Nghìn tấn rau củ đổ về chợ đầu mối; Hoa quả ùn ùn xuất sang TQ; Hàng quán chật kín ngày Tết; Đất đang rẻ, tích sản tăng

HÀNG NGHÌN TẤN RAU CỦ, HOA QUẢ ĐỔ VỀ CÁC CHỢ ĐẦU MỐI XUYÊN TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Trong ngày mùng 1, mùng 2 Tết, đã có hàng nghìn tấn rau củ quả đổ về chợ đầu mối tại các thành phố lớn. Từ ngày mùng 3 Tết, dự báo sức mua của người dân sôi động, nhiều tiểu thương chợ truyền thống mở cửa hàng trở lại.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo đó, năm nay nguồn cung hàng hoá dồi dào nhưng sức mua của người dân giảm hơn so với những năm trước. Giá cả thị trường Tết tại các địa phương tăng giảm đan xen, nhưng không có đột biến, không sốt giá. Ngày mùng 1, mùng 2 Tết, giá cả cơ bản ổn định so với trước Tết.

Theo báo cáo, tại TPHCM, lượng hàng nhập về chợ đầu mối chủ yếu rau củ, trái cây. Ngày mùng 1, mùng 2 Tết, mỗi ngày có 85 tấn rau, củ và 15 tấn trái cây nhập chợ đầu mối Hóc Môn. Có hơn 160 sạp hàng hoá khai trương lấy ngày. Giá hàng hoá tương đương ngày thường.

Tương tự, có khoảng 790 tấn rau, trái cây về nhập chợ đầu mối Thủ Đức. Giá bán buôn mặt hàng rau củ quả như cà chua, dưa chuột sức mua giảm, giá giảm 5.000 đồng/kg. Giá cải ngọt, cải xanh, hành lá, xà lách búp tăng 5.000 -13.000 đồng/kg. Sức mua giảm kéo giá các mặt hàng trái cây như dưa hấu dài, dưa hấu sọc, đu đủ, thanh long, bưởi da xanh giảm 2.000 -3.000 đồng/kg. Quýt đường, xoài cát Hòa Lộc sức mua tương tự, giá giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Các chợ lẻ ở TPHCM có khoảng 10-20% tiểu thương mở hàng trở lại. Chủ yếu gian hàng rau củ, quả, trái cây và đồ cúng. Tiểu thương bán lấy ngày khai trương và giao mối cho nhà hàng, quán ăn hoạt động trong những ngày Tết.

Ở Cần Thơ, giá cả hàng hoá tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung. Chợ truyền thống, nhiều sạp hàng thịt cá, rau củ bán trở lại. Tương tự ở Đà Nẵng, mùng 2 Tết chợ đóng cửa, chỉ còn một số người bán lẻ rau xanh, củ quả.

Nhằm kịp thời cập nhật diễn biến thị trường, trong những ngày nghỉ Tết, Bộ Tài chính cho biết, đã lập kênh thông tin hàng ngày kết nối với sở tài chính địa phương. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động quản lý, điều hành và thực hiện bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

(Nguồn: Kenh14)

HOA QUẢ VIỆT ÙN ÙN XUẤT SANG TRUNG QUỐC TRONG 2 NGÀY TẾT

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, từ ngày 1/1 đến ngày 23/1 (mồng 2 Tết) đã có khoảng hơn 37.000 tấn hoa quả các loại đã được xuất sang Trung Quốc với kim ngạch đạt hơn 45 triệu USD.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai - cho hay, các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong những ngày đầu năm 2023 khá đa dạng gồm thanh long, xoài, mít, chuối, dưa hấu, chôm chôm, nhãn, một số loại hoa…

Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 21/1, có khoảng 36.163 tấn trái cây gồm thanh long, xoài, mít, chuối, dưa hấu, chôm chôm, nhãn, chanh, lạc nhân, sầu riêng và hoa cúc tươi...được các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, thanh long là mặt hàng có lượng xuất khẩu lớn nhất với 9.232 tấn, chuối khoảng 6.048 tấn, dưa hấu 4.305 tấn và gần 6 triệu cành hoa cúc.

Trong ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán Qúy Mão, có doanh nghiệp đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc gồm 10 xe quả tươi với tổng trọng lượng 355 tấn gồm chôm chôm, xòai, mít. Ngày mùng 2 Tết, doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu 20 xe thanh long, mít, xoài... với khoảng 800 tấn. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt hơn 45 triệu USD.

Đại diện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, hiện chi cục và các lực lượng ở cửa khẩu đã có kế hoạch và bố trí đầy đủ lực lượng để đảm bảo thông quan thông suốt cho doanh nghiệp.

Cùng với hoạt động xuất nhập khẩu, việc thông quan hàng hoá đang được đảm bảo cho các đơn hàng dịp Tết, tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, để kịp tiến độ giao hàng theo hợp đồng đã ký kết. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn hoạt động xuyên dịp nghỉ Tết.

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan - cho hay, với tinh thần hỗ trợ tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn ngành đảm bảo thông quan hàng hóa liên tục trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

“Các chi cục tiếp nhận hồ sơ điện tử, chứng từ dưới dạng số để tránh doanh nghiệp phải đến cơ quan hải quan, qua đó có thể giải quyết thủ tục từ xa và thủ tục phi giấy tờ cho doanh nghiệp. Khi thủ tục thông quan xong, doanh nghiệp có thể ra cảng lấy hàng. Tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay, hải quan giải quyết thủ tục 24/7. Mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu hướng đến lập kỷ lục mới khoảng 800- 840 tỉ USD trong năm 2023”, ông Âu Anh Tuấn chia sẻ.

(Nguồn: Soha)

HÀNG QUÁN CHẬT KÍN KHÁCH NGÀY ĐẦU NĂM

(Ảnh minh hoạ).

Nhiều nhà hàng, quán cà phê tại Hà Nội, Hải Phòng kín khách hai ngày đầu năm mới, nhưng giữ nguyên giá hoặc chỉ tăng nhẹ so với ngày thường.

Mùng 2 Tết (23/1), cửa hàng của hệ thống cà phê ở Hà Nội đã mở cửa trở lại sau khi nghỉ hai ngày 30 và mùng 1 Tết. Các thương hiệu như Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long, Starbucks... đều không thu phụ phí để thu hút khách hàng trong những ngày Tết. Một số cửa hàng nhỏ hơn chỉ phụ thu thêm 5.000 - 10.000 đồng một đồ uống, khác hẳn với những năm trước dịch.

Từ chiều tối, nhiều cơ sở ở khu vực trung tâm thành phố đông kín khách, đa phần là thanh niên. Khoảng 19h, chị Hương Mai, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội phải di chuyển qua vài quán cà phê mới tìm được một địa điểm trên đường Lý Thường Kiệt có bàn đủ cho 8 người. "Phần lớn hàng quán đều khá tấp nập khách ra vào. Đông khách nên thời gian chờ đồ uống cũng lâu hơn mọi ngày", chị Mai nói.

Không chỉ cửa hàng cà phê, nhiều quán ăn vỉa hè những ngày này cũng đắt khách, nhưng giá cả cũng ở mức chấp nhận được. Anh Đặng Hoàng Việt ở Hà Đông chia sẻ tối mùng 2 đưa gia đình đi ăn bò nướng ở phố Cửa Đông hết 750.000 đồng. Với những món ăn tương tự, ngày thường gia đình anh Việt hết khoảng 650.000 - 700.000 đồng.

Tại Hải Phòng, hàng quán trong trung tâm thương mại Aeon Mall cũng chật kín khách. Anh Quang Thành, trú tại Đằng Lâm, Hải Phòng đến đây vào lúc 18h30 tối mùng 2 Tết và phải mất gần nửa tiếng mới chọn được một quán ăn còn chỗ trống ở tầng 1 của trung tâm thương mại. "Đi ăn hàng ngày Tết cũng khá vất vả vì tìm được chỗ ngồi xong cũng mất thêm gần nửa tiếng để quán phục vụ đủ đồ ăn", anh Thành cho hay.

Nhiều hàng ăn ở Hải Phòng còn bán suốt đêm Giao thừa. Bà Nguyễn Ngọc Anh, chủ một hàng bún, bánh đa trên đường Lê Lai, Hải Phòng đã duy trì việc bán hàng đêm Giao thừa đến hết Tết vài năm gần đây để phục những người đi xem pháo hoa hay đi lễ chùa. Theo bà, đây là một trong số ít dịp trong năm để gia tăng doanh số bán hàng.

Tuy nhiên, không phải cơ sở kinh doanh nào phục vụ xuyên Tết Quý Mão cũng có thể kiếm bộn. Giang Trần, người đang kinh một chuỗi cocktail bar tại Hà Nội đánh giá, nhìn chung lượng khách đến các quán của chị giảm rõ rệt so với năm ngoái. "Bình quân chi tiêu của khách hàng năm nay cũng giảm mạnh. Có thể do khách hàng thắt chặt chi tiêu hơn và dịp Tết Âm lịch năm nay sát với Tết Dương lịch", chị Giang chia sẻ. Trong khi đó để duy trì hoạt động, cửa hàng vẫn phải áp dụng mức lương gấp ba lần cho những nhân viên đi làm ngày Tết.

(Nguồn: Vnexpress)

ĐẤT ĐANG RẺ DẦN, XU HƯỚNG TÍCH SẢN SẼ GIA TĂNG?

Không ít bất động sản đang được chào bán với mức giá giảm từ 10-30% so thời điểm cách đây một năm trước. Đây là cơ hội để tích sản cho những người có sẵn tiền mặt.

Giá đất rẻ dần

Quyết định bán căn hộ chung cư vào đầu tháng 1/2023, chị Trần Hà (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) chuyển sang đi thuê. Số tiền bán nhà, vợ chồng chị dự tính sẽ mua lô đất ở tỉnh lẻ. Chị xác định tiêu chí mua đất: nằm ở trục đường lớn, nơi đang có quy hoạch dự án khu đô thị xung quanh. Chị Hà cho biết, thời điểm giữa năm 2022, khi khảo sát ở Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), với mức tài chính 1,5 tỷ, rất khó để mua lô đất đẹp.

Tuy nhiên, đến hiện tại, với thông tin môi giới thông báo, cơ hội sở hữu lô đất 1,5 tỷ đồng, nằm trên trục đường lớn của xã, hai làn xe ô tô tránh nhau đã xuất hiện. So thời điểm giữa năm, giá đất nền hiện tại đã hạ từ trung bình 15-20%, chưa kể đàm phán, thương lượng thêm. Chị Hà nhận định, giá sẽ còn hạ tiếp khi lãi suất tăng cao, áp lực trả nợ gốc khiến một số nhà đầu tư phải bán cắt lỗ.

Khảo sát loại hình nhà đất trong ngõ tại Hà Nội, mức giá đang giảm nhiệt. Thời điểm tháng 11/2022, giá căn nhà đất trong ngõ tại khu vực như Mỹ Đình, Phú Đô, Mễ Trì, mức giá dao động từ 100-150 triệu đồng/m2. Tại khu vực như Tây Mỗ, Dương Nội, Xuân Phương, giá nhà đất nằm ở ngưỡng 70-95 triệu đồng/m2. Mức giá nhà đất ở khu vực An Khánh (Hoài Đức), Yên Nghĩa (Hà Động) dao động ở mức 65-80 triệu đồng/m2. Đây chỉ là mức giá với căn nhà đất nằm trong ngõ.

Đến đầu tháng 1/2023, giá nhà đất đã bắt đầu hạ từ 5-10%. Đơn cử như trước đó, để tìm căn nhà với mức giá dưới 3 tỷ ở Tây Mỗ gần như không có. Tuy nhiên, thời điểm cận Tết, nhiều căn nhà diện tích 30-34m2 được môi giới chào bán với giá 2,7-2,9 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Xuân Ngọc (môi giới nhà đất ở Hà Nội) cho biết, giá đất, nhà đất có thể sẽ tiếp tục hạ nhẹ trong năm 2023. “Một số người mua liên hệ với tôi để tìm nhà đất hoặc đất đều có ý định để tích sản”, anh Ngọc nói.

Xu hướng tích sản sẽ gia tăng

Theo giới chuyên gia, giá đất đang rẻ là cơ sở để xu hướng tích sản gia tăng mạnh. Bởi nhìn lại dòng chuyển động của thị trường địa ốc, sau gần 10 năm, giá bất động sản mới bắt đầu chững và dần hạ nhiệt.

Bà Trang Lê, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam cho rằng, tâm lý gom hàng giá rẻ của nhiều nhà đầu tư vì cho rằng đây là thời điểm các sản phẩm quay trở về giá trị thật trong bối cảnh thị rường trầm lắng cần hết sức thận trọng.

Tuy nhiên, theo bà Trang Lê, một sản phẩm giá rẻ chỉ là cơ hội đầu tư tốt khi giá trị giao dịch trên thị trường thấp hơn giá trị nội tại mà sản phẩm đó mang lại. Nói về xu hướng đầu tư, bà Trang Lê nhận định, các nhà đầu tư sẽ mong muốn tìm kiếm dự án với mục tiêu phòng tránh rủi ro, “bảo toàn” dòng tiền. Trong thời điểm khó khăn hiện tại, bà Trang Lê nói, xu hướng đầu tư sẽ dịch chuyển sang dài hạn, hướng đến các khoản lợi nhuận trong vòng 3-5 năm tới thay vì nhảy sóng đầu cơ. Bên cạnh yếu tố an toàn, nhà đầu tư sẽ chú ý đến khả năng tạo dòng tiền bền vững từ dự án.

Cũng theo bà Trang Lê, năm 2023 có thể là thời điểm tốt để nhà đầu tư đang nắm tiền mặt tiếp cận bất động sản có giá tốt sau một khoảng thời gian dài thị trường phát triển mạnh và mặt bằng giá cao.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group, thị trường đang bước vào giai đoạn chắt lọc các sản phẩm. Những sản phẩm gắn với nhu cầu ở thực, có giá phải chăng sẽ ngày càng được quan tâm. Ông Nga khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội xuống tiền với một số sản phẩm có chiết khấu lớn. Một số dự án pháp lý đầy đủ đang giảm giá tới 50% tại các tỉnh lân cận Hà Nội. Ông Nga nhấn mạnh, người mua đặc biệt chú ý tới tính pháp lý của các dư án và tiềm năng phát triển của dự án. Theo ông Nga, lịch sử thị trường luôn cho thấy, sau các đợt suy thoái, thị trường thường thiết lập một mặt bằng giá mới.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Giật mình giá rau xanh; Tấp nập XNK đầu năm; DN bàn cách vượt thách thức; Tình cảnh trái ngược môi giới BĐS ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang