.jpg)
LỆNH TRỪNG PHẠT CỦA MỸ CŨNG KHÔNG ‘ĐUỔI KỊP’ TRUNG QUỐC: CẢNH BÁO NGUY HIỂM TỪ LOẠI CHIP ĐẶC BIỆT ĐƯỢC SẢN XUẤT HÀNG LOẠT
Theo trang Interesting Engineering, một công ty năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cho biết họ đang sản xuất hàng loạt loại chip có thể phát hiện bức xạ đầu tiên trên thế giới.
Đây tiếp tục là một trong số danh sách dài các đột phá trong ngành bán dẫn của Trung Quốc trong vài năm qua.
SCMP cho biết, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) thông báo đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các con chip có thể phát hiện bức xạ tia X và tia gamma. CNNC nêu chi tiết, con chip này do công ty tự sản xuất, có thể “đo mức độ bức xạ tia X và tia gamma từ 100 nanSievert/giờ đến 10 miliSievert/giờ.”
CNNC cho biết thêm, con chip có thể được sử dụng cho nhiều ứng dụng, từ giám sát mức độ bức xạ trong mọi loại bối cảnh - chẳng hạn như các nơi làm việc liên quan đến hạt nhân như lò phản ứng hay nhà máy sản xuất vũ khí. Hơn nữa, sản phẩm này cũng có thể được sử dụng trong tự nhiên và những nơi gần vùng bức xạ, nhằm theo dõi mức độ tăng hoặc giảm.
Trên thực tế, một chuyến bay bình thường trên máy bay thương mại có thể có mức bức xạ khoảng 3.000 nanoSievert/giờ. Mặt khác, trong tự nhiên, tỷ lệ này ở khoảng 60 đến 200 nanoSievert/giờ.
Một trong những tính năng quan trọng của chip này là kích thước khá nhỏ, với chiều dài và rộng là 15 mm, độ dày 3 mm. Trong khi đó, kích thước nhỏ lại không cản trở hiệu suất và khả năng hoạt động của chip. Theo CNNC, hiệu quả hoạt động của chip này thậm chí còn tương đương với máy đo bức xạ Geiger–Müller.
Nhờ kích thước nhỏ, chip này có thể được đặt bên trong smartphone hoặc thậm chí gắn vào các thiết bị không người lái hoặc máy bay không người lái trên mặt đất. Sau đó, điện thoại hoặc máy bay không người lái có thể sử dụng như các thiết bị thông minh để đo bức xạ ở những vị trí mong muốn.
CNNC cho biết con chip này có thể hoạt động ở mức công suất cực kỳ thấp là 1 miliwatt và có thể phát hiện năng lượng hạt nhân từ 50 kiloelectron volt đến 2 megaelectron volt.
CNNC cho biết, toàn bộ quá trình phát triển chip - từ khâu thiết kế đến thử nghiệm và sản xuất hàng loạt, đã được thực hiện tại các nhà máy của công ty, bởi chính đội ngũ kỹ sư của công ty.
Interesting Engineering nhận định, đây là bước tiến lớn khi Trung Quốc đã trừng phạt các công ty cung cấp chất bán dẫn và chip AI cho Trung Quốc và các công ty của nước này.
Đầu năm nay, các nhà phân tích dự đoán, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn, xe điện, máy tính lượng tử, năng lượng hạt nhân và khoa học vật liệu. Các nhà phân tích tại Quỹ Công nghệ thông tin và Đổi mới (ITIF), một nhóm nghiên cứu tại Washington, đã đi đến kết luận này sau khi theo dõi chặt chẽ tiến trình và khả năng đổi mới của 44 công ty Trung Quốc
Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã phải đi “vay mượn” nhiều loại công nghệ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, rất nhiều thứ đã thay đổi. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và chính phủ Trung Quốc cùng các doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển các công nghệ có giá trị cao.
Theo đó, Trung Quốc đã nắm giữ vị thế thống trị với một số lĩnh vực quan trọng. Ví dụ, số lượng lò phản ứng hạt nhân mà Trung Quốc phát triển trong 10 năm qua nhiều hơn số lượng Mỹ đã triển khai trong suốt 30 năm.
CHUÔNG BÁO TỬ TREO TRÊN ĐẦU TOÀN BỘ DÂN SỐ Ở MIỀN BẮC GAZA
Toàn bộ dân số ở miền Bắc Gaza - hiện đang bị lực lượng Israel bao vây trong những cuộc pháo kích dữ dội - đang có nguy cơ tử vong.
"Toàn bộ dân số ở phía Bắc Dải Gaza đang có nguy cơ tử vong. Không thể để lực lượng Israel tiếp tục những gì họ đang làm ở phía Bắc Gaza đang bị bao vây" - Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm Phó điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Joyce Msuya cho biết trong một tuyên bố.
Israel đã bao vây khu vực này trong hơn 3 tuần qua, sát hại ít nhất 820 người và chặn mọi nguồn cung nước, thực phẩm hoặc viện trợ nhân đạo tới khu vực này, trong khi ngăn cản cư dân ra vào.
Lực lượng Israel đã tấn công các bệnh viện và cơ sở y tế ở miền Bắc Dải Gaza, đồng thời các địa điểm trú ẩn của những người dân đi tản cư cũng bị ném bom.
"Các gia đình đã bị chia cắt và đàn ông cũng như trẻ em trai đang bị đưa đi bằng xe tải" - bà Msuya nói thêm - "Các địa điểm trú ẩn đã bị phá hủy và đốt cháy".
Lực lượng Israel đã ném bom các tòa nhà chung cư tại thị trấn Beit Lahia ở phía Bắc Dải Gaza vào sáng sớm 27/10 (theo giờ địa phương), ban hành lệnh sơ tán cho cư dân nhưng lại triển khai ném bom ngay lập tức, không cho người dân cơ hội rời khỏi khu vực. Ít nhất 45 người đã thiệt mạng, trong khi 20 người khác thiệt mạng trong các cuộc không kích vào Jabalia.
Một quan chức của Hội Chữ thập đỏ cũng đã mô tả tình hình ở miền Bắc Gaza là "khủng khiếp".
Bà Stephanie Eller - người đứng đầu phái đoàn Hội Chữ thập đỏ ở miền Bắc Gaza - cho biết các lệnh sơ tán và những hạn chế đang diễn ra đối với việc cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đã dẫn đến những điều kiện tồi tệ cho số lượng cư dân còn lại ở khu vực này.
Bà Eller cũng lưu ý rằng các hành động của lực lượng Israel ở phía Bắc Gaza có thể dẫn đến tình trạng mất mát lớn hơn về những dịch vụ y tế trong khu vực, trong khi các bệnh viện tại đây đã phải chịu áp lực rất lớn.
Lực lượng Israel đã đối mặt với một phiên tòa xét xử về cáo buộc phá hủy tại Bệnh viện Kamal Adwan vào ngày 25/10 và 26/10 sau khi tấn công vào bệnh viện, bắt giữ nhân viên và bệnh nhân, bắt nhốt phụ nữ trong một trong các phòng của bệnh viện. Các viên chức y tế cho biết ít nhất 44 trong số 70 nhân viên trong bệnh viện đã bị quân đội Israel bắt giữ.
Vào ngày 27/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ bị sốc trước tình hình ở phía Bắc Gaza, nói rằng "luật nhân đạo quốc tế không được tôn trọng" tại đây.
Ông Guterres kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ những người làm công tác nhân đạo và những người ứng cứu đầu tiên.
Gần 43.000 người đã thiệt mạng ở Dải Gaza kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bắt đầu nổ ra vào năm 2023, cùng với hơn 100.000 người khác bị thương - theo số liệu của Bộ Y tế Gaza. Số người tử vong thực tế có thể còn cao hơn nhiều, với nhiều thi thể bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Israel đã bị cáo buộc rộng rãi về tội diệt chủng và thanh trừng sắc tộc.
HÉ LỘ TÂN THỦ LĨNH HEZBOLLAH
.jpg)
Ông Sheikh Naim Qassem - người vừa được bổ nhiệm làm thủ lĩnh Hezbollah - đã tham gia lãnh đạo phong trào này suốt hơn 30 năm.
Phát biểu từ một địa điểm không được tiết lộ vào ngày 8/10, ông Qassem cho biết, xung đột giữa Hezbollah và Israel là cuộc chiến về việc ai sẽ cúi đầu trước, "và đó không phải là Hezbollah". Ông khẳng định năng lực của Hezbollah vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù đã phải hứng "đòn đau" từ Israel.
Theo ông Qassem, Hezbollah ủng hộ những nỗ lực của Chủ tịch Quốc hội Li-băng trong việc đảm bảo lệnh ngừng bắn. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Hezbollah không đề cập đến lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza như một điều kiện tiên quyết để nhóm này ngừng bắn với Israel.
Bài phát biểu dài 30 phút trên truyền hình của ông Qassem được đưa ra chỉ vài ngày sau khi thủ lĩnh Hezbollah - Hassan Nasrallah và ứng viên kế nhiệm tiềm năng - Hashem Safieddine thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel.
Ngày 29/10, Hezbollah cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản, rằng Hội đồng Shura đã bầu ông Qassem (71 tuổi) làm thủ lĩnh mới theo quy chế .
Sinh năm 1953 tại Beirut trong một gia đình đến từ miền nam Li-băng, sự nghiệp chính trị của ông Qassem bắt đầu với Phong trào Amal của người Shi'ite Li-băng.
Ông rời nhóm vào năm 1979 sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran . Sự kiện này đã định hình nên tư duy chính trị của nhiều nhà hoạt động trẻ người Shi'ite Li-băng.
Ông Qassem đã tham gia các cuộc họp dẫn đến sự hình thành của Hezbollah. Phong trào này ra đời với sự hậu thuẫn của Iran để đáp trả cuộc tấn công Li-băng của Israel hồi năm 1982.
Năm 1991, ông được bổ nhiệm làm phó thủ lĩnh của Hezbollah. Thủ lĩnh Hezbollah thời điểm đó là Abbas Al-Musawi, nhưng ông đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng trực thăng của Israel vào năm 1992.
Ông Qassem vẫn giữ vị trí phó thủ lĩnh khi ông Nasrallah trở thành người đứng đầu phong trào Hezbollah. Ông Qassem được coi là một trong những người phát ngôn hàng đầu của Hezbollah, thường xuyên trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài.
Ông Qassem đội khăn xếp màu trắng, không giống như Nasrallah và Safieddine, những người đội khăn xếp màu đen để biểu thị địa vị là hậu duệ của Nhà tiên tri Muhammad.
Ông Qassem là thành viên đầu tiên trong ban lãnh đạo cấp cao của Hezbollah đưa ra phát biểu trên truyền hình sau vụ ông Nasrallah bị ám sát.
Phát biểu ngày 30/9, ông Qassem cho biết Hezbollah sẽ chọn người kế nhiệm vị trí tổng thư ký "sớm nhất có thể" và sẽ tiếp tục chiến đấu với Israel để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine.
"Những gì chúng tôi đang làm chưa là gì. Chúng tôi biết rằng cuộc xung đột có thể kéo dài", ông nói.
VAI TRÒ CỦA TRUNG – NGA TRONG XUNG ĐỘT TRUNG ĐÔNG
Israel đã thực hiện hành động mà họ gọi là “đợt tấn công chính xác” nhắm vào các mục tiêu quân sự ở Iran, nhằm đáp trả loạt gần 200 tên lửa Iran phóng sang Israel vào ngày 1/10.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nói rằng đợt tấn công đó là để trả đũa cho các vụ giết chết các lãnh đạo của hai lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn – Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon.
Hezbollah đã bắn tên lửa vào Israel qua biên giới phía bắc kể từ ngày 7/10/2023 khi Hamas tấn công Israel ở Gaza.
Cuộc xung đột leo thang này đang gây áp lực lên các mối quan hệ ngoại giao ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả giữa các cường quốc.
Nga: Liên minh vì tiện lợi, nhưng vẫn vướng bận Ukraine
Grigor Atanesian
BBC Tiếng Nga
Dù không phải đồng minh chính thức, mối quan hệ giữa Nga và Iran đã trở nên sâu đậm hơn trong những năm gần đây và hai nước đang trong quá trình hoàn thiện thỏa thuận “đối tác chiến lược”.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 11/10, cả hai đều nhắc tới sự tương đồng trong lập trường về các sự kiện trên thế giới.
Về vấn đề Ukraine, Iran có mối liên minh thực chất với Nga.
Mỹ và Anh nói Iran đã cung cấp tên lửa đạn đạo và hàng trăm máy bay không người lái tấn công cho Nga.
Iran chính thức phủ nhận việc chuyển tên lửa đạn đạo, mặc dù một nghị sĩ Iran từng nói rằng số vũ khí đó được chuyển tới Nga để đổi lấy việc xuất khẩu thực phẩm tới Iran.
Sau nhiều năm chịu cấm vận, không quân của Iran đã suy yếu, và Nga dường như đã chuyển cho Iran ít nhất một máy bay tấn công hạng nhẹ, theo tạp chí quân sự Jane’s Defence.
Đáp lại các lô hàng vũ khí, Moscow được cho là, trong bối cảnh sau cuộc oanh kích của Israel vào Iran, sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của Liên Hợp Quốc chỉ trích Iran, đồng thời phản đối bất kỳ hành động vũ lực nào nhằm vào Iran.
Đối với Nga, cuộc xung đột ở Trung Đông cũng giúp phân tán sự tập trung và nguồn lực của phương Tây khỏi Ukraine, nơi quân đội Nga có những bước tiến “khiêm tốn” ở chiến tuyến trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, Điện Kremlin có thể sẽ lo ngại về tác động tiềm tàng của các cuộc oanh kích của Israel tới hạ tầng giao thông vận tải ở Iran.
Nga đang phải hứng chịu những lệnh trừng phạt nặng nề từ quốc tế và chỉ có số lượng hạn chế các tuyến đường cho việc bán dầu mỏ - một trong số đó là qua Iran để tới Ấn Độ.
Tehran hậu thuẫn hàng loạt lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông, bao gồm nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza.
Moscow dường như cũng đang củng cố quan hệ với Hamas, khi một phái đoàn gồm những lãnh đạo cấp cao của Hamas đã có chuyến thăm Moscow vào đầu năm nay.
Nhưng dù cần Iran hơn là cần Israel, Nga vẫn tìm cách duy trì quan hệ với cả hai quốc gia.
Israel, dù chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine và việc nước này liên minh với Iran, tới nay vẫn từ chối cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine, bỏ ngoài tai những lời yêu cầu.
Nga có thể cân nhắc khả năng Israel sẽ bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine để đáp trả nếu Nga xích lại gần hơn nữa về phía Iran - dù nếu một cuộc chiến lớn nổ ra ở Trung Đông, khả năng Israel làm điều đó có lẽ sẽ thấp hơn.
Nga và Iran cũng có xung đột lợi ích ở Nam Caucasus (Nam Kavkaz), nơi đã trở thành một trung tâm năng lượng và thương mại quan trọng đối với một nước Nga đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.
Azerbaijan, quốc gia giàu có nhất và đông dân nhất khu vực, có biên giới giáp với cả Nga và Iran, và đã đồng ý phát triển một hành lang vận tải bắc-nam để cải thiện đường bộ, đường sắt và vận tải thủy giữa Nga và Iran.
Tuy nhiên, Azerbaijan cũng có quan hệ quân sự chặt chẽ với Israel, quốc gia từ lâu đã cung cấp drone và các vũ khí tiên tiến khác cho quân đội Azerbaijan.
Vào tháng 9/2023, Azerbaijan đã tái chiếm khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, chấm dứt ba thập kỷ cai quản của người Armenia.
Dữ liệu theo dõi chuyến bay do hãng tin AP phân tích cho thấy có sự gia tăng đáng kể trong việc vận chuyển vũ khí từ Israel tới Azerbaijan trước khi chiến dịch này được thực hiện.
Trong quá khứ, Iran từng cáo buộc Azerbaijan cho phép Israel sử dụng các cơ sở quân sự của mình để do thám Iran, điều mà Azerbaijan đã phủ nhận.
Đối với Nga, mối quan hệ này có thể khiến họ phải dè chừng nếu một cuộc tấn công khác của Israel vào Iran gây thêm áp lực lên mối quan hệ giữa Nga với Azerbaijan.
Nhưng trong cuộc xung đột này, tương tự như ở những nơi khác, Nga sẽ theo chân Trung Quốc.
Nga phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt công nghệ, chính trị và chiến lược – đặc biệt là trong nhập khẩu đồ điện tử và linh kiện vũ khí.
Khi Trung Quốc bày tỏ lo ngại, Nga được cho là sẽ lắng nghe.
Trung Quốc: Chống lưng Iran nhưng không muốn bị kéo vào cuộc chiến
Shawn Yuan
BBC Global China Unit
Trung Quốc và Iran thân thiết đã lâu - trên cả phương diện ngoại giao và kinh tế.
Với việc Israel tấn công Iran, lập trường của Trung Quốc được cho là sẽ không thay đổi nhiều.
Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục có những diễn ngôn ủng hộ Iran, đồng thời giữ khoảng cách an toàn để tránh bị lôi vào một cuộc xung đột quy mô lớn hơn.
Khi được đề nghị đưa ra bình luận về việc Iran phóng tên lửa đạn đạo vào Israel vào ngày 1/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nhắc đích danh Iran, nhưng nói rằng Bắc Kinh phản đối việc “xâm phạm chủ quyền của Lebanon” – ám chỉ việc Israel kéo quân vào Lebanon.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Gaza là “nguyên nhân gốc rễ của vòng xoáy bất ổn này ở Trung Đông”.
Những tuyên bố chính thức của chính quyền và truyền thông nhà nước Trung Quốc kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, hành động mà Trung Quốc không lên án, luôn nhất quán với lập trường nói trên.
Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi giảm căng thẳng và ngừng bắn, đồng thời hỗ trợ Palestine và Lebanon về mặt ngoại giao và viện trợ nhân đạo.
Liệu cuộc đối đầu lần này giữa Israel và Iran có thúc đẩy Trung Quốc đưa ra những diễn ngôn mạnh hơn?
Trung Quốc có, và vẫn duy trì trong suốt thời gian xung đột, những khoản đầu tư lớn vào Israel, đặc biệt là trong khu vực công nghệ và hạ tầng.
Nước này có lẽ muốn tránh rủi ro đánh mất Israel với tư cách đối tác kinh tế khi gia tăng ủng hộ cho Iran.
Trong đợt trả đũa lần này, Israel không tấn công hạ tầng dầu mỏ của Iran, nhưng không loại trừ khả năng sẽ làm vậy trong tương lai.
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô, và khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran là tới Trung Quốc, theo công ty dữ liệu tài chính S&P Global.
Nếu cách Israel trả đũa gây hư hại hạ tầng dầu thô và ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu nói trên, Trung Quốc có khả năng cao hơn sẽ lên tiếng chỉ trích hành động của Israel.
Trung Quốc là một trong số ít quốc gia vẫn mua dầu mỏ từ Iran bất chấp những lệnh trừng phạt của Mỹ, và đã làm trung gian khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út vào năm 2023.
Truyền thông dẫn lời quan chức Mỹ nói rằng Mỹ đã đề nghị Trung Quốc gây áp lực lên Iran, ví dụ như kiềm chế phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, lực lượng đã thực hiện các cuộc tấn công tàu trên Biển Đỏ trong thời gian qua.
Dù Washington có thể yêu cầu, Tehran không nhất thiết phải tuân lời Bắc Kinh, và Trung Quốc có lẽ cũng không để ý tới những yêu cầu như vậy, đặc biệt là khi nó đến từ Mỹ.
Nếu không có gì thay đổi, Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình để chỉ trích Mỹ và gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế bằng cách công khai ủng hộ Palestine bởi điều đó phần nào có lợi cho các quốc gia Nam Toàn Cầu.
Trung Quốc có ít rủi ro khi duy trì vị thế quan sát như hiện tại.
Dù gì thì Bắc Kinh, nếu cần thiết, vẫn có thể quay qua làm ăn với những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác, như Ả Rập Xê Út hoặc Nga.
Chung quy lại, bất kể Trung Quốc nói gì trong những ngày tới, khả năng nước này tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột là không cao.
CHẤN ĐỘNG CHÍNH TRỊ TỪ LIÊN MINH NGA – TRIỀU TIÊN
.jpg)
Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên đã đến Nga vào hôm 29/10 để đàm phán khi cuộc chiến Nga-Ukraine dường như đang có bước ngoặt nguy hiểm mới, trong khi NATO và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng quân đội Triều Tiên có thể sớm tham gia vào phe của Moscow.
NATO cho biết hôm 28/10 rằng hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên đang được triển khai đến tiền tuyến, một diễn biến khiến Kyiv phải kêu gọi thêm vũ khí và một kế hoạch quốc tế để ngăn chặn điều đó.
Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng bất kỳ binh sĩ Triều Tiên nào tham chiến trong cuộc chiến đều sẽ là "mục tiêu hợp lý" cho các cuộc tấn công của Ukraine và rằng Washington sẽ không áp đặt bất kỳ giới hạn mới nào đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của Hoa Kỳ nếu Triều Tiên tham chiến.
Hàn Quốc, trên thực tế vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên – vốn đang sở hữu vũ khí hạt nhân trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng lên án các cuộc triển khai này, với các quan chức ở Seoul lo ngại về những gì Nga có thể cung cấp cho Bình Nhưỡng để đổi lấy sự hỗ trợ của Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã đến vùng Viễn Đông của Nga hôm 29/10 trên đường tới Moscow, theo truyền thông nhà nước Nga đưa tin. Các hãng thông tấn nhà nước Nga nói rằng không rõ bà Choe sẽ gặp ai trong chuyến thăm thứ hai của bà trong sáu tuần.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch gặp bà.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 29/10, nói rằng các động thái của Triều Tiên đang đưa cuộc chiến vào một giai đoạn mới.
"Cuộc chiến này đang trở nên quốc tế hóa, vượt ra ngoài phạm vi hai quốc gia", ông Zelenskyy phát biểu trên X.
"Chúng tôi đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin tình báo và chuyên môn, tăng cường liên lạc ở mọi cấp độ, đặc biệt là cấp cao nhất, để xây dựng chiến lược hành động và các biện pháp đối phó nhằm giải quyết tình trạng leo thang này", ông Zelenskyy cho biết.
Ông Yoon nói với ông Zelenskyy rằng nếu Triều Tiên nhận được viện trợ từ Nga và có thể thu thập được kinh nghiệm và kiến thức quân sự từ sự can dự của mình vào cuộc chiến, thì điều đó sẽ gây ra "mối đe dọa lớn" đối với an ninh của Hàn Quốc, theo văn phòng của ông cho biết.
Hàn Quốc cho biết họ có thể bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu quân đội Triều Tiên tham gia cuộc chiến của Nga. Ông Putin không phủ nhận sự hiện diện của quân đội Triều Tiên tại quốc gia này.
Mang tính biểu tượng?
Vai trò của quân đội Triều Tiên vẫn chưa được biết rõ ràng.
"Những con số cho thấy nỗ lực này không chỉ mang tính biểu tượng, nhưng quân đội có thể sẽ đóng vai trò hỗ trợ và chiếm chưa đến 1 phần trăm lực lượng của Nga", nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong một lưu ý.
"Nga đang rất cần thêm nhân lực và đây là một yếu tố trong nỗ lực của Nga nhằm lấp đầy hàng ngũ mà không cần huy động thêm quân", nhóm nghiên cứu của trung tâm có trụ sở ở Mỹ nói thêm và lưu ý rằng sự hiện diện có thể tăng lên.
Các nhà ngoại giao và nhà phân tích phương Tây cho biết quân đội cũng có thể đóng vai trò chính trị đối với Nga và Triều Tiên, củng cố vị thế của họ trong quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ đối tác không mấy dễ chịu với cả hai nước, và gửi thông điệp tới Washington và các đồng minh của họ.
"Mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng càng gần gũi thì họ càng kỳ vọng có nhiều đòn bẩy hơn đối với các đồng minh của Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc", theo Gilbert Rozman, của Diễn đàn Asan, nhận định trong bài viết cho chương trình 38 North có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Một vài nghìn quân Triều Tiên sẽ không thay đổi được tiến trình của cuộc chiến, vì vậy đây có thể là nỗ lực của Nga nhằm nhấn mạnh với Hoa Kỳ rằng Moscow có thể gây rối loạn như thế nào nếu họ muốn, theo một nhà ngoại giao giấu tên cho biết.
"Việc đưa quân đội Triều Tiên vào một cỗ máy chiến tranh vốn rất phức tạp không phải là điều dễ dàng. Nhưng việc sử dụng sự hiện diện của họ để đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này ở châu Á lại khá đơn giản", nhà ngoại giao này cho biết.
Huấn luyện lực lượng
Xung đột Ukraine nổ ra khi Nga xâm lược nước láng giềng vào tháng 2/2022 và kể từ đó đã phát triển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao chủ yếu diễn ra dọc theo các tuyến đầu ở miền đông Ukraine, với số lượng thương vong lớn ở cả hai bên.
Lầu Năm Góc ước tính 10.000 quân Triều Tiên đã được triển khai đến miền đông nước Nga để huấn luyện, một con số tăng so với ước tính 3.000 quân vào ngày 23/10.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc được cơ quan tình báo của nước này thông báo hôm 29/10 cho biết rằng quân đội Nga đang cố gắng dạy thuật ngữ quân sự cho binh lính Triều Tiên,.
Moscow cũng đang tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nỗ lực của Triều Tiên nhằm triển khai một đội vệ tinh do thám, theo các nhà lập pháp cho biết.
Các quan chức tình báo ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Ukraine nói rằng trong nhiều tháng qua, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đạn pháo và các loại vũ khí khác.
Nguồn: CafeF; VTV; Soha; BBC; VOA
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá