Mỹ: Trump lãnh hậu quả; Chia rẽ với EU vì Ukraine; Trừng phạt mới Triều Tiên; 4 mục tiêu để thắng TQ

ÔNG TRUMP LÃNH HẬU QUẢ SAU BỮA TỐI THẢM HỌA

(Ảnh minh hoạ).

Bữa tối của cựu Tổng thống Donald Trump với nhà hoạt động Nick Fuentes và rapper Kanye West ở Mar-a-Lago, buộc đội ngũ của ông phải triển khai những quy định mới sớm hơn dự kiến.

Cựu Tổng thống Donald Trump đang đánh cược rằng ông có thể trở lại Nhà Trắng bằng cách tận dụng sức hút của một người “ngoại đạo”, tương tự chiến lược năm 2016.

Tuy nhiên, bữa tối "thảm họa" của cựu tổng thống với nhà hoạt động chính trị theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng Nick Fuentes và rapper Kanye West - người từng có những tuyên bố bài Do Thái, đang phơi bày mức độ rủi ro của cách tiếp cận này.

Cuộc gặp gỡ vào tối 22/11, tại dinh thự Mar-a-Lago (Florida), phản ánh rõ những hạn chế trong chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống, khiến ông hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ đảng viên Cộng hòa - những người ngày càng coi ông là gánh nặng sau màn thể hiện mờ nhạt tại cuộc bầu cử giữa kỳ.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vụ việc và mong muốn ngăn cựu tổng thống rơi vào tình thế tương tự, đội ngũ của ông Trump đang áp dụng các nguyên tắc mới nhằm đảm bảo những người gặp ông đều được chấp thuận và xem xét kỹ lưỡng, các nguồn thạo tin cho biết.

Bên cạnh đó, một quan chức cấp cao trong chiến dịch tranh cử sẽ luôn theo sát ông Trump.

“Hoàn toàn đáng trách”

Quy định trên được đưa ra sau khi những thân tín của ông Trump tỏ ra tức giận về việc cựu tổng thống liên quan đến một vụ bê bối chỉ hai tuần sau khi khởi động chiến dịch tranh cử lần thứ ba, theo AP.

“Các đảng viên Cộng hòa đang hướng tới năm 2024 và tìm kiếm người chiến thắng”, Thống đốc New Hampshire Chris Sununu cho biết. Ông Sununu đã chỉ trích bữa tối của ông Trump là “hoàn toàn đáng trách”.

“Tôi nghĩ (bê bối này) khiến ông ấy ít có khả năng được bầu hơn vào tháng 11/2024”, ông nhận định.

Ông Trump nhiều lần khẳng định không biết về Nick Fuentes, nhà hoạt động cực hữu từng đưa ra nhiều tuyên bố bài Do Thái và ủng hộ chủ nghĩa thượng tôn da trắng.

Theo một số người có mặt tại sự kiện, ông Fuentes đến bằng ôtô cùng rapper Kanye West (Ye) và được đội ngũ an ninh cho vào dinh thự Mar-a-Lago, dù không có tên trong danh sách khách mời.

Một số phụ tá đã khuyên ông Trump không nên gặp rapper Kanye West - người vừa mất quan hệ đối tác với Adidas (Đức) và Gap (Mỹ) vì những tuyên bố bài Do Thái gần đây, theo CNN.

Tuy nhiên, hai người có mối quan hệ lâu dài và ông Trump đã từ chối lời khuyên. Lẽ ra họ sẽ gặp mặt riêng trong thư viện tại Mar-a-Lago, nhưng ông Trump đã giới thiệu vị khách nổi tiếng của mình với các khách mời ngay tại khu tiệc chính.

Cựu Tổng thống Trump không xa lạ gì với những tranh cãi do chính ông tạo ra. Chiến dịch năm 2016 của ông Trump cũng được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ bất tận. Khi đó, ông Trump liên tục đưa ra những tuyên bố kích động, chẳng hạn kêu gọi cấm người Hồi giáo nhập cảnh.

Ông Trump cũng chỉ trích thẩm phán Gonzalo Curiel, cho rằng phán quyết của ông Curiel trong vụ kiện liên quan đến cựu tổng thống không công bằng. Nguyên nhân là ông Curiel xuất thân từ gia đình nhập cư người Mexico, trong khi ông Trump phản đối nhập cư bất hợp pháp và cam kết đóng cửa biên giới phía nam, theo Wall Street Journal.

Những tuyên bố này thu hút sự chú ý từ truyền thông, khiến ông Trump luôn có mặt trên các bản tin.

Song bối cảnh chính trị đã khác. Ông Trump không còn là một người ngoại đạo hay nhân vật mới. Và sau gần 8 năm chứng kiến cựu tổng thống chiếm sóng trên truyền thông, nhiều thành viên đảng Cộng hòa và công chúng đã mệt mỏi.

“Nếu có những người liên tục tạo ra sự phân tâm, khiến (chúng ta) mất tập trung và phải trả lời những câu hỏi (không mong muốn), đó không phải một điều tốt”, Thượng nghị sĩ bang Nam Dakota John Thune, đảng viên Cộng hòa, nói với các phóng viên hôm 29/11.

Chiến lược hạn chế

Cuộc gặp ở Mar-a-Lago đã tiết lộ những hạn chế trong hoạt động tranh cử sơ sài của cựu tổng thống. Kể từ khi thông báo tái tranh cử vào hai tuần trước, ông Trump vẫn chưa tổ chức một sự kiện công khai nào.

Đội ngũ của ông Trump đã lên kế hoạch xây dựng một chiến dịch vận động tranh cử quy mô và mạnh mẽ hơn từ năm 2023.

Tuy nhiên, sau bữa tối ngày 22/11, họ buộc phải triển khai một số hoạt động sớm hơn dự kiến. Các trợ lý đang nỗ lực đảm bảo những người gặp mặt cựu tổng thống đều được sàng lọc, đồng thời bố trí một nhóm phụ tá luân phiên hộ tống ông.

Sau khi ông Trump hứng chỉ trích, một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã yêu cầu sa thải những nhân viên chịu trách nhiệm cho bữa tiệc. Các đồng minh lâu năm đặt câu hỏi làm thế nào ông Fuentes có thể vào dinh thự và tại sao không ai biết về sự hiện diện của người này hoặc cảnh báo ông Trump.

Cho đến nay, ông Trump vẫn từ chối lên án quan điểm của một trong hai vị khách "tai tiếng" này, bất chấp sự lên án ngày càng tăng từ đảng Cộng hòa, bao gồm cả lời kêu gọi xin lỗi từ cựu Phó tổng thống Mike Pence.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Digital hôm 29/11, ông Trump một lần nữa khẳng định "chưa bao giờ nghe về" ông Fuentes.

“Tôi không biết quan điểm của ông ấy là gì. Ông ấy cũng không chia sẻ quan điểm trong bữa tối giữa chúng tôi”, cựu tổng thống cho biết.

Song điều đó không đủ để xoa dịu những lời chỉ trích. Hôm 29/11, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói với phóng viên: “Đảng Cộng hòa không có chỗ cho chủ nghĩa bài Do Thái hoặc thượng tôn da trắng. Bất kỳ ai gặp gỡ những người ủng hộ quan điểm đó, theo đánh giá của tôi, rất khó có thể được bầu làm tổng thống Mỹ”.

“Cựu tổng thống có thể gặp bất kỳ ai mà ông ấy muốn, nhưng tôi không nghĩ đó nên là Nick Fuentes. Quan điểm của người này không thể tồn tại trong đảng Cộng hòa và cả nước Mỹ”, ông McConnell nhấn mạnh.

Trong quá khứ, ông Trump cũng có xu hướng tránh lên án những lời nói thù ghét. Một số người cho rằng thái độ này xuất phát từ mối lo ngại về việc đánh mất những cử tri có quan điểm cực đoan.

Bình luận về bữa tối ngày 25/11, Wall Street Journal cũng viết: "Ông Trump sẽ không thay đổi, và hai năm tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều tình huống tai hại như vậy. Các đảng viên Cộng hòa lựa chọn đồng hành cùng ông Trump đang chuẩn bị sẵn sàng cho một thảm họa vào năm 2024”.

(Nguồn: Zing News)

DẤU HIỆU MỸ - CHÂU ÂU CHIA RẼ VÌ XUNG ĐỘT UKRAINE

Sau gần một năm đoàn kết đối phó Nga trong xung đột Ukraine, châu Âu đang ngày càng lo ngại với đạo luật mới của Mỹ có thể khiến các nhà sản xuất rời khỏi châu lục.

Mỹ đã thay thế Nga trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, nhưng các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của họ có giá cao hơn nhiều, đẩy chi phí sản xuất của khu vực tăng cao. Châu Âu cũng cần Mỹ hỗ trợ để củng cố năng lực phòng thủ trong khi phải cố gắng tránh đối đầu trực tiếp với Nga, điều có thể đẩy họ vào tình thế nguy hiểm.

Giới quan sát nhận định các mối quan ngại về kinh tế và địa chính trị sẽ là chủ đề thảo luận chính khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới thăm Mỹ tuần này. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài tới Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden đắc cử.

Chuyến thăm 4 ngày của Tổng thống Macron cũng đánh dấu việc Tổng thống Biden quay trở lại các hoạt động ngoại giao truyền thống vốn bị hạn chế trong thời kỳ Covid-19.

Giới chức Pháp cho biết ông Macron có kế hoạch gây sức ép lên ông chủ Nhà Trắng để tìm giải pháp giảm nguy cơ xung đột lan rộng hơn giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo một quan chức cấp cao Pháp, Tổng thống Macron muốn tìm cách chấm dứt xung đột trên bàn đàm phán chứ không phải trên chiến trường và Ukraine sẽ là bên quyết định thời điểm cũng như nên đàm phán với Nga như thế nào.

Tổng thống Biden đến nay vẫn tìm cách tránh bị nhìn nhận rằng ông đang gây sức ép buộc người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi vào bàn đàm phán với Nga. "Sẽ không có vấn đề nào của Ukraine mà không do Ukraine quyết định", ông tuyên bố.

Các quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Biden vẫn có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Macron, bất chấp những bất đồng giữa hai nước. Họ lưu ý rằng ông Biden đã chọn Pháp làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương.

Nhưng Pháp, một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Âu, đang ngày càng lo ngại về các chính sách kinh tế, chính trị của Washington. Tổng thống Macron cho rằng Đạo luật Cắt giảm Lạm phát (IRA) mà chính quyền ông Biden xây dựng và dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2023 sẽ là mối đe dọa với ngành công nghiệp châu Âu.

IRA sẽ cung cấp các khoản trợ cấp lớn và giảm trừ thuế cho những sản phẩm được sản xuất từ những linh kiện của Bắc Mỹ và được lắp ráp ở đó.

Theo giới chức châu Âu, quy định trên, được gọi là các yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa, sẽ là đòn giáng vào nhiều sản phẩm do châu Âu sản xuất như pin và xe điện, vốn không đủ điều kiện hưởng chính sách giảm trừ thuế.

Các quan chức Pháp lo ngại những nhà sản xuất vốn đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao ở châu Âu đang bắt đầu nghĩ đến việc chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ để hưởng trợ cấp cũng như nguồn nhiên liệu rẻ hơn.

Luật mới của Mỹ "có thể kích hoạt làn sóng phi công nghiệp hóa ở châu Âu", Sébastien Jean, giáo sư kinh tế tại Đại học Conservatoire National des Arts et Métiers ở Paris, nhận xét.

Tổng thống Macron dự định đề nghị người đồng cấp Mỹ miễn trừ yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa đối với các công ty châu Âu, tương tự những công ty Canada hay Mexico, theo các quan chức Pháp am hiểu vấn đề.

Giới chức Nhà Trắng thừa nhận đây có thể là chủ đề thảo luận quan trọng giữa hai lãnh đạo, song họ không cho rằng những bất đồng sẽ được giải quyết ngay trong chuyến thăm. Họ nhấn mạnh Mỹ cam kết đảm bảo cho châu Âu có một nguồn cung năng lượng ổn định trong mùa đông này và xa hơn thế nữa.

"Chúng tôi muốn tìm cách thảo luận và giải quyết những mối lo ngại đó", John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay. "Nhưng đây không phải cuộc chơi mà bên thắng được tất".

Ông Macron tuần trước tổ chức tiệc tối tại Điện Elysee cùng hàng chục giám đốc điều hành từ các công ty lớn trong khu vực, như nhà sản xuất ôtô Đức BMW, hãng dược phẩm Anh AstraZeneca hay tập đoàn khí công nghiệp Pháp Air Liquide, yêu cầu họ không chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ.

Ông Macron cũng kêu gọi châu Âu có một phản ứng thống nhất trước đạo luật IRA của Mỹ. Các quan chức Pháp cho biết họ muốn Liên minh châu Âu (EU) áp dụng những khoản miễn trừ thuế của riêng mình nhằm khiến các công ty châu Âu không rời đi vì sức hút từ IRA.

"Chúng ta cần một Đạo luật Mua hàng châu Âu giống như Mỹ", ông Macron nói hồi tháng trước. "Chúng ta đã thấy cách Trung Quốc hay Mỹ bảo vệ ngành công nghiệp của họ, trong khi châu Âu vẫn là mở toang cánh cửa của mình".

Hồi mùa thu, các quan chức Mỹ và EU đã thành lập một nhóm chuyên trách chung để thảo luận về IRA. Một quan chức Mỹ cho hay nhóm thảo luận này là diễn đàn hữu ích giúp Washington lắng nghe những lo ngại ở châu Âu về các khoản trợ cấp họ dự định áp dụng.

Mặt khác, vụ tên lửa được cho là của Ukraine rơi xuống lãnh thổ Ba Lan hồi đầu tháng tiếp tục khoét sâu mối lo ngại ở châu Âu về nguy cơ xung đột giữa Moskva và Kiev lan sang lãnh thổ NATO và cùng với đó là nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gần đây tham gia nhiều cuộc thảo luận bí mật với các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm cảnh báo Moskva không sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời kêu gọi duy trì các kênh liên lạc giữa đôi bên, theo một số quan chức Mỹ và phương Tây.

Marwan Bishara, bình luận viên chính trị cấp cao của Al Jazeera, cho rằng Pháp và Đức, hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đang nỗ lực tìm cách độc lập hơn về an ninh và chính trị với Mỹ. Họ cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đang dựa vào mối đe dọa từ Nga để thúc đẩy lợi ích của Mỹ tại châu Âu.

"Chủ nghĩa dân túy kinh tế của Mỹ và rạn nứt địa chính trị đe dọa khả năng cạnh tranh về lâu dài của EU", Economist cảnh báo trong bài bình luận hôm 24/11. "Không chỉ thịnh vượng của châu Âu đang gặp nguy hiểm, mà sức khỏe của liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng vậy".

Tổng thống Macron lâu nay vẫn tìm cách xây dựng hình ảnh một người trung gian hòa giải cho xung đột Ukraine. Vài tuần trước khi chiến sự nổ ra, ông đứng ra thay mặt phương Tây đối thoại với Tổng thống Putin, đồng thời cố gắng thu xếp một cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nga - Mỹ.

Những nỗ lực của ông cuối cùng thất bại khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2. Nhưng Tổng thống Macron không dừng lại, ông vẫn duy trì các cuộc điện đàm thường xuyên với người đồng cấp Nga, khiến một số lãnh đạo ở Đông Âu thất vọng, cho rằng Paris đang quá mềm mỏng với Moskva.

Khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi đầu tháng, ông Macron kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán với Moskva.

Ông Macron nói với ông Tập rằng với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh liên quan đến vấn đề Ukraine, theo các quan chức Pháp. Tổng thống Pháp còn nói ông có kế hoạch đến Trung Quốc vào đầu năm tới.

Một số quan chức Mỹ tiết lộ Trung Quốc cũng có thể là chủ đề thảo luận chính giữa Tổng thống Macron và Biden trong tuần này.

"Châu Âu có lợi ích riêng của mình. Quan điểm về Trung Quốc giữa hai bên không giống nhau. Nhưng tôi nghĩ hai bên có chung quan điểm mạnh mẽ rằng Mỹ và châu Âu nên đi theo kịch bản chung để đối đầu với Trung Quốc", một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nhấn mạnh.

Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu đang tìm cách gây sức ép để Mỹ tham vấn và phối hợp với họ trước khi đưa ra bất cứ quyết định chiến lược nào có ảnh hưởng lớn tới EU hay mối quan hệ liên minh. "Chúng ta phải thức tỉnh, bởi cả Mỹ lẫn Trung Quốc sẽ không khoan dung với chúng ta", ông Macron cảnh báo.

(Nguồn: Vnexpress)

MỸ TIẾT LỘ CHUẨN BỊ ÁP TRỪNG PHẠT MỚI VỚI TRIỀU TIÊN

(Ảnh minh hoạ).

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho biết, Washington sắp áp một đợt trừng phạt mới chống Triều Tiên do Bình Nhưỡng tiếp tục thúc đẩy việc phát triển tên lửa bị cấm và báo hiệu có thể thử hạt nhân.

“Chúng tôi sắp có một loạt biện pháp trừng phạt mới như tuyên bố”, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu qua video trực tuyến tại một hội nghị ở Seoul, Hàn Quốc do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Mỹ và tập đoàn truyền thông JoongAng phối hợp tổ chức hôm 1/12.

Theo Reuters, ông Sullivan không nêu chi tiết nhưng cho biết Washington cam kết sử dụng áp lực và ngoại giao để buộc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Theo quan chức này, "ngôi sao phương Bắc" trong chính sách Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và Washington vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu đó, đồng thời linh hoạt trong hợp tác với các đối tác về cách thức đạt được mục tiêu.

Ông Sullivan chỉ ra sự hợp tác ngày càng tăng giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua tăng cường các cuộc tập trận chung. Cố vấn An ninh Mỹ nhấn mạnh, nước này cũng đang nỗ lực để sự hiện diện của các tài sản chiến lược của mình (ám chỉ đến các loại vũ khí chủ lực như tàu sân bay và máy bay ném bom tầm xa) "rõ thấy" hơn trong khu vực.

Ngược lại, Triều Tiên khẳng định phi hạt nhân hóa là điều không còn được bàn đến, đồng thời cáo buộc Mỹ và các đồng minh theo đuổi các chính sách "thù địch", khiến Bình Nhưỡng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở rộng quân đội.

Ông Sullivan giải thích, Washington không có ý định xấu đối với Triều Tiên và sẵn sàng đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết. Song, theo ông, Bình Nhưỡng đã từ chối cách tiếp cận này.

(Nguồn: Vietnamnet)

MỸ ĐỀ RA 4 MỤC TIÊU ĐỂ CHIẾN THẮNG TRONG CẠNH TRANH VỚI TRUNG QUỐC

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ngày 30/11 đã có bài phát biểu về chiến lược của Mỹ nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh của nước này đồng thời đối phó với thách thức Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, mặc dù từng được coi là có khả năng trở thành đồng minh chính trị và kinh tế của Mỹ, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, các công ty và doanh nghiệp Mỹ.

Theo bà Raimondo, việc Trung Quốc thay đổi ưu tiên từ tăng trưởng kinh tế sang an ninh quốc gia và cách hành xử quân sự quyết đoán của nước này khiến Mỹ phải suy nghĩ lại cách thức bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia cùng với thúc đẩy lợi ích trong thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng Raimondo cho rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực kết hợp các chính sách kinh tế và chính trị với các tham vọng quân sự của nước này. Theo bà Raimondo, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động thương mại và đầu tư phi thị trường và điều này buộc Mỹ phải bảo vệ các doanh nghiệp và người lao động của mình cũng như của các đối tác và đồng minh.

Trong bối cảnh chiến lược đó, các ưu tiên kinh tế của Mỹ bao gồm: đảm bảo rằng Mỹ xây dựng năng lực công nghệ và sản xuất cần thiết để dẫn đầu kinh tế thế giới trong thế kỷ 21; đứng đầu về sáng tạo toàn cầu trong thời đại thay đổi công nghệ và cạnh tranh; tăng cường giáo dục và đào tạo cho người lao động nhằm cạnh tranh việc làm trong tương lai; bảo vệ an ninh quốc gia và các gia trị dân chủ; và phát triển trên cơ sở các giá trị về tăng trưởng bền vững và bao trùm, cởi mở, minh bạch và thượng tôn pháp luật.

Để thực hiện các ưu tiên trên, Mỹ đề ra 4 mục tiêu bao gồm: thứ nhất là đầu tư cho sáng tạo; thứ hai là tăng cường và tạo mới năng lực trong nước nhằm ngăn Trung Quốc cản trở an ninh quốc gia và các giá trị dân chủ Mỹ; thứ ba là phối hợp với các đối tác và đồng minh trong các cách thức mới nhằm thúc đẩy các giá trị chung và định hình môi trường chiến lược nơi Trung Quốc hoạt động; và cuối cùng là kêu gọi cho đầu tư và thương mại Mỹ cũng như cùng hợp tác với Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu và ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Bộ trưởng Raimondo nhấn mạnh chính phủ Mỹ tìm cách chiến thắng trong cạnh tranh với Trung Quốc nhằm định hình kinh tế toàn cầu và chống lại một loạt các hoạt động đang gia tăng nhắm tới người lao động và doanh nghiệp Mỹ cũng như mang lại mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Theo bà Raimondo, cách thức Trung Quốc triển khai quân đội cản trở an ninh của Mỹ và của các đối tác và đồng minh của Mỹ cũng như dòng chảy tự do của thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, bà Raimondo cũng thừa nhận rằng Mỹ cũng hưởng lợi từ thị trường thương mại hàng năm có giá trị lên tới hơn 750 tỷ USD với Trung Quốc vốn hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ. Bà Raimondo nhấn mạnh Mỹ muốn tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư với Trung Quốc trong các lĩnh vực không ảnh hưởng tới lợi ích, giá, trị, an ninh quốc gia và an ninh kinh tế Mỹ, đồng thời sử dụng mọi công cụ hiện có nhằm bảo vệ các công ty Mỹ và chống lại các hoạt động kinh tế không công bằng

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Công ty Elon Musk quay xe; Thế khó của đảng CH; Thận trọng với biểu tình TQ; Câu trả lời của Biden; Bán vũ khí cho Qatar ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang