Người Việt hải ngoại: Chật vật vì bão ở Houston; Chú rể Đài cưới cô dâu Việt 18 tuổi; Giáo sư ở Pháp; 5 người trộm cắp bị bắt ở Nhật

BÃO BERYL ẬP VÀO HOUSTON, NGƯỜI VIỆT CHẬT VẬT

Nhiều người trong số hàng triệu người hiện không có điện sau khi Bão Beryl ập vào tiểu bang Texas, làm thiệt mạng một số người và gây ra lũ lụt.

Tại thành phố Houston, thành phố lớn thứ tư của Mỹ và là nơi sinh sống của đông đảo cộng đồng người Việt, cơn bão khiến nhiều người chật vật vì không có điều hòa nhiệt độ, thức ăn, và nước uống giữa thời tiết nóng và ẩm.

Bão Beryl, đổ bộ vào đất liền vào sáng sớm ngày 8/7 như là bão Cấp 1, đã gây ra ít nhất bảy trường hợp tử vong ở Mỹ - một ở tiểu bang Louisiana và sáu ở Texas - và ít nhất 11 người ở vùng biển Caribe. Vào giữa ngày 9/7, bão hạ cường độ thành bão xoáy hậu nhiệt đới tập trung ở bang Arkansas và được dự báo sẽ đem theo mưa lớn và có thể lũ lụt trên một vùng kéo dài đến tận Ngũ Đại Hồ và Canada.

Hơn 2 triệu căn nhà và cơ sở kinh doanh quanh Houston bị mất điện hôm 9/7, giảm so với lúc đỉnh điểm là hơn 2,7 triệu hôm 8/7, theo trang PowerOutage.us. Đối với nhiều người, tình cảnh khốn khó tái diễn sau những cơn bão hồi tháng 5 làm thiệt mạng tám người và khiến gần một triệu người không có điện trong khi đường sá ngập lụt.

Những hàng dài xe cộ và người chờ bên ngoài những nhà hàng thức ăn nhanh hay trạm xăng vẫn còn điện và vẫn còn mở cửa, theo AP. Nhiều người bất bình vì Houston dường như lao đao vì một cơn bão không mạnh bằng những cơn bão trước đó.

Một vài cư dân người Việt cho VOA biết họ thấy nhiều cây bị đổ và hàng rào bị ngã nhưng thiệt hại được nói là không đáng kể. Nhưng họ nói cúp điện trên diện rộng đang gây ra nhiều khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày.

Bà Mai Hoa, cư ngụ ở khu vực tây nam Houston, cho biết nhà bà bị mất điện từ lúc 4 giờ sáng ngày 8/7 đến chiều ngày 9/7 vẫn chưa có điện trở lại. Bà cũng bị mất tín hiệu điện thoại di động nên không thể theo dõi tin tức hay thông báo của nhà chức trách, và bà buộc phải sang tá túc tại nhà con gần Sân bay Hobby, bà nói.

Nhưng đó không phải là những vấn đề duy nhất mà bà gặp phải.

“Cái khó khăn nhất là xăng. Bữa nay sáng nay tôi đi xếp hàng đổ xăng là một tiếng đồng hồ mới đổ được xăng đó,” bà nói. “Chỉ có chợ Kroger mới đổ xăng được ở khu đó thôi, còn tất cả các chỗ khác đều không có điện, không đổ xăng được.”

Ông Nhất Nguyên, chủ một nhà thuốc đông y trên đại lộ Bellaire nơi có nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt, cho biết khu mua sắm nơi cửa hiệu của ông tọa lạc đã mở cửa trở lại sau khi đóng cửa toàn bộ vào ngày hôm qua khi bão ập đến. Nhưng nhà ông cách đó 25 phút vẫn chưa có điện.

“Các đèn tín hiệu giao thông bị cúp điện, nó chớp chớp giống như stop sign đó, thành ra xe cộ trên đường bị dồn lại, thì hầu hết kẹt xe rất là nhiều,” ông nói. “Mình là người địa phương thì mình mở bản đồ lên, mình biết chỗ nào bị cái đó thì mình đi vô những đường nhỏ thì đôi lúc nó nhanh hơn tí xíu.”

Nim Kidd, người đứng đầu cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của bang Texas, cho biết trong một cuộc họp báo với các quan chức khác rằng khôi phục điện là ưu tiên số một. Và tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden đã phê chuẩn tuyên bố thảm họa lớn. Các đội ứng phó khẩn cấp hy vọng sẽ khôi phục điện cho thêm 1 triệu người vào cuối ngày, bà nói.

Có thể mất vài ngày mới khôi phục điện hoàn toàn ở Texas sau khi bão Beryl làm đổ 10 đường dây truyền tải. Phó Thống đốc Texas, Dan Patrick, người đang giữ quyền thống đốc trong khi Thống đốc Greg Abbott đang ở nước ngoài, nói các ưu tiên hàng đầu để khôi phục điện bao gồm các nhà dưỡng lão và trung tâm sinh cư của người cao tuổi.

Ông Patrick kêu gọi các công ty điện lực khôi phục nguồn điện “nhanh nhất có thể.”

Một khuyến cáo về thời tiết nóng có hiệu lực cho đến hết ngày 10/7 tại khu vực Houston và xa hơn nữa, với nhiệt độ dự kiến sẽ tăng lên trên 90 độ F (trên 32,2 độ C) và độ ẩm có thể khiến thời tiết nóng tới 105 độ (40,5 độ C).

Cơ quan Thời tiết Quốc gia mô tả tình trạng thời tiết này có thể nguy hiểm do thiếu điện và điều hòa không khí.

“Hôm qua nhiệt độ vẫn còn mát do đó cúp điện không ảnh hưởng lắm. Nhưng hôm nay nhiệt độ lại lên tương đối cao,” ông Nhất Nguyên nói. “Người lớn thì cũng có thể chịu được chứ riêng nhà nào có người già với con nít thì cũng rất là khó khăn cho họ.”

Cường độ của bão Beryl vào giữa trưa 9/7 – với sức gió duy trì gần 30 dặm giờ (48 km giờ) – dự kiến sẽ không thay đổi nhiều trong hai ngày tới. Dự báo cho biết sẽ có mưa lớn và lũ quét từ vùng hạ và trung Thung lũng Mississippi đến Ngũ Đại Hồ sang ngày 10/7, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia.

Cảnh báo lũ lụt có hiệu lực đối với các vùng của các bang Oklahoma, Arkansas, Missouri, Illinois, Indiana và Michigan. Dự báo cho biết một số cơn lốc xoáy có thể xảy ra ở các bang Missouri, Tennessee, Kentucky, Illinois, Indiana và Ohio.

MẠNG XÃ HỘI ĐÀI LOAN DẬY SÓNG VỚI ĐÁM CƯỚI 700.000 TỆ CỦA CHÚ RỂ 40 TUỔI VỚI CÔ DÂU VIỆT 18 TUỔI

Một nhà tạo mẫu tóc 40 tuổi người Đài Loan mới đây gây bão mạng tại quê nhà khi đăng trên mạng xã hội chuyện kết hôn với một cô dâu Việt 18 tuổi mà anh quen qua trung tâm mai mối và quyết định làm đám cưới chỉ sau hai ngày gặp mặt.

Bộ ảnh cưới của Nick Trần với cô dâu Trần Thị Cẩm Quý đã thu hút hàng ngàn bình luận chỉ sau vài ngày, khi Nick được cư dân mạng nhận xét là “điển trai và phong cách”, khác với hình ảnh nam giới Đài Loan điển hình trong các cuộc hôn nhân xuyên biên giới.

Ở Đài Loan, những cuộc hôn nhân chồng già vợ trẻ giữa đàn ông địa phương và cô dâu ngoại quốc, đặc biệt là với phụ nữ Việt Nam, là không hiếm.

Nhưng đám cưới của Nick và Cẩm Quý thu hút sự chú ý đặc biệt, không chỉ vì vẻ ngoài của chú rể hay sự chênh lệch 22 tuổi giữa hai vợ chồng, mà còn vì Nick đã bỏ ra khoảng 700.000 Đài tệ (gần 550 triệu đồng) cho mai mối với mong muốn cô dâu sớm sinh cho anh một đứa con.

Tranh cãi nổ ra trong dư luận Đài Loan với các chủ đề nóng như “buôn người”, “phụ nữ thành máy đẻ” hay “phân biệt giới tính”.

Các học giả tin rằng những cuộc tranh luận quanh câu chuyện của Nick phản ánh những suy nghĩ khác biệt giữa nam và nữ ở Đài Loan về chuyện sinh đẻ cũng như áp lực của nam giới về việc nối dõi tông đường.

Giữa tháng 6/2024, Nick được một trung tâm mai mối Đài Loan sắp xếp sang Việt Nam gặp gỡ hàng chục phụ nữ để tìm vợ. Cuối cùng, anh và Trần Thị Cẩm Quý, một cô gái trẻ từ một tỉnh gần TP HCM, đã thành đôi. Hai ngày sau khi gặp gỡ, họ tổ chức lễ đính hôn ở quê Cẩm Quý.

Nick chia sẻ với BBC rằng anh luôn muốn có một đứa con. Từng có một cuộc hôn nhân kéo dài gần 10 năm với người vợ cũ hơn 8 tuổi, Nick nói ban đầu vợ cũ anh luôn chần chừ trong việc có con. Phải đến khi mẹ anh lớn tuổi, họ mới tích cực chuẩn bị và thậm chí thử thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đều không thành công. Và người vợ cũ của anh phản đối nhận con nuôi nên cuộc hôn nhân của họ tan vỡ.

Sau đó, anh đã hẹn hò với hơn chục phụ nữ Đài Loan trong ba năm, nhưng Nick nói anh cảm thấy “phụ nữ Đài Loan yêu cầu nhiều về điều kiện kinh tế”. Với số tiền tiết kiệm hiện tại, anh không thể tìm được một người phụ nữ Đài Loan nào sẵn sàng cưới và sinh con trong thời gian ngắn.

Rồi anh nghe đến những cuộc hôn nhân giữa vợ chồng Việt – Đài, từ đó cho rằng phụ nữ Việt khi đến Đài Loan chịu khó làm ăn cùng chồng hơn và dễ thoả mãn hơn… “Những điều này có vẻ phù hợp với những tiêu chí mà tôi mong muốn”, Nick cho hay.

Ban đầu, Nick chỉ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trên mạng xã hội Threads và các bài đăng của anh có lượt tương tác không cao. Nhưng sau khi anh đề cập đến chênh lệch tuổi tác, ý định sinh con và so sánh lí tưởng của phụ nữ Đài Loan và Việt Nam thì đã gây ra một cuộc chiến trên internet.

Một số cư dân mạng chỉ trích cuộc hôn nhân này quá chóng vánh, không có nền tảng tình cảm mà đơn thuần là sự trao đổi có điều kiện, dùng phụ nữ làm “máy đẻ” thỏa mãn mong muốn có con. Theo họ, việc lựa chọn lấy vợ trẻ ở Việt Nam qua mai mối không phải là tận dụng sự khác biệt về kinh tế, văn hóa để có lợi thế chọn bạn đời mà thực chất là bóc lột phụ nữ bản địa. Có ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở chỗ “mua bán”: “Nếu anh ta tìm thấy một cô gái 18 tuổi người Đài Loan sẵn sàng mang thai ngay sau khi quen biết với một người đàn ông 40 tuổi, sẽ chẳng ai chỉ trích anh ta.”

Tuy nhiên, một số nam giới lại ủng hộ lựa chọn của Nick. Nhiều người bình luận: “Phụ nữ Đài Loan ham tiền nhưng khó chiều nên thà tìm một người vợ nước ngoài trẻ đẹp còn hơn”; “Bạn cần phải trả 10 triệu Đài tệ (khoảng 7,8 tỷ đồng) để tìm người phụ nữ Đài Loan sẵn lòng sinh con.”

Một số người còn cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến phụ nữ chỉ trích Nick là do sự lo lắng của chính họ: "Phụ nữ Đài Loan hay lo lắng, ngay cả những người đàn ông Đài Loan đẹp trai 40 tuổi cũng đang tìm kiếm bạn đời ngoại quốc."

Áp lực nối dõi tông đường

Trương Vĩ Hiên, người sáng lập một cộng đồng ủng hộ phụ nữ vào năm 2011, nói với BBC News Tiếng Trung: "Hai phía trong cuộc tranh luận thực sự có quan điểm trái ngược nhau.”

Bà Trương cho rằng những gì Nick coi là "chia sẻ thuần túy" thực chất bao hàm các vấn đề phức tạp hơn như giới tính, kinh tế, chủng tộc, quốc tịch… Trên mạng xã hội ồn ào, những bài đăng chia sẻ dễ bị biến thành vũ khí tấn công các nhóm người cụ thể.

Bà đưa ra một ví dụ rằng khi Nick nói về trải nghiệm tiêu cực của anh khi hẹn hò với phụ nữ Đài Loan, nhà tạo mẫu tóc đã "biến trải nghiệm cá nhân của mình thành một hiện tượng tập thể", khiến một số đàn ông vốn đã lo lắng về "nhận thức về quyền của phụ nữ Đài Loan quá cao" trở thành mục tiêu bị tấn công; và những người phụ nữ cho rằng “đàn ông Đài Loan chỉ muốn tìm những người phụ nữ trẻ trung, ngoan ngoãn để sinh con” cũng nhân cơ hội bày tỏ sự bất bình.

"Đàn ông chịu áp lực rất lớn trong việc nối dõi tông đường, nhưng giờ đây phụ nữ có nhiều lựa chọn về lối sống và không nhất thiết phải kết hôn," Chu Bích Nga, giáo sư danh dự đã về hưu tại Viện Xã hội học thuộc Đại học Thanh Hoa, nói với BBC.

Sự chênh lệch về nhu cầu kết hôn và sinh con là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đối lập giữa nam và nữ hiện nay ở Đài Loan. Hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa ở Đài Loan nhưng có vẻ như trong khi quan niệm về giới tính đã tiến bộ, “hôn nhân và nối dõi tông đường vẫn còn rất truyền thống”.

Theo cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan công bố năm 2022, vào năm 2020, tỷ lệ nam giới chưa lập gia đình ở độ tuổi 29-43 cao hơn 9% so với nữ giới. Trong đó, khoảng 55% nam giới chưa kết hôn mong muốn kết hôn, trong khi tỷ lệ này ở nữ 37%.

Những quan niệm truyền thống về hôn nhân và sinh con cũng là lý do chính khiến một lượng lớn cô dâu từ Đông Nam Á đến Đài Loan.

Vào những năm 1990, Đài Loan chứng kiến làn sóng hôn nhân xuyên biên giới, khi các trung tâm môi giới đưa những người đàn ông độc thân đến Đông Nam Á để tìm bạn đời. Vào thời điểm đó, nhiều người đàn ông lấy vợ nước ngoài thuộc các nhóm có điều kiện kinh tế-xã hội thấp hơn hoặc gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời trong nước do tuổi tác, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, hoặc các lý do khác…

Quách Minh Tông, người đã làm nghề mai mối các cặp đôi Đài Loan - Việt Nam được 25 năm, nhớ lại làn sóng lấy vợ Việt những ngày đầu. “Lúc cao điểm, có lẽ có gần 20.000 cặp đôi lấy nhau mỗi năm.”

Ông Quách nói với BBC rằng khách hàng của ông thường ở độ tuổi từ 35-60 nên Nick, 40 tuổi, là khá trẻ. Một số kênh truyền thông địa phương mô tả Nick là một “người đàn ông cao ráo, đẹp trai và phong cách". Ngoại hình và nghề nghiệp của anh không giống với các “khuôn mẫu” chú rể trước đây.

Quyết định cuối cùng là của ai?

Nick giải thích rằng "chi phí 700.000 Đài tệ" (gần 550 triệu đồng) mà anh đã chi bao gồm 380.000 Đài tệ (gần 300 triệu đồng) cho bên mai mối để sắp xếp các buổi gặp mặt, phiên dịch và lo giấy tờ, và 60.000 Đài tệ (gần 50 triệu) làm quà đính hôn cho gia đình vợ. Cộng thêm tiền vé máy bay và ăn ở cho hai chuyến sang Việt Nam làm thủ tục kết hôn, tiền cho vợ học tiếng Trung và chi phí sinh hoạt, ước tính tổng cộng khoảng 700.000 Đài tệ.

Nick kể lại rằng anh gặp cô dâu Trần Thị Cẩm Quý trong một cuộc hẹn được sắp xếp rất muộn nên cả hai không có nhiều thời gian trao đổi. Họ vẫn còn xa lạ vào đêm trước lễ đính hôn, sau đó mới dần tự nhiên hơn. Hiện tại, cả hai đang nói chuyện qua mạng thông qua ứng dụng dịch thuật.

Các trung tâm môi giới đăng ký hợp pháp tại Đài Loan sẽ thỏa thuận chi phí và ký kết hợp đồng trước khi đưa khách hàng sang Việt Nam.

Quách Minh Tông lấy hợp đồng của công ty ông ra, trong đó ghi “chi phí cho cô dâu khoảng 2.000 đến 6.000 USD (khoảng 50 triệu đến 150.000 triệu)", và trang sức cưới do hai bên thương lượng, và cũng là mục tự chi trả.

Ông Quách cho rằng các trung tâm mai mối chuyên nghiệp đều cung cấp nền tảng, tính phí dịch vụ, các cô dâu Việt cũng nhận được quà đính hôn và chi phí sinh hoạt trong thời gian làm thủ tục ở Việt Nam, nên không có sự ép buộc nào giữa hai bên chứ đừng nói đến buôn người.

BBC News Tiếng Việt hồi năm ngoái từng trao đổi với ông mai bà mối cũng như những người tìm vợ Việt tại Singapore.

Nhiều người trong số đó gặp khó khăn để kết hôn với phụ nữ địa phương vì tuổi tác, ngoại hình hay thu nhập, nên tìm vợ trẻ đẹp ở những nước lân cận, và phụ nữ Việt Nam là sự lựa chọn vì “học vấn không quá cao, cũng không yêu cầu quá nhiều”.

Chỉ cần bỏ ra số tiền 10.000 SGD (gần 190 triệu đồng), họ được cam kết sẽ lấy được vợ Việt. Trong quá trình gặp được đối tượng ưng ý, họ phải trả thêm 4.000 SGD (khoảng 75 triệu đồng) cho mỗi tour sang Việt Nam kén vợ ngắn ngày.

"Trong trường hợp này, hôn nhân là một cuộc trao đổi kinh tế. Bản thân cuộc hôn nhân không phải là điều lãng mạn, không chỉ là tình cảm và tình yêu mà còn là vì sự ổn định cuộc sống,” Giáo sư Chu Bích Nga phân tích. “Ngay các trong những mối quan hệ bình thường, tiền bạc cũng là vấn đề không thể tránh khỏi khi bàn đến hôn nhân.”

Bà Trương Vĩ Hiên cho rằng khi thảo luận về việc liệu một cuộc hôn nhân có liên quan đến mua bán hay không thì không thể bỏ qua tiếng nói của các bên liên quan. Theo bà, trong trường hợp này một số cư dân mạng đã gán mác “gia trưởng” và coi thường phụ nữ cho người đàn ông và coi phụ nữ là người buộc phải chấp nhận. Nhà hoạt động này cho rằng điều này ở một mức độ nào đó đã bỏ qua ý muốn của người phụ nữ như tham gia các buổi hẹn hò mai mối, chọn đàn ông nước ngoài để kết hôn…

“Khi ‘đồng cảm với người phụ nữ’, họ có thể vô tình áp đặt những định kiến ‘thụ động’, ‘yếu đuối’, ‘bán thân’ lên người phụ nữ đó,” bà nói.

Cô dâu Cẩm Quý hiện đang ở Việt Nam để làm thủ tục kết hôn và cũng đã mở một tài khoản trên mạng xã hội Threads. Cô viết bằng tiếng Trung thông qua phần mềm dịch thuật: “Tôi sẽ dành thời gian để chứng minh rằng tôi đến với chồng một cách tự nguyện chứ không phải như người ta nói vì mua bán là sai.” Cô cũng nhấn mạnh “gia đình tôi không nghèo đến mức phải bán con gái”.

Cô cũng khẳng định không cần chồng tương lai phải hỗ trợ tài chính cho gia đình.

Lưu Thiên Bình, một người con lai Đài - Việt có mẹ là người Việt Nam, chia sẻ với BBC rằng việc tùy tiện cho rằng hôn nhân xuyên biên giới là giao dịch sẽ tạo thành định kiến hoặc sự khinh thường trong xã hội.

“Mẹ bạn đến Đài Loan vì tiền à? Cha bạn có quá nghèo để cưới một phụ nữ Đài Loan không?... Những định kiến khác nhau có thể khiến con cái của các gia đình có mẹ Việt Nam ngần ngại tiết lộ nguồn gốc nhập cư, che giấu việc mẹ tôi xuất thân từ một đất nước có kinh tế kém phát triển hơn Đài Loan, để tránh bị nghi ngờ rằng gia đình tôi có vấn đề về đạo đức hôn nhân."

Bích Xuân (không phải tên thật), một cô dâu Việt Nam sang Đài Loan lấy chồng năm 2018, nói với BBC News Tiếng Việt cô là người Việt gốc Hoa và thông thạo tiếng Trung, song cô thường không tự xưng mình là người Việt Nam và cũng ít dạy hai cô con gái nói tiếng Việt.

30 năm hôn nhân Đài - Việt: Vì cuộc sống tốt đẹp hơn?

Theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, từ năm 2008 – 2018, mỗi năm có khoảng 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 72% là nữ, chủ yếu kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…

Có 78% số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp và thất nghiệp, sống tại TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy phụ nữ Việt Nam muốn dùng hôn nhân di cư để thoát nghèo.

Cục Di trú Bộ Nội vụ Đài Loan cho biết hiện có 597.000 người nước ngoài kết hôn với người Đài Loan. Tỷ lệ cao nhất là Trung Quốc, chiếm 60%, và đứng thứ hai là Việt Nam, với khoảng 118.000 người, chiếm gần 20%.

Vào những năm 2000, số lượng người nhập cư theo diện kết hôn từ Đông Nam Á đạt đỉnh điểm, trong đó số lượng người Việt Nam tăng nhanh nhất.

Nhưng vào năm 2004, vụ bạo hành cô dâu Đoàn Nhật Linh đã gây ra chấn động trong xã hội Đài Loan, khi một cặp vợ chồng không thể có con bàn nhau ly hôn giả, sau đó nhờ mai mối cưới một cô dâu Việt để sinh con. Đoàn Nhật Linh đến Đài Loan vào năm 2002 và bị người chồng và vợ cũ của ông ta giam cầm và ngược đãi thể xác. Cô sụt cân chỉ còn 20kg và bị vứt bên vệ đường.

Vụ án này sau đó được báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi, khiến người dân Việt Nam phẫn nộ. Kể từ đó, chính phủ Việt Nam đã siết chặt đánh giá các cuộc hôn nhân Đài - Việt, chuyển từ phỏng vấn tập thể các cặp đôi sang phỏng vấn riêng, quá trình làm thủ tục cũng được kéo dài, nhằm giảm số lượng các cuộc kết hôn giả.

Ông mai Quách Minh Tông kể lại sau khi thủ tục chặt chẽ hơn, số lượng người Việt Nam sang Đài Loan kết hôn quả thực đã giảm đáng kể.

Ngoài những trường hợp bạo hành nghiêm trọng, những cô dâu Việt đến Đài Loan ít nhiều cũng bị đối xử bất bình đẳng do cách biệt ngôn ngữ, hoàn cảnh văn hóa và kinh tế tương đối khó khăn của họ.

Chị Kim, người đến Đài Loan năm 2003, nói với BBC rằng việc lấy chồng nước ngoài rất phổ biến vào thời điểm đó. Để cải thiện kinh tế gia đình, chị và các chị em ở quê đã đăng ký từ quê lên TP HCM tìm chồng qua mai mối.

“Khi tôi mới đến Đài Loan, tôi không thể nói được câu nào và trốn trong phòng mỗi ngày.” Chồng chị cũng không thích chị ăn đồ Việt Nam hay kết bạn với đồng hương và yêu cầu chị hòa nhập với cuộc sống Đài Loan. Chị đã tự học và thông thạo tiếng Hoa, đang làm phiên dịch cho người lao động Việt Nam nhập cư.

Mặc dù ban đầu chồng chị phản đối việc chị làm công việc liên quan đến việc tiếp xúc với người Việt nhưng dần dần cũng không còn phản đối nữa. Giờ đây khi các con đã lớn, chị đã tìm được cách hòa hợp với chồng và không hề hối hận về quyết định lấy chồng sang Đài Loan.

Bích Xuân cũng làm công việc phiên dịch cho lao động Việt Nam, cô kể với BBC News Tiếng Việt về sự cô đơn, nhớ nhà đặc biệt trong thời Covid vì không có nhiều người quen nơi xứ người.

“Thời gian đầu tôi thấy rất cô độc và khó hòa nhập, nhớ gia đình và những bạn bè đồng nghiệp trước đây ở Việt Nam. Ở bên này tôi không có bạn bè để chia sẻ,” cô tâm sự.

Năm 2017, Bộ Nội vụ Đài Loan công bố một nghiên cứu về tình trạng hôn nhân của các cặp đôi lấy vợ/chồng nước ngoài, cho thấy từ năm 2008 đến năm 2016, tỷ lệ ly hôn giữa các cặp đôi này là 24%, cao hơn tỷ lệ ly hôn của các cặp đều là người Đài Loan ở mức 14%.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Đài Loan, số phụ nữ Việt nộp đơn ly hôn mỗi năm là hơn 2.000 người trong hơn một thập niên qua.

Nữ đạo diễn Việt Nam Nguyễn Kim Hồng, người thực hiện bộ phim tài liệu Ly hôn ký sự dựa trên trải nghiệm của bản thân, ghi lại những giấc mơ tan vỡ về cuộc hôn nhân xuyên quốc gia của bốn phụ nữ mới nhập cư sang Đài Loan.

Bà Kim Hồng sang Đài Loan kết hôn năm 21 tuổi và nhanh chóng có thai. Người chồng mê cờ bạc và đánh đập bà, còn gia đình chồng thì cho rằng bà “được mua” và không tôn trọng bà. Bà đã chịu đựng 8 năm trước khi đệ đơn ly hôn và sau một thời gian dài kiện tụng, cuối cùng bà cũng giành được quyền nuôi con gái.

Đạo diễn Kim Hồng cho rằng nguyên nhân chính khiến các cô dâu Việt mới nhập cư lựa chọn ly hôn là do họ “không được gia đình ở Đài Loan đối xử tử tế”.

“Nếu anh là người chồng, người cha tốt, dù hôm nay anh không có tiền nhưng anh là người đàn ông tốt, ai lại muốn rời xa anh?”

GIẢNG VIÊN ĐƯỢC PHONG HÀM GIÁO SƯ Ở PHÁP

Vượt qua 4 vòng thi, TS Nguyễn Nhật Nguyên là một trong 13 người được phong hàm giáo sư cấp quốc gia ngành Khoa học quản lý ở Pháp.

TS Nguyễn Nhật Nguyên, giảng viên Đại học Jean Moulin Lyon 3, được chính phủ Pháp phong hàm giáo sư ngành Khoa học quản lý hôm 6/6, ở tuổi 34. Theo biên bản do Bộ Đại học và Khoa học công bố, anh Nguyên xếp hạng 12 trong 83 người đăng ký kỳ thi năm nay.

"Kết quả này có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống và sự nghiệp của tôi", TS Nguyên nói.

Anh Nguyễn Nhật Nguyên là cựu học sinh lớp tiếng Pháp, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp loại giỏi với điểm khóa luận 18,1/20 - cao nhất ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế TP HCM, anh nhận học bổng du học thạc sĩ từ Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF).

Anh tiếp tục học lên tiến sĩ nhờ học bổng của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, rồi làm giảng viên không biên chế ở Đại học Lille 2. Năm 2019, anh được phong hàm phó giáo sư tại Đại học Jean Moulin Lyon 3.

Kỳ thi giáo sư cấp quốc gia ngành Khoa học quản lý lần đầu diễn ra năm 1976, được tổ chức hai năm một lần. Giảng viên một đại học xây dựng ở Pháp cho hay thông thường, người vượt qua kỳ thi sẽ nhận mức lương cao hơn hẳn so với đồng nghiệp.

Anh Nguyên nói mục tiêu khi đăng ký là muốn trải nghiệm văn hóa học thuật Pháp, cũng như độ khó của kỳ thi này. Các ứng viên phải trải qua 4 vòng thi toàn quốc, kéo dài từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 6 năm nay.

Với anh, vòng thứ ba đặc biệt khó. Sau khi bốc thăm chủ đề, thí sinh được đưa vào phòng kín trong 8 tiếng, chỉ có sách và tài liệu. Họ cần thiết kế một bài giảng 30 phút, chứa kiến thức căn bản của ngành Khoa học quản lý và ví dụ thực tiễn từ văn hóa đại chúng Pháp.

Ở vòng 4, ứng viên được cung cấp hơn 200 trang tài liệu từ nhiều nguồn, dựa vào đó thiết kế 30 phút bài giảng chuyên ngành. Họ phải đưa ra một tình huống quản trị và những giải pháp, làm sao truyền tải kiến thức đến người nghe. Ở vòng này, thí sinh có 15 phút phản biện trước hội đồng.

"Tôi đã rất cuống khi đọc hàng trăm trang tài liệu trong hai tiếng vẫn chưa biết phải làm gì. Cuối cùng, tôi đưa ra mô hình áp dụng triết học vào kinh doanh", anh Nguyên kể.

Ba ngày sau kỳ thi, anh Nguyên nhận tin trúng tuyển, được phân về Đại học Rouen Normandie với vị trí giáo sư ngành Khoa học quản lý. Anh cho hay cột mốc này có ý nghĩa lớn vì bản thân không được đào tạo chính thống tại Pháp và đây cũng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ.

Theo tân giáo sư, bí quyết giúp anh thành công là đọc nhiều sách và học những kiến thức không nằm trong lĩnh vực của mình. Khi sang Pháp, anh kết nối với bạn bè, đồng nghiệp để tìm hiểu thêm về văn hóa, chính trị.

Nhờ kiến thức sâu rộng nên khi làm luận án tiến sĩ, anh kết hợp tư tưởng triết học phương Tây và phương Đông (thiền tông) để giải thích hiện tượng giao lưu văn hóa. Luận án được Đại học Lille 2 đề cử cho hạng mục luận án tốt nhất ngành Marketing năm 2016.

Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, là giáo viên dạy Toán khi anh Nguyên học ở trường, khóa 2004-2007. Thầy ấn tượng với học trò ở sự thông minh, học tập có chiều sâu và có tư chất của người làm khoa học.

"Đây không chỉ là niềm tự hào của nhà trường mà còn của tỉnh Phú Yên", thầy Châu cho hay khi biết tin anh Nguyên được phong hàm giáo sư cấp quốc gia ở Pháp.

Anh Nguyên sẽ bắt đầu công việc ở Đại học Rouen Normandie vào tháng 9. Với vị thế mới, ngoài giảng dạy, anh còn tham gia kiểm định, đánh giá các nghiên cứu khoa học hay tuyển dụng giáo sư cấp trường...

Hiện, anh tập trung hoàn thành cuốn sách bằng tiếng Pháp về hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng dẫn hoặc phản biện một số luận án tiến sĩ và về Việt Nam thỉnh giảng.

Anh mong thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa Đại học Rouen Normandie, Đại học Jean Moulin Lyon 3 và các trường trong nước, viết sách chuyên môn bằng tiếng Việt cho bậc thạc sĩ, tiến sĩ.

"Hành trình tôi đi qua có nhiều thú vị nhưng cũng có thăng trầm. Hãy biết nắm bắt cơ hội và cởi mở với những gì diễn ra xung quanh, dù sống ở nước nào", anh đúc kết.

5 NGƯỜI VIỆT TRỘM CẮP Ở 4 TỈNH CỦA NHẬT

Ngày 8/7, cảnh sát đã bắt 5 nam thanh niên quốc tịch Việt Nam khoảng 24 ~ 35 tuổi vì tội đột nhập vào một ngôi nhà trống bị hư hại do trận động đất và lấy trộm một chiếc két sắt. Những thanh niên này được biết đã quen nhau qua mạng xã hội.

Những người bị bắt là Bui Van Cuong (? 35 tuổi), không có địa chỉ cố định, công nhân phá dỡ, Bui Anh Tuan (? 31 tuổi), thất nghiệp, sống ở thành phố Isesaki, tỉnh Gunma, Truong Van Duan (? 30 tuổi), sống thành phố Isesaki, tỉnh Gunma, Nguyen Kieu Nam (? 24 tuổi) thất nghiệp, không có địa chỉ cố định và Nguyen Van Luan (? 27 tuổi) thất nghiệp, không địa chỉ cố định, là công nhân phá dỡ.

Theo cảnh sát, 5 người này đã đến ngôi nhà trống của một phụ nữ khoảng 60 tuổi ở thị trấn Nakanoto, Kashima, tỉnh Ishikawa trong khoảng thời gian từ khoảng 4 giờ 30 chiều ngày 23/1 đến khoảng 10h45 sáng ngày 28 tháng 1. Họ bị bắt vì cáo buộc đột nhập vào nhà bằng cách phá cửa sổ và lấy trộm một chiếc két sắt (dài 39cm, rộng 33cm, sâu 34cm, có giá trị thị trường khoảng 3.000 yên).

Sau khi nhận được trình báo của nạn nhân, cảnh sát đã tiến hành điều tra và nhanh chóng xác định 5 nam giới gốc Việt là thủ phạm. Cảnh sát đã bắt giữ họ vào ngày 8/7 với tội danh đột nhập nhà dân và trộm cắp.

Có thông tin rằng 5 thanh niên này gặp nhau thông qua SNS. Họ đã bàn bạc, lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ như trông chừng và đột nhập, để thực hiện hành vi phạm tội nhằm lấy tiền để đi giải trí. Những đối tượng này đã thừa nhận các cáo buộc.

5 nam giới quốc tịch Việt Nam này cũng từng bị bắt vì tình nghi trộm cắp sau khi đột nhập vào một ngôi nhà trống ở thành phố Nagano vào ngày 28 tháng 5 và lấy trộm 5 miếng kim loại quý (tương đương với tổng giá trị thị trường khoảng 21.000 yên/khoảng hơn 3 triệu đồng).

Lần này, Cảnh sát tỉnh Toyama, Cảnh sát tỉnh Nagano, Cảnh sát tỉnh Niigata và Cảnh sát tỉnh Ishikawa đang tiến hành điều tra chung, bao gồm cả các tội danh bổ sung của 5 đối tượng này

Nguồn: VOA; BBC; Vnexpress; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Đọc nhiều nhất

Người Việt hải ngoại: ‘Giấc mơ Anh’; Người già & nỗi cô đơn ở nước ngoài; Gìn giữ bản sắc ở Champasak; Ngày 8/3 đầm ấm ở Mozambique

Người Việt hải ngoại: Nghệ sĩ không dám bỏ con về nước; Lập trình viên AI ở Silicon Valley; 7 người được thả ở Panama; Vụ cụ bà bị giết ở Mỹ

Người Việt hải ngoại: Ca sĩ Hương Thủy & 2 biệt thự ở Mỹ; Người mẫu Pháp 10 năm tìm cha mẹ; Chiếm đoạt tài khoản, DHS bị bắt ở Nhật

Người Việt hải ngoại: Đóng góp từ thiện ở Thái; Mạng lưới các nhà khoa học ở Áo; Mr.Đàm được chào đón ở Mỹ; Cô gái ‘vô thừa nhận’ ở HQ

Người Việt hải ngoại: CLB áo dài ở Hà Lan; Nơi ươm mầm tương lai ở Lào; Lynda Trang Đài yêu cầu bằng chứng; 3 người lãnh án tù ở Anh

Người Việt hải ngoại: Quảng bá trà ở Canada; Cặp song sinh Pháp tìm thấy mẹ; Sinh con trên xe cấp cứu ở HQ; Bị dọa giết, ép tới Anh để trả nợ

Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ khám chữa bệnh ở Angola; Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ ở Campuchia; 1 ông chủ bị tai nạn ở Úc; 2 người bị ICE bắt giữ

Người Việt hải ngoại: Ngày 8/3 ở Osaka; Thi viết thơ về phụ nữ xa xứ; Lao động ở HQ có thể hưởng lương hưu; Dạy hướng nghiệp ở Luxembourg

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang