. Trong đó có 4 cá nhân bị tình nghi thực hiện các vụ trộm đã bị bắt.
Theo cảnh sát Nhật Bản, những nghi phạm cầm đầu đã chỉ đạo các thành viên ăn cắp các mặt hàng có giá trị cao từ nhà thuốc. Hàng hóa bị đánh cắp được giao đến hơn 10 địa điểm trên khắp Nhật Bản trước khi được chuyển đến Việt Nam.
"Tôi đã nộp hồ sơ qua Zalo sau khi nghe nói họ sẽ mua các mặt hàng bị đánh cắp từ các nhà thuốc", một nghi phạm cho hay. Người này thú nhận đã đến khoảng 10 cửa hàng mỗi ngày bằng ô tô, và nhiều lần trộm các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dao cạo râu trước khi tiến hành giao hàng đến điểm thu gom.
Các thành viên của đường dây gửi ảnh chụp những mặt hàng bị đánh cắp cùng với ảnh chụp màn hình hóa đơn giao hàng cho những tên cầm đầu. Một thành viên thừa nhận đã vận chuyển các mặt hàng bị đánh cắp trị giá khoảng 15 triệu yen (hơn 2,5 tỉ đồng) và được trả 3 triệu yen, theo Jiji Press.
Nguồn: VOA; VTV4; Người Quan Sát; Thanh Niên
Người Việt hải ngoại: Gây tai nạn, người phụ nữ bị kiện ở Mỹ; Tỷ phú bị người mẫu Mỹ kiện; Vụ Đàm Vĩnh Hưng kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền
Người Việt hải ngoại: Đêm lo lắng tại Hàn Quốc; Cơ hội vàng cho chuyên gia AI Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Người Việt hải ngoại: Phở vươn tầm thế giới; 38 người ‘mất tích’ ở đảo Jeju; Làm giả thẻ My Number ở Nhật; Ngọc Quyên đón Noel ở Mỹ
Người Việt hải ngoại: ‘Chào tân sinh viên’ tại Nga; Chàng trai Pháp tìm mẹ ruột ở Bắc Kạn; Một quản lý bị bắt ở Lào
Người Việt hải ngoại: Kịch tính bầu cử ở Mỹ; Người đầu tiên thắng giải TechWomen 100; Đột nhập nhà dân, 3 người bị bắt ở Ibaraki
Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ trẻ em tại Hungary; Phó giáo sư tại Nam Úc; Derek Trần tuyên bố chiến thắng; Du học sinh khiếu nại công ty Nhật
Người Việt hải ngoại: Giải golf tại Nhật; Hội đồng hương Chí Linh tại Nga; ‘Bản đồ phở’ ở châu Âu
Người Việt hải ngoại: Đại hội bóng đá tại Nhật; Cô gái Pháp tìm thấy mẹ ruột; Nữ nghệ sĩ guitar làm say đắm công chúng Bỉ
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá