Mỹ: Xả súng như phim; Hỗ trợ người chết vì Covid; Cách mạng CN ăn uống; Chiến lược về Trung-Triều; Vấn đề khó của Biden

LẠI XẢ SÚNG NHƯ “PHIM HÀNH ĐỘNG” Ở FLORIDA - MỸ

(Ảnh minh họa).

Cảnh sát bang Florida - Mỹ đang điều tra vụ xả súng được mô tả “như phim hành động” ngay trên đường phố Lakeland.

Cảnh sát trưởng Sam Taylor cho biết vụ xả súng xảy ra vào khoảng 15 giờ 43 phút ngày 30-1 (giờ địa phương), ngay trên đường phố Lakeland thuộc bang Florida.

Kênh NBC mô tả diễn biến vụ xả súng như cảnh trong "phim hành động". Theo đó, một chiếc Nissan sedan màu xanh đậm dừng lại trước đám đông. Tiếp đến, loạt đạn chát chua vang lên, chúng được bắn ra từ 4 cánh cửa xe đã mở toang bởi các tay súng từ bên trong.

Hậu quả khiến người 10 trúng đạn, trong đó có 2 người nguy kịch, số nạn nhân còn lại đã được đưa tới bệnh viên cấp cứu.

"Các nạn nhân bị bắn đều là nam giới tuổi từ 20-35" - cảnh sát trưởng Sam Taylor phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra vào tối cùng ngày. Vị cảnh sát trưởng cũng nhận định rằng đây là vụ tấn công có chủ đích chứ không phải ngẫu nhiên.

"Vụ xả súng cũng khiến người dân ở 2 bên đường phố Lakeland hoảng sợ" - cảnh sát trưởng Sam Taylor nhấn mạnh và thêm rằng động cơ vụ xả súng đang được khẩn trương điều tra làm rõ. Đây là vụ xả súng thứ 4 xảy ra ở bang California chỉ trong hơn tuần qua.

Lakeland là một thành phố có khoảng 112.000 dân, cách TP Tampa khoảng 48 km về phía Đông.

Theo dữ liệu do tổ chức phi lợi nhuận The Gun Violence Archive (TGVA) chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn tại Mỹ, năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp Mỹ ghi nhận hơn 600 vụ xả súng hàng loạt, trong đó mỗi vụ có ít nhất 4 người chết hoặc bị thương.

(Nguồn: Người Lao Động)

MỸ GỬI HÀNG TỈ USD TIỀN HỖ TRỢ COVID-19 CHO NGƯỜI CHẾT?

Trong báo cáo công bố ngày 30-1, một cơ quan giám sát liên bang Mỹ cho rằng chính quyền nhiều khả năng đã trao khoảng 5,4 tỉ USD tiền cứu trợ COVID-19 cho những đối tượng đáng ngờ.

Ủy ban trách nhiệm giải trình ứng phó đại dịch (PRAC) cho biết họ "đã xác định được 69.323 số an sinh xã hội (SSN) đáng ngờ được sử dụng để nhận 5,4 tỉ USD từ hai chương trình hỗ trợ COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 10-2022".

Hai chương trình hỗ trợ vượt qua "bão" COVID-19 gồm khoản vay trước tổn thương kinh tế do thảm họa (EIDL) của Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) và Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP).

Báo cáo của PRAC được công bố trước phiên điều trần về gian lận trong chi tiêu trong thời gian đại dịch COVID-19, dự kiến diễn ra vào ngày 1-2 trước Ủy ban giám sát Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Theo hãng tin Reuters, Mỹ đã điều tra nhiều trường hợp gian lận liên quan đến các chương trình hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), bảo hiểm thất nghiệp và chương trình bảo hiểm y tế liên bang Medicare.

Hồi tháng 5-2021, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống gian lận COVID-19.

Năm 2022, Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm Trợ lý Thứ trưởng Tư pháp Kevin Chambers làm người phụ trách chính cuộc điều tra những sai phạm, lừa đảo liên quan nguồn quỹ cứu trợ Covid-19 được phát hiện ở nhiều bang của nước này.

Tháng 9-2022, tổng thanh tra của Bộ Lao động Mỹ cho biết có khả năng 45,6 tỉ USD từ chương trình bảo hiểm thất nghiệp trong dịch COVID-19 đã bị trục lợi bằng cách sử dụng số an sinh xã hội của người đã chết để nhận tiền.

Cũng trong tháng 9 năm ngoái, các công tố viên liên bang đã buộc tội hàng chục bị cáo vì ăn cắp 250 triệu USD từ chương trình viện trợ của chính phủ dùng để hỗ trợ trẻ em trong đại dịch.

Liên quan đến tình hình COVID-19 ở Mỹ, Nhà Trắng ngày 30-1 cho biết Tổng thống Joe Biden dự định chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 vào ngày 11-5, gần 3 năm sau khi nước này áp dụng nhiều biện pháp phòng chống đại dịch.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia về COVID-19 và khẩn cấp y tế công được công bố vào năm 2020 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Biden sau đó nhiều lần gia hạn.

Sau khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt, những người có bảo hiểm y tế sẽ phải tự trả một số chi phí cho vắc-xin, xét nghiệm và điều trị COVID-19, trong khi người không có bảo hiểm sẽ phải thanh toán toàn bộ những chi phí đó.

Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ (OMB) cho biết Tổng thống Biden sẽ phủ quyết một dự luật đề xuất tại quốc hội về việc dỡ bỏ quy định tiêm vắc xin COVID-19 bắt buộc đối với các nhân viên y tế làm việc trong một số chương trình liên bang.

(Nguồn: CafeF)

CUỘC CÁCH MẠNG SẮP ĐẾN CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĂN UỐNG MỸ

(Ảnh minh họa).

Hàng loạt "ông lớn" thức ăn nhanh tại Mỹ đang có kế hoạch nhân rộng mô hình cửa hàng chỉ bán đồ ăn mang về để tiết kiệm chi phí, cũng như đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng.

Tháng 12/2022, McDonald mở một cửa hàng mới ở ngoại ô thành phố Fort Worth, bang Texas, Mỹ. Cơ sở này hoàn toàn không có bàn ăn hay ghế ngồi. Thay vào đó, thức ăn sẽ được chuyển thẳng tới khách hàng - những người đã đặt hàng trước và chỉ lái xe đến lấy, theo Wall Street Journal.

Cửa hàng của McDonald không phải là trường hợp cá biệt. Các hệ thống đồ ăn nhanh lớn nhất nước Mỹ đang đua nhau xây dựng các “nhà hàng không bàn ghế” - nơi chỉ bán đồ ăn mang đi. Qua đó, họ đánh cược rằng xu thế mua đồ mang về - vốn được thúc đẩy sau đại dịch Covid-19 - sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Theo giới điều hành doanh nghiệp, mô hình mới này sẽ giúp họ cắt giảm chi phí, qua đó đạt được mức độ hiệu quả và có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, nếu “ván cược” thất bại và người dùng không còn hứng thú với việc mua đồ về như hiện nay, đây sẽ là sự đầu tư sai lầm.

Thử nghiệm của McDonald

Bất chấp đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu mua đồ ăn mang về tại Mỹ vẫn ở mức cao. Trong năm 2022, 85% đơn đặt hàng đồ ăn nhanh ở xứ sở cờ hoa là để mang về, theo hãng nghiên cứu thị trường NPD Group.

Con số này thấp hơn kỷ lục 90% năm 2020, nhưng vẫn cao hơn nhiều tỷ lệ 76% trong các năm trước đại dịch. Trong khi đó, với các nhà hàng thông thường, tỷ lệ mang về năm 2022 là 33%, gần gấp đôi trước đại dịch.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mới bùng phát, các chuỗi đồ ăn nhanh nhìn chung ứng phó tốt hơn các nhà hàng khác nhờ mô hình xe ô tô mua hàng trực tiếp (drive-through). Ví dụ, gần 95% trong số 13.435 cửa hàng McDonald tại Mỹ áp dụng mô hình này.

Trong năm 2020, mô hình drive-through chiếm tỷ trọng 90% trong các hoạt động kinh doanh của McDonald tại Mỹ, tăng mạnh so với khoảng hai phần ba trước đại dịch.

Cửa hàng tại Fort Worth là một trong những thử nghiệm của McDonald hướng đến tương lai. Đặc điểm nổi bật nhất của cơ sở này là hệ thống giao hàng tới ôtô tự động cho những người đặt qua mạng từ trước, nhờ vào băng chuyền và cánh tay robot. Ngoài ra, cửa hàng cũng có làn dành cho dịch vụ drive-through.

Cơ sở này có diện tích bé hơn đáng kể các cửa hàng McDonald truyền thống. Bên trong hoàn toàn không có ghế ngồi hay khách hàng hay khu vui chơi cho trẻ em.

Ông Luis Silva, một khách hàng tại thành phố Arlington, Texas, cho rằng đây là ý tưởng thú vị. Nhưng ông hy vọng mô hình này không phát triển quá mạnh.

“Nó giống như một máy bán hàng khổng lồ vậy”, ông Silva nói. “Tôi yêu không khí (trong cửa hàng) và những người phục vụ chúng tôi. Tôi ghét thấy McDonald mất đi những yếu tố này”.

“Chúng tôi coi trọng không gian và tính cộng đồng mà các cửa hàng truyền thống tạo ra. Do đó, các nhà hàng phục vụ tại chỗ đang và sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong cách chúng tôi phục vụ cộng đồng”, McDonald tuyên bố.

Xu hướng lan rộng

Kể cả Starbucks, chuỗi cửa hàng tự định vị bản thân như “chốn đi về thứ ba” sau nhà và nơi làm việc, cũng dự đoán các cơ sở của họ sẽ có ít ghế hơn. Từ đầu tháng 7/2022 đến đầu tháng 10/2022, 72% doanh số bán hàng tại Mỹ của họ là mang về. Starbucks đang dự tính mở mới 400 cửa hàng chỉ bán mang về hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng.

“Đây là sự đảo ngược hoàn toàn so với trước đây, khi đa số hoạt động kinh doanh diễn ra trong cửa hàng”, ông Howard Schultz, Giám đốc điều hành tạm thời của Starbucks, nói.

Ông Schultz cho biết việc cửa hàng Starbucks phải phục vụ nhiều nhóm khách hàng một lúc, từ những người dùng tại chỗ, người mua mang về, người đặt hàng từ xa lẫn người sử dụng dịch vụ drive-through khiến khách hàng phải chờ lâu, dẫn đến mệt mỏi.

Thậm chí, đôi lúc các nhân viên cửa hàng phải tắt dịch vụ nhận đơn hàng qua ứng dụng do quá bận rộn, khiến doanh số bán hàng sụt giảm, cũng như có nguy cơ đẩy khách hàng về phía các đối thủ cạnh tranh.

Starbucks đang tính đến việc xây dựng một số cửa hàng mới chỉ phục vụ bán mang đi. Trong ba năm tới, công ty này đặt mục tiêu xây dựng 700 cửa hàng mới tại Mỹ coi các tài xế drive-through là mục tiêu phục vụ chính. Theo kế hoạch, đến năm 2025, các cửa hàng truyền thống chỉ chiếm 54% số cửa hàng của công ty, thay vì 61% như hiện nay.

“Chúng tôi không nhất thiết phải để mọi cửa hàng làm mọi thứ cho mọi đối tượng”, bà Katie Young, Phó chủ tịch cấp cao về tăng trưởng toàn cầu và phát triển của Starbucks, nói.

Yum Brands, công ty sở hữu KFC và Taco Bell, cũng đang tính làm điều tương tự. Hồi tháng 12/2022, doanh nghiệp này thảo luận với các nhà đầu tư về khả năng xây dựng các cửa hàng Taco Bell với bốn làn xe drive-through, hay cửa hàng KFC chỉ có bếp mà không có ghế ngồi.

“Ngành công nghiệp có thể đang bước vào giai đoạn đòi hỏi đổi mới về hình thức triển khai để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hôm nay”, ông David Gibbs, Giám đốc điều hành của Yum Brands, nói.

Trong khi đó, chuỗi đồ ăn nhanh Chipotle đang thử nghiệm một số cửa hàng chỉ bán mang về - cơ sở đầu tiên được mở gần Học viện Quân sự Mỹ West Point. Theo bà Tabassum Zalotrawala, người đứng đầu bộ phận phát triển của Chipotle, mô hình này có thể cắt giảm chi phí.

“Bạn sẽ không cần cử lao động lau dọn nhà vệ sinh hay phòng ăn”, bà Zalotrawala nói.

Dù vậy, một số người vẫn muốn ngồi ăn cùng nhau. “Bạn cần suy nghĩ kỹ về địa điểm thiết lập các mô hình nhỏ hơn hoặc mô hình thay thế vì chúng không dành cho mọi người”, bà Zalotrawala bổ sung.

(Nguồn: Zing News)

CÁC QUAN CHỨC QUỐC PHÒNG HOA KỲ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC VỀ TRUNG QUỐC, TRIỀU TIÊN

Chưa đầy một tuần sau khi giúp bảo đảm hàng tỷ đô la hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, bao gồm cả xe tăng chiến đấu do Mỹ và Đức sản xuất, các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ đang chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đang có chuyến thăm chính thức lần thứ sáu tới khu vực, bắt đầu vào cuối ngày thứ Hai (30/1) với các cuộc gặp cấp cao tại Seoul, sau đó là chuyến thăm Philippines để gặp Tổng thống mới đắc cử Ferdinand Marcos Jr. và nhóm lãnh đạo an ninh quốc gia mới của ông.

“Môi trường an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, đây là điều mà chúng ta thấy hàng ngày”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói.

Cụ thể, quan chức giấu tên này dẫn ra “tình trạng gia tăng mạnh mẽ hành vi hoạt động gây bất ổn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, bao gồm “hành vi tấn công trên không nguy hiểm” và việc Bắc Kinh sử dụng “đoàn tàu dân quân biển” ở Biển Đông.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh mối quan ngại của họ về kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên và các vụ thử tên lửa đạn đạo đang diễn ra của nước này, gọi số vụ phóng thử là chưa từng có.

Hành vi hiếu chiến của Bình Nhưỡng đã làm dấy lên lo ngại ngày càng tăng ở Hàn Quốc, nơi Tổng thống Yoon Suk Yeol hồi đầu tháng này đã gợi ý rằng Washington có thể cần triển khai lại vũ khí hạt nhân tới bán đảo, hoặc Seoul có thể bắt đầu phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Ông Austin dùng các cuộc họp vào thứ Ba với ông Yoon và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup để làm nổi bật “cam kết răn đe mở rộng chắc chắn” của Washington, một quan chức quốc phòng cấp cao thứ hai của Hoa Kỳ cho biết.

Tuy nhiên, quan chức này cẩn trọng nói việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc sẽ không được đưa ra bàn thảo luận.

Khả năng răn đe mở rộng mà Hoa Kỳ cam kết còn bao gồm tăng cường hợp tác và đào tạo bổ sung, bao gồm cả việc nối lại các cuộc tập trận bắn đạn thật chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vào cuối năm nay trên bán đảo sau một vài năm gián đoạn.

Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cũng mong đợi thảo luận về sự hỗ trợ của Seoul đối với Ukraine và cách Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc, lĩnh vực mà các quan chức ca ngợi là dẫn đầu thế giới về vũ khí tiên tiến.

Sau các cuộc họp ở Hàn Quốc, ông Austin sẽ bay tới Philippines, nơi ông sẽ gặp gỡ các binh sĩ Hoa Kỳ đang làm việc với các đối tác Philippines của họ ở Zamboanga trước khi tìm cách thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Manila về những lo ngại chung về Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tích cực thảo luận về những gì chúng tôi có thể làm cùng nhau để giải quyết những quấy rối và cưỡng ép đáng chú ý gần đây ở Biển Đông”, một quan chức quốc phòng cấp cao thứ ba của Hoa Kỳ cho biết.

Sau nhiều năm tranh luận căng thẳng giữa Manila và Washington, quan chức này cho biết Lầu Năm Góc đang nhận thấy “sự phát triển rất tích cực trong quỹ đạo của mối quan hệ”.

Theo các quan chức Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc coi Philippines là một phần quan trọng trong liên minh ngày càng tăng của các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đẩy lùi Bắc Kinh, cả khi có và không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Tại Lầu Năm Góc, hy vọng chuyến thăm của ông Austin sẽ cho phép hai nước xây dựng dựa trên các thỏa thuận quốc phòng trước đây, bao gồm Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao năm 2014, đồng thời giúp Manila hiện đại hóa lực lượng và xoay trục khỏi sứ mệnh chống khủng bố hiện nay để có thể đối đầu tốt hơn với Bắc Kinh.

Hiện tại, Philippines là một trong số ít các quốc gia có được thông tin tình báo và thông tin hàng hải quan trọng thông qua một sáng kiến mới của Hoa Kỳ. Các quan chức Hoa Kỳ cũng đang hy vọng mở rộng hợp tác tại Manila trong các lĩnh vực không gian và không gian mạng.

(Nguồn: VOA)

VẤN ĐỀ HÓC BÚA CỦA ÔNG JOE BIDEN TRONG QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC

(Ảnh minh họa).

Đối với những người lo sợ Mỹ rơi vào quỹ đạo thất thế trong cuộc đua cạnh tranh với Trung Quốc, các hành động của giới chức xứ “cờ hoa” dần cảnh báo rằng, nỗi sợ hãi đó có thể thành hiện thực.

“Mặt trận mới” trong quan hệ Mỹ - Trung

Theo một số nguồn tin thân cận, giới Ngoại giao Mỹ đang soạn thảo kế hoạch để tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thăm Đài Loan trong thời gian thích hợp. Động thái này càng làm cho mâu thuẫn Trung Quốc - Mỹ trở nên sâu sắc hơn.

Trước đó, vị cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi - người thuộc đảng Dân chủ, đã đến Đài Loan hồi tháng 8/2022 trong sự phản ứng gay gắt của chính quyền Bắc Kinh. Lần này có thể thêm một nhân vật chủ chốt của đảng Cộng hòa làm điều tương tự. Điều đó cho thấy cách tiếp cận đồng nhất - cứng rắn của người Mỹ đối với vấn đề Đài Loan và Trung Quốc .

Mỹ đã thành lập một ủy ban đặc biệt về cạnh tranh Mỹ - Trung trong tháng này. Đây cũng là một trong những hành động đầu tiên của Hạ viện Mỹ khóa mới. Dưới sự lãnh đạo của ông McCarthy, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang ưu tiên việc cạnh tranh với cường quốc châu Á.

Quan chức Mỹ liên tục đến Đài Loan như “giọt nước tràn ly”, khép chặt mọi cơ hội để hai bên có thể đối thoại. Nói cách khác, mâu thuẫn Trung - Mỹ hiện nay biểu hiện trên mọi phương diện.

Washington coi bất cứ điều gì có thể nâng cao năng lực quốc gia của Trung Quốc đều tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của một đối thủ cạnh tranh chiến lược và hỗ trợ quá trình xây dựng lực lượng quân sự đe dọa lợi ích toàn cầu của Nhà trắng.

Đổi lại, Bắc Kinh ngày càng cảm thấy bị gò bó khi phải chơi theo luật của Mỹ. Trung Quốc không còn “dấu mình chờ thời”, họ nỗ lực xây dựng mạng lưới lợi ích có xu hướng “đồng minh”, gián tiếp thách thức hệ giá trị do Mỹ và đồng minh nắm giữ.

Tổng thống Joe Biden đang cố gắng tổ chức và nâng cấp một liên minh gồm các quốc gia có cùng chí hướng, đặc biệt là các nền dân chủ ở châu Á và châu Âu, để đối trọng và gây sức ép với Trung Quốc. Nhưng có vẻ cách tiếp cận này không còn hiệu quả như thế kỷ trước. Bởi kể từ chiến tranh thương mại 2018, Mỹ tổn thương không ít, đẩy nền kinh tế của mình vào thế bất lợi, mất thị phần ở các nước thứ ba, chậm chân so với đối thủ tại các vùng đệm chiến lược như Nam Mỹ, Bắc Phi và Trung - Tây Á.

Lịch sử cho thấy, lợi ích của Washington chỉ được đảm bảo khi hợp tác hoặc làm việc theo những cách bổ sung với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định và duy trì mối quan hệ kinh tế trên nguyên tắc “win - win” với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cách xử lý cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc đang khiến đồng minh e ngại. Bằng chứng là nhiều quốc gia đang tăng cường thương mại với Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu; đồng thời duy trì mối liên hệ kinh tế cốt lõi với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Trong khi đó, Trung Đông và các nước giàu tài nguyên dầu khí đã chọn Trung Quốc làm đối tác lâu bền. Các đại diện tiêu biểu của nền công nghệ Trung Quốc âm thầm thâu tóm thị trường - không như kỳ vọng của Mỹ.

Đặc biệt, chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ngay sau khi ông Tập Cận Bình đăng cơ nhiệm kỳ thứ 3, cho thấy các đồng minh của Washington vẫn ưu tiên một chính sách cân bằng hơn là thiên cực.

Cho dù ông Joe Biden không ngừng kêu gọi đồng minh “đồng thanh tương ứng”, song trên thực tế, nhiều quốc gia đang làm ngược lại những gì mà những tiếng nói cứng rắn nhất ở Washington mong muốn.

Trung Quốc đang thực hiện các bước đi vững chắc cho tham vọng kết nối toàn cầu, đây chính là trào lưu toàn cầu hóa lần thứ ba không phải người Mỹ chủ trì. Nó đang manh nha tạo ra một xu hướng mới.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Sục sôi biểu tình; Trump & chiến dịch tranh cử; DeSantis xung trận; Đàm phán bí mật với EU; Blinken công du Trung Đông ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang