.jpg)
CẦU NỐI VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC TẠI ANH
Các hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh (SVUK) là cơ hội để sinh viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập và sinh sống tại Anh, đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết.
Từ đầu năm đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh (SVUK) đã tổ chức thành công nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần là cầu nối văn hóa, giáo dục và cộng đồng giữa sinh viên Việt Nam và nước sở tại.
Đó là chương trình Xuân quê hương-Mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Sự kiện đồng thời là cơ hội để các sinh viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập và sinh sống tại Anh, đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết. Qua đó, SVUK tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối bền vững.
Chương trình Leader Camp 2025 thu hút hơn 150 người đăng ký tham gia. Sự kiện thường niên được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy và phát triển các kỹ năng lãnh đạo trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Anh.
Giải bóng đá truyền thống do Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức, thu hút sự tham gia của 12 đội bóng sinh viên và hơn 300 cầu thủ và cổ động viên đến từ các trường đại học trên toàn quốc tham gia vào mùa giải năm nay.
Trong thời gian tới, Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh - SVUK sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động mang tính chiều sâu, đồng thời mở rộng kết nối và hỗ trợ sinh viên trong nhiều lĩnh vực học tập, nghề nghiệp và đời sống.
Đó là Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp dành cho sinh viên Việt Nam đang học tập tại Anh. Sự kiện giúp sinh viên tiếp cận thực tế thị trường lao động, đặc biệt là cơ hội nghề nghiệp tại Vương quốc Anh.
Chuỗi sự kiện định hướng dành cho tân du học sinh Anh quốc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các chương trình hướng nghiệp, phát triển kỹ năng và truyền thông cộng đồng nhằm lan tỏa hình ảnh tích cực, năng động và trí tuệ của sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh.
BÍ ẨN HỒ SƠ TIẾNG VIỆT Ở MỸ: CHỊ EM SONG SINH GỐC VIỆT TÌM MẸ RUỘT
Trước khi qua đời vì ung thư, người em gái dặn chị song sinh gốc Việt hãy tìm mẹ ruột qua hồ sơ khai sinh hơn 50 năm ở Mỹ.
LTS: Những hồ sơ nhận con nuôi có nguồn gốc từ Việt Nam nhuốm màu thời gian còn được gìn giữ cẩn thận suốt hàng thập kỷ là hành trang để những người Mỹ, Pháp gốc Việt đi tìm giấc mơ nguồn cội của mình, tìm mẹ ruột vốn không biết vì lý do gì đã quyết định rời xa họ. Bí ẩn nào sau những giấy tờ tiếng Việt giữa trời Tây?
Với những hồ sơ nhận nuôi bằng tiếng Việt được lưu giữ hơn nửa thế kỷ ở nước Mỹ, bà Noel Koch (51 tuổi) bắt đầu hành đi tìm "giấc mơ Việt Nam" của người em quá cố và cũng là của chính mình.
Tôi là Noel Nguyen hay Nguyễn Thị Lan!
Bà Noel Koch, trong cuộc phỏng vấn với Báo Thanh Niên, mong được gọi với cái tên Noel Nguyen, như cách để nhắc nhớ về nguồn cội Việt Nam của mình.
Là một kỹ sư phần mềm cho công ty viễn thông ở Mỹ, sống ở Columbus (Nebraska) và chưa từng trở lại Việt Nam, nhưng người phụ nữ vẫn cảm thấy có một điều gì đó rất Việt Nam trong chính con người mình, mà không ai có thể phủ nhận được.
Theo trích lục bộ khai sinh lập ngày 12.12.1974, bà Noel có tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Lan, sinh lúc 11 giờ 55 phút ngày 5.12.1974 tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (Sài Gòn).
Tài liệu lý lịch về trẻ sơ sinh gửi cô nhi viện của bệnh viện có để thông tin về người cha là Lê Văn Bảy và mẹ là Nguyễn Lệ Thủy, khi đó 23 tuổi. Ngày người mẹ nhập viện là 5.12.1974 với mã số nhập viện là 34455, bà sinh thường rồi vì lý do nào đó mà để con lại bệnh viện.
Theo lời kể của Noel, bà có người em gái song sinh cất tiếng khóc chào đời sau bà 5 phút. Sau đó, 2 chị em được chuyển đến Trung tâm dinh dưỡng Holt ở Sài Gòn. Thông qua chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam (Operation Babylift) năm 1975, họ đến Mỹ và được một cặp vợ chồng tốt bụng ở Palatine (Illinois) nhận nuôi.
"Cha mẹ nuôi của tôi kể rằng họ thật bất ngờ khi nhận được cuộc gọi hỏi rằng họ có nhận nuôi 2 bé gái không. Họ không biết tuổi của chúng tôi hoặc chúng tôi là cặp song sinh nhưng vui vẻ chấp nhận", người phụ nữ Mỹ gốc Việt nhớ lại.
Đi tìm cội nguồn
Tuổi thơ, bà Noel lớn lên trong một cộng đồng đa phần là người da trắng. Bà và em gái ruột có một anh trai nuôi là Kris Koch đến từ Hàn Quốc và có tuổi thơ hạnh phúc khi sống ở Illinois. Năm 6 tuổi, họ chuyển đến Colorado.
Khi còn là thiếu niên, bà có cảm giác tách biệt khỏi nền văn hóa mà mình được nuôi dưỡng. "Tôi cảm thấy mình trông khác biệt với những người xung quanh và có những trải nghiệm sống khác mà những người khác không thể hiểu được, điều này đôi khi khiến tôi cảm thấy khó khăn", bà Noel nhớ lại.
Lớn lên ở Mỹ, bà và em gái hoàn toàn không biết gì về văn hóa Việt Nam. Gia đình mẹ nuôi của bà - bà Karen Koch đến từ Thụy Điển và gia đình cha nuôi - ông Donald Koch có gốc Hy Lạp và Litva. Khi sống trong một gia đình đa văn hóa, bà cảm thấy như mình đang bỏ lỡ điều gì đó vì không biết gì về gốc gác của mình.
Tuổi đôi mươi, người phụ nữ Mỹ bắt đầu tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và tham dự các lễ hội của cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ. Vào thời điểm đó, bà bắt đầu gặp gỡ những người con nuôi khác cũng trong chiến dịch Babylift và biết rằng mình không đơn độc.
Nếu cha mẹ có đọc được bài báo này…
Trước đó, dù chưa bắt đầu hành trình tìm kiếm gia đình Việt Nam nhưng bà thường tự hỏi liệu cha mẹ ruột, trong một khoảnh khắc nào đó có nghĩ đến mình không và có muốn tìm lại đứa con năm xưa đã bỏ lại không.
Cha mẹ nuôi người Mỹ của bà đều đã qua đời. Cha nuôi mất khi bà 13 tuổi, anh trai nuôi mất khi bà 34 tuổi. Mẹ nuôi của bà cũng ra đi vĩnh viễn cách nay 4 năm và em gái song sinh của bà từ giã cõi đời cách đây 3 năm vì ung thư.
"Trước khi qua đời, em gái có nói với tôi hãy tìm lại gia đình Việt Nam. Điều này thực sự rất có ý nghĩa với em ấy", bà Noel kể lại ký ức về người chị em song sinh.
"Là người Việt Nam 100%" bà Noel nói rằng cách phù hợp nhất để tìm gia đình ruột thịt là thông qua các phương tiện như mạng xã hội và báo chí. Trước đó, thông qua các ngân hàng ADN ở Mỹ, bà đã làm xét nghiệm ADN và chưa có kết quả trùng khớp nào.
Ông Huỳnh Tấn Sinh, một người Việt hiện đang sống ở Paris (Pháp) là người đã giúp đỡ bà Noel trong hành trình tìm nguồn cội của mình. Ông tin rằng, phép màu sẽ đến với những trái tim kiên cường và không bao giờ bỏ cuộc.
Khi trở thành một mẹ của cậu con trai năm nay đã 15 tuổi, bà không thể tưởng tượng được sự hy sinh tột cùng mà mẹ ruột đã dành cho chị em mình to lớn đến nhường nào. Bà tin rằng mẹ ruột để lại chị em bà ở bệnh viện là hy vọng rằng cả hai sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đó là lý do mà người phụ nữ không oán trách mẹ, ngược lại còn thầm biết ơn vì mẹ ruột đã mang họ đến với cuộc đời này. "Con yêu mẹ và con biết ơn vì sự hy sinh mà mẹ dành cho chị em con. Con cảm ơn mẹ thật nhiều!", bà Noel muốn nhắn nhủ với người mẹ Việt Nam, nếu bà có đọc được bài báo này.
Người phụ nữ gốc Việt hiện có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc đời của bà sẽ trở nên trọn vẹn hơn nếu tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi về bí mật sau tờ giấy khai sinh tiếng Việt của mình.
TRAO GIẢI CUỘC THI 'TẾT VIỆT NAM TRONG TÔI' TẠI CZECH
.jpg)
Lễ trao giải cuộc thi “Tết Việt Nam trong tôi” sẽ được tổ chức vào ngày 8/6 tại Hoàng thành, Trung tâm Thương mại Sapa, thủ đô Prague.
Do Liên hiệp Hội người Việt Nam và Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu tổ chức, cuộc thi là sân chơi ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị truyền thống Tết cổ truyền, lan tỏa tình yêu quê hương và bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt xa xứ.
Với chủ đề “Tết an vui – Xuân khát vọng”, sự kiện là dịp để ôn lại ký ức thân thương, là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ và các quốc gia.
Sau gần 3 tháng phát động (từ 15/12/2024 đến 28/2/2025), cuộc thi đã thu hút sự tham gia đông đảo với 251 tác phẩm đến từ 15 quốc gia toàn châu Âu.
Trong đó, tác giả cao tuổi nhất là ông Nguyễn Xuân Nhung (83 tuổi, Ba Lan); tác giả nhỏ tuổi nhất là bé trai Danny Nguyễn (5 tuổi, Anh); 8 tác giả là người nước ngoài, trong đó 4 người đã xuất sắc đoạt giải.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng lên tới 13.500 Euro (tương đương 400 triệu đồng), bao gồm Cup, Kỷ niệm chương, Giấy chứng nhận và tiền mặt.
Ban tổ chức sẽ trao: 10 giải tập thể, 39 giải cá nhân (3 giải Nhất, 9 giải Nhì, 12 giải Ba, 15 giải Khuyến khích), 20 tác giả được tuyên dương.
Không gian buổi lễ được bài trí đậm chất truyền thống Việt, hứa hẹn mang đến một hành trình cảm xúc – nơi người tham dự có thể lắng nghe, sẻ chia và hòa mình vào tinh thần Tết quê hương giữa lòng châu Âu.
Đặc biệt, buổi lễ sẽ có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo trong nước, các tổ chức hội đoàn, doanh nhân, trí thức, và đông đảo cộng đồng kiều bào từ khắp nơi trở về hội tụ.
Cho đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ trao giải cuộc thi đã hoàn tất. Cộng đồng người Việt tại Czech đang háo hức chờ đón những khoảnh khắc ấn tượng khi các tác giả bước lên thảm đỏ vinh danh, đánh dấu một mùa Tết văn hóa đậm đà bản sắc Việt.
Nguồn: VTV4; Thanh Niên; Báo Quốc Tế
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá