Mỹ: Trộm cắp bán lẻ tăng; Thêm 4 ngày giải quyết trần nợ; Phe Dân chủ bất an; Ra đòn với OPEC 'có dễ'; Trận chiến mới ở Phi

Trộm cắp bán lẻ gia tăng tại Mỹ khi lạm phát cao

Việc giá cả hàng hóa tại Mỹ tăng cao đã khiến nhiều người đành phải ăn trộm những món hàng như bánh mì, xà phòng, dầu gội đầu… để sinh sống qua ngày.

Theo CNN, nhiều cửa hàng bán lẻ tại Mỹ đang phải chật vật chống lại nạn trộm cắp. Từ các món đồ vặt vãnh cho đến toàn bộ sản phẩm trên kệ hàng, tất cả đều bị khoắng sạch trong sự bất lực của nhân viên.

Hệ thống siêu thị Target cho biết họ có thể mất nửa tỷ USD trong năm nay vì nạn trộm cắp gia tăng. Trong khi đó, Nordstrom, Whole Foods và một số chuỗi cửa hàng lớn khác lại quyết định rời bỏ San Francisco do lo ngại về sự an toàn của nhân viên.

“Bần cùng sinh đạo tặc”

Các chuyên gia trong ngành bán lẻ nhận định rằng sự bất ổn trong nền kinh tế, cùng với đó là sức “nóng” của lạm phát và lãi suất, đã khiến vấn nạn trộm cắp thường xuất hiện ở Mỹ.

Theo ông Read Hayes, chuyên gia tâm lý học tội phạm tại ĐH Florida, hiện các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với 2 loại trộm cắp.

“Một là những người chưa từng ăn trộm trước đây. Họ có thể đang bị mất việc làm và không mua nổi những nhu yếu phẩm cơ bản. Vì vậy, các món hàng bị lấy thường là bánh mì và thịt”, ông Read Hayes chia sẻ.

Trong trường hợp thứ hai, đây là các nhóm tội phạm có tổ chức. Những kẻ này sẽ xác định mục tiêu và lên kế hoạch bài bản. Các món hàng bị trộm sẽ được kẻ gian rao bán trên mạng, hội chợ đường phố hoặc cho chính những hộ dân.

Theo CNN, lạm phát là một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm cắp lan tràn. Giá hàng hóa ở Mỹ vẫn đang ở mức cao, bất chấp lạm phát đã “hạ nhiệt”. Ông Burt Flickinger, CEO của Công ty tư vấn bán lẻ Strategy Resource, cho biết nhiều người dân đang phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”.

“Hàng triệu người Mỹ không đủ khả năng để mua nhu yếu phẩm hoặc một bình xăng đầy. Các chi phí cho giao thông công cộng, hóa đơn thuê nhà hoặc nợ thẻ tín dụng đều là những gánh nặng lớn của họ”, ông Burt Flickinger bình luận.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, cứ 5 người Mỹ thì có 3 người đang gặp khó khăn tài chính vì giá cả hàng hóa tăng cao. Báo cáo còn cho biết ngay cả khi lạm phát đã giảm dần, tác động của những đợt tăng giá vẫn khiến cho nhiều người thu nhập thấp rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Góc nhìn về vấn nạn trộm cắp

Theo ông Mark Cohen, chuyên gia nghiên cứu bán lẻ tại ĐH Columbia, nước Mỹ đang ở thời kỳ mà hành vi xấu được ‘bình thường hóa’. Trong đó, tội phạm bán lẻ cũng là một hậu quả đáng tiếc của việc này.

“Tôi có thể đồng cảm với việc ai đó lấy cắp một chiếc bánh sandwich vì họ đói. Tuy nhiên, tôi sẽ không thể cảm thông với một tên trộm lấy sạch sản phẩm trên kệ hàng rồi ung dung bước ra ngoài cửa”, ông Mark Cohen cho biết.

Theo Liên đoàn Bán lẻ Mỹ (NRF), hành vi trộm cắp có tổ chức tại các cửa hàng đang trở thành một nguyên nhân lớn gây ra hiện tượng “suy giảm” doanh số bán lẻ hàng năm. Đây là một thuật ngữ chỉ hàng hóa bị thất lạc do trộm cắp, gian lận, hư hỏng và các lý do khác.

Cụ thể, tổng doanh số bị “suy giảm” trong năm 2021 là 94,5 tỷ USD, tăng từ mức 90,8 tỷ USD của năm 2020. Điều đáng nói là hành vi trộm cắp sản phẩm quy mô lớn đã tăng tới 26,5% trong cùng thời điểm.

“Trải nghiệm mua sắm trở nên thật tồi tệ và nhiều khách hàng bị đặt vào thế nguy hiểm. Nạn trộm cắp thực sự là vấn đề cấp bách đối với cả ngành công nghiệp bán lẻ”, ông Cornell nhận định.

Tuy nhiên, ngay cả khi một công ty bán lẻ đầu ngành như Target đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn trộm cắp, nhiều doanh nghiệp vẫn bình thản và cho rằng vấn đề đang bị thổi phồng quá mức.

“Chúng tôi có lẽ đã kêu ca quá nhiều vào năm ngoái”, đại diện Walgreens chia sẻ về góc nhìn của họ về hành vi trộm cắp tại các cửa hàng.

Ngược lại, đối thủ của Target là Walmart lại cho biết nếu nạn trộm cắp tiếp tục gia tăng, các mặt hàng sẽ phải tăng giá hoặc hãng buộc phải đóng cửa một số chi nhánh.

(Nguồn: Zing News)

Mỹ có thêm 4 ngày để giải quyết vấn đề trần nợ

Số dư tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ đã giảm xuống còn 38,8 tỷ USD hôm 25/5, đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp cạn kiệt tiền mặt.

Trong một lá thư gửi cho các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ hôm 26/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, các nhà lập pháp hiện có thời hạn đến ngày 5/6 để nâng trần nợ của Mỹ nhằm tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc.

Tuyên bố của bà Yellen khiến không khí trong phòng đàm phán về trần nợ Mỹ có vẻ “dễ thở” hơn.

Trước đây, bà Yellen từng cảnh báo Mỹ có thể hết khả năng thanh toán ngay sau ngày 1/6. Trên thực tế, ngày mà chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể thay đổi bởi bản chất của dòng tiền liên bang là không thể đoán trước.

Cũng vì lý do này mà ước tính của bà Yellen đã vấp phải sự chỉ trích từ các đảng viên Cộng hòa, những người lập luận rằng hạn chót ngày 1/6 không khác gì một mưu đồ chính trị nhằm gây sức ép lên đảng Cộng hòa trong các cuộc đàm phán.

“Đó là câu trả lời cho những gì mà các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang thắc mắc về ngày X. Bây giờ chúng tôi đã biết, và điều này gây thêm áp lực cho chúng tôi”, Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán của đảng Cộng hòa, cho biết.

Tối 26/5, Tổng thống Biden bày tỏ hy vọng rằng một thỏa thuận có thể sớm đạt được. “Mọi thứ đang tốt đẹp. Tôi rất lạc quan”, ông Biden nói khi rời Nhà Trắng.

Ông McHenry cho biết, ông đồng tình với nhận xét của Tổng thống, đồng thời nhấn mạnh ằng các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc.

“Chúng tôi đang ở trong cố gắng đáp ứng thời hạn ngày 5/6, và chúng tôi đang phải giải quyết một số điều khoản thực sự khó khăn trong những giờ cuối cùng này”, ông McHenry nói thêm.

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phải giành được sự chấp thuận tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo trước khi Tổng thống Biden có thể ký thành luật, và quá trình này có thể mất hơn một tuần.

Mặc dù các nhà đàm phán đã làm việc ngày đêm, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào được công bố.

Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ, họ đã tạm thời đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ lên trong 2 năm, đồng thời áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt đối với chi tiêu tùy ý không liên quan đến quân đội hoặc cựu chiến binh trong cùng thời kỳ. Ngoài ra, chi tiêu quốc phòng sẽ được phép tăng 3% vào năm tới, theo yêu cầu ngân sách của ông Biden.

Bà Lael Brainard, giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng đã thúc giục các nhà đàm phán nỗ lực gấp đôi để đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

“Các nhà đàm phán đã đạt được nhiều tiến triển, hướng tới một thỏa thuận ngân sách hợp lý được cả hai đảng ủng hộ trong những ngày gần đây. Lá thư của Bộ trưởng Tài chính Yellen nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là Quốc hội phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ”, bà Brainard khẳng định

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Phe Dân chủ bất an với chiến thuật đàm phán trần nợ của ông Biden

Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ ngày càng lo lắng khi Tổng thống Biden quá "kiệm lời", khiến phe Cộng hòa giành ưu thế truyền thông trong cuộc chiến trần nợ.

Một số nghị sĩ Dân chủ lo ngại việc Tổng thống Joe Biden hạn chế đưa ra các tuyên bố công khai về cuộc khủng hoảng trần nợ sẽ khiến ông lép vế trong cuộc chiến thông điệp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cùng nhiều nghị sĩ Cộng hòa, những người gần đây liên tục đổ lỗi cho Nhà Trắng vì cuộc khủng hoảng trần nợ công.

Nhiều đảng viên Dân chủ khác cho rằng Tổng thống Biden đã sai lầm khi bác bỏ phương án kích hoạt Tu chính án thứ 14 để cứu Mỹ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, trong bối cảnh phe Cộng hòa coi khủng hoảng trần nợ như công cụ để gây sức ép với Nhà Trắng.

Nỗi lo lắng lớn nhất của họ là công chúng Mỹ sẽ đổ lỗi cho ai nếu chính quyền không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ, hoặc phe Cộng hòa đưa ra các điều kiện quá hà khắc. Nếu Nhà Trắng không tích cực hơn trong cuộc chiến truyền thông, đảng Dân chủ sợ rằng cử tri sẽ trút cơn giận dữ lên chính Tổng thống Biden, theo giới quan sát.

Một nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện cho rằng Nhà Trắng cần phải sử dụng hiệu quả hơn nữa "đòn bẩy truyền thông" để tăng sức ép với phe Cộng hòa trong cuộc đàm phán.

"Tổng thống cần tận dụng tối đa quyền lực của người đứng đầu Nhà Trắng để gửi thông điệp tới người dân Mỹ về những gì đang thực sự bị đe dọa ở đây", nhà lập pháp này nói. "Đến giờ, công chúng vẫn chưa nhận được thông tin đầy đủ về những gì đang diễn ra và nó có tác động như thế nào đến quốc gia".

Nỗi bất an của đảng Dân chủ đối với Tổng thống Biden không phải điều gì mới, nhưng nó diễn ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm, khi ông vừa khởi động nỗ lực tái tranh cử.

Các cuộc đàm phán về nâng trần nợ công giữa Tổng thống Biden với phe Cộng hòa tại Hạ viện do McCarthy dẫn đầu đến nay vẫn đình trệ và theo Bộ Tài chính, chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 5/6.

Một đảng viên Dân chủ khác tại Hạ viện than thở rằng Tổng thống Biden và Nhà Trắng chỉ tuyên bố trước ống kính truyền hình về việc nâng trần nợ, nhưng chưa thúc đẩy các biện pháp cắt giảm chi tiêu trong tương lai.

"Có vẻ như đảng Cộng hòa đang đánh bại chúng tôi trong cuộc chiến truyền thông", ông nói. "Nhà Trắng cần nhận ra rằng thông điệp của mình không được truyền tải và nhanh chóng có một số hành động quyết liệt để khắc phục điều đó và đảm bảo rằng họ sẽ khiến nhiều người lắng nghe mình hơn".

Hạ nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal cho biết Tổng thống Biden có thể phải trả giá bằng việc để mất lòng các cử tri tiến bộ, những người từng đóng vai trò quan trọng giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, nếu ông đồng ý với một thỏa thuận cho phép đảng Cộng hòa hiện thực hóa các ưu tiên cắt giảm ngân sách của họ.

"Tôi tin chắc Tổng thống biết rõ rằng chính một liên minh đa dạng, rất sôi nổi đã đưa ông vào Nhà Trắng và ông vẫn sẽ cần liên minh đó một lần nữa vào năm 2024", Jayapal cho hay, đồng thời cảnh báo về "những tác động của việc thực hiện một thỏa thuận tồi tệ cho phép đảng Cộng hòa đưa ra những quan điểm hoàn toàn vô lý".

"Tôi đã ủng hộ nhiệt tình Tổng thống trong những năm qua", bà nói thêm. "Tất cả những gì chúng tôi đã làm đều có được nhờ mối quan hệ đối tác, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ, trong đó có cả nhóm cử tri tiến bộ. Tôi nghĩ Tổng thống cần nhớ điều này bởi nếu chúng ta bị lép vế trong một thỏa thuận tồi tệ, phản ứng sẽ vô cùng dữ dội... Điều đó cũng sẽ là một trở ngại khủng khiếp cho các cuộc đàm phán trong tương lai".

Hạ nghị sĩ Dân chủ Cori Bush lưu ý rằng Tổng thống Biden nên ghi nhớ vai trò của "những người đã ủng hộ và thúc đẩy chương trình nghị sự mà ông theo đuổi", đồng thời tiếp cận thêm những người chưa đủ 18 tuổi vào năm 2020, nhưng sẽ đủ điều kiện bỏ phiếu vào năm sau.

Bà cảnh báo liên minh tái tranh cử của Tổng thống Biden sẽ "không được lợi ích gì" nếu ông chấp nhận một thỏa thuận với đảng Cộng hòa mà theo đó chính phủ phải cắt giảm ngân sách cho những điều quan trọng như chương trình giáo dục để đổi lấy việc nâng trần nợ công.

Nghị sĩ Dân chủ Jim Clyburn, đồng minh của Tổng thống Biden, cho biết ông chủ Nhà Trắng nên thương lượng hết mức có thể với phe Cộng hòa, nhưng nếu đối phương không chịu nhượng bộ, ông hoàn toàn có thể kích hoạt Tu chính án thứ 14 để đơn phương thanh toán các hóa đơn cho chính phủ.

Tu chính án thứ 14 cấm hành vi thoái thác trả nợ công, đồng nghĩa mọi hành vi ngừng thanh toán các khoản nợ và chi tiêu liên bang là vi hiến. Bởi vậy, nếu ông Biden kích hoạt điều khoản này, trần nợ do các nhà lập pháp đặt ra đối với nợ liên bang không được công nhận.

Điều đó sẽ giúp Tổng thống Biden có quyền ra lệnh thanh toán các khoản nợ của quốc gia dù chúng đã vượt mức trần 31.400 tỷ USD mà quốc hội đề ra. Đây là lựa chọn mà nhiều cử tri tiến bộ trong đảng Dân chủ khuyến khích Tổng thống áp dụng.

Một cuộc thăm dò do Đại học Monmouth công bố hôm 24/5 cho thấy 34% số người tham gia khảo sát tán thành cách Tổng thống Biden xử lý vấn đề nợ công, 32% tán thành cách các đảng viên Dân chủ trong quốc hội tiếp cận vấn đề và 29% đồng ý với các đảng viên Cộng hòa.

Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát từ hãng thăm dò dư luận Marist, 45% người trưởng thành ở Mỹ đổ lỗi cho đảng Cộng hòa về nguy cơ vỡ nợ, nhưng cũng có 43% đổ lỗi cho Tổng thống Biden.

Với nhiều đảng viên Dân chủ, cơn giận dữ của họ chủ yếu nhắm đến Chủ tịch Hạ viện McCarthy và các đảng viên Cộng hòa vì đã gạt các thỏa hiệp của họ khỏi bàn đàm phán, như đề xuất về các khoản thu thuế mới và cắt giảm chi tiêu quân sự. Điều này khiến danh sách các khoản chi tiêu có thể cắt giảm vốn đã ít ỏi nay càng trở nên hạn hẹp.

"Kevin McCarthy có quá nhiều lằn ranh đỏ", nghị sĩ Dân chủ Brendan Boyle nói.

Khi được hỏi hôm 24/5 rằng tại sao ông không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào với đảng Dân chủ trong các cuộc đàm phán nâng trần nợ công, McCarthy tuyên bố các khoản cắt giảm chi tiêu mà đảng Cộng hòa đề ra chính là sự nhượng bộ.

Nghị sĩ Pete Aguilar cho rằng về mặt lý thuyết, đáp ứng tất cả yêu cầu về ngân sách của Chủ tịch Hạ viện McCarthy là bất khả thi.

"Việc đạt được con số ngân sách mà ông ấy mong muốn ngày càng trở nên khó khăn", Aguilar nói. "Nó sẽ khiến chúng ta phải cắt giảm hơn 30% chi tiêu cho mọi thứ, từ phúc lợi cho trẻ em trong các gia đình thu nhập thấp đến chương trình hỗ trợ bữa ăn cho người nghèo".

(Nguồn: Vnexpress)

Với NOPEC, Mỹ có dễ "ra đòn" OPEC?

Hạ viện Mỹ đang xem xét thông qua dự luật không liên minh sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ (NOPEC) nhằm ngăn chặn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu dự luật này được thông qua, thì việc thực thi cũng không hề dễ dàng.

Đổ vỡ quan hệ Mỹ - Saudi Arabia

Khái quát lại, một nửa sức mạnh của nước Mỹ được giao phó cho đồng đô la. Đồng tiền này ra sức “o bế” mọi giao dịch, một trong những sứ mệnh vĩ đại của nó là kiểm soát mọi hoạt động trong lĩnh vực khai thác, phân phối dầu mỏ và khí đốt.

Để làm được điều này, Washington dùng “cây gậy” và “củ cà rốt” để vừa “đấm” vừa “xoa” tất cả các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, trong đó Saudi Arabia đóng vai trò chủ chốt. Nhưng chiến sự Nga- Ukraine và sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đẩy Saudi Arabia rời khỏi tầm tay Mỹ.

Từ cuối năm 2022 đến nay, OPEC đã hai lần cắt giảm sản lượng dầu với tổng cộng hơn 5 triệu thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden. Nguồn cung giảm, giá tăng gây thêm sức ép lạm phát ở Mỹ, giúp Moscow duy trì nguồn thu chống lại lệnh trừng phạt và duy trì chiến sự ở Ukraine. Nhưng quan trọng hơn cả, động thái gần đây của OPEC đe dọa ngôi vị của USD, vô hiệu hóa tiếng nói của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, giới lập pháp Mỹ nảy ra ý tưởng trả đũa Saudi Arabia. Việc sửa đổi, bổ sung đạo luật NOPEC có thể xem là điểm khởi phát cho hàng loạt rủi ro pháp lý mà OPEC có thể gặp phải trong tương lai.

NOPEC dự kiến “thu hồi quyền miễn trừ tư pháp quốc gia”. Theo đó, các thành viên OPEC hoàn toàn có thể bị khởi kiện tại Mỹ; bị cưỡng chế thi hành án; tài sản quốc gia có thể bị tịch thu,…

Riêng trong quý II/2022 khi giá dầu xác lập kỷ lục, Saudi Arabia bội thu, đầu tư 7,5 tỷ USD mua trái phiếu tại 17 doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, nước này cùng với Kuwait, UAE, Iraq nắm giữ tổng cộng 268 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Rất nhiều nhà tài phiệt từ Trung Đông đang đầu tư hàng nghìn tỷ USD ở Mỹ và châu Âu, sở hữu bất động sản siêu sang, câu lạc bộ bóng đá…

Tài sản khổng lồ bên ngoài của OPEC là điểm yếu để Washington sử dụng đạo luật NOPEC. Dù vậy, giới phân tích hoài nghi khả năng dự luật trên sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh giá dầu gần đây liên tục “lao dốc” do thị trường lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Bình ổn giá năng lượng là mong muốn của hầu hết quốc gia, có nghĩa rằng, đảm bảo nguồn cung dồi dào trong môi trường tiêu thụ lành mạnh sẽ kích thích phục hồi kinh tế toàn cầu, đẩy lùi lạm phát. Song, OPEC và Nga luôn muốn tối đa hóa lợi nhuận, trong khi Mỹ và châu Âu không bao giờ chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi.

Giá dầu hiện chỉ còn 75USD/thùng, đây là điều kiện lý tưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, dập tắt nguy cơ khủng hoảng năng lượng. Tuy vậy, mục đích cuối cùng của Mỹ là khuất phục OPEC, giành quyền kiểm soát thị trường năng lượng.

Trên thực tế, không mấy khi thị trường dầu mỏ đáp ứng kỳ vọng chung, thường bị cuốn theo các biến động địa chính trị, cạnh tranh giữa các siêu cường dẫn đến hai thái cực: Giá dầu rớt sâu hoặc tăng kỷ lục để phục vụ mục đích chính trị.

Liệu đạo luật NOPEC có thể được thông qua? Khả năng này là không cao, một phần nguyên nhân xuất phát từ lợi ích Mỹ. Một khảo sát thực hiện bởi Morning Consult và Politico cho biết chỉ dưới một nửa số cử tri Mỹ tham gia ủng hộ dự luật NOPEC, bao gồm hơn một nửa đảng viên Dân chủ và 40% đảng viên Cộng hòa.

Giá dầu quá thấp khiến ngành khai thác công nghiệp năng lượng Mỹ kém cạnh tranh. Bởi vì, chi phí sản xuất dầu ở Mỹ cao hơn nhiều so với Saudi Arabia, kể cả khi các bên đưa nhau vào cuộc đua xuống đáy, OPEC vẫn có lợi thế nhất định.
Trong trường hợp NOPEC có hiệu lực, OPEC sẽ nhượng bộ? Không hoàn toàn! Châu Á đang nổi lên là thị trường tiêu dùng mạnh nhất thế giới; nhiều quốc gia đã thanh toán giao dịch dầu mỏ bằng nội tệ, thay vì USD. Đặc biệt, BRICS dự kiến sẽ phát hành đồng tiền chung cho mục đích này.

Ở phương diện khác, Mỹ không còn hiện diện quân sự đáng kể ở Trung Đông. Việc Mỹ gia tăng các biện pháp hạn chế đối với OPEC có thể tạo cơ hội để những nhà cung cấp vũ khí khác thay thế vai trò của Mỹ tại khu vực này, nhất là khi Saudi Arabia đang là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

'Trận chiến' mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở châu Phi

Trận chiến lớn tiếp theo trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Phi được cho là giành quyền kiểm soát nguồn khoáng sản được sử dụng trong điện tử và pin xe điện.

Báo The Economist mới đây đăng một bài phân tích cho thấy Mỹ có kế hoạch sử dụng châu Phi làm nhà cung cấp những khoáng sản quan trọng nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc đối với các khoáng sản này.

Trung Quốc là bên thống trị toàn cầu trong việc tinh chế những khoáng sản chiến lược, tinh chế 68% niken trên toàn cầu, 40% đồng, 59% lithium và 73% coban, theo Viện Brookings (Mỹ).

Các quan chức Mỹ đang lo lắng về việc Trung Quốc trở thành “một OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) về một trong những khoáng sản quan trọng”, và đang tiến hành ngoại giao tích cực hơn ở châu Phi.

Mỹ sẵn sàng hành động?

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có chuyến công du châu Phi kéo dài một tuần bắt đầu vào cuối tháng 3. Trong cuộc gặp Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan ngày 30.3, bà Harris cho hay Tanzania đang xây dựng một cơ sở chế biến khoáng sản quan trọng với sự hỗ trợ của Mỹ và cơ sở này sẽ cung cấp niken cấp pin cho Mỹ cũng như thị trường toàn cầu vào năm 2026, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Đây là động thái mới nhất nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên. Vào cuối năm ngoái, Mỹ đã ký kết một biên bản ghi nhớ với CHDC Congo (DRC) và Zambia nhằm giúp hai nước thiết lập chuỗi cung ứng mới về pin cho xe điện.

Trong bài bình luận gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), ông Christian-Géraud Neema, cộng tác viên cao cấp của chương trình châu Phi thuộc CSIS, cho rằng biên bản ghi nhớ với DRC và Zambia “báo hiệu sự sẵn sàng hành động của chính quyền Tổng thống Joe Biden và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng nhiều càng tốt”. Ông nhận định tiếp: “Mỹ đang thực hiện một bước hướng tới cách tiếp cận khá cụ thể bằng cách giải quyết các nhu cầu kinh tế và công nghiệp của DRC và Zambia”.

DRC cho đến nay là nhà xuất khẩu coban lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu. Quốc gia này còn giàu kim cương, vàng, đồng, thiếc, tantal và lithium, và là nhà sản xuất đồng lớn nhất ở châu Phi. Zambia cũng rất giàu đồng và coban.

Các công ty Trung Quốc đã đầu tư lớn vào cả hai quốc gia này và đang tìm nguồn cung ứng 60% coban từ DRC, theo SCMP. Ngoài DRC, các công ty Trung Quốc cũng xâm nhập Zimbabwe, nơi được ước tính có trữ lượng lithium chưa được khai thác lớn nhất châu Phi. Lithium là nguyên liệu thô chính trong pin dành cho xe điện.

“Chiến trường quan trọng”

Ông Will McDonough, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản EMG Advisors (Mỹ), dự đoán vấn đề địa chính trị và vĩ mô toàn cầu lớn nhất trong 10 hoặc 20 năm tới sẽ là việc kiểm soát các khoáng sản quan trọng hoặc kim loại làm pin, với châu Phi là chiến trường quan trọng, theo SCMP.

“Chúng tôi không thể cho phép Trung Quốc trở thành OPEC về lithium, đồng, coban và niken, nếu không, bất kỳ sự phát triển nào trong tương lai của năng lượng xanh này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự cho phép và đặt ra giá của họ. Việc phụ thuộc không tốt cho thương mại tự do hay đổi mới, nhưng là thực tế mà chúng ta đang đối mặt”, ông McDonough cảnh báo.

Ngoài ra, ông Chris Berry, Chủ tịch công ty tư vấn hàng hóa House Mountain Partners (Mỹ), dự đoán sẽ mất nhiều năm Mỹ mới có cơ hội đạt được chuỗi cung ứng khoáng sản làm pin mà không “đụng chạm” đến Trung Quốc theo bất kỳ cách nào.

Trong khi đó, ông David Shinn, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-châu Phi tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington (Mỹ), nhận định các công ty nhà nước của Trung Quốc sẽ chấp nhận rủi ro lớn hơn và thậm chí chấp nhận thua lỗ đối với các khoản đầu tư ảnh hưởng đến lợi ích an ninh chính của Trung Quốc. “Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính của chính phủ hơn so với các công ty tư nhân của Mỹ”, ông Shinn bình luận.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ có thể đưa ra những tiêu chuẩn môi trường cao hơn, một yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong việc khai thác và sản xuất các khoáng sản, và cũng có thể sẵn sàng chuyển giao nhiều kỹ năng hơn cho các đối tác châu Phi của họ, theo ông Shinn.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang