Người Việt hải ngoại: Biểu tình ở Ba Lan; Phụ nữ đoàn kết ở Nga; Nữ GS vào Viện hàn lâm Mỹ; Bông hoa ẩm thực ở Dubai

Kiều dân lên kế hoạch biểu tình phản đối Đại sứ quán Việt Nam lạm thu ở Ba Lan

(Ảnh minh họa).

Các kiều dân Việt Nam được nhà chức trách thủ đô Warsaw của Ba Lan chấp thuận cho thực hiện kế hoạch biểu tình trước tòa đại sứ của Việt Nam vào chiều Chủ Nhật 12/3 tới, bà Mạc Việt Hồng, một nhà báo kỳ cựu người Việt có nhiều ảnh hưởng ở Ba Lan và trên mạng xã hội, cho VOA biết.

Bà Hồng nói thêm rằng cuộc biểu tình có mục đích chống tình trạng lạm thu phí lãnh sự do các cán bộ của tòa đại sứ thực hiện lâu nay, gây nhiều bất bình cho kiều dân.

Ý định thực hiện biểu tình nảy sinh sau khi ông Nguyễn Thiện Dương, một kiều dân, đăng hai bài viết dài trong một diễn đàn trên mạng của cộng đồng người Việt ở Ba Lan vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 cho hay ông bị nhân viên tòa đại sứ Việt Nam ở Ba Lan hạch sách, gây khó dễ khi làm giấy khai sinh và hộ chiếu cho con, rốt cuộc ông phải làm thủ tục qua con đường không chính thức với chi phí lớn hơn nhiều so với mức luật định.

“Cuộc biểu tình này không có ban tổ chức, tôi chỉ là điều phối viên”, bà Hồng nói với VOA. Hiện nay, bà và những người sẽ tham gia biểu tình đang thảo luận để chốt lại các nội dung cụ thể của cuộc biểu tình sắp diễn ra, theo đó sẽ đi theo tiêu chí “ôn hòa, lịch thiệp, không chửi bới, không đả đảo”.

Dự kiến tại cuộc biểu tình, sẽ có phần giao lưu với ông Nguyễn Thiện Dương và với ông Hoàng Hùng thuộc diễn đàn Tôi và Sứ Quán có đông đảo người theo dõi vì chuyên phanh phui, bàn luận về các sai phạm, khiếm khuyết của các tòa đại sứ Việt Nam ở các nước trên thế giới.

Nhân dịp này, hàng trăm kiều dân Việt đăng ký với nhóm điều phối là họ sẽ chia sẻ “trải nghiệm” của họ trong việc xin hộ chiếu, giấy kết hôn, khai sinh, ủy quyền, v.v…, bà Hồng cho biết.

Vẫn nữ điều phối viên này nói thêm với VOA rằng càng gần đến ngày diễn ra biểu tình, phía tòa đại sứ Việt Nam càng ráo riết với các hoạt động “đối phó” như tổ chức đối thoại giữa cộng đồng kiều dân với đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam vào hôm 11/3, chỉ 1 ngày trước cuộc biểu tình dự kiến, bên cạnh đó là những nỗ lực nhắm đến bà Hồng và các điều phối viên mà bà gọi là “năn nỉ”, “mua chuộc”.

Cuộc biểu tình sẽ được tường thuật qua hình thức livestream trong diễn đàn của người Việt ở Ba Lan (gọi tắt là UWAGA) cũng như qua trang Facebook cá nhân của bà Hồng.

Thông qua VOA, bà Hồng đưa ra thông điệp rằng mọi người không nên e sợ về việc biểu tình. “Người đang lo sợ là Đại sứ quán Việt Nam chứ không phải chúng ta. Chúng ta làm việc chính nghĩa, công khai minh bạch, không có gì khuất tất cả. Chính bà con đang góp phần giúp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trong sạch bộ máy nhà nước, xây dựng đất nước tươi đẹp hơn”, bà nói.

VOA cố gắng liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam ở Ba Lan để tìm hiểu phản ứng chính thức của họ về cuộc biểu tình tiềm tàng, nhưng không kết nối được.

(Nguồn: VOA)

Phụ nữ Việt xây dựng khối đại đoàn kết ở xứ sở bạch dương

Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã phối hợp với Hội phụ nữ cộng đồng người Việt Nam tại Moscow tổ chức lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ, nhằm tôn vinh vai trò của nữ giới.

Tham dự sự kiện được tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Nga có Đại sứ Đặng Minh Khôi, các cán bộ Đại sứ quán, đại diện Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moscow (Incentra), các hội đoàn, hội đồng hương Việt Nam, cùng đông đảo chị em phụ nữ là nhân viên, phu nhân của cán bộ Đại sứ quán và các chị em phụ nữ cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ rất xúc động và dành những lời chúc tốt đẹp nhất tới các mẹ, các chị em phụ nữ Việt Nam tại Nga.

Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh đến sự đóng góp quan trọng của phụ nữ ở bất kỳ vị trí, vai trò nào và nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng nhấn mạnh sự tần tảo, cần cù của phụ nữ Việt Nam, làm ăn, sinh sống tại Liên Xô trước kia và Nga hiện nay, nhờ thế đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước như ngày nay.

Đặc biệt mới đây, chị em phụ nữ Việt Nam ở Moscow và các khu vực khác tại Nga đã chung tay góp phần đưa an toàn những người Việt Nam bị kẹt trong xung đột ở miền Đông Ukraine về nước qua ngả Nga, cũng như tham gia các hoạt động từ thiện hay hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định Đại sứ quán luôn gắn bó chặt chẽ và mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại Nga ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hướng đất nước.

Đại sứ quán cũng mong muốn các mẹ, các chị em Việt Nam tại Nga tiếp tục giáo dục các thế hệ tiếp theo để các cháu có thể hiểu về Việt Nam và biết tiếng Việt.

Về phần mình, bà Phạm Thị Oanh, Chủ tịch Hội phụ nữ cộng đồng người Việt Nam tại Moscow đã gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, nhiều niềm vui đến tất cả chị em phụ nữ tham dự sự kiện.

Buổi lễ là cuộc gặp mặt tuyệt vời để phụ nữ có thể tập hợp, cùng nhau chia sẻ tình yêu thương, cái đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng người Việt Nam ở xứ sở bạch dương.

Bà Phạm Thị Oanh bày tỏ tin tưởng với sự hỗ trợ kịp thời của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Hội phụ nữ Việt Nam tại Moscow sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, có những đóng góp tích cực cho cộng đồng người Việt cũng như cho quê nhà.

Chương trình ca nhạc trong buổi lễ gồm nhiều bài ca trữ tình ca ngợi phụ nữ, ca ngợi người mẹ do các ca sĩ cộng đồng, nghiên cứu sinh nhạc viện thể hiện.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Nữ GS gốc Việt vào Viện hàn lâm Mỹ: Phụ nữ làm khoa học lợi thế hơn nam giới

(Ảnh minh họa).

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho rằng, phụ nữ làm khoa học nhiều lợi thế nên hãy không ngừng nỗ lực cho những đam mê và thực hiện thật tốt việc nghiên cứu.

Viết tiếp ước mơ của mẹ

"Tôi chưa từng dám mơ ước hay tưởng tượng được trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm kỹ thuật quốc gia Mỹ (NAE)", giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ tại Đại học California, Santa Barbara, Mỹ nói.

Viện hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia - một trong cơ sở nghiên cứu danh giá nhất thế giới. Giáo sư Quyên được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực năng lượng. Nữ giáo sư gốc Việt có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng khoa học thế giới. Bà cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.

Người phụ nữ gốc Đắk Lắk hạnh phúc sau nhiều năm theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Sự cống hiến không ngừng nghỉ ấy được các nhà khoa học lớn và cộng đồng quốc tế công nhận.

Trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm Mỹ là dấu mốc lớn trong sự nghiệp của giáo sư Thục Quyên khi bước sang tuổi 53. Ít ai biết, để đến được thành công này, chị đã vượt qua vô vàn thử thách và khó khăn.

Năm 1991, chị cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ định cư với ước muốn duy nhất - theo đuổi cuộc sống tốt đẹp hơn, được tới trường học tập. Không biết tiếng Anh, không bạn bè, thứ vốn liếng duy nhất chị có khi ấy là lòng quyết tâm và gia đình.

Trải qua tuổi thơ khó khăn, không có điện, cô bé Quyên ngày ấy xác định mục tiêu theo đuổi nghiên cứu về năng lượng mặt trời, "làm sao để giúp những vùng khó có điện, ánh sáng chiếu rọi vào buổi tối". Sự quyết tâm ấy thúc đẩy chị thực hiện nghiên cứu thành công tấm pin năng lượng năng lượng mặt trời.

Sau 32 năm đặt chân lên xứ sở cờ hoa, chị trở thành một trong những nhà khoa học nổi tiếng hàng đầu về quang điện tử và năng lượng. "Giấc mơ Mỹ của tôi đã hoàn thành", giáo sư Quyên nói

Không chỉ vậy, được bầu vào Viện hàn lâm Mỹ cũng là niềm vui, món quà bà muốn dành tặng cho người mẹ của mình. "Mẹ tôi luôn khao khát được học cao hơn, nhưng việc kết hôn ở tuổi 18 và phải đi làm để nuôi nấng 5 đứa con khiến giấc mơ đi học thành mây khói. Nên theo một cách nào đó, tôi đang trên đường hiện thực hóa không phải chỉ ước mơ của riêng bản thân, mà còn viết tiếp ước mơ cho mẹ", nữ giáo sư chia sẻ.

Lợi thế phụ nữ làm khoa học

Sau khi trở thành viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Mỹ, cuộc sống và công việc của giáo sư Thục Quyên không nhiều xáo trộn. Hằng ngày, chị vẫn dành phần lớn thời gian nghiên cứu tại phòng lab, giảng dạy sinh viên và giao lưu với chuyên gia, nhà khoa học.

Điều thay đổi lớn nhất chị cảm nhận được là sự hiện diện và danh tiếng tăng đáng kể trong cộng đồng khoa học quốc tế và trong xã hội. Chị đang cố gắng tận dụng điều này để kết nối giữa chính phủ và nhà nghiên cứu, tìm kiếm cách giúp đỡ các nhà khoa học Việt, đặc biệt là nữ giới với các nhà khoa học trên thế giới.

Từ khi thành lập đến nay, Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ có rất ít phụ nữ được kết nạp trở thành viện sĩ. Năm nay cũng vậy, tỷ lệ phụ nữ được kết nạp chưa đến ¼ tổng số thành viên mới (24 nữ giới/124 thành viên). Đây là một trong những điều chị trăn trở và hy vọng sẽ có thêm nhiều phụ nữ được bầu chọn vào NAE trong tương lai gần.

Chị nói, phụ nữ làm khoa học không yếu thế hơn nam giới, chỉ cần phụ nữ luôn nỗ lực cho những đam mê và cố gắng thực hiện thật tốt việc nghiên cứu khoa học. Phụ nữ không nên ngại ngần khi cần sự giúp đỡ, hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài. Phụ nữ hãy cứ liên lạc với họ và họ sẽ tương tác. Bản thân chị cũng mong giúp thêm nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam hơn nữa.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên hiện là đồng chủ tịch Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture. Chị nằm trong top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.

Chị được giới khoa học chú ý nhờ những đóng góp xuất sắc trong hướng nghiên cứu khoa học vật liệu và các ứng dụng trong y sinh. Các nghiên cứu của chị xoay quanh tính chất điện tử của Polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị .

Ước mơ lớn nhất của giáo sư Quyên hiện nay là giúp Việt Nam xây dựng hạ tầng tốt hơn phục vụ nghiên cứu - các phòng thí nghiệm tối tân trải dài từ Bắc vào Nam sẽ được hình thành. Bởi bà tin rằng, điều sẽ giúp đỡ thúc đẩy nền khoa học Việt Nam tiến gần đến với thế giới.

Giáo sư Quyên nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ của Văn phòng nghiên cứu Hải quân (2005), giải thưởng quỹ Khoa học quốc gia Career (2006), giải thưởng Harold Plous (2007).

Năm 2008, chị nhận giải thưởng học giả - giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), nghiên cứu viên đổi mới và năng lực cạnh tranh Hoa kỳ của Quỹ khoa học quốc gia (2010), giải thưởng Nghiên cứu cao cấp Alexander Von Humboldt (2015), nghiên cứu viên của hiệp hội hóa học hoàng gia (2016).

Chị được bình chọn là trí tuệ khoa học mang tầm ảnh hưởng nhất thế giới 5 năm liên tiếp 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019.

(Nguồn: CafeF)

Bông hoa Việt đầy bản lĩnh trong thế giới ẩm thực Dubai

Ngày 1/3, tạp chí Caterer Middle East vinh danh 23 phụ nữ quyền lực nhất khu vực Trung Đông năm 2023. LiLy Hoa Nguyễn là một trong số những tấm gương được vinh danh đó. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, người phụ nữ này đã phát triển một chuỗi năm nhà hàng với tên gọi Vietnamese Foodies tại Dubai.

Đưa món Việt đến nơi xa hoa bậc nhất thế giới

LiLy Hoa Nguyễn đến Dubai từ năm 2016, hai năm sau đó, cô khai trương nhà hàng đầu tiên Vietnamese Foodies tại Jumeirah Lakes Towers (Dubai). Vietnamese Foodies ra đời cùng với ước mơ của Lily là một ngày nào đó những món ăn của người Việt như phở, bánh mì sẽ hiện diện khắp mọi nơi ở đất nước xa hoa này.

Chưa đầy 5 năm sau, cô chủ nhỏ Lily đã chứng minh cho mọi người thấy cô không hề ước mơ suông mà vẫn luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu và khát vọng của mình. Đến nay, Vietnamese Foodies đã có 5 chi nhánh tại Dubai gồm: Jumeirah Lakes Towers, Burj Vista, Downtown Dubai, Time Out Market Dubai, Nakheel Mall và Dubai Hills Mall.

Thực đơn của Vietnamese Foodies lấy cảm hứng từ sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam. Tất cả các món ăn được chế biến một cách công phu bằng những nguyên liệu tươi ngon nhất.

LiLy cho biết: “Chúng tôi làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng chúng tôi cung cấp những món ăn ngon và tốt cho sức khỏe khách hàng. Đồng thời kích thích họ bằng những ưu đãi mới”.

Con người là tài sản quý giá nhất

Không chỉ là đầu bếp giỏi, cô còn là một nhà quản lý tinh tế, luôn đề cao vai trò con người, và luôn xem những người làm việc cùng mình là bạn đồng hành thân quý: “Đối với tôi, con người là tài sản quý giá nhất của Vietnamese Foodies. Họ là người mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh so với nhiều doanh nghiệp khác trong cùng phân khúc thị trường”.

Cô hạnh phúc khi nhìn thấy nhân viên xem Foodies như một phần cuộc sống của họ. Tất cả phấn đấu vì mục tiêu chung: món ăn ngon, chất lượng phục vụ tốt, hướng tới việc mở rộng quy mô kinh doanh.

Cô cho biết mình không dùng quyền lực để sai khiến nhân viên vì cách làm đó không hiệu quả. Thay vào đó cô tìm cách truyền cảm hứng cho họ phấn đấu theo đuổi mục tiêu cụ thể.

Nhờ vậy, gần như mỗi năm, Vietnamese Foodies lại có thêm một chi nhánh mới. Bản thân Lily cũng được tạp chí Caterer Middle East vinh danh là một trong 23 phụ nữ quyền lực nhất khu vực Trung Đông năm 2023. Dù vậy khi nói về sự phát triển của nhà hàng mình sáng lập, cô ít khi tự hào về bản thân mình, mà luôn xem đó như là thành quả của tập thể, như lời cô chia sẻ: “Cá nhân tôi vô cùng hài lòng khi thấy đội ngũ của mình thực sự phát triển và đã làm tốt vai trò quảng bá ẩm thực Việt Nam với bạn bè thế giới”.

Hiện tại, cô có 120 nhân viên ở 5 chi nhánh. Cô giữ chân nhân viên bằng sự đảm bảo thu nhập và chăm lo quyền lợi chính đáng của họ. Trong nhà hàng của cô, nữ và nam phụ trách các vị trí giám sát và trưởng nhóm là ngang nhau. Tất cả được trả lương ngang bằng nhau tùy vào chất lượng công việc. Mỗi năm vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, cô luôn vui vẻ lì xì cho nhân viên và cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ rằng với số tiền nhận được, họ có thể giúp đỡ người thân đất nước của họ.

Truyền cảm hứng thành công cho chị em

Lily là con gái thứ hai trong gia đình có 4 chị em tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cô bắt đầu phụ việc bếp núc với gia đình từ lúc 5 tuổi. Nhà cô đông người, mỗi người đều có việc riêng bận rộn, nên việc nội trợ thường được phân chia và san sẻ cho nhau. Lily nấu ăn ngon nên thường được phân đứng bếp. Tuy nhiên, khi sống cùng gia đình ở Việt Nam, Lily chỉ nấu ăn như một sở thích cá nhân.

Bước ngoặt cuộc đời của cô bắt đầu khi cô kết hôn với người chồng Thổ Nhĩ Kỳ và theo chồng về nơi đất khách. Bạn bè và gia đình chồng rất thích thú với những món ăn Việt cô nấu. Họ tò mò muốn biết công thức nên đề nghị cô mở lớp dạy nấu ăn. Lớp dạy nấu ăn của cô và một người bạn tên Miele ra đời và ngày càng tạo được tiếng vang.

Khi sang Dubai, ban đầu cô vẫn tiếp tục dạy nấu ăn, và sau đó cô nhận ra rằng với những kỹ năng mình đang có, cô có thể làm nhiều hơn thế. Đó là lý do cô mở nhà hàng và trở thành đầu bếp chuyên nghiệp hơn.

Là người sáng lập thương hiệu ẩm thực Việt trong một ngành công nghiệp chủ yếu do nam giới thống trị, cô nói đôi khi mình cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là ở một đất nước Trung Đông như Dubai, thành kiến về giới và chủng tộc không phải là chuyện lạ, nhưng cô không để những điều đó cản trở bước chân mình, mà luôn bền bỉ phấn đấu nỗ lực để vượt qua thách thức tạo chỗ đứng và thương hiệu cho mình.

Trước sự chênh lệch lớn về tỷ lệ phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong ngành nhà hàng, khách sạn, cô hy vọng câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho các chị em.

(Nguồn: Thời Đại)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang