.jpg)
‘GIẤC MƠ ANH’ CỦA NGƯỜI VIỆT
Đó là một ngôi trường thuộc thành phố, cách thủ đô London chỉ 30 phút tàu điện.
Đây là nơi có rất nhiều sinh viên Việt Nam sang theo học dưới hình thức hệ liên kết quốc tế hoặc du học sinh tự túc. Tuy nhiên, tần suất sinh viên Việt Nam lên lớp là rất ít.
Ngoại trừ các giờ học bắt buộc, có điểm danh hoặc lúc phải làm bài kiểm tra, hầu như sinh viên Việt Nam đều không xuất hiện tại trường.
Khi tôi hỏi lý do, nhiều sinh viên bảo là để đi làm thêm “ngoài giờ”.
Họ làm gì? Họ đi làm cho các tiệm nail hoặc quán ăn do người Việt Nam hay Trung Quốc mở.
Và thực tế, hầu hết đều làm việc vượt quá số giờ quy định trên thị thực được cấp. Chính phủ Anh chỉ cho phép du học sinh Việt Nam được đi làm bán thời gian tối đa 20 tiếng/tuần.
H. - một cựu du học sinh tại Đại học Greenwich, London, nói với tôi rằng nếu “chăm chỉ” đi làm nail với số giờ tầm 36-39 tiếng/tuần, thì H. có thể kiếm được từ 2.000-3.000 bảng Anh/tháng (khoảng từ 52 - 104 triệu đồng), chưa tính tiền tip.
Với mức thu nhập rủng rỉnh này, H. có thể để dành và gửi về cho gia đình của mình tại Việt Nam.
Khi xem một công bố của Ban Dịch vụ Nghề nghiệp Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ Anh, tôi mới biết lời H. nói về lương bổng làm nail của mình là đúng. [1]
H. sang London du học từ năm 2017.
Sau ba năm làm việc cần mẫn, H. mua được một căn chung cư tại Việt Nam, ngay lúc thị trường bất động sản ở nước ta “đứng bóng” vì dịch COVID-19.
H. kể: “Lương cho nhân viên ở các tiệm nail của người Việt sẽ được trả bằng tiền mặt, thay vì qua chuyển khoản ngân hàng. Cái này là nhằm lách luật, trốn thuế và tránh bị các cơ quan chức năng phát giác”.
Thực tế, chuyện của H. không phải là mới mẻ.
Người Việt Nam vẫn ra đi bằng nhiều cách, với nhiều mục đích khác nhau. Điển hình là đi du học, lao động hành nghề, đi định cư, đi tị nạn chính trị.
Và tất nhiên, như “giấc mơ Mỹ”, không ít người Việt Nam đã ra đi để đạt được “giấc mơ Anh Quốc”.
Kinh tế đi lên…
Việt Nam được xem là một trong những con rồng mới nổi của châu Á. [2]
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2022 tăng cao gấp 4 lần so với năm 2021 (tăng từ 2,9% lên 8,1%) và năm 2024 điều hòa ở mức 6,5%. [3]
Đây là mức tăng trưởng được cho là ổn định đối với các nền kinh tế đang phát triển. IMF cũng dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng lên 7% trong năm 2025. [4]
Nhưng điều này không có nghĩa là thu nhập của người dân đã đủ sống.
Theo một khảo sát của Anphabe với 65.000 người lao động, có tới 74% cho biết thu nhập của họ không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. [5] [6]
Quý 3 năm 2024, mức lương trung bình của người lao động trong nước là 7,6 triệu đồng, tuy nhiên, người được khảo sát cho biết họ cần tới 11,8 triệu đồng để chi cho các nhu cầu căn bản trong sinh hoạt hằng ngày. [7]
Theo quy định ở nước ta hiện nay, mức lương theo giờ cao nhất là 22.500 đồng/giờ. Tất nhiên sẽ khập khiễng nếu so sánh với mức trung bình của Anh (11,9 bảng Anh, gần 370.000 đồng cho một giờ làm việc ở tiệm nail), nhưng nó có cho thấy lương của chúng ta đang cách Anh Quốc bao xa.
Nhiều tờ báo nhà nước cũng nhiều lần đưa tin về vấn đề thu nhập của người dân không đủ để có thể mua được nhà ở xã hội, do giá bất động sản tăng theo lũy thừa, trong khi mức lương lại tăng theo “lũy tre làng”. [8] Ngoài ra, số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao.
… nhưng người đi khỏi
Cho tới nay, vẫn chưa có số liệu thống kê chi tiết về số lượng người Việt Nam di cư sang Anh. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, số lượng người Việt Nam hiện ở Anh ước tính khoảng 100.000 người, kể cả nhập cư hợp pháp hay là bất hợp pháp. [9]
Đáng nói, vào năm 2001, có hơn 20.000/55.000 (tức khoảng 36%) người Việt Nam tới Anh bất hợp pháp.
Tới năm 2010, con số di cư bất hợp pháp đã tăng lên 35.000 người.
Tính tới tháng 9/2024, tỷ lệ người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp vào Anh đã tăng 177% so với cùng kỳ năm 2023, vượt qua mức tăng của Afghanistan - một quốc gia đang oằn mình trong chiến tranh. [10]
Ngoài ra, chỉ có khoảng 8.009/100.000 người Việt Nam ở Anh là du học sinh. [11]
Vào năm 2012, có 170 du học sinh Việt Nam theo học tại trường Đại học London Metropolitan xém chút là bị trục xuất vì không lên lớp đầy đủ. [12]
Tới 2019 - cái năm mà cả thế giới rúng động về chuyện 39 người Việt tử vong trong thùng container khi vượt biên sang Anh, thì ngay trong nước Anh, cảnh sát của Cục Biên giới tiếp tục phát hiện một tụ điểm những người nhập cư trái phép đang làm chui tại một tiệm nail ở Scotland. Và trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam.
Gặp gỡ nhiều người trong cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Anh, tôi mới hiểu rằng nâng cao tri thức là một chuyện, còn lại, cái cứu cánh của họ vẫn là kiếm tiền.
Tò mò về cộng đồng mà mình đang thuộc về, giờ đây gặp nhau ở một xứ sở cách quê hương nửa bán cầu, tôi mới biết có nhiều nghiên cứu hẳn hòi cho chuyện người nước ngoài nhập cư tới nước họ.
Trong một nghiên cứu năm 2010 về tội phạm có tổ chức trong cộng đồng người Việt Nam tại Anh, Silverstone D., và Savage S. đã phân chia làn sóng người Việt Nam di cư sang Anh thành ba nhóm chính. [13]
Thứ nhất là giai đoạn từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975, mà ta vẫn quen gọi là “thuyền nhân”.
Làn sóng thứ hai diễn ra vào những năm 1990, khi người Việt sống tại Liên Xô cũ hoặc các nước Đông Âu khác tràn sang Anh sau khi Liên Xô sụp đổ.
Làn sóng thứ ba diễn ra vào cuối những năm 2000, làn sóng người Việt thuộc khu vực Bắc Trung bộ đổ xô sang Anh với mong ước làm giàu.
Như đã đề cập, người Việt Nam ra đi vì nhiều lý do, nhưng tôi đặc biệt lưu ý nguyên nhân “đi tị nạn”.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Anh, tỷ lệ người Việt Nam trong tổng số đơn xin tị nạn tại Anh đã gia tăng đáng kể, từ 8% năm 2022 lên đến 38% năm 2024. [14] Trong số đó, khoảng 47% đơn được phê duyệt, và Việt Nam xếp hạng 6/10 quốc gia có số người được cấp tị nạn cao nhất.
Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất trong top 10 quốc gia xin tị nạn tại Anh với tốc độ gia tăng cao thứ hai, chỉ sau Pakistan.
Di cư trái phép
Như đã đề cập, số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Anh cho thấy số lượng người Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh đã tăng mạnh.
Di cư trái phép trở thành chủ đề muôn năm cũ. Bi kịch của 39 người Việt Nam bỏ mạng trong thùng container trên chuyến hành trình vượt biển sang Anh năm 2019 đã rơi vào quên lãng.
Đầu năm 2024, vẫn còn nhiều người sang Anh bằng những thùng xe như vậy. Vietnamplus đã từng đưa tin việc “giải cứu” bảy người Việt nhập cư trong xe tải tại Anh. [15] Họ bị phát giác khi cập bến tại cảng Newhaven, thuộc địa hạt Sussex.
Lộ trình vượt biên của dòng người nhập cư trái phép sang Anh, theo trang InfoMigrants, là đi theo đường bộ, thông qua Hungary - quốc gia Đông Âu duy nhất cấp thị thực làm việc cho công dân Việt Nam. [16]
Sau đó, người nhập cư sẽ di chuyển đến bờ biển phía Bắc nước Pháp thuộc khu vực Grande-Synthe và Dunkirk.
Nhưng họ đến Anh làm gì?
Một nghề phổ biến mà tôi được biết là trồng cần sa. Đây là một “nghề” không đòi hỏi người làm có bằng cấp hay vốn liếng, chất xám gì.
Anh cho phép sử dụng cần sa nhằm phục vụ cho mục đích y tế và tất nhiên có quy định kiểm soát chặt chẽ liều lượng và số lượng dùng.
Anh cũng quy định việc bắt buộc phải có giấy phép của Bộ Nội vụ trước khi tiến hành việc cung cấp, sản xuất cần sa.
Chính phủ Anh phân loại cần sa là ma túy tổng hợp loại B, là chất cấm thuộc phạm vi có tính chất nguy hại mức độ trung bình cao. [17]
Người tàng trữ sẽ đối diện với mức phạt lên đến năm năm tù giam hoặc chung thân, hoặc cả hai.
Người cung cấp và sản xuất sẽ đối diện với mức án lên tới 14 năm tù giam hoặc chung thân, hoặc cả hai.
Việt Nam và Anh đang bắt tay nhau xử lý di cư trái phép
Ngày 17/4/2024, Đại tá Vũ Văn Hưng, phó cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an và ông Michael Tomlinson, thứ trưởng Bộ Nội vụ Anh về phòng chống di cư bất hợp pháp đã đại diện ký kết văn bản tuyên bố hợp tác phòng chống di cư bất hợp pháp của hai nước tại London. [18]
Theo đó, hai nước sẽ tiếp tục các chiến dịch truyền thông về ngăn chặn người Việt vượt biên qua eo biển Măng-sơ để đến Anh, thắt chặt các biện pháp kiểm soát phòng chống việc lạm dụng thị thực, tăng cường hỗ trợ người Việt nhập cư lậu hồi hương.
Buổi ký kết được diễn ra sau buổi gặp gỡ giữa ông Tô Lâm, lúc bấy giờ đang là Bộ trưởng Bộ Công an và ông James Cleverly, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh ngày 15/4.
Ngày 25/3/2024, Bộ Nội vụ Anh tiếp tục tung ra chiến dịch truyền thông tuyên truyền về việc ngăn chặn thuyền nhân bất hợp pháp. [19]
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Anh trong việc tuyên truyền chống nạn di cư trái phép tại Việt Nam, mà hoạt động này đã được thực hiện từ năm 2021.
Anh cũng có nhiều động thái rất mạnh mẽ.
Điển hình là vào tháng 10/2024, Anh trục xuất 46 người bao gồm Việt Nam và Đông Timor. [20]
Nay, Chính phủ Anh đưa ra Luật Di cư mới quy định về mức phạt lên tới bốn năm tù giam và lệnh xuất cảnh và cấm quay trở lại Anh Quốc dưới mọi hình thức.
Anh tuyên bố việc nhập cảnh trái phép vào nước này là một hành vi phạm tội.
Vấn nạn di cư sang Anh bất hợp pháp đang còn là một bài toán muôn thuở vẫn chưa có hồi kết.
Dù là di cư hợp pháp hay bất hợp pháp, dù là mong muốn tri thức hay đổi đời, thì cho đến nay, vẫn còn rất nhiều người Việt muốn rời đi khỏi đất nước mình.
NGƯỜI GIÀ & NỖI CÔ ĐƠN Ở NƯỚC NGOÀI
Sống ở Canada hơn 5 năm bà Đào Thu vẫn sợ mùa đông bởi những lúc như vậy nỗi nhớ Việt Nam lại trỗi dậy cồn cào.
"Tuyết rơi dày, cả ngày tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, cảm giác tay chân thừa thãi", bà Thu, 65 tuổi, ở TP Edmonton, tỉnh Alberta, Canada nói.
Bà Thu ly hôn sớm, một mình nuôi con ở quê nhà Đăk Lăk. Chục năm trước, con gái kết hôn và định cư ở quê chồng nên bảo lãnh mẹ sang Canada.
Ban đầu bà từ chối vì không biết tiếng Anh, sợ lạc lõng với cuộc sống nơi đất khách. Hơn nữa, bà biết mình chỉ quen cuộc sống với đàn gà, vườn rau. Sau 5 năm nghĩ ngợi giằng co, thương con nhớ cháu, bà quyết định rời quê.
Giữa năm 2020, bà đến Canada khi trời đẹp, hoa nở, khí hậu ấm áp. Thời gian đầu, bà ở nhà chăm cháu, thỉnh thoảng đi mua sắm cùng gia đình nên cũng không thấy quá bất ổn. Nhưng ấn tượng đẹp của bà với Canada chỉ kéo dài vài tuần. Sự ngột ngạt bủa vây người phụ nữ Việt, nhất là lúc con đi làm, cháu đến trường.
Để giải tỏa tâm lý, bà thử đi dạo quanh khu. Nhưng chỉ vài trăm mét bà đành quay về vì không biết bấm nút đèn giao thông. Hàng xóm cách nhau hơn 100 m, thường xuyên đóng cửa, không ai trò chuyện. Khu vực ít người Việt, siêu thị, quán ăn cách nhà 15 phút lái xe, bà không biết đón taxi, cảm thấy mắc kẹt.
Mỗi lần như vậy, bà lại nhớ quê, nơi mọi thứ chỉ cách vài bước chân. Trong bữa tối, con cháu nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, bà không hiểu, chỉ lặng lẽ ăn rồi về phòng.
"Tôi cảm thấy cô đơn", bà kể. Tâm trạng của bà Thu ngày càng tệ khi mùa đông và dịch Covid-19 ập đến. Trời rét căm, bà không quen mặc đồ ấm, ít ra ngoài, hay cáu giận vì bất lực với cuộc sống mới. Cuối năm 2020, bà khóc, đòi về Việt Nam. Giữa đỉnh dịch, bốn lần đặt vé máy bay đều bị hủy, bà càng sợ không được về quê.
"Dù sống bao nhiêu năm nữa, tôi vẫn không thuộc về nơi này", bà nói.
Bà Thu nằm trong số 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài mỗi năm, theo ước tính của Tổ chức Di trú, hỗ trợ đầu tư, định cư quốc tế NTTC. Trong đó, nhóm trên 60 tuổi chiếm khoảng 5% nhưng đa số gặp khó khăn với cuộc sống mới, luôn cảm thấy cô đơn do không biết ngôn ngữ, khó hòa nhập.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Y tế (ĐH California, Mỹ) cho thấy 80% người Việt ở bang California có vốn tiếng Anh hạn chế. Tờ The Orange County Register của bang này năm 2019 dẫn một khảo sát gần 200.000 cư dân cao tuổi ở quận Cam ghi nhận 46% không thể giao tiếp tiếng Anh, phải tìm dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện, trung tâm y tế.
"Người già gốc Việt đang gặp nhiều khó khăn ở Mỹ. Đa số họ thường xuyên cảm thấy cô đơn do rào cản ngôn ngữ, mất thói quen cộng đồng ở quê hương, tách khỏi nhịp sống hiện đại và thiếu hỗ trợ từ gia đình, hệ thống xã hội", giáo sư Carla Perissinotto, khoa Lão khoa, Đại học California, nói với VnExpress.
Nghiên cứu của giáo sư Carla đăng trên tạp chí y khoa JAMA Internal Medicine chỉ ra người già cô đơn có nguy cơ tử vong cao hơn 45%, suy giảm chức năng thể chất như ăn uống, tắm rửa, di chuyển. Sự cô đơn kéo dài gây căng thẳng, dẫn đến các bệnh viêm mãn tính, ảnh hưởng tim, não và sức khỏe toàn diện. "Dấu hiệu phổ biến là họ thấy mình tách biệt và gạt ra ngoài lề xã hội", bà nói.
Anh Trương Tiến, quản lý một dự án hỗ trợ người Việt ở Mỹ, cho biết tình trạng người lớn tuổi cô đơn phổ biến bởi tính chất cuộc sống khác biệt. Nhà ở Mỹ không san sát nhau như ở Việt Nam nên người Việt thường hụt hẫng do mất thói quen sinh hoạt cộng đồng. Nhịp sống Mỹ nhanh, cộng đồng gốc Việt có ở các bang nhưng rải rác, thường mất nhiều giờ lái xe để gặp gỡ.
Nhà thờ ở Houston và Austin, nơi anh đến hàng tuần, thường tập trung hơn 20 người già gốc Việt. Họ tổ chức những buổi cầu nguyện, trò chuyện để khuây khỏa. "Sâu trong tâm thức, họ vẫn muốn tìm một gia đình lớn ở nước ngoài", anh nói.
Năm 2007, chị Ngọc Minh bán nhà ở TP HCM để sang Toronto (Canada) định cư. Khi đó, mẹ chị 65 tuổi, tính cách cởi mở, thích kết bạn, nên Minh nghĩ bà sẽ nhanh chóng thích nghi. Nhưng thực tế không như chị tưởng.
Bố mẹ Minh ở chung nhà hai tầng, có không gian riêng, thông nhau bằng cầu thang. Chị chọn sống gần chợ châu Á, nhưng lúc đó người Việt còn ít. Mỗi mùa đông, mẹ chị bứt rứt, không quen mang giày, đôi khi quên, thò chân ra tuyết bị bỏng lạnh.
Khi Minh sinh con đầu lòng, mẹ chị như "gãy chân", chỉ quẩn quanh trong nhà. Dù không nói ra, Minh cảm nhận được nỗi cô đơn của bà. Hai tuần sau sinh, chị rủ mẹ ra ngoài, đón xe buýt, đi siêu thị, tham gia lớp tiếng Anh miễn phí để bà đỡ buồn.
"Kể cả người trẻ, hai năm đầu thường áp lực, buồn chán, muốn về quê. Vượt qua thì ở, không thì mãi chật vật", chị nói. Nhưng gia đình Minh đã bán hết tài sản ở Việt Nam, không còn đường về.
Giáo sư Carla Perissinotto cho rằng sống trong cộng đồng người Việt giúp người cao tuổi giảm cô đơn và ít gặp rủi ro hơn. Bà nhấn mạnh bác sĩ nên hỏi bệnh nhân, đặc biệt là người nhập cư, về cảm giác cô đơn, cộng đồng hỗ trợ và các yếu tố gây cản trở như rào cản ngôn ngữ, văn hóa hay suy giảm thính lực.
Theo bà, không có giải pháp chung cho mọi người. Một số cần thêm cơ hội kết nối, số khác cần cải thiện chất lượng quan hệ hiện có. "Người cao tuổi cần cảm thấy mình có giá trị, là phần quan trọng của gia đình, văn hóa và xã hội nơi họ sinh sống", bà Carla Perissinotto cho biết.
Bà Thu hiện sinh hoạt ở nhà thờ Tin lành tại TP Edmonton để gặp gỡ người đồng lứa, dần kết bạn. Sau nhiều năm, bà học dùng điện thoại gọi về Việt Nam, tối nào cũng trò chuyện với người thân nên tâm trạng hiện nay đã khá hơn.
20 năm trước, bà Vĩnh (hiện 75 tuổi) mang theo bốn vali chứa nước mắm, bún, đồ hộp từ TP HCM sang Đài Loan sống cùng con gái. Bà có bốn con, thích cuộc sống ở Việt Nam nhưng thương con gái út lấy chồng xứ người, chăm sóc con nhỏ nên sang ở cùng.
Ngày đầu, bà phải nhờ con gái và con rể mọi việc. Lúc đi chơi, con cũng đứng chờ trước cổng nhà vệ sinh công cộng vì sợ bà lạc.
Bà không thể dùng đồ ăn Đài Loan, khi vali cạn dần thức ăn, bà nhớ quê quay quắt. Cảm giác lạc lõng hằn sâu trong một lần đứng loay hoay 10 phút ở tạp hóa ở Đài Bắc mà không thể mua hai túi đường, bà bật khóc.
Sau lần đó, bà quyết học tiếng. Bà học câu Cái này là gì? để chỉ vào đồ vật hỏi cháu, rồi chép từng chữ ra sổ. Dần dà, bà nhớ tên thực phẩm, biết hỏi giá và tự đón xe đi gặp bạn.
"Nếu không tự giúp mình thì không biết bao giờ mới thoát được cảm giác cô độc", bà nói.
GÌN GIỮ BẢN SẮC Ở CHAMPASAK (LÀO)
.jpg)
Ngày 10/3, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm cùng đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Hội người Việt Nam tỉnh Champasak nhằm tìm hiểu tình hình cộng đồng, công tác dạy và học tiếng Việt, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào.
Tại cuộc làm việc, ông Đồng Công Dũng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Champasak, báo cáo về quá trình hình thành và phát triển của Hội từ năm 1978. Hiện nay, cộng đồng người Việt tại tỉnh đã bước sang thế hệ thứ tư, thứ năm với khoảng 4.780 nhân khẩu thuộc 1.100 hộ gia đình. Bà con sinh sống ổn định, hòa nhập tốt với chính quyền và nhân dân sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Lào và luôn hướng về quê hương.
Hội người Việt Nam tại tỉnh Champasak hoạt động chặt chẽ với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakxe và Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Champasak, tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa như Lễ chào cờ Tổ quốc mùng 1 Tết Nguyên đán, kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước Việt Nam - Lào. Hội cũng hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, làm thủ tục pháp lý, đăng ký kinh doanh và giúp đỡ các gia đình khó khăn.
Phát biểu tại buổi gặp, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm bày tỏ vui mừng trước sự gắn kết của cộng đồng người Việt tại Champasak, đồng thời nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một phần máu thịt, bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Đại sứ mong muốn Hội tiếp tục đồng hành cùng bà con, củng cố tinh thần đoàn kết, tương trợ, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như quan hệ hữu nghị Việt - Lào.
Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakxe khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để Hội người Việt tại Champasak phát huy vai trò cầu nối, vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng bền chặt.
Cùng ngày, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm và đoàn công tác đã đến thăm Trường Tiểu học Hữu nghị Lào - Việt. Đây là trường tư thục hoạt động dưới sự quản lý của Hội người Việt Nam tỉnh Champasak và sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
Theo ông Đồng Công Dũng, trường có tổng 15 phòng học với hơn 380 học sinh và 18 giáo viên, trong đó 70% là học sinh người Lào. Về công tác dạy và học tiếng Việt, mỗi tuần, các em được học 6 tiết tiếng Việt. Ngoài ra, các em còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của các địa phương trong nước, tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, học các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
NGÀY 8/3 ĐẦM ẤM TẠI TẠI MOZAMBIQUE
Mới đây, tại thủ đô Maputo, Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique đã tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày quốc tế Phụ nữ và 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Tham dự sự kiện có đông đảo các cô bác, chị em cán bộ làm việc tại công ty Movitel, các doanh nghiệp Việt Nam tại sở tại, các nữ chuyên gia y tế.
Sự kiện là dịp để cộng đồng phụ nữ Việt Nam tại Mozambique gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết và cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của những thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Trần Thị Thu Thìn nhấn mạnh vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp, rực rỡ”.
Đại sứ cũng cập nhật những nét nổi bật về sự tham gia và đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước.
Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ nữ tham gia chính trị cao hàng đầu thế giới. Riêng trong năm 2024, tỷ lệ nữ giới đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tăng.
Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ chiếm hơn 30% số đại biểu Quốc hội, trong khi tỷ lệ nữ doanh nhân nắm giữ vị trí quan trọng dao động từ 25-36%, khẳng định vai trò ngày càng lớn của phụ nữ trong mọi lĩnh vực.
Theo Đại sứ Trần Thị Thu Thìn, số lượng chị em phụ nữ người Việt ở Mozambique tuy không lớn nhưng là những thành viên quan trọng của cộng đồng.
Dấu ấn lớn mà các chị mang lại, từ các nữ chuyên gia đã nhiều năm gắn bó và được sở tại đánh giá cao, đến những nữ cán bộ, người lao động tại công ty Movitel, và doanh nghiệp Việt Nam, hay các nữ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh của cộng đồng, là cầu nối vững chắc cho quan hệ song phương.
Nhân dịp này, Đại sứ Trần Thị Thu Thìn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các cô bác, chị em người Việt tại Mozambique.
Đại sứ mong các cô bác, chị em tiếp tục phát huy truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khẳng định vai trò là những người “giữ lửa”, thành viên nòng cốt góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, đóng góp cho sự phát triển của sở tại và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Sự kiện cũng là dịp để các cô bác, chị em chia sẻ nhiều cảm nghĩ và dành cho nhau những lời chúc mừng tốt đẹp.
Chị Bùi Thị Thuận, người Việt sinh sống, làm việc tại Mozambique gần 30 năm, chia sẻ dù khoảng cách địa lý xa xôi giữa hai quốc gia nhưng những giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam luôn được chị em tại Mozambique gìn giữ, phát huy; đồng thời khẳng định chị em trong cộng đồng luôn sẵn sàng đồng hành cùng các hoạt động của Đại sứ quán.
Chị Nguyễn Thanh Phương, chuyên gia y tế với nhiều năm công tác tại các bệnh viện ở Mozambique, bày tỏ niềm vui khi tham dự sự kiện, xem đây là dịp ý nghĩa để gặp gỡ, kết nối với các chị em trong cộng đồng.
Bạn Trương Diệu Linh, cán bộ trẻ của công ty Movitel, xúc động khi lần đầu tiên tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ do Đại sứ quán tổ chức. Linh chia sẻ niềm vui khi được giao lưu, gặp gỡ với các cô bác, chị em phụ nữ Việt Nam tại Mozambique.
Trong không khí đầm ấm của buổi lễ, các cô bác, chị em phụ nữ người Việt đã đón nhận những bó hoa tươi thắm của đại diện cộng đồng và Đại sứ quán, sôi nổi tham gia giao lưu văn nghệ và ẩm thực.
Nguồn: Luật Khoa; Vnexpress; Việt Báo; Báo Quốc Tế
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá