Người Việt hải ngoại: Buồn vui làm người gốc Việt; Ngày 8/3 tại Nam Sudan; Chuẩn bị hành trang sang Úc; Mở trường học ở Mỹ

Buồn vui làm người gốc Việt

(Ảnh minh họa).

Tôi đã sống qua và đi du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Không biết khuôn mặt của mình mang dáng nét ra sao mà ít có người gặp lần đầu mà họ đoán đúng tôi là người Việt Nam.

Ngày mới tới Mỹ, đi học ESL nhiều bạn nghĩ tôi là người Hàn quốc. Vào Đại học U.C. Berkeley, trong giờ làm thí nghiệm lớp hoá học có mấy bạn da trắng thấy tên ngắn gọn “Phu Bui” nên nghĩ tôi là người Hoa.

Ở chung ký túc xá có một bạn người Nga, nhìn tên tôi anh biết ngay là người Việt, vì anh quen mấy du sinh Việt ở Liên bang Sô Viết và cũng có người họ Bùi. Một hôm khi chúng tôi đứng cạnh nhau chờ ăn cơm chiều, anh nói vui là đừng bao giờ xếp hàng sau người Việt, tôi hỏi vì sao thế, anh kể đứng sau người Việt thì khi đến lượt sẽ có mấy người Việt khác chen vào trước mình, mà anh đã chứng kiến trong ký túc xá.

Nguồn gốc Việt đã không thể hiện qua khuôn mặt của tôi, còn giới tính cũng là một câu chuyện vui.

Đến Mỹ được vài tháng, tôi bắt đầu tìm hiểu về các đại học trong khu vực để xin học. Vào thư viện công cộng tìm cẩm nang các trường đại học, thấy trường nào có địa chỉ gần nhà, có thể đi học bằng xe điện hay xe buýt là tôi ghi địa chỉ, về nhà viết thư cho Admission Office xin trường gửi cho một quyển Catalog giới thiệu trường và các ngành học, môn học mà trường có dạy.

Tôi gửi thư cho hơn chục trường, từ các trường lớn như U.C. Berkeley, California State University ở Hayward hay bên San Francisco cho đến các đại học cộng đồng Vista College, College of Alameda, Contra Costa College v.v… Vài tuần sau tôi nhận được Catalog gửi đến nhà. Có một trường ghi “Ms. Phu Van Bui” trên phong bì mà tôi không hiểu vì sao mình lại được gọi là “Ms.” là “Cô” là từ viết tắt trong tiếng Anh gồm Mr., Mrs. và Ms. mà tôi mới học được trong lớp ESL, trong khi các trường khác chỉ đề “Phu Van Bui” và địa chỉ bên dưới.

Tôi viết thư qua lại với các trường vài lần để có đơn xin nhập học và lần nào cũng chỉ có trường Mills College ở Oakland ghi tên tôi là “Ms. Phu Van Bui”. Sau khi có nhiều thông tin, tôi chọn trường College of Alameda vì thấy hợp với khả năng và thuận tiện với các phương tiện di chuyển công cộng.

Nếu tôi đã tiến hành việc xin học ở Mills College và được nhận thì tới ngày nhập học không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi, vì trường này chỉ dành cho nữ sinh, mà tôi nào có biết vì khi đó tiếng Anh còn lõm bõm, không hiểu rõ các thông tin ghi trong cẩm nang nên đã viết thư ngỏ ý muốn vào trường đó học. Bấy giờ tôi mới hiểu tại sao văn phòng trường mỗi lần gửi thư cho tôi đều ghi “Ms. Phu Van Bui”, vì họ làm sao họ biết tên Việt của tôi là một nam sinh.

Trở lại chuyện nguồn gốc, sau khi tốt nghiệp đại học tôi qua Togo làm việc tình nguyện cho chương trình Peace Corps của Hoa Kỳ. Dưới con mắt của học trò và người dân Togo hay dân từ các quốc gia lân bang mà tôi có dịp qua du lịch thì tôi là “Chinese” hay “Chinois” chứ không ai biết tôi là người gốc Việt. Khi nghe dân nói tôi là người Hoa, tôi sẽ trả lời không phải và để họ đoán thêm, tôi là Japonais, Korée, Philippin hay Thailandais, sau cùng mới là Vietnamien.

Trẻ em ở châu Phi trông thấy tôi là cất tiếng chào “Ni hao” rồi tạo dáng vẻ như múa tai-chi hay bài quyền, với đôi chân nhún xuống, đôi tay vung lên. Tôi không ngờ nét văn hoá châu Á lan toả đến châu Phi là những gì mà các trẻ nhỏ đã biểu hiện, chắc là qua phim ảnh từ Hong Kong với các màn đấu quyền cước của Lý Tiểu Long.

Khi về châu Á làm việc, cũng không mấy ai nhận ra tôi là người Việt. Một lần đi tàu hoả với bạn từ Singapore lên Bangkok, sau khi tàu chạy qua biên giới Malaysia để vào đất Thái, nhân viên di trú xét giấy tờ, thấy tôi ông nói tiếng Thái mà tôi không hiểu và chỉ biết trả lời bằng hai tiếng “mài Thái” – không phải người Thái, mà tôi đã học được. Bạn tôi là một người da trắng, ngồi cạnh, rành tiếng Thái nói tôi người Việt. Nghe thế nhân viên cho là tôi trốn ra từ trại tị nạn, ông nói sẽ kêu cảnh sát bắt. Bạn giải thích tôi hiện là công dân Mỹ qua đây làm việc, rồi tôi đưa hộ chiếu cho nhân viên di trú xem.

Người Việt không được đón chào ở đất Thái và chính phủ Thái đã có những chính sách giới hạn sự đi lại của người Việt ở khu vực đó, ngay sát với Lào và chỉ cách nhau con sông Mekong, nơi tôi đã có cơ hội ghé thăm và được nghe người Việt ở đây kể là họ bị cấm ra khỏi tỉnh nếu không có giấy phép và không được đội nón lá khi ra đồng làm ruộng.

Những năm của thập niên 1980 còn có người Việt từ Mỹ, Úc qua đây lập chiến khu, được một số tướng tá Thái yểm trợ và đã gây xôn xao dư luận người Việt hải ngoại.

Một hôm tôi ra công viên Banglumpur nơi đang có vận động bầu cử thống đốc Bangkok và thấy một người đàn ông có râu mép, trán cao trông rất giống Tướng Hoàng Cơ Minh ngồi ở ghế công viên. Những năm đó đã có người Việt từ nước ngoài vào các trại tị nạn dọc theo biên giới để tuyển mộ người tị nạn đi theo kháng chiến. Vì thế khi tôi đi công tác, văn phòng căn dặn là phải cẩn thận, vì người Thái không ưa người Việt vì các hoạt động này.

Cũng vì là người gốc Việt nên năm 1987 khi văn phòng Cao uỷ Tị nạn đưa tôi về Bangkok thì bộ nội vụ Thái không cấp cho tôi giấy phép làm việc, như các nhân viên khác đều thường trú ở đây, vì từ Thái Lan thuận tiện đường bay lên Hong Kong, xuống Malaysia, Indonesia, Singapore hay qua Philippines. Văn phòng viết thư phản đối, nói rằng tôi người gốc Việt và giờ đã là công dân Mỹ, nhưng chính phủ Thái vẫn không cấp giấy phép. Không được ở Bangkok, văn phòng chuyển tôi lên Hong Kong và cứ mỗi hai tháng tôi đi công tác một vòng các trại tị nạn ở Đông Nam Á. Đến Thái Lan với tư cách du khách, vào mỗi trại làm việc vài hôm thì bộ nội vụ Thái cho giấy phép ra vào trại.

Trong một lần công tác ở Thái Lan, tôi đi xe đò từ Bangkok đến tỉnh Chonburi là nơi có trại tị nạn Panat Nikhom. Trên xe ngồi cạnh một bạn trẻ Thái, anh tưởng tôi là người Nhật và bắt chuyện hỏi thăm. Anh nói tiếng Anh rất khá nên chúng tôi trò chuyện với nhau suốt quãng đường chừng một giờ đồng hồ. Bằng sự hiểu biết của tôi về nước Nhật, tôi cố gắng trả lời những tò mò, thắc mắc của anh, cũng như anh giúp tôi hiểu thêm, như một du khách Nhật đang muốn khám phá xứ sở mệnh danh là đất nước con voi. Khi xe đến bến, trước khi chia tay anh hỏi tên tôi. Bất ngờ và bối rối vài giây. Không lẽ nói tên mình là Honda, Yamaha hay Suzuki, tôi sực nhớ đến Yoko Ono, nên trả lời anh như thế, rồi chia tay. Không biết anh bạn Thái có nhận ra đó là tên vợ ca sĩ John Lenon của ban nhạc lừng danh The Beatles hay không.

Ngày tôi tới trại tị nạn ở Galang ở Indonesia đồng bào cũng cho tôi là người Nhật. Từ cầu tàu vào trại, trên xe có mấy người Việt làm việc vận chuyển vật dụng, thấy tôi họ nói với nhau: “Ông này là phái đoàn Nhật vào trại phỏng vấn tuần này, lo trốn thôi.” Tôi im lặng nghe và hiểu là mỗi lần có phái đoàn Nhật vào trại, nhiều người trốn gặp vì không muốn đi Nhật định cư.

Một lần tôi đi Trung Quốc cùng với ba bạn người da trắng. Chúng tôi đáp tàu thuỷ từ Hong Kong, chạy một đêm trên sông Châu Giang, sáng hôm sau là đến thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông. Người Trung Quốc đi trên tàu mang theo nhiều hành lý, là những đồ dùng trong nhà mà họ mua đem về. Ngay trên tàu cũng có bán tivi, tủ lạnh, xe máy cho những ai cần mua. Gặp nhân viên phục vụ hay khách đi cùng chuyến ai cũng hỏi tôi bằng tiếng Quảng Đông và tôi chỉ biết trả lời “ngộ hầm sức” – tôi không hiểu, vì tôi chỉ nói được vài câu căn bản như lời chào, cám ơn, hỏi giá cả, gọi các món ăn hay kêu tính tiền.

Một bạn đồng hành trong chuyến đi là tình nguyện viên Peace Corps ở Thái Lan và có vẻ rành về du lịch Trung Quốc, nên anh và cô bạn gái từ vùng Vịnh San Francisco đã thuê phòng trước trong một nhà của dân, kiểu như Air B&B ngày nay. Còn tôi và một bạn về một khách sạn nhỏ, gần khách sạn White Swan sang trọng, cao hơn hai chục tầng bên bờ sông, nơi chúng tôi đem phim cho phòng ảnh một tiếng đồng hồ để tráng rửa và trong khi chờ lấy hình chúng tôi ra hành lang khách sạn ngồi ngắm cảnh.

Qua đêm đầu tiên, đôi bạn ở nhà dân cho biết là đêm qua có công an đến xét hỏi nên chủ nhà không cho ở nữa và sáng nay hai bạn về khách sạn nhỏ với chúng tôi.

Ở Quảng Châu mỗi ngày chúng tôi thuê xe đạp đi chơi khắp nơi, từ đền tưởng niệm Tôn Dật Tiên, sở thú, khu thương mại, bến tầu, công viên, chùa cổ, một nhà thờ có kiến trúc giống nhà thờ Đức Bà Sài Gòn mà nay là nhà kho. Cầm theo bản đồ, bốn người chúng tôi đạp xe theo dân địa phương lên xuống những con phố. Giữa thập niên 1980 đường phố ở đây ùn ùn xe đạp và công nhân đồng phục xanh dương.

Đến một công viên, có đám thiếu niên thấy tôi đi với người da trắng nên xúm vào hỏi han gì đó, tôi lại trả lời “ngộ hầm sức”. Nghe các em nói với nhau tôi hiểu loáng thoáng là các em cho tôi là cư dân Bắc Kinh nói tiếng Quan Thoại, không hiểu tiếng Quảng Đông, nếu viết ra thì sẽ hiểu nhau nên một em lấy ra tờ giấy và cây bút, bảo tôi viết gì đó mà tôi nào có biết đến nửa chữ tiếng Hoa. Tôi viết tên mình và tên của ba bạn, rồi chỉ từng người và gọi tên. Tôi và các bạn nói tiếng Anh và các em thích thú lắng nghe, có em tỏ ra hiểu chúng tôi là “Mí Quở dzành”.

Ngày rời Quảng Châu, khi trả phòng khách sạn, xem biên nhận tiền phòng thì thấy số tiền yuan tôi phải trả chỉ bằng nửa giá của các bạn. Một bạn hỏi tại sao, cô tiếp viên nói vì tôi là Hoa kiều. Nghe thế các bạn chỉ nhìn tôi, im lặng vì họ biết tôi không phải người Hoa. Không biết nhân viên khách sạn nhìn hộ chiếu của tôi với nơi sinh là “Vietnam” đã hiểu như thế nào mà lại cho tôi giá ưu đãi của Hoa kiều.

(Nguồn: VOA)

Bệnh viện dã chiến Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động cho phụ nữ Nam Sudan

Để tôn vinh người phụ nữ và đặc biệt giúp cho người dân Nam Sudan hiểu hơn về vai trò của phụ nữ, Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam tại Nam Sudan (BVDC 2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Đối với nhiều nước trên thế giới, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được xem như là một ngày lễ lớn trong năm và được tổ chức trọng đại với nhiều hoạt động sôi nổi, nhưng tại đất nước Nam Sudan thì lại khác. Bởi lẽ, người dân ở đây, đặc biệt là phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi vì nội chiến.

Để tôn vinh người phụ nữ và đặc biệt giúp cho người dân Nam Sudan hiểu hơn về vai trò của phụ nữ, Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam tại Nam Sudan (BVDC 2.4) đã lên kế hoạch chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng ngày lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa này.

Bệnh viện đã phát động “Tuần lễ áo dài”. Theo đó, các nữ y bác sĩ mặc áo dài trong các hoạt động đón tiếp và khám chữa bệnh của bệnh viện từ ngày 1/3 - 8/3 với mục đích tôn vinh nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống, khơi dậy giá trị văn hoá người Việt Nam trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, BVDC2.4 cũng tặng quà, tổ chức nhiều chương trình như cắt tóc, trang điểm, làm đẹp cho các chị em phụ nữ ở địa phương. Ngoài ra, BVDC2.4 còn tổ chức cho chị em chơi các trò chơi để họ có được những giây phút giải trí thoải mái, ý nghĩa.

Các hoạt động này của các nữ y bác sĩ Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân ở Bentiu Nam Sudan, lan tỏa thêm tinh thần cộng đồng và đức tính hồn hậu, nhân ái của người Việt./.

(Nguồn: VTV4)

CHUẨN BỊ HÀNH TRANG THIẾT YẾU KHI HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC TẠI AUSTRALIA

(Ảnh minh họa).

"The Aeliens 2023" là sự kiện giúp cộng đồng sinh viên Việt Nam có cơ hội làm quen, gắn kết cũng như chuẩn bị những hành trang thiết yếu trong quá trình học tập và làm việc tại Xứ sở chuột túi.

Hội sinh viên Việt Nam tại bang Queensland (AVSQ) ngày 4/3 đã tổ chức thành công chương trình "The Aeliens 2023" - sự kiện giúp cộng đồng sinh viên Việt Nam tại đây có cơ hội làm quen, gắn kết cũng như chuẩn bị những hành trang thiết yếu trong quá trình học tập và làm việc tại Xứ sở chuột túi.

Chương trình đánh dấu sự mở đầu cho chuỗi các sự kiện, dự án trong năm 2023 của hội.

Lấy cảm hứng từ vũ trụ bao la, mỗi đội trong "The Aeliens 2023" đóng vai những người đến từ các hành tinh khác nhau.

Do một sự cố, những người ngoài hành tinh này đã bị lạc ở Trái Đất. Để quay về hành tinh của mình, mỗi đội chơi phải thực hiện những nhiệm vụ thú vị và tìm kiếm mảnh ghép tàu vũ trụ để du hành không gian.

Với gần 50 người tham gia chia làm 7 đội, sự kiện "The Aeliens 2023" diễn ra trong hơn 4 giờ đồng hồ ngay tại trung tâm thành phố Brisbane, tập trung vào 3 mục tiêu chính: khám phá, tìm hiểu những giá trị đặc trưng của thành phố Brisbane với những địa điểm tham quan nổi tiếng như vòng quay Wheel of Brisbane, Bảo tàng Hàng hải, Phòng trưng bày nghệ thuật Queensland, Vườn bách thảo; gắn kết cộng đồng sinh viên Việt Nam tại bang Queensland và giúp đỡ những tân sinh viên mới bắt đầu hành trình du học.

Thông qua các trò chơi, người chơi đã thu về nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa, bản sắc, cộng đồng và con người nơi đây theo cách thức vô cùng thú vị.

Với sự kiện đầu tiên trong năm 2023 này, Hội sinh viên Việt Nam tại bang Queensland hướng đến các bạn tân sinh viên bắt đầu hành trình du học tại Queensland, giúp các bạn khám phá và trải nghiệm những điều mới lạ ở thành phố này; từ đó sẽ có một cái nhìn khái quát hơn về lối sống và tính cách con người nơi đây, thích nghi với một môi trường đa dạng văn hóa.

Hội sinh viên Việt Nam tại bang Queensland cũng mong muốn kết nối chặt chẽ hơn cộng đồng sinh viên Việt Nam ở bang Queensland, giúp việc sinh sống và học tập ở một đất nước xa lạ trở nên dễ dàng hơn.

Do đó, những trò chơi trong sự kiện lần này được thiết kế riêng nhằm tạo không khí thoải mái cho các bạn tham gia, dựa trên format chương trình “Running Man” nổi tiếng của Hàn Quốc.

Sự kiện đã góp phần lớn trong việc khuyến khích những người chơi tương tác với nhau, tạo cơ hội mở rộng quan hệ.

Bạn Phạm Hoàng Dương, một trong những người tham gia sự kiện, chia sẻ: “Mình rất vui khi được tham gia sự kiện của Hội sinh viên Việt Nam tại bang Queensland. Bản thân mình mới sang Australia học tập nên sự kiện đã giúp mình gặp gỡ và giao lưu với các bạn mới cũng như khám phá thành phố Brisbane. Chương trình rất chất lượng và khác biệt so với những sự kiện gặp gỡ và giao lưu trước đây mình từng tham gia”.

Được thành lập ngày 18/6/2021, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, Hội Sinh viên Việt Nam tại Queensland là một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các chương trình phát triển kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên tại bang Queensland nói riêng và trên toàn Australia nói chung, đồng thời tổ chức các sự kiện vui chơi giải trí giúp gắn kết cộng đồng.

Từ khi thành lập, hội đã liên tục tổ chức những sự kiện về phát triển định hướng nghề nghiệp như "UniUp webinar" - chuỗi tọa đàm tham vấn nghề nghiệp trực tuyến; "MentorShip platform" - nền tảng kết nối, hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp giữa sinh viên và cựu sinh viên; và "Job Hunting Camp" - Hội trại kỹ năng tìm việc.

Bên cạnh đó, hội cũng tổ chức những sự kiện giải trí kết nối cộng đồng như "Sports League" - Ngày hội thể thao; Chuyện xưa tích cũ - ngày hội cổ tích Việt Nam; và mới đây nhất là sự kiện "The Aeliens".

Thời gian tới, Hội Sinh viên Việt Nam tại Queensland sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện giúp các bạn sinh viên phát triển kĩ năng, định hướng nghề nghiệp, đó là "The Interview".

Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, sự kiện này hứa hẹn sẽ thu hút nhiều sinh viên Việt Nam và quốc tế tại bang Queensland trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bao gồm các ngành như: phân tích kinh doanh, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu...

Hội Sinh viên Việt Nam tại Queensland mong muốn sự kiện sẽ là cơ hội giúp các bạn tham gia được rèn luyện kỹ năng và kết nối trực tiếp với các công ty cũng như các chuyên gia trong những lĩnh vực nói trên, nhận chia sẻ từ những người đi trước, từ đó giúp cho vấn đề xin việc làm sau khi tốt nghiệp không còn là nỗi lo.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Chân dung người thầy giáo gốc Việt mở trường trên đất Mỹ: Ước mơ của tôi là giúp người khác thực hiện được ước mơ

600 là con số học sinh thuộc diện yếu kém mà thầy giáo Văn Tấn Hoàng Vỹ đã giúp “đưa đò” đến các trường đại học trong 4 năm tại trường Sam Houston, Texas (Mỹ).

Tại thành phố Houston, tiểu bang Texas (Mỹ) có một ngôi trường tư thục mang tên Van Houston Academy do một thầy giáo gốc Việt làm hiệu trưởng. Đó là thầy Văn Tấn Hoàng Vỹ, người mà phụ huynh và học sinh mến yêu gọi là Mr Van.

Suốt những năm qua, với tinh thần giáo dục bằng yêu thương, thầy giáo quê gốc Khánh Hòa đã giúp rất nhiều học sinh vào được đại học, và còn hơn thế nữa.

Làn gió mới tại ngôi trường miền Tây nước Mỹ

Vào một buổi sáng cuối tháng 8/2008, lớp 11 của trường cấp ba Sam Houston ngoại ô bang Texas, Mỹ đón giáo viên dạy Toán mới. Trong lớp, đám học sinh không ồn ào nói chuyện cũng chẳng bày trò quậy phá. Chúng ngồi uể oải trên ghế, vai thõng xuống và ánh mắt vô hồn nhìn về phía trước. Tất cả đều không quan tâm tới thầy giáo 23 tuổi người Việt Nam vừa bước vào lớp.

Chúng không hề biết rằng thầy giáo trẻ kia vừa tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Toán tại ngôi trường hàng đầu tại Anh, và thay vì làm việc cho những tập đoàn danh tiếng, anh lại chọn nghề dạy học tại thành phố xa xôi của nước Mỹ này.

Thầy giáo Văn Tấn Hoàng Vỹ - từng là cựu học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa. Sau đó nhận học bổng toàn phần học tại Anh từ năm lớp 10. Sau khi tốt nghiệp trong top 3 khoa toán tại ngôi trường danh tiếng hàng đầu vương quốc Anh là Imperial College London, thầy đã sẵn sàng từ chối nhiều nơi làm việc trả lương cao để bắt đầu sự nghiệp bằng nghề dạy học tại Houston ở bang Texas, Mỹ.

Những nỗ lực thay đổi học trò

Năm 2008 là năm đầu tiên phải cải tổ của trường trung học Sam Houston sau 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang Texas xếp ở mức "không thể chấp nhận", mức thấp nhất trên thang xếp hạng tín nhiệm 4 bậc.

Thầy Vỹ tiếp nhận lớp trong một tình hình học tập không để đáng quan ngại hơn. Kết thúc năm học trước đó, chỉ 33% học sinh trong lớp 11 vượt qua được bài kiểm tra Toán chuẩn hóa của bang Texas. Thầy Vỹ nhớ lại, 7 lớp học với gần 200 học sinh thầy tiếp quản năm đó có "không ít em lớp 11 nhưng kiến thức môn toán chỉ như học sinh lớp 6-7".

"Ngay sau tuần đầu tiên, tất cả nội dung giáo trình tôi soạn trong ba tháng hè phải bỏ hết", thầy giáo chia sẻ thêm. Anh quyết định không chạy theo giáo án chung mà xác định mà tự điều chỉnh thời gian, khối lượng và nội dung bài học theo năng lực của học sinh.

Cách làm của thầy giáo trẻ thực sự có kết quả. Vào đầu năm học 2008, nhiều học sinh gặp khó khăn với những phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản, có em không biết tam giác có mấy cạnh hay làm sao để tìm ra bán kính của hình tròn. Đến cuối năm học đó, các em đã có thể dễ dàng giải được những phương trình bậc ba, bậc bốn. Và 100% học sinh do thầy Vỹ kèm cặp vượt qua bài thi cuối cấp, thậm chí còn là nhóm học sinh đạt điểm môn Toán cao nhất của trường.

Không chỉ trò chuyện, thấu hiểu hoàn cảnh học sinh, thầy Vỹ còn luôn nghĩ ra cách dạy sáng tạo, trực quan sinh động nhất có thể để biến những kiến thức của môn Toán khô khan thành những tiết học sinh động, dễ hiểu.

Năm nào, vào ngày khai giảng, thầy Vỹ cũng yêu cầu học sinh viết ước mơ của mình lên một tấm bảng. Những ước mơ sẽ treo ở đó suốt cả năm học để các em không quên dù đó là mơ ước trở thành bác sĩ hay mơ ước kiếm đủ tiền nuôi mẹ.

Thầy Vỹ còn thường xuyên đi rửa xe ôtô cùng cả lớp vào cuối tuần, rồi dùng số tiền kiếm được tổ chức các chuyến tham quan một số trường đại học danh tiếng trong bang, để các em có một ngày trải nghiệm không khí học tập và nghiên cứu ở bậc đại học, từ đó nuôi dưỡng khát khao tiếp tục học lên cao.

Nơi tình yêu thương nâng cánh những ước mơ xanh

Sau 4 năm ở trường Sam Houston với chức vụ trưởng bộ môn Toán, phụ trách hơn 30 giáo viên, thầy Văn Tấn Hoàng Vỹ học tiếp cao học và tốt nghiệp đại học Stanford với bằng thạc sĩ giáo dục loại xuất sắc. Có thêm kiến thức, phương pháp sư phạm, kinh nghiệm thành lập tổ chức trường, thầy Hoàng Vỹ khi đó 32 tuổi nảy sinh ý định mở một ngôi trường riêng - Van Houston Academy. Trước mắt, trường thực hiện theo mô hình “After shool”, nghĩa là nhận đưa đón học sinh và dạy kèm kiến thức ngoài giờ học chính khóa ở trường. Mô hình Trường Van Houston với khoảng 300 học sinh từ lớp 1 đến 12 đã được áp dụng tại nhiều nơi ở Mỹ.

Sau 4 năm thực hiện mô hình “After school” như vậy, người thầy giáo quê Khánh Hòa quyết định mở rộng mô hình thành dạy cả ngày - “Private school” để thực hiện thêm nhiều ấp ủ và tâm huyết của mình: mở hẳn một ngôi trường dành riêng cho con em người Việt trên đất Mỹ, để giúp các em được phát triển trong một môi trường giáo dục tốt. Trường Van Houston Academy đã được tổ chức kiểm duyệt quốc tế Cognia chứng nhận, và học sinh tốt nghiệp cấp 3 (trung học) của Van Houston Academy được công nhận trên toàn thế giới.

Tính đến nay, với kinh nghiệm trên 10 năm giảng dạy và quản lý, thầy Vỹ cùng đội ngũ giáo viên trường Van Houston Academy đang từng bước tạo dựng được môi trường học tập lí tưởng, bổ ích - nơi mà mỗi ngày đến trường đều là niềm vui đối với các em học sinh từ lớp 1-12.

Mặc dù, Van Houston Academy không thể mang triết lý giáo dục về Việt Nam, nhưng với việc trường được cấp I-20 (giấy chứng nhận tình trạng học sinh, sinh viên đủ điều kiện du học Mỹ), những học sinh ở Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội theo học tại trường.

Học đi đôi với hành, học là niềm vui, không học vẹt, không áp lực điểm số là phương châm giáo dục tại trường Van Houston. Ở đây, các thầy cô luôn cụ thể hóa những kiến thức sách vở khô khan bằng các mô hình ứng dụng sinh động do chính các em thiết kế.

Thầy Vỹ – hiệu trưởng nhà trường khẳng định rằng cách học tập như vậy không chỉ tạo hứng khởi mà giúp các em hiểu bản chất vấn đề và phát triển khả năng sáng tạo tư duy nhạy bén của từng em. Một khi tạo ra sự hứng thú, các em sẽ sẵn sàng chia sẻ và coi trường là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Làm việc bằng nhiệt huyết, nghị lực và trên hết là tình yêu thương học sinh, chàng trai trẻ gốc Việt ngày nào đặt trên đất Mỹ đã gặt hái được những thành công lớn lao trong sự nghiệp trồng người, giúp được những người cần giúp và đóng góp phần nhỏ bé cho cộng đồng người Việt sinh sống tại Mỹ.

Thầy giáo Văn Tấn Hoàng Vỹ và ngôi trường Van Houston Academy thực sự xứng đáng là nơi mà các phụ huynh trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở thành phố Houston nên tin tưởng, gửi gắm con em mình, bởi ở đó, các em sẽ được dạy dỗ bằng cả trái tim.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang