
BỊ TỐ GIẬT CHỒNG, NAM THƯ NHẬN BÃO PHẪN NỘ
Khuya 4/7, sau khi phủ nhận thông tin giật chồng, Nam Thư nhận bão phẫn nộ. Trước đó ít giờ, hình ảnh của nữ diễn viên phủ sóng mạng xã hội. Cô bị gắn với những cụm từ miệt thị, công kích cá nhân.
Nam Thư nhận bão phẫn nộ
Tối 4/7, hình ảnh của Nam Thư xuất hiện dày trên mạng xã hội, sau khi một tài khoản tung tin nhắn tố nữ diễn viên giật chồng. Trong bài đăng, người này khẳng định đủ bằng chứng xác định tài khoản Zalo có tên Eres Al Amor De Mi Vi là của Nam Thư.
Khuya cùng ngày, công ty của Nam Thư phản hồi.
"Gần đây có nhiều thông tin không đúng liên quan Nam Thư. Điều này ảnh hưởng uy tín, danh dự, hình ảnh và công việc của nghệ sĩ. Chúng tôi khẳng định Nam Thư không có clip nhạy cảm. Nam Thư sử dụng hệ thống liên lạc mạng xã hội với tên rõ ràng, không liên quan Zalo có tên Eres Al Amor De Mi Vi. Mọi suy đoán, quy chụp với thông tin thiếu thiện chí đang lan truyền đều vô lý", công ty Nam Thư lên tiếng.
Đại diện nữ diễn viên cho biết đang tiến hành lập vi bằng, nhờ sự can thiệp của pháp luật. Nam Thư gửi lời xin lỗi vì thông tin ảnh hưởng khán giả, đối tác.
Từ khi xuất hiện bài đăng tố Nam Thư giật chồng, cô liên tục bị công kích. Nhiều fanpage, hội nhóm chia sẻ hình ảnh nữ diễn viên, gắn với những cụm từ tiêu cực như "con giáp thứ 13", "Thập tứ cô nương (vai diễn Nam Thư đóng) giờ thành chị 13", "Nhìn mặt là biết chẳng phải dạng vừa", "Giật chồng từ phim đến đời thường"...
Nhiều tài khoản lấy hình ảnh Nam Thư bị NSND Kim Xuân tát ở Quỷ cẩu để chế nhạo. Trong bộ phim ra rạp cuối năm 2023, Nam Thư đóng vai Liễu, giật chồng của bà Nga (NSND Kim Xuân), sau đó mang thai.
"Bị đánh trong phim, giờ bị đánh thêm ngoài đời mới vừa", "Ngoài đời không chỉ như vậy không đâu", "Chưa bao giờ thiện cảm, từ phim đến đời thực, thích giật chồng trong phim giờ giật chồng ngoài đời luôn cho oai"... là một số bình luận công kích Nam Thư trên các diễn đàn.
Loạt bài viết trên fanpage của Nam Thư nhận bão phẫn nộ. Cộng đồng mạng để lại bình luận tiêu cực, liên tục đá đểu nữ diễn viên, yêu cầu cô khóa bình luận thay vì đăng video tương tác trên Facebook tick xanh 1,8 triệu người theo dõi.
Sau bão chỉ trích, Nam Thư khóa bình luận loạt bài viết.
Tuy nhiên, bài đăng "Cảnh báo thông tin sai sự thật" trên trang của Nam Thư vẫn để chế độ bình luận công khai.
Dù giải thích "không liên quan Zalo có tên Eres Al Amor De Mi Vi" và đang tiến hành lập vi bằng, nhờ sự can thiệp của pháp luật, tài khoản của Nam Thư vẫn nhận bão phẫn nộ, chỉ trích.
"Lần này không thể tẩy trắng ", "Chắc quên khóa bình luận rồi", "Lần đầu bài đăng cao như vậy chắc chị mừng lắm", "Đã sai mà thích tẩy trắng"... nhiều người để lại bình luận chỉ trích Nam Thư.
Hiện, bài viết Nam Thư phủ nhận thông tin giật chồng có hơn 5.000 bình luận. Gần 100 người chia sẻ bài đăng "cảnh báo", nhưng phần lớn kèm mô tả chỉ trích nữ diễn viên.
Trong khi đó, tài khoản Z.D liên tục đăng bài tố Nam Thư giật chồng, đi kèm hình ảnh, tin nhắn.
Trong bài đáp trả Nam Thư lúc 3h53 sáng 5/7, người này viết: "Trước khi muốn lập vi bằng, tôi khuyên chị suy nghĩ cho chắc vì tôi có đủ nhân chứng và bằng chứng".
Dòng trạng thái trên đang có hơn 2.500 bình luận ủng hộ, 114 lượt chia sẻ. Loạt bài đăng chia sẻ ảnh chụp tin nhắn, hình ảnh được người này gọi là bằng chứng đang thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ.
Bạo lực mạng
Hiện, phía Nam Thư và người đăng bài tố nữ diễn viên giật chồng đều đưa ra giải thích có lợi cho chính họ. Tuy nhiên, cộng đồng mạng đang có xu hướng đứng về một phía, tự đưa kết luận dù sự việc chưa ngả ngũ.
Những lời công kích, miệt thị ngoại hình là biểu hiện của hành vi bạo lực mạng. Đây là thực trạng đang bị lên án mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.
Theo SCMP, cộng đồng mạng "nắm quyền lực đáng kể" thông qua bình luận trên mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến. Trên không gian mạng, người nổi tiếng luôn là nạn nhân của lạm dụng trực tuyến, bạo lực mạng.
"Tính ẩn danh là tấm khiên của dân mạng, giúp họ ẩn núp an toàn trên Internet và dễ dàng tấn công người khác. Những bình luận gay gắt, tệ đến mức nhiều người nổi tiếng quyết định tiêu cực", Diksha Kashyap, Thạc sĩ nghiên cứu Đông Á học tại Đại học Delhi nói với SCMP.
Bà Diksha Kashyap cho rằng người nổi tiếng một khi vướng điều trái chuẩn mực xã hội (dù chưa được xác minh), đều đối mặt với với sự chỉ trích. Bạo lực mạng ở Hàn Quốc trỗi dậy mạnh, gần như trở thành "văn hóa đại chúng".
"Người nổi tiếng luôn được thần tượng hóa và mong đợi hoàn hảo. Tuy nhiên, ai cũng có khuyết điểm và phải chịu sự chỉ trích, nhiều hay ít tùy vào từng đối tượng. Khi bị số đông chỉ trích liên tục, tần suất cao, họ nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, chỉ trích trực tuyến", Diksha Kashyap nói.
Chuyên gia dẫn chứng vụ Kim In Hyeok tự sát ở tuổi 27, qua đời vào tháng 2/2022. Suốt sự nghiệp, cầu thủ cao 1,92 m đối mặt bình luận xúc phạm ngoại hình, tin đồn về xu hướng tính dục.
Trước khi tự sát, Kim In Hyeok viết: "Tôi cố bỏ qua mọi tin đồn suốt 10 năm qua. Tôi nghĩ làm vậy là tốt nhưng thực sự quá mệt mỏi. Mọi người biết gì nhiều về tôi, cớ sao liên tục bắt nạt tôi bằng bình luận kinh khủng vậy. Làm ơn dừng lại đi, tôi mệt lắm rồi".
Sulli là trường hợp điển hình của nạn nhân bị bạo lực mạng. Vụ nữ ca sĩ tự tử năm 2019 gây chấn động truyền thông quốc tế. Cô chọn cách tự kết liễu sau nhiều năm đối mặt loạt chỉ trích, cứ lên mạng là bị miệt thị, xúc phạm.
Vụ việc Sulli thúc đẩy hai cổng thông tin lớn của Hàn Quốc là Naver và Daum đóng phần bình luận ở mục tin tức Thể thao, Giải trí.
Tuy nhiên, đối tượng bắt nạt hiện nay hoạt động mạnh trên mạng xã hội, nơi không có cơ chế kiểm duyệt. Điều này khiến chính phủ Hàn Quốc đau đầu. Năm 2019, các nhà lập pháp của Hàn Quốc ủng hộ việc chính phủ ban hành luật đưa môn học Giáo dục về bạo lực mạng vào trường học. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Goo Hara tự tử, chỉ hai tháng sau khi bạn thân cô là Sulli qua đời.
Trở lại trường hợp của Nam Thư, nếu đúng như thông tin nữ diễn viên đưa ra là nhờ pháp luật can thiệp, vụ việc sớm sáng tỏ.
"Không bênh vực Nam Thư, càng không có ý chỉ trích nhân vật Z.D. Đúng sai đã có pháp luật. Không biết từ bao giờ cộng đồng mạng có quyền buộc tội, chỉ trích người khác như vậy", một người để lại bình luận.
LỘ ẢNH NHẠY CẢM, NỮ TIKTOKER KÊU CỨU
Những hình ảnh nhạy cảm của bản thân bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội, nữ TikToker cầu cứu.
Mới đây, một nữ TikToker đã phải lên tiếng cầu cứu cộng đồng mạng sau khi phát hiện hình ảnh của mình bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội với mục đích "câu" view.
Nữ TikToker cho biết: "Hôm đó đi tập về, mình đổ xăng. Hình ảnh của mình bị quay lén và edit (chỉnh sửa) phản cảm. Mình có nhắn tin yêu cầu gỡ thậm chí kêu gọi report (gửi thông tin khiếu nại) nhưng không hiệu quả. Trang sử dụng hình ảnh thậm chí còn chạy quảng cáo, dựng chuyện, bịa đặt để câu view" - nữ TikToker lên tiếng.
Dù đã cố gắng ngăn chặn nhưng nữ TikToker cho biết bản thân bất lực và cảm giác bị xâm phạm quyền cá nhân khi không kiểm soát được việc sử dụng hình ảnh của mình.
Cô kêu gọi cộng đồng mạng hãy giúp đỡ, lên án đối tượng xấu, đồng thời kêu gọi người theo dõi hãy báo cáo những trường hợp vi phạm này.
Sự việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người đã lên tiếng ủng hộ và thể hiện sự đồng cảm với cô. Vụ việc cũng đồng thời làm dấy lên cuộc thảo luận lớn hơn về việc làm thế nào để bảo vệ hình ảnh của người nổi tiếng.
HAI BỜ SÔNG TÔ LỊCH BỊ BỨC TỬ VÌ XE MÁY, RÁC THẢI

Vỉa hè dọc bờ sông Tô Lịch thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, nhiều cây hoa giấy được trồng với mục đích xanh hóa, tạo cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang “lụi” dần do không gian sống bị lấn chiếm, đè nén.
Theo tìm hiểu, những cây hoa giấy được trồng tại tuyến đường ven bờ sông Tô Lịch thuộc địa bàn quận Cầu Giấy được trồng trong Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023. Tuyến đường hoa giấy dọc bờ sông được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa đi qua các phường Nghĩa Đô, Quan Hoa, Yên Hòa, Trung Hòa.
Theo đó, bắt đầu từ những ngày cuối tháng 9/2023, hơn 200 cây hoa giấy đầu tiên được mua bằng nguồn vốn xã hội hóa đã được cán bộ, nhân dân và các tổ chức đoàn thể phường Nghĩa Đô trồng bên dọc bờ sông Tô Lịch - phố Nguyễn Đình Hoàn. Tiếp đó, cũng bằng hình thức xã hội hóa, gần 900 cây hoa giấy đã được chính quyền, nhân dân các phường Trung Hòa, Quan Hoa, Yên Hòa trồng dọc tuyến Quan Hoa, Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ.
Trước đó, lãnh đạo phường Quan Hoa chia sẻ, theo phương án cứ khoảng 3 m sẽ trồng một cây hoa giấy cao trung bình 1,3 m. Sau khi hoàn thành việc trồng cây, UBND phường sẽ giao nhiệm vụ, vận động các tổ chức chính trị xã hội, gia đình, hộ kinh doanh trong khu vực thường xuyên tổ chức chăm sóc để bảo đảm tuyến đường hoa giấy phát triển tốt, sớm hoàn thành mục tiêu tạo cảnh, xanh hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường dọc bờ sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các tuyến đường được trồng hoa giấy, tại nhiều điểm không gian sống, phát triển của hoa giấy đang bị lấn chiếm bởi rác thải sinh hoạt, xe cộ, vật liệu xây dựng.
CÁ THU KHO CÓ PHẢI NGUYÊN NHÂN KHIẾN HƠN 100 CÔNG NHÂN NGỘ ĐỘC TẬP THỂ?
Theo Sở Y tế Hải Phòng, nguyên nhân khiến hơn 100 công nhân của Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm phải nhập viện là do hàm lượng histamine trong món cá thu kho cao quá giới hạn.
Thông tin trên được đại diện Sở Y tế TP Hải Phòng cung cấp tại hội nghị giao ban báo chí tuần 27 năm 2024 của địa phương này.
Theo đó, Sở Y tế Hải Phòng kết luận vụ việc ngộ độc thực phẩm tại Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm là do hàm lượng histamine trong món cá thu kho trong bữa trưa 27/6 vượt quá mức giới hạn cho phép.
Cụ thể, kết quả kiểm tra cho thấy, hàm lượng histamine trong mẫu thức ăn cá thu kho cao gấp 40 lần mức giới hạn cho phép tối đa trong thủy sản đông lạnh. Các mẫu thực phẩm còn lại không phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật theo chỉ tiêu chỉ định.
Căn cứ kết luận, Sở Y tế TP Hải Phòng sẽ tiếp tục các biện pháp xử lý theo quy định.
Đồng thời, Sở Y tế triển khai hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm trên toàn thành phố để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc vừa qua.
Liên quan vụ hơn một trăm công nhân Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm bị ngộ độc sau bữa ăn trưa, lãnh đạo công ty cho biết, đến ngày 1/7, toàn bộ số công nhân bị ngộ độc đã được xuất viện và đi làm trở lại.
Trước đó, theo thông tin từ Sở Y tế, sự việc trên xảy ra sau bữa ăn trưa ngày 27/6 tại bếp ăn tập thể Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm.
Thời điểm đó, bếp ăn có 178 công nhân dùng bữa trưa với 2 thực đơn khác nhau.
Trong đó thực đơn 1 có các món thịt gà nấu sáo, lạc chao dầu, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm trắng, dưa hấu; Thực đơn 2 gồm: cá biển kho, chả lá nốt, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm trắng, dưa hấu.
Sau khi kết thúc bữa ăn và nghỉ ngơi được 30 phút, 127/178 công nhân có dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, mặt nóng ran, đau bụng, buồn nôn... phải nhập viện khẩn cấp. Số còn lại với dấu hiệu nhẹ nên được y tế huyện An Dương cử nhân lực sang sơ cứu tại chỗ.
Ngay khi nhận tin về sự cố xảy ra tại Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm, Chi cục Vệ sinh An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành điều tra, xác minh và tiến hành lấy mẫu thực phẩm tại bếp ăn tập thể của công ty này.
Các mẫu thực phẩm đơn vị trên lấy gồm: Bí xanh sống và toàn bộ mẫu lưu bữa trưa ngày 27/6, với 8 món (cá thu kho, chả lá lốt, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm, dưa hấu, thịt gà kho, lạc rang) để đem đi kiểm nghiệm, xác định hàm lượng histamin trong mẫu thức ăn cá thu kho.
Việc kiểm tra này còn nhằm xác định dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong mẫu canh rau ngót, mẫu bí xanh, mẫu dưa hấu.
Những mẫu thực phẩm trên được gửi tại Trung tâm chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Vùng 1 thuộc Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn: Soha; Người Lao Động; Kenh14; Dân Trí
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá