.jpg)
ÁO DÀI VIỆT TUNG BAY TẠI PARIS
Lễ diễu hành chào đón Tết Nguyên đán mới được tổ chức tại quận 13, thủ đô Paris, Pháp - nơi tập trung nhiều người Châu Á sinh sống và làm việc.
Cộng đồng người Việt tại Pháp, lần đầu tiên xuất hiện một cách chính thức trong tà áo dài Việt Nam và để lại dấu ấn đáng nhớ. Đây cũng là lần đầu tiên, ngày Tết của nhiều cộng đồng châu Á được gọi là Tết Âm lịch thay vì gọi là Tết Trung Hoa trên các phương tiện truyền thông của quận 13, thành phố Paris - nơi tập trung cộng đồng Châu Á mà đa số là người Hoa sinh sống và buôn bán.
Lịch sử của cách gọi này xuất phát bởi lễ giễu hành đón Tết Âm lịch được các doanh nghiệp và hội đoàn người Hoa sinh sống tại Paris khởi xướng tổ chức, trong khi các cộng đồng Châu Á khác tham gia muộn hơn và quy mô nhỏ lẻ. Năm nay, sự xuất hiện của người Việt và tà áo dài trong đoàn diễu hành đã gây sự bất ngờ và hào hứng cho người dân Pháp tham dự lễ hội, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam. Lời Chúc mừng năm mới đã được hô vang bằng tiếng Việt trên đường phố.
Đoàn giễu hành của cộng đồng Việt được tổ chức bởi Hội thân ái Pháp ngữ và một số hội đoàn người Việt tại Paris. Tuy quy mô năm đầu còn hạn chế nhưng đã thay đổi phần nào cái nhìn của cộng đồng Pháp về ngày Tết Nguyên đán của người Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chị Đặng Giang (Ban Tổ chức đoàn diễu hành Việt Nam Tết Âm lịch tại Paris, Pháp) cho biết: "Sau khi Hội thân ái Pháp ngữ có cuộc đối thoại với chương trình lễ hội thì ban tổ chức đã quyết định chuyển tên của chương trình là diễu hành năm mới Âm lịch thay vì là năm mới Trung quốc. Việt Nam chúng ta đã có mặt trong một lễ hội có đông đảo người Pháp để họ hiểu đầy đủ hơn về năm mới Âm lịch là một lễ truyền thống quan trọng của Việt Nam và của các các nước châu Á khác".
Như vậy là cộng đồng Việt tại Pháp lần đầu tiên đã xuất hiện trên bản đồ văn hoá của các cộng đồng châu Á sinh sống tại Pháp trong ngày Tết Nguyên đán, chứng minh cho sự nỗ lực của cộng đồng người Việt, tạo nên một sức lan toả về văn hoá của mình tại Paris, thủ đô nước Pháp.
LAO ĐỘNG VIỆT ĐẠP XE GIỮA TUYẾT RƠI KỶ LỤC ĐỂ ĐI LÀM TẠI NHẬT
Nhiều người Việt Nam sống ở Nhật Bản than trời vì đi làm giữa tuyết rơi dày còn mệt hơn cả công việc. Nhiệt độ giảm xuống dưới 0 độ C khiến cuộc sống của họ xáo trộn.
19h, Thanh Tùng tan làm. Anh ngán ngẩm nhìn chiếc xe đạp bị phủ lớp tuyết dày trong mùa đông khắc nghiệt ở tỉnh Ishikawa, miền Trung Nhật Bản. Đường về nhà chỉ dài hơn 1 km nhưng với chàng trai 24 tuổi lúc này như kéo dài gấp 10 lần. Tuyết phủ trắng xóa mặt đường, có nơi dày hơn 1 m làm xe đạp khó lòng vượt qua.
Mệt mỏi sau ngày làm việc ở công ty cơ khí, tay chân lạnh buốt vì nhiệt độ không lúc nào trên 2 chữ số, Tùng lôi xe về nhà thay vì leo lên chạy. Công việc của anh có mức lương 100.000 yen/tháng (17 triệu đồng) và buộc phải ra đường dù tuyết có rơi dày hơn đi chăng nữa.
“Những ngày mùa đông này, đi từ nhà đến công ty còn vất vả hơn làm việc. Tôi chỉ ở nhà nếu có bão tuyết quá lớn”, chàng trai chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Nhật Bản vừa trải qua cơn bão tuyết kỷ lục vào đầu tháng 2. Tuyết rơi dày đặc, phủ kín đường phố, xe cộ... gây đảo lộn sinh hoạt. Cuộc sống của nhiều người Việt Nam đang làm việc tại xứ sở hoa anh đào cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
“Tuyết rơi khổ, tuyết hết rơi càng khổ”
Thanh Tùng (24 tuổi) hiện làm thực tập sinh trong công ty cơ khí ở Nhật Bản. Bình thường, chàng trai đạp xe đến công ty mất khoảng 10 phút. Song, tuyết rơi kỷ lục làm anh mất thời gian hơn hẳn.
Tùng kể anh phải dùng sức gấp 3-4 lần bình thường để chiếc xe đạp lăn bánh trên nền tuyết. Tay chân luôn nứt nẻ, tê buốt vì lạnh. Tầm nhìn giới hạn giữa trời đông làm đường đi càng thêm gian nan.
Sang Nhật hơn một năm, Tùng cũng chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với bão tuyết. Anh và nhóm bạn chỉ mua lương thực đủ ăn trong một tuần mà quên nghĩ đến cảnh không thể ra ngoài giữa cơn bão. Hết đồ ăn, cả nhóm phải ăn mì gói nhiều ngày.
Điều làm Tùng sợ nhất trong cơn bão không phải hết thức ăn hay mất điện mà là không thể đi làm. “Lương 10 man (100.000 yen) mỗi tháng, chỉ đủ ăn ở. Không được đi làm thì không biết lấy gì sống”, anh tâm sự.
Hai ngày gần đây, tuyết rơi ít hơn ở Ishikawa. Tùng cứ nghĩ mọi việc sẽ tốt hơn. Song, nhiệt độ ngày càng lạnh mang đến vấn đề mới.
“Ngay lúc này nhiệt độ là 7 độ C, đến sáng sớm có khi còn âm 2 độ. Trời lạnh làm tôi bệnh liên tục, xổ mũi không khi nào dứt, tay chân thì nứt nẻ. Tuyết rơi khổ, tuyết hết rơi còn khổ hơn”, anh chia sẻ hôm 12/2.
Đi ôtô cũng không yên
Chiếc ôtô lún sâu trong lớp tuyết dày hơn 50 cm. Trả xe về số thấp rồi đạp ga thật mạnh, Huỳnh Ngân, phiên dịch viên ở tỉnh Yamagata (miền Bắc Nhật Bản), vẫn không thể điều khiển xe nhích lên. Lớp tuyết nén chặt dưới bánh khiến mọi nỗ lực của cô trở nên vô nghĩa.
Nhìn ra đường chỉ thấy một màu trắng xóa, Ngân bắt đầu hoảng loạn. Nếu không có gì thay đổi, cô phải gọi cứu hộ và dành thêm vài tiếng chờ hỗ trợ giữa trời lạnh cắt da cắt thịt.
Sống ở xứ sở hoa anh đào hơn 8 năm, đây là lần đầu tiên Ngân lâm vào cảnh khó khăn thế này.
“Lúc đó vừa lo vừa sợ hãi, không biết cứu hộ có thể tìm thấy mình không. May là lúc sau cũng có người đến giúp đẩy xe ra khỏi hố tuyết”, cô thở phào, kể lại.
Ngân nói thêm tuyết rơi ở khu vực mình sinh sống từ ngày 4/2 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Những ngày này, cô phải thức sớm đến cả tiếng để đi làm và đề phòng rủi ro trên đường.
Giống như Huỳnh Ngân, Thanh Nguyên, viên chức ở tỉnh Hokkaido (miền Bắc Nhật Bản), lần đầu gặp trận bão tuyết lớn như năm nay.
Gần đây, mỗi lần đi làm, Nguyên phải nhờ chủ nhà dùng máy xúc tuyết mini để dọn đường ra đến ôtô. Lớp tuyết dày hơn 50 cm làm cô phải thức sớm hơn 2 tiếng để đi làm.
“Làn đường bị thu hẹp do tuyết chất thành từng đống, tôi không thể lái xe với tốc độ bình thường. Mặt đất cũng đóng băng nên rất trơn trượt và dễ xảy ra tai nạn”, cô cho biết.
Cuối tuần trước, viên chức 31 tuổi được thông báo tuyết sẽ rơi dày đặc trong vài ngày. Cô mua sẵn thức ăn cả tuần lễ để phòng trường hợp không thể ra ngoài.
Thậm chí, Nguyên hẹn trước với hàng xóm bản thân sẽ qua gõ cửa “cầu cứu” trong trường hợp mất điện, hết thức ăn.
Đợt lạnh kéo dài đã khiến tổng lượng tuyết rơi vượt mức trung bình theo mùa ở nhiều khu vực của Nhật Bản.
Cơ quan Khí tượng nước này báo cáo lượng tuyết dày nhất cả ở 3 khu vực, bao gồm: 3,92 m tại Sukayu Onsen ở tỉnh Aomori, 3,24 m tại làng Okura ở tỉnh Yamagata và 3,2 m tại thành phố Uonuma ở tỉnh Niigata.
Một người đã tử vong và 4 người khác bị thương nghiêm trọng do tuyết rơi dày đặc, theo The Japan Times.
NAM NGHỆ SĨ QUA MỸ LÀM ÔNG CHỦ LỚN: BẦU SHOW NÓI THẲNG VỚI TÔI "HÀI RẺ TIỀN LẮM”
.jpg)
“Thời tôi mới qua Mỹ, có những trung tâm, bầu show nói thẳng với tôi rằng ‘chúng tôi không cho diễn hài vì hài rẻ tiền, dơ dáy lắm” – Vân Sơn nói.
Vừa qua, tại chương trình Vân Sơn cùng người nổi tiếng, danh hài Vân Sơn đã chia sẻ lý do vì sao từ một nghệ sĩ trở thành ông chủ lớn sau khi sang Mỹ.
Anh nói: “Thực ra ban đầu khi qua Mỹ tôi không muốn mở trung tâm, tôi chỉ muốn làm diễn viên thôi. Nhưng đến một lúc không ai lo cho tôi, không ai thấy được tương lai của diễn hài về đâu thì tôi phải làm.
Thời đó, cát xê diễn hài bên hải ngoại này rẻ lắm, nghệ sĩ hài được trả tiền rẻ mạt. Tôi thấy không ai trọng dụng nghệ sĩ hài nên mới nghĩ tự mở một trung tâm, tự mình làm cho mình.
Tôi và anh Bảo Liêm cùng nhau mở trung tâm để có đất diễn hài. Sau đó mọi người mới trọng hài kịch hơn.
Thời tôi mới qua Mỹ, có những trung tâm, bầu show nói thẳng với tôi rằng ‘chúng tôi không cho diễn hài vì hài rẻ tiền lắm’.
"Có nhiều tiết mục hài thời đó không phù hợp với khán giả hải ngoại. Khi tôi và anh Bảo Liêm qua Mỹ, chúng tôi mới hợp lại với nhau để suy nghĩ, phát triển hướng đi mới.
Chúng tôi học hỏi từ nghệ thuật tấu hài của người Mỹ, lấy mỗi thứ một chút cộng hưởng lại cùng nhau. Chúng tôi vẫn diễn hài đậm nét theo văn hóa Việt Nam nhưng kết hợp cùng cách diễn hài hiện đại.
Khán giả hải ngoại có cách thưởng thức khác với trong nước, nên cần diễn sao cho hợp gu khán giả thì họ mới thích, mới cười”.
Có mặt tại chương trình, Hồng Đào chia sẻ: “Anh Vân Sơn nói đúng. Thời mới qua Mỹ tôi cũng bị rớt một thời gian vì cách diễn của tôi không phù hợp với khán giả hải ngoại, hợp với khán giả trong nước hơn.
Muốn diễn hài, tôi phải nắm được tình hình xã hội, xu hướng mới cập nhật. Lúc đó, tôi mới qua Mỹ nên đâu biết mọi người sinh hoạt ra sao, tâm tư, tình cảm của họ thế nào. Tôi phải mất 6 tháng tới 1 năm mới hòa nhập được”.
Vân Sơn nói thêm: “Lúc đó, tôi có bảo Hồng Đào rằng, cải lương cường điệu hơn đời sống 5, 6 lần, hát bội cường điệu hơn 20 lần còn kịch nói cường điệu hơn 2, 3 lần. Riêng hài thì phải gần nhất với đời sống như 1 với 1. Diễn càng thật, càng đời, càng gần gũi bao nhiêu khán giả càng hưởng ứng bấy nhiêu”.
ÔNG TONY PHẠM ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TRỢ LÝ BỘ TRƯỞNG DHS
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) vừa bổ nhiệm ông Tony Phạm, một cựu quan chức trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, vào vị trí giám sát chính sách biên giới và nhập cư của cơ quan này, một vai trò quan trọng khi chính quyền ông Trump coi việc thực thi chính sách nhập cư là ưu tiên hàng đầu.
Vai trò của ông Tony Phạm, 52 tuổi, với tư cách là Trợ lý Bộ trưởng DHS phụ trách chính sách biên giới và nhập cư được công bố vào ngày 6/2/2025 trên cổng thông tin của DHS.
Với chức vụ của mình, ông sẽ điều phối các chính sách chung của bộ, nơi đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện trên khắp các cơ quan kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Trước đây, từ cuối tháng 8/2020 đến hết năm đó, ông Phạm giữ chức Quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE). Trước đó, ông giữ chức Cố vấn Trưởng Pháp lý cho ICE bắt đầu từ ngày 22/1/2020 theo sự bổ nhiệm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong nhiệm kỳ lần 1 của ông ấy.
Khi làm cố vấn trưởng pháp lý tại ICE, Thẩm phán gốc Việt Tony Phạm lãnh đạo hơn 1,100 công tố viên và hàng trăm nhân viên thực thi pháp lý liên quan đến việc trục xuất các di dân bất hợp pháp trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.
Văn phòng Cố vấn Trưởng Pháp lý (Office of the Principal Legal Advisor - OPLA) mà ông Tony Phạm lãnh đạo khi đó là cơ quan pháp lý lớn nhất tại DHS, cũng là cơ quan đại diện duy nhất của DHS trong các phiên tòa xét xử trục xuất người nhập cư, bao gồm các trường hợp khủng bố và vi phạm nhân quyền.
Nguồn: VTV; Zing News; Soha; VOA
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá