Người đẹp Việt miệt mài thi hoa hậu; Phan Đạt lại ‘bóc phốt’; Thẩm mỹ trái phép, gây tai biến; Kon Tum 1 tháng 60 trận động đất

NHỮNG NGƯỜI ĐẸP VIỆT THI HOA HẬU NHƯ CHẠY SHOW

Việc các cuộc thi hoa hậu bùng nổ tại VN không chỉ dẫn đến tình trạng khan hiếm thí sinh mà nhiều cô gái tham gia thi nhan sắc cũng như đang chạy show. Vừa bước ra từ một cuộc thi sắc đẹp, các cô gái lại rục rịch chuẩn bị cho những cuộc cạnh tranh khác; chưa kể nhiều người đẹp thử sức 2 cuộc thi trong cùng một năm.

"Chạy show" thi hoa hậu

Tại cuộc thi Hoa hậu Quốc gia VN vừa khởi động, khán giả dễ dàng nhận ra những gương mặt quen thuộc. Trong đó, Vũ Mỹ Ngân là cái tên được quan tâm không chỉ vì chiều cao "khủng" 1,82 m mà còn vì từng thử sức ở Hoa hậu VN 2020 hay Hoa hậu Hoàn vũ VN 2022. Nguyễn Thị Diễm cũng được xem là "người quen" vì cô ghi tên mình vào top 5 Hoa hậu Các dân tộc VN 2022. Sau đó, người đẹp Cao Bằng tiếp tục "chinh chiến" tại Miss Grand Vietnam 2023, vào top 20 chung cuộc.

Trước đây, nhiều người đẹp Việt cũng "miệt mài" tìm kiếm cơ hội ở các đấu trường nhan sắc. Điển hình là Bùi Lý Thiên Hương từng 2 lần tranh tài ở Miss Grand Vietnam 2022 và 2024 sau khi ghi tên mình vào top 16 Hoa hậu Hoàn vũ VN 2022. Tương tự, Nguyễn Thị Lệ Nam cũng tìm kiếm cơ hội cho mình ở Miss Grand Vietnam 2024, song chỉ dừng chân ở top 15 chung cuộc. Trước đó, cô tham gia Hoa hậu Hoàn vũ VN 2022 và Miss Universe Vietnam 2023.

Thực tế cho thấy việc tham gia một cuộc thi nhan sắc đòi hỏi các thí sinh phải có sự đầu tư về thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Song không phải cô gái nào liên tục ghi danh cũng đều có được "quả ngọt". Từng có kinh nghiệm chinh chiến ở một số cuộc thi trước khi đăng quang Hoa hậu Các dân tộc VN 2022, người đẹp Nông Thúy Hằng cho biết mỗi thí sinh có sự đầu tư khác nhau tùy theo điều kiện, mục tiêu. "Việc chuẩn bị trang phục, học thêm các kỹ năng trình diễn, ứng xử, trang điểm, thậm chí rèn luyện thể lực đều là những yếu tố quan trọng. Một sự đầu tư bài bản không chỉ giúp cho có hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp mà còn mang lại sự tự tin khi đứng trước khán giả và ban giám khảo", cô nói.

Đồng quan điểm, người mẫu Lê Thu Trang bật mí việc đầu tư kinh phí phụ thuộc vào ngân sách mỗi người. Có thí sinh chi hàng trăm triệu đồng cho một cuộc thi hoa hậu, song cũng có người không quá tốn kém vì được đồng nghiệp, người quen hỗ trợ. "Các bạn hãy đầu tư vào việc học kỹ năng vì nó sẽ giúp cho các bạn ở chặng hành trình dài về sau, chứ không riêng gì trong cuộc thi", người đẹp Hà Nội đúc kết từ kinh nghiệm thi hoa hậu của mình.

So với nhiều người đẹp khác, Bùi Quỳnh Hoa, Lê Hoàng Phương hay Hương Ly có phần may mắn hơn khi có được quả ngọt sau hành trình "miệt mài" thi nhan sắc. Tại Miss Universe Vietnam 2023, Bùi Quỳnh Hoa được gọi tên cho ngôi vị cao nhất, còn Hương Ly giành thành tích á hậu 1. Cùng năm nay, Lê Hoàng Phương thi Miss Grand Vietnam và chiến thắng đầy thuyết phục.

Thách thức và cơ hội

Tốn nhiều công sức, thời gian song điều gì khiến các người đẹp "chịu khó, tích cực" dự thi hoa hậu? Không thể phủ nhận rằng hành trình chinh chiến ở một đấu trường nhan sắc là cơ hội lớn để các cô gái được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Hơn hết, đó cũng là cách để hình ảnh của họ đến gần hơn với khán giả nếu có phần thể hiện nổi bật. "Ngoài giải thưởng, danh hiệu hay cơ hội "mang chuông đi đánh xứ người", một cô gái đến với cuộc thi nhan sắc còn có cơ hội được mọi người biết đến nhiều hơn. Điều đó hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp của các bạn sau này", Lê Thu Trang bày tỏ.

"Việc một cô gái quay trở lại đường đua để tìm kiếm danh hiệu là điều chính đáng. Mỗi chặng đường sẽ cho chúng ta kinh nghiệm khác nhau, quan trọng mục đích của bạn là gì. Nếu bạn muốn bước ra đấu trường quốc tế thì việc luyện tập trong nước là điều đương nhiên. Mỗi lần như vậy sẽ tạo cho bạn tố chất chiến binh. Tuy nhiên trong mỗi cuộc thi, bạn cũng phải chứng tỏ sự lột xác của mình", ông Phúc Nguyễn, chuyên gia đào tạo hoa hậu, chia sẻ.

Không khó để nhận ra trong một đấu trường nhan sắc, những gương mặt cũ thường có sự nổi bật hơn về kỹ năng trình diễn. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm có được, họ chuẩn bị tâm lý, đặt mục tiêu rõ ràng cho bản thân và có chiến lược cụ thể để nổi bật trước những ứng viên khác. "Khi đã từng tham gia các cuộc thi sắc đẹp, các bạn cũng có những mối quan hệ để hỗ trợ mình. Điển hình là xin lời khuyên trong việc xây dựng hình ảnh, mượn trang phục để đỡ tốn kém hơn", Nông Thúy Hằng bật mí.

Đi kèm thuận lợi, các cô gái này cũng phải đối diện với nhiều thách thức, chẳng hạn sẽ khó thấy được sự tươi mới khi trình diễn hay loay hoay trong quá trình thay đổi. Đặc biệt, sự kỳ vọng của khán giả càng cao càng đòi hỏi bản lĩnh của người đẹp đó để vượt qua những áp lực, giữ phong độ trong từng vòng thi. Bởi nếu không làm tốt, việc phải nhận ý kiến trái chiều hay bị "quay lưng" là điều khó tránh khỏi.

Theo chuyên gia Phúc Nguyễn, để có thành tích cao ở một đấu trường nhan sắc, việc "biết ta" là điều cần thiết. Ông nhắn nhủ: "Không ai trách khi các bạn tham gia 1 hay 10 cuộc thi, nhưng các bạn phải biết mình có hành trang và vũ khí gì để các bạn không xuất hiện một cách mờ nhạt. Nếu không có sự thay đổi mà liên tục xuất hiện ở những cuộc thi thì cũng không nên".

 

 

DIỄN VIÊN PHAN ĐẠT TIẾP TỤC BÓC PHỐT MỘT NHÂN VẬT BÍ ẨN, TUYÊN BỐ SẼ KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

Sau thời gian im ắng, Phan Đạt lại tiếp tục có những bài đăng bóng gió trên trang cá nhân.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, cả showbiz Việt xôn xao khi Phan Đạt - chồng của diễn viên Phương Lan có động thái tố đồng nghiệp, nhắc tên Nam Thư, Minh Dự và Hoàng Phi. Ngày 14/10, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mời diễn viên Phan Đạt lên làm việc theo đơn tố cáo của Minh Dự. Sau lùm xùm, những bài đăng đấu tố của nam diễn viên không còn thấy xuất hiện trên trang cá nhân.

Tưởng như ồn ào đã tới hồi kết nhưng vào ngày 31/10, Phan Đạt lại tiếp tục đăng tải story bóng gió. Theo đó, nam diễn viên chỉ ra 5 việc làm sai trái của nhân vật bí ẩn như xúc phạm người viết bài PR, nói xấu đồng nghiệp, thuê đơn vị seeding, ăn chơi, từng có hành động nhờ truy cập trái phép để lấy thông tin của người khác. Tuy nhiên, Phan Đạt chỉ ẩn ý và không chỉ đích danh tên của người nào.

Trong story, Phan Đạt còn khẳng định chưa từng lên tiếng xin lỗi bất kì một người nào trong nghề và cho biết sẽ không im lặng, khoan nhượng. "Bớt tráo khái niệm. Giờ thì tôi không có nể bất cứ ai ạ. Tính thôi nhưng thích qua khịa với phá tôi thì lại phải vụt thôi", anh viết.

Phan Đạt chia sẻ sau buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM: "Tôi xin lỗi đến những người bị ảnh hưởng vì không kiểm soát được cảm xúc cá nhân. Tôi mong sau này ai tham gia hoạt động nghệ thuật sẽ có trải nghiệm tốt hơn tôi".

Về ồn ào nhắc tên Minh Dự, Phan Đạt nói sẽ nói chuyện với đồng nghiệp nếu có dịp. Phan Đạt đồng thời nói anh không có ý định thanh lọc showbiz. "Tôi chỉ chia sẻ sự buồn bực, những gì tôi đăng giống nhật ký. Tôi có biện pháp khắc phục là gỡ bài đăng nếu có người cảm thấy bị ảnh hưởng. Tôi không hề quy chụp tập thể showbiz", Phan Đạt nói thêm.

 

 

CẢNH GIÁC TRƯỚC THẨM MỸ TRÁI PHÉP, GÂY TAI BIẾN

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh và quảng cáo tại cơ sở có hoạt động làm đẹp, phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ.

Tiến sĩ - bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đã có công văn chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và cơ sở làm đẹp.

Theo ông Đức, thời gian gần đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được phản ánh về tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và quy định của pháp luật về quảng cáo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và đặc biệt tại các cơ sở làm đẹp.

Các cơ sở làm đẹp là các cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các cơ sở này thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh hoặc khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi cho phép, quảng cáo không đúng quy định gây hiểu nhầm đối với người dân dẫn đến nhiều tai biến, biến chứng xảy ra.

Cá biệt, có cơ sở làm đẹp cố ý đặt tên giống với tên của cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng khác về địa điểm kinh doanh.

Bên cạnh đó, có hiện tượng mạo danh bác sĩ, bệnh viện để lừa đảo người dân. Các đối tượng giả mạo thường xuyên tạo ra các fanpage lấy tên bác sĩ bệnh viện để quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người đến khám và điều trị.

Để chấn chỉnh hoạt động này, cục đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quảng cáo tại các cơ sở có phạm vi hoạt động phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp.

Đồng thời, cần xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở hoạt động không đúng phạm vi, vượt quá phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn và quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Các sở cũng cần tham mưu UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp với các đơn vị chức năng, cơ quan công an tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở làm đẹp thực hiện các hoạt động, dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được cho phép tại các cơ sở này, quảng cáo không đúng theo quy định.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ thì đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động.

Trang thông tin điện tử của sở Y tế cần đăng tải công khai danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa về phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã có các bài viết phản ánh về biến tướng mới trong ngành y liên quan đến việc lợi dụng sự mập mờ trong sử dụng từ ngữ, đặc biệt là chữ "bệnh viện" trên biển hiệu nhằm đánh lận quy mô và chất lượng dịch vụ.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế TP HCM kiến nghị bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa tên "bệnh viện".

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh: "Những cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động "chui" cần bị xử lý triệt để để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực cho xã hội và ngành y tế, bảo đảm sức khỏe cộng đồng".

 

 

60 TRẬN ĐỘNG ĐẤT HOÀNH HÀNH TRONG 1 THÁNG TẠI KON TUM

Trong số 63 trận động đất xảy ra vào tháng 10/2024 trên cả nước thì có 60 trận tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum

Ngày 1/11, thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong tháng 10/2024, có tới 60 trận động đất độ lớn từ 2.5 đến 4.1 tại huyện Kon Plong, Kon Tum.

Trong đó một số ngày xuất hiện nhiều trận động đất như: Ngày 5/10 xảy ra 5 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.6 đến 4.1; Ngày 12/10 xảy ra 6 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.8; ngày 14/10 xảy ra 5 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.4; Ngày 22/10 xảy ra 5 trận động đất có độ lớn từ 2.8 đến 3.5; đáng chú ý nhất là ngày 7/10 xảy ra 10 trận liên tiếp có độ lớn từ 2.6 đến 3.5.

Như vậy so với tháng 9/2024 trước đó là 32 trận xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum), tần suất động đất xảy ra trong tháng của tỉnh kon Tum đã tăng gần gấp đôi (tăng 28 trận).

Theo Viện Vật lý Địa cầu, các trận động đất tại Kon Plong trong thời gian qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.

Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi ngấm đủ xuống bên dưới.

Viện Vật lý Địa cầu cũng nhận định, động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do đó, địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình.

Theo thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước xảy ra 416 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Điện Biên, Ninh Bình, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai và Hà Nội. Trong tổng số 416 trận động đất kể trên, có khoảng hơn 400 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum.

 

Nguồn: Thanh Niên; Soha; Kenh14; VTC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang