Mỹ: Vụ lạm phát trứng; Cuộc tháo chạy điên rồ; Cuộc đua siêu tàu chở dầu; Tái cấu trúc chuỗi cung ứng chip; Trump sắp bị bắt

Dấu hỏi lớn đằng sau cơn ‘lạm phát trứng’ tại Mỹ: Cổ phiếu một công ty tăng 17%, doanh thu tăng 110% khi trứng khan hiếm

(Ảnh minh họa).

Vào tháng 2/2023, giá trứng đã giảm, nhưng vẫn cao gấp đôi so với năm ngoái.

Khi nhu cầu sử dụng trứng gà để làm bánh trong các kỳ nghỉ lễ qua đi, nhiều người nghĩ rằng giá của chúng sẽ giảm. Tính đến tháng 12/2022, giá của một tá trứng gà tăng cao hơn tất cả các mặt hàng trong siêu thị, tăng từ 1,79 USD lên 4,25 USD.

Liệu trứng gà tại Mỹ có còn đắt hơn nữa không? Điều này là có thể xảy ra. Khi tháng 1/2023 sắp kết thúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với người dân rằng lạm phát lương thực đang hạ nhiệt. Nhưng giá trứng lại tăng thêm 13,5%.

Bộ Nông nghiệp cho rằng giá trứng tăng đột biến vào năm 2022 là do dịch cúm gia cầm khiến 43 triệu con gà chết. Nhiều người trong ngành thì giải thích rằng chi phí thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và tiền lương tăng cao đã đẩy giá trứng tăng.

Những vấn đề như vậy có xu hướng dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hoá. Nhưng nhà sản xuất trứng tươi Cal-Maine Foods trong năm 2022 lại bán được nhiều trứng hơn năm 2021. Cal-Maine Foods là nhà sản xuất trứng lớn nhất nước Mỹ và sản lượng của họ chiếm 20% thị trường.

Cuối cùng, lạm phát và dịch cúm gia cầm mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất trứng lớn tại Mỹ (Big Egg). Trong khi S&P 500 giảm 9% vào năm ngoái, cổ phiếu của Cal-Maine tăng 17%. Công ty đạt doanh thu 800 triệu USD trong quý cuối năm 2022, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng gấp 7 lần.

Nhóm Farm Action chuyên hỗ trợ các nông dân đã cáo buộc Cal-Maine và hai công ty sản xuất trứng lớn khác đã tự tăng giá. Họ lập luận rằng đại dịch, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát không thể nào khiến cho giá trứng tăng cao đến thế.

Tổ chức Farm Aid gửi một bức thư cho Ủy ban Thương mại Liên bang rằng các công ty sản xuất trứng đã viện dẫn những lý do trên để che giấu cho việc tăng giá trứng một cách phi lý. Cả doanh nghiệp nói trên sản xuất lượng trứng gà chiếm gần 40% tổng số trứng bán ở Mỹ. Đây thực sự là một con số ấn tượng, cũng là một mối lo ngại lớn.

Cal-Maine Foods đã bác bỏ những cáo buộc mà Farm Action đưa ra. Công ty cho biết: “Bất kể điều kiện thị trường ra sao, Cal-Maine bán trứng gà dựa trên giá đã thương lượng với từng khách hàng. Công ty đã thực hiện nhất quán như vậy từ khi được thành lập đến nay, cho dù lãi hay lỗ”.

Nếu lợi nhuận từ trứng gà tăng vọt phản ánh sức mạnh của thị trường, thì các công ty thực phẩm khác cũng phải hưởng lợi tương tự như Cal-Maine. Nhưng không có công ty nào khác trong ngành công nghiệp chế biến thịt được như vậy. Ngành này cũng có những ông lớn điều hành và thường bị nông dân cáo buộc là chuyên hành động độc quyền.

Công ty đóng gói thịt lớn nhất nước Mỹ Tyson Foods ghi nhận lợi nhuận trước thuế đối với thịt bò, thịt lợn và thực phẩm chế biến sẵn giảm trong quý IV/2022. Các công ty thức ăn nhanh cũng không khá khẩm hơn. Lợi nhuận ròng tại công ty bán đồ ăn nhẹ và đồ uống có đường PepsiCo chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Đến tháng 2/2023, giá trứng đã giảm. Những người thợ làm bánh thở phào nhẹ nhõm. Giá một tá trứng giảm 12,7% xuống còn 4,21 USD. Nhưng mức giá này vẫn cao gấp đôi năm ngoái. Nếu giá trứng không giảm trong những tháng tới, các Big Egg có thể yêu cầu các cơ quan liên bang phụ trách nông nghiệp chế ngự đà tăng giá.

(Nguồn: CafeF)

Cuộc tháo chạy điên rồ trước thảm họa SVB

Những tác động từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley đang đe dọa tới tương lai của cộng đồng khởi nghiệp trên toàn cầu cũng như làm lộ ra các điểm yếu của hệ thống ngân hàng.

Max Cho đã trở thành một phần của cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng Silicon Valley (SVB) khi đang ngồi trên một chuyến xe buýt ở bang Montana.

Theo Wall Street Journal, trước đó, người đứng đầu start-up trong lĩnh vực bảo hiểm Coverage Cat này đã hạ cánh tại sân bay Bozeman vào hôm 9/3 và lên xe buýt đến một sự kiện dành cho các nhà khởi nghiệp tại khu vực Big Sky của bang Montana.

Sau khi Cho ngồi xuống, anh nhìn xung quanh và phát hiện mọi người trên xe đang liên tục sử dụng điện thoại để chuyển tiền. Anh nhận ra rằng "cuộc tháo chạy khỏi ngân hàng đã bắt đầu". Cả thung lũng Silicon đã quay lưng lại với SVB.

Vào thời điểm SVB đóng cửa hôm 9/3, các chủ tài khoản đã cố gắng rút số tiền lên tới 42 tỷ USD khỏi ngân hàng này. Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã buộc phải can thiệp khi chiếm quyền kiểm soát SVB trước khi ngân hàng này mở cửa vào sáng 10/3.

Sự sụp đổ nhanh chóng

Ngân hàng SVB và công ty mẹ của mình, tập đoàn tài chính SVB đã mất tới 4 thập kỷ để trở thành nguồn cung cấp tài chính hàng đầu cho các start-up trên toàn cầu. Tuy nhiên, mọi thành quả của doanh nghiệp này đã bị phá hủy chỉ trong 36 giờ.

Tác động của sự sụp đổ của SVB đã bao trùm thung lũng Silicon. Các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư cấp tốc hành động để tìm một "chiếc phao cứu sinh" cho doanh nghiệp của họ. Các nhà sáng lập sử dụng thẻ tín dụng cá nhân để thanh toán các khoản chi tiêu của công ty. Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng chuẩn bị sẵn nguồn tiền cho các doanh nghiệp đang được họ bảo trợ.

Một số start-up thậm chí còn cầu cứu người tiêu dùng, kêu gọi họ mua sản phẩm và chuyển tiền tới những tài khoản ngân hàng mới của doanh nghiệp.

"Chúng tôi muốn làm rõ rằng sự sụp đổ của SVB là mối đe dọa đến sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp nhỏ", người sáng lập của Omsom, công ty cung cấp đồ ăn châu Á được nấu sẵn, nói với khách hàng trong một email.

Thung lũng Silicon quay lưng với SVB

Do chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng bao gồm các start-up, nhà khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm, SVB đã được hưởng lợi lớn khi lĩnh vực này tăng trưởng mạnh trong thời gian diễn ra đại dịch. Lượng tiền gửi mà ngân hàng có trụ sở ở bang California nhận được đã tăng 86% trong năm 2021.

Nhưng khi ngành công nghệ bắt đầu gặp phải khó khăn do quyết định nâng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các doanh nghiệp bắt đầu phải sử dụng nguồn tiền gửi do không còn được các quỹ đầu tư bổ sung thêm vốn. Tổng tiền gửi cũng như giá trị trái phiếu của SVB đều giảm mạnh.

Thời điểm ngân hàng này tuyên bố cần huy động thêm vốn sau khi phải bán lỗ một số tài sản vào hôm 8/3, toàn bộ danh tiếng mà SVB mất nhiều năm xây dựng đã bị phá hủy khi làn sóng tháo chạy của các chủ tài khoản bắt đầu.

Đầu tiên chính là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Những doanh nghiệp này đã nhanh chóng rút tiền từ SVB và hối thúc các start-up trong danh mục đầu tư của họ làm điều tương tự.

Hàng loạt nhà sáng lập start-up bắt đầu truy cập ứng dụng ngân hàng điện tử. Với chỉ một vài thao tác, tiền của họ đã nhanh chóng rời khỏi SVB. Những start-up không có tài khoản tại các ngân hàng khác chuyển tiền của họ đến bất kỳ nơi nào có thể nhờ cậy được.

"Các công ty gửi tiền đến tài khoản của hãng luật đại diện cho họ hoặc tới tài khoản cá nhân của giám đốc điều hành start-up", bà Kathleen Utech, một lãnh đạo tại quỹ đầu tư mạo hiểm Core Innovation Capital, cho biết.

Cho đăng nhập vào tài khoản SVB của mình trên đường đi nghỉ dưỡng ở khu vực Big Sky và cố gắng chuyển hàng triệu USD tiền gửi của mình tới một ngân hàng khác.

"Trong một cuộc tháo chạy khỏi một ngân hàng, người ra đi đầu tiên là người có lợi nhất", Cho chia sẻ.

Ông Varun Badhwar là một khách hàng trung thành của SVB, cả 3 công ty ông tham gia sáng lập đều sử dụng dịch vụ của ngân hàng có trụ sở ở bang California. "Đối với start-up, mọi con đường đều dẫn đến SVB", ông Badhwar cho biết.

"Mọi thứ đều rất ổn cho đến ngày 8/3", giám đốc điều hành của Endor Labs kể lại. Trong những ngày đầu, Badhwar nghĩ việc khách hàng tháo chạy khỏi SVB chỉ là một phản ứng thái quá. Bên cạnh đó, công ty của ông cũng nhận được khoản vay lớn từ SVB, với điều kiện phải gửi toàn bộ số tiền của doanh nghiệp tại ngân hàng này.

Tuy nhiên đến 14h47 (giờ địa phương) ngày 9/3, vị giám đốc điều hành này đã mạo hiểm và chuyển một phần 4 số tiền gửi của Endor Labs đến một ngân hàng khác. Số tiền này đủ để duy trì hoạt động của công ty trong vòng 6-8 tháng tới. Ông Badhwar đã ra quyết định kịp thời khi chỉ 13 phút sau đó, SVB đã quyết định dừng mọi giao dịch chuyển tiền trong ngày.

Jonathan Bensamoun là chủ của một công ty sản xuất vòng cổ thông minh cho chó có tên Fi. Công ty này đã sử dụng dịch vụ của SVB kể từ khi được thành lập 5 năm trước. Mối quan hệ này đã được củng cố khi SVB cung cấp cho Fi một khoản vay trị giá 10 triệu USD với điều kiện start-up này gửi toàn bộ số tiền hiện có vào tài khoản của ngân hàng trên.

Khi lần đầu nghe được thông tin về làn sóng tháo chạy khỏi SVB, ông Bensamoun đã đối mặt với một vấn đề trị giá hàng triệu USD. Nếu chuyển tiền gửi tại ngân hàng ở thung lũng Silicon, ông sẽ phải hoàn trả khoảng 4 triệu USD. Nhà sáng lập này quyết định đây là một phản ứng thái quá sau khi đánh giá tình hình.

Tuy nhiên, vào hôm 10/3, Bensamoun đã đổi ý và quyết định chuyển khoảng 5 triệu USD ra khỏi SVB. Tuy nhiên, giao dịch này đã không thành công. Một giờ sau đó, ông nhận được thông tin ngân hàng này đã bị cơ quan kiểm soát tài chính của Mỹ tiếp quản.

Kể từ thời điểm này, ông Bensamoun đã gọi điện cho nhiều nhà đầu tư, cố gắng mượn số tiền khoảng 500.000 USD để trả lương cho nhân viên vào hôm 15/3.

"Một số nhà đầu tư cũng sử dụng dịch vụ của SVB và không thể tiếp cận tiền của họ. Những người còn lại cũng nhận được cuộc gọi từ 20 công ty khác giống như chúng tôi", ông cho biết.

(Nguồn: Zing News)

Có được khách mua lớn liên tục 'nổ đơn', Mỹ phát động cuộc đua siêu tàu chở dầu vì Nga

(Ảnh minh họa).

Mỹ có nhiều khả năng sẽ thuê các tàu chở dầu siêu lớn để xuất khẩu dầu sang châu Âu, do không thể tranh các tàu cỡ nhỏ với châu Á.

Châu Âu dự kiến ​​sẽ nhập khẩu một lượng dầu thô kỷ lục của Mỹ trong tháng này. Điều này khiến Mỹ ngày càng phụ thuộc vào các tàu chở dầu lớn hơn do lệnh trừng phạt đối với dầu Nga cản trở các tuyến vận chuyển thương mại toàn cầu.

Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp cho thấy các tàu chở tới 1,84 triệu thùng mỗi ngày sẽ đến từ Mỹ vào tháng 3. Trong khi đó, các tàu cỡ trung bình hoặc nhỏ hơn đang đắt hơn do người mua châu Á tranh giành nhau để vận chuyển nhiên liệu của Nga.

Sự thay đổi này có thể làm cho đội tàu hoạt động kém hiệu quả hơn, do đó làm xói mòn tổng nguồn cung tàu chở dầu, đang vận chuyển khoảng 40% lượng dầu của thế giới.

Tổng cộng có 11 siêu tàu chở dầu (trong thương mại gọi là Tàu chở dầu thô cỡ lớn, hay VLCC) và 16 tàu Suezmax sẽ đến châu Âu từ Mỹ trong tháng này. Những con tàu lớn này hiện đang chuyên chở khoảng 60% lượng dầu thô trên tuyến này, so với 37% một năm trước. Các siêu tàu chở dầu VLCC có thể chở khoảng 2 triệu thùng dầu, trong khi Suezmax có thể chở khoảng 1 triệu.

Thông thường, ngay cả những con tàu nhỏ hơn được gọi là Aframax - với sức chứa khoảng 700.000 thùng - cũng được sử dụng cho xuất khẩu năng lượng. Nguyên nhân là do châu Âu chỉ có một số cảng có thể xử lý các siêu tàu chở dầu, vốn thường được dành cho những hành trình dài nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, Aframax hiện đang bị thiếu hụt khi các thương nhân tàu liên tục đặt tàu để vận chuyển lượng dầu ngày càng tăng của Nga đến châu Á. Các nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng mua khối lượng nhiên liệu khi các khách hàng phương Tây từ bỏ hàng hóa do lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Do đó, việc thuê những siêu tàu để vận chuyển dầu thô từ Mỹ đến Rotterdam hiện nay có chi phí tương đối rẻ. Đối với một siêu tàu chở dầu, chi phí đó là khoảng 2,7 USD/thùng, theo Viktor Katona - nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler. Đối với một chiếc Aframax trên cùng tuyến đường, chi phí đó là khoảng 8,5 USD/thùng.

Có thể thấy, một lượng lớn tàu Suezmax có nguồn gốc từ Hoa Kỳ đang hướng đến châu Âu vì đó vẫn là một lựa chọn rẻ hơn so với đặt Aframax trên cơ sở mỗi thùng.

Từ tháng 2/2022 - thời điểm xung đột nổ ra, lượng xuất khẩu dầu thô bình quân hàng tháng của Mỹ sang châu Âu qua đường biển tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ công ty theo dõi vận tải biển Kpler. Trong tháng 1/2023, lượng dầu thô đi từ Bờ Vịnh Mexico của Mỹ tới châu Âu đạt 1,53 triệu thùng/ngày và trong những tháng gần đây, châu Âu đã vượt châu Á để trở thành thị trường xuất khẩu dầu lớn hơn của Mỹ.

(Nguồn: Soha)

Mỹ và đồng minh tăng tốc tái cấu trúc chuỗi cung ứng chíp bán dẫn

Ngành chíp bán dẫn toàn cầu đang trải qua quá trình tái cấu trúc ngày càng nhanh chóng khi Mỹ và đồng minh đẩy mạnh hợp tác, đồng thời tự lực sản xuất chíp bán dẫn, trong khi sản lượng của Trung Quốc về ngành này đang giảm sút.

Những ngày vừa qua, thế giới đã chứng kiến một loạt diễn biến tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan lĩnh vực bán dẫn.

Bước ngoặt Nhật - Hàn

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn vừa diễn ra ngày 16.3 ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đồng ý đẩy nhanh hợp tác về an ninh kinh tế, khoa học và công nghệ tiên tiến, tài chính và ngoại hối. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của lãnh đạo cao nhất Hàn Quốc đến Nhật Bản kể từ năm 2011, nên cuộc gặp được xem là một bước ngoặt mới giữa hai nước sau khi Tokyo và Seoul tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc.

Theo thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp, Nhật đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà nước này áp đặt nhằm vào Hàn Quốc đối với 3 loại nguyên liệu quan trọng để sản xuất linh kiện bán dẫn, màn hình. Qua đó, hai nước cũng đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn.

Từ năm ngoái, Hàn Quốc cũng đã tăng cường hợp tác với Mỹ để tái cấu trúc chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu. Trong đó, Samsung đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất chíp bán dẫn với đầu tư lên đến 17 tỉ USD ở bang Texas (Mỹ) và có thể sẽ mở rộng đầu tư để xây dựng tổng cộng 11 nhà máy sản xuất chíp cũng tại Texas với tổng đầu tư lên đến gần 200 tỉ USD.

Song hành cùng việc tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh việc tự chủ chuỗi cung ứng. Ngày 15.3, Đài CNBC đưa tin Samsung đã quyết định đầu tư một tổ hợp mới chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn tại Hàn Quốc với tổng đầu tư lên đến 228 tỉ USD nhằm củng cố năng lực của nước này về sản xuất chíp bán dẫn, màn hình, pin và ô tô điện.

Mỹ và các đồng minh đẩy mạnh liên kết

Mới đây, vào ngày 10.3, Ấn Độ và Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ về việc thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn, mà các chuyên gia coi là cơ hội để cả hai quốc gia giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào Trung Quốc, theo tờ The Economic Times. Biên bản ghi nhớ hướng đến việc thiết lập cơ chế hợp tác song phương về phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn dựa theo Đạo luật CHIPS mà Mỹ đã thông qua để tăng cường năng lực trong lĩnh vực bán dẫn.

Cũng trong tuần qua, Tập đoàn TSMC (Đài Loan), nhà sản xuất chíp bán dẫn lớn nhất thế giới, đã có cuộc thảo luận với chính quyền bang Sachsen của Đức. Từ năm 2021, TSMC thông tin tập đoàn này đang trong giai đoạn đầu xem xét khả năng mở rộng sang Đức, thành viên Liên minh Châu Âu, tại nơi sẽ là nhà máy đầu tiên của họ ở cựu lục địa. Năm ngoái, TSMC cũng bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất chíp với mức đầu tư lên đến 12 tỉ USD ở bang Arizona (Mỹ). Bên cạnh đó, Đức và Nhật Bản đều đang xây dựng bổ sung các nhà máy sản xuất chíp bán dẫn.

Việc Hàn Quốc gác qua bất đồng để tăng cường hợp tác với Nhật Bản cũng như đẩy mạnh hợp tác với Mỹ về chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn, cũng như hàng loạt hợp tác khác liên quan các đồng minh và đối tác của Mỹ trong lĩnh vực này, được xem là kết quả từ nỗ lực của Washington trong vài năm qua.

Từ năm 2021, Mỹ đã đẩy mạnh nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với ngành bán dẫn, như một chiến lược then chốt để gây sức ép với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh giữa hai bên. Tháng 9.2021, tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên và là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 sau khi lần đầu diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào tháng 3 cùng năm, nhóm "Bộ tứ" gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ đã đưa ra thông cáo chung, trong đó nhấn mạnh đồng thuận tái cấu trúc các công nghệ và vật liệu quan trọng, bao gồm cả chất bán dẫn.

Một đồng minh khác của Mỹ là Úc thời gian qua cũng tăng cường khai thác, sản xuất đất hiếm bởi đây là mảng mà nước này có nhiều thế mạnh. Washington và Canberra từ vài năm qua đã đẩy mạnh hợp tác về khai thác và sản xuất đất hiếm - vốn là vật liệu then chốt trong công nghiệp bán dẫn.

Trong khi đó, ngành linh kiện bán dẫn của Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tờ South China Morning Post ngày 15.3 dẫn số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho hay sản lượng sản xuất mạch tích hợp (IC) trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng giai đoạn, sản lượng chíp bán dẫn của nước này cũng giảm 1,2%. Trong khi đó, sản lượng của năm 2022 đã giảm so với trước đó. Dù Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-Covid vốn gây ra hạn chế cho lĩnh vực sản xuất, nhưng sản lượng linh kiện bán dẫn nước này tiếp tục giảm trong năm 2023 là do những biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc cũng đối mặt không ít khó

khăn do bị trừng phạt bởi Mỹ. Điển hình, Huawei đã bị sụt giảm lớn về kết quả kinh doanh và đối mặt tình trạng thiếu linh kiện, nguồn cung ứng chíp. Mới đây, Huawei cũng bác bỏ việc đã đạt được bước tiến về việc đóng gói chíp bán dẫn tiến trình 7 nm.

(Nguồn: Thanh Niên)

Trump nói sẽ bị bắt giữ vào ngày thứ Ba trong vụ án trả tiền bịt miệng

(Ảnh minh họa).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông dự kiến sẽ bị bắt giữ vào ngày thứ Ba trong một vụ án do văn phòng công tố viên địa hạt Manhattan khởi tố, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ ông phản đối, ông nói trên mạng xã hội Truth Social ngày thứ Bảy.

Người phát ngôn của văn phòng công tố viên địa hạt từ chối bình luận.

Ông Trump nói mà không trưng ra bằng chứng rằng "những vụ rò rỉ bất hợp pháp" từ văn phòng công tố viên địa hạt Manhattan cho thấy ông sẽ bị bắt giữ. Ông không nói những cáo buộc đó sẽ là gì.

"Những vụ rò rỉ bất hợp pháp từ văn phòng công tố viên địa hạt Manhattan tham nhũng và mang tính chính trị cao... cho thấy rằng, không có tội danh nào có thể được chứng minh... ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa & cựu tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, sẽ bị bắt giữ vào ngày thứ Ba tuần sau," ông Trump viết.

"Hãy biểu tình phản đối, giành lại quốc gia của chúng ta!" ông Trump nói.

Văn phòng của Công tố viên Địa hạt Manhattan Alvin Bragg đầu năm nay đã bắt đầu trưng bằng chứng cho đại bồi thẩm đoàn điều tra khoản tiền 130.000 đôla mà Michael Cohen, cựu luật sư cá nhân và người dàn xếp của ông Trump, đã trả cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump.

Bà Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, nói rằng bà đã ngoại tình với ông Trump một thập niên trước đó. Ông Trump phủ nhận vụ ngoại tình đã xảy ra.

Ông Trump là tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa từ năm 2017 đến năm 2021 và đã nói rằng ông sẽ tranh cử để quay trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Văn phòng của ông Bragg đầu tháng này đã mời ông Trump ra khai chứng trước đại bồi thẩm đoàn đang điều tra các khoản trả tiền bịt miệng, theo luật sư của ông Trump, Susan Necheles. Các chuyên gia pháp lý nhận định đó là dấu hiệu cho thấy việc truy tố đã cận kề.

Ông Cohen nhận tội vào năm 2018 cho những vi phạm về tài chính trong chiến dịch vận động tranh cử liên bang liên quan đến việc ông dàn xếp các khoản chi trả cho bà Daniels và một người phụ nữ khác, cùng các tội danh khác. Ông nói rằng ông Trump đã chỉ đạo ông thực hiện các khoản chi trả. Văn phòng công tố viên liên bang ở Manhattan đã không buộc tội Trump.

Ông Cohen đã ra khai chứng trước đại bồi thẩm đoàn vào ngày thứ Hai và một lần nữa vào ngày thứ Tư, theo luật sư của ông, Lanny Davis. Thủ tục tố tụng đại bồi thẩm đoàn không diễn ra công khai.

Luật sư của bà Daniels cho biết bà đã nói chuyện với các công tố viên vào tuần trước.

Rắc rối pháp lý

Cuộc điều tra này là một trong những rắc rối pháp lý mà ông Trump phải đối mặt khi ông tìm kiếm đề cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Ông Trump cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự cấp bang ở Georgia về những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở bang đó.

Một công tố viên đặc biệt do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland chỉ định hiện đang điều tra việc ông Trump xử lý các tài liệu mật của chính phủ sau khi rời nhiệm sở, cũng như những nỗ lực của ông nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 mà ông đã thua trước Tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ.

Văn phòng của ông Bragg năm ngoái đã thành công trong việc kết tội Tổ chức Trump về tội gian lận thuế. Nhưng ông Bragg từ chối buộc tội bản thân ông Trump về các tội danh tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của ông, khiến hai công tố viên tham gia trong cuộc điều tra từ chức.

Ông Trump đang dẫn trước các đối thủ ban đầu của ông giành đề cử của đảng, nhận được sự ủng hộ của 43% những người theo Đảng Cộng hòa trong cuộc khảo sát ý kiến hồi tháng 2 của Reuters/Ipsos, so với 31% dành cho đối thủ gần nhất của ông, Thống đốc Florida Ron DeSantis, người vẫn chưa tuyên bố tranh cử.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang