- Thời sự
- Việt Nam
(Ảnh minh họa).
Ngày 17.11, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021 và Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, có một số nội dung của 2 Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu đã được sửa đổi, bổ sung, đưa vào Nghị định 80.
Cụ thể, về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu: Nghị định 80 quy định điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.
Về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu: rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ năm hằng tuần.
Về vấn đề đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, nghị định mới cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Về khâu trung gian trong kinh doanh xăng dầu sẽ bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối.
Về quy định điều kiện kho chứa khi cấp giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, nghị định sửa đổi bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời phân cấp cho sở công thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Nghị định 80 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gãy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm. Bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong thời gian tới.
Theo chuyên gia, các nội dung để tạo hành lang pháp lí cho xây dựng, phát triển giao thông công cộng của Hà Nội trong Dự thảo Luật Thủ đô khá đầy đủ và hoàn chỉnh.
Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Mai Thị Mai - Phó Trưởng bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, một chuyên gia có các nghiên cứu về TOD để hiểu thêm về mô hình này.
Người đi bộ phải được ưu tiên nhất
NĐT: Thưa TS. Mai Thị Mai, bà có thể cho biết định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) thực chất là gì và theo bà, việc phát triển đô thị Hà Nội theo định hướng TOD có khả thi không?
TS. Mai Thị Mai : Phát triển theo hệ thống giao thông công cộng (Transit Oriented Development – TOD) là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Điều quan trọng khi thiết kế TOD là phải đáp ứng được các yếu tố cơ bản sau: thiết kế hệ thống cho người đi bộ phải được ưu tiên nhất, điểm TOD là sự tổng hợp các chức năng công sở, dịch vụ bán hàng, dân cư; ga tàu là đặc điểm nổi bật của trung tâm khu vực, thiết kế phải đảm bảo dễ dàng cho hệ thống hỗ trợ vận chuyển giao thông, giảm thiểu và quản lí hệ thống đỗ xe trong một chu trình 10 phút đi bộ tại khu trung tâm, ga tàu.
TOD có thể củng cố nền kinh tế địa phương. Cải thiện giao thông công cộng địa phương có thể cắt giảm chi phí vận chuyển phương tiện và thời gian đi lại. Với thời gian và chi phí đi lại giảm, mọi người sẽ có thể dành thời gian và tiền bạc tại các nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng trong khu vực địa phương.
Đây là cơ hội tốt để các thành phố cải tạo cảnh quan đô thị, tái cấu trúc đô thị dọc theo hành lang của các tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn. Các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.
Đặc biệt, tại Kết luận 49 của Bộ Chính trị và định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã định hướng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035.
Đây là cơ sở chính trị, là tiền đề quan trọng đặt nền móng cho việc gắn kết phát triển đô thị nói chung và đô thị ở Hà nội nói riêng với mô hình TOD. Một cộng đồng với các yếu tố TOD có chi phí thấp hơn so với việc mở rộng vùng ngoại ô. Phát triển dàn trải rất tốn kém vì nó đòi hỏi phải mở rộng cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng, trong khi đó TOD thúc đẩy một cộng đồng nhỏ gọn và sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có. Một cộng đồng phụ thuộc vào phương tiện công cộng tiết kiệm tiền sửa chữa cơ sở hạ tầng khi việc sử dụng phương tiện giảm đi.
Ưu đãi cho phát triển TOD chưa rõ nét
NĐT: Để phát triển TOD cho Thủ đô, Hà Nội cần được bảo đảm các chính sách ưu đãi, ưu tiên gì trong Luật Thủ đô (sửa đổi?
TS. Mai Thị Mai : Mặc dù đã nhận định TOD trở thành một định hướng trong quy hoạch giao thông đô thị của Hà Nội nhưng tại thời điểm hiện tại, các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, cũng như sự ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai TOD bằng các quy định của pháp lí thì chưa được rõ nét.
Trước tiền đề là định hướng tạo ra động lực cho sự phát triển của Thủ đô, trong đó có ghi nhận cho Thủ đô những cơ chế đặc thù để phát triển.
Cùng với sự ghi nhận một loạt các cơ sở và định hướng chính trị cho việc phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội, việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ghi nhận các nội dung để tạo động lực thúc đẩy việc hình thành mô hình phát triển giao thông công cộng ở Thủ đô Hà Nội cho thấy, tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Thủ đô Hà Nội. Đây là một định hướng có tính bền vững cao.
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các nội dung có thể triển khai áp dụng TOD hầu hết đã được ghi nhận tập trung tại Điều 40 “Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng”.
Trong đó, hầu hết các yêu cầu để có thể triển khai hoạt động phát triển định hướng giao thông công cộng đã được đề cập trong các nội dung của Điều 40, từ quy định thẩm quyền của chủ thể có thể phê duyệt kế hoạch đầu tư là Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; đến các quy trình khác nhau để triển khai áp dụng việc xây dựng định hướng giao thông công cộng của TOD như: quy trình huy động nguồn lực để phát triển đường sắt đô thị theo TOD; trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án TOD; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt đô thị và các khu vực TOD; trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án TOD, các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư của TOD...
Hơn nữa, để đảm bảo cách hiểu thống nhất về Dự án TOD cũng như để tương thích với nội hàm về các hoạt động triển khai phát triển đô thị theo mô hình ưu tiên phát triển giao thông công cộng (TOD) tại Điều 40 Dự thảo Luật, thì khoản 2 Điều 3 nên được sửa đổi như sau: “Dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Dự án TOD) là một dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị gắn với các khu vực TOD dọc tuyến. Trong đó, các dự án thành phần thuộc Dự án TOD bao gồm: dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng”.
Bằng cách ghi nhận các nội dung về TOD như trên, có thể thấy Dự thảo Luật đã định hướng việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, phát triển quản lí hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô, cũng như cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược để có thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.
Về cơ bản, các nội dung để tạo ra hành lang pháp lí cho việc xây dựng và phát triển TOD của Thủ đô ghi nhận trong Dự thảo Luật đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh.
Muốn TOD thành công, cần mở rộng không gian liên kết
NĐT: Thưa bà, nếu Luật Thủ đô sửa đổi cho phép Hà Nội có những chính sách ưu đãi để xây dựng chính sách quy hoạch đô thị về giao thông công cộng gắn với mô hình TOD, liệu Hà Nội có sớm triển khai được các quy định mới như kỳ vọng không?
TS. Mai Thị Mai : Trên thực tế, từ năm 2017, Hà Nội đã lập đồ án Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận theo mô hình TOD. Tuy nhiên, đây là đồ án được đánh giá còn nhiều hạn chế như: Quá chú trọng bất động sản mà xem nhẹ vai trò trọng yếu là hiện đại hoá giao thông đô thị; tập trung vào lợi ích thương mại mà bỏ qua nhiệm vụ phát triển không gian công cộng, tăng cường kết nối xã hội; lợi ích tập trung vào nhóm đầu tư nhỏ mà không hướng tới chia sẻ cơ hội chung cho cộng đồng.
Những hạn chế này ẩn chứa nhiều rủi ro đầu tư bởi lẽ dự án quy mô rất lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong khi thực hiện trong thời gian dài.
Muốn dự án TOD thành công cần mở rộng không gian liên kết, lấy trung tâm là Ga Hà Nội, tuyến đường sắt xuyên qua trung tâm thành phố là trục kết nối tích hợp đa mục tiêu, đa lợi ích, đa ngành, tạo thành tuyến vòng tròn dài 15km từ Ga Hà Nội qua Hàng Bài, qua ngầm Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng tới Ga Gia Lâm quay về ga Hà Nội. Với việc mở rộng kết nối, đường sắt ngoại ô sẽ kết nối hiệu quả với đường sắt đô thị.
Không gian TOD không chỉ giới hạn trong 200.000 m2 Ga Hà Nội mà hàng triệu mét vuông kinh doanh thương mại của chuỗi nhà ga và phố thương mại ngầm nổi sẽ được hình thành, không chỉ tạo ra các không gian kinh doanh thương mại mà còn dành đất phát triển không gian công cộng. Dự án còn khai thông nguồn vốn để gia cường, phục hồi toàn bộ hệ thống nhà ga đường sắt hiện có, cầu Long Biên và giải thoát bế tắc cho tuyến đường sắt đô thị đang dở dang.
Quy mô dự án TOD hàng tỷ USD không thể chỉ có sự tham gia của một vài doanh nghiệp, Hà Nội cần tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ cùng tham gia. Quan trọng là thành phố cam kết độ tin cậy đầu tư từ dự án bằng việc công bố toàn bộ nội dung, kế hoạch, lợi ích, điều kiện góp vốn... để các nhà đầu tư thẩm định và tự chịu trách nhiệm về khoản đầu tư “hứa hẹn” này. Đây chính là thước đo chính xác nhất sự thành công hay thất bại của dự án TOD của Hà Nội.
Vì vậy, đối với Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, việc vận dụng nguyên lí TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị không chỉ mang lại những lợi ích và hiệu quả thuyết phục kể trên mà còn giải toả được những điểm nóng về giao thông, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Việc Dự thảo Luật ghi nhận một cách tương đối đầy đủ về cơ sở pháp lí cho việc vận hành mô hình TOD cho thấy được tầm nhìn chiến lược và rất tiến bộ trong việc quyết tâm triển khai và áp dụng mô hình TOD ở Thủ đô Hà Nội.
(Ảnh minh họa).
Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội trị giá 34.826 tỷ đồng cuối cùng cũng có ngày dự kiến vận hành chính thức sau nhiều lần lùi tiến độ.
Vận hành chính thức vào tháng 4 năm 2024
Thông tin về ngày dự kiến vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội công bố tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội" ngày 16/11 vừa qua.
Theo đó, thành phố đặt lộ trình chạy thử đoạn trên cao vào tháng 12/2023 và dự kiến vận hành chính thức vào 30/4/2024. Khi đi vào hoạt động sẽ tăng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng và đạt mục tiêu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng 30% vào năm 2025.
Hồi tháng 3 năm nay, TP Hà Nội đề xuất vận hành đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội tháng 8/2023 thay vì cuối năm 2022 như cam kết trước đó. Tuy nhiên, đến nay mốc thời gian lại được đưa ra dịp 30/4-1/5/2024.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của toàn tuyến dự kiến là năm 2027.
Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 34.826 tỷ đồng.
Tiến độ của metro Nhổn - ga Hà Nội hiện đến đâu?
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 77,7%. Trong đó đoạn trên cao đã hoàn thành khoảng 99,5%, đoạn ngầm đã hoàn thành 36,5%.
Hệ thống thu vé được lắp đặt hoàn thiện tại tầng trung chuyển của 8 ga trên cao. Hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu, các thiết bị có xuất xứ chủ yếu từ Pháp. Một số thiết bị của hệ thống là: máy bán vé tự động (TVM), hệ thống cửa, máy bán vé đặt tại phòng vé (TOM), máy khởi tạo thẻ (CIM), thiết bị soát vé cầm tay (PCD),…
Đồng thời, việc tháo dỡ toàn bộ hàng rào tôn bảo vệ trong quá trình thi công tại các công trường đoạn trên cao cũng đã được thực hiện.
3 gói thầu đã hoàn thiện gồm có: Gói CP01 - Tuyến đoạn trên cao, Gói CP02 - Các ga trên cao, Gói CP04 - Hạ tầng kỹ thuật Depot.
Tiến độ các gói thầu còn lại của Dự án đoạn trên cao như sau:
Gói thầu CP05 - Các công trình kiến trúc khu Depot đạt 99,4%;
Gói CP06 - Thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 1: Đầu máy toa xe, thiết bị Depot, CC/SCADA, tín hiệu, thông tin và cấp điện - đoạn trên cao đạt 99,6%;
Gói CP07 - Thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 2 (E&M): Hệ thống kiểm soát môi trường, các thang máy và thang cuốn, hệ thống PCCC và hệ thống thoát nước - đoạn trên cao đạt 99,6%;
Gói CP08 - Thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống đường sắt 3: Đường sắt cho toàn bộ tuyến và các đường sắt trong Depot (bao gồm ray thứ 3) - tiến độ đoạn trên cao đạt 99,9%;
Gói thầu CP09 - Hệ thống vé - tiến độ đoạn trên cao đạt 98,3%.
Để tiến tới vận hành thử trước khi vận hành chính thức, Dự án đang tiến hành công tác đào tạo vận hành, đánh giá và báo cáo an toàn hệ thống, nghiệm thu.
Do địa điểm canh tác xa, sau khi đến khu tái định cư Măng Rao (xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei, Kon Tum) được một thời gian, hơn 60 hộ dân đã bỏ về làng cũ. Hàng chục căn nhà vì thế mà bỏ hoang dẫn đến hư hỏng, xuống cấp.
Khu tái định cư hoang tàn
Trận lũ lịch sử năm 2009 tại huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã nhấn chìm hàng loạt nhà cửa, cuốn trôi hầu hết tài sản của người dân Đăk Đoát (xã Đăk Pék). Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, UBND huyện Đăk Glei đã đầu tư xây dựng khu tái định cư tại thôn Măng Rao (xã Đăk Pék) nhằm đưa 64 hộ dân thôn Đăk Đoát thoát khỏi khu vực thiên tai.
Dự án khu tái định cư Măng Rao được đầu tư 16 tỷ đồng, xây dựng trên tổng diện tích khoảng 2 ha. Mỗi hộ dân được cấp khoảng 300m2 đất và hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời tài sản. Theo tính toán, để xây một căn nhà diện tích 24m2 chi phí bỏ ra khoảng 28 triệu đồng. Sau khi bàn bạc, mỗi hộ thống nhất góp thêm 8 triệu đồng.
Năm 2012, dự án bắt đầu triển khai, đến năm 2013 thì hoàn thành với hạ tầng đồng bộ, hệ thống điện thắp sáng được kéo đến đầu ngõ, đường bê tông rộng rãi, nước sạch dồi dào. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm về ở, do địa điểm canh tác xa, tất cả các hộ dân đã quay về làng cũ sinh sống. Một số hộ dân dù bỏ tiền xây thêm nhà bếp, công trình phụ nhưng cũng phải “bỏ của chạy lấy người”.
Sau gần 10 năm bỏ hoang, không có người trông coi, bảo vệ, khu tái định cư Măng Rao bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ mái tôn, xà gồ, cánh cửa chính, cửa sổ, xuyên hoa sắt của 64 căn nhà bị tháo bỏ, để lại khung tường xây trơ trọi, hoang tàn.
Lâu ngày, cỏ dại mọc um tùm cao quá đầu gối, bao phủ khu vực sân và vào cả trong nhà. Do không có mái tôn nên bờ tường cũng bị rêu phong loang lổ. Đường bê tông thành nơi phơi vỏ cây bời lời, nguyên liệu làm hương của những người dân trong vùng. Sân bóng vắng tiếng cười nói của lũ trẻ vào buổi xế chiều.
Anh A Nhông (36 tuổi, hộ dân duy nhất hiện sống tại khu tái định cư Măng Rao) cho biết, trước đây nhà cửa được hoàn thiện đầy đủ rồi mới giao cho người dân, tuy nhiên sau đó bị mất trộm hết. Cuối năm 2022, khi hộ anh dọn về, nhà chỉ có khung tường trống không nên phải mua toàn bộ tôn, xà gồ về lợp mái, thuê người làm lại cửa đi, cửa sổ mới vào ở được.
“Khi người dân quay về làng cũ, toàn bộ tôn, xà gồ, cánh cửa bị trộm sạch. Họ bảo là bị gió, bão thổi bay nhưng bay đi đâu được, nếu bay thì phải còn những tấm tôn nằm lại đây chứ. Cả xà gồ, song sắt, cửa sổ, cửa chính cũng bị tháo hết”, A Nhông khẳng định.
Cũng theo A Nhông, gia đình hàng xóm là A Viêng bỏ thêm cả trăm triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố, tuy nhiên do không có người trông coi cũng bị trộm tháo hết tôn trần, cửa chính, cửa sổ.
Chính quyền chưa tính toán kỹ
A Nhông cho biết, đất tái định cư đẹp, vị trí bằng phẳng, lại gần chợ, gần quốc lộ 14 và trung tâm hành chính xã, thuận tiện nhiều thứ. Tuy nhiên, để sống được ở đây thì phải có đất canh tác, hoặc có công ăn việc làm ngoài huyện, nếu không thì người dân rất khó 'bám trụ'.
“Một số hộ có con em đi học ra ở ngoài này rất tiện, số còn lại thì phải bám vào nương rẫy để sống. Ở đây không có ruộng nương canh tác nên người dân phải quay về chốn cũ mưu sinh. Nương rẫy cách đây khoảng 12km, đi lại xa xôi, vất vả nên người dân ở lại trong đó luôn, không muốn quay về nữa.
Bản thân tôi có nghề lái xe thuê, mỗi tháng kiếm được ít tiền để nuôi vợ con nên mới cầm cự ở đây. Muốn bà con về lại thì phải tạo cho họ sinh kế”, A Nhông tâm sự.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pék cho biết, sau trận lũ lịch sử 2009, có 64 hộ đăng ký di dời về khu tái định cư. Khi dự án hoàn thành, tất cả bà con đã về nhận nhà ở, tuy nhiên được hơn 1 năm, họ rải rác rời đi.
“Nguyên nhân trước hết là do tinh thần cộng đồng của bà con rất cao, do khu dân cư ở Đăk Đoát được hình thành từ bao đời. Khi 1 gia đình có công việc thì cả làng tập trung hỗ trợ nên rất khó chia tách.
Thứ 2 là việc đi lại vào nơi sản xuất. Trước đây chỉ tính từ tái định cư vào thôn Đăk Đoát là khoảng 7 km. Còn từ thôn đến nơi sản xuất khoảng 4 - 5 km nữa thì chưa tính đến. Đường xa, đi lại khó khăn nên bà con ngại mà bỏ dần”, ông Nghĩa thành thật.
Cũng theo ông Nghĩa, thời gian gần đây có chuyển biến tích cực hơn. Qua quá trình vận động, hộ A Nhông đã về ở được gần 1 năm nay. Gần đây huyện quan tâm sửa chữa lại con đường và hệ thống nước sinh hoạt, bà con hứa sẽ về dần. Hướng từ giờ đến cuối năm sẽ có 4 hộ dân về ở.
Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pék cho rằng, về phát triển kinh tế, sẽ phối hợp các tổ chức hội, vận động người dân trở thành thành viên của tổ chức hội, tham gia vào các dự án, thành lập các tổ liên kết làm ăn như xây dựng, bốc vác… Về tinh thần, địa phương sẽ bố trí hỗ trợ một mục sư về đây tổ chức sinh hoạt cho bà con tại gia đình, để giải quyết nhu cầu về tôn giáo.
Ông Nghĩa cũng khẳng định có yếu tố trộm cắp, phá hoại công trình tái định cư. Vì nhà không có người ở, cửa không khoá nên trẻ con tháo trộm bán sắt vụn không quản lý được.
Nguồn: Thanh Niên; Người Đưa Tin; Soha; Vietnamnet
NSƯT Đỗ Kỷ kêu cứu; Trào lưu ca sĩ kiêm nhạc sĩ; Hố 'tử thần' nuốt nhà dân; Vụ đưa con đi chữa bệnh nhận về hũ tro cốt
'Cuồng' hàng xách tay; Cảnh báo thị trường tổ yến; Sở hữu chéo, doanh nghiệp 'ma'; Người mua nhà 'kiệt sức' đòi quyền lợi
Nhát dao đoạn tuyệt tình anh em; Lãnh án vì dọa 'tự thiêu' cùng con; Trả thù cho em gái bị đánh; Đồng tiền chia lìa 'khúc ruột'
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt; Xóa tư cách chức vụ 2 cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh; Gia đình kiệt quệ vì sốt xuất huyết
DN gặp khó về vốn; Hàng quán thi nhau đóng cửa; Cho vay kinh doanh BĐS tăng vọt; Tết này có thiếu tàu, xe?
Lê Dương Bảo Lâm bị đồn ngoại tình; Phim Việt đang thừa 'cảnh nóng'; Vụ 17 học sinh ngộ độc; Vụ cô gái lây truyền HIV
Lùm xùm giải thưởng Bùi Lan Hương; Nhiều nghệ sĩ rơi vào trầm cảm; Cháy hàng nghìn m2 rừng; Sai phạm chuyển cấp cứu tư nhân
Không có 'bão' mua sắm Black Friday; Vạch trần 'chiêu' gian lận thuế; Đất nền 'nóng' trở lại; Chặn lừa đảo từ xa trong BĐS
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá