Mỹ: Trước bờ vực vỡ nợ; Kinh tế 'mâu thuẫn'; Nghị sĩ 'siêu nói dối'; Quy định đối phó di dân; Chuyển tiền tài phiệt Nga cho Ukraine

Nước Mỹ chạy đua trước bờ vực vỡ nợ

(Ảnh minh họa).

Những bất đồng sâu sắc vẫn xuất hiện về áp lực cạnh tranh giữa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của Mỹ.

Các cuộc đàm phán chi tiết về việc nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ đã bắt đầu hôm 10/5 với việc đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì quan điểm cắt giảm chi tiêu, một ngày sau cuộc họp đầu tiên sau 3 tháng giữa Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy.

Thời gian còn lại cho nước Mỹ rất eo hẹp để có thể tránh một vụ vỡ nợ lịch sử, gây bất ổn về kinh tế, mà Bộ Tài chính đã cảnh báo có thể xảy ra ngay sau ngày 1/6.

Bế tắc đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, chi phí bảo hiểm nợ của chính phủ Mỹ lên mức cao kỷ lục. Phố Wall ngày càng lo ngại hơn về những rủi ro của một vụ vỡ nợ chưa từng có.

Cũng trong ngày 10/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng nguồn thu thuế của chính phủ trong tháng 4 có xu hướng giảm, cùng với chi tiêu cao hơn, có thể gây thêm áp lực buộc Quốc hội phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận giới hạn nợ.

Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban phi lợi nhuận về Ngân sách Liên bang cho biết: "Nếu các nhà lập pháp cần một hồi chuông cảnh tỉnh, thì đây chính là tin đó. Doanh thu thuế ít ỏi chính là loại tin tức mà chúng ta không cần bây giờ".

Bà lưu ý rằng tháng 4 là một trong số ít lần Kho bạc Mỹ ghi nhận thặng dư "và khoản thặng dư 176 tỷ USD sẽ quá khiêm tốn trong bối cảnh chúng ta vay 4,2 tỷ USD mỗi ngày trong năm tài chính này."

Những bất đồng sâu sắc vẫn xuất hiện về áp lực cạnh tranh giữa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Ông Biden ra dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Đảng Cộng hòa nhằm thu lại một số tiền chưa sử dụng để cứu trợ Covid-19, trị giá dưới 80 tỷ USD. Trong khi đó, Nhà Trắng nhắc lại sự ủng hộ đối với luật thúc đẩy chính phủ cấp phép cho các dự án năng lượng bằng cách đặt ra các mốc thời gian tối đa.

Đảng Cộng hòa đã không tán thành dự luật đó nhưng nói rằng việc cho phép cải cách sẽ giúp Mỹ duy trì lợi thế trong phát triển dầu khí. Đảng Dân chủ coi đó là thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng "sạch".

Vấn đề bế tắc

Ông Biden và các đảng viên Cộng hòa đối lập đã rơi vào bế tắc trong nhiều tháng về mức trần nợ, trong đó đảng Dân chủ kêu gọi tăng nợ "sạch" mà không cần có điều kiện trả nợ từ chi tiêu và cắt giảm thuế được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện cho biết sẽ không cho phép bất kỳ khoản vay bổ sung nào mà không có thỏa thuận cắt giảm chi tiêu trong tương lai.

Trong diễn biến liên quan, ông Biden dự kiến sẽ lên đường vào ngày 18/5 để tham dự cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo G7. Ông cho biết sẵn sàng hủy chuyến đi để đạt được thỏa thuận về trần nợ.

Rohit Kumar, cựu trợ lý Thượng viện, hiện là đồng lãnh đạo cơ quan thuế quốc gia của PwC tại Washington, cho rằng chuyến đi sắp tới của ông Biden là thời hạn khả thi cho một thỏa thuận khung về nợ.

Lần gần nhất Mỹ đến bờ vực vỡ nợ tương tự là vào năm 2011.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Chuyện ‘mâu thuẫn’ tại nền kinh tế số 1 thế giới: Không ai biết trước ‘chữ ngờ’

Nền kinh tế số 1 thế giới đang trải qua giai đoạn “kỳ lạ”.

3 năm trước, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ điêu đứng. Bùng phát dịch bệnh và các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến lạm phát cao nhất trong 40 năm. Điều này khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải thực hiện nâng lãi suất. Ngoài ra, trong nhiều tháng nay, các nhà kinh tế đã dự báo một suy thoái có thể sắp xảy ra.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, thị trường việc làm vẫn phát triển mạnh và người tiêu dùng thì đang tiếp tục chi tiêu.

Rất nhiều mâu thuẫn

Thời gian gần đây, hàng loạt tập đoàn lớn thông báo sa thải, từ Walmart, Disney, Amazon, 3M, General Motors đến Meta Platforms. Nhưng hoạt động tuyển dụng vẫn “tấp nập” trong tháng 4 khi Mỹ ghi nhận đã tạo thêm tới 1,2 triệu việc làm mới trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Chưa hết, bất chấp sự sa thải ồ ạt ở Thung lũng Silicon, lĩnh vực công nghệ vẫn gia tăng tuyển dụng, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế hệ thống máy tính và dịch vụ liên quan.

Ngành xây dựng cũng đang có tín hiệu tốt. Chính phủ Mỹ đã công bố rằng trong tháng 4, số người được tuyển dụng thuộc ngành này đã đạt mốc 7,9 triệu người - một con số kỷ lục.

Bên cạnh đó, sau nhiều thập kỷ “chậm chạp” trong hoạt động tăng lương, người lao động Mỹ hiện đã được hưởng mức tăng tốt nhất, đặc biệt là với nhóm có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, mức tăng lương cao như hiện tại sẽ “gây áp lực” cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell từng cho biết mức tăng 3% là con số phù hợp để kéo lạm phát về mức mục tiêu 2%. Nhưng việc tăng đó lại giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và giúp nền kinh tế tránh được suy thoái.

Suy thoái hay không?

Mọi diễn biến thị trường dường như biến động theo tuần. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có tín hiệu tốt, nhờ kỳ vọng nền kinh tế có thể trên đà "hạ cánh mềm". Tăng trưởng và lạm phát đều đã hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp cũng không tăng đột biến. Bên cạnh đó, Fed cũng đã có chút “động thái” rằng có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Goldman Sachs thì dự báo khả năng suy thoái là 35%. Còn vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell lại cho biết nền kinh tế có thể tránh được suy thoái.

"Theo quan điểm của tôi, việc tránh được một cuộc suy thoái là điều khả thi hơn là xảy ra suy thoái. Nhưng tôi cũng không loại trừ khả năng đó. Chúng ta có thể sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ", ông nói.

Tương lai sẽ ra sao?

Câu chuyện về khả năng hạ cánh mềm của Mỹ đang bị thách thức bởi 2 vấn đề: biến động mạnh của các ngân hàng khu vực sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và cuộc khủng hoảng trần nợ công. Hiện tại, các ngân hàng khu vực dường như đã ổn định trở lại nhưng vấn đề cuộc chiến trần nợ lại đang tiềm ẩn rủi ro.

Thứ 2, ngày 8/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói rằng Mỹ có thể sẽ vỡ nợ vào ngày 1/6 tới nếu Quốc hội không tăng trần nợ công trước thời điểm đó.

Nhưng hiện tại, thị trường chứng khoán Mỹ dường như chưa hề nao núng. Chỉ số S&P 500 năm nay đã tăng gần 8% còn Nasdaq Composite thì tăng 17%.

Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu của Principal Global Investors nhận định: "Tôi nghĩ rằng vài tuần tới sẽ là thời điểm khó khăn. Khi thị trường chứng khoán vẫn vững chắc thì Quốc hội sẽ không cảm thấy áp lực rồi buộc phải đi đến một thỏa thuận nào đó”.

(Nguồn: CafeF)

Nghị sĩ 'siêu nói dối' vừa bị bắt ở Mỹ là ai

(Ảnh minh họa).

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa George Santos, người ra tranh cử dựa trên một tiểu sử được “thêu dệt”, bị cáo buộc phạm 13 tội danh, bao gồm lừa đảo.

George Santos, nhà lập pháp 34 tuổi - người từng thừa nhận mình là "kẻ nói dối tệ hại" - đang dính vào cáo buộc liên quan đến nói láo và lừa đảo trong suốt sự nghiệp chính trị ngắn ngủi của mình tại Điện Capitol.

Một danh mục đầu tư bất động sản không tồn tại, tuyên bố gian lận về bằng cấp đại học chỉ là hai trong số những tranh cãi mà thành viên đảng Cộng hòa tại bang New York phải đối mặt.

Ông Santos thậm chí còn tuyên bố với các nhà tài trợ rằng ông đã giúp sản xuất vở nhạc kịch Người Nhện nổi tiếng trên sân khấu Broadway - điều mà ông chưa từng làm.

Trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022, ông Santos tự nhận mình là "hiện thân đầy đủ của giấc mơ Mỹ": Một đứa con đồng tính của những người nhập cư Brazil, đã vươn lên hàng cấp cao của Phố Wall trước khi bước vào thế giới chính trị.

Nhưng hào quang về ông Santos chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Kể từ đó, câu chuyện về cuộc đời của ông trở nên tệ hại, đỉnh điểm là việc ông thừa nhận phần lớn nó là bịa đặt, theo BBC.

Dù vậy, ông từ chối từ chức sau khi bị cáo buộc trong một bản cáo trạng gồm 13 tội danh ở New York, bao gồm lừa đảo, rửa tiền và biển thủ công quỹ.

Những tuyên bố của ông Santos

Theo tiểu sử do ban vận động tranh cử của ông Santos xuất bản trực tuyến, sau đó được viết lại, ông là một thế hệ người Mỹ đầu tiên sinh ra ở quận Queens của thành phố New York.

Trang web lưu ý ông bà của ông Santos "đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp người Do Thái ở Ukraine, định cư ở Bỉ và một lần nữa chạy trốn khỏi cuộc đàn áp trong Thế chiến II" trước khi định cư ở Brazil.

Cha mẹ người gốc Brazil của ông cuối cùng di cư đến Mỹ "để tìm kiếm giấc mơ Mỹ".

Ông Santos tuyên bố đã được đào tạo tại Đại học Baruch ở thành phố New York, trước khi trở thành một "nhà tài chính và đầu tư dày dặn ở Phố Wall" với kinh nghiệm làm việc tại các công ty danh tiếng, bao gồm Goldman Sachs và Citigroup.

Ông cũng tuyên bố sở hữu 13 bất động sản và mẹ ông "đang ở trong văn phòng ở tòa tháp phía nam" của Trung tâm Thương mại Thế giới trong cuộc khủng bố ngày 11/9.

Gần đây nhất là vào tháng 10/2022, trang web chiến dịch tranh cử của ông Santos tuyên bố mẹ ông sống sót sau vụ tấn công, và mất vài năm sau đó.

Là một người tương đối mới trên chính trường Mỹ, ông Santos được ca ngợi là người Cộng hòa đồng tính công khai đầu tiên giành được ghế trong Hạ viện, với tư cách là người không đương nhiệm, sau chiến thắng vào tháng 11/2022.

Tại sao ông Santos “thêu dệt" lý lịch?

New York Times đã xuất bản một loạt bài viết đặt câu hỏi về phần lớn lý lịch của ông Santos, bao gồm trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và thậm chí cả việc ông tuyên bố mình là ngôi sao bóng chuyền đại học.

Các hãng tin khác sau đó không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ông bà của ông Santos đã chạy trốn khỏi chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu hay bản thân ông là người Do Thái. Trước đó, Hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa từng tự hào là "người Do Thái Mỹ kiêu hãnh".

Ông Santos đã thừa nhận ông ngụy tạo lý lịch của mình. Ông chưa từng tốt nghiệp bất kỳ trường đại học nào hay làm việc cho Goldman Sachs và Citigroup. Thay vì sở hữu tài sản trên khắp New York, ông sống với em gái ở Long Island.

Các bài báo cũng tiết lộ mẹ của ông qua đời vào năm 2016.

Ngoài ra, Hạ nghị sĩ Mỹ thừa nhận ông xuyên tạc đức tin của mình, nói với New York Post rằng ông theo Công giáo và nói mình là "người Do Thái" sau khi biết gia đình bên ngoại có nguồn gốc Do Thái.

Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Piers Morgan, ông Santos cho biết ông đã bịa đặt tiểu sử và câu chuyện cuộc đời mình để được cử tri ở khu vực bầu cử số 3 của New York chấp nhận.

Vì sao Brazil điều tra ông Santos?

Tuy nhiên, các cáo buộc chống lại ông Santos vẫn tiếp tục gia tăng.

Các nhà chức trách ở Brazil xác nhận họ có kế hoạch khôi phục các cáo buộc lừa đảo đối với ông Santos, liên quan đến sổ séc bị đánh cắp năm 2008.

Theo hồ sơ tòa án, ông Santos tiêu khoảng 700 USD bằng cách sử dụng tên giả và viết séc bằng sổ séc ăn cắp ở thành phố Niterói, gần Rio de Janeiro. Vụ án bị đình chỉ vì chính quyền Brazil không thể xác định được vị trí của ông.

Trong tuyên bố gửi tới CBS, công tố viên Brazil phụ trách vụ án nói việc ông Santos tuyên thệ nhậm chức với tư cách là nghị sĩ đồng nghĩa "ông ấy có một địa chỉ nhất định để có thể được triệu tập", và vụ án có thể tiếp tục.

Trong vụ việc khác, vào tháng 12/2022, New York Times đưa tin chiến dịch tranh cử của ông Santos đã trả 11.000 USD cho một công ty vệ sinh để "thuê căn hộ cho nhân viên", bên cạnh loạt khoản giải ngân được chốt ở mức 199,99 USD. Con số này thấp hơn chính xác một xu so với ngưỡng nhận biên lai được yêu cầu bởi luật liên bang.

Tương lai sự nghiệp chính trị

Ông Santos tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1. Kể từ khi nhậm chức, ông được xem là lá phiếu quyết định đối với dự luật nhằm nâng trần nợ quốc gia của đảng Cộng hòa.

Nhưng ông liên tục vướng vào bê bối. Vào tháng 2, Derek Meyers - một cựu nhân viên - cáo buộc Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa quấy rối tình dục. Meyers cho biết anh đã nộp đơn trình báo cảnh sát cũng như gửi thư đến Ủy ban Đạo đức Quốc hội yêu cầu điều tra.

Ông Santos nói với CNN rằng ông "100%" phủ nhận các cáo buộc.

Sau khi bị bắt và bị truy tố, ông Santos phải đối mặt với những lời kêu gọi bước sang một bên, kể cả từ các nhà lập pháp đồng nghiệp ở New York.

“Sớm hay muộn, dù ông ấy có chọn hay không, cả sự thật và công lý sẽ đến với ông ấy”, Marc Molinaro, đảng viên Cộng hòa đại diện cho các khu vực ngoại ô New York, cho hay.

“Tôi nhắc lại lời kêu gọi George Santos từ chức”, Hạ nghị sĩ Mike Lawler của đảng Cộng hòa nói hôm 9/5 sau khi đọc được tin tức về việc ông Santos bị cáo buộc hình sự.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thận trọng hơn khi nói: "Tôi nghĩ ở Mỹ, bạn vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội".

(Nguồn: Zing News)

Mỹ ra quy định mới đối phó với di dân bất hợp pháp đang tràn vào biên giới

Hoa Kỳ ngày 10/5 triển khai một quy định mới mà qua đó sẽ từ chối tị nạn đối với hầu hết những di dân vượt biên giới Hoa Kỳ-Mexico bất hợp pháp, một phần quan trọng trong việc thực thi kế hoạch của Tổng thống Joe Biden giữa lúc điều luật 42 vốn hạn chế di dân vào biên giới Mỹ thời đại dịch hết hạn vào ngày 11/5.

Theo quy định mới, những di dân đến biên giới Mỹ sẽ không đủ điều kiện xin tị nạn nếu họ đã đi qua các nước khác mà không xin tị nạn trước hoặc không dùng các con đường hợp pháp để nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết quy định mới sẽ mang lại những hậu quả khắc nghiệt hơn cho những người vượt biên trái phép. Thay vì nhanh chóng bị trục xuất về Mexico, họ có thể bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh Mỹ trong 5 năm nếu không đủ điều kiện xin tị nạn.

“Chúng tôi nói rất rõ ràng rằng biên giới của chúng tôi không mở cửa, việc vượt biên trái quy định là phạm pháp và những người không đủ điều kiện được cứu giúp sẽ nhanh chóng bị trả về,” ông Mayorkas nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ở Washington.

Ông đổ lỗi cho Quốc hội vì đã không thông qua cải cách di trú có ý nghĩa “trong hơn hai thập niên,” đồng thời nói thêm rằng các nhà lập pháp đã không cung cấp kinh phí theo yêu cầu của chính quyền Biden cho các nhân viên biên giới, cơ sở vật chất và phương tiện đi lại.

Chính quyền ông Biden đang vật lộn với sự gia tăng kỷ lục các cuộc vượt biên trái phép vì các hạn chế do COVID được triển khai từ tháng 3 năm 2020 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 11/5. Di dân tuần này đã tập trung đông đảo ở Mexico trong khi những người đã vào được lãnh thổ Mỹ đang gây căng thẳng cho các thành phố biên giới.

Các hạn chế theo điều luật 42 cho phép chính quyền Hoa Kỳ nhanh chóng trục xuất nhiều di dân không phải là người Mexico qua lãnh thổ Mexico mà không cho cơ hội xin tị nạn tại Mỹ. Người Mexico, quốc tịch thường xuyên bị bắt gặp nhất, có thể nhanh chóng được đưa trở lại Mexico theo các thỏa thuận song phương có trước các hạn chế về COVID.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên vào tối 9/5 rằng quy định mới, có hiệu lực vào ngày 11/5 và sẽ hết hạn sau hai năm, không có thay đổi lớn nào so với bản dự thảo được công bố vào tháng Hai năm nay.

Quy định này sẽ áp dụng cho đại đa số di dân không phải người Mexico, những người thường phải đi qua nhiều quốc gia rồi mới tới được biên giới giữa Mexico với Mỹ.

Một số di dân đang tranh nhau vào Mỹ trước khi quy định mới có hiệu lực.

Ông Brandon Judd, chủ tịch hiệp hội các nhân viên tuần tra biên giới cho biết, trong hai ngày 8 và 9 tháng Năm, mỗi ngày có hơn 10.000 di dân đã bị bắt khi vượt biên giới Mỹ-Mexico bất hợp pháp. Con số này đã vượt con số ước đoán của một quan chức biên giới hồi tháng trước một khi điều luật 42 chấm dứt.

Ông Judd cho biết các nhân viên biên giới được phép thả di dân ở các thành phố biên giới nếu Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) và các tổ chức từ thiện không có khả năng tiếp nhận họ.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) không trả lời yêu cầu bình luận.

Chỉ trích của cả hai bên

Đảng Cộng hòa đã chỉ trích ông Biden, một đảng viên Dân chủ đang vận động tái tranh cử vào năm 2024, vì đã đẩy lùi các chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu hiện tại cho sự đề cử của đảng Cộng hòa.

Nhưng một số đảng viên Dân chủ và những người ủng hộ di dân đã chỉ trích quy định mới của ông Biden, nói rằng giống các biện pháp tương tự được thực hiện dưới thời ông Trump vốn đã bị tòa án Hoa Kỳ chặn lại và hạn chế các bảo đảm về quyền tị nạn trong luật pháp Hoa Kỳ và các hiệp định quốc tế.

Động thái này cũng đi ngược lại với những tuyên bố trước đó mà ông Biden từng đưa ra vào năm 2020 trong chiến dịch tranh cử khi ông nói rằng việc mọi người không thể xin tị nạn trên đất Mỹ là “sai lầm”. Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ đã báo hiệu rằng họ sẽ kiện chính sách này.

Ở phía bên kia của hệ tư tưởng, một liên minh gồm 22 tổng chưởng lý của các tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa đã phản đối riêng biệt biện pháp này, nói rằng nó “đầy những ngoại lệ.”

Ngoài lệnh cấm đối với những người xin tị nạn, vốn có thể làm gia tăng các vụ trục xuất, vào cuối tháng Tư, các quan chức của ông Biden cho biết họ đang mở rộng các con đường hợp pháp cho di dân nước ngoài nhằm cung cấp các cách thay thế để vào Hoa Kỳ và ngăn chặn các cuộc vượt biên trái phép.

Trả lời phóng viên hôm 9/5, các quan chức của ông Biden cho biết chính quyền đã lên kế hoạch mở hơn 100 trung tâm xử lý di trú ở Tây Bán cầu và sẽ ra mắt một nền tảng đặt lịch hẹn trực tuyến mới xin phỏng vấn tị nạn trong những ngày tới.

Các quan chức cũng cho biết họ dự kiến Mexico sẽ tăng cường thực thi nhập cư trong tuần này, bao gồm cả ở miền nam Mexico.

(Nguồn: VOA)

Mỹ làm chuyện chưa từng có: Chuyển tiền tịch thu từ tài phiệt Nga cho Ukraine

(Ảnh minh họa).

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 10-5 thông báo Washington tiến hành đợt chuyển giao đầu tiên các tài sản bị tịch thu của tài phiệt Nga để sử dụng cho quá trình tái thiết Ukraine.

Trong tuyên bố ngày 10-5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết khoảng 5,4 triệu USD tịch thu từ nhà tài phiệt Nga Konstantin Malofeyev đã được bàn giao cho Bộ Ngoại giao để "khắc phục hậu quả" của giao tranh ở Ukraine.

Bộ trưởng Garland khẳng định: "Đây là lần đầu tiên Mỹ chuyển giao các quỹ bị tịch thu của Nga để tái thiết Ukraine và sẽ không phải là lần cuối cùng".

Ông Malofeyev, 48 tuổi, là doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông và truyền thông. Vào tháng 4-2022, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội ông Malofeyev vi phạm lệnh trừng phạt áp đặt đối với Moscow.

Các công tố viên cho biết tài phiệt Nga đã cung cấp tài chính cho những người Nga thúc đẩy chủ nghĩa ly khai ở Crimea, bán đảo mà Nga đơn phương sáp nhập năm 2014.

Nhà tài phiệt Nga này đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt sau sự kiện trên, với cáo buộc "lén lút mua và điều hành các hãng truyền thông khắp châu Âu". Ông Malofeyev cũng bị cho là nguồn tài trợ chính cho phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cũng thông báo "truy nguyên, thu giữ hàng triệu USD từ tài khoản tại một tổ chức tài chính Mỹ do vi phạm lệnh trừng phạt đối với Malofeyev".

Ngày 3-2- 2023, tòa án liên bang Mỹ chính thức cho phép tịch thu tài sản của ông Malofeyev. Theo đó, chính phủ Mỹ tịch thu 5,4 triệu USD từ tài khoản của ông Malofeev tại ngân hàng Sunflower.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lúc đó cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nhằm lấy các khoản tiền thuộc sở hữu của Nga và chuyển đến Ukraine sẽ vi phạm quyền sở hữu và Moscow sẽ đáp trả bằng các biện pháp đối phó "thích hợp".

Tài sản tịch thu từ tài phiệt người Nga Konstantin Malofeyev đã mở đường cho việc dùng số tiền này hỗ trợ Ukraine.

Bộ Tư pháp Mỹ lập lực lượng đặc nhiệm mới, được đặt tên là KleptoCapture, với mục tiêu cụ thể nhằm vào những người Nga tìm cách né các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đài Al-Jazeera dẫn lời ông Garland cho biết: "Chúng tôi sẽ nỗ lực điều tra, bắt giữ và truy tố những người có hành vi giúp chính phủ Nga tiến hành hoạt động quân sự ở Ukraine".

Trong số các tài sản bị Washington tịch thu có siêu du thuyền với chiếc dài 106 m thuộc sở hữu của Suleiman Kerimov, trị giá hơn 300 triệu USD, đã cập cảng ở Fiji.

Trong khi đó, năm ngoái, Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ tạo điều kiện dễ dàng hơn để chuyển tài sản của các nhà tài phiệt bị tịch thu sang Ukraine.

Tháng 12-2022, Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép một số tài sản mà Bộ Tư pháp Mỹ tịch thu được chuyển đến Ukraine thông qua Bộ Ngoại giao nước này.

Tháng 4, Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị Quốc hội mở rộng các tài sản có thể được gửi đến Ukraine, đặc biệt là các khoản tiền bị tịch thu do vi phạm kiểm soát xuất khẩu.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang