Đức: Người vi phạm lệnh cấm nhập cảnh sẽ bị giam giữ chờ trục xuất

(Ảnh minh họa).
Theo chính sách mới đối với người di cư của Đức, những người nước ngoài đã vào Đức bất chấp lệnh cấm nhập cảnh có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn bị giam giữ chờ trục xuất.
Ngày 8/5, truyền thông Đức đưa tin chính phủ nước này đang cân nhắc điều chỉnh chính sách đối với người di cư và có thể trục xuất một số lượng lớn những người bị từ chối tị nạn ở quốc gia này.
Báo Bild (Đức) trích dẫn một văn bản dự thảo của văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này đang tìm cách “nâng cao hiệu quả và tỷ lệ thành công” các biện pháp xử lý vấn đề người di cư, đặc biệt việc "hồi hương những người nước ngoài phạm tội hình sự nghiêm trọng."
Ngoài ra, những người nước ngoài đã vào Đức bất chấp lệnh cấm nhập cảnh có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn bị giam giữ chờ trục xuất.
Chính phủ cũng sẽ thành lập "các cơ sở tiếp nhận khi đến" để có thể tiến hành trục xuất ngay từ những trung tâm này.
Kế hoạch trên dự kiến sẽ được thảo luận tại hội nghị cấp cao giữa chính quyền liên bang và các bang về vấn đề tị nạn ngày 10/5 tới.
Năm 2022, Đức ghi nhận số người di cư vào nước này ở mức cao kỷ lục với hơn 1,4 triệu người.
Số người không quốc tịch cũng tăng gấp đôi kể từ năm 2014, lên hơn 29.000 người.
(Nguồn: VietnamPlus)
Ba Lan dọa cắt nguồn cung dầu tới Đức
Nhà máy lọc dầu Schwedt của Đức sẽ nhận 135.000 tấn dầu vào tháng 5 thông qua cảng dầu Gdańsk của Ba Lan và hơn 1 triệu tấn dầu từ Kazakhstan hằng năm.
Mặc dù có quyền tiếp cận cảng dầu Naftoport-Ba Lan ở Gdańsk, tuy nhiên phía Đức vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn cổ phần của Nga khỏi nhà máy lọc dầu Schwedt của Đức. Vào ngày 3 tháng 5, “Lực lượng đặc nhiệm PCK” của Đức - lực lượng đang xử lý tình huống của nhà máy lọc dầu Schwedt (PCK) - đã họp nhau lần thứ tư.
Lực lượng đặc nhiệm PCK xác nhận nhà máy này sẽ nhận 135.000 tấn dầu vào tháng 5 thông qua cảng dầu Gdańsk của Ba Lan và hơn 1 triệu tấn dầu từ Kazakhstan hằng năm. Bộ trưởng kiêm thủ hiến của bang Brandenburg, ông Dietmar Woidke, đã cảm ơn các nhân viên của PCK và bày tỏ hy vọng công suất của nhà máy lọc dầu Schwedt có thể sớm tăng lên 70% từ mức 50% hiện tại.
Vấn đề với Schwedt nằm ở chỗ là nó vẫn còn hơn 54% thuộc sở hữu của công ty Nga Rosneft Deutschland. Chính phủ liên bang Đức hiện đang quản lý những cổ phần này với tư cách là bên được ủy thác, tuy nhiên họ lại không có động thái sung công, mặc dù Đức thừa sức để làm điều đó một cách hợp pháp nếu như viện dẫn lý do vì an ninh quốc gia.
Phía Ba Lan tuyên bố họ sẽ không cung cấp dầu cho Schwedt chừng nào mà Rosneft còn là chủ sở hữu đa số của nhà máy này và Ba Lan yêu cầu Đức “phi Nga hóa”. Tháng 12 năm ngoái, Đức đã không tính đến các yêu cầu của Ba Lan, vì họ cứ nghĩ là có thể nhận hàng vô điều kiện qua cảng dầu Naftoport-Ba Lan.
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đức - Michael Kellner, đã chia sẻ với tờ báo địa phương Märkische Oderzeitung, rất có thể Đức sẽ thay đổi cơ cấu sở hữu của nhà máy lọc dầu và có thể vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp nhóm tiếp theo trước kỳ nghỉ hè.
Sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga có hiệu lực, Đức phải tìm nhà cung cấp mới cho các nhà máy lọc dầu của họ. Một trong những nguồn dầu mới chảy sang Đức là Ba Lan. Thỏa thuận nguồn cung dầu đạt được giữa Warsaw và Berlin giúp Đức đảm bảo hoạt động tại nhà máy lọc dầu quan trọng Schwedt.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ của Ba Lan đều có điều kiện – đó là đẩy người Nga ra khỏi nhà máy lọc dầu Schwedt. Cổ đông chính của nhà máy lọc dầu này vẫn là Rosneft Deutschland - công ty con của công ty Nga Rosneft.
Reuters đưa tin vào tháng Hai, công ty năng lượng khổng lồ PKN Orlen của Ba Lan là nhà đầu tư có tiềm năng tiếp quản cổ phần của Nga.
(Nguồn: Năng Lượng Quốc Tế)
Đức nói EU không lung lay trước sức mạnh quân sự Nga

(Ảnh minh họa).
Thủ tướng Đức tuyên bố EU sẽ không lung lay trước màn phô diễn sức mạnh quân sự của Nga, khi Moskva tổ chức lễ Duyệt binh Chiến thắng.
"Cách đây 2.200 km về phía đông bắc, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay đã chứng kiến binh sĩ, khí tài và tên lửa tham gia duyệt ninh. Chúng ta sẽ không lung lay trước màn phô diễn sức mạnh như vậy! Hãy kiên định ủng hộ Ukraine tới khi nào có thể", Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp, ngày 9/5.
Ông Scholz cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng tốc quá trình tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng cũng như nỗ lực mua sắm vũ khí chung cho Ukraine trong bối cảnh Nga đẩy mạnh chiến sự.
Theo Thủ tướng Đức, châu Âu sẽ chỉ được lắng nghe khi có được tiếng nói thống nhất. "Chiến dịch của Nga ở Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng của nhận thức này", ông Scholz nói, thêm rằng EU nên hướng tới hợp tác quân sự chặt chẽ hơn nữa.
Quân đội Nga hôm nay tổ chức lễ Duyệt binh Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ, Moskva, kỷ niệm 78 năm ngày Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức. Buổi lễ có sự tham gia của hơn 10.000 quân nhân cùng nhiều phương tiện cơ giới.
Trong bài phát biểu trước buổi lễ, Tổng thống Nga Putin tuyên bố một cuộc chiến đã được khơi mào nhằm vào Nga, đồng thời chỉ trích giới lãnh đạo phương Tây đã khơi mào nhiều cuộc xung đột đẫm máu, cũng như xây dựng tâm lý thù ghét, bài Nga. Ông khẳng định Nga đã "đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố quốc tế", đồng thời cam kết sẽ bảo vệ cư dân Donbass và đảm bảo an ninh đất nước.
(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá