.jpg)
KỶ NIỆM 5 NĂM THÀNH LẬP CLB KỶ DẬU 1969 CHÂU ÂU: NƠI KẾT NỐI NHỮNG TRÁI TIM VIỆT XA XỨ
Điểm nhấn đặc biệt của buổi gặp mặt là các tiết mục văn hóa, văn nghệ phong phú do chính các thành viên CLB trình diễn.
Câu lạc bộ (CLB) tuổi Kỷ Dậu sinh năm 1969 Châu Âu vừa tổ chức buổi gặp mặt thường niên nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập tại thủ đô Berlin, CHLB Đức, vào ngày 31/5/2025.
Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo người Việt từ nhiều thành phố, như: Berlin, München, Stuttgart và các khu vực khác tại Đức.
Buổi gặp mặt có sự tham dự của ông Phạm Huy Phương, Bí thư thứ nhất, Thường trực Ban Công tác Cộng đồng thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức. Đại diện một số hội đoàn, câu lạc bộ trong cộng đồng cũng đã đến chúc mừng và tặng hoa cho CLB.
CLB Kỷ Dậu 1969 Châu Âu được thành lập vào năm 2020, là một phần của phong trào thành lập các hội đoàn niên tuổi đang lan tỏa mạnh mẽ tại các quốc gia có đông cộng đồng người Việt sinh sống. Hiện tượng này cho thấy nhu cầu kết nối và gắn bó giữa những người cùng thế hệ trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Sau 5 năm hoạt động, CLB đã phát triển vững mạnh, thu hút đông đảo thành viên sinh năm 1969 tham gia, trở thành cầu nối tinh thần quan trọng trong cộng đồng.
Buổi gặp mặt thể hiện tinh thần đoàn kết, kết nối yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên. Các thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh, nuôi dạy con cái, đồng thời, phát huy các giá trị tinh thần, tình yêu quê hương, đất nước và duy trì tiếng Việt cùng nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Điểm nhấn đặc biệt của buổi gặp mặt là các tiết mục văn hóa, văn nghệ phong phú do chính các thành viên CLB trình diễn. Những màn biểu diễn đã tạo ra sức hấp dẫn và "truyền lửa" tích cực, góp phần làm nên không khí sôi động của sự kiện.
Sự kiện cho thấy tình cảm gắn bó và ý nghĩa thiết thực của CLB đối với cộng đồng người Việt tại Châu Âu.
.png)
KHƠI NGUỒN ĐAM MÊ KHOA HỌC TẠI SINGAPORE
Ngày 2/6, Ban Liên lạc Cộng đồng Người Việt Nam tại Singapore (BLL) phối hợp cùng Cơ quan Nghiên cứu, Công nghệ và Khoa học Singapore(A*STAR) tổ chức thành công chương trình “Một Ngày Làm Nhà Khoa Học Tại A*STAR”.
Sự kiện thu hút gần 200 người tham dự, gồm học sinh người Việt và gốc Việt, phụ huynh cùng đông đảo thành viên cộng đồng.
Đây là hoạt động thuộc chuỗi chương trình “Khám phá – Trải nghiệm – Hướng nghiệp” do Ban liên lạc Cộng đồng Người Việt Nam tại Singapore khởi xướng, nhằm tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận môi trường nghiên cứu khoa học thực tiễn, từ đó nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo và định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Theo Tiến sĩ Hà Sơn Tùng, đại diện Ban Liên lạc Cộng đồng Người Việt Nam tại Singapore: "Đây không chỉ là một sự kiện, mà là khởi đầu cho hành trình khám phá tiềm năng bản thân, kết nối tri thức và lan tỏa tinh thần cống hiến của thế hệ trẻ người Việt tại Singapore."
Trải nghiệm khoa học thực tế
Các em học sinh đã có cơ hội giao lưu cùng các nhà khoa học người Việt làm việc tại A*STAR, tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng như Stanford, MIT, Oxford, Imperial College… Ngoài ra, các em được tham quan phòng thí nghiệm hiện đại, quan sát quy trình nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ tiên tiến.
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là thử thách STEM “Thử thách đổi mới – Tương lai công nghệ”, nơi học sinh làm việc theo nhóm để thiết kế giải pháp khoa học sáng tạo, rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và thuyết trình.
Dean Hoo, học sinh 13 tuổi tham dự sự kiện, chia sẻ: "Tham gia chương trình này, em thấy mình được truyền thêm động lực để theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học, vì em nhận ra khoa học không chỉ là lý thuyết khô khan mà còn rất gần gũi và đầy thú vị".
Tinh thần hợp tác Việt Nam – Singapore
Chương trình phản ánh sự kết nối giữa cộng đồng người Việt tại Singapore và tinh thần giáo dục đổi mới của quốc gia này. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sự kiện này càng có ý nghĩa khi Việt Nam và Singapore vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2025.
Sự kiện không chỉ khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục học tập, phát triển bản thân, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, mà còn là bước khởi đầu cho hành trình dài, nơi mỗi bạn trẻ tiếp tục viết nên câu chuyện của chính mình trong hành trình học tập, nghiên cứu và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM TẠI KAZAKHSTAN: TỪ ĐAM MÊ ĐẾN 'TRÁCH NHIỆM KÉP'
.jpg)
Nhà khoa học Việt Nam tại Kazakhstan Đỗ Đức Tôn chia sẻ hành trình theo đuổi đam mê khoa học cho đến niềm vinh dự khi được trao giải thưởng "Nhà khoa học xuất sắc nhất" và huy hiệu danh dự "Vì những cống hiến trong sự phát triển khoa học" từ Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Kazakhstan.
Vừa qua, nhà khoa học Việt Nam Đỗ Đức Tôn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ trường Đại học Nazarbayev (Kazakhstan), Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Kazakhstan, đã được Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Kazakhstan trao giải thưởng "Nhà khoa học xuất sắc nhất" và Huy hiệu danh dự "Vì những cống hiến trong sự phát triển khoa học" nhằm ghi nhận những có đóng góp quan trọng của ông cho sự phát triển khoa học và công nghệ ở sở tại.
Nhân dịp này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Đức Tôn đã trò chuyện với Báo Thế giới và Việt Nam truyền cảm hứng về niềm đam mê khoa học và sự cống hiến tri thức cho cả hai dân tộc, trở thành cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa Việt Nam và Kazakhstan.
Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi những cống hiến của mình được chính phủ Kazakhstan ghi nhận?
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới chính phủ Kazakhstan đã ghi nhận những đóng góp của tôi và xem đây là niềm vinh dự cho cá nhân và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Kazakhstan.
Sự ghi nhận này không chỉ là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực cống hiến mà còn là minh chứng cho tình hữu nghị và hợp tác ngày càng gắn bó giữa Việt Nam và Kazakhstan.
Vậy cơ duyên nào khiến ông đam mê và gắn bó với ngành khoa học?
Từ nhỏ, tôi đã đam mê môn Toán và Lý, giành giải thưởng cấp tỉnh Bắc Ninh. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội (nằm trong tốp đầu của trường), tôi nhận ra rằng bản thân vẫn còn khao khát được khám phá nhiều hơn, đào sâu hơn vào thế giới tri thức.
Từ đó, tôi quyết định theo học thạc sĩ tại Việt Nam và tiến sĩ tại Hàn Quốc. Tôi nhận ra đam mê học thuật là mục tiêu lâu dài.
May mắn được Đại học Nazarbayev mời làm Giáo sư, tôi tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học và đóng góp cho giáo dục tại Kazakhstan. Đây không chỉ là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp mà còn là nơi tôi có thể tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học, đào sâu nghiên cứu đóng góp cho nền giáo dục và tại Kazakhstan.
Là người Việt Nam ở Kazakhstan, ông cảm nhận thế nào về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cống hiến tri thức cho cả hai dân tộc?
Tôi cảm nhận rõ "trách nhiệm kép" của mình nên vừa cố gắng đóng góp cho địa phương qua nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời tri ân đất nước đã giúp tôi phát triển sự nghiệp.
Mặt khác, tôi cũng muốn trở thành cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa Việt Nam và Kazakhstan, thông qua các hoạt động nghiên cứu, chương trình trao đổi học thuật và hỗ trợ sinh viên Việt Nam, nhằm làm sâu sắc thêm hợp tác song phương trong khoa học, công nghệ và giáo dục.
Năm 2024, Hội trí thức Việt Nam tại Kazakhstan được thành lập và tôi vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hội. Ngày 5/5 vừa qua, thay mặt Hội, tôi có bài phát biểu chào mừng Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Kazakhstan.
Theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh, khoa học công nghệ có tầm quan trọng trong “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc và chúng tôi sẽ lấy đó làm kim chỉ nan, tiếp tục nỗ lực đóng góp cho sự phát triển quê hương Việt Nam.
Lần gần đây nhất về thăm Việt Nam của ông là khi nào? Ông cảm nhận gì về nỗ lực chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ mới ở Việt Nam hiện nay?
Tôi thường về Việt Nam ít nhất hai lần mỗi năm, tổng thời gian khoảng hai tháng, nhờ chế độ nghỉ Đông - Hè của Đại học Nazarbayev. Điều này giúp tôi cập nhật thông tin về giáo dục và khoa học công nghệ ở Việt Nam, nơi tôi có mạng lưới hợp tác rộng rãi.
Theo tôi được biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế số thông minh qua các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong y tế, giáo dục và nông nghiệp. Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ đang bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn khẳng định quyết tâm tạo dựng một nền kinh tế số dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo.
Tôi tự hào chứng kiến sự chuyển mình này và tin rằng với nền tảng và chính sách hiện nay, Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho hợp tác nghiên cứu quốc tế và là cầu nối khoa học giữa khu vực và thế giới.
Nguồn: VTV4; VOV; Báo Quốc Tế
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá