Người Việt hải ngoại: Á quân Masterchef Ý; Sốc văn hóa ở Nhật; Quán lẩu Khoa Pug ở Mỹ; Hình ảnh phụ nữ Việt ở Ý

Á QUÂN MASTERCHEF ITALY 2023 LÀ CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÀ NỘI

(Ảnh minh họa).

Cô gái Đinh Thị Huế đã xuất sắc giành giải á quân cuộc thi ẩm thực nổi tiếng của Italy - Masterchef Italy 2023, với món cơm nắm muối mè.

Sinh ra ở Hà Nội, Đinh Thị Huế thừa nhận mình vốn là một người không biết nấu ăn. Năm 2016, cô gái ở Hà Nội sang Italy du học theo chuyên ngành quan hệ quốc tế.

Cơ duyên đến từ một người bạn giới thiệu, cô biết đến cuộc thi Masterchef Italy 2023 và đã mạnh dạn đăng ký tham gia với mong muốn quảng bá ẩm thực quê nhà.

Huế cũng từng tham gia chương trình Live Cooking với món ăn có tên "Học, Hành, Hy vọng và Mơ ước". Cô nhận được chiếc tạp dề màu trắng có tên mình, tiếp tục theo đuổi đam mê đem tình yêu thấm đượm vào hương vị ẩm thực.

Kể từ khi bắt đầu cuộc thi Master Chef Italy, Đinh Thị Huế đã nhận được sự đánh giá cao từ Ban giám khảo. Trong vòng trước đó, khi được yêu cầu trình bày một món có nguồn gốc thực vật đơn giản, cô đã thiết kế một món ăn của nhà nghèo nhưng đong đầy gốc rễ nguồn cội giúp cô giành thắng lợi với món ăn có tên “phép màu’’.

Trải qua 24 tập phát sóng với nhiều đề tài hóc búa, Huế ngày càng tự tin đi đến đêm chung kết và thực hiện một số món ăn tạo nên sự thích thú cho mọi người.

Cụ thể, món bánh truyền thống của người Italy có tên gọi là Colatura di Alici được cô ứng dụng nước mắm Việt Nam vào đó. Còn lại, vỏ bánh cô dùng bột gạo; nhân gồm thịt heo đem ướp hành, sả, nước mắm.

Tuy nhiên, món ăn còn lại mới là điểm nhấn đưa cô đến ngôi vị á quân, đó là món cơm nắm muối mè lấy cảm hứng từ món ăn hồi nhỏ được bà nội rồi đến ba nấu khi nhà còn nghèo khó. Theo đó, cơm được xử lý khéo léo để có nước cơm chắt, đậu hũ thì ướp nước sốt theo công thức riêng.

Sau cuộc thi, Huế cho hay vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nấu nướng. Cô hy vọng có thêm cơ hội vinh danh nghề đầu bếp tại Việt Nam hay dịch sách dạy nấu ăn Italy sang tiếng Việt để mọi người hiểu hơn về ẩm thực Italy.

Trước đó, năm 2014, anh Quốc Trí - á quân trong cuộc thi Masterchef Việt mùa đầu tiên cũng đã mang món cá kho đến nước Italy tham gia trong cuộc thi Passport & Plate do tạp chí du lịch World Nomads tổ chức.

Kết quả, món ăn này giúp anh trở thành một trong ba người chiến thắng, vượt qua hàng trăm nghìn thí sinh khắp nơi trên thế giới.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Người Việt bị sốc văn hóa tại Nhật

Văn hóa “lạnh lùng” của người Nhật khiến cho số đông du khách nước ngoài cảm thấy bất ngờ và có những trải nghiệm không vui.

Du lịch là một ngành quan trọng, đóng góp khoảng 6-7% GDP cho nền kinh tế tại Nhật Bản. Dẫu vậy văn hóa trầm lặng, có phần lạnh lùng của người Nhật đã khiến nhiều du khách nước ngoài cảm thấy sốc.

Bị sốc vì khác văn hóa

Năm 2018, Hữu Bình (28 tuổi, TP.HCM) có một chuyến du lịch đến Nhật Bản. Với Hữu Bình, Nhật Bản là một đất nước tiến bộ với nhiều cảnh quang đẹp. Tuy nhiên một sự cố khiến anh cảm sốc vì văn hóa của người dân nơi đây.

Đi tự túc nên Hữu Bình phải di chuyển nhiều khách sạn trong suốt lịch trình 5 ngày tại xứ sở hoa anh đào. Vào ngày thứ 3 của chuyến đi, khi đi ra trạm tàu điện, anh Bình có đánh rơi một chiếc áo do vali bị bung ra.

Vì để kịp giờ tàu chạy, người này quên kiểm trả lại vali và đến khi tới khách sạn vào buổi tối, anh mới nhận ra chiếc áo bị rơi. Anh Bình chia sẻ rằng bản thân bị sốc vì đã di chuyển một khoảng đường dài mà không người nào nhắc nhở mình.

“Tôi bất ngờ vì cách ứng xử của người dân tại đây. Bình thường ở Việt Nam, dù bạn có đánh rơi một cây bút trên đường đi chăng nữa, mọi người xung quanh sẽ nhắc bạn để nhặt nó lên”, anh Bình nói.

Theo Hữu Bình, sự việc trên không phải là lỗi của người dân Nhật Bản. "Đó là văn hóa của nước họ và là một du khách ngoại quốc nên tôi bị sốc bởi văn hóa đó", anh tâm sự.

Văn hóa “lạnh lùng” của người Nhật

Tháng 6/2021, báo cáo World Giving Index xếp hạng các quốc gia về mức độ từ thiện của họ đã được Quỹ Hỗ trợ Từ thiện (CAF) công bố, khảo sát trên 144 quốc gia.

Kết quả khảo sát cho thấy Nhật Bản đứng thứ 107 về quyên góp tiền và thứ 91 về hoạt động tình nguyện. Nước này cũng đứng cuối bảng với 14% người tham gia khảo sát đồng ý giúp đỡ người lạ, thấp nhất trong số các nước phát triển.

Tài khoản Trung Quốc có tên Nell Zhang đã đăng tải về sự cố khi sống tại Nhật Bản. Khi đi nhà tắm công cộng lần đầu tiên, Nell cũng học qua các quy tắc từ các đồng nghiệp người Nhật. Nhưng cô không hề biết mái tóc dài của mình lại gây chú ý.

Một người phụ nữ Nhật đã chỉ vào mái tóc cô và nói lớn rằng nó thật phiền phức. “Tôi bối rối, biết mình đã làm sai điều gì đó nhưng không biết đó là gì”, chị Nell Zhang kể lại.

Với những lời nói của người phụ nữ ấy, Nell Zhang cảm thấy như những ánh mắt đổ dồn vào mình, những ánh mắt đổ lỗi. Chị nhanh chóng trả lời “sumimasen” (xin lỗi) và rời khỏi bồn tắm nhanh nhất với khuôn mặt đỏ bừng.

Ông Kanta Hara, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Confront World, chia sẻ: “Nói chính xác hơn rằng người Nhật muốn tránh dính líu đến người khác. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã được dạy rằng ‘đừng gây rắc rối cho người khác’. Xã hội Nhật đề cao việc cố gắng để tránh dính líu đến bất kỳ người lạ nào chứ đừng nói đến việc giúp đỡ họ”.

Kanta giải thích thêm rằng người Nhật xem khách nước ngoài là những “khách hàng đặc biệt” hay những “người ngoài cuộc tạm thời”. Họ có thể giúp đỡ nhưng lại sợ bản thân làm sai, gây rắc rối. Thế nên với họ, tốt hơn hết là né tránh. Và điều đó khiến số đông người nước ngoài hiểu lầm người Nhật không thiện cảm.

Tài khoản The Japan Reporter trên YouTube đã đưa ra lý do chính về tính cách lạnh lùng của người Nhật. Đó là vì những áp lực của xã hội.

Nhiều người Nhật phải sống dưới áp lực tiền bạc, con cái lẫn kỳ vọng của gia đình, khiến họ có cái nhìn bi quan về cuộc sống. Do sống trong một xã hội có nhiều quy tắc, nhiều người Nhật trở nên khép mình, trầm lặng và vô hình tạo ra tính cách lạnh lùng.

(Nguồn: Zing News)

Mở quán lẩu, Khoa Pug tiết lộ mức lương của nhân viên phục vụ

(Ảnh minh họa).

Theo Khoa Pug, mức lương mà vị trí nhân viên phục vụ tại nhà hàng lẩu của anh có thể nhận được sẽ rơi vào khoảng 400.000 USD/năm - tương đương gần 8 tỷ đồng/năm; nhặt rau kiếm khoảng 1.2 tỷ đồng/năm…

Sau màn trống hội khai trương nhà hàng lẩu Khoa Pug Hot Pot ở Houston (Texas, Mỹ) của mình vào ngày 4/3, nam Youtuber đã khiến cộng đồng mạng xôn xao khi tuyên bố hiện đang tuyển dụng nhiều vị trí cho quán lẩu, trong đó chỉ nhặt rau cũng kiếm khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, cắt thịt được trả 400.000 đồng/giờ.

Mới đây, trên kênh Youtube cá nhân, Youtuber Khoa Pug đã chia sẻ màn phát lương một ngày cho nhân viên phục vụ tại quán lẩu của mình.

Theo tiết lộ của Khoa Pug, nếu như nhiều người nghĩ rằng tiền lương của nhân viên nhặt rau hay rửa chén sẽ cao ngất ngưởng thì sự thật là nhân viên phục vụ tại quán sẽ có mức lương cao nhất.

Cụ thể, nhân viên ở đây sẽ nhận được 720 USD (đã trừ thuế), chưa kể số tiền mặt được nhận thêm là 300 USD. Như vậy, chỉ trong một ngày chủ nhật, vị trí nhân viên phục vụ tại nhà hàng Khoa Pug có thể nhận được số tiền khoảng 1.000 USD (24 triệu đồng).

"Đây là tiền tip trong máy của mỗi nhân viên khi phục vụ tại đây, chưa tính tiền cap của khách hàng khi họ đưa tận tay cho mỗi nhân viên nữa, vì đây là số tiền riêng của mỗi người giữ không có chia.

Bạn Khang này một ngày có thể kiếm được 1.000 USD, tương đương 24 triệu đồng/ngày. Nếu làm liên tục trong một tháng thu nhập sẽ rơi khoảng 30.000 USD (gần 700 triệu/tháng) và tính trung bình một nhân viên ở đây được trả chừng gần 400.000 USD/ năm (gần 8 tỷ đồng/năm)". Khoa Pug nói.

Ngoài ra, Khoa Pug cho biết thêm mỗi người phục vụ tại quán sẽ có một mức lương khác nhau tùy vào hiệu suất công việc và tiền tip mà khách gửi riêng cho mỗi người.

Theo đó, bạn nhân viên thứ 2 được Youtuber này trả sẽ nhận được mức lương 515 USD/ngày, chưa kể tiền khách tip khoảng 280 USD. Như vậy thu nhập của bạn này sẽ rơi vào khoảng gần 800 USD/ngày.

Được biết, nhà hàng của Khoa Pug được bố trí các bàn lẩu dành cho 4 - 6 người và các bàn 8 -10 người phục vụ nhóm khách gia đình. Viền bàn và viền nồi lẩu, Khoa Pug cho biết đều làm bằng vàng.

Theo giới thiệu, bàn lẩu của Khoa Pug Hot Pot thuộc dòng "xịn sò", có các khe hút khói và mùi ngược xuống bàn và giá một suất ăn buffet tại đây khá rẻ, chỉ bằng một tô phở khoảng 20 USD (hơn 400 nghìn đồng).

"Mình làm clip chủ yếu là để các bạn xem việc mở nhà hàng có tốn kém hay không. Nói vui với các bạn thế này, giả sử các bạn có 23 tỷ, bạn gửi ngân hàng lấy lãi. 1 năm bạn sẽ lời được 2,3 tỷ. Con số này tương đương với mức lương 8.000 USD/tháng của người Mỹ bên đây. Bạn không làm gì hết, chỉ cần nằm một chỗ, một tháng lãnh 200 triệu ngon ơ. Nhưng mình vẫn mở nhà hàng, nên hi vọng bạn nào có ghét mình cũng đừng quấy phá", Khoa Pug từng chia sẻ.

Ở cuối video, Khoa Pug tiết lộ thêm nếu như ai đang có nhu cầu làm phục vụ tại nhà hàng mà mong muốn có mức lương cao thì sẽ sắp xếp linh hoạt ca làm cho mỗi người.

"Nếu ai mong muốn có mức lương cao thì hãy qua đây làm, vì mình phát tiền thật, người thật cho các bạn. Hiện đang thiếu rất nhiều vị trí chạy bàn và mình không muốn nhận được các phản hồi phục vụ không tốt đến từ phía khách hàng, mình vẫn đang hoàn thiện từng ngày, từng ngày, do đó mọi người hãy ủng hộ nhiệt tình nhé!".

Theo dự tính, sau khi khai trương nhà hàng tại Mỹ, Khoa Pug cho biết sẽ mở thêm nhà hàng tại Việt Nam vào năm tới.

(Nguồn: Soha)

Stella Tâm Vũ - lan tỏa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trên đất Italia

Câu chuyện tình yêu của cô gái Việt tên Stella Tâm Vũ và chàng trai người Italia tên là Edoardo được nhiều người ngưỡng mộ. Khâm phục hơn, hình ảnh cô gái Việt Nam cần mẫn cùng chồng gây dựng ước mơ, vực dậy truyền thống trồng nho, sản xuất rượu vang cứ dần mai một, giảm sút.

Trong tuần học ở Thụy Sĩ, cuối tuần sang Italia cùng chồng dệt ước mơ

Trong quá trình học, Stella Tâm Vũ thích thú với bộ môn rượu vang. Vì cảm thấy những điều mình học là chưa đủ, muốn tìm hiểu thêm, Stella Tâm Vũ đã được thầy giáo giới thiệu cho một người làm rượu vang trẻ, tên Edoardo (sinh năm 1990) đến từ Domodossola, một tỉnh ở bắc Piemonte, sát biên giới với Thụy Sĩ và mới trở về từ Úc”.

Thế rồi, Stella Tâm Vũ liên lạc với Edoardo. Sau nhiều lần nói chuyện, Stella Tâm Vũ quyết định đi tàu từ trường tới Brig, một thành phố Thụy Sĩ nằm ở giữa hai đất nước để gặp Edoardo. Lần đầu tiên gặp, Stella Tâm Vũ ấn tượng về một anh chàng giản dị và có chút ngốc nghếch khi uống cà phê cũng làm rớt vào áo. Chính vì có cảm tình, nên cô gái Việt đã quyết định “thử liều” sang thăm Domodossola. Tại đây, Edoardo đưa Stella Tâm Vũ tới thăm nhà hàng và nói chuyện với bố mẹ của mình.

Tâm Vũ chưa bao giờ quên được ngày đầu tiên lên xưởng rượu của bạn trai, trừ một cái khung nhà thì không có gì khác, mọi thứ ngổn ngang. Hai người ngồi trên mái của xưởng và anh chàng Italia đã say sưa kể cho cô gái Việt về kế hoạch xây dựng, phát triển cũng như ước mơ. Khi đó, Stella Tâm Vũ cảm thấy vô cùng choáng ngợp bởi giấc mơ cũng như rất ngưỡng mộ sự dũng cảm của chàng trai này.

Sau một thời gian ngắn, hai người hẹn hò và bắt đầu chuỗi thời gian Stella Tâm Vũ đi học ở trường rồi thứ sáu đi tàu xuyên biên giới về Domodossola với người yêu để chiều chủ nhật lại về Thụy Sĩ học. Thời gian đó cuối tuần nào hai người cũng giành thời gian ở vườn nho, cắt cỏ, tỉa cành.

Tháng 8 năm 2017, sau 6 tháng hẹn hò thì Edoardo cầu hôn Stella Tâm Vũ bằng việc đặt tên Stella cho một nhãn rượu của xưởng, và cũng từ đó rượu vang Prünent Stella cũng ra đời (Prünent là tên gọi địa phương của giống nho Nebbiolo).

Sau khi trở về Việt Nam đăng ký kết hôn, quay trở lại Ý thì Stella Tâm Vũ và Edoardo vẫn tiếp tục sống xa nhau và chỉ gặp nhau vào cuối tuần hoặc dịp lễ và đến tháng 12/2017 thì Stella Tâm Vũ chính thức chuyển về Ý cùng với chồng.

Sau khi về Italia đoàn tụ với chồng, Tâm Vũ luôn dành phần lớn thời gian, tâm sức vào công ty của hai vợ chồng.

“Thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình có thể cầm cái kéo tỉa cành, cắt cỏ, thu hoạch nho hay bơm rượu, đóng chai, dán nhãn. Thời gian đầu gần như chúng tôi không có đầu óc để nghĩ tới yêu đương, lãng mạn. Ngày nào cũng làm từ sáng tới tối muộn, có những lúc mệt quá thì lại nhìn nhau, cố gắng động viên nhau. Khi bắt đầu thì còn thiếu nhân viên nên chúng tôi việc gì cũng làm, nhưng đây cũng là một cơ hội rất tốt cho tôi để có thể học hỏi thêm từ thực tế. Tôi cũng dành thêm thời gian đi học các khóa học ngắn hạn về rượu vang để có thể chia sẻ nhiều hơn cùng chồng”, Stella Tâm Vũ chia sẻ.

Gặt hái những thành công

Stella Tâm Vũ cho biết, xưởng rượu nho của hai vợ chồng cô hiện nay sản xuất rượu vang hồng (rosé) và rượu vang đỏ từ hai loại nho chính là Nebbiolo và Merlot. Các vườn nho đều nằm ở độ cao ít nhất 350m từ mực nước biển, trên dốc nên việc chăm sóc, thu hoạch hoàn toàn thủ công.

Ngoài ra, cả hai vợ chồng cô cùng nhau phát triển ý tưởng, hỗ trợ những chủ vườn trong vùng, những người này đều khoảng 80, 90 tuổi.

“Con cháu họ không có ý định làm nông dân, không muốn tiếp tục truyền thống trồng nho. Những người già đứng trước sự lựa chọn khó khăn, một bên là bỏ các gốc nho, bán hoặc cho thuê đất để trồng ngô hoặc trồng cỏ nuôi bò, một bên là tiếp tục công việc khi đã không đủ sức. Bên cạnh đó thì thay đổi khí hậu cũng làm cho việc chăm sóc nho cũng khó hơn trước đây rất nhiều”, Stella Tâm Vũ chia sẻ.

Do đó, Tâm Vũ cho biết từ 10 vườn nho thuê lại của các cụ xung quanh khu vực vào năm 2017, tới hiện tại vợ chồng đang thuê dài hạn hoặc thuê để mua tổng cộng 27 vườn nho quanh khu vực thung lũng Ossola.

Năm 2020, hai vợ chồng Stella Tâm Vũ mua một mảnh đất gần xưởng rượu, cũng là vườn nho đầu tiên thuộc sở hữu của hai người và ngày Italia bị phong tỏa do Covid-19 cũng là ngày đầu tiên hai vợ chồng gieo cây Nebbiolo đầu tiên xuống vườn này.

Tới năm 2022, xưởng đã sản xuất hơn 30000 chai rượu, xuất khẩu đi Mỹ và Úc, đồng thời mở cửa đón khách du lịch Italia cũng như khách quốc tế tới trải nghiệm, nếm rượu kết hợp với các đặc sản vùng Ossola cũng như thăm quan xưởng.

Hình ảnh cặp vợ chồng trẻ Việt Nam -Italia đang nỗ lực vực dậy ngành sản xuất rượu nho đang đứng trước mai một đã được truyền thông Italia lan tỏa. Hình ảnh cô gái Việt Nam cùng chồng xây dựng nên những ước mơ khiên cho nhiều người Italia khâm phục.

(Nguồn: Việt Báo)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang