Người lao động cần biết: Tiền lương và trách nhiệm khi ốm đau

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Nguyên tắc

Nghỉ ốm không có nghĩa là chỉ được phép nằm trên giường. Bên cạnh những việc cần thiết như đi chợ, đi khám, đến hiệu thuốc ..., người bệnh cũng được phép thực hiện những hoạt động để phục hồi sức khoẻ, ví dụ đi dạo thư giãn khi bị cảm nặng, đi mát-xa khi bị đau lưng. Chừng nào cấp trên không thấy nhân viên của mình đi nhảy tại các disco, người bệnh vẫn được tự do ra khỏi nhà! Trong một số trường hợp ngoại lệ, nhân viên xin nghỉ ốm thậm chí có thể đi du lịch. Tuy nhiên, cần thận trọng với quyết định này. Trong một vụ kiện do Tòa Bundesarbeitsgericht xét xử, một người lao động xin nghỉ ốm vì bị viêm màng não đã dùng thời gian dưỡng bệnh để đi trượt tuyết. Không ngờ, ông ta bị ngã gãy xương. Tòa án xác nhận, giấy đuổi việc không thông báo trước của chủ lao động là hoàn toàn đúng. Tòa đồng thời nhấn mạnh, việc người lao động đi du lịch dưỡng bệnh phải do bác sỹ của họ khuyến cáo và phê chuẩn. Sau đó, người bệnh nên thông báo và giải thích trước về kế hoạch du lịch với chủ lao động cũng như Quỹ bảo hiểm Y tế (án số BAG, Az.: 2 AZR 53/05).

Khi nghỉ ốm

Công việc sẽ được sắp xếp và phân bổ lại. Vì vậy, người lao động cần nhanh chóng thông báo với chủ thuê lao động, để họ có được kế hoạch tối ưu. Luật trả tiếp lương (Entgeltfortzahlungsgesetz-EntFG) quy định, nhân viên phải thực hiện việc này ‘nhanh như có thể’, ngoài ra cũng phải trình bày rõ sẽ vắng mặt trong bao lâu. Điều này được áp dụng trong thực tế là: Nếu giờ lao động bình thường bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng, thì muộn nhất đến lúc đó, nhân viên phải thông báo nghỉ ốm.

Thông báo ốm đau

Khi bị ốm đau, người lao động phải thực hiện theo Điều § 5 Luật vẫn trả lương tiếp tục EntgFG. Theo đó người lao động cần phải „thông báo ngay lập tức“ cho chủ lao động về tình trạng sức khỏe hay lịch hẹn bác sỹ của mình. Khái niệm "Ngay lập tức" có nghĩa là ngay ngày đầu tiên bị ốm đau không thể đến làm việc, chậm nhất trước giờ bắt đầu làm việc ngày hôm đó, phải qua điện thoại, hoặc fax, hoặc tin nhắn hoặc e-mail hoặc nhờ các thành viên gia đình hoặc đồng nghiệp thông báo cho chủ lao động. Không không thực hiện như vậy, có thể bị cảnh báo hoặc nếu lặp lại có thể bị hủy ngang hợp đồng lao động.

Ngoài ra nếu ốm đau kéo dài hơn ba ngày, chậm nhất đến ngày thứ 4 phải nộp giấy chứng nhận ốm đau và thời gian nghỉ ốm do bác sĩ cấp cho chủ lao động lẫn cơ quan bảo hiểm.

Trách nhiệm trên phải thực hiện cả trong trường hợp người lao động không cần nhận tiền lương cho những ngày nghỉ ốm (án quyết của Toà án LAG Köln 1988).

Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp đều có quy định riêng về vấn đề nghỉ ốm và thời hạn nộp giấy chứng nhận của bác sỹ cho họ. Thường được ghi trong hợp đồng lao động hoặc trong nội quy doanh nghiệp. Một số công ty yêu cầu nhân viên nộp giấy bác sỹ ngay từ ngày nghỉ đầu tiên, nhiều nơi khác giữ đúng kỳ hạn 3 ngày như trong Luật EntFG quy định - nghĩa là nếu nhân viên xin nghỉ ốm vào ngày thứ sáu, thì muộn nhất vào thứ hai, anh/cô ta mới phải đến bác sỹ lấy giấy chứng nhận, vì quy định về kỳ hạn nói trên bao gồm cả hai ngày cuối tuần. Quan trọng là cần giữ đúng trách nhiệm nộp giấy nghỉ ốm nói trên, vì trong một trường hợp ngoại lệ, có nhân viên không thực hiện quy định này đã bị đuổi việc - đó là án quyết của Tòa án Lao động Frankfurt/Main theo án số Az.: 4 Ca 3990/97.

Làm gì khi khỏi bệnh sớm hơn trong giấy chứng nhận ?

Thông thường, người lao động nên dùng những ngày sớm hơn đó tiếp tục dưỡng bệnh. Nhưng nếu người lao động muốn đi làm lại cũng không sao, vì giấy chứng nhận nghỉ ốm của bác sỹ không có nghĩa là bị cấm lao động. Trong trường hợp này, người lao động vẫn được duy trì bảo hiểm như trong Bảo hiểm Y tế và Tai nạn của nhà nước quy định. Tuy nhiên, việc đi làm sớm cần phải thông báo với chủ lao động, để đề phòng khi gặp bất trắc, tai nạn khi đi làm sẽ được tính vào bảo hiểm dưới dạng ‘tai nạn lao động trên đường đi làm’ (Wegeunfall). Ngược lại, chủ lao động phải có ‘trách nhiệm quan tâm và chăm sóc’ đến nhân viên của mình, gọi là Fürsorgepflicht - nghĩa là cấp trên phải kiểm tra kỹ, liệu nhân viên đã thật sự khỏi ốm và có lại khả năng lao động hay không?

Trả lương tiếp tục khi ốm đau Entgeltfortzahlung

Theo Điều § 3 EntgFG, người lao động ốm đau được chủ lao động trả nguyên lương tối đa 6 tuần trong thời gian ốm đau, nếu đã làm việc ít nhất 4 tuần trước ngày bắt đầu ốm đau. Số tiền lương đó sẽ được bảo hiểm y tế hoàn trả cho chủ lao động theo tỷ lệ do luật định tuỳ thoả thuận giữa chủ lao động với cơ quan bảo hiểm.

Hưởng tiền bảo hiểm ốm đau

Nếu người lao động ốm đau lâu hơn 6 tuần, lúc đó chủ lao động không phải trả tiếp tiền lương. Người lao động có thể nộp đơn xin hưởng tiền ốm đau hoặc nằm viện tại cơ quan bảo hiểm y tế.

Theo Điều §44 đến §51 Bộ luật Xã hội Quyển 5 (SGB V) người lao động được hưởng trợ cấp bảo hiểm y tế 78 tuần và tối đa 90% tiền lương cầm tay.

Ngoài ra, nhân viên nhà nước trong một số điều kiện nhất định được hưởng thời gian trợ cấp thêm 39 tuần.

Người lao động đóng bảo hiểm tư nhân được hưởng tiền bảo hiểm ốm đau không giới hạn thời gian ốm hoặc cho tới lúc được cấp giấy chứng nhận mất khả năng hành nghề (Berufsunfähigkeit).

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang