NĐT điện tái tạo 'kêu cứu'; Quy hoạch tuần qua; Dự án 7.600 tỉ bất động gần 20 năm; Xóa dự án, dân vẫn sống 'treo'

Nhà đầu tư điện tái tạo 'kêu cứu': EVN tiết lộ thông tin bất ngờ

(Ảnh minh họa).

Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đề nghị 85 chủ đầu tư các dự án điện tái tạo chuyển tiếp cung cấp hồ sơ để đàm phán giá điện. Nhưng đến nay chưa đơn vị nào hồi âm.

Thông tin trên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi chiều nay 18/3.

EVN cho biết, đề nghị cung cấp hồ sơ để đàm phán giá điện được EPTC gửi đến các nhà đầu tư gần 10 ngày trước.

Theo thông tin cập nhật đến ngày 18/3/2023 thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào trong số 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp gửi hồ sơ về EPTC.

Các hồ sơ được EPTC đề nghị chủ đầu tư gửi như: Rà soát các tính pháp lý của Dự án tuân thủ các quy định về
đầu tư, xây dựng và có ý kiến của Đơn vị vận hành Hệ thống điện về khả năng hấp thụ của Hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án; Xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57 năm 2020 của Bộ Công Thương.

Để có cơ sở triển khai đàm phán theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền, EVN/EPTC muốn sớm nhận được hồ sơ tài liệu từ các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp.

Ít ngày trước, 36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Các nhà đầu tư này chỉ ra những bất cập, bất hợp lý của Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công Thương liên quan đến các dự án chuyển tiếp.

Đang chú ý, các nhà đầu tư cho biết sau khi Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho điện gió, điện mặt trời chấm dứt, nhiều dự án phải chờ đợi trong thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Sau lá đơn kiến nghị tập thể này, ngày 17/3, EVN đã gửi giấy mời đến 85 nhà đầu tư điện tái tạo tham dự cuộc họp trao đổi về việc thực hiện thông tư và quyết định kể trên.

Cuộc họp dự kiến diễn ra vào chiều 20/3, do Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân chủ trì.

Thành phần được mời dự họp còn có đại diện Bộ Công Thương; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cùng các cơ quan báo chí.

(Nguồn: Vietnamnet)

Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/3 - 19/3): Nghiên cứu mở rộng vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Quảng Ninh sẽ làm sân bay ở Cô Tô

Nghiên cứu mở rộng vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Quảng Ninh sẽ làm sân bay ở Cô Tô; Ba dự án giao thông cửa ngõ TP HCM có nguy cơ chậm tiến độ... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Nghiên cứu mở rộng vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, cơ quan này đã giao đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án mở rộng dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc dự án đường vành đai 3 TP HCM.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu phương án mở rộng dự án này. Cụ thể, Bộ GTVT nhận được công điện của Thủ tướng Chính phủ phân công giải quyết vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong chuyến kiểm tra từ ngày 25 đến 29/1.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu xử lý kiến nghị mở rộng dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1, bảo đảm khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 TP HCM (giai đoạn 1).

Quảng Ninh sẽ làm sân bay ở Cô Tô

Tháng Hai vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo hồ sơ quy hoạch này, Quảng Ninh định hướng quy hoạch mới sân bay chuyên dùng Cô Tô giai đoạn 2030 - 2050 với diện tích trên 130 ha. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.

Cũng theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ (phường Ninh Dương, Móng Cái). Sây bay này sẽ kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn.

Ba dự án giao thông cửa ngõ TP HCM có nguy cơ chậm tiến độ

Sở GTVT TP HCM vừa qua đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố đẩy nhanh các công trình trọng điểm ở cửa ngõ.

Cụ thể, đó là các dự án như xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa - quận Tân Bình; mở rộng quốc lộ 50 - huyện Bình Chánh và xây dựng nút giao thông An Phú - TP Thủ Đức.

Theo Sở GTVT, đây là các dự án trọng điểm, được UBND TP thống nhất triển khai trong danh mục dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn năm nay.

Các công trình trên đã được khởi công từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các công trình đang thi công mang tính cầm chừng, chưa triển khai đồng bộ.

Duyệt đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Theo đó, dự án được đầu tư với tổng chiều dài gần 37 km, tổng mức đầu tư dự án là hơn 10.436 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đã bao gồm dự phòng) hơn 246 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 8.600 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 131 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác hơn 504 tỷ đồng; chi phí dự phòng gần 954 tỷ đồng.

Dự án thành phần này đi qua thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và các huyện M'Đrắk, Krông Bông, Ea Kar của tỉnh Đắk Lắk.

Thái Nguyên có thể lên thành phố thuộc Trung ương

Ngày 14/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm du lịch...

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Quảng Ninh kiến nghị xem xét thu hồi dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã có văn bản về việc giải quyết vướng mắc đối với Tiểu dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long gửi Bộ Giao thông Vận tải để sớm có phương án đối với dự án này.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép khởi động lại Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để giải quyết đứt điểm các thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong phạm vi Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long.

Trong trường hợp dự án chưa được sớm khởi động lại, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thu hồi chủ trương đầu tư để có cơ sở thu hồi, hủy bỏ các văn bản liên quan đến việc thu hồi đấ trên dự án giải phóng mặt bằng thuộc Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long.

Metro Nhổn - ga Hà Nội được đề xuất lùi thời hạn vận hành đến tháng 8

UBND TP vừa qua đã yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Cụ thể, theo đơn vị chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 8 năm nay thay vì cuối năm 2022 như trước đó.

Duyệt đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang và Bạc Liêu

Ngày 17/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay Thủ tướng ký Quyết định Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 51,82 km (đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài khoảng 45,22 km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6 km). Dự kiến trên toàn tuyến xây dựng 26 cầu, trong đó có ba cầu vượt sông lớn là cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông.

Đây là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.904,66 tỷ đồng. Dự án sử dụng vốn đầu tư công, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.123,73 tỷ đồng, chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 780,93 tỷ đồng.

(Nguồn: Vietnammoi)

Quảng Ninh ‘chào thua’ dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng ‘bất động’ gần 20 năm

(Ảnh minh họa).

Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân bị ngưng trệ gần 20 năm khiến gần 3.000 hộ dân ở TP. Hạ Long, TP. Uông Bí và thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) mòn mỏi đợi chờ. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh gửi văn bản kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải xem xét thu hồi chủ trương đầu tư nếu chưa được sớm khởi động lại.

Sớm tái khởi động hoặc thu hồi chủ trương

Sau nhiều năm dự án đường sắt Yên Viên-Cái Lân bị “treo" gây bức xúc cho người dân vùng dự án, mới đây, ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ký văn bản số 518/UBND-GT1 về việc giải quyết vướng mắc đối với Tiểu dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long gửi Bộ Giao thông vận tải để sớm có phương án đối với dự án này.

Văn bản nêu rõ việc sớm tái khởi động dự án sẽ góp phần giải quyết các tồn tại khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng công trình đối với các hộ dân có diện tích nằm trong phạm vi thực hiện dự án, giúp người dân sớm được bồi thường giải phóng mặt bằng ổn định đời sống, tránh kiến nghị, khiếu kiện kéo dài; đồng thời để dần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh trong khu vực có tuyến đường đi qua.

UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép khởi động lại Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để giải quyết dứt điểm các thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong phạm vi Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp dự án chưa được sớm khởi động lại, đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, thu hồi chủ trương đầu tư để có cơ sở thu hồi, hủy bỏ các văn bản liên quan đến việc thu hồi đất trên dự án giải phóng mặt bằng thuộc Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long.

Ngày 12/2 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, trong đó có ưu tiên tuyến đường từ Uông Bí lên Yên Tử, đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, đường ven biển, hạ tầng cửa khẩu biên giới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tỉnh Lạng Sơn triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 4B nối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, từ đó kết nối Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng và kết nối vùng Đông Bắc - Tây Bắc; đồng thời sớm khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại phải dừng lại từ năm 2011.

Dự án gần 20 năm ngưng trệ

Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được phê duyệt đầu tư từ năm 2004 với chiều dài 131km (43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp). Tuyến đường sắt này bắt đầu từ ga Yên Viên đi qua địa bàn TP. Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và kết thúc tại cảng Cái Lân thuộc TP. Hạ Long.

Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải làm rõ tiến độ và kế hoạch triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và các cam kết của Bộ đối với dự án này, sau gần 20 năm ngưng trệ.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Bộ Giao thông vận tải đã triển khai đầu tư dự án từ năm 2005. Tuy nhiên, giai đoạn 2008 - 2011, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mặt khác, nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn vừa qua bố trí cho Bộ Giao thông vận tải hạn chế, phải cân đối, ưu tiên bố trí đầu tư các công trình động lực theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ. Do đó chưa thể bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu, đã có nhiều thay đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực dự án đi qua nên phương án đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả.

Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban QLDA đường sắt lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.

Được biết, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ tháng 7/2008. Dự án có chiều dài 131km; có tổng mức đầu tư trên 7.600 tỷ đồng. Tại Quảng Ninh, theo thống kê có gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua.

Để thực hiện dự án này, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh vùng và tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, thành phố Hạ Long có 721 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 615/721 hộ dân, đã chi trả cho 157/615 hộ với chi phí gần 33 tỷ đồng. Thành phố Uông Bí có tổng số 1.075 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án 256 hộ, 2 tổ chức với tổng kinh phí gần 67 tỷ đồng. Thị xã Đông Triều có 1.186 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 950 hộ gia đình, đã chi trả tiền bồi thường cho 902 hộ gia đình, tổ chức với số tiền là 22,5 tỷ đồng.

Việc tạm dừng dự án kéo theo công tác giải phóng mặt bằng dở dang, ảnh hướng trực tiếp tới người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường, gây khiếu kiện kéo dài, nhất là khi tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023. Điều này đồng nghĩa với việc gần 3.000 hộ dân trong vùng dự án sẽ còn phải mòn mỏi đợi dự án tái khởi động.

(Nguồn: Soha)

Xóa dự án, dân vẫn sống 'treo'!

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các cơ quan liên quan làm thủ tục thu hồi dự án "treo" hàng chục năm ở khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết sẽ cấp giấy phép xây dựng cho người dân theo quy định.

Có vẻ như hơn 1.400 hộ dân khu vực này sẽ đổi đời sau gần 20 năm sống trong dự án "treo" giữa trung tâm TP.

Tuy nhiên, ai hiểu thủ tục xin giấy phép xây dựng sẽ biết công cuộc xây dựng nhà cửa của người dân Mả Lạng còn lắm khó khăn. Bởi muốn được cấp giấy phép xây dựng thì nhà, đất phải có "giấy hồng", phải phù hợp quy hoạch. Mà khu Mả Lạng được quy hoạch từ năm 2000, giao cho chủ đầu tư từ năm 2006, có thông báo thu hồi đất từ năm 2017 nên đến giờ hầu hết nhà cửa ở đây chưa có giấy hồng.

Hơn 20 năm hết quy hoạch "treo", dự án "treo" rồi đến khu vực có thông báo thu hồi đất, nhiều căn nhà từ 30-40m2 ban đầu đã bị chia ba, chia bốn cho anh em, con cháu hay bán bớt một phần lo sinh kế. Cũng có nhà đổi chủ vài bận bằng giấy tay. Hành trình làm giấy hồng của dân Mả Lạng sau khi chính quyền thu hồi dự án có lẽ vì thế vẫn còn dài.

Trước đây, TP.HCM cũng đã thu hồi nhiều dự án chậm triển khai nhưng vẫn giữ quy hoạch chờ nhà đầu tư mới.

Hàng ngàn hộ dân ở khu Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) nhiều năm nay vẫn không được tách thửa đất, không được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở để xây nhà bởi vướng quy hoạch khu đô thị sinh thái mới.

Các hộ dân ở tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (cũng thuộc quận 1) đã được xóa dự án "treo" nhưng người dân chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Những khu có dự án đã được thu hồi trước đây và cả khu Mả Lạng trong thời gian tới vẫn là đất quy hoạch chờ chủ đầu tư, người dân thoát khỏi dự án "treo" rồi lại rơi vào quy hoạch "treo" và vẫn tiếp tục bị thiệt thòi quyền lợi về đất đai.

Nhà nước có thể nói rằng không thể xóa quy hoạch vì quy hoạch cho tương lai nhằm định hướng xây dựng đô thị đẹp, hiện đại hơn, quy hoạch để dành đất cho phát triển dự án. Nếu thay đổi quy hoạch thì khó cho chủ đầu tư, khó cho công tác bồi thường sau này. Nhưng đối với người dân sống hàng chục năm trong quy hoạch "treo", dự án "treo" ở khu Mả Lạng, Thanh Đa hay tam giác Trần Hưng Đạo thì câu chuyện tương lai đô thị là một cái gì đó rất xa xôi.

Chính vì vậy mà nhiều người đã đặt câu hỏi: tại sao bắt họ phải hy sinh quyền lợi cá nhân vì những lợi ích mà chưa chắc họ sẽ được hưởng? Đó là chưa kể, đất vướng quy hoạch sẽ bị hạn chế một số quyền, người sử dụng đất sẽ bị chủ đầu tư "bắt chẹt" khi thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm dự án.

Nếu Nhà nước muốn dành đất cho dự án thì nên thu hồi đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch để đấu giá và tổ chức khu ở phù hợp quy hoạch cho dân. Nếu không, Nhà nước vẫn quy hoạch nhưng quyền lợi về đất đai trong quy hoạch của dân không bị hạn chế vì đàng nào thì chủ đầu tư cũng phải thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm dự án. Chỉ như vậy thì mới không còn dự án "treo" hay quy hoạch "treo" làm khổ dân.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang