.jpg)
ẨM THỨC VIỆT TỎA SÁNG TẠI PRAHA
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 7/6, tại Quảng trường Chiến thắng, trái tim văn hóa của quận Praha 6, Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp cùng các đối tác TAMDA FOODS, Linsan và Trung tâm Giáo dục Séc - Việt tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực quốc tế lần thứ 8.
Sự kiện năm nay quy tụ 56 quốc gia, là nơi kết nối những giá trị văn hóa tinh túy, nơi nghệ thuật ẩm thực trở thành chiếc cầu nối các nền văn minh, và là diễn đàn sống động để quảng bá bản sắc độc đáo của từng dân tộc tới cộng đồng quốc tế.
Với 5 gian hàng được đầu tư công phu và chỉn chu, khu trưng bày của Việt Nam nổi bật giữa muôn sắc cờ hoa bởi gam đỏ rực rỡ của Quốc kỳ, cùng với nét duyên dáng mộc mạc của nón lá, tranh lụa, gốm sứ truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi món ăn, mỗi nét bút trong các ấn phẩm văn hóa đều như cất lên một tiếng nói đầy tự hào về một Việt Nam đậm đà bản sắc, nhưng luôn rộng mở với thế giới.
Đây là một trong những hoạt động trọng tâm thuộc chuỗi sự kiện chào mừng 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Séc, và cũng là dịp để khẳng định vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong công cuộc giao lưu văn hóa quốc tế. Sự kiện diễn ra dưới sự bảo trợ của Thượng viện và Hạ viện Cộng hòa Séc, Bộ Ngoại giao cùng chính quyền quận Praha 6.
Như một sứ giả thầm lặng, song đầy mê hoặc, ẩm thực Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng thực khách quốc tế. Gian hàng ẩm thực của Việt Nam đã thực sự "níu chân" hàng ngàn lượt khách bằng những món ăn đậm chất hồn quê: từ nem rán giòn rụm, phở bò ngọt thanh, đến cà phê sữa đá nồng nàn, nước dừa tươi mát lạnh. Mỗi món ăn không chỉ là sự kết hợp tinh tế giữa nguyên liệu và kỹ thuật, mà còn là câu chuyện của vùng miền, của truyền thống và tình người. Đặc biệt, lần đầu tiên tại một lễ hội quốc tế ở châu Âu, các sản phẩm thủy hải sản đặc trưng của Việt Nam như mực nang, mực nguyên con, sò vỏ và không vỏ đã được giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng Séc và bạn bè thế giới. Sự hiện diện của những sản phẩm này không chỉ khẳng định chất lượng và giá trị xuất khẩu của nông – thủy sản Việt Nam, mà còn mở ra cánh cửa hợp tác thương mại bền vững với thị trường châu Âu đầy tiềm năng.
Không chỉ dừng lại ở hương vị, khu gian hàng Việt Nam còn là một không gian văn hóa sống động với những tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc. Âm thanh rộn ràng của nhạc cụ truyền thống, những điệu múa mềm mại mang linh hồn dân tộc đã góp phần làm dày thêm những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách quốc tế, tạo nên một không khí hội hè vừa náo nhiệt vừa sâu lắng.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Dương Hoài Nam nhấn mạnh: “Lễ hội văn hóa ẩm thực không chỉ là nơi giới thiệu những tinh hoa của ẩm thực dân tộc, mà còn là cơ hội quý báu để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa tới bạn bè quốc tế. Đây cũng là nền tảng để tăng cường giao lưu nhân dân, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Mối quan hệ Việt Nam – Séc đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau khi được nâng cấp lên Đối tác chiến lược hồi tháng 1/2025. Các hoạt động quảng bá văn hóa trong năm nay sẽ là nhịp cầu cụ thể, sinh động, góp phần hiện thực hóa mối quan hệ ấy một cách thiết thực, hiệu quả và tương xứng với tầm vóc của hai quốc gia.”
Anh Lukas Bezchleba, một người dân Praha, bày tỏ sự yêu thích văn hóa Việt Nam: “Tôi đã từng đi du lịch Việt Nam và có những kỷ niệm không thể quên với ẩm thực nơi đây. Hôm nay, được thưởng thức lại phở và nem rán ngay giữa lòng Praha, tôi như được quay lại mảnh đất ấy một lần nữa”.
Trong khi đó, chị Violet, một sinh viên người Tây Ban Nha đang theo học tại CH Séc, hào hứng cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự lễ hội này và tôi thực sự bị cuốn hút bởi không khí náo nhiệt cùng sự đa dạng văn hóa tại đây. Món nem rán của Việt Nam là món tôi thích nhất – giòn rụm, đậm đà và rất đặc biệt khi ăn cùng nước chấm. Tôi chắc chắn sẽ tìm lại món ăn này nhiều lần nữa!”
Với khoảng 15.000 lượt khách tham quan, Lễ hội văn hóa ẩm thực Praha 2025 là một minh chứng sinh động cho sức hấp dẫn của giao lưu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa. Các hoạt động như biểu diễn âm nhạc, múa truyền thống, trưng bày thủ công mỹ nghệ đã tạo nên một bức tranh đa sắc về thế giới, trong đó Việt Nam hiện lên rực rỡ với bản sắc đậm đà và sức sống mạnh mẽ.
Sự tham gia tích cực và nổi bật của Đại sứ quán Việt Nam tại sự kiện không chỉ góp phần khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế, mà còn tăng cường mối liên kết bền vững giữa cộng đồng người Việt với xã hội sở tại, tiếp thêm niềm tự hào và động lực để văn hóa Việt tiếp tục lan tỏa khắp năm châu.
NGHỆ NHÂN ĐƯỢC VINH DANH TẠI SỰ KIỆN THÁNG DI SẢN NGƯỜI MỸ GỐC Á
Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân xuất sắc, những người đã có đóng góp thiết thực cho cộng đồng, nền kinh tế và văn hóa Mỹ.
Nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn (sinh năm 1976) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ngọc Trai Hoàng Gia - vinh dự là một trong sáu người Việt được mời tham dự sự kiện Tháng Di sản người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương (AAPI).
Sự kiện AAPI được tổ chức trang trọng với sự góp mặt của các chính khách cấp cao, những nhà sáng lập, Giám đốc điều hành (CEO) và nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng doanh nghiệp châu Á tại Mỹ.
Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân xuất sắc, những người đã có đóng góp thiết thực cho cộng đồng, nền kinh tế và văn hóa Mỹ. Theo thư mời chính thức từ bà Brette Carolyn Powell, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống kiêm Phó Giám đốc Văn phòng Liên lạc Công chúng, danh sách khách mời được chọn là CEO trẻ, các nhà sáng tạo và lãnh đạo có tầm ảnh hưởng.
Nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn từ lâu đã ghi dấu ấn sâu đậm trong giới chế tác trang sức ngọc trai - lĩnh vực không chỉ đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo mà còn là tâm huyết và tầm nhìn nghệ thuật. Năm 2016, ông từng gây tiếng vang lớn khi được lựa chọn chế tác bộ quà tặng quốc gia bằng ngọc trai dành riêng cho phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Chính thành tích nổi bật ấy đã góp phần đưa tên tuổi ông đến gần hơn với cộng đồng quốc tế, và là lý do ông vinh dự nhận được thư mời tham dự lễ vinh danh lần này tại Nhà Trắng.
Đáng chú ý tại sự kiện, là món quà đặc biệt được chế tác bởi Nghệ Nhân Hồ Thanh Tuấn gửi tặng Tổng thống Donald Trump: Một thân con ngọc trai quý có khắc họa hình ảnh Tổng thống ở khoảnh khắc lịch sử vào năm 2024. Thân ngọc được chế tác từ ngọc trai Nacre (Mother of Pearl) - chất liệu được ví như “người mẹ đại dương” mang trong mình khả năng tái sinh, vượt khó để tạo ra những viên ngọc sáng. Phần viền và đế được bao bọc bởi chất liệu vàng thật, thể hiện sự trân quý và trường tồn.
Món quà được chuẩn bị kỳ công, hoàn toàn thủ công, không chỉ là tặng phẩm mà còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Tổng thống Trump từng nhắc tới khát vọng đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, như chính viên ngọc quý vượt qua đại dương khắc nghiệt để tỏa sáng.
Với hơn 20 năm theo nghề, nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn hiện sở hữu 2 huân chương Lao động, 2 bằng sáng chế về ngọc trai, 2 kỷ lục quốc gia và từng được chọn chế tác quà tặng ngoại giao cho nguyên thủ Hoa Kỳ, Nhật Bản cùng nhiều quốc gia khác. Sự xuất hiện của ông tại sự kiện danh giá lần này tiếp tục khẳng định vị thế và tài năng của người Việt trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.
AMANDA NGUYỄN TỰ HÀO VÌ NGUỒN GỐC VIỆT
.jpg)
Amanda Nguyễn, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ, bày tỏ tự hào về nguồn cội và hy vọng hành trình của mình giúp thế giới nhận ra "còn rất nhiều tài năng tại Việt Nam".
"Phi hành gia trước khi bước lên tàu vũ trụ thường lắc một quả chuông, theo truyền thống báo hiệu lên tàu của những người đi biển. Khi đến lượt mình lắc chuông, tôi đã nghĩ về Việt Nam, rằng tôi sắp trở thành người phụ nữ Việt đầu tiên bay vào vũ trụ và cần giữ cánh cửa này rộng mở cho người khác tiếp bước", Amanda Nguyễn kể về chuyến bay vào vũ trụ hai tháng trước, khi bài phát biểu trước các tân cử nhân Đại học Fulbright Việt Nam hôm nay ở Hội trường Thống nhất - Di tích lịch sử Dinh Độc lập tại TP HCM.
Đây là lần thứ hai Amanda đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên cô trở về quê hương kể từ khi tạo nên lịch sử vào ngày 14/4, trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên vào vũ trụ với chuyến bay trên tổ hợp tàu - tên lửa New Shepard của công ty Blue Origin.
Trong chuyến bay, Amanda Nguyễn đã mang theo 169 hạt sen, biểu tượng văn hóa Việt Nam, do Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam (VNSC) cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cung cấp. Trong khoảnh khắc bay lơ lửng ngoài không gian, cô đã gửi thông điệp "Xin chào Việt Nam" hướng về quê hương.
"Tôi bay vào không gian cho những cô gái trẻ Việt Nam có thể thấy chính mình giữa những vì sao. Tôi có thể là người đầu tiên nhưng chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng", Amanda nói vào thời khắc đó. Nữ phi hành gia chia sẻ rằng ý nghĩa lịch sử của hành trình này từng khiến cô trăn trở rất nhiều.
"Nhiều người hỏi tôi có lo lắng không khi ngồi trên một quả tên lửa. Thật ra, nỗi lo ấy không thấm vào đâu so với sự hồi hộp chờ đợi Việt Nam, đất nước nguồn cội của tôi, sẽ đón nhận hành trình của tôi ra sao", nhà hoạt động xã hội 33 tuổi chia sẻ.
Cô cảm thấy vô cùng biết ơn khi hành trình của mình đã được Việt Nam và người Việt trên khắp thế giới "đón nhận với vòng tay rộng mở". Lá thư chúc mừng đầu tiên mà Amanda nhận được khi trở lại mặt đất là từ Chủ tịch nước Lương Cường, được chuyển bởi Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng.
Trong thư, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng và tự hào khi lần đầu tiên có một phụ nữ Việt Nam bay vào vũ trụ, khẳng định tài năng và trí tuệ của người Việt Nam tại Mỹ và trên thế giới.
"Tôi có nhiều đồng phục phi hành gia, trong đó có một bộ gắn quốc kỳ Mỹ. Tuy nhiên, khi bay vào vũ trụ, tôi đã chọn đồng phục không có quốc kỳ", cô kể. "Tôi là người Mỹ gốc Việt. Dù đi đến bất kỳ nơi đâu trên hành tinh này, nguồn cội của tôi chính là nơi đây: Việt Nam".
Amanda cho hay điều này đã thúc đẩy cô liên hệ hợp tác với VNSC, nhằm "gửi đi thông điệp rằng đất nước Việt Nam còn rất nhiều người tài, xứng đáng được trao cho những cơ hội lớn và được biết đến nhiều hơn".
Amanda Nguyễn tốt nghiệp Đại học Harvard, từng là nghiên cứu viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và thực tập tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Ngoài lĩnh vực khoa học vũ trụ, cô tham gia các nỗ lực vận động chính sách bảo vệ nạn nhân xâm hại tình dục tại Mỹ. Năm 2019, cô được đề cử giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực đấu tranh cho quyền của nạn nhân tấn công tình dục.
Amanda chia sẻ rằng nguồn cội và văn hóa Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong hành trình cuộc đời cô, không chỉ với giấc mơ được bay vào vũ trụ, mà còn những nỗ lực trên nhiều lĩnh vực khác.
Đó cũng là lý do cô chọn biệt hiệu là Dragon (Rồng) trong suốt những tháng rèn luyện cho chuyến bay vào vũ trụ bằng tàu New Shepard. Với Amanda, biệt hiệu này phản ánh đúng nhất "chất Việt Nam" trong cuộc đời mình và những điều cô đã học được từ văn hóa, lịch sử quê hương, từ tinh thần cộng đồng và đùm bọc lẫn nhau, đến ý chí kiên cường và không ngừng nỗ lực.
"Tôi vô cùng biết ơn đã được nuôi lớn trong văn hóa của người Việt, đặc biệt với những gì mà tôi đã trải qua. Dù cuộc sống có thử thách đến mấy, chúng ta sẽ nỗ lực không ngừng đến khi hoàn thành những mục tiêu mình đặt ra. Chúng ta có thể hóa Rồng", cô nói.
NGƯỜI PHỤ NỮ PHÁP TÌM BÀ NỘI VIỆT NAM: MANH MỐI TỪ MỘT NHÀ THỜ Ở TP.HCM
Từ hồ sơ cũ ở Pháp, người phụ nữ 43 tuổi bắt đầu hành trình tìm bà nội người Việt từng sống ở Gia Định xưa.
Những bí ẩn về gốc gác của gia đình không thôi ám ảnh tâm trí bà Fanny Pierre (43 tuổi) hàng chục năm nay. Để rồi từ những hồ sơ tiếng Việt cũ kỹ nhuốm màu thời gian, người phụ nữ ở Le Mans, nước Pháp xa xôi bắt đầu hành trình đi tìm bà nội sống ở Gia Định những ngày xưa ấy…
Hy vọng cuối cùng
"Tôi viết thư cho bạn vì khoảng 2 - 3 năm trước, tôi biết bạn đã giúp một cô gái trẻ tìm thấy gia đình ruột thịt của mình ở Việt Nam. Tất nhiên, tôi rất cần sự giúp đỡ của bạn, nếu bạn chấp nhận! Bạn là hy vọng cuối cùng của tôi để làm sáng tỏ một phần (hoặc toàn bộ) những bí ẩn này, những bí ẩn vẫn chưa được giải đáp vì tôi hoàn toàn lạc lối và chúng đã ám ảnh tôi trong nhiều năm".
Đó là đoạn mở đầu bức tâm thư mà bà Fanny gửi đến anh Đỗ Hồng Phúc (30 tuổi), một kiến trúc sư ở TP.HCM nổi tiếng trong việc hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài tìm thân nhân miễn phí nhiều năm qua.
Từ đây, hành trình tìm cội nguồn Việt Nam của người phụ nữ, cũng là hành trình giải mã những "hồ sơ bí ẩn" có nguồn gốc từ Việt Nam và Pháp ngày xưa về cha và ông nội, nhận được sự hỗ trợ của nhiều người Việt tốt bụng.
Lần mò theo những tài liệu của người cha quá cố - ông Jacques Pierre còn được lưu giữ, bà Fanny cho biết ông sinh ngày 29.8.1949 tại Phú Nhuận (Gia Định). Trong hồ sơ, có đề cập đến tên mẹ ông Jacques là bà Nguyễn Thị Cúc (không rõ năm sinh) và cha là ông Yvon Raymond Pierre (sinh năm 1925 ở Pháp).
Trong trích lục từ sổ đăng ký khai sinh của ông Jacques năm 1949 ghi rõ ông Yvon làm kỹ thuật viên vô tuyến điện tại Tổng cục Đường sắt Đông Dương (Sài Gòn thời Pháp thuộc)
Bà Fanny cho biết cha mình sau đó đã được gửi đến FOEFI, nhưng bà không biết đó là thời gian nào và trong bao lâu. Tiếp đến, ông được đưa vào trại trẻ mồ côi tại Mayenne (Pháp). Sau khi tìm hiểu, bà biết được trại trẻ này đã đóng cửa vào năm 1972. Sau khi được đưa đến Pháp, ông Jacques đã sống một cuộc đời mới mà mãi mãi không có cha mẹ ruột cạnh bên.
Manh mối ở nhà thờ Thánh nữ Jeanne d'Arc ngày nay
Theo thông tin từ bà Fanny có được, cha bà đã được rửa tội vào ngày 5.12.1955 tại nhà thờ Thánh nữ Jeanne d'Arc ở Sài Gòn. Từ manh mối đó, chúng tôi tìm đến nhà thờ này, ngày nay tọa lạc ở Q.5 (TP.HCM) tìm hiểu và biết được một số thông tin mới.
Thông tin lưu giữ từ nhà thờ trùng khớp với thông tin mà bà Fanny cung cấp, khi năm 1955, ông Jacques được rửa tội. Tuy nhiên, trong hồ sơ của nhà thờ chỉ để tên người mẹ Nguyễn Thị Cúc mà không có thông tin về người cha. Trong hồ sơ đó, còn có thêm một chi tiết quan trọng về tên người làm chứng vào thời điểm đó, một người Pháp tên "Jean Leguc", một sinh viên đại học.
"Đây là cha đỡ đầu của cha tôi và tôi không thể giải mã được tên của ông. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến ông ấy! Ông ấy có phải là sinh viên tại trường đại học không? Ông ấy có mối liên hệ gì với gia đình cha tôi? Thực sự không dễ dàng!", bao nhiêu câu hỏi ám ảnh bà Fanny từ cái tên này.
Ở tuổi 20, bà Fanny bắt đầu nghiên cứu phả hệ để tìm ông nội là người Pháp của mình. Trên hành trình này, bà đã tìm thấy được những người em cùng cha khác mẹ của cha mình.
Theo chia sẻ từ họ cũng như các tài liệu tìm được, bà Fanny biết được ông Yvon kết hôn với người phụ nữ Việt Nam khác và có một cô con gái sinh ra ở Tourane năm 1956. Được biết từ năm 1888 cho đến hết thời Pháp thuộc, Tourane là tên chính thức của Đà Nẵng, Việt Nam.
Sau đó, ông Yvon và vợ có cậu con trai sinh ra ở Đức năm 1958, hiện sống ở Pháp. Ông Yvon mất năm 2000. Tuy nhiên tất cả họ đều không có manh mối về bà Nguyễn Thị Cúc, người được cho là mẹ ruột của ông Jacques.
Giải mã câu hỏi lớn của cuộc đời
"Tôi rất muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình và ghép lại tất cả những manh mối của câu đố này, để biết câu chuyện của cha tôi, mà ngược lại cũng là câu chuyện của riêng tôi và của các con tôi", bà Fannny xúc động chia sẻ.
Tận sâu trong đáy lòng, bà rất muốn biết nguồn cội của cha từ phía bà nội ở Việt Nam. Điều này, bà hiểu rằng mọi thứ không hề dễ dàng khi bà hoàn toàn không biết gì về bà nội, thậm chí còn không biết ngày tháng năm sinh.
"Tại sao bà tôi lại rời xa con trai?", "Bà có kết hôn chưa?", "Bà có con khác không?", "Bà sinh cha tôi khi bà bao nhiêu tuổi?, "Cha mẹ của bà tôi thế nào?"... vô vàn những câu hỏi về bà trong tâm trí, nhưng người phụ nữ Pháp không có lấy một lời giải đáp.
Bà Fanny và chồng là ông Frédéric hiện có cuộc sống hạnh phúc ở Pháp với 2 người con là Héloïse, 10 tuổi và Alexandre, sắp lên 7. Bà hy vọng một ngày nào đó bà sẽ đến Việt Nam, tìm hiểu về đất nước nơi cha mình cất tiếng khóc chào đời. Sẽ tuyệt vời biết bao khi người phụ nữ Pháp giải mã được bí ẩn về hồ sơ của cha mình, tìm được câu trả lời cho những câu hỏi về bà nội ở Gia Định xưa.
"Nếu ai đó biết bà ấy, thì thật tuyệt, xin hãy lên tiếng giúp tôi, bởi có thể bà nội đã không còn. Nếu có thông tin về bà, có lẽ tôi có thể khép lại chương này của cuộc đời mình và bước tiếp. Bởi vì câu chuyện này chạm đến và làm tôi buồn tận sâu thẳm trong tâm hồn, tận trái tim. Tôi đang thiếu một phần câu chuyện của cuộc đời mình", bà chia sẻ.
Nguồn: Vinanet; VTV4; Vnexpress; Thanh Niên
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá