Người Việt hải ngoại: Các sao chật vật ở Mỹ; Bẫy thuê nhà ở Úc; Quyên sách cho quê hương; Nàng dâu & người bà Tây

Sao Việt chật vật mưu sinh ở Mỹ: Ngọc Quyên làm đủ nghề, Phùng Ngọc Huy bán đồ ăn vặt online

(Ảnh minh họa).

Sau khi sang Mỹ định cư, nhiều sao Việt có cuộc sống hạnh phúc, bình yên nhưng cũng có một số người vất vả vì làm đủ nghề để kiếm sống.

Nhiều ngôi sao khi đang ở đỉnh cao danh vọng, đứng trước cơ hội phát triển sự nghiệp đã lần lượt quyết định sang Mỹ định cư. Tuy nhiên, không phải ai sang Mỹ cũng có cuộc sống sung sướng, nhiều nghệ sĩ phải bươn chải đủ nghề mới đủ sống.

Người mẫu Ngọc Quyên

Ngọc Quyên từng là người mẫu, diễn viên nổi bật trong làng giải trí Việt Nam. Sau khi kết hôn với bác sĩ Việt kiều Richard Lê vào năm 2014, "chân dài" từ bỏ hào quang và theo chồng sang Mỹ định cư. Đầu năm 2016, cô sinh con trai đầu lòng cho chồng.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của Ngọc Quyên liên tục xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc cả hai quyết định chia tay vào tháng 10/2018. Một mình nuôi con ở nước ngoài, Ngọc Quyên quyết định không trở về Việt Nam dù thừa nhận kiếm tiền rất vất vả.

Ở Mỹ, Ngọc Quyên từng bán quần áo cho một ông chủ người Trung Quốc. Sau đó, cô tự kinh doanh mỹ phẩm và quần áo. Hiện tại, Ngọc Quyên điều hành một cửa hàng thời trang ở Garden Grove và quản lý một xưởng may tại Việt Nam. Việc gánh vác cùng lúc nhiều vai trò khiến “bà mẹ một con” gặp nhiều khó khăn.

Một ngày của Ngọc Quyên bắt đầu từ 7h sáng, cô dậy sớm để livestream, Vì phải phục vụ khách hàng ở trong lẫn ngoài nước, nên múi giờ sinh hoạt của Ngọc Quyên thường không ổn định. Cô chia sẻ: “Tôi thường ngồi làm việc đến khuya và trời chưa sáng đã cầm điện thoại check tin nhắn. Nghề của tôi nếu không nhanh nhẹn, khách hàng sẽ bỏ đi”.

Được sự hỗ trợ về chuyên môn của bạn trai kỹ sư, Ngọc Quyên cũng mạnh dạn "lấn sân" sang lĩnh vực xây dựng. Dù chỉ thử sức trong nửa năm nhưng cô hào hứng vì nhận thấy nhiều cơ hội phát triển kỹ năng, kiến ​​thức và thu nhập.

Phùng Ngọc Huy

Phùng Ngọc Huy sang Mỹ định cư khi sự nghiệp đang phát triển, có chỗ đứng trong lòng khán giả Việt Nam. Khoảng thời gian thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài không hề dễ dàng đối với nam ca sĩ. Chuyển sang bán đồ ăn vặt online, điều khiến anh trăn trở nhất có lẽ là nhớ sân khấu và nhớ đồng nghiệp.

“Lần đầu tiên bán em còn ngại lắm, tại trước giờ chỉ biết đi hát thôi. Sau này rồi mình cũng có những cái cách để thuyết phục khách mua. Em thích là em vừa được bán hàng mà còn được hát nữa, nên em đầu tư dàn âm thanh hơi bị “ngon”. Em bán thì ít mà hát thì nhiều”, Phùng Ngọc Huy chia sẻ.

Ngọc Huy chia sẻ ước mơ của anh là vẫn muốn con gái ở Mỹ. Hy vọng sắp tới anh sẽ may mắn về được Việt Nam, rồi hai cha con cùng qua Mỹ. Anh chia sẻ thích chở con gái đi học, dù vất vả, nam ca sĩ vẫn muốn có được sự vất vả đó.

Người mẫu Đức Tiến

Đức Tiến được biết đến là người mẫu đình đám trên sàn diễn thời trang, đồng thời cũng là diễn viên được nhiều đạo diễn "chọn mặt gửi vàng". Năm 2010, anh đoạt nhiều giải thưởng như: Người mẫu ấn tượng nhất, Người mẫu ảnh xuất sắc nhất, Người mẫu cống hiến, cúp vàng Model Star tại Hàn Quốc năm 2010.

Tuy nhiên, đến năm 2013, anh quyết định rời Việt Nam sang Mỹ định cư cùng vợ là Hoa hậu Bình Phương. Thời gian đầu, nam diễn viên sống ở nhà vợ. Đến năm 2018, vợ chồng Đức Tiến đã tậu được nhà riêng tại California, kết thúc quãng thời gian dài khó khăn.

Đức Tiến cho biết, anh và vợ có công việc khá ổn định tại Mỹ, thu nhập hàng tháng lên đến 230 triệu: "Hiện tại vợ tôi làm ở phòng luật sư thuộc một ngân hàng. Công việc của cô ấy ổn định và thu nhập khá. Về phần tôi, với công việc khá đa dạng từ sản xuất, MC và đại diện quảng cáo… thu nhập hiện tại khoảng 7-10 ngàn USD (từ 160-230 triệu VND)."

(Nguồn: Em Đẹp)

Những bẫy gạt du học sinh khi thuê nhà ở Úc

Người đi thuê có khi phải bấm bụng đề nghị trả trước 6 tháng tiền nhà hoặc trả thêm tiền thuê để hy vọng có được nhà. Lợi dụng tình hình này, những kẻ lừa đảo trà trộn vào các hội nhóm trên mạng để ra tay. Chúng đặc biệt nhắm vào các du học sinh vừa mới chân ướt chân ráo tới Úc.

Ở Úc, việc thuê nhà thông qua văn phòng địa ốc là phổ biến nhất. Tuy nhiên du học sinh mới qua hầu hết không chứng minh được thu nhập nên không đủ điều kiện thuê nhà qua văn phòng địa ốc mà thường chọn thuê lại từ một người thuê khác hoặc thông dụng hơn là thuê trực tiếp từ chủ sở hữu. Mặc dù những phương thức này có thể dễ tiếp cận hơn, nhưng cũng có nguy cơ bị lừa đảo cao hơn.

Hơn nữa hậu Covid-19, tỷ lệ nhà cho thuê ở Úc xuống mức thấp kỷ lục. Một căn nhà mở cửa cho thuê có hơn 30 nhóm đến coi, gấp 3 lần bình thường. Người đi thuê có khi phải bấm bụng đề nghị trả trước 6 tháng tiền nhà hoặc trả thêm tiền thuê để hy vọng thuê được nhà. Lợi dụng tình hình này, những kẻ lừa đảo trà trộn vào các hội nhóm trên mạng để ra tay. Chúng đặc biệt nhắm vào các du học sinh vừa mới chân ướt chân ráo tới Úc.

Bẫy "vừa rẻ vừa tốt"

Nguyễn Tấn, sinh viên trường đại học La Trobe, mới từ Việt Nam qua cần tìm nhà gấp. Em đăng quảng cáo trên mạng thì có một người liên hệ cho biết có nhà cho thuê và yêu cầu đặt cọc để giữ chỗ. Người này liên tục hối thúc và ra điều kiện phải đặt cọc sớm nếu không vợ anh ta sẽ cho người khác thuê. Tấn mới qua nên không đề phòng và cũng chủ quan là người Việt với nhau chắc cũng không đến nỗi nào. Không ngờ trong khi tài khoản ngân hàng của Tấn thông báo đã chuyển tiền thành công rồi mà bên kia cứ khăng khăng là chưa nhận được. Họ cũng bất hợp tác, không trả lời tin nhắn hay cuộc gọi điện thoại.

Du học sinh mới qua lạ nước lạ cái, chưa có việc làm, đa số chi tiêu dè dặt, mong muốn tìm một chỗ ở giá cả hợp lý, giao thông thuận tiện. Nắm được tâm lý này, bọn bất lương liền giăng ra những cái bẫy "vừa rẻ vừa tốt" với nhiều mưu chước.

Thanh Thảo, sinh viên Trường đại học RMIT, kể lại rằng khi mới qua Melbourne, Thảo thấy quảng cáo về một căn hộ khá ưng ý mà giá chỉ có 250 đô la Úc/ tuần. Em liên lạc với chủ nhà qua email thì họ cho biết đang đi du lịch nước ngoài, kêu Thảo chuyển 1.000 đô la đặt cọc rồi họ sẽ gửi chìa khóa về. Thảo xem địa chỉ nhà, thấy chỉ cần đi một chuyến xe điện (tram) là tới trường, giá thì quá rẻ so với các căn khác tương tự gần trung tâm nên em quyết định chuyển tiền đặt cọc. Sau đó nói chuyện với một người bạn em mới biết có thể mình đã bị lừa. Mặc dù vô vọng, Thảo vẫn thử gửi email yêu cầu họ gửi chìa khóa sớm. Không ngờ chủ nhà ảo đó còn muốn lừa thêm tiền, báo là bị tai nạn giao thông, cần tiền để đóng viện phí, đòi Thảo chuyển tiếp trước 1 tháng tiền nhà nữa.

Bẫy chủ nhà "ảo"

Không chỉ có các tân sinh viên mới là nạn nhân, chỉ cần một phút sơ hở thì người sống lâu năm ở Úc cũng có thể bị sập bẫy.

Như trường hợp của Phương Vy, sinh viên trường Victoria University. Vy đã sống ở Melbourne một thời gian nhưng do cần đi Ballarat thực tập nên Vy lên mạng đăng quảng cáo tìm nhà. Có một ông Tây liên hệ cho thuê. Vy thấy nhà này gần chỗ thực tập, có thể đi bộ nên đồng ý luôn mà không đi coi vì Ballarat cách Melbourne cả 100 km. Để chắc ăn, Vy yêu cầu ký hợp đồng. Trường đại học cần thông tin chủ nhà, ông ta cũng cung cấp đầy đủ. Cách nói chuyện (qua Messenger) cũng đàng hoàng nên Vy tin tưởng chuyển khoản 1.000 đô la tiền cọc.

Sau khi chuyển tiền, Vy liên lạc qua lại hỏi thêm thông tin về nhà cửa, chỗ ở và được người đó trả lời tận tình nên càng tin tưởng. Gần tới ngày giao nhà, ông ta đòi đưa trước 200 đô la tiền thuê nhưng Vy đề nghị để khi gặp trả luôn, ông ta cũng đồng ý. Nhưng tới hôm đi thì ông ta ngưng kết nối (offline), Vy không liên lạc được. Đến nơi gọi cửa thì gặp một bà Tây, bà ta cho biết mình là chủ nhà, không biết ông đó là ai cũng không cho thuê nhà. Tới đây Vy mới biết mình bị lừa một cú ngoạn mục, nhà thuê không tồn tại, em thậm chí còn không có số điện thoại của ông chủ nhà giả.

Một trường hợp khác cũng khá tinh vi khi người đăng tin rao vặt không phải chủ nhà mà là người ở thuê sắp hết hợp đồng và dọn ra ngoài. Như vậy, họ vẫn có chìa khóa để dẫn bạn vào xem nhà, xem phòng để tạo sự tin tưởng. Sau khi bạn trả tiền cọc, tiền nhà thì họ sẽ biến mất.

Những dấu hiệu có thể là lừa đảo

Study Melbourne, cơ quan trực thuộc Chính phủ tiểu bang Victoria chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ cộng đồng sinh viên quốc tế, đưa ra một số điều có thể là dấu hiệu cảnh báo lừa đảo như sau:

  • Nếu bạn được yêu cầu đặt cọc trước khi xem nhà.
  • Nếu bạn được yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt.
  • Nếu giá thuê rẻ hơn nhiều so với các nhà tương tự
  • Nếu các hình ảnh online trông quá đẹp so với hầu hết các căn nhà cùng giá khác.
  • Nếu người mà bạn đang giao dịch cố gắng hối thúc hoặc gây áp lực buộc bạn phải trả tiền sớm.
  • Cảm giác bị áp lực và cảm giác cấp bách có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo.
  • Nếu người mà bạn đang giao dịch không cung cấp cho bạn hợp đồng thuê nhà tiêu chuẩn hoặc không muốn cung cấp chi tiết liên lạc của họ.

Liên hệ ở đâu để được hỗ trợ?

Trong trường hợp bạn nghĩ mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo, hãy lập tức liên hệ ngân hàng của mình và cảnh sát để báo cáo lừa đảo và nhờ hỗ trợ lấy lại tiền. Bạn cũng nên báo cáo với Scamwatch - https://www.scamwatch.gov.au/ và IDCARE - https://www.idcare.org/.

Nếu bạn đã cung cấp thông tin cá nhân cho một trang web, hãy truy cập vào Cyber Safety Centre để được tư vấn về việc giữ an toàn thông tin của bạn.

Bạn cũng có thể liên hệ Study Melbourne Hub để được hỗ trợ. Bộ phận Dịch vụ pháp lý về việc làm và chỗ ở cho sinh viên quốc tế (International Student Employment and Accommodation Legal Service) có thể giúp du học sinh, đặc biệt là sinh viên của những nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ như Việt Nam.

Một số mẹo để tránh bị lừa đảo

Study Melbourne cũng chỉ ra một số mẹo để tránh bị lừa đảo khi thuê nhà như sau:

  • Không trả bất kỳ khoản tiền nào trước khi bạn trực tiếp vào xem nhà và gặp mặt chủ nhà hoặc đại diện văn phòng địa ốc.
  • Gọi cho người mà bạn đang giao dịch qua điện thoại và sắp xếp gặp họ trực tiếp.
  • Bạn phải yêu cầu người cho thuê cho biết thông tin liên lạc bao gồm họ tên đầy đủ, email, số điện thoại và địa chỉ của họ. Nếu không có tên, địa chỉ hoặc email chính xác, sẽ rất khó thưa kiện nếu có vấn đề.
  • Hãy yêu cầu xem bằng chứng người đó có quyền thuê nhà, hay là chủ sở hữu tài sản. Nếu bạn thuê lại của người khác, bạn nên yêu cầu xem họ có được nhà cung cấp dịch vụ cho thuê cho phép cho thuê lại hay không.
  • Hãy thử tìm kiếm địa chỉ nhà thuê trên internet. Hầu hết các bất động sản sẽ xuất hiện trên các trang web như realestate.com, domain.com hoặc ít nhất là trên Google. Bạn cũng có thể kiểm tra lịch sử cho thuê của nó. Kiểm tra xem hình ảnh trong quảng cáo có khớp với hình ảnh online hay không.
  • Nếu một cái gì đó có vẻ quá tốt thì rất đáng ngờ. Tiền thuê rất rẻ cho một căn hộ đẹp là một trò lừa đảo phổ biến.

(Nguồn: Thanh Niên)

Kiều bào Võ Tá Hân: Miệt mài quyên sách quý cho quê nhà

(Ảnh minh họa).

Trong 30 năm qua, TS. Võ Tá Hân (kiều bào Mỹ) cùng cộng sự mang nhiều container sách quý về khoa học, kỹ thuật tặng các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu của đất nước. Hành trình tặng sách với đủ cung bậc cảm xúc mang đến cho ông những món quà tinh thần đặc biệt...

Đầm ấm không khí Tết cộng đồng - Xuân Quê hương 2023 ở New YorkIonah Hằng Nguyễn: Cô gái Việt đam mê kết nối cộng đồngCó một người Việt trẻ tích cực truyền cảm hứng trên đất Mỹ

Ước vọng thế hệ trẻ đưa sách đi xa hơn

Tình yêu sách của ông bắt đầu từ khi nào?

Ngày còn bé, chúng tôi không có nhiều sách để đọc như bây giờ và chỉ khi lên trung học, tôi mới có cơ hội được đọc sách. Ngoài ba tấm thẻ mượn sách thư viện, vào cuối tuần, tôi có thú đi lùng mua sách cũ trên đường Lê Lợi và trung bình mỗi tuần thì ngốn hai quyển sách về đủ mọi đề tài.

Sách thì thường chỉ đọc một lần nhưng có những quyển gối đầu giường thì đọc đi đọc lại đến nát cả sách! Ngày ấy, tôi đọc rất nhiều sách “Học làm người” của Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần. Đó là những quyển sách quý giúp rèn luyện ý chí, hun đúc lớp trẻ về nhiều phương diện, có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình.

Điều gì thôi thúc ông chuyển sách về giúp Việt Nam bền bỉ trong suốt hơn 30 năm qua?

Ước vọng của tôi là thế hệ trẻ sẽ đưa sách đi xa hơn và rộng hơn nữa, sẽ có thêm nhiều hội sách tại các thành phố, nhiều thư viện tại các vùng xa xôi hẻo lánh để kiến thức mới được lan tỏa khắp nơi.

Trong khi đó, tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách vở và do đó không có gì hiệu quả hơn để giúp đất nước là chuyển kiến thức về Việt Nam.

Tri thức là “chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa” rồi từ đó có thể giúp cho đất nước chóng giàu mạnh. Người Việt chúng ta vốn rất thông minh, hiếu học, nhẫn nại và nếu có cơ hội thì chúng ta sẽ phát triển không thua kém các nước trong khu vực.

Ông có thể chia sẻ thêm về “hành trình” của một quyển sách ở nước ngoài được ông chuyển về Việt Nam?

Năm 1988, tôi trở lại TP. Hồ Chí Minh sau 20 năm du học. Lúc đó, TP. Hồ Chí Minh vắng vẻ, các hoạt động văn hóa giải trí thưa thớt.

Nhà sách ở ngay trung tâm thành phố tẻ nhạt với một ít sách cũ kỹ, bày biện thô sơ, đơn điệu. Ghé một số viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu ở TP. Hồ Chí Minh, tôi đề nghị được xem thư viện và bàng hoàng vì thư viện chỉ có một ít sách cũ.

Bước ra phi trường, khi máy bay cất cánh trở lại Singapore, tôi đau đáu suy nghĩ, lúc nào trong đầu cũng văng vẳng sự mách bảo “phải làm cái gì đó giúp quê nhà”.

Nghĩ là làm, tôi bắt đầu dịch một số sách về kinh tế, tài chính để gửi về nước. Dịch được một, hai cuốn, tôi giật mình: “Mất bao nhiêu thời gian mới dịch xong một cuốn, vậy thì có thể làm được gì?”.

Từ đó, tôi tìm cách đi xin, đi mua sách khắp thế giới và khởi động chương trình “Books4Vietnam” gửi sách về Việt Nam.

Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, nếu được trang bị kiến thức mới, có cơ hội học hỏi, ứng dụng tri thức mới, Việt Nam sẽ tiến rất nhanh và đó là động lực tôi kiên trì đưa sách về quê nhà.

Ban đầu, tôi viết 100 lá thư gửi đi khắp nơi, quyên được 1.500 cuốn gửi tặng Viện Kinh tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, tôi làm quen với nhà xuất bản Simon& Schuster - Prentice Hall (SSPH). Khi đến thăm kho trung chuyển phân phối sách khắp châu Á của họ tại Singapore, tôi khám phá một “núi sách” nằm ở cuối kho còn mới nguyên nhưng đang chất đồng do nhập dư hoặc không bán hết.

Mất hơn một năm trời thì tôi mới thuyết phục được họ để mua lại với giá rẻ hàng tấn sách về chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế, tài chính, y khoa, luật khoa, quản trị kinh doanh, giáo dục với điều kiện duy nhất là sách phải được đưa vào container khóa kín rồi chuyển thẳng về Việt Nam, không để cuốn nào để lại Singapore. Container 20 ngàn quyển sách Singapore buộc phải nộp toàn bộ danh mục số sách này để kiểm duyệt vì lúc ấy Singapore đang còn áp đặt cấm vận với Việt Nam. May mắn có người khuyên tôi nên khai là gửi... giấy vụn, nên container sách ấy và những containers kế tiếp đều đi trót lọt.

Sau bao vất vả, những cuốn sách đầu tiên được chuyển đến Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Lễ tặng sách, triển lãm sách diễn ra trang trọng vào năm 1990.

Đồng chí Phan Văn Khải, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ghé thăm triển lãm đã viết một bức thư cảm ơn và khen tặng: “Những cuốn sách mà tôi được thấy tận mắt trong buổi trưng bày đều vô cùng quý giá đối với các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý ở TP. Hồ Chí Minh và cả nước”.

Chính bức thư ấy đã giúp chương trình tặng sách được thuận buồm xuôi gió về sau.

Nâng cao văn hóa đọc cho bạn đọc cả nước

Theo ông, làm gì để có thể phát huy hiệu quả từ nguồn sách quý được đưa từ nước ngoài về Việt Nam?

Trong suốt hành trình dài hơn 30 năm thực hiện Chương trình Books4Vietnam, từ việc tìm sách, mua sách, quyên sách, đóng thùng container sách, chuyển sách về Việt Nam rồi đưa sách đến các trường học..., mỗi công đoạn đều có khó khăn riêng, cho nên khi sách đến được đúng nơi, an toàn, như ý muốn thì lòng tôi luôn rộn lên niềm vui khó tả.

Do đó, tôi mong muốn, ngoài việc nâng cao số lượng đầu sách trong thư viện, các trường hãy tìm giải pháp đưa số lượng sách này đến rộng rãi sinh viên tiếp cận, đưa đến người đọc càng nhiều càng tốt, xa hơn nữa là nâng cao văn hóa đọc cho bạn đọc cả nước.

Để phù hợp với xu thế mới, các trường có thể chuyển đổi các sách khoa học - kỹ thuật này sang sách điện tử (e-book) trong thư viện điện tử của mình để có thể lan tỏa sách rộng rãi hơn đến bạn đọc.

Ngoài sách mang về nước, ông còn “chuyển giao tri thức” cho Việt Nam bằng cách giúp đỡ lưu học sinh Việt ở nước ngoài?

Năm 1988, lần đầu về Việt Nam, nhìn thấy khoảng cách quá lớn giữa hai quốc gia (Việt Nam và Singapore) tuy chỉ cách nhau có hơn một giờ bay thì quả thật rất đau lòng!

Với tư cách là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Canada tại Singapore, tôi đưa phái đoàn thương mại chính thức của Singapore thăm Việt Nam vào tháng 12/1991 và một trong mười đề nghị trong bài điều trần viết cho cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, tôi khuyên họ nên trao nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tại Singapore.

Năm 2007 thì tôi thành lập Câu lạc bộ Vietnam 2020 (Hội chuyên gia Việt Nam tại Singapore) với thành viên là những lưu học sinh Việt Nam được học bổng sang theo học tại ba trường đại học lớn tại Singapore...

Bên cạnh đó, tôi còn có Quỹ học bổng Võ Tá Hân, nhằm giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học tại các vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Võ Tá Hân nhận học bổng USAID du học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Năm 1972, ông tốt nghiệp rồi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ. Từ năm 1974, ông trở thành chuyên gia ngân hàng quốc tế của Bank of Montreal (Canada).

Năm 1986, ông làm việc cho Tập đoàn Hong Leong, tập đoàn thương mại tư nhân lớn nhất Singapore, giữ những chức vụ cao cấp trong các công ty bất động sản, đầu tư khách sạn, công nghệ, tài chính của tập đoàn. Sau đó, ông làm cố vấn cao cấp của ngân hàng UBS AG Thụy Sỹ tại Singapore.

Ông cũng là thành viên Hội đồng quản trị của Đại học UniSIM - Học viện Quản lý Singapore. Năm 2010, ông về hưu, định cư tại Mỹ và tiếp tục công việc giảng dạy. Ngoài ra, ông còn tham gia các lĩnh vực như âm nhạc, xuất bản như xuất bản sách “Cánh hoa trước gió” (2004), sáng tác hơn 500 ca khúc phổ và phát hành 30 CD...

Năm 2022, TS. Võ Tá Hân được TP. Hồ Chí Minh tuyên dương tại chương trình “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ năm. Tính đến nay, ông đã tặng gần 2 triệu quyển sách cho quê nhà.

(Nguồn: Việt Báo)

DÂU VIỆT KỂ CHUYỆN VỀ NGƯỜI BÀ TÂY: ĐANG BƠ VƠ THÌ CÓ BÀ CƯU MANG

Sang nước Séc làm việc, lập gia đình từ năm 19 tuổi, nàng dâu Việt chia sẻ lại sự may mắn của mình khi gặp được một người phụ nữ người ngoài hết sức tận tâm, bỏ nhiều công sức chăm sóc gia đình của cô.

Đó là câu chuyện được chị Hương Trần chia sẻ trên một hội nhóm dùng để cánh chị em chia sẻ, tâm sự về những chuyện vặt trong cuộc sống. Theo chị Hương, năm 19 tuổi chị đã khăn gói sang Séc, cật lực làm việc để chăm lo cho gia đình và bản thân. Một năm sau đó, chị kết hôn với ông xã người Việt Nam, 21 tuổi sinh con nhưng cuộc sống vẫn cứ thế lộn xộn, bận rộn cho tới khi bà xuất hiện.

Theo bài viết của chị Hương, thời điểm chị đang căng não không biết làm sao tìm được một người trông trẻ để chị có thể cùng chồng ra ngoài kiếm tiền. Sau nhiều lần bị từ chối chỉ vì gia đình chị là người Việt, bỗng dưng bà xuất hiện, khiến cho gia đình chị trở nên có nề nếp, mọi chuyện cũng ổn hơn rất nhiều.

Không chỉ chăm trẻ, bà còn chăm cả gia đình nhà chị Hương và giúp chị quán xuyến rất nhiều công việc trong gia đình. Mỗi tuần, khi có đồ ăn ngon thì bà đều sẽ dành phần cho 2 vợ chồng, rau củ bà trồng trong vườn cũng mang toàn bộ sang cho cả hai vợ chồng vì bà mắc chứng dị ứng với rau quả.

Tính đến thời điểm hiện tại, người bà Tây này cũng đã chăm sóc, ở cùng với vợ chồng chị Hương được hơn 25 năm. Dù hiện tại đang mắc bệnh tim nhưng bà vẫn tranh thủ chăm sóc cả nhà khi bản thân mình còn đi lại được. "Chồng em và em đều coi Bà là Mẹ của mình, các cháu cũng coi bà như bà nội, bà ngoại của mình, chắc còn sống với bà nhiều hơn sống ở Việt Nam nữa." - chị Hương viết.

Sau 25 năm gắn bó, từ chỗ người giúp việc, trông trẻ, nay bà Tây dường như đã trở thành một phần không thể nào thiếu vắng trong gia đình của chị Hương Trần bởi sự tận tâm, nhiệt tình và luôn lo lắng từ già tới trẻ trong nhà chị.

(Nguồn: Bestie)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang