Mỹ: Warren Buffett bị yêu cầu từ chức; Giám đốc CDC từ chức; Biden làm gì để ngăn vỡ nợ; Vị thế bị đe dọa; Chiến lược khó hiểu

Warren Buffett bị yêu cầu từ chức: Chuyện gì đây?

Ngay cả Warren Buffett cũng không thể tránh khỏi cuộc chiến “quyền lực” này.

Bloomberg đưa tin, vào thời điểm ngay trước cuộc họp cổ đông thường niên của tập đoàn Berkshire Hathaway, một nhóm vận động bảo thủ có tiếng tăm đã kêu gọi bãi nhiệm ông Warren Buffett, buộc ông rời khỏi vị trí Chủ tịch tập đoàn.

Nguyên nhân là bởi vị tỷ phú có quan hệ mật thiết với Bill Gates - người theo phái tự do với quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates. Thực tế, đề xuất này rất khó được thông qua.

Tuy nhiên, động thái đó đã nhấn mạnh rằng ngay cả Buffett, một trong những nhà đầu tư thành công và được kính trọng nhất cũng phải vướng vào các rắc rối “phe phái”.

Theo Bloomberg, cấu trúc tập đoàn và kế hoạch cho người kế nhiệm Berkshire đang là vấn đề được quan tâm. Được biết, vị tỷ phú sẽ giữ chức vụ CEO nếu được thông qua tại cuộc họp cổ đông diễn ra ở thành phố Omaha, bang Nebraska vào thứ 7 theo giờ Mỹ.

Warren Buffett là hình ảnh đại diện của Berkshire. Chính bởi vậy, nhóm vận động bảo thủ cho rằng quan điểm của ông đối với các vấn đề “phe phái” có thể sẽ đối lập với quan điểm của khách hàng, nhà đầu tư hoặc đối tác.

Nhóm này chỉ ra Buffett đã ủng hộ tài chính cho Bill & Melinda Gates - quỹ từ thiện hàng đầu tập trung vào y tế, giáo dục và bình đẳng giới trong quá khứ. Họ cho rằng quỹ này chưa có trách nhiệm giải trình (báo cáo việc làm, kết quả,..) công khai và có quá nhiều ảnh hưởng.

Peter Flaherty, người của nhóm vận động bảo thủ cho biết Buffett muốn giữ khoảng cách với chính trị nhưng ông vẫn tham gia vào chính trị. Dường như Buffet muốn đứng ở cả 2 bên. Người phát ngôn của Berkshire đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Nhưng bên cạnh đó, “Hội đồng quản trị tập đoàn tin rằng chừng nào ông Buffett còn là Giám đốc điều hành của Berkshire, ông ấy nên tiếp tục giữ cả vai trò chủ tịch hội đồng quản trị” hồ sơ tập đoàn cho biết.

Tuy nhiên, như ông Buffett đã nhiều lần tuyên bố trước đây, một khi ông không còn là CEO của Berkshire nữa thì một giám đốc không điều hành nên được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị”.

Thực tế, năm ngoái, tập đoàn cũng đã phải đối mặt với yêu cầu tương tự từ một tổ chức nhận được sự ủng hộ của gần 11% cổ đông, bao gồm các Quỹ hưu trí của công chức California (CalPERS) và quỹ hưu trí lớn nhất nước Mỹ. Nhưng đề xuất đó không đưa ra tuyên bố muốn loại bỏ vị trí chủ tịch của Buffett chỉ vì mối quan hệ của ông với Bill Gates hay vì các hoạt động chính trị khác.

CalPERS và một số nhà đầu tư ủng hộ việc tách biệt vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành. Bởi họ cho rằng việc quản trị tập đoàn sẽ kém hiệu quả nếu cùng một người nắm giữ cả hai vai trò.

“Chúng tôi tin rằng Berkshire Hathaway sẽ hoạt động tốt nhất nếu ông Buffett chỉ tập trung vào công việc của mình với tư cách là CEO”, CalPERS cho biết. Tuy nhiên, họ cũng không đồng tình với quan điểm của nhóm bảo thủ.

Ngoài ra CalPERS cũng nói trong một tuyên bố rằng một số người của Berkshire cũng đồng ý với việc CEO và Chủ tịch hội đồng quản trị sẽ được phân tách rõ ràng.

Trước đó, tỷ phú Buffett cũng đã từng vạch kế hoạch sẽ để con trai ông Howard Buffett (68 tuổi) giữ chức chủ tịch không điều hành của Berkshire khi ông từ chức. Trong khi Greg Abel, 60 tuổi, phó giám đốc kỳ cựu từng điều hành mảng năng lượng của Berkshire sẽ đảm nhận vị trí CEO.

(Nguồn: CafeF)

COVID-19: Giám đốc CDC Mỹ từ chức trong ngỡ ngàng

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky đã nộp đơn từ chức hôm 5-5 khi cho rằng đại dịch COVID-19 suy yếu là thời điểm tốt để thực hiện chuyển đổi.

Bà Walensky, 54 tuổi, đã là giám đốc của cơ quan này hơn hai năm và thông báo từ chức khiến nhiều chuyên gia y tế ngạc nhiên. Quan chức CDC Mỹ cho biết bà Walensky sẽ giữ chức đến ngày 30-6 và hiện vẫn chưa có người kế nhiệm tạm quyền.

Bà Walensky đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Mỹ Joe Biden và thông báo quyết định của mình trong cuộc họp với các nhân viên CDC.

Trong thư gửi ông Biden, bà nói rằng bản thân có "cảm xúc lẫn lộn" về quyết định này và không giải thích chính xác lý do từ chức nhưng nói rằng nước Mỹ đang trong tiến trình chuyển đổi khi các tuyên bố khẩn cấp kết thúc.

Bà Walensky, trước đây là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, không có kinh nghiệm điều hành một cơ quan y tế của chính phủ khi bà tuyên thệ nhậm chức vào ngày đầu tiên hoạt động của chính quyền Tổng thống Biden.

Bà Walensky rời đi khi số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ hiện là 1,1 triệu người, với xu hướng các ca nhập viện và tử vong giảm trong những tháng qua.

CDC, với ngân sách 12 tỉ USD và hơn 12.000 nhân viên, là một cơ quan liên bang có trụ sở tại Atlanta, chịu trách nhiệm bảo vệ người Mỹ khỏi dịch bệnh bùng phát và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác.

Theo hãng tin Reuters, CDC hôm 5-5 cho biết họ sẽ ngừng báo cáo cũng như theo dõi dữ liệu ca mắc và tốc độ lây truyền COVID-19 sau khi chính phủ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của đại dịch vào tuần tới.

Cơ quan này sẽ ngừng sử dụng hệ thống Cấp độ Cộng đồng (CCL) được mã hóa bằng màu sắc dựa trên các số liệu để theo dõi sự lây lan của COVID-19 và thay vào đó sẽ chủ yếu dựa vào số liệu nhập viện.

Vào ngày 11-5, chính phủ Mỹ sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do dịch COVID-19, tình trạng vốn cho phép hàng triệu người Mỹ được tiêm vắc-xin, xét nghiệm và điều trị miễn phí trong đại dịch. Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch vào đầu năm 2020.

(Nguồn: Soha)

Tổng thống Joe Biden có thể làm gì để ngăn nước Mỹ vỡ nợ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mất rất nhiều nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái ngay khi ông vừa tuyên bố chiến dịch tái tranh cử.

Nợ công ở Mỹ hiện đang ở mức hơn 31 nghìn tỷ USD, gần chạm mức trần 31,4 nghìn tỷ USD. Theo cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, nếu không có biện pháp nới trần nợ, chính phủ liên bang sẽ có nguy cơ vỡ nợ sau ngày 1/6.

Bất kể ai là người chịu trách nhiệm chính trị cho việc vỡ nợ, những người phụ tá của Tống thống Biden đều thừa nhận rằng ông sẽ mất rất nhiều nếu quốc gia rơi vào suy thoái ngay khi ông vừa tuyên bố chiến dịch tái tranh cử.

Điều này có nghĩa là Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ còn chưa đầy một tháng để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, khi các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện ngày càng tỏ rõ rằng họ sẵn sàng chấp nhận thảm họa kinh tế, trừ khi họ nhận được những nhượng bộ chính sách lớn từ Nhà Trắng.

Vị Tổng thống đang đứng trước một số lựa chọn chiến lược để ngăn điều đó xảy ra, bao gồm tiếp tục ủng hộ đảng Cộng hòa nâng trần nợ mà không có sự ràng buộc nào, hoặc hành động đơn phương để vượt qua trần nợ một cách hiệu quả trong khi tiếp tục thanh toán các hóa đơn của quốc gia. Tuy nhiên, mỗi lựa chọn đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Từ chối thương lượng

Nhiều tháng qua, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng các nhà lập pháp phải nâng trần mức vay của Mỹ, tức là để Mỹ chi trả cho các khoản mà Quốc hội nước này cho phép mà không kèm theo điều kiện nào. Ông Biden vẫn có thể tiếp tục từ chối thương lượng, như gợi ý của những người cấp tiến.

Điều này có nghĩa ông sẽ phải đối đầu với các thành viên đảng Cộng hòa, những người vừa thông qua một dự luật nêu rõ họ chỉ đồng ý nới trần nợ lên 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2024 nếu Nhà Trắng cắt giảm 4,8 nghìn tỷ USD chi tiêu liên bang trong vòng một thập kỷ, chủ yếu là cắt giảm những chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu của ông Biden.

Theo cách này, ông Biden sẽ thách thức Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy để cho chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ vào tháng 6, như ước tính của Bộ Tài chính Mỹ. Rủi ro là ông McCarthy có thể từ chối nhượng bộ, lấy lý do dự luật mà Hạ viện Mỹ vừa đưa ra cho thấy đảng này đã hết sức thỏa hiệp để có thể nới mức trần nợ.

Ông Biden sẽ dựa vào áp lực từ các nhóm kinh doanh và tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính để thúc giục các đảng viên Cộng hòa thông qua một dự luật “sạch” nhằm tránh vỡ nợ trong vài tuần hoặc vài tháng mà không kèm theo điều kiện ràng buộc nào.

Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa dường như kiên quyết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để gây áp lực buộc các đảng viên Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu. Họ đã làm điều này thành công vào năm 2011, khi đảng Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu 72 giờ trước khi chính phủ vỡ nợ.

Chấp nhận nhượng bộ

Ông Biden đã mời lãnh đạo của đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng các nhà lãnh đạo Quốc hội khác đến Nhà Trắng vào tuần tới để thảo luận về chính sách tài khóa của Mỹ. Vị Tổng thống nói rằng những cuộc đàm phán này không liên quan đến trần nợ, nhưng thực tế có lẽ không phải vậy.

Lịch trình của cuộc gặp mặt đã được đẩy nhanh bởi các dự doán về thời điểm mà ngày X (dự kiến là ngày 1/6, khi Mỹ chính thức vỡ nợ). Trong khi đó, dự luật tài trợ cho các hoạt động của chính phủ liên bang mà ông Biden ký vào cuối năm ngoái sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 9.

Ông McCarthy sẽ sẵn sàng cam kết thông qua việc nới trần nợ nếu Tổng thống Mỹ đạt được một thỏa thuận về mức chi tiêu cho năm tài chính tiếp theo trước ngày X. Tất nhiên, thỏa thuận này sẽ đặt ra những giới hạn đối với mức chi tiêu tùy ý của Mỹ, nhưng chắc chắn là không nghiêm ngặt như dự luật mà đảng Cộng hòa vừa mới thông qua.

sao đi nữa, các quan chức Nhà Trắng cũng không kỳ vọng Hạ viện sẽ thông qua các khoản tăng chi tiêu đáng kể cho năm tới, cho nên một số giới hạn có thể vẫn chấp nhận được đối với ông Biden.

Tuy nhiên, cũng có rủi ro rằng các thành viên bảo thủ bên đảng Cộng hòa không đồng ý với những điều khoản mà Nhà Trắng đề xuất, còn ông Biden cũng không chấp nhận những yêu cầu mà họ đặt ra, khiến tình huống càng trở nên bế tắc.

“Qua mặt” McCarthy

Ông Biden có thể cố gắng phớt lờ Chủ tịch Hạ viện và lôi kéo một số thành viên ôn hòa của cả Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu để nới trần nợ thông qua một số nhượng bộ tài chính.

Điều này đòi hỏi ông Biden phải đưa ra một cách tiếp cận khác đối với các đảng viên Cộng hòa mà ông cần để thông qua một dự luật “sạch”.

Nhiều đảng viên Cộng hòa ôn hòa trong Hạ viện cho biết, họ nhận được rất ít sự tiếp cận thân thiện từ Nhà Trắng. Thay vào đó, các quan chức chính quyền ông Biden đã mạnh mẽ chỉ trích họ trong việc bỏ phiếu ủng hộ dự luật nới trần nợ và cắt giảm chi tiêu của đảng Cộng hòa.

Nếu các chiến thuật mà Tổng thống Mỹ đưa ra không thể dẫn đến một dự luật nhằm tăng mức trần nợ trước ngày X, ông Biden phải lựa chọn giữa việc để cho Mỹ vỡ nợ, hoặc “thách thức hiến pháp” với trần nợ bằng cách tiếp tục đi vay để thanh toán các hóa đơn khi chính phủ cạn kiệt tiền mặt, bởi một điều khoản trong Tu chính án thứ 14 quy định rằng chính phủ phải trả các khoản nợ của mình.

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, ngay cả việc vỡ nợ trong ngắn hạn cũng có thể dẫn đến suy giảm GDP thực tế, khiến gần 2 triệu người mất việc làm và tăng tỉ lệ thất nghiệp lên gần 5% từ mức 3,5% hiện tại.

Nếu kéo dài, nó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ, khiến 8,3 triệu người mất việc làm và thị trường chứng khoán sụt giảm 45%, theo một phân tích của Nhà Trắng được công bố hôm 3/5

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Vị thế nước Mỹ có thực sự bị đe dọa?

Dù nhiều ý kiến xem Mỹ là đế chế đang trên bờ vực, phân tích gần nhất cho thấy quốc gia này vẫn áp đảo phần còn lại của thế giới.

Tờ báo đình đám The Economist chỉ ra rằng còn quá sớm để nghĩ về sự suy tàn của nước Mỹ khi cường quốc này vẫn luôn cho thấy sự vượt trội mọi mặt trong suốt thời gian dài. Không cần bàn cãi, Mỹ vẫn luôn là nền kinh tế giàu có bậc nhất, với sự sáng tạo và hiệu quả nhất.

Nhằm bảo vệ luận điểm của mình, tờ báo này đưa ra những dẫn chứng mạnh mẽ sau:

Thứ nhất, ngay từ năm 1990, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ chiếm 25% tổng sản phẩm của thế giới. Bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc, xứ sở cờ hoa vẫn chiếm 25% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, so với các nước trong G7, gồm Nhật Bản và Đức, thị phần của Mỹ vẫn áp đảo và không ngừng tăng lên. Hiện Mỹ chiếm 51% GDP của G7 so với 43% vào năm 1990, kết quả của sức mua mạnh mẽ.

Thứ ba, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ cao hơn 24% so với Tây Âu vào năm 1990 và đến bây giờ, con số này lên đến 30%.

Thứ tư, năng suất lao động ở Mỹ trong khoảng 1990 đến năm 2022 tăng đến 67%, trong khi ở Châu Âu là 55% và Nhật Bản là 51%.

Thứ năm, trong suốt thập kỷ qua, chi tiêu của Mỹ cho nghiên cứu và phát triển tăng lên 3,5% GDP, vượt xa hầu hết các nước còn lại.

Thứ sáu, số tiền mà Mỹ chi cho giáo dục tính trên mỗi học sinh nhiều hơn 37% so với 23 quốc gia giàu có khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và 34% người Mỹ đã hoàn thành giáo dục đại học, vượt qua Singapore.

Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng khác, gồm cả số liệu thống kê cho thấy người Mỹ năng động hơn, khởi nghiệp nhiều hơn, có thị trường tài chính mạnh mẽ và ưu việt hơn.

Tuy nhiên, The Economist cũng thừa nhận một số hạn chế nhất định, đặc biệt là bất bình đẳng thu nhập. Phần lớn số liệu liên quan đến tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Mỹ mà nhóm này đề cập đến thuộc về nhóm “siêu giàu”. Không những vậy, tuổi thọ của người Mỹ thường ngắn hơn 5 năm so với các nước giàu khác khi chỉ đạt 77 tuổi, một phần do người nghèo ở Mỹ chưa được chăm sóc y tế tốt.

Mặc dù Mỹ là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng về thu nhập lớn nhất trong G7, nhưng thu nhập của một tài xế xe tải ở Oklahoma cao hơn một bác sĩ ở quốc gia giàu có khác như Bồ Đào Nha.

Đồng quan điểm với The Economist, New York Times cũng đã có những bài phân tích sâu chứng minh ý kiến đưa ra. Trong đó, nhà kinh tế David Brooks đã đồng ý với The Economist và cho biết dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng nước Mỹ vẫn tỏ ra ưu việt với sự năng động, giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng hiệu quả.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Paul Krugman lại phản đối lập luận của The Economist. Theo ông, các con số không thực sự tốt như vẻ bề ngoài và có những góc khuất bên trong nước Mỹ mà tổng sản phẩm quốc nội không phản ánh được. Ông cũng cho biết mặc dù châu Âu tụt hậu so với Mỹ về kinh tế, người dân châu lục này lại được hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Chiến lược khó hiểu của tàu ngầm Mỹ

Việc hải quân Mỹ bất ngờ công bố hoạt động của tàu ngầm đã khiến giới phân tích bất ngờ.

Theo hãng tin Bloomberg, một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ thực hiện chuyến thăm được công bố rộng rãi tới Hàn Quốc trong vòng vài tháng tới. Điều này đã gây ra cuộc tranh luận về sự thay đổi của hải quân Mỹ, vốn được biết đến với "sự phục vụ thầm lặng".

Không còn hoạt động im lặng?

Cụ thể, trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng 4 của Tổng thống Yoon Suk Yeol, Lầu Năm Góc xác nhận rằng một trong 14 tàu ngầm lớp Ohio của hải quân nước này sẽ đến thăm Hàn Quốc.

Tàu ngầm lớp Ohio là tàu ngầm lớn nhất từ trước đến nay của hải quân Mỹ. Với chiều dài 171 mét và trọng lượng choán nước 18.750 tấn khi lặn, các tàu này khiến các tàu tuần dương và tàu khu trục được sử dụng trong Thế chiến II trở nên nhỏ bé. Các tàu ngầm cũng có biệt danh "Boomers" và được mô tả là hoạt động thầm lặng vì chúng được thiết kế để lướt đi mà không bị phát hiện.

Các lần cập cảng của tàu ngầm lớp này cũng hiếm khi được tiết lộ. Mỗi chiếc có thể mang tới 20 tên lửa đạn đạo D-5 Trident. Theo hải quân Mỹ, các tên lửa Trident có thể được thiết kế để chứa tới 14 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có khả năng dẫn đường đến một mục tiêu khác nhau và có tầm bắn 4.000 hải lý (7.400 km).

Trước đây, Mỹ thỉnh thoảng trình diễn các tàu ngầm của nước này, nhưng mức độ đã tăng lên trong năm ngoái với các chuyến thăm cảng công khai của các tàu ngầm lớp Ohio trang bị vũ khí hạt nhân cũng như các tàu ngầm lớp Los Angeles mang tên lửa hành trình Tomahawk thông thường.

Tính toán của Mỹ?

Ông Ronald O'Rourke, nhà phân tích hải quân ở Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (Mỹ), đã trích dẫn "các hành động bất thường của hải quân vào cuối năm ngoái trong việc công khai sự hiện diện" của các tàu vũ trang hạt nhân ở một số vùng biển, bao gồm ở biển Ả Rập, và Đại Tây Dương.

Theo ông O'Rourke, không rõ liệu chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới là một phần của "chiến lược báo hiệu công khai" hay là chỉ là một quyết định tạm thời "phản ánh các tình huống cụ thể đối với tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên".

Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng, hầu hết các tàu ngầm của hải quân "vẫn ẩn mình trong các đại dương, nhưng thỉnh thoảng họ đã thực hiện các chuyến cập cảng, và sẽ sớm thêm Hàn Quốc vào danh sách điểm đến".

Đó là một phần của nhiệm vụ mới "mâu thuẫn với sứ mệnh cốt lõi của họ là hoạt động mà không bị phát hiện", ông Kristensen nói. "Tuy nhiên, việc phô trương sức mạnh hạt nhân hiện được coi là rất quan trọng do sự cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, đến mức ngay cả "các dịch vụ thầm lặng' đôi khi cũng sẽ xuất hiện", ông nói thêm.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Tống Trung Bình (Song Zhongping), cựu huấn luyện viên của quân đội Trung Quốc nhận định việc gửi tài sản chiến lược của Mỹ đến bán đảo "thường xuyên hơn" sẽ làm tăng vũ khí hạt nhân chiến lược của nước này ở ngoại vi Trung Quốc, gây áp lực cho Bắc Kinh.

Theo ông Tống, nó cũng có thể là một thông điệp cho các đồng minh của Mỹ. "Nó cũng có thể gợi ý rằng Mỹ có thể để Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật, giống như đã làm với Úc", ông nói.

Ông Collin Koh, một chuyên gia an ninh hàng hải của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói rằng những hành động khiêu khích liên tục từ CHDCND Triều Tiên đã khuyến khích Mỹ thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Còn theo ông Drew Thompson, nghiên cứu viên cấp cao tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng chuyến thăm của tàu ngầm Ohio có ý nghĩa "quan trọng về mặt biểu tượng và chính trị", nhưng đó là chỉ là một bước nhỏ trong việc thể hiện nỗ lực của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bàn và Hàn Quốc, 2 đồng minh ở Đông Bắc Á.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang