Mỹ: USD bị bán tháo; Đằng sau sự cố tài liệu mật; 'Đắc lợi' khi Nga bị cấm vận; Giành ảnh hưởng với TQ; Cuộc đua tại Phi

USD BỊ BÁN THÁO

(Ảnh minh hoạ).

Đà tăng phi mã của USD trong năm 2022 không thể kéo dài sang năm nay. Bước sang tuần thứ 3 của năm mới, chỉ số USD đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư đang ồ ạt bán tháo đồng USD vì tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Hôm 16/1, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đã rơi xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Các quỹ đầu tư tin rằng lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt và đẩy mạnh bán tháo đồng bạc xanh - vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn.

Tất cả tiền tệ lớn khác trên thế giới đều mạnh lên so với USD. Tỷ giá giữa AUD và nhân dân tệ với USD đều vượt ngưỡng quan trọng.

Đợt bán khống quy mô lớn

"Chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần đầu năm, dường như làn sóng mua vào USD trong năm 2022 đã trở thành đợt bán khống lớn nhất hiện nay", ông Pattrick Bennett - chiến lược gia tại Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada - bình luận.

"Ngoài các động thái của Fed, đợt bán tháo USD cũng được thúc đẩy bởi việc Trung Quốc đảo ngược những chính sách Zero-Covid", ông nói thêm.

Đà tăng của USD đã đảo ngược đáng kể trong những tháng qua. Các quỹ từ JPMorgan Asset Management đến Goldman Sachs Group đều dự đoán Fed sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.

Các nhà giao dịch đều dự đoán Fed sẽ đưa lãi suất lên mức cao nhất 4,94%, thay vì 5% như dự báo hồi đầu tháng này.

Nói với Zing, ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - cho rằng Phố Wall đang ngày càng tự tin về việc Fed sắp hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.

Ông trích dẫn khảo sát của Đại học Michigan, cho thấy dự báo của người Mỹ về lạm phát hàng năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/1, trong tháng 12/2022, CPI tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.

Các dữ liệu trước đó cũng chỉ ra tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Theo báo cáo vừa được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố, số việc làm trong tháng 12 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng giảm tốc tăng trưởng.

Hơn nữa, chỉ số quản lý thu mua (PMI) từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) chỉ ra các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã lao dốc bất ngờ trong tháng 12. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm rưỡi do nhu cầu suy yếu.

Thấp nhất 9 tháng

"Xu hướng lạm phát rõ ràng vẫn còn nguyên vẹn", ông Moya nhận định. Theo ông, Fed dường như đã sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 1/2, sau đó tiếp tục theo dõi các dữ liệu kinh tế đưa ra quyết định trong cuộc họp tháng 2 và 3.

Bước sang tuần thứ 3 của tháng đầu năm, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index giảm tới 0,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.

Đồng USD lao dốc một phần do dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai cho thấy các quỹ đã giảm số vị thế bán khống đồng yen của Nhật Bản xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Các quỹ cũng giảm bán khống đồng AUD và chuyển sang mua ròng NZD, tức vị thế mua nhiều hơn vị thế bán.

Việc nối lại các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc cũng thúc đẩy nhu cầu đối với những loại tiền tệ nhạy cảm với rủi ro. Đồng tiền của Australia đã vượt ngưỡng 0,7 USD lần đầu tiên kể từ tháng 8.

Đồng rupiah của Indonesia tăng 1% so với USD, còn đồng won của Hàn Quốc ghi nhận mức tăng 0,8%. Riêng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài vọt lên ngưỡng cao nhất kể từ tháng 7.

(Nguồn: Zing News)

ĐẰNG SAU SỰ CỐ TÀI LIỆU MẬT: “TẢNG ĐÁ NGÁNG ĐƯỜNG” CHÍNH QUYỀN TỔNG THỐNG BIDEN?

Sự cố tài liệu mật bị đặt sai chỗ đang phủ bóng Nhà Trắng và khiến chính quyền Tổng thống Biden đối mặt với những thách thức trong thời gian tới.

Sự cố phủ bóng Nhà Trắng

Vào một ngày đầu tháng 11 khi các luật sư của Tổng thống Biden lần đầu phát hiện các tài liệu có dấu mật trong văn phòng riêng của ông ở thủ đô Washington, một số quan chức được thông tin về vấn đề đã tuân theo một quy tắc, đó là không phát biểu bất kỳ điều gì công khai có thể ảnh hưởng đến cuộc điều tra.

Sau khi sự việc trên lộ ra vào tuần trước, Nhà Trắng vẫn chọn lọc những gì có thể chia sẻ, dẫn đến một loạt nghi vấn và chỉ trích về việc họ đang tiết lộ ở mức độ nào và khi nào sẽ tiết lộ đầy đủ thông tin.

Bản thân Tổng thống Biden cũng mất kiên nhẫn về việc ông có thể tiết lộ chừng nào trước công chúng khi nhận định 2 lần vào tuần trước rằng ông hy vọng có thể thông báo nhiều hơn về vấn đề trên.

"Tôi sẽ có cơ hội để lên tiếng về tất cả điều này, sẽ sớm thôi", ông Biden cho biết ngày 16/1 vài tiếng trước khi Tổng chưởng lý Merrick Garland chỉ định cố vấn đặc biệt giám sát cuộc điều tra này.

Phía sau hậu trường, các nguồn tin cho biết Tổng thống Biden ngày càng thất vọng với diễn biến của sự việc, đặc biệt là cách thức chính quyền của ông xử lý vấn đề.

Những nguồn tin thân cận trong Nhà Trắng tiết lộ, một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đang có suy nghĩ từ chức trong yên lặng và chờ đợi liệu sẽ có thêm tin tức về tài liệu mật bị đặt sai chỗ có được công bố trong những ngày tới hay không.

Ngày 16/1, sau sự việc các tài liệu mật bị đặt sai chỗ được hé lộ, Tổng thống Biden chỉ có duy nhất một kế hoạch trong lịch trình công khai: Đó là bài phát biểu trước Mạng lưới Hành động Quốc gia để tưởng nhớ Ngày Martin Luther King, Jr.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Al Sharpton, một nhà lãnh đạo dân quyền nhận định với CNN ngày 16/1 rằng, tâm trạng của Tổng thống Biden dường như đã "tốt hơn" khi 2 người trao đổi kín với nhau bên lề sự kiện trên. Dù vậy, ông Sharpton cho biết Tổng thống Biden không đề cập đến sự cố tài liệu mật phủ bóng Nhà Trắng tuần qua.

"Tổng thống nói rằng, với sự dịch chuyển trong Quốc hội, sẽ có nhiều khó khăn hơn trong các quyết định lập pháp. Nhưng Tổng thống nói rằng ông ấy sẽ cố gắng làm việc với đảng Cộng hòa và trao đổi với họ", trong đó có vấn đề quyền bầu cử, ông Sharpton cho hay.

Phản ứng của chính trường Mỹ

Quyết định của Tổng thống Biden khi tránh nêu chủ đề trên trước công chúng và trong các cuộc thảo luận với đồng minh nằm trong nỗ lực của đội ngũ của ông nhằm tránh gây tổn hại cho cuộc điều tra và khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Bob Bauer, luật sư riêng của Tổng thống, người chịu trách nhiệm xử lý vấn đề tài liệu đã khẳng định rằng việc công bố công khai chi tiết có thể ảnh hưởng đến các cuộc điều tra đang diễn ra.

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên về vụ việc, ông Bauer cho biết các luật sư riêng của Tổng thống Biden đã "nỗ lực cân bằng tầm quan trọng của việc minh bạch trước công chúng với những quy chuẩn được thiết lập và các hạn chế cần thiết để bảo vệ tính nhất quán của cuộc điều tra".

"Những cân nhắc này yêu cầu tránh công khai thông tin chi tiết về cuộc điều tra đang diễn ra", ông Bauer viết.

Các cố vấn Nhà Trắng và Tổng thống Biden cũng cho rằng việc công bố nhiều thông tin hơn có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc điều tra.

Tuy nhiên, ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Biden cũng đặt câu hỏi về việc tại sao Nhà Trắng chờ đợi quá lâu như vậy khi công khai về việc các tài liệu mật bị đặt sai vị trí được tìm thấy lần đầu tiên vào đầu tháng 11. Họ cũng đặt nghi vấn việc tại sao khi văn phòng cố vấn Nhà Trắng lần đầu tiên xác nhận vào tuần trước rằng một số tài liệu mật được phát hiện trong văn phòng của Tổng thống Biden, cơ quan này không đề cập đến các tài liệu sau đó được phát hiện thêm ở nhà của ông Biden tại Wilmington, Delaware vào tháng 12.

Cựu Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Doug Jones, một đồng minh thân cận của Tổng thống Biden nhận định với CNN trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng, Nhà Trắng đã gặp rắc rối bởi chính những sai lầm do mình gây ra.

Ông Jones cho rằng các luật sư của Tổng thống Biden chịu trách nhiệm giải quyết tình hình đã "hoàn toàn làm đúng" khi ngay lập tức thông báo cho Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia sau khi phát hiện số tài liệu mật đầu tiên. Nhưng khi công tố viên đặc biệt của Tổng thống Biden - ông Richard Sauber đưa ra tuyên bố đầu tiên xác nhận về sự việc vào tuần trước, ông Jones cho rằng Nhà Trắng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng.

"Khi bạn đưa ra tuyên bố, khi bạn biết sự thật, bạn phải công bố toàn bộ và đầy đủ những điều đó. Nhưng chúng đã không đầy đủ và trọn vẹn. Họ nói về số tài liệu đầu tiên nhưng không nói về số tài liệu thứ hai mặc dù họ biết về nó", ông Jones nói.

Cuối tuần trước, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Debbie Stabenow nhận định, việc phát hiện các tài liệu mật "chắc chắn là điều đáng xấu hổ" cho chính quyền ông Biden.

“Tảng đá ngáng đường”

Nếu các tài liệu mật bị đặt sai chỗ tạo ra cuộc khủng hoảng mới cho chính quyền ông Biden, sự nhạy cảm xung quanh vấn đề này sẽ ngăn cản Nhà Trắng triển khai công cụ trong các chương trình nghị sự của mình.

Tuần qua, các quan chức Nhà Trắng đã giữ thái độ thận trọng khi bị đặt câu hỏi về các liệu mật. Sau tiết lộ đầu tiên về những tài liệu trong phòng riêng của Tổng thống Biden, Nhà Trắng đã trao đổi với các quan chức cấp cao để giải thích về cuộc điều tra với hy vọng sẽ dập tắt những chỉ trích gia tăng và những nghi vấn đề sự việc trên. Trong cuộc gọi này, một quan chức Nhà Trắng cho biết số liệu các tài liệu trên là chưa tới 12 và không có tài liệu nào "đặc biệt nhạy cảm" hay liên quan đến lợi ích của các cơ quan tình báo.

Nhưng chỉ 1 ngày sau, các tài liệu mật khác được phát hiện tại địa điểm thứ hai, khiến cho số tài liệu mật lên tới 20 và làm các quan chức Nhà Trắng gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề khi không có cái nhìn toàn cảnh về sự việc.

Giới lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội cho biết Nhà Trắng đã khẳng định trong các cuộc trao đổi với đồng minh rằng có 2 khía cạnh cần nhấn mạnh: Đó là Nhà Trắng cam kết sẽ hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra đang diễn ra và có sự khác biệt đáng kể giữa những tài liệu mật được phát hiện cho tới nay so với những tài liệu mật được phát hiện trong dinh thự của cựu Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago thuộc bang Florida.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden thừa nhận rằng những tuần và tháng tới sẽ đối mặt với thách thức khi họ đứng trước cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt trong khi tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự giữa bối cảnh ông Biden tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.

Ngoài ra, những câu hỏi khác cũng được đặt ra là các quan chức nào sẽ được triệu tập để làm chứng cũng như ai sẽ bị đổ lỗi về việc các tài liệu mật trên bị đặt sai chỗ.

(Nguồn: VOV)

MỸ "NGƯ ÔNG ĐẮC LỢI" KHI NGA BỊ CẤM VẬN: NHU CẦU NĂNG LƯỢNG CẤP BÁCH TỪ CHÂU ÂU GIÚP DOANH NGHIỆP MỸ THOÁT PHÁ SẢN, THU LỢI LỚN

(Ảnh minh hoạ).

Tân Hoa Xã ngày 15/1 đưa tin, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã kéo dài được gần một năm. Mỹ đã thúc giục các đồng minh châu Âu của mình áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm trọng đối với Nga, thậm chí là cấm vận năng lượng nhằm bóp nghẹt huyết mạch kinh tế của Nga, điều này đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, nên đã gặp phải cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do bị Nga cắt nguồn cung. Trong khi đó, các công ty năng lượng của Mỹ đã nhân cơ hội này bán một lượng lớn dầu và khí đốt với giá cao cho châu Âu và kiếm được rất nhiều tiền.

Theo số liệu mới nhất từ ​​hãng nghiên cứu thị trường Kepler, trong bối cảnh khủng hoảng leo thang tại Ukraine, các đường ống vận chuyển khí tự nhiên từ Nga đến châu Âu bị hạn chế, nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Liên minh châu Âu (EU) tăng cao.

Năm 2022, nhập khẩu LNG của EU đạt mức cao nhất mọi thời đại là 94,73 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 57,27 triệu tấn vào năm 2021. Trong số đó, nhập khẩu LNG từ Mỹ chiếm 41% tổng lượng nhập khẩu năm ngoái của EU, đạt 38,86 triệu tấn, tăng 23,59 triệu tấn so với năm 2021, tương đương với mức tăng 154%.

Trên thực tế, đã có dấu hiệu cho thấy Mỹ đang theo dõi chặt chẽ nhu cầu khí đốt của châu Âu. Vào tháng 3/2022, Mỹ đã chủ động khuyến khích các đồng minh châu Âu hạn chế nhập khẩu dầu khí của Nga, đồng thời hứa hẹn sẽ tăng xuất khẩu LNG sang EU ít nhất 15 tỷ m3 trong năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với nửa cuối năm 2021, chủ yếu do nhu cầu tăng cao tại châu Âu.

Matt Smith - một nhà phân tích tại Kepler - dự đoán rằng, xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, do châu Âu sẽ bổ sung lượng dự trữ khí đốt đã cạn kiệt vào mùa đông, điều đó cũng có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu.

Mỹ bán dầu với giá “trên trời” cho châu Âu

Từ góc độ dầu mỏ, lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với ngành năng lượng Nga đã khiến xuất khẩu dầu thô của Nga giảm mạnh, nhu cầu về dầu thô thay thế trên thị trường quốc tế tăng lên đáng kể.

Rohit Ratod - nhà phân tích thị trường tại công ty nghiên cứu năng lượng Wotexa Consulting - chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo theo nhiều nhu cầu mới về năng lượng Mỹ.

Nguồn cung cấp dầu khí từ Mỹ giúp tạm thời giảm bớt nhu cầu cấp bách của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, nhưng giá LNG do Mỹ vận chuyển đến châu Âu bằng đường biển lại đắt hơn so với khí đốt tự nhiên dẫn qua đường ống của Nga, và giá càng tăng mạnh dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine. Bởi vậy, châu Âu đã phải trả giá cao hơn cho năng lượng thay thế, phần lớn chảy vào túi Mỹ, giúp ngành dầu khí Mỹ tháo gỡ khó khăn, tăng thu nhập đáng kể.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, doanh thu xuất khẩu LNG của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 9/2022 đã tăng vọt lên 35 tỷ USD, so với 8,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021.

Trong cùng thời gian, Chesapeake Energy - một công ty dầu khí đá phiến của Mỹ - đã kiếm được 1,3 tỷ USD lợi nhuận. Đầu năm 2020, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, doanh thu của công ty này gần như là bằng 0 và từng nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Còn cổ phiếu của gã khổng lồ năng lượng Mỹ Chevron đã tăng 50,5% trong năm ngoái, trái ngược hoàn toàn với mức giảm trung bình 20% của S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Mỹ) trong cùng kỳ.

Việc Mỹ tận dụng cơ hội để bán năng lượng với giá cao cho các nước châu Âu đã làm dấy lên nhiều chỉ trích. Sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai cáo buộc Mỹ bán dầu với giá thấp trong nước nhưng lại bán dầu với giá “trên trời” ở châu Âu, cho rằng Mỹ đã thu được lợi nhuận vượt mức từ cuộc xung đột địa chính trị, bán khí đốt sang châu Âu với giá cao hơn 3 đến 4 lần so với tại thị trường Mỹ.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck cũng ám chỉ Mỹ lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để "kiếm chác".

Theo Tân Hoa Xã, cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là một trong những cơ hội để Mỹ bán năng lượng ra toàn cầu. Trong một thời gian dài, Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã nhất trí sử dụng xuất khẩu năng lượng như một con bài mặc cả trong chính sách đối ngoại.

Ngay từ tháng 2/2020, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ khi đó là Dan Brouillette đã phát biểu tại một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức rằng, sau khi Mỹ chuyển đổi thành nhà xuất khẩu năng lượng ròng, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ trải qua những thay đổi mang tính cách mạng, "chúng ta có thể theo đuổi những mục tiêu trước đây không thể đạt được mà không sợ hãi".

(Nguồn: CafeF)

MỸ TĂNG TỐC CHẠY ĐUA TRANH GIÀNH ẢNH HƯỞNG VỚI TRUNG QUỐC

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp đạt được thỏa thuận với hai quốc đảo Thái Bình Dương nhằm mở rộng mối quan hệ được coi là quan trọng để duy trì sự cân bằng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trong một khu vực mà Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự của họ.

Tuần vừa rồi, Washington đã ký các biên bản ghi nhớ với Quần đảo Marshall và Palau. Giới chức trong chính quyền Tổng thống Biden hy vọng các biên bản ghi nhớ này sẽ mở đường cho việc hoàn thành nhanh chóng các thỏa thuận lớn hơn – những thỏa thuận giúp điều chỉnh quan hệ của quần đảo này với Washington trong hai thập kỷ tới. Những mối quan hệ đó sẽ giúp cho quân đội Mỹ có được các quyền quân sự đặc biệt cũng như các quyền an ninh khác trên các đảo với điều kiện các đảo này sẽ nhận được những nguồn viện trợ lớn từ Mỹ.

Chính quyền Mỹ tin rằng việc mở rộng các thỏa thuận được gọi là “Hiệp ước về Hiệp hội Tự do” sẽ là chìa khóa cho nỗ lực duy trì quyền lực của Mỹ và ngăn chặn sự nổi lên một cách đáng lo ngại của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các bản ghi nhớ được ký trong tuần vừa rồi đã đưa ra một số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ sẽ cung cấp cho Quần đảo Marshall và Palau nếu các thỏa thuận của họ được đàm phán lại thành công. Các cuộc đàm phán về một bản ghi nhớ tương tự với một quốc gia nhỏ hơn - Micronesia, đang diễn ra.

Các thỏa thuận kéo dài 20 năm hiện tại giữa Mỹ với Quần đảo Marshall và Micronesia sẽ hết hạn trong năm nay; đồng thời thỏa thuận hiện tại giữa Mỹ với Palau sẽ hết hạn vào năm 2024 nhưng các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ tin rằng cả ba thỏa thuận có thể được gia hạn và ký kết vào giữa đến cuối mùa xuân này.

Các quan chức Mỹ sẽ không thảo luận chi tiết cụ thể về số tiền liên quan vì các thỏa thuận chưa ràng buộc về mặt pháp lý và vẫn phải được Quốc hội xem xét cũng như phê duyệt như một phần của quy trình ngân sách.

Một hãng tin của Micronesia - Marianas Variety gần đây đưa tin, Quần đảo Marshall sẽ nhận được 700 triệu USD trong bốn năm theo bản ghi nhớ mà họ đã ký. Tuy nhiên, số tiền đó sẽ chỉ chiếm 1/5 trong thỏa thuận kéo dài 20 năm và không bao gồm số tiền mà Palau sẽ nhận được.

Ông Joe Yun - đặc phái viên của Tổng thống Biden về các cuộc đàm phán, cho biết số tiền sẽ lớn hơn nhiều so với những gì Mỹ đã cung cấp trước đây.

Người dân trên các đảo từ lâu đã phàn nàn rằng những thỏa thuận trước đây mà họ đã ký không giải quyết thỏa đáng nhu cầu của họ hoặc không đáp ứng được các vấn đề môi trường và sức khỏe lâu dài do hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Mỹ trong những năm 1950 và 60. Các nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về việc, kể từ năm 2021 rằng chính quyền Mỹ đã không quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.

Ông Yun - người đã ký các bản ghi nhớ với đại diện của Marshalls và Palau hồi tuần trước tại Los Angeles, cho biết Quần đảo Marshall cụ thể sẽ được bồi thường cho những thiệt hại đó và sẽ được kiểm soát cách chi tiêu số tiền đó.

Đổi lại, Mỹ được trao các đặc quyền đặt cơ sở quân sự và an ninh quốc gia duy nhất trong một khu vực mà Trung Quốc đang ngày càng phô trương sức mạnh của mình ở đó.

“Mối đe dọa từ Trung Quốc là không rõ ràng nhưng không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc là một nhân tố,” ông Yun đã nói như vậy về các cuộc đàm phán. Trung Quốc không chỉ có sự hiện diện kinh tế lớn và ngày càng tăng trong khu vực, mà Quần đảo Marshall và Palau đều công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao. “Các quần đảo này đều đang chịu áp lực của Trung Quốc”, vị quan chức Mỹ nói.

Trung Quốc đã liên tục chinh phục các đồng minh của Đài Loan ở Thái Bình Dương, bao gồm Kiribati và Quần đảo Solomon vào năm 2019. Bắc Kinh đã giành được sự ủng hộ của Solomons và Kiribati, hai quốc đảo vùng Thái Bình Dương. Giờ đây, khu vực này chỉ còn Palau, quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu công nhận Đài Loan. Mỹ đã công bố kế hoạch vào năm ngoái để mở lại một đại sứ quán ở Quần đảo Solomon - nơi đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.

(Nguồn: Soha)

CUỘC ĐUA GIỮA MỸ-TRUNG QUỐC TẠI CHÂU PHI: CẠNH TRANH CÙNG THẮNG

(Ảnh minh hoạ).

Giới chuyên gia nhận định cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại các nước châu Phi không hẳn là đối đầu mà có thể vẫn song hành, bổ trợ lẫn nhau.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã thăm châu Phi trong 7 ngày từ 9/1-16/1, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao nước này.

Động thái trên một lần nữa khẳng định chính sách của Trung Quốc hướng đến Lục địa Đen nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, thúc đẩy cam kết của Bắc Kinh tại khu vực.

Đây cũng là bằng chứng cho thấy cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi.

Bay nửa vòng Trái Đất, ông Tần Cương đã được chào đón nồng nhiệt tại 5 điểm dừng chân gồm Ethiopia, Gabon, Angola, Benin, Ai Cập, trụ sở Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn các quốc gia Arab (AL).

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tần Cương trên cương vị mới, nhưng việc một bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới thăm châu Phi nhân dịp đầu Năm mới là một chính sách đã được thực thi nhiều năm qua, bên cạnh các hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi tổ chức 3 năm/lần nhằm tái khẳng định những cam kết của Bắc Kinh tại khu vực.

Trong hơn 20 năm trở lại đây, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, tham gia vào việc thúc đẩy kinh tế và phát triển châu lục nghèo nhất thế giới này.

Từ cuối những năm 1990, Bắc Kinh đã tăng cường các cam kết thương mại, đặc biệt thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) năm 2013.

Các hoạt động chủ yếu gồm cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, do các công ty của Trung Quốc thiết kế và xây dựng với nguồn lực từ các công ty năng lượng và khai mỏ của Trung Quốc.

Trong khi với một số nước như Ethiopia, Angola và Zambia có vị trí ưu tiên, Trung Quốc cũng đã gia tăng sự hiện diện ở hầu hết các quốc gia trong châu lục.

Kể từ đầu thế kỷ mới, Trung Quốc đã xây dựng hơn 6.000km đường sắt, 6.000km đường bộ, gần 20 cảng và hơn 80 cơ sở điện lớn ở châu Phi, hỗ trợ xây dựng hơn 130 bệnh viện và phòng khám, hơn 170 trường học, 45 sân vận động và nhà thi đấu và hơn 500 dự án nông nghiệp ở châu Phi.

Các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 1/8 sản lượng công nghiệp của toàn châu lục. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số do Trung Quốc xây dựng đóng vai trò quan trọng đối với các nền tảng để người dân châu Phi kết nối và liên lạc với nhau.

Trong chuyến công du kéo dài tuần qua, bên cạnh những thỏa thuận hợp tác về mọi mặt kinh tế, thương mại, hạ tầng, năng lượng, y tế và văn hóa…, ông Tần Cương đã kêu gọi nâng cao vai trò của châu Phi trong quản trị toàn cầu, nhấn mạnh châu lục này cần có vai trò lớn hơn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế khác để đảm bảo hệ thống quản trị toàn cầu trở nên công bằng và bình đẳng hơn.

Ông Tần Cương đã khẳng định Trung Quốc luôn cam kết hỗ trợ châu Phi giảm bớt áp lực nợ nần, tích cực tham gia sáng kiến đình chỉ nợ của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ký kết các hiệp định và đạt được thỏa thuận đình chỉ nợ với 19 quốc gia châu Phi.

Đây là số tiền nợ được đình chỉ lớn nhất mà các quốc gia thành viên G20 thực hiện. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan góp phần giảm bớt áp lực nợ nần của châu Phi theo nguyên tắc “cùng hành động và cùng gánh trách nhiệm."

Giới phân tích cho rằng chuyến công du của ông Tần Cương là một động thái nhằm gia tăng lợi thế của Trung Quốc trong việc cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ ở châu Phi.

Chuyến đi diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi giữa tháng 12/2022, đưa ra cam kết “tất cả vì tương lai của châu Phi” cùng với khoản đầu tư 55 tỷ USD của Washington vào châu Phi trong 3 năm tới, với hơn 15 tỷ USD nhằm thực hiện các cam kết thương mại và đầu tư bổ sung trong lĩnh vực tư nhân.

Nhìn về con số, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với 254 tỷ USD trong năm 2021, gấp 4 lần thương mại Mỹ-châu Phi.

Trung Quốc cũng là nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất (gấp đôi đầu tư của Mỹ), và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại châu lục này.

Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất sáng kiến Tái thiết thế giới (B3W) tháng 6/2021, một sáng kiến “dựa trên các giá trị” nhằm đầu tư tài chính vào cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu, dự kiến huy động khoảng 300 tỷ euro đến năm 2027 nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới, cũng để cạnh tranh với BRI.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi không hẳn là đối đầu mà có thể vẫn song hành, bổ trợ lẫn nhau.

Cam kết của Trung Quốc tại châu Phi chủ yếu liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất hàng hóa, trong khi cam kết của Mỹ tập trung vào trao đổi công nghệ cao hơn và dịch vụ, cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển nhân lực và quản trị.

Cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng có thể giúp giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp và mở rộng quy mô thị trường khu vực, tăng cơ hội để các công ty Mỹ cũng như bản địa làm ăn kinh doanh. Cách tiếp cận và đầu tư của Mỹ và Trung Quốc không tương phản với nhau.

Các cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama cũng từng bác bỏ những ý kiến cho rằng đây là cuộc cạnh tranh phải phân ra người thắng, kẻ bại, mà có thể sẽ là cuộc cạnh tranh cùng thắng.

Có thể thấy hai nước sẽ cạnh tranh ngày càng mạnh hơn về thương mại nếu các doanh nghiệp Mỹ tăng cường cam kết vào các thị trường tại châu Phi.

Sự cạnh tranh không phải ở lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, nơi Trung Quốc có lợi thế chi phí thấp và kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại châu Phi, mà sẽ cạnh tranh nhiều hơn trong lĩnh vực y tế, công nghệ tài chính và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh này có thể đem lại lợi ích cho các nước châu Phi.

Các chính phủ châu Phi có thể đàm phán những điều khoản thương mại thuận lợi hơn, các cộng đồng dân cư sẽ được hưởng lợi khi doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương, chuyển giao công nghệ với các đối tác bản địa và góp phần vào các sáng kiến thúc đẩy sức khỏe và sự thịnh vượng của người lao động.

Chính vì vậy mà hầu hết nước châu Phi đều mong muốn có quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc. Quan trọng là Washington và Bắc Kinh có sẵn sàng cân bằng lợi ích của mình với lợi ích của châu Phi khi thúc đẩy hợp tác tại khu vực này hay không.

(Nguồn: VietnamPlus)

(Xem thêm:

=> Mỹ: 'Thâu tóm' dầu mới; Biden đối mặt 'cơn bão'; Nước cờ mạo hiểm; Mất kiểm soát tài chính thế giới; Níu kéo đối tác ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang