Nghịch lý học sinh Việt: Càng hoà nhập thành tích càng giảm

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Thành công của học sinh Việt nam ở Đức đã trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học. Với những kết quả đạt được của con em mình trong lĩnh vực này, nhóm nhập cư thuộc diện nhỏ bé ở đây - nếu xếp theo thứ hạng chỉ vào khoảng ở vị trí hai mươi - lại thường luôn được coi là một ví dụ điển hình về hoà nhập. So với các nhóm nhập cư khác đến từ những khu vực không thuộc các nước phương Tây và khối EU, học sinh Việt Nam chỉ đứng sau học sinh Hàn quốc và Iran. Với học sinh có nguồn gốc nhập cư từ Hàn quốc, điều đấy không có gì đáng ngạc nhiên, bởi những trẻ em này thường xuất thân từ tầng lớp gia đình rất có điều kiện thuộc giới thượng lưu ở đó trước khi đặt chân đến Đức, trong khi đa số các học sinh Việt nam thì hầu như bố mẹ là dân lao động hoặc cũng chỉ kinh doanh buôn bán với mức thu nhập bình thường. Ngoài ra với số lượng gần 30.000 người, cộng đồng Hàn quốc chỉ là một con số nhỏ so với hơn 100.000 người Việt đang sống và định cư ở Đức. Bởi vậy thành tích học tập của học sinh Việt nam luôn được coi như một kỳ tích gây nhiều chú ý.

Hình ảnh của một gia đình Việt nam được tác giả bài viết đưa ra ở đây là những cặp vợ chồng chăm chỉ, học vấn bình thường, vợ làm công việc quyét dọn, vệ sinh, buôn bán nhỏ, chồng làm quán ăn hoặc những công việc mà thu nhập của họ có khi mỗi giờ chỉ mấy Euro, song họ luôn sẵn sàng bỏ ra hàng chục Euro để con được học thêm một giờ bổ túc văn hóa hay thậm chí nhạc, họa... với mong ước con mình sẽ phải được học ở các trường điểm hệ Gymnasium, có thành tích học tập cao để sau này trở thành luật sư, bác sỹ, chuyên gia vi tính hay nhà khoa học.

Thực tế cũng cho thấy, nhìn chung thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt ở đây ít nhiều đã thực hiện được mong mỏi đó của các bậc phụ huynh. Ở trường phổ thông, học sinh Việt nổi trội hơn học sinh nhiều nhóm nhập cư khác, so sánh mặt bằng chung còn hơn cả học sinh sở tại nếu tin vào kết quả của các kỳ thi sát hạch Pisa. Hơn 50% được chọn vào các trường điểm hệ Gymnasium là một bằng chứng thường được nêu ra khi nói về thành tích học tập của học sinh con em người Việt.

Cho đến nay, các lý thuyết về hoà nhập ở Đức luôn quan niệm rằng hoà nhập càng sâu kết quả học tập của trẻ em nhập cư càng cao. Nếu theo quan điểm đó, cơ hội thành công trong học tập của học sinh Việt sẽ không khác gì học sinh có nguồn gốc nhập cư từ Thổ nhĩ kỳ. Cả hai nhóm học sinh phần lớn đều sinh ra và lớn lên trong những gia đình lao động bình thường, bố mẹ ít người có trình độ học vấn cao hay được đào tạo chuẩn mực, thường bị hạn chế nhiều về ngôn ngữ và lối sống khép kín trong cộng đồng riêng. Theo lý thuyết, thành tích học tập của học sinh Việt nam vì thế cũng sẽ hạn chế chẳng kém gì so với học sinh có nguồn gốc Thổ nhĩ kỳ hoặc các nước Ả rập. Các nghiên cứu mới đây cho thấy kết quả hoàn toàn ngược lại. Trong thực tế, giữa hai nhóm này có một khoảng cách rất lớn về thành tích học tập ở trường. Để so sánh: trên toàn nước Đức, số lượng học sinh có nguồn gốc đến từ Việt nam học ở các trường điểm Gymnasium cao gấp năm lần số học sinh có nguồn gốc từ Thổ nhĩ kỳ! Câu hỏi đặt ra ở đây là điều gì đã làm nên sự khác biệt đó?

Ông Bleuching, một nhà nghiên cứu giáo dục ở Hamburg đã theo dõi kết quả học tập của học sinh có nguồn gốc Việt trong mười lăm năm cho rằng để lý giải vấn đề này không thể bỏ qua khía cạnh ảnh hưởng của nền văn hóa. Theo ông, có một mối tương quan giữa thành tích học tập và cách giáo dục con cái theo truyền thống Nho giáo. Nhà nghiên cứu này cho rằng Việt nam trước đây là một tỉnh của Trung quốc vì thế chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa nước này mà đặc trưng là thuyết Nho giáo. Theo thuyết này, trưởng thành bằng con đường học vấn là một lý tưởng từ 2000 năm nay, nó làm tăng uy tín bộ mặt của một gia đình và người ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Điều đó được khắc sâu vào lòng người dân Việt Nam, bởi vậy cho đến tận hôm nay, phụ huynh Việt nam nói chung luôn rất kỳ vọng vào con cái mình, ông Beuchling giải thích như vậy. Điều này được thể hiện trong các câu chuyện trao đổi hàng ngày của họ như: luôn quan tâm hỏi han đến chuyện học hành của con cái. Khi con cái thành đạt, họ rất tự hào và vui mừng, bản thân họ sẽ được những người xung quanh nể trọng. Quan niệm của họ là trẻ em phải có nghĩa vụ học và học giỏi. Do đó, theo quan sát của các nhà nghiên cứu, trẻ em Việt hầu như suốt ngày chỉ biết học và tham gia vào các hoạt động liên quan đến học hành, còn nhiều hơn cả trẻ em Đức có nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp thượng lưu.

Một nhà nghiên cứu giáo dục khác ở trường Đại học Münster là ông Aladin El-Mafaalani cũng tìm hiểu với công trình nghiên cứu về nguyên nhân khác biệt thành tích học tập của học sinh Việt và Thổ nhĩ kỳ. Ông đã phỏng vấn nhiều học sinh và phụ huynh thuộc hai nhóm này và khẳng định rằng phụ huynh Việt Nam kỳ vọng rất lớn vào con cái mình, thậm chí là quá mức: „điểm một, điểm hai ở trường là định hướng đầu tiên cho con cái họ. Với họ, không có gì tồi tệ hơn khi nghe nói con bị điểm xấu“. Khi đứa trẻ không đạt được điều kiện tối thiểu do cha mẹ đặt ra, hậu quả là chúng bị trừng phạt. Không làm bài tập bị phạt là chuyện thường tình, có khi còn bị đánh đít nếu cố tình cưỡng lại. Tuy nhiên, ông này cảnh báo đừng vì thế mà cho rằng phụ huynh Thổ nhĩ kỳ hay phụ huynh Ả rập không quan tâm chăm lo giáo dục cho con cái, „họ cũng rất coi trọng giáo dục và người nhập cư nói chung luôn khát vọng được đào tạo với chuẩn mực cao nhất“.

Theo ông El-Mafaalani sự khác biệt ở đây hoàn toàn ở chỗ: phụ huynh Thổ Nhĩ Kỳ có niềm tin lớn vào các thầy cô giáo và trách nhiệm của nhà trường. Họ cho rằng „trong thời gian ở trường việc giáo dục thuộc về nhà trường và họ giao phó hầu như tất cả việc học hành cho thầy cô giáo“. Ngược lại, phụ huynh Việt Nam chỉ coi thầy cô như những người trọng tài chuẩn mực để đánh giá và nhận xét một cách công bằng thành tích học tập của học sinh, cho dù họ rất được tôn trọng, còn „trách nhiệm và nghĩa vụ khuyến khích đứa trẻ học tập là thuộc về cha mẹ chúng“, ông El-Mafaalani giải thích và bổ sung thêm: „Tư duy đó có vẻ rất phù hợp với hệ thống giáo dục Đức“ và cho rằng quá tin tưởng vào sự giáo dục của thầy cô ở nhà trường là một điều hơi mạo hiểm.

Theo ông Beuchling, người có mối quan hệ bạn bè rộng rãi với cộng đồng Việt Nam ở Đức: không thể đưa ví dụ học sinh Việt Nam để làm hình mẫu cho các nhóm nhập cư khác. Chính sách hoà nhập của nhà nước Đức luôn nhắm vào trẻ em có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ - cộng đồng nhập cư số một ở đây với số lượng hơn 3 triệu người - và dựa trên cơ sở ý tưởng cho rằng „càng hoà nhập sâu, càng đạt được nhiều kết quả tốt trong học tập“. Kết quả khảo sát của Beuchling cho thấy có một quy trình diễn ra ngược lại đối với con em người Việt: càng thích ứng với văn hoá Đức, thành tích học tập của học sinh Việt Nam càng giảm sút. Ngay bây giờ người ta đã có thể quan sát thấy „thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt nhập cư ở đây đã mất đi phần nào trong ứng xử Nho giáo“ và kết quả trông thấy là thành tích học tập của chúng đi xuống - theo chiều hướng của học sinh Đức, ông Beuchling kết luận.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang