Người đóng bảo hiểm trách nhiệm phải làm gì khi gây thiệt hại ?

Với loại bảo hiểm này, nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày sẽ được bảo đảm bồi thường thiệt hại. Nước chảy từ căn hộ mình xuống nhà dưới, hoả hoạn cháy lan sang căn hộ láng giềng, con cái nghịch làm hỏng đồ người khác hay đi xe đạp va chạm vào người đi đường là những tình huống mà bảo hiểm này sẽ đứng ra đảm nhận. Không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự là một mạo hiểm lớn cho bất cứ ai. Có những thiệt hại có thể gây ra cho người khác không ai có thể lường trước được với những hậu quả có khi cho đến hết đời cũng chưa trả hết. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất cho mỗi một ai quan tâm đến sự bình yên của bản thân gia đình và con cái mình trong cuộc sống hàng ngày. Với loại bảo hiểm này sẽ không bao giờ phải lo lắng là có khi bị mất tất cả chỉ vì một sơ suất nhỏ mà ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, để thực sự yên tâm rằng, bảo hiểm sẽ đứng ra đảm bảo chịu trách nhiệm bồi thường, cần thiết phải thực hiện đúng các nguyên tắc sau.

Thông báo kịp thời sự việc với hãng bảo hiểm, muộn nhất là một tuần sau khi xảy ra sự cố và tốt nhất là bằng thư hoặc trực tiếp tại văn phòng giao dịch, đồng thời thực hiện đúng mọi chỉ dẫn theo hãng bảo hiểm yêu cầu. Trường hợp chưa rõ ràng, nhất thiết phải hỏi lại để tránh hiểu nhầm.

Đọc kỹ nội dung bản hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là phần trách nhiệm khách hàng trong trường hợp xảy ra sự cố. Vi phạm hợp đồng trong mọi trường hợp là một trong những lí do để hãng bảo hiểm từ chối trách nhiệm bồi thường. Bởi vậy cần tuân thủ những quy định và thoả thuận đã được nêu trong hợp đồng. Trả phí bảo hiểm kịp thời là điều kiện tất yếu để được bồi thường khi có sự cố bảo hiểm xảy ra. Bởi vậy điều tối kỵ là nợ tiền bảo hiểm. Sự cố bảo hiểm xảy ra vào thời điểm đang nợ tiền, hãng bảo hiểm sẽ dứt khoát từ chối trách nhiệm đền bù, cho dù sau đó khách hàng vẫn phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ đó cộng thêm các lệ phí phụ cho công ty đòi nợ hay phí luật sư của hãng bảo hiểm.

Cung cấp thông tin cá nhân và bảo hiểm của mình cho bên bị hại nhưng chớ vội nhận lỗi về mình để đảm bảo tính trung lập. Hãng bảo hiểm sẽ xem xét trong từng trường hợp một cách cụ thể thông qua lời khai của hai bên cũng như của các nhân chứng nếu có. Mọi thông tin được đưa ra từ các bên phải đúng và đầy đủ. Hãng bảo hiểm thường soi xét kỹ trong trường hợp khách hàng và người bị hại có mối quan hệ gẫn gũi lẫn nhau ví dụ giữa họ hàng, người thân quen hay láng giềng, bạn bè. Khi có cơ sở để nghi vấn, hãng bảo hiểm có thể yêu cầu chuyên gia xác minh lại lời khai và sự việc thông qua hình thức giám định, đồng thời sẽ đòi lại tất cả các chi phí nếu việc nghi vấn được khẳng định. Do đó cần trung thực trong mọi tình huống để tránh gặp phải những phiền toái về sau. Trường hợp phải bồi thường cho bên bị hại, hãng bảo hiểm sẽ đền bù giá trị tính theo thời điểm hiện tại được gọi là Zeitwert. Theo đó giá trị bồi thường có khi chỉ bằng một phần nhỏ mà bên bị hại yêu cầu. Nhưng điều đó là hoàn toàn hợp lệ và bên bị hại không có quyền đòi thêm giá trị chênh lệch từ bất cứ ai.

Không phải những đòi hỏi nào của bên bị hại cũng đều hợp lệ và được đáp ứng. Trong trường hợp vô cớ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình bằng cách kháng lại và từ chối những đòi hỏi vô cớ đó. Khi đó bên bị hại có thể dùng các biện pháp hành chính như khiếu kiện hoặc trát nợ thông qua toà. Trách nhiệm của khách hàng bảo hiểm là thông báo kịp thời cho hãng bảo hiểm của mình biết. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ trực tiếp uỷ quyền luật sư để bảo hộ trong quá trình khiếu kiện. Lúc đó bảo hiểm trách nhiệm dân sự đóng vai trò như một loại bảo hiểm bảo vệ quyền lợi Rechtsschutz ở dạng thụ động và sẽ chịu tất cả mọi phí tổn trong trường hợp bị thua kiện gồm lệ phí toà án, chí phí cho luật sư kể cả của bên bị hại và tất nhiên là giá trị bồi thường thiệt hại theo phán quyết cuả toà.

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang