Người Việt hải ngoại: Bánh chưng gắn kết nguồn cội; Cầu nối cộng đồng tại Ý; Đi chợ ở Philippines; Phở ở Hong Kong

Bánh chưng gắn kết người Việt xa xứ với quê hương, nguồn cội

Nhiều lần được thưởng thức hương vị bánh chưng, bánh tét nhưng Emily Diễm Trần và nhiều kiều bào trẻ chưa biết đến nguồn gốc, ý nghĩa và sự liên hệ giữa chúng. Khi biết được nguồn gốc và ý nghĩa của hai loại bánh này, cô mới thấy được sự gắn kết với quê hương, nguồn cội.

Emily Diễm Trần là thành viên Ban tổ chức Viet Vote San Diego, một nhóm người Việt trẻ trong cộng đồng San Diego.

Trong nỗ lực nâng cao tiếng nói và sự hiện diện của một số cộng đồng gốc Á ở Mỹ, Ban tổ chức Viet Vote San Diego đã tổ chức chương trình “Chia sẻ nguồn cội - chữa lành cộng đồng Mỹ gốc Á qua những câu chuyện” vào sáng thứ Hai hàng tuần, tại bảo tàng quốc tế Mingei, thành phố San Diego. Chương trình gồm những video chia sẻ những câu chuyện về bản sắc, văn hóa dân gian, các món ăn và thảo luận nhóm. Từ chương trình, Emily Diễm Trần biết được nguồn gốc, ý nghĩa của chiếc bánh chưng.

Theo lời kể của Emily Diễm Trần, gia đình cô thường gói bánh vào dịp Tết. Mẹ thường bảo hai chị em Emily Diễm Trần phụ bà trong các công đoạn chuẩn bị như: rửa lá, cắt lá, ngâm gạo nếp…

Emily Diễm Trần cũng không biết bánh tét là phiên bản khác của bánh chưng. Khi tham gia chương trình, cô mới biết có một vị vua đã biến tấu hình vuông của bánh chưng thành hình trụ của bánh Tét để thuận tiện trong việc di chuyển và bảo quản trong chiến tranh. Câu chuyện này rất thú vị đối với cô.

Cũng như Emily Diễm Trần, Giao Châu (Toronto, Canada) không biết sự liên hệ giữa bánh chưng và bánh tét và ý nghĩa của chúng.

Trong bài viết “Đón Tết Nguyên đán với bánh tét có thể gắn kết chúng ta với cội nguồn Việt Nam như thế nào” đăng trên CBC Life, Giao Châu kể, khi còn ở Việt Nam, năm nào cô cũng ăn bánh chưng. Khi sang Canada, một người bạn tặng tôi cặp bánh tét vào dịp Tết.

"Ở nơi cách Việt Nam hàng ngàn dặm, lần đầu tiên qua bạn bè và tài liệu nghiên cứu của nhà nhân học văn hóa Singapore Nir Avieli, tôi mới biết bánh tét là biến thể của bánh chưng. Bánh chưng vào miền Nam được thay đổi hình dáng và tên gọi. Tên gọi của bánh tét xuất phát từ việc người ta dùng sợi dây cột bánh khi gói để tét bánh thành từng lát trước khi ăn mà không cần dùng dao. Cùng với bánh chưng, bánh tét cũng đã góp phần làm nên linh hồn của Tết Việt, chiếc bánh trở thành một tác phẩm ẩm thực gợi nhắc về di sản Việt Nam", cô nói.

Theo Emily Diễm Trần, qua các món ăn truyền thống, thế hệ trẻ có cái nhìn trực quan về bản sắc và văn hóa dân gian. Sự tiếp biến, trao đổi văn hóa cũng mang cộng đồng xích lại gần nhau.

Cô cũng tin tưởng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để lưu truyền những câu chuyện truyền miệng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Trong mỗi video, có phụ đề bằng tiếng mẹ đẻ của người nói để đề cao bản sắc văn hóa ngôn ngữ của họ. Sự chia sẻ này không chỉ dạy cho thế hệ trẻ biết về văn hóa, mà còn tạo không gian cho các thế hệ trước chia sẻ kinh nghiệm sống, sự hiểu biết của họ. Sự chia sẻ và kết nối cũng tạo cơ hội cho các thế hệ trẻ đồng cảm, học hỏi lẫn nhau cho dù đó là trong cộng đồng mình hay với các cộng đồng và nền văn hóa khác.

Theo nhà nhân học văn hóa Nir Avieli, bánh chưng và bánh tét là biểu trưng của nền văn hóa trồng lúa nước Việt Nam. Đó là sự thu nhỏ không gian sống cổ xưa của người Việt, như cách những cánh đồng lúa ở nông thôn bao quanh những ngôi nhà, chuồng trại và những khu vườn. Không cần phải đi xa, gần như những người dân ở nông thôn Việt Nam có thể dễ dàng tìm được những nguyên liệu gói bánh chưng xung quanh ngôi nhà mình.

Khi xã hội phát triển và lối sống thay đổi, mối liên hệ nông nghiệp của bánh chưng có lẽ ít rõ ràng hơn, nhưng bánh chưng đã trở thành là một phần của truyền thống, thách thức cả thời gian và địa lý. Dù ở Mỹ, nhưng mỗi dịp lễ tết, người Việt đều có bánh chưng hoặc bánh tét dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về quê cha đất Tổ.

(Nguồn: Việt Báo)

Cầu nối cộng đồng người Việt tại Italy với quê hương

Những người con đất Việt, dù đang sống xa quê nhưng luôn đau đáu về quê hương. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, báo Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam đã trở thành trang thông tin đáng tin cậy của những người Việt Nam đang sống tại Italy.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Vũ Văn Dũng đang sống tại thủ đô Rome nói rằng báo Tin tức là một trong những người bạn tâm tình, đồng hành với anh trong suốt quãng thời gian rất dài ở nước ngoài.

Ngoài thời gian dành cho công việc hàng ngày, anh thường xuyên theo dõi các thông tin tình hình trong nước, tình hình thế giới trên báo, đặc biệt là những vấn đề nóng bỏng của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19 và chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội phát triển kinh tế giáo dục.

Anh Dũng nói: “Khi còn ở Việt Nam tôi đã theo dõi các báo của Thông tấn xã Việt Nam, nhất là báo Tin tức từ thời báo còn là “Tuần Tin tức” và “Tin tức buổi chiều”, với các bản tin chiều cập nhật rất nhiều vấn đề mới và nóng bỏng. Và trang báo điện tử baotintuc.vn hiện nay cũng vậy, khi ở nước ngoài, trang baotintuc.vn luôn cung cấp cho tôi, cũng như kiều bào xa tổ quốc những thông tin rất thiết thực, giúp cho tôi và kiều bào hiểu được tình hình Việt Nam, cũng như quan hệ của Việt Nam với các nước một cách cặn kẽ, đặc biệt là thông tin được cập nhật rất nhanh, gần như tức thời. Điều này đã giúp xóa nhòa khoảng cách giữa bà con ở nước ngoài với Việt Nam, giúp tôi cũng như những bà con xa xứ cảm thấy giống như đang ở Việt Nam”.

Theo anh Dũng, trong thời gian tới, Báo Tin tức có thể chú trọng hơn nữa đối với mảng báo giấy trong nước bởi đối với người lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ sẽ không tốt như những người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, mảng báo giấy sẽ có thể được lưu trữ lại giống như một gia tài về tri thức.

Còn chị Nguyễn Thị Bảo Ngọc, sinh sống và làm việc ở Rome được 9 năm, cho hay trong thời gian tại Italy, chị thường xuyên theo dõi tin tức Việt Nam và tình hình thế giới thông qua các kênh chính thống. Một trong những trang báo điện tử đáng tin cậy mà chị thường xuyên truy cập là baotintuc.vn của Thông tấn xã Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Ngọc nói: “Các thông tin trên trang điện tử của Báo Tin tức thường xuyên được cập nhật nhanh chóng, chính xác và có giao diện dễ đọc. Không chỉ các thông tin về tình hình Việt Nam và thế giới, trang baotintuc.vn của Thông tấn xã Việt Nam cũng đã cập nhật và truyền tải nhanh chóng thông tin về các hoạt động của Cộng đồng người Việt tại nước ngoài, trong đó có Cộng đồng người Việt tại Rome. Chính vì vậy, baotintuc.vn giống như một cầu nối giữa cộng đồng người Việt tại Italy với bà con tại quê hương”.

Chị Ngọc khẳng định trang baotintuc.vn sẽ đồng hành cùng chị để theo dõi thông tin trên thế giới cũng như tình hình Việt Nam. Bên cạnh đó, chị Ngọc mong rằng báo sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình trong thời gian tới.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Anh chàng người Việt ở Philippines kể chuyện đi chợ bản địa: Đến một lần mê luôn từ đó, giá cả thì "khỏi phải bàn"

Chợ truyền thống ở quốc gia nào cũng có nhưng hãy xem sự khác biệt giữa chợ ở Philippines và Việt Nam qua sự dẫn dắt của một anh chàng người Việt nhé!

Đất nước Philippines luôn thu hút đông khách du lịch ghé thăm với những hòn đảo thiên đường cùng những thành phố cổ giàu văn hóa.

Du lịch Philippines không quá nổi tiếng với các trung tâm thương mại sang trọng, cũng không phải là thiên đường shopping nhưng những khu chợ truyền thống lại được du khách để ý đến. Bởi đây là đất nước nhiệt đới gió mùa, thiên nhiên còn ban tặng cho quốc đảo này những loại trái cây, rau củ quả phong phú, đa dạng. Thưởng thức trái cây, rau củ quả tươi mới ở chợ truyền thống thì không còn gì bằng.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống người bản địa, hay muốn tận mắt thấy những cảnh xanh tươi đã mắt của các loại rau trái thì có thể “chen ngang” một vài ngôi chợ truyền thống. Chẳng hạn như chợ Cartima, nằm ở thành phố Pasay.

Trên kênh TikTok @songxanhjack (Jack Sóng Xanh), một bạn nam người Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị về khu chợ này. Đó là trải nghiệm của anh chàng sau 4 năm ở Philippines.

Trong video, Jack cho biết: "Ngày hôm nay mình sẽ đưa các bạn đến tham quan một khu chợ gọi là chợ bản địa mà đồ ăn, đồ uống, hoa quả mình thấy giá cực kỳ rẻ. Tên của khu chợ này là Cartima, nằm ở thành phố Pasay (Philippines).

Trước đây, khi mình mới sang Philippines vào năm 2019 thì mình thường xuyên đi siêu thị để mua đồ ăn. Khi đó là mình còn chưa biết đến những khu chợ bản địa này, và thực tế là cũng chẳng dám đi".

Vậy nên, khi phát hiện ra khu chợ này và đi mua đồ ăn ở đây thì anh chàng mới nhận ra sự chênh lệch giá cả giữa siêu thị và chợ truyền thống ở đây là cực kỳ lớn.

Jack cũng rất để ý nên có thể đưa ra ví dụ so sánh rõ ràng: "Chẳng hạn, ở những siêu thị mình hay đi, giá 1 kg cá hồi cực kỳ đắt, dao động 850 - 900 peso (tương đương 359.000 -380.000 VNĐ). Nhưng ở chợ này người ta bán có 600 peso/kg (tương đương 253.000 VNĐ) thôi, mà lại vô cùng tươi.

Ngoài ra, tôm ở đây cũng rất rẻ. Mình thấy tôm ở đây bán có 400 peso/kg (169.000 VNĐ) mà ở siêu thị lên tới 800 peso, chênh lệch hẳn một nửa".

"Đặc biệt, ở khu chợ này, người ta còn bán cả cá ruội khô, tép khô. Bạn nào mà thấy nhớ mấy món quê nhà thì ra đây mua tép về rang lên, vắt chanh vào ăn với cơm thì ngon tuyệt. Cua, ghẹ ở đây cũng cực kỳ rẻ. Hải sản ở đây cứ gọi là bạt ngàn. Đến nỗi, nếu bạn muốn mua những con tôm nhỏ xíu như tôm sông thì ở đây cũng có luôn. Không thiếu một thứ gì cả. Thậm chí, mình thấy hải sản ở đây còn nhiều hơn ở Việt Nam".

Anh chàng cũng khẳng định: "Các bạn nào thích ăn rau củ quả thì đây đúng là thiên đường rồi. Phải nói là rất đa dạng các loại rau. Nếu muốn mua trứng vịt lộn, mua gà, ngan hay vịt thì ở đây đều có. Mỗi con gà có giá khoảng 550 peso (tương đương 210.000 VNĐ)".

(Nguồn: CafeF)

Phở Việt ở Hong Kong dùng đèn khò làm chín thịt bò gây tranh cãi dữ dội

Đây là một trong những quán phở Việt ở Hong Kong (Trung Quốc) được nữ diễn viên Xa Thi Mạn yêu thích.

Phở được mệnh danh là món ăn "quốc hồn quốc túy" của nền ẩm thực Việt Nam, chinh phục khẩu vị của du khách trên thế giới cũng như nhiều sao quốc tế. Mỗi lần tới Việt Nam, không ít du khách tranh thủ tới những quán phở có tiếng để thỏa mãn niềm đam mê ẩm thực.

Và nhiều quán phở Việt cũng được "xuất ngoại" với mật độ ngày càng dày thêm, có mặt trên khắp thế giới, phục vụ thực khách gần xa.

Tại Hong Kong hiện có không ít những quán phở như thế. Còn với Xa Thi Mạn, nữ diễn viên nổi tiếng của xứ Cảng Thơm, "quán ruột" của cô là "Viet Premium Pho Experience" nằm trên đường Min Fat thuộc khu Happy Valley.

"Phở bò Việt Nam ở đây rất ngon. Mỗi khi đi qua khu Happy Valley, mình đều phải gọi một bát", nữ diễn viên tiết lộ.

Được biết, phở tại đây nấu theo kiểu miền Nam gồm thịt bò tái và chín, bò viên, giò, ăn kèm với giá đỗ, rau húng quế, hành ngò và ớt tươi.

Thịt bò của quán gồm loại bò Wagyu A5 cao cấp của Nhật với giá một bát là 245 HKD (hơn 730.000 đồng). Nếu khách chọn loại phở thường sẽ là loại bò Mỹ Angus Prime giá thấp hơn, khoảng 128 HKD (380.000 đồng).

Với bát phở bò Wagyu, trước khi phục vụ thực khách, đầu bếp sẽ dùng đèn khò làm chín sơ một mặt. Miếng thịt được cắt mỏng, sau khi khò sơ qua bằng lửa, phần mỡ mềm chảy như tan trong miệng. Xa Thi Mạn đã gọi phần ăn này và tỏ ra rất hài lòng với chất lượng.

Ngoài ra, cô còn gọi thêm một số món ăn kèm theo như chả giò rế với một phần 3 chiếc có giá 60 HKD (180.000 đồng), chả tôm viên gồm một phần 2 miếng có giá 50 HKD (150.000 đồng) cùng một phần cà phê sữa được pha phin theo đúng kiểu Việt Nam.

Bên dưới bài đăng của nữ diễn viên thu hút hàng nghìn bình luận của độc giả với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, bò Wagyu tuy giá thành cao, chất lượng thơm ngon, nhưng không phù hợp để ăn phở và cách làm này không đúng chuẩn theo phở Việt.

"Loại bò này có thớ mỡ nhão, dễ tan trong miệng, nên chỉ phù hợp để nướng. Còn phở Việt phải dùng loại bò ta với phần gân nhiều, gầu và nạm chắc mà không ngấy. Khi trần chín thì thịt ngọt, thơm ngậy hơn bò Wagyu", một tài khoản có tên Lavie cho biết.

Cùng chung quan điểm, tài khoản Phat Lee cho rằng: "Phở Việt nên nấu kiểu chuẩn như của người Việt mới đúng hương vị. Còn những kiểu biến tấu sáng tạo thế nào chăng nữa sẽ mất đi vị nguyên bản".

(Nguồn: 2Sao)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang