Người Việt hải ngoại: 48 giờ rối loạn; Phụ nữ ở Thụy Điển; Cảm hứng Ke Huy Quan; Nghề nail ở Mỹ; Cậu bé quảng bá văn hóa

48 giờ rối loạn của kỹ sư Việt ở Silicon sau cú sập SVB

(Ảnh minh họa).

Phương Thanh, đồng sáng lập kiêm CFO một startup về robot tại Thung lũng Silicon, như bị "rút cạn oxy" khi nghe tin ngân hàng Silicon Valley Bank đóng cửa.

"Nửa đêm 9/3, tôi nhận được tin nhắn của người đồng sáng lập công ty về rủi ro của Silicon Valley Bank (SVB). Ban lãnh đạo mở một cuộc họp bất thường ngay trong đêm để đánh giá về tình hình xấu nhất có thể ập đến", Phương Thanh kể.

Sau cuộc họp, các thành viên thống nhất tìm cách rút hết tiền mặt về. Tuy nhiên, mọi thứ tồi tệ hơn dự đoán khi toàn bộ lệnh giao dịch không thể thực hiện. Ngày 10/3, Thanh đến chi nhánh ngân hàng nhưng cửa đóng then cài, nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng đang đứng chờ.

"Khi tin tức SVB bị đóng cửa được công bố, tôi như bị rút cạn oxy. Toàn bộ tài sản công ty, vốn liếng khởi nghiệp của chúng tôi đều ở đó. Hơn 50 con người đang chờ lương vài ngày nữa. Startup có nguy cơ sụp đổ ngay trước mắt", Thanh nói.

Cô và ban lãnh đạo tính đến những phương án như bỏ tiền túi để trả nhân viên tháng này, đi mượn tiền để thanh toán lương, thông báo tình hình với toàn nhân viên, thậm chí cắt giảm nhân sự. Trường hợp xấu nhất là phải xin phá sản, đóng cửa công ty. Thanh cho biết 48 giờ qua là thời gian tồi tệ nhất của cô kể từ khi bắt đầu đặt chân đến nước Mỹ, theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp cách đây vài năm.

Trong khi đó, Tú Trần, kỹ sư công nghệ làm việc tại một startup về AI, nói anh "sốc mạnh, như sấm đánh ngang tai" khi nghe tin về SVB. "Tôi gần như đã cạn kiệt sức lực mới tìm được công việc này sau khi bị cuốn vào làn sóng sa thải lịch sử. Nếu công ty gặp vấn đề, những nhân sự mới như tôi sẽ bị cắt giảm đầu tiên".

Tú kể, khi bị cho thôi việc ở công ty trước, anh như bị "ném tõm xuống hồ nước rồi may mắn vớ được tấm ván bấu víu". Tuy nhiên, hai ngày cuối tuần, anh cảm thấy tấm ván - startup mới nhận anh vào làm - như đang chìm dần. Anh gần như rơi vào hoảng loạn vì cú sập SVB có thể sẽ quét sạch thành trì cuối cùng của các kỹ sư đến Mỹ theo diện visa H-1B như anh.

"Mọi người trong gia đình đều hiểu, nếu ngay cả công ty này cũng không trụ lại được, chúng tôi phải rời Mỹ. Gần như không còn cơ hội nào", Tú Trần kể. Anh đã tính đến tình huống xấu nhất là từ bỏ "giấc mơ Mỹ", quay về quê nhà vì mệt mỏi trước những cú sốc của Thung lũng Silicon trong thời gian ngắn.

"Có thể thở phào được rồi!"

Rạng sáng 13/3 (giờ Hà Nội), Tú Trần cho biết anh và gia đình đã có thể thở phào khi nghe tin chính phủ sẽ đảm bảo khoản tiền gửi tại SVB cho các khách hàng. Điều này đồng nghĩa startup anh mới gia nhập sẽ có thể hoạt động bình thường.

"Ổn cả rồi. Chúng ta đã được cứu. Mọi người hãy đi làm bình thường", Tú nhận được tin nhắn từ sếp gửi trong nhóm chat của công ty sau hai ngày dài im lặng.

Còn Phương Thanh nói cô như "sống lại lần nữa" khi biết tin khoản tiền gửi của công ty đã an toàn. "48 giờ đáng nhớ. Cảm giác như đang đứng bên bờ vực, có thể trắng tay rồi lại được hoàn trả", nữ CFO kể. Cô cho biết ngay trong sáng thứ Hai, cô sẽ tiếp tục tìm cách rút khoản tiền đang gửi và phân bổ ở nhiều nơi.

Trước đó trên Twitter, Garry Tan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty hỗ trợ khởi nghiệp Y Combinator (YC), cảnh báo: "Nếu chính phủ không can thiệp, tôi nghĩ cả một thế hệ startup có thể bị xóa sổ".

Còn theo Lê Văn Thành, kiến trúc sư giải pháp tại Google, trong các đợt sa thải trước, mọi người thường tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng để nhanh chóng tìm được việc mới. Trong khi đó, ở lần này, hầu hết startup không dám nói ra vì lo ngại ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến hoạt động của công ty.

"Nếu không được hỗ trợ kịp thời, các startup nhỏ, nhân sự dưới 100 người sẽ là những nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng SVB. Thảm họa này có thể sẽ khiến các công ty startup bị kéo lùi 10 năm", ông Thành nói về trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Thành lập năm 1983, Silicon Valley Bank trở thành ngân hàng lý tưởng cho các startup, nhất là lĩnh vực công nghệ - vốn được đánh giá là quá rủi ro trong mắt những ngân hàng lớn và lâu đời. Trên website, SVB tự giới thiệu là ngân hàng được lựa chọn bởi gần một nửa các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi các quỹ tại Mỹ. Tuy nhiên, ngày 10/3, SVB bị giới chức California đóng cửa và được coi là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.

(Nguồn: Vnexpress)

Hội phụ nữ Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức Đại hội lần thứ nhất

Đại sứ Phan Đăng Đương hy vọng Hội phụ nữ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ luôn là một mái nhà ấm áp nghĩa tình, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc gian khó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngày 12/3, Hội phụ nữ Việt Nam tại Thụy Điển đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại thành phố Malmo để kiện toàn tổ chức, đề ra phương hướng và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Tham dự Đại hội có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Phan Đăng Đương cùng các cán bộ Đại sứ quán, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Thụy Điển Lê Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thế Huỳnh, đại diện các hội đoàn người Việt tại Thụy Điển, cùng đông đảo chị em phụ nữ và các vị khách đến từ mọi miền Thụy Điển.

Diễn ra hai tháng sau khi Hội Phụ nữ Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức lễ ra mắt ở thủ đô Stockholm, Đại hội lần thứ nhất là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần kiện toàn cơ cấu tổ chức và đề ra phương hướng hoạt động cụ thể của Hội trong thời gian tới.

Đại hội cũng đánh dấu giai đoạn trưởng thành và ngày càng lớn mạnh của Hội Phụ nữ, thể hiện vai trò của Hội trong việc quy tụ chị em người Việt tại Thụy Điển vào một mái nhà chung nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống nơi đất khách quê người.

Tại Đại hội, bà Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội phụ nữ nhiệm kỳ thứ nhất đã thay mặt Ban chấp hành Hội bày tỏ quyết tâm xây dựng và phát triển Hội Phụ nữ luôn đoàn kết, vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của chị em phụ nữ người Việt tại Thụy Điển, thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội đa dạng, lôi cuốn, đóng góp tích cực cho hoạt động của cộng đồng người Việt tại đất nước Bắc Âu này.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Phan Đăng Đương ghi nhận và đánh giá cao vai trò của chị em phụ nữ kiều bào tại Thụy Điển thời gian qua đã luôn tiên phong, đi đầu trong công tác hảo tâm, quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, dịch bệnh; tham gia tích cực các phong trào giao lưu văn hóa, văn nghệ tại địa bàn, nhất là các cuộc thi nhằm tôn vinh sắc đẹp, phẩm hạnh của phụ nữ kiều bào tại châu Âu với những kết quả đáng tự hào.

Đại sứ hy vọng Hội Phụ nữ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ luôn là một mái nhà ấm áp nghĩa tình, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc gian khó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, luôn có lòng tự tôn dân tộc và hướng về quê cha, đất tổ, cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Thụy Điển.

Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Thụy Điển Lê Sơn Hà đã phát biểu chúc mừng Đại hội, bày tỏ tin tưởng Hội phụ nữ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động của Liên hiệp hội người Việt Nam tại Thụy Điển.

Sau chương trình chính thức của Đại hội, các đại biểu cùng đông đảo bà con kiều bào đã cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các ca sĩ người Việt đang sinh sống tại Thụy Điển trình bày và các món ăn truyền thống Việt Nam do chính chị em trong Hội phụ nữ chuẩn bị.

Đại hội diễn ra sôi nổi và kéo dài hơn 4 giờ trong bầu không khí cảm động, ấm áp nghĩa tình của những người con xa quê hương luôn đau đáu hướng về đất nước.

(Nguồn: Việt Báo)

Ke Huy Quan giành tượng vàng Oscar ‘truyền cảm hứng’ cho người gốc Việt

(Ảnh minh họa).

Việc Ke Huy Quan, diễn viên được sinh ra ở Việt Nam đầu tiên giành giải vàng Oscar, đã gây hứng khởi cho những người gốc Việt ở Mỹ và được ca ngợi là thành công cho những người làm điện ảnh gốc Á ở Hollywood.

Trong bài phát biểu đầy cảm xúc khi nhận giải cho vai diễn trong “Everything Everywhere All at Once”, Ke Huy Quan, một người tị nạn đến Mỹ sau chiến tranh Việt Nam, nói rằng “đây là giấc mơ Mỹ” mà anh đã từng “gần như từ bỏ” theo đuổi nó.

Từng là một ngôi sao nhí khi đóng cùng tài tử Harrison Ford trong bộ phim “Indiana Jones” của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, Ke Huy Quan sau đó đã phải lùi về sau hậu trường khi không có được các vai diễn để thể hiện tài năng của mình. Việc nam diễn viên 52 tuổi giành giải Oscar trong hạng mục vai phụ xuất sắc nhất được xem là một trong những sự trở lại ngoạn mục nhất trong lịch sử Hollywood.

Chiến thắng của anh được xem như chiến thắng cho giới nghệ sỹ gốc Á nói chung và gốc Việt nói riêng.

“Tôi rất xúc động khi thấy Ke Huy Quan đoạt giải Oscar vì (tôi) thấy (anh) rất xứng đáng,” chị Ysa Le, người đồng sáng lập và thành viên ban điều hành Viet Film Fest có trụ sở ở California, nói. “Khi lên nhận giải, Ke Huy Quan cũng nói ngay thân phận của anh là một refugee, một người tị nạn, đến Mỹ và đây là một giấc mơ Mỹ khi anh cầm được tượng vàng Oscar trong tay.”

Trước khi tới Mỹ, Ke Huy Quan và gia đình phải ở trong một trại tị nạn Hong Kong sau khi rời bỏ Việt Nam. Dù trở thành một ngôi sao khi mới 12 tuổi, nhưng Ke Huy Quan trong hàng chục năm sau đó không có vai diễn lớn nào vì là một diễn viên gốc Á.

Chị Ysa, cũng là giám đốc điều hành của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ, cho rằng Ke Huy Quan đã phải trải qua “nhiều cay đắng cũng như làm việc cật lực cũng như rất nhiều hy vọng bị dập tắt” nên nó đúng là một giấc mơ như diễn viên này nói khi nhận giải đêm 12/3 ở Los Angeles.

“Nó là một giấc mơ đẹp và (tôi) rất là mừng cho một tài tử đã rất kiên trì theo đuổi đam mê của mình,” chị Ysa nói.

Ke Huy Quan thổ lộ trong những lần nhận giải thưởng tiền Oscar rằng anh thậm chí đã mất bảo hiểm y tế vì không có việc sau khi đóng xong “Everything Everywhere”, bộ phim bị hoãn công chiếu hai năm vì đại dịch COVID.

Nói với VOA ngay sau khi He Huy Quan làm nên lịch sử khi là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giành giải Oscar, diễn viên Kiều Chinh bày tỏ niềm vui và “chúc mừng” anh.

“Mừng vô cùng khi anh cũng là người có gốc Việt Nam, đó là một vinh hạnh chung và chúc mừng cho sự nghiệp của anh,” Kiều Chinh, diễn viên gốc Việt ở Mỹ được nhiều người biết tới qua bộ phim “Joy Luck Club” (Phúc Lạc Hội), nói.

Ke Huy Quan được sinh ra trong một gia đình gốc Hoa ở Sài Gòn và đến Mỹ năm 1979. Gia đình anh vượt biển để chốn chạy khỏi Việt Nam sau 3 năm có sự hiện diện của quân Bắc Việt tại thành phố. Trong bài phát biểu khi nhận giải tối 12/3, Ke Huy Quan nói rằng cuộc hành trình của anh để được “đứng trên sân khấu lớn nhất của Hollywood… bắt đầu từ một chiếc ghe” và sau đó là “một năm trong trại tị nạn”.

Trong hàng chục năm trước khi được hai đạo diễn Daniel Kwan và Daniel Scheinert tuyển vào vai cho bộ phim “Everything Everywhere”, Ke Huy Quan làm việc phần lớn sau camera trong vai trò trợ lý đạo diễn. Dù tốt nghiệp nghệ thuật điện ảnh tại Đại học Los Angeles, nhưng Ke Huy Quan, giống như nhiều diễn viên gốc Á, phải rất khó khăn để tìm vai diễn.

Tại Hollywood, các diễn viên gốc Á thường được xem là phải vật lộn trong nghề vì các nhà sản xuất phim cho rằng họ “không thể làm phim bán chạy”, theo như lời của diễn viên James Hong, 94 tuổi và từng đóng cùng huyền thoại Clark Gable cách đây 7 thập kỷ.

Nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, đạo diễn gốc Việt Duc Nguyen, người có hơn 20 năm hoạt động trong ngành điện ảnh ở Mỹ, cũng cho biết diễn viên gốc Á ít có chỗ đứng trong làng giải trí đầy cạnh tranh này.

Nhưng với sự phát triển của nền kinh tế cùng nhu cầu tăng cao từ khán giả châu Á cũng như sự đa dạng hóa nhiều hơn trong nền văn hóa và nghệ thuật Mỹ, các bộ phim cùng các diễn viên châu Á trong những năm gần đây đã “chiếm sóng” màn ảnh Hollywood nhiều hơn. “Crazy Rich Asians” là một ví dụ khi “gây bão” tại các phòng chiếu phim ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Bộ phim “Everything Everywhere”, ra mắt năm 2022, đã giành được nhiều đề cử Oscar nhất trong năm nay, với 11 đề cử, và giành chiến thắng 7 trong số đó. Với dàn diễn viên chính hầu hết là gốc châu Á, như Ke Huy Quan, Michelle Yeoh (Dương Tử Quỳnh) hay James Hong, bộ phim được ca ngợi về sự sáng tạo và cách làm phim cuốn hút, thú vị.

Trong bộ phim này Ke Huy Quan đóng vai người chồng của nhân vật do Dương Tử Quỳnh thủ vai - khi họ cùng tìm cách kết nối lại với cô con gái trong câu chuyện đa chiều xuyên không gian và xuyên thời gian. Vai diễn này cũng mang về cho Dương Tử Quỳnh, diễn viên gốc Malaysia, tượng vàng Oscar cho vai nữ chính xuất sắc nhất và cũng đưa bà trở thành nữ diễn viên gốc Á đầu tiên giành giải thưởng này.

Cả đạo diễn Duc Nguyen và Ysa Le đều ca ngợi tài năng diễn xuất của Ke Huy Quan trong bộ phim này cũng như cảm phục sự đam mê theo đuổi nghề diễn của anh để thành công dù sau nhiều năm vật lộn tìm vai diễn.

Theo chị Ysa, chiến thắng của Ke Huy Quan tại Oscar cũng là “chiến thắng cho người làm điện ảnh gốc Á”.

“Chiến thắng giải Oscar này của (Ke Huy Quan) làm cho nhiều người cảm thấy hứng khởi, nhất là những bạn muốn theo đuổi đam mê của mình trong bất cứ lĩnh vực nào khi nhìn thấy câu chuyện như vậy,” chị Ysa, bản thân cũng là một di dân tị nạn tới Pháp trước khi nhập cư vào Mỹ đầu thập niên 1980. “Đây là một sự khuyến khích rất lớn (cho người gốc Á) và hy vọng rằng càng ngày Hollywood càng nhận ra rằng có rất nhiều tài năng của nhiều sắc dân khác nhau đều có thể chinh phục được khác giả ở khắp nơi.”

Cùng nhận định, diễn viên Kiều Chinh, hiện cũng mới tham gia một số dự án phim ở Mỹ, cho biết bà cũng vui mừng khi thấy “ngành điện ảnh ngày càng tiến xa.”

“Những người châu Á làm phim đã được nằm trong sinh hoạt chung của Hollywood, và nhất là Oscar năm nay, cuốn phim ‘Everything Everywhere All at Once’ được rất nhiều đề cử và xin chúc mừng cho ngành điện ảnh của châu Á,” Kiều Chinh nói.

(Nguồn: VOA)

Người Việt tại Hoa Kỳ: Nghề nail đem lại thu nhập nhưng nuôi dưỡng 'văn hóa tiểu nông'?

Theo quan sát của tôi, khi ở Việt Nam bạn có thể là kỹ sư, giáo viên, nhân viên văn phòng, kinh doanh, nông dân nhưng lúc qua Mỹ đều có thể làm nail. Vì đây là nghề mưu sinh nơi đất khách xem ra thích hợp với người Việt ở sự tỉ mỉ, khéo léo và tính nghệ thuật không đòi hỏi quá cao và cả không cần phải biết tiếng Anh.

Nghề nail công việc phổ biến ở Mỹ

Phở là món ăn nổi tiếng nhất của người Việt ở Mỹ. Nhưng nghề phổ biến nhất của cộng đồng gốc Việt tại Mỹ thì đó là nghề làm nail.

Tiệm nail có mặt ở hầu hết các khu buôn bán, trung tâm thương mại ở Mỹ.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, theo khảo sát cộng đồng người Mỹ của Cục điều tra dân số ước tính, khoảng 12% người Mỹ gốc Việt tham gia lao động trong ngành nail.

Thống kê của Hội Nghề Làm tóc và Thẩm mỹ của tiểu bang California có 80% thợ nail và thợ thẩm mỹ được cấp phép trong tiểu bang là người gốc Việt.

Còn tại Texas, trong một báo cáo được đăng trên trang website của Đại học Rice ở Houston, Texas năm 2021, con số này khoảng 76%. Các tiểu bang có đông người gốc Việt khác, số người Việt gắn với làm nail cũng không hề nhỏ.

Ở những tiểu bang có ít người Việt sinh sống hơn lại có kiểu làm gọi là làm nail xuyên bang. Theo đó, người Việt này từ tiểu bang khác đến một tiểu bang ít người Việt sinh sống để làm nail.

Làm nail xuyên bang phải chịu cảnh xa gia đình, nhưng bù lại có mức thu nhập cao hơn.

Trong tất cả thợ nail có gốc gác nhập cư ở Mỹ, người Việt chiếm 74%.

Nước Mỹ ‘khát’ thợ nail

Trên cả nước Mỹ đang có hơn 10 triệu việc làm cần người làm, trong đó có cả việc chờ người tại các tiệm nail.

Mấy năm vì đại dịch vừa qua, số hồ sơ được xét duyệt để vào Mỹ chậm lại, trong đó có người Việt, làm cho nguồn thợ nail mới trở nên ít hơn. Điều này dẫn đến nhiều tiệm nail đều trong tình trạng thiếu thợ, giữa bối cảnh người Mỹ vẫn tiêu tiền nhiều từ năm 2021 đến nay.

Trên các trang Facebook của cộng đồng người Việt ở Mỹ ngày nào cũng có tin từ các tiệm nail tuyển thợ.

Người từ Việt Nam mới qua Mỹ dễ dàng bắt đầu công việc mới với nghề làm nail. Họ có thể chọn cách học xong trong vòng 3 – 6 tháng rồi làm, hoặc chỉ ghi danh lấy giờ và họ đi làm rèn tay nghề ngay tại tiệm nail.

Cách thứ hai này không đúng luật cho cả trường dạy và chủ tiệm nail. Dù vậy, tại các thành phố có sự dễ dãi, các trường dạy nail chấp nhận điều này để có học viên và tiệm nail có người làm.

Học phí để có được bằng nail không quá cao, chỉ khoảng hai nghìn USD.

Nhiều bạn trẻ gốc Việt ngày thường đi học, nhưng cuối tuần, dịp hè họ gắn với nghề nail. Đây là cách các bạn trẻ này có thêm thu nhập bằng nghề tạm thời tốt hơn so với nhiều công việc khác.

Có không ít người đã ra trường, đi làm với công việc đúng chuyên môn, cuối tuần, ngày nghỉ họ vẫn gắn với việc đi làm nail để thêm thu nhập.

Không ít bạn trẻ từ Việt Nam sang Mỹ với lý do du học, nhưng trên thực tế thời gian tại các tiệm nail của họ nhiều hơn ở trường. Các bạn này thường ở lại hợp pháp sau đó bằng cách kết hôn với người cư trú hợp pháp ở Mỹ. Và thường sau đó họ không bao giờ tốt nghiệp được trường đại học nào tại Mỹ.

Nghề nail không phải trả lương cao, nhưng nhờ có tiền tip (tiền bo) nên tổng thu nhập trong ngày không thấp, có thể nói là đồng lương hậu hĩnh.

Bên cạnh trả lương theo ngày (bao lương), tại nhiều tiểu bang còn có cách thợ chia tiền với chủ tiệm nail trên số tiền khách hàng trả cho chi phí dịch vụ họ được làm (ăn chia). Thường thợ nail lấy 60%, chủ lấy 40% từ số tiền của khách.

Nghề nail góp phần không nhỏ vào sự khấm khá của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ.

Tôi có người quen đến Mỹ hơn chục năm, cả hai vợ chồng đi làm nail. Giờ họ làm chủ hai tiệm nail lớn, nắm trong tài sản hàng triệu đô. Khối tài sản mà nhiều người Mỹ mơ ước.

Ân nhân ngành nail của người Việt

Nữ diễn viên Tippi Hedren, sinh năm 1930 và hiện vẫn còn sống, được coi là ân nhân của người Việt đang gắn với công việc làm nail.

Theo đó, sau biến cố 30/4/1975, diễn viên Tippi Hedren lúc đó là điều phối viên cứu trợ quốc tế của Food for the Hungry. Cô đến thăm những người tị nạn từ Việt Nam mới đến sau biến cố 30/4/1975 tại Hope Village, ngoại ô Sacramento, California.

Nhìn thấy những người từ Việt Nam này thích bộ móng tay của mình. Từ đây cô Tippi Hedren nảy ra ý định mời thợ làm móng của mình là Dusty Coots đến trại tị nạn dạy những người phụ nữ Việt đầu tiên cách làm móng. Sau đó cô phối hợp với một trường dạy thẩm mỹ tại địa phương tìm việc làm sau khi đã học nghề.

Từ lớp học này, giấy phép làm móng riêng rẽ đầu tiên được cấp. Trước đó, giấy phép được cấp phép cho cả tóc và móng.

Công việc của Hedren với người Mỹ gốc Việt được đạo diễn Honey Lauren thực hiện một số phim tài liệu: Phim có tên Happy Hands đã đoạt giải Phim tài liệu ngắn hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Sonoma năm 2014; còn phim Nailedit – nói về người gốc Việt với nghề nail tại Mỹ đã giành được Giải thưởng Quỹ Tài liệu năm 2014 của Trung tâm Truyền thông Người Mỹ gốc Á.

Thói quen ‘chợ VN’ ở các tiệm nail

Do trong tiệm nail thợ vừa làm vừa nói chuyện, các thói tiểu nông từ VN mang qua được thể hiện một rất rõ. Chuyện vợ chồng nhà người ta, chuyện ai đó bị tai nạn, chuyện con cái nhà ai không ngoan, chuyện nhà bị trộm…chuyện nào cũng dễ dàng được kể đi kể lại, bàn tán, bình phẩm với nhau.

Ở tiệm nail, chuyện từ nhà ra phố được truyền đi một cách nhanh chóng. Cách nhìn hiện đại có thể thấy, mỗi tiệm nail như một tờ báo. Chỉ khác thông tin thường thiếu sự xác minh, theo kiểu nghe kể lại.

Nói một cách khác, các tiệm nail giữ cho cộng đồng người Việt tại Mỹ dù sống trong khu vực vài thành phố cạnh nhau vẫn có tính thông tin như một làng quê truyền thống của người Việt.

Tính lắm điều, nhiều chuyện trong các tiệm nail như không gian để người Việt gần gũi với thói quen không khác ở quê nhà.

Nhưng không phải người phụ nữ Việt nào cũng thích điều này.

Gần nhà tôi ở Tacoma, bang Washington có chị Hân, qua Mỹ lúc gần 50 tuổi. Ngay khi đến Mỹ chị chọn cách đi làm nail như nhiều đồng hương. Làm hơn 6 tháng chị nghỉ, xin chuyển tới một công ty dù thu nhập ít hơn.

Chị Hân nói, không thể tiếp tục làm nail là vì tính người Việt với nhau. Mới vào chưa giỏi nghề bị ăn hiếp theo kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”.

Người làm lâu hơn, họ biết ai là khách sộp (tip nhiều) dùng chiêu để dành, dù người khách đó theo lượt sẽ là đến phiên mình. Đến việc chia phe, người này nói xấu những người họ không ưa.

Đây cũng là những lý do phổ biến tôi nghe được từ nhiều người phải chia tay với nghề nail.

Mặt trái nữa là không ít tiệm nail của người Việt cũng là nơi thể hiện sự phân biệt chủng tộc. Sự phân biệt không giấu giếm trong người Việt về màu da nào cho tiền tip cao. Phân biệt chủng tộc công khai trên không gian mạng với tiếng Việt khi giới thiệu “tiệm khu Mỹ trắng”, thay vì nói khu khách sang để tuyển thợ. Cũng may cho họ, dân Mỹ chẳng có mấy người biết tiếng Việt.

Và con số không nhỏ người Việt vẫn tiếp tục sang Hoa Kỳ, góp phần thêm đông đảo vào lực lượng làm nail, duy trì nuôi dưỡng tiếp những định kiến, thói quen phát ngôn, suy nghĩ, hành xử “từ quê” đem sang.

(Nguồn: BBC)

Cậu bé 12 tuổi sống ở Pháp luôn đam mê quảng bá văn hoá Việt: Là người khởi xướng dự án ý nghĩa về áo dài

(Ảnh minh họa).

Từ lúc mới 2,5 tuổi, Kevin đã cùng gia đình sang Pháp. Được "tắm" mình trong ngôn ngữ và văn hóa bản xứ, tuy nhiên, cậu bé không quên nguồn cội và bản sắc Việt Nam.

Học "siêu đỉnh", thành thạo nhiều ngoại ngữ, là nghệ sĩ saxophone nhí trình diễn tại nhiều sự kiện âm nhạc lớn... chừng đó ưu điểm vẫn chưa thể phác thảo đầy đủ hình ảnh cậu bé đa tài 12 tuổi - Nam Khánh Kevin hiện sống ở Pháp.

Bởi đặc biệt hơn, Kevin còn là diễn giả nhỏ tuổi với kinh nghiệm gần 2 năm làm diễn giả đứng lớp, quảng bá văn hoá, những phong tục, truyền thống Việt tại sự kiện hay các trường học. Mới đây, cùng với 25 bạn học sinh, sinh viên người Việt từ 12-19 tuổi, đến từ Mĩ, Pháp, Anh, Úc và Việt Nam, Kevin khởi xướng dự án 2LIFE Áo dài thu hút sự quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.

"Vì Việt Nam là quê hương" nên tình yêu văn hóa Việt cần được ươm mầm

Từ lúc mới 2,5 tuổi, Kevin đã cùng gia đình sang Pháp. Được "tắm" mình trong ngôn ngữ và văn hóa bản xứ, tuy nhiên, cậu bé không quên nguồn cội và bản sắc Việt Nam, luôn được "trở về Việt Nam" qua lời kể của mẹ - nhạc sĩ Hoàng Thu Trang.

Chị Trang là người say mê tham gia và tổ chức các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là hoạt động liên quan đến quảng bá văn hóa Việt Nam cho các em nhỏ gốc Việt sinh ra ở nước ngoài. Ngay từ nhỏ, Kevin đã được theo mẹ lên sân khấu, giúp mẹ dọn dẹp hậu trường, làm trợ giảng... 6 năm dài đồng hành miệt mài đã giúp cho cậu bé trưởng thành cả trong suy nghĩ lẫn kỹ năng. Tình yêu với văn hóa Việt, niềm đam mê truyền bá văn hóa tới bạn bè quốc tế của Kevin ngày càng được hun đúc và nuôi lớn.

Hai năm nay, với hành trang là chiếc vali với rất nhiều nguyên vật liệu "rất Việt" như chuồn chuồn tre, nước mắm, đôi đũa, áo dài, phong bao lì xì, mứt tết hay là múa lân... cùng phong thái tự tin và đáng yêu, cậu bé 12 tuổi đi qua nhiều trường học, lan tỏa niềm yêu thích văn hóa Việt cho các bạn bè đồng trang lứa người Pháp. Rất nhiều bạn học sinh từ hiểu đến say mê, muốn đến để có thể hiểu cặn kẽ và rõ ràng hơn về văn hóa Việt.

Với mỗi địa điểm, Kevin sẽ triển khai trong 3 ngày. Có những chương trình cậu bé và ekip dành 4 tiếng đồng hồ không nghỉ để set up (sắp đặt), decor (thiết kế), dạy workshop và giao lưu, tổ chức các hoạt động, trò chơi giúp khám phá văn hoá Việt Nam cho 80 em cùng 1 lúc…

Điều này không chỉ đòi hỏi phải chuyên nghiệp, có kĩ năng, có kiến thức và khả năng xử lý tình huống… mà speaker (người thuyết trình) phải luôn phải vui vẻ, sinh động, toả ra năng lượng tích cực. Đây thật sự là 1 công việc không đơn giản, phải khoẻ, phải yêu mến và đam mê, và phải kiên trì, muốn cống hiến (thời gian, công sức, tiền bạc) thì mới làm được.

Dù có những lúc mệt mỏi, nhưng bù lại, sự tham gia rất nhiệt tình, nụ cười tươi rói, ánh mắt cảm động của cả học sinh lẫn các cô giáo là món quà giúp cho Kevin và các thành viên quên hết mọi vất vả.

Mang lại cho những chiếc áo dài "một cuộc đời khác"

Tình yêu sâu đậm với văn hóa Việt cũng chính là lý do Nam Khánh Kevin cùng các cộng sự khởi xướng 2LIFE Áo dài - dự án kêu gọi ủng hộ áo dài trên khắp thế giới. Những chiếc áo dài còn mới, đẹp, nhưng đã chật hoặc không có nhu cầu sử dụng sẽ được giặt sạch, là phẳng, viết thêm vài dòng đề tặng hoặc giới thiệu đơn giản và gửi đến các điểm ở khắp thế giới: Việt Nam, Pháp, Anh, Mỹ, Úc…

Hơn 500 chiếc áo dài được ủng hộ sẽ được trưng bày tại FESTIVAL VIETNAM (một chuỗi sự kiện như hòa nhạc, triển lãm tranh... ở thành phố biển Larmor Plage, Pháp) cùng với những bức thư (sẽ được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh) nhằm quảng bá vẻ đẹp của văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế đồng thời gây quỹ giúp đỡ cho 3 trại trẻ mồ côi Bắc, Trung, Nam tại Việt Nam.

Khách tham quan khi quyên góp số tiền bất kì vào quỹ sẽ được tặng một chiếc áo dài. Đây vừa là một cách lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa Việt, bảo vệ môi trường, tránh lãng phí, vừa là hoạt động ý nghĩa kỉ niệm 50 năm quan hệ Việt - Pháp.

Với 2LIFE Áo dài, những chiếc áo dài có thể tiếp tục cuộc hành trình bất tận của mình, được yêu thêm lần nữa, được lần thứ 2 "sống một cuộc đời khác". Mỗi chiếc áo không chỉ mang ý nghĩa cho đi mà qua những tin nhắn, cánh thư gửi kèm, còn mang theo rất nhiều câu chuyện và kí ức vô giá.

Chẳng hạn như những lời chia sẻ chân tình từ cô Phí Thị Vân Anh (Trường ĐH Giao thông vận tải): "Là phụ nữ Việt Nam, hầu như ai cũng có cho mình ít nhất 1 bộ áo dài. Còn với giáo viên như tôi, chúng tôi có nhiều hơn thế. Mỗi chiếc áo của tôi đều gắn với một kỷ niệm, một sự kiện nhất định. Có chiếc đã 24, 25 năm về trước, tôi mặc trong lễ đính hôn của mình, rồi dự cưới em gái. Có chiếc được may trong sự kiện nhận thưởng, có chiếc được mua trong chuyến đi hội thảo ở Huế, có chiếc được tặng vì một tình yêu thương...

Nhưng vạn vật đều có sự sinh trưởng rồi kết thúc. Mặc dù tôi vẫn rất yêu quý các bạn áo dài, các bạn vẫn cực kỳ xinh đẹp và quyến rũ, nhưng tôi đã không còn phù hợp với các bạn nữa, tôi muốn tìm cho các bạn ấy một cuộc sống mới".

Đây không phải là dự án lớn đầu tiên Kevin khởi xướng và tham gia, tuy nhiên, “2 Life Áo dài” mang đến cho cậu bạn này một cảm xúc khác. Cảm giác chờ từng chiếc áo dài đầu tiên được gửi đến, vỡ òa vì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình bất ngờ, đọc, nghe từng tin nhắn, bức thư tay... khiến các em cảm thấy chưa bao giờ khái niệm "tự hào dân tộc" lại cụ thể và gần gũi đến thế.

Chính Kevin và các bạn trong dự án sẽ trực tiếp trình bày trong triển lãm, để truyền tải thông điệp đến thế giới. Đó chính là tinh thần giới thiệu văn hóa Việt Nam của thế hệ trẻ Việt Nam. Họ rất nhiệt tình, hiếu khách, năng động và yêu hòa bình, mong muốn tiếp nối với cả thế giới.

Nói về những hoạt động quảng bá văn hóa Việt của Kevin, cũng như tầm quan trọng của việc bồi đắp cho con tình yêu về nguồn cội và bản sắc dân tộc, chị Hoàng Thu Trang, mẹ em Kevin cho rằng, có thể khi sinh ra, mình có sẵn dòng chảy Việt Nam ở trong tim nhưng tình yêu ấy cần được nuôi dưỡng.

Đồng thời, để tình yêu biến thành hành động còn cần cả sự chăm chỉ và nỗ lực. Nỗ lực tìm hiểu văn hóa Việt Nam, nỗ lực để duy trì hay chuẩn bị những gì tốt nhất để khi có cơ hội sẽ không ngại ngần giới thiệu điều đó đến mọi người.

"Bản thân mình thật tự hào khi thấy con và các bạn đều trưởng thành hơn qua mỗi chuyến đi, học được rất nhiều kĩ năng, kiến thức và quan trọng hơn cả là vun đắp tình yêu quê hương trong tim, nuôi lớn nó mỗi ngày", chị Trang chia sẻ.

(Nguồn: Tổ Quốc)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang