Mỹ: Tình báo tụt hậu; Các vụ lộ tài liệu mật; Nhà Trắng chỉ trích đảng Cộng hòa; Dự luật khí hậu; Cử quan chức tới Phi

TÌNH BÁO MỸ ĐANG TỤT HẬU

(Ảnh minh hoạ).

Tình báo Mỹ bị đánh giá hoạt động kém hiệu quả và tụt hậu so với các đối thủ khi không đủ năng lực khai thác, tận dụng thông tin từ các nguồn mở, có sẵn.

Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ mới được công bố cho thấy các thông tin hữu dụng nhất với giới hoạch định chính sách của Washington không đến từ hoạt động gián điệp, mà chủ yếu dựa vào các báo cáo công khai, các kênh thông tin ngoại giao, hay đánh giá của các chuyên gia, gọi chung là tình báo nguồn mở, theo AP.

Sự tụt hậu của tình báo Mỹ

Báo cáo được Ủy ban Tình báo Hạ viện tiến hành dựa vào các tài liệu mật thu thập giai đoạn 2019-2020. Ủy ban kết luận những thông tin dựa trên hoạt động tình báo đặc thù không mang lại nhiều giá trị, hoặc ít có giá trị hơn so với từ các nguồn khác.

Kết luận trên trùng khớp với các cảnh báo của giới quan chức, cựu quan chức tình báo Mỹ đưa ra trước đó, rằng bộ máy gián điệp trị giá 90 tỷ USD của Washington đang ngày càng tụt hậu khi không quan tâm đúng mức tới các nguồn thông tin tình báo nguồn mở, nếu so với các đối thủ như Trung Quốc.

Điều này không phủ nhận tầm quan trọng của hoạt động tình báo truyền thống. Các cơ quan tình báo có khả năng xâm nhập các mạng lưới thông tin liên lạc toàn cầu, cài cắm đầu mối liên lạc. Thành tích đáng chú ý nhất gần đây là việc tình báo Mỹ giúp Washington sớm phát hiện các diễn biến ở biên giới Nga - Ukraine từ cuối năm 2021.

Tuy nhiên, cộng đồng tình báo Mỹ bị chỉ trích đã thất bại khi không thu thập được các dữ liệu đáng tin cậy trong giai đoạn đầu Covid-19 bùng phát, khiến Washington không kịp triển khai các biện pháp ứng phó cần thiết. Các nỗ lực xác định nguồn gốc dịch bệnh sau đó cũng thất bại, theo Reuters.

Nhiều chuyên gia lo ngại Mỹ không đầu tư đủ nguồn lực để phân tích dữ liệu công khai có sẵn hoặc tận dụng công nghệ tiên tiến có thể mang lại thông tin nội bộ quan trọng.

Ảnh vệ tinh thương mại, mạng xã hội, dữ liệu trực tuyến đã giúp các công ty tư nhân và giới chuyên gia độc lập phơi bày bí mật của nhiều quan chức chính phủ. Các đối thủ của Mỹ, như Trung Quốc, hiện nắm trong tay lượng dữ liệu khổng lồ của người Mỹ. Việc Washington cấm TikTok phần nào phản ánh quan ngại này.

"Nguồn mở thực sự là yếu tố quyết định liệu cộng đồng tình báo có khả năng bảo vệ đất nước hay không. Nước Mỹ đang không chuẩn bị phòng thủ trước loại vũ khí mà đối phương đang dự trữ", Kristin Wood, cựu quan chức cấp cao CIA, nói.

Các cơ quan tình báo Mỹ đối mặt nhiều trở ngại khi sử dụng các nguồn thông tin mở, một số thuộc khía cạnh kỹ thuật. Ví dụ, các quan chức làm việc trên mạng máy tính mật thường khó truy cập mạng không mật hoặc nguồn dữ liệu mở. Ngoài ra, có các lo ngại về quyền tự do dân sự, quyền tự do cơ bản.

Nhưng một số chuyên gia hoài nghi các cơ quan tình báo có vẻ mắc kẹt với quan điểm lỗi thời rằng thông tin mật có giá trị hơn thông tin nguồn mở.

Hạ nghị sĩ Jim Himes, thành viên lâu năm của Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng cần có sự thay đổi về văn hóa làm việc trong các cơ quan như CIA, nơi các đặc vụ "đánh cắp bí mật vì thú vui" thay vì phân tích các trang mạng xã hội vốn có thể mang lại hiệu quả cao hơn.

Trong cuộc kiểm tra do Cơ quan Tình báo Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành, một nhóm đặc vụ tranh tài với một chương trình máy tính nhằm phát hiện các trận địa tên lửa phòng không của Trung Quốc dựa trên ảnh vệ tinh. Hai bên đều phát hiện 90% số trận địa, nhưng chương trình máy tính hoàn thành trong 42 phút, còn nhóm đặc vụ con người cần thời gian gấp 80 lần.

Nỗ lực đổi mới

Hiện nay, giới lập pháp cũng như quan chức tình báo theo dõi rất sát các báo cáo sử dụng ảnh vệ tinh, bài đăng trực tuyến và các nguồn thông tin mở khác.

"Có sẵn rất nhiều nguồn thông tin mở mà cộng đồng tình báo Mỹ có thể sử dụng. Điều cần làm là tìm cách tận dụng hệ sinh thái ấy", Frederick Kagan, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách AEI, nhận định.

Các cơ quan tình báo Mỹ đều có các chương trình thông tin nguồn mở. Tuy nhiên, giới chức tình báo cấp cao thừa nhận các chương trình này không hoạt động thống nhất.

"Chúng ta không quan tâm đủ tới các đơn vị khác, không học những gì các đơn vị tình báo khác học được. Chúng ta cũng không tận dụng chuyên môn và thông tin từ chuyên gia bên ngoài, điều đáng lý có thể mang lại lợi ích", Arvil Haines, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, nói.

Trung tâm Nguồn mở của CIA là đơn vị kế thừa Cơ quan Thông tin Phát thanh Nước ngoài - chuyên môn của đơn vị này là giám sát các chương trình phát thanh và chuyển cho đơn vị phân tích, theo Fortune.

Công việc này đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua. Từ chỗ phải đi quãng đường dài để nhận băng phát sóng tại những nơi xa xôi, hoặc nơi người Mỹ không thể tiếp cận, các đặc vụ giờ có thể làm việc qua các kênh trực tuyến hoặc tự động. Những người nghe băng và phiên âm giờ bị thay thế bằng máy móc.

Giới chức tình báo thừa nhận cần nỗ lực hơn nữa tăng cường tận dụng thông tin nguồn mở cho hoạt động tình báo.

Trung tâm Nguồn mở của CIA từng trải qua 3 năm liên tiếp bị cắt giảm ngân sách, tình hình đã được cải thiện vào năm ngoái. CIA cũng đã bổ nhiệm lãnh đạo mới cho cơ quan này, đồng thời thành lập một trung tâm chuyên về công nghệ từ 2021.

"Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của các nguồn thông tin mở trong bối cảnh dữ liệu sẵn có ngày càng nhiều. CIA đang nỗ lực bắt kịp xu hướng và vượt lên trước các đối thủ", CIA cho biết.

Tuy vậy, cộng đồng tình báo Mỹ chưa thống nhất có cần tạo ra một cơ quan mới chuyên xử lý thông tin nguồn mở hay không.

Những người ủng hộ cho rằng bước đi này là cần thiết, cơ quan mới thành lập sẽ tập trung ứng dụng những công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm hữu dụng để thu thập, phân tích, xử lý thông tin nguồn mở.

Ngược lại, phe phản đối quan ngại việc thành lập một cơ quan mới sẽ làm phình to một cách không cần thiết bộ máy tình báo, hao tổn nguồn lực dành cho các cơ quan hiện nay.

(Nguồn: Zing News)

CÁC VỤ LỘ TÀI LIỆU MẬT CỦA ÔNG BIDEN VÀ NGƯỜI TIỀN NHIỆM TRUMP CÓ GIỐNG NHAU?

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã chỉ định 2 công tố viên đặc biệt để điều tra độc lập việc xử lý các hồ sơ mật của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.

Jack Smith, công tố viên nổi tiếng là “khắc tinh” của tội phạm chiến tranh, đang tìm hiểu xem liệu cựu Tổng thống Trump hoặc các cộng sự có lưu trữ trái phép các tài liệu mật tại tư dinh của ông ở bang Florida sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2021 và sau đó cố gắng cản trở một cuộc điều tra liên bang hay không.

Công tố viên Robert Hur tại bang Maryland đang phụ trách điều tra việc di dời và lưu giữ các hồ sơ mật từ thời Tổng thống Joe Biden còn giữ chức Phó tổng thống, cũng như việc phát hiện ra chúng tại nhà riêng và văn phòng một thời của ông tại một tổ chức tư vấn.

Những điểm tương đồng giữa hai vụ việc

Theo Reuters, cả ông Trump và ông Biden lẽ ra không nên cất giữ bất kỳ tài liệu mật nào. Luật pháp Mỹ quy định, trong giai đoạn chuyển tiếp tổng thống, hồ sơ của chính quyền tiền nhiệm phải được giao lại cho Cơ quan Lưu trữ quốc gia (NARA) quản lý một cách hợp pháp.

Việc cố ý di dời hoặc lưu giữ các tài liệu mật là phạm pháp. Việc lưu trữ và bảo mật không đúng cách những tài liệu đó có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu.

Ông Biden nói, bản thân rất ngạc nhiên khi biết mình đang nắm trong tay các giấy tờ mật của chính quyền trước kia. Về phần mình, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội dù không cung cấp bằng chứng rằng, ông đã giải mật các hồ sơ. Các luật sư của cựu Tổng thống từ chối lặp lại khẳng định này trong hồ sơ tòa án.

Các tài liệu mật bị rò rỉ có từ thời ông Biden còn là Phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama từ năm 2009 - 2017 và khi ông Trump còn đương chức Tổng thống giai đoạn 2017 - 2021.

Những điểm khác biệt

Các chuyên gia pháp lý cho biết có sự khác biệt rõ rệt giữa hai trường hợp.

Trong trường hợp của ông Trump, suốt hơn 1 năm sau khi ông mãn nhiệm, NARA đã cố gắng lấy lại toàn bộ hồ sơ ông giữ lại, nhưng không thành công. Khi ông Trump cuối cùng trả lại 15 hộp tài liệu vào tháng 1/2022, các nhân viên của Cục đã phát hiện chúng chứa các giấy tờ mật.

Vụ việc đã được chuyển đến Bộ Tư pháp, nơi ban hành trát đòi hầu tòa của đại bồi thẩm đoàn vào tháng 5/2022 nhằm yêu cầu cựu lãnh đạo Nhà Trắng trả lại mọi tài liệu mật. Các điều tra liên bang sau đó đến tư dinh của ông Trump, nơi các luật sư của ông trao trả một số hồ sơ và khẳng định không còn tài liệu mật nào tại đây.

Tuy nhiên, thêm các bằng chứng do Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) thu thập được, kể cả các hình ảnh video giám sát quay bên trong khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida của ông Trump đã khiến FBI yêu cầu tòa án phê chuẩn lệnh khám xét nơi này. Trong cuộc đột kích Mar-a-Lago ngày 8/8/2022, các đặc vụ FBI đã thu giữ thêm 13.000 tài liệu với khoảng 100 tài liệu trong số đó được đánh dấu là mật.

Trong trường hợp của ông Biden, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho hay, các luật sư của đương kim Tổng thống đã thông báo cho NARA và Bộ Tư pháp hồi tháng 11/2022 về việc phát hiện gần một chục tập tài liệu mật bên trong tủ quần áo tại Trung nghiên cứu chính sách Penn Biden ở thủ đô Washington.

Sau đó, các luật sư tiếp tục kiểm tra bổ sung và tìm thấy thêm nhiều tài liệu mật ở các tư dinh của ông Biden ở Wilmington và Rehoboth, bang Delaware trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay. Toàn bộ số tài liệu này đã được bàn giao cho nhà chức trách.

Các rắc rối pháp lý

Việc di dời và lưu giữ tài liệu mật chỉ phạm pháp khi là hành vi cố ý. Các công tố viên thường sẽ không theo đuổi cáo buộc về việc vô tình lưu giữ hồ sơ mật, nhưng nếu có bằng chứng về khả năng cản trở công lý, điều đó có thể thay đổi mọi thứ. Vì vậy, các chuyên gia pháp lý nhận định, ông Trump đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm pháp lý hơn đáng kể so với ông Biden.

Cho đến nay, Bộ Tư pháp không có bất kỳ ám chỉ nào về việc ông Biden có thể cố ý giữ lại hồ sơ hoặc từ chối trả lại cho chính phủ. Ngoài ra, do đang là đương kim Tổng thống, ông Biden cũng khó có khả năng bị truy tố. Đây là chính sách lâu nay của Bộ Tư pháp Mỹ.

(Nguồn: Vietnamnet)

NHÀ TRẮNG CHỈ TRÍCH ĐẢNG CỘNG HÒA 'ĐẠO ĐỨC GIẢ'

(Ảnh minh hoạ).

Nhà Trắng nhắc đến việc Chủ tịch Hạ viện phải đưa ra những "nhượng bộ bí mật" với đảng viên Cộng hòa để chỉ trích đảng này "đạo đức giả" trong vụ tài liệu mật của ông Biden.

Người phát ngôn Nhà Trắng Ian Sams hôm 17/1 so sánh phản ứng của đảng Cộng hòa trong vụ phát hiện tài liệu mật thời chính quyền Barack Obama ở văn phòng cũ, nhà riêng của Tổng thống Joe Biden với việc đảng này phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu để bầu Kevin McCarthy làm Chủ tịch Hạ viện hồi đầu tháng này.

"Họ đang giả vờ phẫn nộ về việc công bố thông tin và minh bạch. Thực tế, họ sẽ không yêu cầu Chủ tịch Hạ viện tiết lộ thỏa thuận bí mật mà ông ấy đã thực hiện để nhận được sự ủng hộ từ các thành viên Cộng hòa cực hữu trong cuộc họp kín", Sams nói với phóng viên.

"Chúng tôi đang tìm hiểu từng chút một những thứ mà ông ấy đã trao đổi trong các cuộc đàm phán đó và tác động nghiêm trọng của chúng đối với công chúng Mỹ", người phát ngôn Nhà Trắng nói thêm.

Để có đủ số phiếu trở thànhh Chủ tịch Hạ viện, McCarthy đã chấp nhận những nhượng bộ lớn, trong đó có quy tắc bất kỳ ai trong số 435 thành viên Hạ viện đều có thể yêu cầu tiến hành bỏ phiếu phế truất ông bất cứ lúc nào. McCarthy đã nói rằng cần có thêm dữ liệu về các tài liệu mật của ông Biden, bao gồm việc liệu có thêm những tài liệu mật chưa được tìm thấy.

Cuộc họp báo của Sams nhằm phản bác lại những chỉ trích của đảng Cộng hòa vì cách Nhà Trắng xử lý tài liệu mật được phát hiện ở văn phòng, nhà riêng ông Biden. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa yêu cầu FBI phải khám nhà ông Biden, tương tự trường hợp của cựu tổng thống Donald Trump.

Theo Sams, việc công bố thông tin thường xuyên trong quá trình điều tra của Bộ Tư pháp có nguy cơ dẫn đến các câu trả lời không đầy đủ. Một số câu hỏi có thể không được trả lời cho đến khi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt hoàn tất.

Khi được hỏi liệu Bộ Tư pháp có yêu cầu Nhà Trắng không tiết lộ những điều cụ thể cho công chúng hay không, Sams cho biết sẽ không mô tả chi tiết các cuộc trò chuyện giữa bộ và luật sư của ông Biden. Nhà Trắng đã nhận được "vài lá thư" từ Ủy ban Giám sát Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo về vấn đề này, đang xem xét chúng và sẽ đưa ra quyết định về phản ứng trong thời gian tới.

"Cam kết của chúng tôi là làm việc thiện chí với quốc hội. Khi họ đưa ra yêu cầu, chúng tôi sẽ hành động một cách thiện chí. Chúng tôi chỉ mong rằng các thành viên quốc hội cũng có thiện chí như vậy", người phát ngôn Nhà Trắng nói thêm.

Nhà Trắng gần đây liên tục thông báo phát hiện tài liệu mật thời ông Biden còn làm phó tổng thống trong chính quyền Obama tại nhà riêng của ông ở thành phố Wilmington, bang Delaware. Những tài liệu mật đầu tiên được tìm thấy hồi tháng 11/2022 trong văn phòng tại thủ đô Washington, nơi ông Biden sử dụng từ giữa năm 2017 với tư cách cựu phó tổng thống, cho đến khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ hôm 13/1 tuyên bố mở cuộc điều tra việc Bộ Tư pháp xử lý các tài liệu mật được lưu trữ không đúng cách do Tổng thống Biden sở hữu. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ James Comer, đảng viên Cộng hòa, cũng đang yêu cầu có thêm thông tin về sự việc.

Vụ xử lý sai tài liệu mật liên quan đến Tổng thống Biden tạo sức ép chính trị và dư luận ngày một lớn. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã chỉ định Robert Hur, quan chức do chính quyền Trump bổ nhiệm, làm công tố viên đặc biệt điều tra sự việc.

(Nguồn: Vnexpress)

DỰ LUẬT KHÍ HẬU CÓ TÁC ĐỘNG LỚN CỦA MỸ GÂY LO NGẠI VỀ TRỢ CẤP CỦA EU

Đạo luật giảm lạm phát của Hoa Kỳ (IRA) sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch hơn và đại diện cho thỏa thuận khí hậu quan trọng nhất kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận xét hôm thứ Ba 17/1.

Giám đốc điều hành IEA Birol phát biểu trước một hội thảo về an ninh năng lượng tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos rằng an ninh năng lượng hiện là động lực lớn nhất của đầu tư về khí hậu, khi các quốc gia tìm cách đảm bảo nguồn cung.

Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry đã phát biểu trước một hội đồng về tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon rằng cách duy nhất để tránh thiệt hại thảm khốc do biến đổi khí hậu gây ra là các chính phủ và các công ty phải chịu chi tiêu nhiều.

“Làm thế nào để chúng ta đạt được điều đó? Bài học mà tôi đã học được trong những năm qua... là tiền, tiền, tiền, tiền, tiền, tiền, tiền”, Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ Kerry nói về điều cần thiết để thế giới có cơ hội đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong khi các nước châu Âu hoan nghênh cam kết mới về chuyển đổi năng lượng của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, một số người nói họ lo ngại điều đó có thể gây bất lợi cho các công ty của họ.

“Tôi hiểu tầm quan trọng của Đạo luật từ quan điểm của Hoa Kỳ, nhưng ở khía cạnh khác, tôi cũng cần phải nghĩ về lợi ích của châu Âu”, Jozef Sikela, Bộ trưởng Bộ Công thương Séc, nói tại hội đồng WEF với ông Birol.

Bộ trưởng Sikela cho biết các hộ gia đình và ngành công nghiệp châu Âu đang phải trả chi phí lớn nhất cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, trong khi luật mới của Hoa Kỳ sẽ thu hút các nhà đầu tư và buộc các chính phủ phải cạnh tranh về mức trợ cấp.

Ông nói: “Khi chúng ta bắt đầu phản đối về việc trợ cấp, điều này thật nguy hiểm”, đồng thời nói thêm rằng châu Âu nên vận động hành lang để được miễn trừ khỏi dự luật trị giá 430 tỷ USD mà ông Biden đã ký thành luật vào năm ngoái.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, gây ra bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga, đã tác động trên khắp Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên, với giá khí đốt năm ngoái cao hơn gần 90% so với năm trước.

Vicki Hollub, giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu mỏ Hoa Kỳ Occidental Petroleum, nói rằng đạo luật của Hoa Kỳ là một trong những dự luật tạo biến chuyển nhiều nhất từng được ký kết.

Nhưng bà chỉ trích các chính phủ châu Âu về việc đánh thuế các công ty nhiên liệu hóa thạch, những công ty cũng đang phát triển năng lượng tái tạo.

Bà nói tại hội thảo rằng các khoản trợ cấp rất quan trọng đối với sự phát triển của các công nghệ mới.

(Nguồn: VOA)

SAU TRUNG QUỐC, MỸ CỬ QUAN CHỨC HÀNG ĐẦU TỚI CHÂU PHI

(Ảnh minh hoạ).

Từ một khu vực “bị lãng quên”, châu Phi giờ đây trở thành trung tâm ngoại giao nhộn nhịp nhất thế giới, với cuộc đua ảnh hưởng quyết liệt nhất giữa Trung Quốc, Nga và các nước phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 17/1 đã đến Senegal bắt đầu chuyến thăm châu Phi kéo dài 11 ngày và dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Macky Sall, đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi. Zambia và Nam Phi sẽ là các chặng dừng chân tiếp theo. Trong một thông cáo, Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, bà Janet Yellen sẽ tận dụng cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác kinh tế với châu Phi, trong đó có việc mở rộng các dòng chảy thương mại.

Bà Janet Yellen là quan chức đầu tiên trong số các quan chức cấp cao Mỹ dự kiến đến châu Phi trong năm nay, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Theo chuyên gia Cameron Hudson tại Trung tâm Nghiên cứu và chiến lược quốc tế, điều này là khởi đầu cho sự tham gia thường xuyên của Mỹ với châu Phi và là điều mà Mỹ đã bỏ lỡ trong nhiều năm qua.

“Một trong những bước đi mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiến hành là lôi kéo thêm ngày nhiều nước châu Phi vào trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, trên tất cả thông điệp mà Mỹ muốn gửi đi là họ đang hiện diện tại châu Phi. Đó thông điệp không chỉ gửi tới châu Phi, mà còn tới Trung Quốc và tới Nga, những nước cạnh tranh với Mỹ tại thị trường giàu tiềm năng này”.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm 2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng cường cam kết với châu Phi khi nối lại lần đầu tiên sau 8 năm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi vào tháng 12/2022. Mỹ cũng đưa ra các cam kết đầu tư lên tới 55 tỷ USD trong 3 năm tới và ủng hộ ý tưởng về việc Liên minh châu Phi trở thành một thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20).

Trong phát biểu hồi năm ngoái về tầm quan trọng của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh: “Mỹ biết rằng, trong hầu hết những thách thức và cơ hội cấp bách mà chúng ta phải đối mặt, châu Phi sẽ tạo ra sự khác biệt. Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu của mình trên toàn thế giới nếu không có sự lãnh đạo của các chính phủ, tổ chức và người dân tại châu Phi dù đó là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và bao trùm hay chống biến đổi khí hậu,… Mỹ tin rằng đã đến lúc ngừng coi châu Phi như một chủ thể địa chính trị, mà hãy coi châu lục như một nhân tố địa chính trị quan trọng”.

Châu Phi là một châu lục giàu tiềm năng, đặc biệt là dầu mỏ, có quan hệ kinh tế và chính trị với cả Nga, Trung Quốc và phương Tây. Tuy nhiên đây lại cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây. Chiến lược châu Phi mới của Mỹ coi châu Phi là một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia và khẳng định sẽ tận dụng các thể chế phòng thủ dân sự để mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược có chung giá trị và ý chí.

Nhà phân tích William Gumede tại Democracy Works đánh giá tình hình hiện nay giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra ở châu Phi, nơi các bên đối địch đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại của Mỹ với châu Phi đã giảm trong những năm gần đây và để duy trì, cũng như củng cố ảnh hưởng tại một khu vực có quá nhiều “Ông lớn” ngấp nghé như châu Phi, thách thức đối với Mỹ chắc chắn sẽ không hề ít.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Mỹ: USD bị bán tháo; Đằng sau sự cố tài liệu mật; 'Đắc lợi' khi Nga bị cấm vận; Giành ảnh hưởng với TQ; Cuộc đua tại Phi ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang