Người bạn giúp Trương Mỹ Lan trả nợ; Cựu Thứ trưởng từng có tiền án; Gánh nặng chi phí đè DN; Biến 2ha nông nghiệp thành trường lái

NGƯỜI BÍ ẨN MUỐN GIÚP TRƯƠNG MỸ LAN TRẢ NỢ

Người bạn của Trương Mỹ Lan muốn thay mặt 3 cổ đông dự án Capital Palace trả 250 triệu USD vay ngân hàng và cho bị cáo mượn thêm 130 triệu USD khắc phục hậu quả.

Chiều 24/9, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Tại phiên toà, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn Luật sư TP.HCM, bào chữa cho 4 bị cáo khác trong vụ án) cho biết, thông qua luật sư Trang một người bạn của bị cáo Trương Mỹ Lan ở Mỹ muốn thay mặt cho 3 cổ đông của toà nhà Capital Palace (số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) trả 250 triệu USD đang vay của ngân hàng nước ngoài.

Theo luật sư, toà nhà này đang được định giá 2.112 tỷ đồng, người này cũng muốn cho bà Lan mượn thêm 130 triệu USD để khắc phục thiệt hại cho các trái chủ.

Đối với dự án 6A (Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP.HCM) rộng 26ha, người bạn của bà Lan sẽ nộp 1 khoản tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng và bà Lan phải đồng ý giao lại dự án 6A cho họ. Sau này bà và họ sẽ bàn chuyện mua bán.

Đối với dự án Capital Palace (số 29 Liễu Giai), bị cáo Lan đồng ý. Còn dự án 6A, bà Lan nói muốn tìm người có tiền thật và mua thật, còn giá trị bao nhiêu bà không quan tâm.

Sau khi nêu 2 nội dung trên, nếu bà Lan đồng ý, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang sẽ đại diện cho người bạn ở Mỹ của bà Lan giải quyết các khâu tiếp theo.

"Trong giai đoạn khó khăn này mà có những người bạn đứng ra hỗ trợ khắc phục cho các trái chủ thì đáng quý, tôi đồng ý" , bà Lan nói.

Sau khi nghe luật sư trình bày và có sự đồng ý của bà Lan, Chủ tọa Nguyễn Thị Hoà yêu cầu các bên làm nhanh văn bản gửi cho HĐXX để xem xét, hỗ trợ khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ năm 2018 đến 2020, Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với 308 triệu trái phiếu.

Trương Mỹ Lan huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về 30.081 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Ở tội Rửa tiền, từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu như trên.

Trong quá trình chiếm đoạt số tiền này, Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền do phạm tội mà có.

Số tiền này chủ yếu để chi trả khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng “khống”.

Từ 27/10/2012 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài.

Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng). Trong đó, chuyển đi 1,5 tỷ USD (tương đương hơn 35.361 tỷ đồng), nhận về hơn 3 triệu USD (tương đương 71.368 tỷ đồng).

Cáo buộc cho rằng bị can Trương Mỹ Lan là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trương Mỹ Lan đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.

Bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát họp bàn với các đồng phạm là nhân sự chủ chốt của tập đoàn, Ngân hàng SCB, Công ty TVSI chọn và sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống", chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.

 

 

CỰU THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG ĐỖ THẮNG HẢI VÀ THUỘC CẤP TỪNG CÓ TIỀN ÁN

Trong 15 bị can bị truy tố trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) cơ quan tiến hành tố tụng xác định cựu Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải và bị can Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước, từng vướng tiền án.

Cụ thể, phần lý lịch tư pháp nêu trong cáo trạng thể hiện, năm 1988, bị can Đỗ Thắng Hải bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù cho hưởng treo, thời gian thử thách 4 năm về tội “Đầu cơ” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1985, hiện đã được xóa án tích.

Còn Nguyễn Lộc An , năm 2002 đã bị TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt phạt 3 năm tù cho hưởng án treo về tội “Trốn thuế”. Bản án phúc thẩm sau đó giữ nguyên hình phạt này, án tích của An cũng đã được xóa.

Hồ sơ vụ án cho thấy, Công ty Xuyên Việt Oil thành lập, hoạt động từ năm 2005, vốn điều lệ tăng theo thời gian lên 3.000 tỷ đồng với 15 chi nhánh, 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 9 công ty liên quan...

Theo cáo buộc, từ năm 2016, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, qua đó trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Ở lần cấp phép đầu tiên, Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện nên bà Hạnh "lách luật" bằng cách đưa hối lộ cho cựu Vụ phó Nguyễn Lộc An 4 lần, tổng 921 triệu đồng (trong đó, có 400 triệu đồng tiền mặt, một đồng hồ Patek Philippe được ông An đem bán).

Sau khi nhận tiền 3 lần, ông Lộc An ký công văn gửi Thứ trưởng Công Thương về kết quả kiểm tra thực tế, đồng thời, đề xuất ký ban hành giấy phép cho Xuyên Việt Oil.

Ngày 22/8/2016, Xuyên Việt Oil chính thức có trong tay giấy phép, doanh nghiệp đi vào vận hành kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.

Để duy trì việc kinh doanh và cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lại lần hai vào năm 2021, bị can Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil) đã đưa hối lộ 22 lần với tổng số 31,5 tỷ đồng.

Mục đích để Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát quỹ bình ổn xăng dầu; được ưu đãi mua hàng và thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu với chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu.

Cụ thể, bà Hạnh đã hối lộ hoặc chỉ đạo thuộc cấp hối lộ bị can Hoàng Anh Tuấn (cũng là cựu Vụ phó Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương) tổng 5,9 tỷ đồng; Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng) 5,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, bị can Đỗ Thắng Hải được hối lộ 50.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng).

Theo cơ quan truy tố , sau khi lo lót cho các quan chức tại Bộ Công thương để trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, bà Mai Thị Hồng Hạnh đã vi phạm quy định về trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu gây thất thoát 219 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà chủ Xuyên Việt Oil còn vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát 1.244 tỷ đồng.

Như vậy, toàn vụ án, cơ quan tố tụng cáo buộc bà Hạnh cùng đồng phạm gây thiệt hại tổng số tiền hơn 1.453 tỷ đồng.

 

 

CHI PHÍ ĐÈ GÁNH NẶNG LÊN DOANH NGHIỆP

Trong bối cảnh Chính phủ cùng các bộ, ngành đang tìm mọi phương án hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp logistics vẫn oằn lưng gánh phí cầu đường.

Khổ vì phí chồng phí

Suốt 1 tuần qua, trạm BOT Phú Hữu (TP.Thủ Đức, TP.HCM) trở thành một trong những "điểm nóng" giao thông của TP.HCM. Nếu như trong ngày đầu thu phí (17.9), người dân và tài xế phản đối khiến khu vực trạm thu phí hỗn loạn, giao thông ùn tắc nghiêm trọng, thì những ngày gần đây, các phương tiện phản ứng bằng cách đồng loạt chuyển hướng chạy về đường Nguyễn Thị Định, vào đường Nguyễn Thị Tư, dồn sức ép lên những tuyến đường dân sinh vốn đã quá tải. Ngược lại, trạm BOT Phú Hữu nhiều thời điểm ghi nhận vắng hoe, rất ít xe lớn qua lại.

Anh Đặng Kim Sơn, tài xế lái xe container cho một doanh nghiệp (DN) vận tải tại TP.HCM, cho biết cả quãng đường dài gần 3 km, nhưng bãi lấy hàng cách trạm thu phí chưa đến 500 m mà mỗi lần vào lấy hàng anh phải đóng cho trạm BOT Phú Hữu 220.000 đồng (cho 2 lượt ra/vào). Chi phí này là quá cao và chưa phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi đó, những hộ gia đình đăng ký xe đưa rước con đi học, ra vào trạm phải tốn thêm 42.000 đồng/lượt; nhiều người dân làm nghề lái taxi sinh sống bên trong khu vực trạm thu phí bán kính chỉ 200 m nhưng cũng phải đóng thêm phí BOT ít nhất 2 lần mỗi ngày. Chưa kể, đường vào BOT Phú Hữu là độc đạo, ngắn, mặt đường xuống cấp, mùa mưa thì ngập nước, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên khiến người dân đi lại khó khăn. Do đó, việc BOT Phú Hữu đưa vào thu phí với mức giá cao và chính sách miễn/giảm còn nhiều bất cập đang vấp phải ý kiến phản đối gay gắt của người dân và cánh tài xế taxi, xe công nghệ…

Đối với DN, chi phí đẩy lên càng nặng nề hơn. Ông Lê Quang Lâm, Giám đốc Công ty QTL Logistics, kể vanh vách: Hàng từ các tỉnh phía đông - tây khi vận chuyển vào khu vực TP.HCM phải chịu thêm phí cầu đường tại trạm BOT Xa lộ Hà Nội (160.000 đồng/lượt xe, không phân loại container), trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (163.000 đồng/lượt/container rỗng, 342.000 đồng/lượt/container hàng). Hàng từ các tỉnh phía nam bắt buộc phải trả phí BOT cầu Phú Mỹ (80.000 đồng/lượt xe) và BOT đường Nguyễn Văn Linh (35.000 đồng/lượt xe). Chưa kể, DN phải đóng phí cơ sở hạ tầng cảng biển cho TP.HCM (250.000 đồng/container loại 20 feet, 500.000 đồng/container 40 feet) và các chi phí phát sinh khác do hoạt động vận hành sản xuất.

"Thu phí BOT đường Nguyễn Thị Tư, DN đưa hàng xuất nhập khẩu (XNK) vào các cảng khu vực Phú Hữu sẽ phải chịu phí chồng phí. Đây là khu vực tập trung nhiều cảng biển có những tuyến dịch vụ đặc thù, là cửa ngõ XNK nơi các chủ hàng đều mong muốn sử dụng dịch vụ, đồng thời tuyến đường này là huyết mạch độc đạo, xe ra vào bắt buộc phải trên cùng một tuyến đường. Việc triển khai kế hoạch thu phí cầu đường và trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư diễn ra vào thời điểm này thật sự không hợp lý, tạo thêm những áp lực không đáng có, trực tiếp đưa DN vào trạng thái bù lỗ trên mỗi chuyến vận tải", ông Lâm bức xúc.

Trong khi phía chính quyền, chủ đầu tư và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, Công ty CP vận tải và thương mại Quốc Tế (ITC Corp), đơn vị khai thác cảng container quốc tế SP-ITC, đã phải tự bỏ tiền hỗ trợ các đối tác từ 50 - 100% phí qua trạm BOT Phú Hữu, nhằm giảm chi phí cho DN.

Áp lực chi phí "khủng khiếp"

Bên cạnh những loại thuế, phí bắt đầu thu hoặc được điều chỉnh tăng một cách chính thức, các DN logistics, XNK còn phải gánh thêm rất nhiều chi phí không tên.

Cách đây hơn 1 tháng, hệ thống khai hải quan điện tử bị "sập nguồn", kéo dài hơn 1 ngày đêm. Đến nay, mặc dù hoạt động khai báo hải quan đã vào guồng trở lại, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều DN làm hàng xuất khẩu, tính liên thông, kết nối dữ liệu giữa hải quan và cảng vẫn còn bị trục trặc. Điều này khiến chi phí của DN đội lên đáng kể. Chẳng hạn, việc khai báo đã không phải thực hiện thủ công, nhưng thỉnh thoảng, việc đính kèm số container lại không "ăn" vào hệ thống khiến nhiều DN XNK không nhận được mã vạch. Nếu không có mã vạch, hàng hóa đã đưa về cảng cũng không lấy ra được.

Bà Nguyễn Q. Khánh (đại diện một công ty logistics tại Q.1, TP.HCM) thông tin: "Không lấy được mã vạch, có ra cảng cũng không lấy được hàng. Hàng hóa lưu lại bãi ngày nào là chi phí đội lên ngày đó. Nhiều DN XNK không chịu chi phí thêm này, mà đơn vị làm dịch vụ chịu. Chẳng hạn, với lô hàng container đông lạnh đã hoàn tất thủ tục hải quan, nhưng phía cảng chưa nhận được mã vạch, vẫn không lấy hàng được. Số tiền lưu tại cảng phải trả thêm khoảng 1,5 triệu đồng/ngày/container. Còn hàng lưu bãi 23 USD/ngày, lưu tại bãi kiểm hóa (hàng chờ để kiểm hóa) trả thêm khoảng 270.000 đồng/ngày… Nhưng thường chậm lại kéo dài hơn 1 ngày, thậm chí cả 3 - 5 ngày, nên chi phí có tên nhưng cũng như không tên, đội lên rất lớn".

Lãnh đạo một DN thương mại và tiếp vận chia sẻ: Tình hình XNK hàng hóa năm 2023 từ VN đi các nước giảm sút rất nghiêm trọng, đặc biệt là các ngành hàng trọng điểm như dệt may, da giày, gỗ... Những chỉ số dự báo được cho là lạc quan nhất về tình hình kinh tế chung năm 2024 vẫn còn bỏ ngỏ, chưa khẳng định ngành XNK của VN sẽ khởi sắc trong thời gian ngắn sắp tới. Trong bối cảnh đó, để đưa một container hàng hóa từ TP.HCM ra thị trường nước ngoài và ngược lại, hiện các DN XNK đã và đang phát sinh rất nhiều chi phí như: phí XNK mỗi container hàng hóa thông qua các cảng, hãng tàu, phụ phí XNK, thuế XNK; lệ phí cầu đường tại các trạm BOT.

"Đặc biệt, sau khi cơn bão số 3 kéo theo những trận lũ lịch sử, dù không nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng các DN phía nam cũng bị tác động. DN nào may mắn không bị đứt nguồn hàng từ đối tác, nhà cung ứng thì cũng đã trích một phần đáng kể trong lợi nhuận hoặc doanh thu để thực hiện các công tác thiện nguyện, hỗ trợ đồng bào và cả đối tác của mình ngoài kia. Do đó, bất cứ khoản chi phí tăng thêm nào vào giai đoạn này cũng sẽ gây thêm áp lực khủng khiếp cho DN. DN quy mô càng lớn, chi phí đội lên càng nhiều", vị này giãi bày.

TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đánh giá: Kinh tế VN vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, cộng thêm sức tàn phá của thiên tai, bão lũ, thiệt hại càng thêm nặng nề. Đây là thời điểm nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách để DN khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng, điển hình là mở rộng tài khóa, tiền tệ, để lại tiền cho người dân tăng chi tiêu, cho DN có vốn làm ăn, mở rộng hoạt động kinh doanh. "Linh hồn" của chính sách mở rộng tài khóa là giảm thu, giảm những khoản chi phí đầu vào để hỗ trợ DN. Khi DN khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh đồng nghĩa với tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thêm thu nhập để chi tiêu, từ đó khôi phục kinh tế. Khi kinh tế ổn định thì có thể tăng thu để bù lại thâm hụt ngân sách.

"Do đó, nếu được, nhà nước cần can thiệp để tạm lùi thời gian áp dụng thu phí, kéo dài thêm 1 năm nữa để có đủ dư địa cho kinh tế hồi phục. Có rất nhiều cách. Đơn cử, với những loại thuế, phí, giá mà nhà nước quy định…, đến thời hạn tăng giá thì tạm lùi hoặc kéo dài chương trình hỗ trợ giảm giá thêm 1 năm. Với phí BOT, do đã ký hợp đồng với DN nên có thể giãn chu kỳ tăng giá bằng cách cho phép DN kéo dài thêm thời gian thu phí 1 - 2 năm để bù lại khoản thu. Tùy từng trường hợp, từng thời điểm chính sách cũng cần linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ nền kinh tế", TS Huỳnh Thanh Điền đề xuất.

Cần chính sách hỗ trợ mạnh và nhanh

Không phải chỉ trạm BOT Phú Hữu của TP.HCM bị người dân phản ứng vì thu phí cao vào đúng giai đoạn DN khó khăn, những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội đã lan truyền bức xúc với câu chuyện sau khi chở hàng cứu trợ đồng bào các tỉnh phía bắc bị thiệt hại do bão lũ, nhiều xe tải về đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị chặn lại, yêu cầu trả phí. Cụ thể, trưa 13.9, một đoàn thiện nguyện gồm 8 xe chở nhu yếu phẩm do các nhà hảo tâm của tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận quyên góp hỗ trợ các tỉnh phía bắc di chuyển đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Khi đoàn xe đến trạm thu phí cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), đại diện đoàn xin được miễn vé qua trạm nhưng nhân viên trạm thu phí không đồng ý. Đáng lưu ý, trong suốt quá trình làm thiện nguyện, đoàn xe này di chuyển qua nhiều tỉnh, thành và đều được các trạm thu phí hỗ trợ.

Trước đó, Cục Đường bộ VN đã gửi văn bản đề nghị các đơn vị, nhà đầu tư, DN xem xét, chỉ đạo các trạm thu phí miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ khi đi qua trạm thu phí cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới; phối hợp Khu Quản lý đường bộ khu vực và các cơ quan liên quan của địa phương tổ chức phân làn, phân luồng, hướng dẫn giao thông để các xe trên lưu thông qua trạm thu phí nhanh nhất. Đề nghị này phát đi trên cơ sở lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng, giúp người dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, đại diện đơn vị khai thác vận hành cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại cho rằng các xe được miễn phí qua trạm thu phí phải thực hiện theo quy định của Cục Đường bộ. Ngoài xe thuộc diện đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, các xe còn lại muốn được miễn phí phải có giấy xác nhận của Cục. Thời gian qua, có nhiều đoàn chở hàng cứu trợ nhưng khi qua trạm vẫn đóng phí như bình thường.

Đây là một trong những ví dụ điển hình mà chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đã cảnh báo ngay khi Chính phủ định hướng khẩn cấp có chính sách hỗ trợ DN và người dân sau cơn bão số 3. Theo ông Thành, cũng như giai đoạn sau dịch bệnh, có 2 chính sách hỗ trợ quan trọng có thể triển khai được ngay. Thứ nhất là chính sách tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất. Thứ hai là chính sách tài khóa liên quan đến miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí. "Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng... và Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ này phải được thực hiện thật nhanh, phải xây dựng làm sao để DN tiếp cận dễ dàng nhất, hiệu quả nhất trên cơ sở chủ trương xuyên suốt từ trên xuống dưới. Nếu ở trên chủ trương hỗ trợ mà ở dưới lại chần chừ hoặc làm khó thì coi như vô ích. Quan trọng nhất của chính sách hỗ trợ là nhanh, trúng và dễ tiếp cận", TS Võ Trí Thành khuyến nghị.

 

 

VỤ BIẾN GẦN 2HA NÔNG NGHIỆP THÀNH TRƯỜNG LÁI: GIA LAI RA QUYẾT ĐỊNH

Sau khi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Sở GTVT cũng vừa thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô của cơ sở này do không khắc phục được sai phạm.

Ngày 24/9, thông tin từ Sở GTVT Gia Lai cho biết, đơn vị đã ra quyết định thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô cấp cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai.

Việc thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai (tại thôn Châu Sơn, xã Đăk Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) dựa trên cơ sở trước đó, ngày 22/7, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm này.

Sở GTVT Gia Lai yêu cầu Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai có trách nhiệm nộp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô về sở theo quy định.

Ông Trần Đình Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Gia Lai, cho biết, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô có hiệu lực, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai phải bàn giao danh sách học viên đang quản lý, kèm theo báo cáo đăng ký sát hạch lái xe và hồ sơ, dữ liệu (nếu có) cho cơ sở đào tạo lái xe tiếp nhận bàn giao.

Trung tâm phải báo cáo về Sở GTVT để theo dõi, quản lý.

Như VietNamNet đưa tin, dù không được quy hoạch đất làm cơ sở giáo dục, nhưng được sự giúp đỡ của huyện Mang Yang, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai đã thuê lại gần 2ha đất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Hà (Chủ tịch UBND xã Đăk Yă) tại thôn Châu Sơn, xã Đăk Yă (huyện Mang Yang) để làm cơ sở đào tạo lái xe ô tô.

Quá trình hoạt động, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai đã để xảy ra nhiều sai phạm như đào tạo lái xe không đúng nội dung, chương trình theo quy định. Vì thế, Thanh tra Sở GTVT Gia Lai đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính số tiền 12,5 triệu đồng và đình chỉ tuyển sinh 3 tháng đối với cơ sở này.

Cùng với đó, do không đảm bảo các điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai đã ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp 3 tháng (từ ngày 27/3 đến hết ngày 27/6) đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai.

Sau khi hết hạn đình chỉ, các sở, ngành liên quan đã tiến hành kiểm tra và xác định, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

Ngày 22/7, Sở LĐ-TB&XH Gia Lai đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai. Đồng thời, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động giáo dục nghề nghiệp kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực.

 

Nguồn: Kenh14; Soha; Thanh Niên; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang