Người Việt hải ngoại: 'Con đường của phở' ở Mỹ; Đầu bếp Christine Hà; Startup ở Nhật; Ngư dân bị Indonesia bắt giữ

"Con đường của phở" ở Mỹ

Khi nói về điểm đến ẩm thực hấp dẫn ở bang Texas của Mỹ, TP Garland không phải là cái tên thường được nhắc tới. Thế nhưng, cộng đồng người Việt nhanh chóng phát triển tại đây đang tạo ra một đời sống ẩm thực sôi động cho thành phố.

Tận dụng lợi thế ẩm thực Việt, bà Veronica Maldonado - Giám đốc truyền thông của Văn phòng Hội nghị và Du khách Garland - đã tổ chức con đường ẩm thực mang tên "con đường của phở", như một cách quảng bá về Garland. Ý tưởng "con đường của phở" thu hút 19 nhà hàng tham gia.

Một trong số này là nhà hàng 286 Noodle House, ở góc đường Jupiter và Walnut cạnh chợ Hiệp Thái. Chủ nhà hàng, anh Nick Nguyen, quyết định "đặt chân" lên "con đường của phở" sau khi gặp được nhiều người chưa từng biết về món ăn nổi tiếng này của Việt Nam.

Với quan niệm đây là món ăn thật sự hoàn hảo, anh Nguyen mong muốn "tất cả mọi người đều biết về phở".

Điều đặc biệt của món phở tại nhà hàng anh là được nấu theo công thức của chính mẹ anh. Trước tiên, xương bò được đun sôi trong 15 phút để làm sạch, sau đó rửa lại và ninh trong 16 giờ, hớt sạch bọt để nước dùng được trong.

Tiếp theo, cho thịt bò vào nồi nước dùng nấu trong 3 giờ, rồi vớt ra và thêm hoa hồi, quế cùng các loại gia vị khác vào. Khoảng 5-10 phút sau, gian bếp ngập mùi thơm. Bản giao hưởng của hương vị đem ký ức tuổi thơ quay về trong tâm tưởng anh Nick Nguyen. Anh nói: "Chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu trong phở".

Không riêng anh Nick Nguyen, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn Việt ở Garland trở thành người lưu giữ truyền thống và ký ức, chiều sâu ẩm thực và văn hóa Việt qua nhiều thế hệ.

Chính quyền TP Garland cho ra mắt ứng dụng trên điện thoại về "con đường phở", qua đó những người yêu phở hoặc tò mò về món ăn này có thể đánh dấu nhà hàng đã đến thưởng thức.

Theo báo The Dallas Morning News, bà Maldonado kỳ vọng thông qua những trải nghiệm tại các nhà hàng nhỏ ở địa phương, du khách quen thuộc hơn với Garland, với cộng đồng cũng như văn hóa địa phương.

Ông Hiep Tran, người đã chuyển đến Garland 38 năm trước, hy vọng "con đường của phở" sẽ là cầu nối cho cư dân bên ngoài Garland hòa nhịp với cộng đồng người Việt nơi đây. "Tôi rất muốn mọi người đến Garland để xem cộng đồng người Việt gắn kết như thế nào" - ông Hiep Tran hồ hởi nói.

(Nguồn: Người Lao Động)

Christine Hà và những nhà hàng chuyên món Việt trên đất Mỹ

Tròn 10 năm kể từ sau khi chạm tới ngôi vị cao nhất tại Vua đầu bếp MasterChef Mỹ mùa 3, Christine Ha vẫn được nhắc tới như một nhân vật truyền cảm hứng, nỗ lực vượt lên số phận và là tấm gương sáng cho nhiều đầu bếp trẻ…

Cuối tháng 2 vừa qua, bếp trưởng Christine Hà, Quán quân MasterChef (Vua đầu bếp) năm 2012 ở Mỹ, đã khởi động giai đoạn bán thử tại nhà hàng The Blind Goat ở khu Spring Branch thuộc Houston (Texas). Trong giai đoạn này, nhà hàng chỉ phục vụ một số lượng giới hạn khách và chỉ nhận khách đặt chỗ trước. The Blind Goat là đứa con tinh thần của bếp trưởng Hà và chồng kiêm cộng sự kinh doanh John Suh.

Chia sẻ với trang chuyên về ẩm thực và văn hóa CultureMap, bếp trưởng Christine Hà mô tả nhà hàng The Blind Goat ở Spring Branch lấy nguồn cảm hứng từ các khu chợ hải sản ngoài trời ở Việt Nam và kết hợp nét hiện đại, sang trọng của Houston. Thực đơn chủ đạo của nhà hàng là những món ăn đường phố của Việt Nam và được phục vụ theo phong cách hiện đại. Đến tháng 4, chi nhánh cùng tên ở Stuffed Belly cũng tại Houston sẽ chính thức mở cửa theo mô hình drive-thru, tức người mua hàng đến quầy đặt, lấy món ăn và rời đi mà không phải bước xuống xe.

Trước đó, Christine Hà từng mở một nhà hàng cũng mang tên The Blind Goat, tọa lạc ở Bravery Chef Hall (cũng thuộc Houston). Trong cuộc thi Nhà hàng mới tốt nhất ở Mỹ do Tổ chức James Beard (trụ sở TP.New York, bang New York) thực hiện năm 2020, mô hình nhà hàng của bếp trưởng gốc Việt này đã vinh dự lọt vào vòng bán kết.

Không gian ở đây được trang trí tông màu trầm là chủ đạo với phong cách đậm chất Mỹ hiện đại. Ngoài các bàn ăn độc lập thì bà chủ còn bố trí cả quầy bar để phục vụ những khách đi một mình hoặc muốn ăn nhanh gọn. Christine Hà cũng cẩn thận ghi lại quá trình xây dựng nhà hàng bằng các video với mục đích vừa là lưu lại kỷ niệm và cũng là để chia sẻ với các thực khách về hành trình làm nên thành công của cô.

Nhà hàng có tên thuần Việt là “Dê Mù” bởi vì Christine Hà tuổi dê và cô ấy bị mù. Cũng bởi cái tên này, Hà đưa món thịt dê vào thực đơn của nhà hàng. Đó là một món hầm sang trọng với nguyên liệu là phần thịt vai của con dê được ngâm trong nước sốt dừa và xả. Món này được phục vụ với cơm và một lớp dưa cải như cách mà mẹ của cô đã từng làm. Hà cũng bày tỏ lòng kính trọng với mẹ bằng món khai vị với trứng chiên với thịt lợn và cơm. Hà nói rằng cô phải dựa vào trí nhớ của mình mới có thể gợi lại được hương vị và kết cấu của món ăn.

Ngoài ra, các món ăn của Hà món nào cũng mang hơi hướng của Việt Nam nhưng vẫn pha thêm tinh thần Mỹ, mà cụ thể là vùng Texas nơi cô sinh sống. Những món như mì gạo với đậu phụ và rau xào; bún nấu quả me chua ăn cùng rau và trứng ngâm nước tương; sườn bò hầm sả ngũ vị hương (bò kho) ăn với cơm… Thời gian tới, Hà sẽ còn đưa thêm nhiều món nữa vào thực đơn khi cô nhớ ra những cách nấu xưa kia của mẹ.

Tâm sự về quá trình mở nhà hàng, Hà cho biết bất động sản ở Houston khá đắt đỏ cho nên để tìm được mặt bằng phù hợp không phải là chuyện đơn giản. Thêm nữa, cả cô và chồng đều không có kinh nghiệm trong việc điều hành nhà hàng. Và quan trọng nhất là, trong một căn bếp nhà hàng chuyên nghiệp với những con dao sắc bén, những ngọn lửa hừng hực, những chiếc nồi chiên nặng nề và áp lực bận rộn kinh khủng mỗi khi đông khách dường như không phù hợp với một người đi bộ dò dẫm với một cây gậy trên tay.

Nhưng Christine Hà vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Cô thuê tới 5 đầu bếp và rất nhiều nhân viên khác để truyền lại cho họ cảm hứng nấu ăn. Trước đó, cô phải dạy cho họ cách để làm việc với một người khiếm thị là như thế nào. Rất may cho Hà là cô đã thuê được những người tận tâm, họ thậm chí còn cầm lấy đôi tay của Hà để chỉ cho Hà biết có những gì đang diễn ra trong bếp đồng thời cho cô sống trong một không gian, môi trường như chính những người thân của cô vậy.

Houston là thành phố có cộng đồng gốc Việt lớn thứ ba trên toàn nước Mỹ, vì thế không ngạc nhiên khi nơi này được đánh giá có một số nhà hàng Việt “ngon nhất” nước. Sau thành công của nhà hàng The Blind Goat đầu tiên, năm 2020, vua đầu bếp Mỹ mùa 3 quyết định khai trương thêm một nhà hàng với tên gọi Xin Chào cũng tại Houston. Trong dự án mới này, cô hợp tác cùng Tony J. Nguyen, đầu bếp nhà hàng Saigon House vốn nổi tiếng từ lâu.

Đều là những người Việt thuộc thế hệ thứ hai sinh sống trên đất Mỹ, Tony và Christine cùng theo đuổi lý tưởng về việc tôn vinh, nâng tầm những món ăn dân tộc. Để tạo ra thực đơn độc đáo của Xin Chào, hai đầu bếp đã cùng nhau lựa chọn ra những hương vị đặc trưng, ấn tượng nhất trong các món ăn truyền thống của hai gia đình để sáng tạo món mới với kỹ thuật nấu ăn hiện đại. Từ đó tạo nên sự giao thoa, quyện hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại.

Tháng 8/2022, báo Houston Chronicle đã đăng bài viết tổng hợp về những nhà hàng Việt Nam nổi bật tại thành phố Houston, bang Texas, trong đó có nhắc đến nhà hàng Xin Chào. Theo đó, ngoài món chả giò lấy cảm hứng từ công thức truyền thống của gia đình, Xin Chào còn phục vụ gà rán bơ sả, cơm tấm sườn bò hun khói... và các loại cocktail được sáng tạo để có thể kết hợp hoàn hảo với các món ăn. Christine Hà cho biết: “Với Xin Chào, tôi và Tony chỉ phục vụ những gì mà chính chúng tôi cũng muốn được thưởng thức. Trước mỗi món ăn, chúng tôi liên tục tự hỏi bản thân phải làm sao có thể nâng tầm chất lượng thêm một bậc nữa”.

Christine Hà, hay còn có cái tên thuần Việt là Hà Huyền Trân, sinh năm 1979 tại Los Angeles, California. Tên tuổi của Christine Hà chỉ thực sự được biết đến rộng rãi sau khi cô tham gia cuộc thi truyền hình thực tế Vua đầu bếp MasterChef Mỹ mùa 3 năm 2012 và giành về danh hiệu quán quân.

Sự xuất hiện của Christine Hà khi ấy đã nhận được không ít sự quan tâm của đông đảo khán giả trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Cô là một trong những quán quân đặc biệt nhất của chương trình bởi cô là người khiếm thị đầu tiên tranh tài trong cuộc thi và cũng lần đầu giành về vinh quang sau khi đánh bại hơn 30.000 thí sinh khác.

Chia sẻ với tờ People, Christine Hà nói: "Tôi rất vui khi mọi người được trải nghiệm hương vị và nguyên liệu mà tôi từng ăn. Những hương vị đó đã ảnh hưởng đến triết lý nấu ăn của tôi những năm qua". Nữ đầu bếp nghĩ rằng thỉnh thoảng mình cũng cần làm mới những món ăn truyền thống "mang hương vị hoài niệm" của người Việt cũng như một số món ăn ở Đông Nam Á từng khiến cô ấn tượng trong những chuyến du lịch. Chẳng hạn, ba món ăn biến tấu gần đây nhất của Christine Hà là bò kho với mì Udon, cơm sườn nướng sả, cà ri vàng kiểu Thái với tôm.

(Nguồn: VnEconomy)

Startup Việt chinh phục thị trường Nhật Bản

Từ những cửa hàng phục vụ cho cộng đồng người Việt ở Nhật Bản, những startup của người Việt đã khởi nguồn và gặt hái được thành công trên đất nước Mặt trời mọc, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của người Việt ở nước sở tại.

Bánh mì Xin Chào là thương hiệu của hai anh em Bùi Thanh Duy (37 tuổi) và Bùi Thanh Tâm (32 tuổi) trên đất Nhật Bản sau nhiều nỗ lực, trăn trở. Tâm và Duy là những lưu học sinh đã có nhiều năm sinh sống, học tập, làm việc tại đất nước Nhật Bản.

Khi phải xếp hàng dài ở Tokyo để mua một ổ bánh mì Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, hai chàng trai đã có ý tưởng mang ẩm thực đường phố của Việt Nam để khởi nghiệp tại Nhật Bản, đồng thời cũng là cách để quảng bá văn hóa quê hương ra thế giới.

Bắt tay vào dự án khởi nghiệp, hai anh em vấp phải không ít khó khăn, phải huy động vốn từ gia đình kết hợp với sự đóng góp của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản; phải tìm người bảo lãnh bản địa, tìm xưởng nhận sản xuất bánh mì theo kiểu Việt Nam, tìm địa điểm mở quán, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng khắt khe của người Nhật...

Đến tháng 10/2016, một cửa hàng nhỏ mang tên Bánh mì Xin Chào đã ra mắt trên phố Waseda Dori. Quán lựa chọn tên là Xin Chào, câu nói đơn giản mà bất cứ người nước ngoài nào muốn tìm hiểu về ngôn ngữ hay văn hóa Việt Nam sẽ nghĩ đến. Phiên bản bánh mì ở đây được học hỏi từ bánh mì Phượng (Hội An), cũng gồm nước sốt, bơ, pate, thịt xá xíu,... nhưng được điều chỉnh một chút để ra công thức cuối cùng.

Sau 4 tháng mở ra, cửa hàng bán được khoảng 200 ổ bánh mì mỗi ngày, giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/ổ. Đến nay, hệ thống Bánh mì Xin Chào có 15 điểm bán, phục vụ khoảng 1.800 suất ăn mỗi ngày với nhiều loại bánh mỳ truyền thống Việt Nam như bánh mỳ chả, bánh mỳ ốp la... Dự kiến thời gian tới, Bánh mì Xin Chào sẽ đẩy mạnh nhượng quyền và tìm kiếm đối tác để mang bánh mỳ Việt không chỉ đi khắp Nhật Bản mà còn sang cả nhiều quốc gia khác.

Theo ông Bùi Thanh Tâm, đồng sáng lập Bánh mì Xin Chào, khởi nghiệp chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng ở một quốc gia đang già hóa, nổi tiếng khó tính như Nhật Bản. Bởi vậy, khi bắt đầu dự án phải lên một kế hoạch rõ ràng, tìm hiểu rõ thị trường, thị hiếu khách hàng, tiềm năng phát triển, tính pháp lý và một bạn đồng hành. "Phần còn lại là sự nỗ lực, niềm đam mê, niềm tin mãnh liệt vào những gì mình đã chọn và không ngừng học hỏi, tin rằng mình sẽ sớm thành công", ông nói.

HSC STATION, doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu có trụ sở ở thành phố Fukuoka, miền Nam Nhật Bản cũng có khởi đầu là một cửa hàng bán lẻ trên khu phố Hakozaki, quận Higashi, thành phố Fukuoka. Từ khi ra đời vào tháng 11/2017 đến nay, HSC STATION đã có thêm 2 điểm bán lẻ, 1 cửa hàng online, 2 tổng kho buôn bán với diện tích hơn 500m2, cung cấp hàng hoá cho gần 1.000 đối tác là cửa hàng, tiệm tạp hoá của người Việt, người Trung Quốc và người bản địa trên khắp nước Nhật. Ngoài ra, HSC STATION còn mở thêm hình thức nhượng quyền thương hiệu để hỗ trợ cho các bạn trẻ Việt nam có ý định lập nghiệp, định cư lâu dài tại Nhật Bản.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Thanh Hoàng, một thành viên sáng lập nên HSC STATION kể, những ngày đầu tiên, cửa hàng bày bán khá ít mặt hàng, danh mục nghèo nàn và được trưng bày trong một tiệm tạp hoá vỏn vẹn 60 m². Nhưng rồi doanh nghiệp nỗ lực không ngừng, bổ sung thêm đầu mục sản phẩm, thêm hàng hoá, tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm của khách hàng mỗi lúc một hài lòng. Từ cuối năm 2021, HSC STATION mạnh dạn đầu tư vào thương hiệu Asia no eki, mở siêu thị đồ châu Á quy mô lớn nhất Nhật bản với gần 1.000 mã sản phẩm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... để xâm nhập vào mảng khách hàng quốc tế và người bản địa. Mảng này vốn từ trước đến nay thuộc về các siêu thị đồ châu Á của các ông lớn địa phương như Kaldi, Gyomu... Asia no eki hiện nay đã có 2 chi nhánh tại Fukuoka.

Đối với thị trường được mệnh danh là khó tính với những tiêu chuẩn cao về chất lượng như Nhật Bản, việc đưa được hàng Việt vào là một điều không hề dễ dàng. Nhưng HSC STATION và Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư HSC tại Việt Nam (HSC Investment Corp) luôn kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hình thức OEM, trải qua rất nhiều khâu nghiên cứu phát triển để cho ra những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn Nhật mà vẫn giữ nguyên hương vị Việt và đã thành công nhập khẩu thành công rất nhiều thương hiệu Việt vào Nhật. Trong đó tiêu biểu có thương hiệu: Bánh tráng Tinh Nguyên, đỗ xanh, các loại túi nilong và túi hút chân không…

(Nguồn: Thời Đại)

Ngư dân VN bị Indonesia bắt giữ: chi phí hồi hương cao khó hiểu?

Gần 30 ngư dân Việt Nam hiện đang bị giam tại đảo Tanjung Pinang (Indonesia) từ 3-4 năm nay do bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của nước này. Hầu hết trong số họ đều nghèo khổ, thậm chí phát bệnh trong trại giam. Trong khi đó, chi phí để được hồi hương lại cao một cách khó hiểu.

Có tiền mới được về

Đỗ Minh Dương, năm nay 26 tuổi, một thuyền viên theo ghe đi đánh cá từ vùng biển Vũng Tàu. Anh cùng với 16 người khác đi cùng chuyến, trong đó có hai tài công, bị hải cảnh Indonesia bắt vào tháng 9/2020. Tất cả sau đó được đưa về trại giam ở đảo Tanjung Pinang (Indonesia):

“Mới đi chuyến đầu tiên luôn, lúc trước đi ghe bên kia cũng thấy cảnh tàu bị dí thì cũng sợ, nhưng mà nghĩ cảnh ở nhà đang thiếu nợ người ta cho nên mới đi chuyến này, ai ngờ bị bắt luôn…”

Theo lời anh Dương, thuyền viên đi theo ghe đánh bắt chỉ bị tạm giam chờ ngày làm thủ tục về nước chứ không phải ra toà. Đợt này, Sứ quán Việt Nam tại Indonesia thông báo tổng chi phí để được về nước là 18 triệu 800 ngàn đồng. Số tiền này đã rẻ hơn nhiều so với những năm dịch COVID - 19. Khi đó, con số có khi lên tới hơn 50 triệu đồng mỗi người.

“Có mấy người đi bạn, ai liên lạc được thì ở nhà tự lo, còn ai không liên lạc được, có hoàn cảnh khó khăn thì còn ở lại bên này. Ghe của em hiện tại còn ba người ở bên này.

Nếu mình có 18 triệu 800 ngàn để đóng cho Quỹ bảo hộ công dân thì Đại sứ quán sẽ làm hộ chiếu cho mình, có chuyến bay là về thôi.”

Anh Dương hiện chỉ còn cha già ở Việt Nam. Ông đi làm bảo vệ hàng tháng cũng chỉ đủ để gởi thêm tiền cho anh chi tiêu mỗi tháng, chứ không đủ khả năng đóng gần 20 triệu bảo lãnh con về. Trong khi đó, đi vay mượn thì cũng không ai cho:

“Ông già của em thì già rồi, còn bà già thì mất lúc em ba tuổi. Ông già bây giờ đi làm bảo vệ. Nếu mà có tiền, có điều kiện thì em đã về lâu rồi chứ có đâu mà ở đây tới ba năm cho tới giờ.

Cũng đang cố gắng kêu ông già vay mượn tiền để về nhưng mà cũng chưa có ai cho mượn. Còn hàng tháng thì ông già của em cũng gửi qua để em ăn uống thêm, chứ còn chủ ghe thì nó bỏ luôn rồi.”

Ngư dân đổ bệnh trong tù

Anh Dương cho biết thêm, ở nhà tù này đang còn nhốt 29 ngư dân Việt Nam, hầu hết đều có hoàn cảnh vô cũng khó khăn, không lo nổi số tiền làm thủ tục về nước. Thậm chí, có người đã ngoài 50, sức khoẻ yếu, bệnh tật không đi đứng nổi, nhưng vì không có tiền nên đã bị nhốt đến nay là gần bốn năm vẫn chưa được về.

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Thái Hùng, sinh năm 1970, đi đánh bắt từ huyện Rạch Giá, Kiên Giang. Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, ghe của ông Hùng bị bắt vào ngày 1/3/2020.

Ông Hùng nói, trước khi đi, chủ tàu cam đoan với ông là sẽ không đánh bắt ở vùng biển của nước khác:

“Đầu năm 2020 có người quen ở xóm lại gọi tôi đi ghe biển, ba tháng trả tôi 17 triệu. Tôi không đồng ý đi vì đi vùng biển gần Malaysia tôi sợ bị bắt, bị ở tù lắm. Người đó mới đảm bảo là đi sẽ không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Khi đánh bắt ở nước người ta, người ta bắt thì tài công bỏ chạy, không nghe theo lệnh của người ta. Người ta bắn nhiều lắm, tôi tưởng là chết hết rồi, bò lết hết trên ghe.”

Khi mới bị bắt, ông Hùng nói ông bị hải quân Indonesia đánh đến mức đổ bệnh:

“Khi tôi mới qua đây tôi bị hải quân đánh rồi lâm bệnh. Tôi ở trong phòng cách ly hết hai năm là tôi muốn chết ở trong đó luôn rồi. Khi họ thấy như vậy mới đưa tôi ra… Tôi thở không có nổi, người ta khám bệnh mà không biết làm sao họ lại cách ly một mình tôi trong một phòng. Phòng đó dài 2,5 thước, ngang 1,8 thước.

Tôi bị xụi hết một cái chân bên trái, khó thở, mắt mờ… Khi báo bệnh thì người ta cho thuốc giảm đau thôi chứ không có tiền yêu cầu đưa thuốc điều trị cho mình.

Bây giờ mình ăn uống cũng không được như người ta, đi đứng thì trại có phát cho tôi hai cây nạn, đồ ăn bên Indo này thì khó ăn lắm. Tôi muốn uống sữa mà không có tiền.

Đại sứ quán vẫn biết sức khoẻ của tôi chứ, nhưng mà tiền đâu mà tôi đóng.

Tôi không có vợ, cũng không thân với ai hết.”

Ông Hùng cho biết, phía Đại sứ quán Việt Nam vào dịp Tết 2022 có cử người đến thăm, gởi quà gồm sữa, nước ngọt và thuốc lá cho mọi người và hứa sẽ tìm chủ tàu để bắt họ đóng tiền đưa mọi người về nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả gì.

Chi phí cao một cách khó hiểu!

Một luật sư, hiện đang ở trong nước, không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn, cho biết theo quy định của Chính phủ, việc Sứ quán thu tiền của thuyền viên là không đúng:

“Những người chủ tàu chủ thuyền phải trả tiền để cho người thuyền viên nhà nước. Trường hợp nếu mà chủ tàu không trả thì địa phương nơi có tàu thuyền vi phạm phải trả số tiền đó.

Việc mà Đại sứ quán yêu cầu những thuyền viên này phải tự bỏ tiền để lo chi phí về nước là trái với Công điện của Thủ tướng. Địa phương nên bỏ tiền lo cho công dân về nước trước, sau này có đền bù, trả lại như thế nào thì tính sau.”

Công điện số 732 về việc “ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào năm 2017. Tại khoản d, điều sáu của công văn này quy định “Bắt buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước; nếu chủ tàu không chi trả thì địa phương có tàu vi phạm chịu trách nhiệm chi trả.”

Phóng viên RFA liên hệ tới Phòng Bảo hộ Công dân hai lần. lần đầu tiên, khi xưng là phóng viên thì cán bộ trực ban từ chối trả lời.

Lần thứ hai, chúng tôi đi thẳng vào câu hỏi (mà không nêu danh tính) về chi phí đóng tiền đưa ngư dân từ Indonesia về nước, thì được cho biết là ngư dân sau khi về nước sẽ được quyết toán, trả lại tiền nếu còn thừa.

Đồng thời cán bộ này khẳng định, đối với thuyền viên thì chỉ cần đóng tiền vé máy bay, cùng với chi phí ăn ở chờ ngày về mà thôi:

“Đây chỉ là số tiền tạm ứng thôi. Sau khi xong thì Quỹ Bảo hộ Công dân ở trong nước sẽ quyết toán và trả lại phần thừa.

Có thể bao gồm nhiều chi phí khác như là cơ quan trục xuất phải mua vé máy bay ở khách sạn hay là tiền ăn ở khách sạn trong thời gian chờ trục xuất nữa.

Thuyền viên chỉ chịu tiền ăn ở sinh hoạt để chờ trục xuất mà thôi.”

Anh Dương cho biết, theo lời cán bộ Sứ quán, số tiền phải đóng là 18 triệu 800 ngàn đồng bao gồm tiền làm hộ chiếu cho ngư dân và chi phí đi lại, cùng với vé máy bay đưa người về tới TPHCM. Anh cũng cho biết thêm rằng thường những người về nước sẽ di chuyển từ đảo ra thủ đô Jakarta (Indonesia), ngủ lại chỉ một đêm rồi hôm sau lên máy bay về nước luôn.

Kiểm tra giá vé máy bay trong tháng ba và tháng tư sắp tới, vé một chiều hạng phổ thông từ Jakarta về TPCHM chỉ từ hai triệu 300 ngàn đến bốn triệu đồng/người. Giá khách sạn bình dân ở thủ đô Jakarta chỉ tầm 20 đô-la Mỹ/đêm, có thể ở hai người. Giá để cấp một cuốn hộ chiếu mới ở nước ngoài là 35 đô-la Mỹ.

Như vậy, chi phí làm lại hộ chiếu và về Việt Nam chỉ tầm hơn năm triệu đồng mỗi người. Vì sao Sứ quán lại yêu cầu mỗi ngư dân đóng gần 19 triệu?

Chúng tôi tiếp tục gọi điện tới Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia theo số điện thoại được đăng công khai trên trang web của Sứ quán để hỏi thêm thông tin nhưng không có ai nghe máy, dù đang trong giờ hành chính.

(Nguồn: RFA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang