Ngành sữa TQ gặp rủi ro; Nga giáng đòn vào Mỹ; Bộ trưởng ngoại giao họp G7; Ukraine ‘khó chồng khó’ ở Kursk; Trận chiến giành Kurakhovo

RỦI RO VỚI NGÀNH SỮA TRUNG QUỐC

Trong một báo cáo đưa ra ngày 25-11, nhà phân tích tín dụng Flora Chang cho biết doanh thu của ba nhà sản xuất sữa hàng đầu Trung Quốc đã giảm tới 13% trong nửa đầu năm 2024.

Theo S&P Global Ratings, thời kỳ bùng nổ kéo dài hàng thập kỷ của ngành công nghiệp sữa Trung Quốc đang dần khép lại.

Trong một báo cáo đưa ra ngày 25-11, nhà phân tích tín dụng Flora Chang cho biết doanh thu của ba nhà sản xuất sữa hàng đầu Trung Quốc đã giảm tới 13% trong nửa đầu năm 2024, điều này có thể buộc họ "phải thực hiện những canh bạc rủi ro hơn" và làm tăng biến động lợi nhuận.

Bà Chang cho biết dân số giảm và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể sẽ hạn chế tốc độ tăng khối lượng bán hàng ở mức 2%-3% trong 20 năm tới, bằng một nửa so với tốc độ của 20 năm trước.

Giám đốc điều hành của một trong những công ty sữa trên, China Mengniu Dairy Co., đã cảnh báo vào mùa Hè rằng ngành này đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008, năm mà sữa nhiễm khuẩn đã khiến hàng trăm nghìn người mắc bệnh và tàn phá danh tiếng của ngành.

Giống như nhiều ngành công nghiệp khác của Trung Quốc, ngành sữa đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa công suất. Sản lượng sữa nội địa đã tăng 40% trong 10 năm qua, và chính phủ đang xem xét hạn chế nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, điều sẽ giúp giảm bớt áp lực lên nông dân.

 

 

NGA GIÁNG ĐÒN LÊN MỸ: CẮT GIẢM XUẤT KHẨU URANIUM KHIẾN HÀNG LOẠT NHÀ MÁY CHAO ĐẢO

Mỹ vẫn phụ thuộc vào Nga khi nhập khẩu tới 27% lượng uranium đã làm giàu để vận hành các lò phản ứng hạt nhân thương mại. Trong khi đó, Nga tuyên bố cắt giảm xuất khẩu uranium sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuần trước, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do nước này sản xuất. Đây là điều mà chính phủ Nga cho rằng có nguy cơ leo thang thành xung đột hạt nhân. Trong khi đó, Điện Kremlin đã phản ứng bằng cách công bố sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân và tuyên bố cắt giảm xuất khẩu uranium sang Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ liên tục kêu gọi các đồng minh áp lệnh trừng phạt với Nga, thì quốc gia này vẫn phụ thuộc vào Nga khi nhập khẩu tới 27% lượng uranium đã làm giàu để vận hành các lò phản ứng hạt nhân thương mại (hơn 90 lò).

Trong năm 2023, ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ chi hơn 800 triệu USD để mua uranium được làm giàu từ Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga và các công ty con. Điện hạt nhân chiếm 19% tổng lượng điện tiêu thụ ở Mỹ. Nước này bắt đầu phụ thuộc vào uranium từ Nga để sản xuất điện hạt nhân vào những năm 1990.

Thị trường giao ngay cũng ngay lập tức phản ứng với thông báo của Nga, nhưng điều bất ngờ là giá uranium giảm 4%. Hầu hết khách hàng mua uranium, chủ yếu là các nhà máy điện hạt nhân, đều có kho dự trữ và hợp đồng dài hạn.

Do đó, giá giao ngay chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành khai thác uranium đã tăng vọt, khi thị trường dự đoán rằng áp lực với nguồn cung bên ngoài Nga sẽ cao hơn.

Diễn biến này cho thấy các nhà nhập khẩu kim loại trên toàn cầu dễ bị tác động bởi các sự kiện địa chính trị. Khi mối quan hệ giữa một nước xuất khẩu khoáng sản lớn và một “ông lớn” nhập khẩu khoáng sản trở nên căng thẳng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Dù quốc gia xuất khẩu sẽ mất một phần doanh thu, nhưng tình trạng thiếu hụt vật liệu và năng lượng quan trọng có thể gây ra những rủi ro lớn hơn. Việc không có đủ uranium cho các nhà máy điện hạt nhân có thể khiến hoạt động phát điện gặp gián đoạn lớn.

Trong khi đó, Mỹ rất dễ bị ảnh hưởng trong những đợt cắt giảm như vậy. Năm 2022, nước này đã phải nỗ lực để tăng khả năng “tự cung tự cấp”. Nền kinh tế lớn nhất thế giới phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các khoáng sản bao gồm niken, đồng, vonfram, cadmium, paladi, nhôm và silicon. Và sự phụ thuộc đó sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều.

Về sản lượng khoáng sản, Trung Quốc dẫn đầu thế giới và Nga đứng thứ 3, Iran đứng thứ 10. Cả 3 quốc gia này đều là nhà xuất khẩu khoáng sản có mối quan hệ không mấy ôn hoà với Mỹ và các đồng minh. Hàng loạt lệnh trừng phạt đang gây áp lực cho Nga và Iran, cùng với đó là mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc có khả năng còn leo thang.

Dù Mỹ đứng thứ 2 thế giới về sản lượng khai thác khoáng sản nhưng nước này lại tiêu thụ quá nhiều sản phẩm của họ, đến mức vẫn là nước nhập khẩu lớn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào đầu những năm 1990, nhiều người nhận định rằng thị trường toàn cầu sẽ có sự thống nhất, ít bị gián đoạn và trong môi trường hoà bình. Sự thuận lợi này kéo dài cho đến thời kỳ đại dịch, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và căng thẳng giữa Nga - Ukraine tăng lên.

Do đó, sự thay đổi quy mô lớn và liên tục của các hoạt động thương mại đã diễn ra. Hoạt động sản xuất trong nước được khuyến khích nhiều hơn, vừa thúc đẩy tăng trưởng việc làm nội địa, vừa giảm thiểu rủi ro dễ bị tổn thuơng nếu mất nguồn nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, xu hướng phi toàn cầu hoá ngày càng được đẩy mạnh. Và những “ông trùm” hàng hoá cũng có nhiều quyền lực hơn do những nguyên liệu đó đóng vai trò quan trọng với cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.

Việc Nga siết chặt hoạt động xuất khẩu uranium sang Mỹ là một dấu hiệu khác cho thấy xu hướng này đang gia tăng. Còn tại EU, hành động tương tự của Nga đối với dòng chảy khí đốt cũng góp phần khiến Đức phải đối mặt với 2 năm kinh tế suy thoái.

 

 

G7 HỌP LẦN CUỐI TRƯỚC KHI BIDEN RỜI NHIỆM SỞ

Các bộ trưởng ngoại giao từ các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ họp vào ngày 25/11, trong bối cảnh các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông đang bước vào giai đoạn quyết định và một số áp lực nhất định để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao trước khi chính quyền mới của Hoa Kỳ tiếp quản.

Hy vọng có được một lệnh ngừng bắn ở Gaza và Lebanon thông qua trung gian hòa giải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp G7 ở Puglia, miền nam nước Ý. Cuộc họp quy tụ các bộ trưởng từ Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Vào ngày đầu tiên của cuộc họp kéo dài hai ngày hôm 25/11, nhóm G7 sẽ có sự tham dự của các bộ trưởng từ Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar, cũng như Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập.

Bộ ngoại giao Ý cho biết "Các đối tác sẽ thảo luận về các cách thức hỗ trợ các nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và Lebanon, các sáng kiến hỗ trợ người dân và thúc đẩy một đường chân trời chính trị đáng tin cậy cho sự ổn định trong khu vực".

Nhóm được gọi là "Quint" gồm Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út, Jordan, Ai Cập và UAE đã cùng làm việc để hoàn thiện kế hoạch "hậu chiến tranh" cho Gaza, và có một số sự cấp bách để đạt được tiến triển trước khi chính quyền Trump tiếp quản vào tháng 1. Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ theo đuổi chính sách ủng hộ mạnh mẽ Israel hơn là nguyện vọng của người Palestine.

Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Ý, Antonio Tajani, đã thêm một mục khác vào chương trình nghị sự của G7 vào tuần trước sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và cựu bộ trưởng quốc phòng Israel cũng như chỉ huy quân sự của Hamas.

Ý là thành viên sáng lập của tòa án và đã tổ chức hội nghị Rome năm 1998, nơi khai sinh ra tòa án này. Nhưng chính phủ cánh hữu của Ý đã ủng hộ mạnh mẽ Israel sau các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, đồng thời cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza.

Chính phủ Ý đã có lập trường thận trọng, tái khẳng định sự ủng hộ và tôn trọng của mình đối với tòa án nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng các lệnh bắt giữ này có động cơ chính trị.

“Không thể có sự tương đương giữa trách nhiệm của nhà nước Israel và tổ chức khủng bố Hamas”, Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết, đồng tình với tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Nathalie Tocci, giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế có trụ sở tại Rome, cho biết Ý sẽ tìm cách xây dựng một mặt trận thống nhất về lệnh của ICC, ít nhất là trong số 6 quốc gia G7 vốn là bên tham gia ký kết của tòa quốc tế: tất cả mọi nước thành viên trừ Hoa Kỳ.

Nhưng trong một bài viết đăng trên báo La Stampa vào cuối tuần qua, bà Tocci cảnh báo rằng đây là một động thái mạo hiểm, vì Hoa Kỳ có xu hướng áp đặt đường lối của G7 và đã chỉ trích lệnh của ICC đối với ông Netanyahu là "vô lý".

“Nếu Ý và các bên ký kết khác (5 nước G7) của ICC không thể duy trì đường lối về luật pháp quốc tế, họ sẽ không chỉ làm xói mòn luật pháp quốc tế mà còn hành động chống lại lợi ích của chúng ta”, bà Tocci viết, nhắc đến việc Ý viện dẫn luật pháp quốc tế để yêu cầu bảo vệ cho lực lượng Ý gìn giữ hòa bình của LHQ đã bị tấn công ở miền nam Lebanon.

Một chủ đề thảo luận chính khác của cuộc họp G7 là Ukraine, và căng thẳng luôn gia tăng kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tuần trước bằng một tên lửa đạn đạo siêu thanh thử nghiệm vốn đã làm leo thang cuộc chiến kéo dài gần 33 tháng.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha dự kiến sẽ có mặt tại cuộc họp của G7 ở Fiuggi vào ngày 26/11, trong khi NATO và Ukraine sẽ tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp cùng ngày tại Brussels.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công là để trả đũa việc Kyiv sử dụng tên lửa tầm xa của Hoa Kỳ và Anh có khả năng tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

G7 đã đi đầu trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2/2022 và các thành viên G7 đặc biệt lo ngại về cách chính quyền Trump sẽ thay đổi cách tiếp cận của Hoa Kỳ.

Ông Trump đã chỉ trích về hàng tỷ đô la mà chính quyền Biden đã đổ vào Ukraine và nói rằng ông có thể kết thúc chiến tranh trong vòng 24 giờ. Những tuyên bố đó dường như cho thấy ông Trump sẽ gây sức ép buộc Ukraine phải giao nộp lãnh thổ mà Nga hiện đang chiếm đóng.

Ý là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và đã ủng hộ quyết định của Mỹ cho phép Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa do Hoa Kỳ sản xuất. Nhưng Ý đã viện dẫn điều khoản từ chối chiến tranh theo hiến pháp của quốc gia này khi không cung cấp cho Ukraine vũ khí tấn công để đánh vào bên trong nước Nga và hạn chế viện trợ cho các hệ thống phòng không nhằm bảo vệ thường dân Ukraine.

Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao G7, vốn là cuộc họp thứ hai khi Ý là chủ tịch luận phiên theo sau cuộc họp của các bộ trưởng tại Capri hồi tháng 4, đang được tổ chức tại thị trấn thời trung cổ Fiuggi về phía đông nam của thủ đô Rome, vốn nổi tiếng với các suối nước nóng.

Vào ngày 25/11, cũng là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, các bộ trưởng sẽ tham dự lễ khánh thành một chiếc ghế dài màu đỏ tượng trưng cho trọng tâm của Ý trong việc chống lại bạo lực trên cơ sở giới.

Hàng chục nghìn người vào cuối tuần qua đã tuần hành tại Rome để phản đối tình trạng bạo lực giới tính, vốn đã cướp đi sinh mạng của 99 phụ nữ tại Ý trong năm nay, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Eures đưa ra vào tuần trước.

 

 

UKRAINE ĐỐI MẶT TÌNH THẾ ‘NGÀN CÂN TREO SỢI TÓC’ TẠI KURSK

Nga đang tiến công như vũ báo nhằm giành lại toàn bộ lãnh thổ tại Kursk trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, trong khi đó Ukraine phải đối mặt với thế trận hiểm nghèo.

Đối mặt với làn sóng phản công của hàng chục nghìn binh sỹ Nga, Ukraine đã mất hơn 40% diện tích lãnh thổ mà họ từng kiểm soát trong chiến dịch đột kích Kursk vào tháng 8/2024, Reuters trích dẫn thông tin từ một thành viên của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết.

"Ở giai đoạn cao trào, chúng tôi kiểm soát khoảng 1.376 km2 lãnh thổ Kursk, nhưng con số hiện nay nhỏ hơn. Hiện giờ chúng tôi chỉ kiểm soát khoảng 800km2. Đối phương đang gia tăng các cuộc phản công. Chúng tôi sẽ giữ vững vùng lãnh thổ này”, nguồn tin trên cho biết.

Thế trận hiểm nghèo đối với Ukraine tại Kursk

Ukraine đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tại Kursk, trong đó phải kể đến sự hiện diện của khoảng 12.000 binh sỹ Triều Tiên tham gia chiến đấu cùng với Nga, Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết.

Nga đang phát động các cuộc tấn công dữ dội ở phía bắc khu vực Kursk, đồng thời trút những quả bom lượn nặng tới 1 tấn xuống tuyến đường tiếp tế của Ukraine. “Họ tấn công liên tục 24/24”, ông Geniy, một chỉ huy thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine cho biết.

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát khu vực Kursk của Nga đã đạt tới mức độ hiếm thấy trong suốt 2,5 năm xung đột. Các bên đều cố gắng củng cố vị thế của mình trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025. Theo các quan chức Ukraine, Moscow đã triển khai khoảng 45.000 binh sỹ đến khu vực này, trong đó có cả những lực lượng tốt nhất. Mặc dù chịu không ít thương vong  nhưng chiến lược này dường như đang phát huy tác dụng. Các nhà phân tích suy đoán Nga có thể đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công lớn hơn nữa.

Nhưng Ukraine cũng đã điều động những lữ đoàn tốt nhất đến khu vực Kursk. Ngoài ra, quyết định của Tổng thống Biden cho phép Ukraine phóng tên lửa tầm xa của Mỹ vào Nga đã mang lại cho quân đội Ukraine đòn bẩy cần thiết nhằm phá vỡ tuyến đường tiếp tế và chỉ huy của Moscow.

Nhân vật được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, Hạ nghị sỹ Michael Waltz cho biết, ông đã gặp người tiền nhiệm trong chính quyền Biden và vào cuối tuần qua và bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa cũng như mìn trên bộ.

Tuy nhiên, một số quan chức ở Kiev lo ngại, mong muốn đàm phán của ông Trump sẽ có lợi cho người Nga. Các quan chức Ukraine cho rằng Nga đang cố gắng giành lại Kursk trước lễ nhậm chức của ông Trump. Nếu Ukraine có thể giữ được một số lãnh thổ ở Kursk thì điều này sẽ mang lại cho họ một con bài mặc cả có giá trị trong bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào. “Tại Kursk, những đơn vị mạnh nhất của Nga đang chống lại các đơn vị mạnh nhất của Ukraine. Với thực tế này, tôi không thấy có lý do gì để Kiev phải rút lui”, ông Dzhyn – trung sỹ Ukraine 35 tuổi cho biết.

Ông Geniy, một chỉ huy của Lữ đoàn 47 của Ukraine, cho biết khi đơn vị của ông đến khu vực Kursk cách đây 2 tháng, Nga chỉ điều động lính nghĩa vụ bảo vệ khu vực này. Sau đó, Nga bắt đầu phản công bằng cách triển khai các đoàn xe bọc thép, buộc Ukraine phải rút lui khỏi một ngôi làng nhỏ trong khu vực. Sau khi mất nhiều xe bọc thép, Moscow đã từ bỏ chiến lược đó và điều động bộ binh tấn công theo từng nhóm nhỏ.

Khác với mặt trận phía Đông, nơi quân đội Ukraine đã phàn nàn về tình trạng thiếu đạn dược và binh sỹ trong nhiều tháng qua, các lữ đoàn chiến đấu ở Kursk hầu hết đều được trang bị tốt. Ông Geniy cho biết, họ được trang bị xe chiến đấu Bradley do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, đơn vị của ông cũng tiến hành luân chuyển binh sỹ thường xuyên trong các chiến hào nhằm tránh tình trạng kiệt sức và tránh mối đe dọa của máy bay không người lái. Ông Geniy nói thêm, các tên lửa tầm xa của phương Tây đã làm thay đổi phép tính trong khu vực. Tuần trước, Ukraine đã bắn trúng một sở chỉ huy bằng tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất, Wall Street Journal đưa tin.

Lợi thế lớn của Nga

Tuy nhiên, Nga có những lợi thế khác ở Kursk. Tại khu vực Lữ đoàn 47 đang chiến đấu, Moscow có số binh sỹ nhiều gấp ba lần so với Ukraine, còn số máy bay không người lái nhỏ được sử dụng để tấn công xe cộ và bộ binh nhiều gấp 6 lần. Theo thông tin từ phía Ukraine, tổn thất của Moscow tại Kursk là rất lớn. Nhưng điều đó không ngăn cản được Điện Kremlin làm suy yếu lực lượng Ukraine.

Một binh sỹ ở phía Đông Nam Sudzha cho biết, quân đội Ukraine tại Kursk đang bị áp đảo về số lượng, với tỷ lệ 10:1 và hầu hết binh sỹ trong tiểu đoàn của anh đều bị thương đến mức không thể chiến đấu.

Ukraine cũng phải đối mặt với những thách thức khác. Họ hầu như không có cách thức đối phó bom lượn của Nga khi Moscow tấn công các tuyến tiếp tế và cơ sở dự trữ. Việc liên lạc cũng gặp khó khăn vì Starlink - hệ thống internet vệ tinh của tỷ phú Elon Musk không hoạt động trong lãnh thổ Nga. Starlink đã trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống liên lạc của quân đội Ukraine,

Ông Vyachyslav Khomenko, một chỉ huy khác thuộc Lữ đoàn cơ giới số 21 của Ukraine cho biết, gần làng Pogrebki, nơi Nga chiếm giữ vài tuần trước, lực lượng của ông bị áp đảo về số lượng với tỷ lệ 3:1. Đơn vị của ông đã rút lui qua một con đập, nơi mà Moscow sẽ khó có thể chiếm lại. Nhưng khi xung đột bước sang năm thứ 3, ông Khomenko cho biết, việc tuyển mộ binh sinh sỹ ngày càng trở nên khó khăn hơn. 99% binh sỹ trong trung đội của Khomenko là lính nghĩa vụ, có rất ít kinh nghiệm chiến đấu.

Nhà phân tích quân sự Franz-Stefan Gady tại Vienna, cho biết Ukraine đã nỗ lực rất nhiều để thay thế các binh sỹ thương vong bằng những binh sỹ mới, khiến nhiều đơn vị trở nên kiệt quệ. Theo ông Franz-Stefan Gady Nga dường như đang cố gắng làm suy yếu Ukraine trước khi tiến hành một cuộc tấn công lớn hơn nữa để chiếm lại khu vực Kursk.

"Chiến lược của Ukraine là giữ Kursk như một con bài mặc cả và đạt được tỷ lệ tiêu hao có lợi so với người Nga", ông nói. Ông cho biết ông tin rằng Ukraine sẽ khó giữ được Kursk, nhưng nói thêm, "Tôi nghĩ người Nga sẽ có một cuộc chiến khó khăn".

Tướng Oleksandr Syrskiy, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết, chiến dịch tấn công Kursk đã làm chậm các cuộc tấn công của Nga ở những nơi khác. Tuy nhiên, Moscow đã tiến quân ở miền Đông Ukraine với tốc độ nhanh nhất trong vài tháng qua kể từ khi xung đột bắt đầu. Những binh sỹ Ukraine chiến đấu ở Kursk đã đặt câu hỏi về chiến dịch này. Một số người bày tỏ sự thất vọng khi bị mất nhiều vùng lãnh thổ phía Đông, nơi các đơn vị đang thiếu binh sỹ nghiêm trọng.

Ông Geniy, chỉ huy của Lữ đoàn 47 cho biết, rất khó xác định Ukraine có thể giữ các vùng lãnh thổ giành được tại Kursk trong bao lâu. "Tôi nghĩ là trước sau gì, Nga cũng sẽ đẩy lùi chúng tôi. Họ đã gia tăng nguồn lực và sức mạnh, với mục tiêu là giành lãnh thổ ở vùng biên giới bằng mọi giá. Họ sẽ tìm mọi cách làm điều đó".

 

 

CHIẾN TRƯỜNG KURAKHOVO DIỄN RA DỮ DỘI: NGA TIẾN VÀO TRUNG TÂM THÀNH PHỐ

Những hình ảnh về giao tranh dữ dội ở Kurakhovo đã được truyền thông công khai. Tại đây, quân đội Nga đang tiến rất nhanh.

Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga đang triển khai các cuộc tấn công tại Kurakhovo, tiến vào thành phố và xung quanh thành phố. Đoạn video mới được chia sẻ đã xác nhận các trận chiến ở trung tâm thành phố.

Quân đội Nga đã hoàn thành các hoạt động dọn dẹp dọc theo những tuyến phòng thủ chính của Ukraine ở phía đông Kuralhovo. Việc Nga kiểm soát bờ bắc của hồ chứa nước cho phép các đơn vị của họ vượt qua và tấn công vào khu vực phía bắc thành phố. Sau nhiều ngày giao tranh ác liệt, khu vực này đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Theo các báo cáo từ chiến trường, quân đội Nga đang tiến lên từ nhiều hướng. Ở phía bắc, các nhóm tấn công của Nga đã tiến dọc theo đại lộ Zaporozhsky từ phía tây. Lực lượng Nga cũng đã cắt đứt con đường dẫn đến cây cầu bắc qua hồ chứa và giành được chỗ đứng gần các bờ phía bắc. Các cuộc đụng độ đang diễn ra tại nhà kho địa phương và trong khu vực chợ. Nhờ vào sự tiến quân của mình, quân đội Nga đã giành được quyền kiểm soát hỏa lực trên các con đường dẫn đến Kurakhovo từ phía tây.

Một chiến thắng quan trọng khác của Nga là kiểm soát được kho nhiên liệu nằm ở phía nam. Cơ sở công nghiệp này trở thành pháo đài của Nga, hỗ trợ cho cuộc tiến công tiếp theo, bao gồm cả về phía nam. Phần lớn các ngôi nhà ở trung tâm thành phố đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga, bao gồm dọc theo các phố Michurina, Chumatska và Berezova. Những cuộc đụng độ được cho là đang diễn ra ở khu vực trường học số 5.

Tiến quân dọc theo phố Pobedy và Mira, lực lượng Nga đã chiếm được vị trí gần các tòa nhà chung cư. Vào ngày 25 tháng 11, các nguồn tin quân sự Nga đã công bố video về cảnh lính Nga xông vào các tòa nhà chung cư được cho là nằm gần ngã tư phố Pobedy và đại lộ Prokofiev.

Phòng thủ của Ukraine đang đối diện với nhiều áp lực. Như thường lệ, binh lính Ukraine hy vọng sẽ giữ vững phòng thủ trong các tòa nhà nhiều tầng ở trung tâm và phía nam thành phố. Họ trang bị các vị trí bắn của mình ở đó để làm chậm bước tiến của quân Nga.

Các trận chiến cũng đang diễn ra ở quận Yuzhny phía nam nhưng sự tiến công của quân Nga từ phía bắc đang đe dọa quân đồn trú của Ukraine ở đó bằng cách bao vây. Một thành trì quan trọng khác của Ukraine là Nhà máy Kurakhovska nằm ở vùng ngoại ô phía tây bắc.

Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang tấn công các vị trí của Ukraine tại Kurakhovo. Điều này khiến lực lượng Ukraine mất nơi ẩn náu, trong khi quân đội Nga đang bao vây toàn bộ thành phố và tiến về phía sườn phía bắc và phía nam.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ; CafeF; VOA; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang