Người Việt hải ngoại: Cái Tết mất trắng; Chương trình tiếng Việt ở ĐH Mỹ; Họa sĩ tìm mẹ; Vị quê nhà nơi đất khách

NGƯỜI VIỆT RỜI UKRAINE: CÁI TẾT MẤT TRẮNG Ở NƠI XA LẠ, MONG SỚM TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG THỨ HAI

(Ảnh minh hoạ).

Sau khoảng 9 tháng rời Ukraine đi lánh nạn vì chiến sự Nga - Ukraine, nhiều người Việt đã tập quen dần với cuộc sống mới dù có nhiều khó khăn, thử thách. Năm mới 2023 cận kề, Tết Nguyên đán cũng ngay trước mắt, họ luôn mong tình hình chính trị ổn định để sớm trở lại cuộc sống như trước đây.

Với nhiều người Việt ở Ukraine đây như quê hương thứ hai vì họ có hàng chục năm gắn bó ở đây. Họ từng làm ăn, buôn bán và có cuộc sống đủ đầy ở Ukraine. Tuy nhiên, từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, họ phải đi lánh nạn, chấp nhận mất trắng. Sau khoảng 9 tháng đến nơi ở mới, họ dần quen với công việc với mức lương eo hẹp.

“Thương lắm, nhớ lắm nhưng đành bất lực”

Năm 1989 bà Vũ Tuyết Nhung (51 tuổi) rời quê nhà Bắc Giang sang Ukraine sinh sống và làm việc. Hơn 30 năm gắn bó, bà coi đất nước này là nhà, là quê hương.

Tháng 3.2022, tình hình giữa Ukraine và Nga trở nên căng thẳng, bà buộc phải di tản sang Đức. Năm nay là năm đầu tiên bà đón tết ở Đức vì vẫn chưa thể trở lại Ukraine.

Hiện bà được nước Đức chu cấp nhà cửa và chi phí sinh hoạt hàng tháng. Tất cả những người tị nạn từ Ukraine đều được hưởng trợ cấp và các khoản phúc lợi xã hội miễn phí, đi khám bệnh có thẻ bảo hiểm. Trẻ con được đi học và có thêm tiền phụ cấp riêng.

“Đức và Ukraine cách nhau khoảng hơn 2 giờ bay, cùng ở châu Âu nên không khác biệt quá lớn về văn hóa, ẩm thực, khí hậu. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ khác biệt nên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày”, bà nói.

Bà Nhung tâm sự, một trong những điều khó khăn nhất là bà không còn trẻ nhưng vẫn phải bắt đầu cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng ở nơi xa lạ. Con gái bà phải làm quen với môi trường, bạn bè thầy cô, các môn học bằng ngôn ngữ mới nên cũng khá vất vả.

“Tôi luôn động viên con gái phải cố gắng vượt qua nghịch cảnh để vươn lên bằng nỗ lực không ngừng. Tôi nhắc con đây là một thử thách trong cuộc sống phải cố gắng vượt qua”, bà chia sẻ.

Mong sớm trở về ngôi nhà thân yêu

Cũng theo bà Nhung, ở Đức mùa đông có lò sưởi từ tháng 10, điện và nước nóng chưa bao giờ bị cắt. Bà vẫn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, cho người tị nạn hàng tháng để sinh hoạt và trang trải cuộc sống.

“Ở đây trong nhà có lò sưởi ấm áp tôi lại thương những người dân ở quê hương thứ hai đang phải trải qua một mùa đông cực kỳ vất vả, khó khăn. Năm mới sắp đến, tôi cầu mong ở Ukraine tình hình chính trị sớm ổn định lại. Mọi người mạnh khỏe, bình an để sớm trở về ngôi nhà thân yêu. Đó là tâm nguyện không riêng của tôi mà của hầu hết những người Việt Nam phải rời bỏ Ukraine”, bà bộc bạch.

Bà cũng mong những người đồng hương phải đi lánh nạn khắp nơi sớm hòa nhập cuộc sống mới và đón một cái tết ấm áp. Bà không quên hi vọng gia đình, người thân ở quê có một năm mới luôn mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc.

Năm 1989, ông Hồ Sỹ Trúc rời quê nhà Quỳnh Lưu (Nghệ An) sang Ukraine làm việc. Hơn 30 bôn ba, ông có cuộc sống ấm no, yên vui ở đây. Tuy nhiên, từ tháng 3, gia đình ông phải di tản sang Đức ở nhờ nhà ở xã hội và đi tìm việc làm mới.

Hiện ông phụ giúp tại một quán ăn của người Việt ở Đức. Trước đây, ông làm công việc buôn bán nên chuyển sang công việc mới này ông phải thích nghi dần dần.

“Thời gian đầu ở trại lánh nạn họ cho gì thì ăn nấy nhưng sau này tôi tự nấu ăn và ăn đồ Việt. Trước đây ở Ukraine mọi người cũng ăn đồ Việt tự nấu. Ở Đức, xin việc không khó lắm nhưng thích nghi công việc rất vất vả nên thời gian đầu nhiều người phải bỏ cuộc”, ông cho biết.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông tự động viên bản thân phải cố gắng vượt qua. Tết nguyên đán sắp đến, dù buồn nhưng ông không ngừng hi vọng cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại.

“Tôi muốn đi làm cho vui, giải tỏa vì 9 tháng rồi cuộc sống xáo trộn tất cả. Nhiều áp lực, mệt mỏi tôi sợ mình sẽ dễ bị trầm cảm nên phải đi kiếm việc làm. Công việc hiện giờ hoàn toàn khác so với trước đây về đặc thù, môi trường và cả văn hóa làm việc. Từ người làm chủ trở thành người làm thuê nhưng đành chấp nhận vì đây là nơi xa lạ, không giống như ở Ukraine”, ông nói.

(Nguồn: Thanh Niên)

CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG VIỆT TẠI ĐẠI HỌC MỸ NGÀY CÀNG THU HÚT

Mối quan tâm tiếng Việt được cho là ngày càng tăng một phần nhờ vào sự quan tâm của các sinh viên gốc Việt và ngày càng có nhiều sinh viên từ VN theo học các trường đại học ở Mỹ.

Trang web Spartan Newsroom, do Trường Báo chí thuộc Đại học bang Michigan (MSU, Mỹ) điều hành, mới đây đã đăng một bài viết nhận định chương trình tiếng Việt được cung cấp thông qua Trường Ngôn ngữ cộng đồng (CLS) của MSU đang thu hút sự chú ý của nhiều sinh viên trong và ngoài trường.

“Muốn nói tiếng Việt hoàn toàn”

Trong số những người đã hoặc đang theo học chương trình tiếng Việt nói trên có Peter Truong, người Mỹ gốc Việt và hiện là sinh viên năm nhất của MSU. Truong cho hay anh lớn lên trong một gia đình có cha mẹ nhập cư từ VN nên anh có thể nói tiếng Việt, nhưng không thể đọc hoặc viết ngôn ngữ này.

Vì vậy, khi nhắn tin cho mẹ anh bằng tiếng Anh, Truong nói rằng mẹ anh thường không hiểu nên sử dụng Google Dịch, nhưng anh đánh giá những bản dịch đó không phải lúc nào cũng tốt. Ngoài ra, khi nói chuyện bằng tiếng Việt với các thành viên trong gia đình, Truong cho hay anh thường cảm thấy bị bỏ rơi khi họ dùng những từ ngữ anh không hiểu. “Tôi cảm thấy mất đi sợi dây liên kết với gia đình và tôi chưa làm tròn việc học ngôn ngữ này”, Truong chia sẻ.

Thế là anh đăng ký học các khóa tiếng Việt thông qua CLS vào mùa thu (từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 12) năm 2020 và mùa xuân (từ tháng 3 - 5) năm 2021. Truong còn chia sẻ rằng các khóa học tiếng Việt đã giúp anh hiểu ý nghĩa của những bài hát Việt mà anh lớn lên cùng.

Truong cho biết thêm điều quan trọng đối với anh là “sử dụng tiếng Việt trong thế giới thực”, như người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên sử dụng. Một số anh em họ của Truong kết hợp tiếng Việt với tiếng Anh trong giao tiếp, nhưng chàng sinh viên này cho hay anh muốn “nói tiếng Việt hoàn toàn”. “Tôi không thích trộn lẫn. Tôi nghĩ tốt nhất là nên học tiếng Việt ở đâu đó một cách chuyên nghiệp vì lý do đó”, Truong cho hay.

Mối quan tâm tiếng Việt sẽ tăng

Tương tự, một sinh viên khác của MSU, tên Elijah Savoie, đã học tiếng Việt trong học kỳ mùa thu năm nay để có thể giao tiếp tốt hơn với bố mẹ của bạn gái. Savoie cho hay bạn gái của anh nói tiếng Việt không được nhiều, trong khi cha mẹ cô ấy thì nói tốt.

Savoie cho biết thêm lớp tiếng Việt của anh có khoảng 25 sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau ở Mỹ. Chương trình này chủ yếu bao gồm các khóa học trực tuyến, trong đó họ học nói, nghe, viết và đọc. Savoie chia sẻ rằng anh thấy “hơi khó” bắt kịp khi hầu hết các bạn cùng lớp là người Việt có ít nhất một số kinh nghiệm nói tiếng Việt khi còn nhỏ, theo bài viết được đăng trên Spartan Newsroom.

Cũng theo bài viết trên, anh Hoang Thanh Tung ở VN đang tham gia dạy các lớp tiếng Việt tại MSU từ xa. Anh Tung cho hay trong lớp dành cho người mới bắt đầu có khoảng 80% học viên là người Việt hoặc người gốc Việt. Trong đó có 5 sinh viên tại MSU và số còn lại đến từ các trường đại học khác. Anh Tung cho biết thêm anh nhận thấy các lớp học tiếng Việt được mở tại một số trường đại học ưu tú ở Mỹ nên anh tin rằng sự quan tâm đến ngôn ngữ này sẽ tăng lên.

(Nguồn: Thanh Niên)

HỌA SĨ HÀ LAN TÌM CHA MẸ VIỆT: TÔI ĐÃ TÌM ĐƯỢC TÊN CHO MÌNH

(Ảnh minh hoạ).

Arjen Ijff, họa sĩ người Hà Lan gốc Việt, đã dành 15 năm tìm cha mẹ ruột bị thất lạc nhưng không có kết quả. Hy vọng của anh lúc này dồn vào một chiếc logo.

Zing gặp lại anh Arjen Ijff trong một chiều Sài Gòn nắng dịu. Bằng tiếng Việt, người đàn ông trung niên có chòm râu điểm bạc mở lời với chúng tôi: “Xin chào, tôi tên là Hưng. Tôi làm nghề thiết kế đồ họa”.

Câu nói ngắn gọn với phát âm chưa tròn chữ là một trong những cách mà người đàn ông Hà Lan chuẩn bị cho cuộc tái ngộ với cha mẹ ruột người Việt, nếu phép màu xảy ra. Đã 15 năm trôi qua kể từ khi lên đường tìm người thân máu mủ, Arjen chưa nhận được bất cứ manh mối nào.

Nhưng Arjen nói anh không tuyệt vọng. Trên đường tìm kiếm, người họa sĩ thiết kế đồ họa 47 tuổi đã phát hiện đất nước Việt Nam gần gũi với những người bạn thân thiết. Anh cũng dần tìm thấy trong mình dáng dấp của một người con Việt Nam.

“Khi tới Hà Nội, chỉ sau một ngày tôi đã cảm thấy sự yên bình và hòa hợp”, Arjen hồi tưởng về lần đầu tiên trở lại Việt Nam vào năm 2007.

“Tôi là Hưng”

Arjen nghe kể lại anh bị bỏ rơi tại một cô nhi viện trên đường Tô Thị Huỳnh ngày nay ở tỉnh Vĩnh Long khi mới vài tuần tuổi, vào đầu 1975. Tới tháng 4 năm ấy, anh được Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn tiếp nhận rồi đưa đến Amsterdam làm con nuôi, cùng 26 đứa trẻ khác.

Năm 2007, Arjen trở lại quê hương, bắt đầu hành trình tìm cha mẹ ruột. Nhưng những người liên quan năm xưa hoặc đã khuất, hoặc không còn nhớ trường hợp của anh. Cô nhi viện năm nào cũng đã bị tháo dỡ và được thay bằng một quảng trường rộng lớn. Trong tay anh không có bất cứ giấy tờ gì về gốc gác của mình.

Song Arjen vẫn không ngừng tìm kiếm. 15 năm qua, anh đã về quê hương 7 lần và đã đi hết từ Bắc vào Nam.

Lần đầu gặp Zing vào năm 2018, người họa sĩ Hà Lan vẫn đau đáu nhiều câu hỏi về bản thân. Khi ấy, đến cái tên “Nguyen Khanh Hung” được sứ quán ghi trong danh sách 27 đứa trẻ sẽ được nhận nuôi năm ấy, Arjen cũng không rõ là Hưng hay Hùng.

Nhưng trong cuộc gặp gần đây, Arjen chắc nịch với chúng tôi tên anh là Nguyễn Khánh Hưng. Anh chọn cho mình cái tên ấy không phải vì cuộc tìm kiếm của anh có phát hiện mới, mà là dựa vào cảm thụ của một người con đang tìm về nguồn cội. “Tôi cảm thấy vậy”, anh bảo. “Âm ‘ư’ cao hơn, mang đặc trưng tiếng Việt hơn”.

Tiếng mẹ đẻ cũng đã trở thành sợi dây tinh thần nối kết Arjen với quê hương cách xa gần 10.000 km khi anh không thể rời Hà Lan trong đại dịch Covid-19. Đều đặn mỗi tuần, người đàn ông ngoài 40 tuổi lại lên lớp, cặm cụi tập đọc, tập viết cùng gia sư người Việt.

Arjen đặc biệt thích cách viết các dấu tiếng Việt và tự thấy mình viết tốt hơn nói, có lẽ vì chuyên môn của anh là typography (nghệ thuật sắp xếp, thiết kế và sáng tạo hình dáng câu văn, chữ viết). Nhưng những lúc được nói tiếng mẹ đẻ là khi anh thấy gần gũi với quê hương hơn cả.

“Có lẽ đâu đó sâu thẳm trong gene di truyền, tôi có năng khiếu với tiếng Việt”, Arjen thoáng cười rồi trở nên nghiêm túc. “Và tôi tin là như vậy. Vì khi cảm thấy bản thân là người Việt Nam, bạn sẽ thêm nhạy bén với các thanh âm”.

Tín hiệu của số phận

Không ai biết chắc cuộc tìm về cội nguồn của Arjen sẽ kéo dài bao lâu, và cũng không ai có thể chắc chắn liệu hành trình ấy có thể đem lại kết quả. Nhưng Arjen đã sớm làm hòa với sự vô định.

“Tôi sẽ tìm kiếm ở mọi ngóc ngách, tôi sẽ tiếp tục kể câu chuyện của mình”, anh bảo. “Nếu không có kết quả thì đành vậy”.

Cơ hội để Arjen tiếp tục nói lên câu chuyện của bản thân đã tới vào một ngày tháng 9, khi anh bắt gặp thông báo về cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan.

“Phái đoàn Hà Lan tại Việt Nam muốn mời bất cứ ai sống ở Việt Nam hoặc Hà Lan, có đam mê với thiết kế đồ họa và có tình yêu đặc biệt với hai nước tham gia cuộc thi”, thông báo viết. Những dòng mô tả khiến Arjen cảm giác đây là cuộc thi dành cho mình. Anh bắt tay sáng tác khi chỉ còn 2 ngày nữa là hạn chót.

Nghĩ về Hà Lan, Arjen nghĩ ngay tới hoa tulip. Beemster, vùng đất nơi người họa sĩ lớn lên ở Hà Lan, có những cánh đồng tulip trải dài hàng trăm mét mà anh thường ngắm không biết chán mỗi khi xuân tới, anh kể.

Với Việt Nam, Arjen chắt lọc những trải nghiệm thân thương để chọn hoa sen làm hình ảnh biểu tượng. Anh đã ấn tượng với sắc hồng của loài hoa này từ sau những lần thăm lại quê hương. Và trùng hợp, hoa sen còn là logo của hãng bay đưa Arjen về nước lần đầu vào năm 2007.

Trong cuộc trò chuyện với Zing, Arjen lộ rõ sự hào hứng khi nói về bông hoa “lai” giữa sen và tulip mà anh hoàn thiện trong 2 ngày. “Tôi giữ cho thiết kế đơn giản nhất có thể, cùng các màu tượng trưng cho hai nước là cam cho Hà Lan, đỏ cho Việt Nam, và hồng là màu chung cho 2 loài hoa”, anh nói.

Hai tuần sau khi gửi tác phẩm, Arjen đón tin vui. Thiết kế của anh được lựa chọn là logo thắng cuộc. Tin tức khiến người họa sĩ rất đỗi ngạc nhiên, anh kể, do từ đầu đã không ôm nhiều kỳ vọng. Và cũng vì với Arjen, đây không phải một cuộc thi đơn thuần.

“Tham gia vào dự án này là cách để tôi kết nối với Việt Nam, để đền đáp quá khứ”, Arjen nói. “Những tháng đầu đời, tôi được phu nhân đại sứ chăm sóc chính ở tòa nhà Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn. Gần 50 năm sau, tôi lại thiết kế logo cho đại sứ quán. Một vòng tròn đã hoàn tất”.

Phải mất một thời gian sau nữa, Arjen mới nhận ra tầng ý nghĩa khác ẩn dưới tác phẩm của mình. Đó là khi anh được nghe thành viên của ban giám khảo ví bông hoa sen/tulip như hiện thân của chính anh - một người Hà Lan gốc Việt.

“Tôi không cố đưa chuyện đời mình vào trong logo”, anh chia sẻ. “Nhưng tôi không nghĩ mình có thể gọi đây là chuyện tình cờ. Nó đã được định sẵn như thế”.

Có thể số phận đã an bài Arjen tham gia và chiến thắng cuộc thi logo, hoặc đó chỉ là sự tình cờ. Dù thế nào chăng nữa, anh cũng muốn tận dụng dịp này để nhiều người biết tới câu chuyện của mình. Biết đâu một trong những người ấy có thể giúp anh đoàn tụ với gia đình ruột thịt, anh bảo.

Một cuộc tìm kiếm khác

Mục tiêu trước mắt của Arjen lúc này là có thể học tốt tiếng Việt, anh kể. Để khi được tái ngộ với mẹ, anh có thể nói với bà một câu giản đơn: “Con chào mẹ, con là con của mẹ đây”.

Nhưng người họa sĩ cũng phát hiện ra bên cạnh cuộc tìm kiếm cha mẹ ruột, anh vẫn còn một sứ mệnh khác: Đó là hành trình của “Arjen Ijff” đi tìm “Nguyễn Khánh Hưng”.

“Tôi luôn cố gắng hợp nhất hai nửa con người mình, một điều rất khó”, anh nói. “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở thành người Việt Nam 100%, nhưng tôi muốn cố”.

Arjen thật sự đã nỗ lực. Như người sưu tầm, Arjen cóp nhặt từng mảnh ký ức và mối liên hệ với Việt Nam qua những chuyến thăm quê. Người họa sĩ nhớ nhất là năm 2019, khi anh được người bạn mới quen mời về ăn Tết cùng gia đình tại tỉnh Vĩnh Long.

Cái Tết năm ấy rất đặc biệt, Arjen kể, vì đó là cái Tết đầu đời của anh, khi ấy đã ngoài 40 tuổi. Người họa sĩ bị ấn tượng trước cảnh người dân tất bật chuẩn bị đón năm mới, phố sá tràn ngập hoa và biểu ngữ chào mừng. Đó cũng là lần đầu Arjen biết tới phong bao lì xì và tục đi chùa đầu năm.

“Trước kia, tôi không thấy mình là người Việt Nam. Nhưng lúc này, tôi thấy thêm tự hào vì xuất thân từ mảnh đất này”, người họa sĩ nói.

Những lần về lại quê hương trước đây, Arjen đều nán lại không quá 3 tháng. Anh mong sẽ có dịp ở lại lâu hơn để tiếp tục cả 2 cuộc tìm kiếm. Dĩ nhiên, người họa sĩ vẫn mong đợi vào điều kỳ diệu cho phép anh gặp lại người thân.

“Năm 2023 là năm con mèo, cũng là năm tuổi của tôi. Tôi hy vọng may mắn sẽ tới”, Arjen bảo. “Có lẽ phép màu sẽ xảy ra vào năm sau”.

(Nguồn: Zing News)

HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ NƠI ĐẤT KHÁCH

Đầu bếp nổi tiếng Luke Nguyễn chốt lại: "Bữa tối Giáng sinh kiểu Việt Nam nhằm gắn kết mọi người với nhau".

Luke Nguyễn - đầu bếp người Úc gốc Việt, được công chúng Việt biết đến với vai trò giám khảo của chương trình "Master Chef Việt Nam" mùa đầu tiên năm 2013 - gây hứng thú khi đề xuất loại bỏ gà tây, thịt heo nướng và thịt nguội ra khỏi thực đơn thường thấy vào dịp lễ Giáng sinh và năm mới 2023. Thay vào đó, anh giới thiệu một thực đơn "biến tấu" với những món ăn Việt.

Theo sáng tạo của Luke Nguyễn, bữa tiệc ăn mừng với tiệc nướng BBQ lấy cảm hứng từ món Việt diễn ra vào giờ ăn trưa, với đa dạng hải sản tươi sống có sẵn ở Úc như nghêu, tôm, hến…

Đầu bếp gốc Việt mô tả với tờ Daily Mail: "Tôi thích các loại hải sản, chúng có rất nhiều ở Úc. Chúng ta sẽ sử dụng nhiều loại nước xốt khác nhau khi nướng hải sản trên vỉ. Chẳng hạn, khi chế biến hến và nghêu, chúng ta cho dầu hành, một ít ớt, rồi rắc thêm đậu phộng giã nhỏ. Đến món tôm, chúng ta chẻ đôi và rưới nước xốt XO. Cua ướp với gừng và hành, rồi nướng lên".

Với món salad, Luke Nguyễn giới thiệu một món dễ thực hiện: bắp cải bào, đu đủ xanh, rau húng lủi, tôm luộc, trộn đều với nước trộn gỏi gồm nước cốt chanh, tiêu, muối và sa tế.

Theo Luke Nguyễn, bữa trưa chỉ là bữa ăn nhẹ nhàng, "mở đường" cho bữa tối bổ dưỡng với rượu vang và champagne. Những hải sản còn dư sẽ được bày lên bàn tiệc tối cùng với bún, trứng, thịt và rau sống. Mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức món lẩu ngon ngọt.

Luke Nguyễn chốt lại: "Bữa tối Giáng sinh kiểu Việt Nam nhằm gắn kết mọi người với nhau".

Cách Úc khá xa, cộng đồng người Việt ở Dubai muốn thưởng thức bữa ăn chuẩn hương vị quê nhà thì nhà hàng Vietnamese Foodies ở tòa nhà phức hợp Burj Vista tại khu trung tâm Dubai là lựa chọn đáng cân nhắc.

Từ nơi này vừa có tầm nhìn ra tòa nhà chọc trời cao nhất hành tinh Burj Khalifa vừa xem được một trong những màn trình diễn pháo hoa và laser ngoạn mục nhất thế giới vào đêm giao thừa.

Tiệc buffet sẽ bắt đầu lúc 20 giờ 30 phút ngày 31-12 với các món ăn Việt Nam hấp dẫn như chả giò, gỏi đu đủ tôm, gỏi gà nướng ngò rí, tôm rim nước dừa, bánh tráng cuốn tôm… Ngoài ra, còn có món phở trứ danh với 3 vị: bò, gà và phở chay.

Trong khi đó, người Việt ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ có thể thưởng thức bữa cơm cuối năm sum vầy tại nhà hàng có tên Chợ. Ẩn mình trong ngôi nhà 160 năm tuổi nhìn ra tượng đài Qutub Minar, thực đơn đón năm mới của nhà hàng do đầu bếp Vaibhav Bhargava tuyển chọn, mang đậm hương vị đường phố Việt Nam như bánh khọt, gà chiên kiểu Việt, đậu hũ chiên sả ớt…

(Nguồn: Người Lao Động)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Đón Giáng sinh; Giải võ ở Algeria; Thiện nguyện ở Moskva; Sinh viên tại Lào; Nữ DHS bỏ rơi con ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang