- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
“Chào tân sinh viên” là chương trình do Ban Chấp hành lâm thời Hội Sinh viên Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga mang tên P.E. Lumumba, tại Moscow, LB Nga tổ chức vào tối qua (23/11), chào đón các bạn sinh viên mới năm học 2024-2025.
Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 11 hàng năm, các bạn sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga mang tên P.E. Lumumba (RUDN) lại cùng nhau tham dự chương trình “Chào tân sinh viên”. Với tên gọi “Resonance” - sự cộng hưởng, sự đồng hành, chương trình năm nay nhằm chào đón các bạn tân sinh viên, đồng thời tạo môi trường năng động, trẻ trung để sinh viên Việt Nam của nhà trường có cơ hội gắn kết, giao lưu, học hỏi.
Niềm vui của các bạn như được nhân lên khi có sự tham dự của thầy Sokolov Vyacheslav Anatolievich - Đại diện Phòng công tác sinh viên nhà trường, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam, Cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga, đặc biệt là đông đảo sinh viên các nước đang theo học tại nhà trường.
Chị Nguyễn Thị Thương, Trưởng Ban Tổ chức chương trình cho biết, “Chào tân sinh viên” là món quà mà các thế hệ sinh viên đi trước, muốn dành tặng các tân sinh viên về với ngôi nhà chung là Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga mang tên P.E. Lumumba.
“Những năm trước, trường RUDN thường phối hợp với các trường trong cụm 1 tổ chức chương trình để chào đón các sinh viên mới. Nhưng năm nay, đây là chương trình dành riêng cho tân sinh viên nhà trường RUDN. Tên gọi của chương trình năm nay là “Resonance”, nghĩa là sự cộng hưởng, sự đồng hành. Các bạn sinh viên Việt Nam có thể đến từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam, nhưng khi vào trường RUDN, tất cả chỉ là 1 - là sinh viên Việt Nam. Mong rằng các bạn sẽ cùng nhau đoàn kết tạo nên một bản hòa ca của sinh viên RUDN”, chị Thương chia sẻ.
Trong bản hòa ca cuộc đời, mỗi con người là một nốt nhạc, dù nhỏ bé nhưng có thể vang lên những thanh âm diệu kỳ khi kết hợp cùng nhau. Các bạn sinh viên Việt Nam dù mang trong mình những ước mơ, hoài bão khác nhau, nhưng khi đến với RUDN, hãy cùng nhau tạo nên một bản hoà ca rực rỡ của tuổi trẻ. Đó là bức thông điệp mà Chương trình Chào tân sinh viên năm nay muốn gửi đến tất cả sinh viên, đặc biệt là những sinh viên mới của nhà trường. Bức thông điệp ấy được thể hiện qua những lời ca, điệu múa đầy sôi nổi do chính các bạn sinh viên Việt Nam trình diễn.
Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga mang tên P.E. Lumumba là ngôi trường hội tụ những nền văn hoá phong phú của hơn 150 quốc gia. Những sinh viên quốc tế tham gia giao lưu trong chương trình như một dấu ấn đẹp về tình đoàn kết, hữu nghị đúng như tên gọi của nhà trường.
Với những tân sinh viên Việt Nam, đây là một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong những ngày đầu tiên đặt chân đến xứ sở Bạch Dương, như lời bạn Đào Minh Anh - sinh viên dự bị Thạc sỹ ngành Quan hệ công chúng: “Ngày hôm nay chúng tôi được tham dự Chương trình “Chào tân sinh viên” dành riêng cho sinh viên mới. Đây là chương trình rất có ý nghĩa, động viên tinh thần và tạo cho chúng tôi những nguồn cảm hứng mới, khi vừa đặt chân sang nước Nga, còn nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm và được tham gia vào một cộng đồng vui vẻ, hòa đồng và đoàn kết", Đào Minh Anh bày tỏ.
Ban tổ chức chương trình đã không quên tổ chức 1 trò chơi dành riêng cho tân sinh viên, với những câu hỏi về mọi mặt trong cuộc sống mới của các bạn tại nước Nga. Trò chơi đầy trí tuệ và chương trình “Chào tân sinh viên” đã giúp các bạn sinh viên khám phá những góc nhìn mới, những người bạn mới. Để rồi Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga mang tên Lumumba luôn đồng hành cùng các bạn trong hành trình đa văn hóa của mỗi người.
Lạc mẹ từ khi mới chào đời, chàng trai Pháp gốc Việt rất muốn tìm lại người mẹ ruột của mình ở Bắc Kạn.
Câu chuyện cảm động về một chàng trai người Pháp gốc Việt sinh năm 2005 có tên tiếng Việt là Nông Văn Sơn. Sơn từng ở Trung tâm bảo trợ xã hội và được nhận nuôi từ năm 6 tháng rồi sang Pháp. Đến nay là 19 năm, Sơn chưa từng quay về Việt Nam, tuy nhiên anh rất muốn tìm lại mẹ ruột của mình.
Được biết Sơn đã xin phép bố mẹ nuôi để đăng thông tin tìm kiếm mẹ ruột. Theo như giấy tờ mà Sơn có được thì mẹ ruột của anh tên Nông Thị Tiệp, người Bắc Kạn. Chàng trai gốc Việt muốn thông qua kênh chuyên hỗ trợ tìm người thân để tìm lại mẹ ruột của mình cũng như tìm về quê hương thăm mẹ.
Kỳ tích xảy ra chỉ sau ít giờ đăng tải, một người phụ nữ tên Nông Thị Tiệp ở Bắc Kạn đã lên tiếng vì nghi ngờ chàng trai kia chính là đứa con trai thất lạc nhiều năm của chị. Được biết vào năm 2005, chị Tiệp có sinh một đứa con trai, tuy nhiên bởi vì điều kiện khó khăn không thể nuôi con nên chị đã cho đứa bé đi.
Vào năm 2007, chị Tiệp tiến thêm bước nữa lấy anh Hà Phong Phúc và cũng bộc bạch với anh về việc năm xưa. Rất may anh Phúc là một người đàn ông tốt, anh thông cảm cho hoàn cảnh của chị Tiệp và cùng vợ hỏi han thông tin để tìm lại đứa bé năm xưa nhưng không có tin tức gì. Anh chị có với nhau 2 người con trai lần lượt sinh năm 2009 và 2015.
Sau 19 năm xa cách, thông qua kênh tìm người thân, chị Tiệp và chàng trai trẻ tên Sơn đã có một cuộc trò chuyện điện thoại video. Suốt buổi, chị khóc nấc không nói thành lời, liên tục xin lỗi con trai. Chị cũng cảm ơn bố mẹ nuôi đã nuôi nấng và dạy dỗ Sơn, cho anh cuộc sống đầy đủ. Chàng trai tên Sơn cũng rất vui khi gặp được người có khả năng là mẹ của mình, anh luôn an ủi chị Tiệp không cần quá nghĩ ngợi về chuyện quá khứ.
Trong cuộc trò chuyện cảm động của hai mẹ con, đặc biệt còn có sự xuất hiện của anh Phúc - người chồng hiện tại của chị Tiệp và là bố dượng của Sơn. Anh liên tục dùng khăn lau nước mắt, xúc động không nguôi. Anh bộc bạch rằng bản thân rất vui vì đã tìm được Sơn sau bao nhiêu năm vợ chồng anh cố gắng tìm nhưng không được. Anh cũng không ngừng cảm ơn gia đình bố mẹ nuôi cho Sơn một cuộc sống tốt. Những lời cảm ơn và chia sẻ từ tận đáy lòng của anh Phúc khiến nhiều người chứng kiến câu chuyện cũng lặng đi. Và chàng trai tên Sơn cũng liên tục cảm ơn anh Phúc.
Được biết, chị Tiệp và Sơn sẽ tiến hành làm xét nghiệm ADN để chứng minh huyết thống một cách thật chắc chắn. Ai cũng đều mong rằng họ đích thị là mẹ con, có thể đoàn tụ sau bao nhiêu năm xa cách.
6 du khách tử vong nghi do ngộ độc methanol trong rượu ở Lào đều có liên quan đến nhà nghỉ Nana Backpacker (ở Vang Vieng). Theo Telegraph, quản lý nhà nghỉ đã bị bắt giữ.
Các tụ điểm vui chơi về đêm ở Vang Vieng, Lào thường đông nghẹt du khách trẻ tuổi nhâm nhi ly rượu truyền thống - một loại rượu mạnh làm từ gạo. Các nhóm khách nhảy từ quán bar này sang quán bar khác và tiệc tùng đến tận bình minh.
Nhưng không khí đó đã biến mất vào tối 23/11. 6 du khách nước ngoài đã tử vong trong hai tuần qua, do nghi ngờ ngộ độc methanol sau khi uống rượu bị nhiễm độc tại thị trấn.
Các quán bar dành cho khách du lịch ba lô ở Vang Vieng đã ngừng phục vụ rượu mạnh, theo The Telegraph.
"Chúng tôi không quá sợ hãi", Aron Stephen, du khách người Australia, nói trong khi nhấp một ngụm sinh tố xoài ở trung tâm thị trấn Vang Vieng. "Bây giờ họ không bán rượu ở bất cứ đâu. Chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ ly rượu nào trong vài đêm qua".
Vụ bắt giữ
Holly Bowles, đồng hương của Stephen, đã qua đời ở tuổi 19 tại một bệnh viện Thái Lan, chỉ một ngày sau cái chết của người bạn thân nhất của cô là Bianca Jones. 4 người khác đã tử vong bao gồm hai người Đan Mạch; James Hutson, người Mỹ 57 tuổi; Simone White, luật sư người Anh 28 tuổi.
Ngoài ra, có ít nhất 12 người khác được cho là đã bị bệnh, cần phải điều trị tại bệnh viện, bao gồm cả du khách từ Anh, Mỹ và New Zealand.
Tất cả nạn nhân đều lưu trú tại Nana Backpacker Hostel, và cái chết của họ có liên quan đến cả nhà nghỉ này và Jaidee Bar, quán rượu gần đó. Những du khách ba lô được nhìn thấy trở về nhà nghỉ từ quán bar vào ngày 12/11, một ngày trước khi một số người được phát hiện bất tỉnh trong phòng. 10 ngày sau, chính phủ Lào xác nhận đồ uống của nhà nghỉ có chứa methanol.
Trong khi các báo cáo không chính thức cho biết cả chủ nhà nghỉ và người quản lý đều đã bị bắt giữ, 3 nguồn tin ở Vang Vieng nói với The Telegraph rằng chỉ có Yueng Van Huan, quản lý người Việt, bị giam giữ.
Ông Huan nói với ABC News rằng ông chắc chắn quán bar của Nana Backpacker Hostel không bán đồ uống có độc. Người này cũng kiên quyết phủ nhận việc thêm methanol vào đồ uống tại quầy bar của nhà nghỉ và cho biết cảnh sát đã kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông.
Nana Backpacker Hostel đã đóng cửa nhưng không vắng vẻ khi The Telegraph ghé đến vào ngày cuối tuần. Cổng màu xanh của nhà nghỉ vẫn mở và người qua đường vẫn có thể ra vào. Có 5 nhân viên đang ở tại cơ sở này, nơi có hồ bơi riêng và có cảnh báo trên cửa phòng ngủ về mối nguy hiểm của việc uống quá nhiều rượu.
Theo một người quản gia giấu tên với lý do an ninh, chủ nhà đã để lại tài sản cho họ chăm sóc. "Chúng tôi hiện không có khách. Các ông chủ đều đã đi thủ đô Vientiane. Tôi chỉ dọn phòng nhưng cũng có việc ở bên ngoài. Tôi ra ngoài hầu như cả ngày. Cảnh sát đã đến rồi, nhưng tôi không biết bao nhiêu lần", người này nói.
Phản ứng của du khách
Cách nhà nghỉ một đoạn đi bộ ngắn, quán bar Jaidee vẫn mở cửa kinh doanh vào tối thứ bảy, nhân viên từ chối bình luận.
Một nhóm gồm 5 người đàn ông Anh, độ tuổi đầu 20, cho biết họ đã cảnh giác hơn, nhưng sẽ không để sự cố này làm hỏng chuyến đi của mình. "Chúng tôi đến đây hôm qua và tất cả điều chúng tôi biết là những gì đã có trên tin tức", một người nói. "Chúng tôi sẽ ổn miễn là uống bia và cẩn thận. Chúng tôi không sợ những gì đã xảy ra".
Hai du khách ba lô người Israel, những người cũng muốn giấu tên, tin rằng sẽ không có gì đáng lo ngại nếu uống những chai rượu được đóng sẵn trước đó.
Còn chủ một nhà hàng cách Jaidee Bar vài mét cho biết: "Tôi đã nghe những gì đã xảy ra, và việc những khách du lịch ba lô ở Nana Backpacker Hostel thường xuyên tiệc tùng và uống rất nhiều là chuyện bình thường. Luôn luôn như vậy. Bây giờ có người chết và nhà nghỉ đóng cửa. Nhưng Jaidee Bar vẫn mở. Nhà hàng chúng tôi không bán rượu whisky Lào, vì vậy tôi không biết các quán bar khác lấy nó từ đâu hoặc họ làm gì với nó".
Ngày 23/11, Bộ Ngoại giao Lào đã ra tuyên bố bày tỏ sự đau buồn sâu sắc về những cái chết xảy ra. Khi tuyên bố được đưa ra, du khách vẫn đi thuyền hoặc đi bộ đường dài ở Vang Vieng, nhưng những tác động lâu dài đối với ngành du lịch vẫn chưa rõ ràng.
Vào năm 2011, một loạt vụ tử vong do đuối nước ở thị trấn này, liên quan đến rượu và ma túy, đã dẫn đến một cuộc trấn áp của cảnh sát.
Kể từ đó, Lào đã cố gắng xây dựng lại Vang Vieng thành điểm đến du lịch sinh thái và phiêu lưu yên tĩnh hơn, thu hút các gia đình và nhóm du lịch, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhưng thảm kịch mới nhất chắc chắn sẽ làm dấy lên mối lo ngại mới về sự an toàn của du lịch ba lô.
Nguồn: VOV; Sao Star; Zing News
Người Việt hải ngoại: Gây tai nạn, người phụ nữ bị kiện ở Mỹ; Tỷ phú bị người mẫu Mỹ kiện; Vụ Đàm Vĩnh Hưng kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền
Người Việt hải ngoại: Đêm lo lắng tại Hàn Quốc; Cơ hội vàng cho chuyên gia AI Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Người Việt hải ngoại: Phở vươn tầm thế giới; 38 người ‘mất tích’ ở đảo Jeju; Làm giả thẻ My Number ở Nhật; Ngọc Quyên đón Noel ở Mỹ
Người Việt hải ngoại: Kịch tính bầu cử ở Mỹ; Người đầu tiên thắng giải TechWomen 100; Đột nhập nhà dân, 3 người bị bắt ở Ibaraki
Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ trẻ em tại Hungary; Phó giáo sư tại Nam Úc; Derek Trần tuyên bố chiến thắng; Du học sinh khiếu nại công ty Nhật
Người Việt hải ngoại: Giải golf tại Nhật; Hội đồng hương Chí Linh tại Nga; ‘Bản đồ phở’ ở châu Âu
Người Việt hải ngoại: Đại hội bóng đá tại Nhật; Cô gái Pháp tìm thấy mẹ ruột; Nữ nghệ sĩ guitar làm say đắm công chúng Bỉ
Người Việt hải ngoại: Chi đậm cho lễ Tạ ơn; ‘Hoa văn hóa’ tại Úc; Nữ khoa học gia cấp cao ở Mỹ; 4 điểm tập kết trộm cắp tại Nhật
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá