Mỹ: Xả súng nhiều người chết; Kinh tế lo trì trệ; Deepfake Trump bị bắt; Vị thế để đối đầu TQ; Cạnh tranh ảnh hưởng ở Nepal

Một phụ nữ xả súng tại trường tiểu học Mỹ, nhiều người thiệt mạng

(Ảnh minh họa).

Một phụ nữ 28 tuổi mang theo súng ngắn và súng trường tấn công đã nổ súng tại một trường tiểu học ở Nashville, bang Tennessee làm 6 người thiệt mạng, trong đó có ba trẻ em.

Theo hãng tin Reuters và tờ The Guardian, cảnh sát đã bắn hạ đối tượng trên. Các thông tin ban đầu cho biết, tay súng là học sinh cũ của trường The Convenant, hiện chưa rõ động cơ của vụ bạo lực súng đạn này.

Phát ngôn viên cảnh sát Don Aaron cho biết, sở cảnh sát Nashville nhận được cuộc gọi đầu tiên thông báo về vụ nổ súng vào lúc 10h13 sáng ngày 27/3. Đối tượng vào trường bằng lối vào ở bên hông và đi từ tầng một lên tầng hai rồi bắn nhiều phát đạn. Vụ nổ súng xảy ra ở khu vực hành lang chứ không phải trong lớp học. Hai sĩ quan từ một đội gồm 5 thành viên đã bắn hạ kẻ tấn công và cô ta được tuyên bố đã chết lúc 10h27.

Cảnh sát trưởng Nashville John Drake cho biết trong một cuộc họp báo vào buổi tối cùng ngày rằng nghi phạm là Audrey Hale, 28 tuổi, cư dân ở Nashville và từng có thời điểm là học sinh của trường. Theo ông Drake, đối tượng là người chuyển giới song không cho biết thêm các chi tiết khác.

Ba học sinh, đều 9 tuổi, đã tử vong sau khi được đưa tới Bệnh viện Nhi đồng Monroe Carell ở Vanderbilt. Ngoài ra có ba nhân viên khác của trường cũng thiệt mạng.

Theo nhóm Gun Violence Archive, đây là vụ xả súng thứ 128 trong năm nay ở Mỹ.

Các vụ xả súng đã trở nên phổ biến ở Mỹ trong vài năm gần đây song tay súng là một phụ nữ là điều hết sức bất thường. Theo trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận The Violence Project, kể từ năm 1966, chỉ có 4 trong số 191 vụ xả súng là do nữ thực hiện.

Nói về vụ xả súng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội một lần nữa thông qua thêm luật cải cách súng đạn. Ông nói: "Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn bạo lực súng đạn đang chia rẽ các cộng đồng của chúng ta. Nó đang xé toạc linh hồn của nước Mỹ".

(Nguồn: Vietnamnet)

Kinh tế Mỹ lo trì trệ vì khủng hoảng tín dụng

Những bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng toàn cầu có khả năng gây ra khủng hoảng tài chính nhưng chưa chắc có tác động tương tự năm 2008

Mỹ đang theo dõi chặt chẽ những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng với lo ngại sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng trong khi châu Âu cũng cảnh báo về khả năng siết hoạt động cho vay.

Các nhà chức trách trên khắp thế giới đang cảnh giác cao độ sau vụ sụp đổ gần đây của hai ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature ở Mỹ cùng với cuộc giải cứu ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ).

Ông Neel Kashkari - Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Minneapolis, 1 trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - nói với đài CBS hôm 26-3 rằng những diễn biến hiện tại đang đẩy Mỹ đến gần hơn với suy thoái.

Theo ông Kashkari, hiện chưa rõ căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng khiến hoạt động thắt chặt tín dụng lan rộng đến mức nào nhưng nó có thể làm trì trệ nền kinh tế và cần được giám sát thật chặt.

Từng là một trong những nhà hoạch định chính sách "diều hâu" nhất của FED trong việc ủng hộ tăng lãi suất chống lạm phát, ông Kashkari cho biết vẫn còn quá sớm để biết sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng tác động lên nền kinh tế như thế nào, do đó chưa thể nói trước nó ảnh hưởng ra sao đến quyết định lãi suất tiếp theo của FED.

Ông Kashkari trấn an rằng hệ thống ngân hàng hiện tại nhận được "sự hỗ trợ đầy đủ" từ FED.

Các nguồn tin nói với đài CNBC rằng việc chuyển tiền gửi từ các ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn, chẳng hạn như JPMorgan Chase và Wells Fargo, đã chậm lại trong những ngày gần đây. Ông Kashkari cho đó là dấu hiệu của sự phục hồi niềm tin.

Củng cố thêm tuyên bố của ông Kashkari, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) hôm 27-3 cho biết ngân hàng First Citizens (FCB) đã đồng ý mua các khoản tiền gửi và khoản vay của SVB sau hơn 2 tuần ngân hàng này sụp đổ.

Theo thỏa thuận, First Citizens sẽ mua lại khoảng 72 tỉ USD tài sản của SVB với mức chiết khấu 16,5 tỉ USD. Tuy nhiên, khoảng 90 tỉ USD chứng khoán và các tài sản khác của SVB sẽ vẫn được FDIC tiếp nhận để xử lý.

Theo Reuters, ông Shayne Elliott, giám đốc điều hành của tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ), hôm 27-3 cảnh báo tình trạng bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng toàn cầu có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính dù còn sớm để dự đoán nó có tương tự cuộc khủng hoảng năm 2008 hay không.

Ông Elliott lập luận cơ quan quản lý toàn cầu đã hành động nhanh hơn nhiều để hỗ trợ các ngân hàng lần này sau bài học từ các cuộc khủng hoảng trước đó.

Tuy nhiên, áp lực gia tăng đối với nhiều ngân hàng đã đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương có tiếp tục tăng mạnh lãi suất để giảm lạm phát hay không.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) Erik Thedeen hôm 26-3 cho rằng lạm phát tại nước này tệ hơn đánh giá ban đầu nên sẽ tăng lãi suất tiếp vào tháng 4. Riksbank đã tăng lãi suất từ 0% lên 3% trong một năm qua nhưng vẫn chưa kiềm chế được mức lạm phát 9,4%, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%.

Một số nhà kinh tế kêu gọi Riksbank tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất khi cho rằng lãi suất cao hơn có thể làm chệch hướng nền kinh tế Thụy Điển và trong trường hợp xấu nhất sẽ gây ra khủng hoảng tài chính.

Cảnh báo của giới chuyên gia Thụy Điển được đưa ra trong bối cảnh một cuộc đình công lớn nổ ra ở Đức hôm 27-3, làm tê liệt hệ thống giao thông công cộng và sân bay. Đây là một trong những cuộc đình công lớn nhất nhiều thập kỷ qua giữa lúc nền kinh tế lớn nhất châu Âu chật vật vì lạm phát tăng vọt.

Ông Frank Werneke, người đứng đầu Nghiệp đoàn Verdi, nói với tờ Bild am Sonntag: "Tăng lương đáng kể là vấn đề sống còn đối với người lao động". Verdi yêu cầu tăng lương 10,5%, tức tăng ít nhất 500 euro (538 USD) mỗi tháng trong khi Nghiệp đoàn vận tải và đường sắt EVG đang yêu cầu tăng 12% hoặc ít nhất là 650 euro/tháng. Đáp lại, cũng có cảnh báo rằng trả thêm lương sẽ khiến giá vé và thuế vận tải cao hơn.

Đức thu hút lao động nhập cư

Theo kênh CNBC, dự thảo luật quốc tịch mới của Đức sẽ được giới thiệu trong vài tháng tới, dự kiến cho phép đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại nước này thay vì 8 năm như hiện tại. Những người đã "nỗ lực đặc biệt để hòa nhập", chẳng hạn thông thạo tiếng Đức, sẽ đủ điều kiện nộp đơn sau 3 năm.

Lệnh cấm mang hai quốc tịch đối với những người đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ được dỡ bỏ. Hiện tại, chỉ những người có hộ chiếu EU hoặc có cha hoặc mẹ là người Đức mới đủ điều kiện mang thêm quốc tịch Đức.

Bên cạnh đó, các cải cách nhập cư dựa trên hệ thống tính điểm của Canada mà Đức dự định áp dụng sẽ mở rộng cửa hơn cho người lao động có tay nghề cao. Thay vì phải có bằng cấp chuyên môn được công nhận ở Đức như trước nay, họ chỉ cần có kinh nghiệm phù hợp kèm theo một lời mời làm việc.

Đây là một phần của cuộc điều chỉnh các quy định nhập cư lớn nhất kể từ năm 2000 của chính phủ Đức, với mục tiêu thu hút 400.000 lao động nước ngoài tay nghề cao mỗi năm để bù đắp cho dân số đang già hóa kéo theo thiếu hụt lực lượng lao động.

Dân số Đức đạt mức cao là 84,3 triệu người vào năm 2022, nhờ vào lượng người nhập cư. Dù vậy, một khảo sát hồi tháng 1 cho thấy hơn phân nửa số công ty Đức không tuyển đủ nhân lực tay nghề cao.

"Đức, giống như nhiều quốc gia khác hiện nay, phải đối diện với áp lực nhân khẩu học lớn và nhắm đến việc thu hút lao động tay nghề cao hơn để bù đắp cho dân số già" - Phó Giám đốc Viện Chính sách nhập cư (Mỹ) Natalia Banulescu-Bogdan nói với CNBC.

(Nguồn: CafeF)

Đằng sau ảnh deepfake ông Trump bị bắt

(Ảnh minh họa).

Phiên bản mới nhất của Midjourney tạo ra những hình ảnh giả (deepfake) về việc cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt trông giống như thật, lan truyền nhanh chóng trong tuần qua.

Khi Aidan Ragan dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để vẽ hình ảnh, anh không xa lạ gì với những thành phẩm mang bàn tay gân guốc có bốn ngón hoặc 6 ngón.

Tuy nhiên, gần đây, khi chàng sinh viên 19 tuổi này ngồi trong lớp học về trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật tại Đại học Florida, anh đã không khỏi sửng sốt khi nhìn thấy một phần mềm AI nổi tiếng vẽ ra những bàn tay giống thật.

"Thật tuyệt vời", Ragan nói với Washington Post. "Thứ kìm hãm AI đã được loại bỏ. Bây giờ, nó đã trở nên hoàn thiện. Điều đó có vẻ đáng sợ một chút nhưng thú vị".

Gây tranh cãi lớn

Thời gian qua, các chương trình AI tạo ảnh từ văn bản mô tả phát triển nhảy vọt. Tuy nhiên, công nghệ này lộ rõ điểm yếu ở nhứng hình ảnh bàn tay con người. Các bộ dữ liệu đào tạo AI thường chỉ nắm được các phần của bàn tay. Kết quả là ảnh bàn tay do AI tạo ra có thể phình to, quá nhiều ngón hoặc cổ tay duỗi thẳng, khiến người xem rất dễ nhận biết đó là tác phẩm của trí tuệ nhân tạo.

Phó giáo sư Amelia Winger-Bearskin, chuyên gia về AI và nghệ thuật tại Đại học Florida, cho hay việc vẽ bàn tay vốn là vấn đề nhức nhối với bất kỳ phần mềm nào. "AI không hiểu hết ý nghĩa của từ 'bàn tay', khiến việc vẽ ra bộ phận này gặp khó khăn. Bàn tay có nhiều hình dạng, kích cỡ và hình thức, đồng thời hình ảnh trong tập dữ liệu đào tạo đa dạng hơn nhiều so với khuôn mặt", bà giải thích.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 3, Midjourney, một công ty tạo hình ảnh nổi tiếng, đã đưa ra bản cập nhật phần mềm dường như đã khắc phục được lỗi này, và các nghệ sĩ đánh giá cao bước tiến đó.

Theo bà Amelia Winger-Bearskin, phó giáo sư về AI và nghệ thuật tại Đại học Florida, phần mềm cập nhật của Midjourney vẫn có một số vấn đề, nhưng gần như đã đạt đến sự hoàn thiện.

Bà cho biết có thể Midjourney đã tinh chỉnh bộ dữ liệu hình ảnh, đánh dấu những bức ảnh có bàn tay không bị che khuất là ưu tiên cao hơn để thuật toán học hỏi và đánh dấu những bức ảnh có bàn tay bị che là ưu tiên thấp hơn.

Phiên bản cập nhật tưởng như vô thưởng vô phạt này có thể mang lại lợi thế cho các nhà thiết kế đồ họa, những người dựa vào các công cụ tạo hình ảnh AI để tạo ra hình ảnh giống thật.

Thế nhưng, nó cũng gây ra một cuộc tranh luận lớn hơn về sự nguy hiểm của nội dung được tạo ra rất khó để phân biệt. Một số người cho rằng AI siêu thực này sẽ khiến các nghệ sĩ mất việc. Những người khác nói rằng những hình ảnh hoàn hảo sẽ làm cho các "deepfake" trở nên khó phân biệt hơn khi các manh mối để nhận biết bị xóa mờ.

Vui buồn lẫn lộn

Julie Wieland, một nhà thiết kế đồ họa 31 tuổi ở Đức, cho biết cô được hưởng lợi từ khả năng tạo ra những bàn tay chân thực hơn của Midjourney. Wieland sử dụng phần mềm này để tạo hình ảnh cho các chiến dịch tiếp thị trực quan. Thông thường, phần tốn nhiều thời gian nhất trong công việc của cô là sửa chữa bàn tay người trong quá trình hậu kỳ.

Wieland chia sẻ bản cập nhật của Midjourney mang tới cho cô vui buồn lẫn lộn. Cô vốn thường thích thú với việc chỉnh lại bàn tay “sai trái” của hình ảnh do AI tạo ra hoặc làm cho hình ảnh phù hợp với thẩm mỹ sáng tạo của bản thân, với cảm hứng mạnh mẽ từ ánh sáng và những cảnh quay qua cửa sổ nổi tiếng trong bộ phim My Blueberry Nights của Vương Gia Vệ.

“Tôi thực sự nhớ những hình ảnh không quá hoàn hảo”, cô trải lòng. “Tôi rất vui vì có thể có ngay những hình đẹp từ Midjourney, nhưng thú thực phần yêu thích của tôi là hậu kỳ xử lý hình ảnh do AI tạo ra”.

Cùng chung cảm giác, Ragan - nam sinh viên dự định theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực AI - cũng cho rằng việc AI tạo nên ảnh thật hơn khiến anh phấn khích, nhưng cảm giác đó mờ nhạt dần theo thời gian.

"Sự hoàn hảo làm giảm đi niềm vui và sự sáng tạo bằng AI. Tôi thích khía cạnh nghệ thuật trong việc này, nhưng giờ các tác phẩm dường như trở nên cứng nhắc và tạo cảm giác robot hơn", anh chia sẻ.

Nguy cơ gây ra rủi ro chính trị

Đáng chú ý, cải tiến nói trên đang gắn liền với một vấn đề lớn: Phần mềm nâng cao của Midjourney đã được sử dụng trong tuần qua để tạo ra những hình ảnh giả (deepfake) về việc cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt trông giống như thật và đã lan truyền nhanh chóng, làm nổi rõ sức mạnh đột phá của công nghệ này.

Viện dẫn trường hợp bức ảnh deepfake nói trên của ông Trump lan truyền trên Twitter khiến nhiều người tưởng là thật, ông Hany Farid, giáo sư pháp y kỹ thuật số tại Đại học California ở Berkeley, nhận định những AI như Midjourney có nguy cơ gây ra rủi ro chính trị, vì có thể tạo những tác phẩm thật hơn, từ đó lan truyền thông tin sai lệch.

Vị giáo sư cũng cảnh báo nguy cơ những cải tiến như thế này có thể bị lạm dụng.

Ông nói trước khi xem xét tất cả chi tiết hình ảnh, mọi người thường nhìn vào một số manh mối, kiểu như “à, có 7 ngón tay ở đây, hay ba ngón tay ở kia… vậy chắc là giả rồi. Thế nhưng, khi AI bắt đầu nắm bắt đúng các chi tiết này, những manh mối trực quan đó trở nên khó nhận biết hơn”, ông Farid giải thích.

Ông Farid cho rằng các công ty AI nên suy nghĩ rộng hơn về những tác hại tiềm tàng từ cách cải tiến công nghệ của mình. Dù vậy, vị giáo sư cũng thừa nhận không có khả năng các công ty AI sẽ giảm tốc độ cải tiến các phần mềm.

“Có một cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Mọi người đều muốn tìm ra cách kiếm tiền và tất cả đang tiến nhanh, tính tới sự an toàn sẽ làm bạn chậm lại", ông nói.

(Nguồn: Zing News)

'Mỹ đang có vị thế mạnh nhất để đấu với Trung Quốc'

Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ đang chiếm ưu thế trước Trung Quốc, trong khi Lầu Năm Góc tập trung tối đa cho phát triển công nghệ vũ khí mới.

Hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong thông điệp đọc trước Quốc hội rằng, Hoa Kỳ đảo ngược được tình trạng suy giảm ảnh hưởng trên toàn cầu và đang ở trạng thái tốt nhất trong nhiều thập kỷ nay để giành chiến thắng trước Trung Quốc hoặc bất kỳ cường quốc nào khác.

Ông kêu gọi người dân Hoa Kỳ đoàn kết lại để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và thể hiện rằng, Mỹ đang hướng tới sự cạnh tranh chứ không phải mưu cầu xung đột.

“Trước khi trở thành Tổng thống tôi đã có cuộc nói chuyện về việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh của mình trên thế giới, còn nước Mỹ đang đánh mất điều đó. Bây giờ thì tình hình không như vậy nữa” - ông Biden tự tin nói.

Vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ nhấn mạnh, sau nửa nhiệm kỳ nắm quyền lãnh đạo đất nước của ông, Hoa Kỳ hiện nay đang có vị thế mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua để cạnh tranh với Trung Quốc hay bất kỳ cường quốc nào khác trên thế giới.

Tổng thống Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc ở những lĩnh vực có thể thúc đẩy lợi ích của Mỹ và có lợi cho thế giới và ông đã thể hiện cho Chủ tịch Tập Cận Bình hiểu rằng, Washington đang tìm kiếm cạnh tranh chứ không phải xung đột với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông cũng dẫn vụ việc khinh khí cầu quân dụng của Trung Quốc bị không quân Mỹ bắn hạ để cảnh cáo Bắc Kinh không nên nhầm lẫn về thiện chí của Washington, nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của Hoa Kỳ thì Nhà Trắng và Lầu Năm Góc sẽ hành động để bảo vệ đất nước mình.

Trong bối cảnh Nhà Trắng tuyên bố tăng cường cạnh tranh với Trung Nam Hải, Lầu Năm Góc cũng đang nỗ lực thu hút các công ty khởi nghiệp để cạnh tranh về kỹ thuật quân sự với Trung Quốc.

Hôm 27/3, tờ báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) cho biết, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang tìm cách thu hút các công ty khởi nghiệp của Mỹ từ Thung lũng Silicon vào việc thực hiện các hợp đồng của Lầu Năm Góc, nhằm duy trì sức cạnh tranh với Trung Quốc trong phát triển công nghệ quân sự.

Theo bài báo, Lầu Năm Góc đang xúc tiến đưa Thung lũng Silicon vào hàng ngũ các nhà sản xuất vũ khí. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cố gắng thu hút các công ty khởi nghiệp ở trung tâm công nghệ hàng đầu của Mỹ, thông qua các quỹ tài trợ, để phát triển công nghệ quân sự mới.

Theo dữ liệu của tờ báo, hiện nay, ngành công nghiệp-quân sự của Mỹ đã trở nên phụ thuộc vào số ít các tập đoàn lớn, đây là vấn đề đáng quan ngại khiến Lầu Năm Góc phải tìm kiếm giải pháp mới cho nhu cầu quân sự của Hoa Kỳ, kể cả trông cậy nhiều hơn nữa vào các nhà phát triển công nghệ tiềm năng.

Theo đánh giá của những chuyên gia được báo phỏng vấn, không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc đang tích cực thu hút các công ty tư nhân tham gia phát triển vũ khí mới, còn thậm chí, khoản đầu tư của Bắc Kinh vào lĩnh vực công nghệ đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, đầu tư vốn mạo hiểm vào lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ thấp hơn Trung Quốc rất nhiều.

Hiện nay, tổng số tiền đầu tư của Lầu Năm Góc được đánh giá vào khoảng 6 tỷ USD một năm, mức tăng rất thấp kể từ năm 2017 (chỉ tăng 1 tỷ USD).

(Nguồn: Soha)

Mỹ - Trung - Ấn chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng ở Nepal

(Ảnh minh họa).

Với việc Ấn Độ đang xích lại gần hơn với Nepal, chính phủ mới của Kathmandu đang loay hoay trong nỗ lực cân bằng mối quan hệ với 3 quốc gia và lợi ích cạnh tranh giữa họ.

Nepal đang là trung tâm của một nỗ lực cân bằng địa chính trị trong khu vực Nam Á, khi các siêu cường trên thế giới cạnh tranh ảnh hưởng ở nước này thông qua các khoản đầu tư lớn vào các lĩnh vực như năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương khoảng một năm trước và tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước khác, bao gồm cả Nepal.

Tuy nhiên, tân Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal, người mới nhậm chức vào cuối tháng 12/2022, được đánh giá là có xu hướng thân thiện với Bắc Kinh.

Với việc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt, và một nước láng giềng gần như là Ấn Độ, chính phủ mới của Nepal phải cân bằng các mối quan hệ của mình với tất cả các quốc gia, mỗi quốc gia đều có những lợi ích cạnh tranh riêng.

Thủ tướng Dahal được cả Washington và New Delhi xem là một chính trị gia thân Trung Quốc.

Trong 2 tháng qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland và quản lý Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Samantha Power đã đến thăm Nepal để tăng cường ảnh hưởng của Washington ở đó.

Họ đã công bố các khoản đầu tư mới, bao gồm hơn 1 tỷ USD vào năng lượng sạch và khoản tài trợ gần 60 triệu USD để củng cố xã hội dân sự ở Nepal. Trong khi đó, Bắc Kinh đã tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nepal với mức thêm 115 triệu USD vào năm ngoái.

Tình hình địa chính trị phức tạp thậm chí còn trở nên khó khăn hơn nước láng giềng Ấn Độ "vào cuộc".

Ông Sujeev Shakya, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Nepal, một nhóm chuyên gia tư vấn do khu vực tư nhân lãnh đạo ở Nepal, cho biết: "Mặc dù có các thỏa thuận năng lượng giữa Ấn Độ và Nepal, nhưng rất khó thực hiện vì Ấn Độ không cho phép người Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện để cung cấp năng lượng cho New Delhi và hơn thế nữa".

Mỹ đã viện trợ nhân đạo hàng triệu USD cho Nepal sau trận động đất kinh hoàng vào năm 2015 và đang tập trung đầu tư vào quốc gia này trong dài hạn.

Health Foundation Nepal, một tổ chức phi lợi nhuận đã đăng ký ở cả Mỹ và Nepal từ năm 2013, đã gây quỹ cho các chương trình sức khỏe tâm thần ở vùng nông thôn Nepal. Tổ chức quyên góp 130.000 USD cho nước này sau trận động đất năm 2015.

Trong khi đó, dự án Millennium Challenge Corporation (MCC) trị giá 500 triệu USD có mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển đường xá và tạo điều kiện cho thương mại năng lượng điện xuyên biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Thỏa thuận này đã được ký kết vào năm 2017 và được Nepal phê chuẩn vào năm 2022.

Cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) Prem Sangraula cho biết, đây chỉ là một trong những chương trình mà Washington đang tiến hành ở Nepal và vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc, quốc gia đã cáo buộc Mỹ tiến hành "ngoại giao cưỡng chế".

MCC ban đầu vấp phải sự phản đối của Thủ tướng hiện tại Dahal, mặc dù sau đó ông đã bỏ phiếu phê chuẩn.

Washington hy vọng tạo thế cạnh tranh với Bắc Kinh trong khu vực bằng cách phát triển quan hệ với các nước Ấn Độ -Thái Bình Dương, các nước châu Á lại không muốn bị buộc phải chọn bên, trong đó có Nepal.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang