Mỹ: Tin xấu cho kinh tế; Đối phó làn sóng di cư; Món quà trời ban cho Trump; Bán trực thăng cho Đức; 'Tan băng' ngoại giao TQ

Tin xấu cho kinh tế Mỹ: Người dân quá quen với lạm phát cao, vì thế lạm phát không thể hạ nhiệt?

(Ảnh minh họa).

Cách đây 2 năm, hầu hết mọi người nhận định một khi những tác động nhất thời biết mất, cung và cầu ổn định trở lại thì lạm phát sẽ tự động quay về 2%. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Mùa thu năm ngoái, khắp nơi trên đất Mỹ mọi người đều bàn về lạm phát. Lạm phát trở thành chủ đề thống trị cuộc bầu cử giữa kỳ. Cứ 5 người được hỏi thì 1 người sẽ cho rằng đó chính là vấn đề quan trọng nhất của quốc gia, theo khảo sát của Gallup.

Thế nhưng những ngày này sự chú ý của dân Mỹ đang tập trung ở nơi khác. Chỉ 9% người được Gallup khảo sát đưa ra câu trả lời là lạm phát, đứng sau 2 vấn đề “sự lãnh đạo của chính phủ” và “sức khỏe nền kinh tế nói chung”. Lạm phát chỉ đứng trước 2 vấn đề tẻ nhạt là nhập cư và súng.

Đây là tin tốt? Rất tiếc câu trả lời là không. Người dân Mỹ không còn quan tâm đến lạm phát có nghĩa là họ đã quen với lạm phát cao. Đây là tin xấu bởi vì mọi người càng coi lạm phát là điều hiển nhiên thì nhiều khả năng lạm phát sẽ càng kéo dài lâu hơn. Tiếp theo, Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ bắt buộc phải lựa chọn giữa chấp nhận nền kinh tế suy thoái sâu để lạm phát giảm xuống hoặc từ bỏ mục tiêu lạm phát 2%.

Hôm qua Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,9% trong tháng 4, mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây và đã giảm mạnh so với đỉnh 9,1% lập hồi tháng 6 năm ngoái. Nguyên nhân chủ chốt là do giá xăng giảm.

Con số này giúp giải thích tại sao mọi người không còn quan tâm nhiều đến lạm phát. Tuy nhiên, không thể bỏ qua sự thật lạm phát vẫn là 1 vấn đề gây nhức nhối. Lạm phát lõi – đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng – sẽ là chỉ báo tốt hơn, sát với thực tế hơn. Tháng 4, chỉ số lạm phát lõi ở mức 5,5%, giảm nhẹ so với con số 5,6% của tháng 3. Nếu loại bỏ cả giá nhà ở và giá dịch vụ để có được lạm phát siêu lõi mà Fed theo dõi sát sao, sẽ thấy lạm phát vẫn đang neo ở mức khá cao.

Và khi mà tiền lương – yếu tố ảnh hưởng rất mạnh đến giá dịch vụ - vẫn tiếp tục tăng trưởng 5% trong 4 tháng đầu năm thì lạm phát còn lâu mới có thể giảm xuống mức mục tiêu 2%.

Gốc rễ của lạm phát hiện nay có 2 nguồn chính. Thứ nhất là nguồn cung (từ hàng hóa, dịch vụ đến nhân lực) bị gián đoạn do đại dịch và xung đột ở Ukraine. Thứ hai là lãi suất gần 0 cùng với các gói kích thích khiến nhu cầu tăng vọt.

Cả 2 yếu tố này đều đã lắng xuống. Hiện chuỗi cung ứng đã hoạt động trơn tru trở lại. Nguồn cung nhân lực gần như hồi phục hoàn toàn với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động đã ngang bằng với mức trước dịch. Giá xăng quay trở lại mức trước khi Nga đưa quân tới Ukraine. Về phía cầu, các gói kích thích tài khóa đã hết hạn và kể từ tháng 3/2022 Fed đã tăng lãi suất rất mạnh từ gần 0 lên 5-5,25%.

Cách đây 2 năm, hầu hết mọi người nhận định một khi những tác động nhất thời biết mất, cung và cầu ổn định trở lại thì lạm phát sẽ tự động quay về 2%. Trên thực tế, đúng là một số mặt hàng đã giảm giá mạnh. Nhưng nhận định của 2 năm trước đã không tính đến 1 điều quan trọng: các tác động nhất thời càng kéo dài thì nguy cơ lạm phát dai dẳng càng lớn vì người dân sẽ tự điều chỉnh để thích nghi với lạm phát cao.

Theo Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase, mặc dù giá năng lượng đã giảm xuống và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng không mạnh, lợi nhuận thặng dư cũng như sức mạnh định giá của các doanh nghiệp tỏ ra mạnh mẽ hơn so với dự báo.

Trong quá trình đưa ra quyết định về giá bán và tiền lương trả cho người lao động, các doanh nghiệp thường tính đến kỳ vọng về lạm phát trong tương lai. Các quan chức Fed tự an ủi mình bằng cách nghĩ rằng lạm phát kỳ vọng trong dài hạn (5 đến 10 năm tới) vẫn ở mức gần 2%.

Họ tin rằng kỳ vọng dài hạn sẽ dự đoán hành vi tốt hơn so với các kỳ vọng ngắn hạn. Nhưng niềm tin này đang bị lung lay. Khảo sát của ĐH Michigan cho thấy người tiêu dùng dự báo lạm phát sẽ ở mức trên 4% trong 1 năm nữa. Theo một cuộc khảo sát khác được thực hiện bởi 2 chuyên gia kinh tế Olivier Coibion và Yuriy Gorodnichenko, các doanh nghiệp – những người quyết định giá bán – dự báo lạm phát trên 5% trong năm tiếp theo.

Trong các báo cáo kết quả kinh doanh, các công ty đã không còn than phiền nhiều về chi phí đầu vào hay thiếu nhân viên. Có một từ mới nổi đang được các giám đốc tài chính nhắc tới ngày càng nhiều hơn: “elasticity”, tạm dịch là “tính đàn hồi”, thể hiện doanh số bán ra nhạy cảm như thế nào với việc tăng giá.

Các doanh nghiệp mong muốn mức độ đàn hồi càng thấp càng tốt. Nhưng theo chia sẻ của ông lớn tiêu dùng P&G, quý trước doanh thu của công ty đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái khi hãng tăng giá các sản phẩm khoảng 10%.

“Khi Coca-Cola, Pepsi, Kimberly-Clark, Kraft Heinz và Conagra tăng giá bán, các nhà hàng sẽ bị ảnh hưởng. Khi bạn thấy Hilton và Marriott nói về chuyện doanh thu hàng ngày của họ đi lên, điều đó sẽ được chuyển thành lạm phát giá dịch vụ. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi người tiêu dùng phản kháng”, Samuel Rines, chiến lược gia của công ty tư vấn thị trường Corbu nói.

Theo ông, người tiêu dùng Mỹ đang giả định rằng nếu giá tăng vì tiền lương của họ cũng tăng. Cho đến khi giả định này bị phá vỡ thì người tiêu dùng sẽ không hề chớp mắt nếu phải trả thêm 5 – 6% cho 1 lọ tương cà.

Trong hoàn cảnh như hiện nay, thứ duy nhất có thể hạ nhiệt lạm phát là 1 cú suy thoái sâu. Đó cũng là lý do khiến thị trường nghĩ rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất ngay trong năm nay và lạm phát sẽ giảm mạnh trong năm 2024. Nhưng ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu nào của suy thoái dù là suy thoái nhẹ. Nhà ở - lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất tăng – đã ổn định trở lại. Việc làm trong ngành xây dựng đang tăng lên.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng tăng trưởng chậm lại – chứ không phải suy thoái – là đủ để lạm phát quay về 2%. Fed đã phát tín hiệu sẽ dừng tăng lãi suất. Có vẻ như Fed đã chấp nhận lạm phát giảm từ từ để thị trường lao động không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng vấn đề là lạm phát càng giảm chậm thì sẽ càng “cứng đầu” hơn.

(Nguồn: Soha)

Mỹ chuẩn bị phải đối phó làn sóng người di cư qua biên giới

Từ đêm 11/5, Mỹ dừng áp dụng chính sách hạn chế nhập cư qua biên giới trên bộ với Mexico vốn được áp dụng để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

THX đưa tin, các nhà chức trách Mexico cho biết, Mỹ đã trục xuất hơn 2,8 triệu người di cư tại các cửa khẩu biên giới trong hơn 3 năm theo Điều khoản 42, một biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19.

Thông cáo báo chí của Bộ Nội vụ Mexico, trong số 2.825.970 người bị trục xuất, đại đa số bị trục xuất tại biên giới Mỹ-Mexico (2.710.494 người), trong đó phần lớn là công dân Mexico (1.641.746).

Phần lớn những người di cư còn lại bị trục xuất ở biên giới phía Nam đến từ các quốc gia bao gồm Guatemala, Honduras, El Salvador và Nicaragua.

Vào tháng 3/2020, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã đưa ra chính sách hạn chế nhập cư qua biên giới trên bộ với Mexico, được áp dụng để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19, còn được gọi là Điều khoản 42. Điều khoản này cho phép lực lượng an ninh biên giới Mỹ từ chối người di cư nhập cảnh để xin tị nạn nước này vì lý do dịch bệnh.

Tuy nhiên, từ đêm 11/5, Mỹ sẽ dừng áp dụng Điều khoản 42. Việc điều khoản hết hiệu lực được dự báo sẽ dẫn tới làn sóng người di cư từ nhiều nơi tìm cách vượt biên giới Mexico sang Mỹ.

Ông Lindsey Graham, Thượng nghị sĩ bang Texas, Mỹ, nhận định: "Ngày 11/5 sẽ là một ngày ác mộng đối với người dân Mỹ, đặc biệt là người dân ở New Mexico và Texas. Trong 90 ngày tới, bạn sẽ thấy từ 900.000 đến 1,1 triệu người di cư qua biên giới".

Để đối phó tình trạng nhập cư bất hợp pháp, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai thêm 1.500 binh sĩ tới khu vực biên giới. Lực lượng này sẽ góp phần hỗ trợ Cơ quan tuần tra biên giới Mỹ trước nguy cơ khủng hoảng nhập cư.

Các trung tâm di động được chính quyền Mỹ thiết lập nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý người nhập cư. Tuy nhiên, số trung tâm này dường như là quá ít để giải quyết được lượng lớn hồ sơ vốn đã quá ùn tắc hiện nay.

Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết sẽ sớm ban hành quy định mới cho phép cơ quan chức năng nước này từ chối tị nạn đối với người nhập cư bất hợp pháp. Các biện pháp mới là một phần trong kế hoạch của chính quyền Washington nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép dự kiến tăng đột biến khi các hạn chế cuối cùng về Covid-19 tại Mỹ sắp được bãi bỏ.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

'Món quà trời ban' cho ông Trump

(Ảnh minh họa).

Trong một tiếng lên sóng truyền hình, cựu Tổng thống Donald Trump đã biến khung giờ vàng trên đài CNN trở thành "sân nhà" để ông đưa ra những tuyên bố sai sự thật.

Khi ông Trump xuất hiện trong buổi tiếp xúc cử tri do đài CNN phát sóng tối 10/5, nhiều người đã dự đoán từ trước vị cựu tổng thống sẽ nói những gì.

Những buổi phát sóng như vậy vốn là dịp để ứng viên tranh cử tổng thống giải đáp thắc mắc của cử tri và đưa ra thông điệp của mình. Song, một số nhân viên CNN đã "kinh hoàng" khi thấy cựu tổng thống nắm thế chủ động trước hãng truyền thông vốn có hiềm khích lâu năm.

Ông Trump dường như không bị phân tâm mỗi khi người dẫn chương trình Kaitlan Collins cắt ngang. Ông còn nói rằng bà Collins là "người phụ nữ khó chịu" khi liên tục chất vấn việc ông xử lý tài liệu mật bị FBI thu giữ.

Buổi lên sóng trong khung giờ vàng đã trở thành điều được báo trước: Cơ hội để ông Trump đưa ra những tuyên bố bị cho là sai sự thật.

Trong hơn một tiếng (20-21h), ông Trump đã đưa ra lập trường về nhiều vấn đề như gian lận bầu cử năm 2020, bạo loạn Điện Capitol, chính sách phá thai. Đồng thời, ông cũng nói rằng mình đã “hoàn thành” bức tường biên giới Mỹ - Mexico. Phần lớn đều là những tuyên bố mà công chúng đã nghe trước đó, theo Guardian.

Với vụ việc mới nhất là bồi thẩm đoàn New York tuyên ông Trump lạm dụng tình dục nhà văn E. Jean Carroll, cựu tổng thống cũng lặp lại tuyên bố rằng mình chưa từng gặp bà Carroll. Dù người dẫn chương trình cố cắt ngang, ông Trump vẫn gọi đây là vụ việc giả mạo và không ngừng chế giễu bà Carroll.

“CNN nên xấu hổ về bản thân họ. Họ đã hoàn toàn mất kiểm soát. Khán giả thì cổ vũ ông Trump và cười nhạo người dẫn chương trình”, Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio-Cortez viết trên Twitter.

Quá khứ hiềm khích

Việc đài CNN quyết định đưa ông Trump lên sóng tại buổi tiếp xúc cử tri đã vấp phải sự chỉ trích từ trước khi sự kiện bắt đầu.

Khi ông Trump còn là ứng viên tranh cử vào năm 2015-2016, CNN từng là hãng giúp nâng cao hồ sơ và uy tín của ông, khi liên tục đưa tin về các cuộc vận động và tuyên bố mà không kiểm chứng thông tin, Washington Post cho hay.

Tuy nhiên, từ khi lãnh đạo Nhà Trắng đến lúc rời nhiệm sở, cựu tổng thống không ít lần chỉ trích CNN, gọi hãng này chuyên đưa “tin giả” và các phóng viên là “kẻ thù của nhân dân”. Ông từng cấm một phóng viên CNN vào Nhà Trắng, cũng như thường xuyên chế nhạo chỉ số xếp hạng ngày càng giảm của đài này.

Giờ đây, tại New Hampshire, nơi sẽ diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Cộng hòa, CNN lại tạo điều kiện cho ông Trump có buổi phát sóng tiếp xúc cử tri đầu tiên trong chiến dịch tranh cử 2024.

Nhiều nhà phê bình đã chỉ trích động thái của CNN, nói rằng đây là nỗ lực lộ liễu để cả hai nâng cao chỉ số xếp hạng.

Cá nhân ông Trump gọi lời mời của CNN như “món quà trời cho”, khi đài truyền hình mà ông rất ghét đã nhún nhường và trao cho ông khung giờ vàng lên sóng.

Về phía CNN, tuyên bố chính thức từ đài này nói rằng họ chỉ làm điều tương tự các kỳ bầu cử khác.

“CNN dốc toàn lực để đưa tin về chiến dịch tranh cử, trong đó có các buổi tiếp xúc cử tri của ứng viên. Nền tảng này giúp cử tri hiểu thêm về lựa chọn của mình”, David Chalian, Giám đốc về các vấn đề chính trị của CNN, cho biết.

Ông Chalian thừa nhận ông Trump rõ ràng là “ứng viên độc nhất”. Khi rời chức tổng thống, ông bị buộc 34 trọng tội, vướng vào các cuộc điều tra cấp tiểu bang và liên bang, cũng như bị cáo buộc đứng sau bạo loạn Điện Capitol.

Song, ông Trump vẫn đang là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, ông Chalian nói. “Với chúng tôi, công việc vẫn như vậy, dù ông ấy đặc biệt. Chúng tôi để ông ấy chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của mình. Tôi nghĩ sứ mệnh của chúng tôi với tư cách phóng viên không gì khác ngoài việc đưa tin”.

Những nhân viên kinh hoàng

Phía sau ánh đèn sân khấu buổi phát sóng, nhiều nhân viên của CNN được cho là đã rất kinh hãi. Justin Baragona, phóng viên của Daily Beast, cho biết một nhân viên CNN đã bày tỏ tối 10/5 như một buổi quảng bá của ông Trump, và mọi chuyện đã rất tệ, dù người nhân viên trước đó phần nào lạc quan bất chấp những chỉ trích.

Một nhân viên của đài cũng đã bối rối khi biết CNN sẽ cho ông Trump lên sóng trong buổi "town hall". “Ông ấy sẽ nhận câu hỏi từ cử tri ư? Đây là người đã cố lật lại quyết định của cử tri vào năm 2020”, người này nói.

Khi buổi phát sóng kết thúc, hội đồng chuyên gia của CNN dường như chết lặng.

“Chúng tôi không đủ thời gian để kiểm chứng mọi nội dung ông Trump nói ra”, người dẫn chương trình Jake Tapper của CNN nói. Trong khi đó, lời nói của phóng viên Jamie Gangel được cho là phản ánh đúng nhất tình hình: “Mọi người kinh hoàng bởi những gì họ thấy tối nay”.

Norman Ornstein, học giả chính trị, nói rằng ông Trump là người chiến thắng sau cùng ở sự kiện này. Ông tiếp cận được lượng khán giả trong khung giờ vàng của CNN, bên ngoài những cử tri và hãng truyền thông trung thành với đảng Cộng hòa.

“Nếu mọi chuyện đi sai hướng, ông ấy có thể đổ lỗi rằng CNN đã thiên vị”, ông Ornstein nói.

(Nguồn: Zing News)

Mỹ phê duyệt thương vụ bán máy bay trực thăng trị giá 8,5 tỷ USD cho Đức

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán máy bay trực thăng CH-47F Chinook và các thiết bị liên quan cho Đức với giá 8,5 tỷ USD.

Theo Reuters, trong ngày 11/5 (giờ địa phương), Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán 60 trực thăng CH-47F Chinook và thiết bị liên quan cho Đức. Giá trị của thương vụ này rơi vào khoảng 8,5 tỷ USD.

"Thương vụ mua bán trực thăng Chinook sẽ giúp Đức gia tăng khả năng vận tải quân sự siêu trọng. Thương vụ này cũng hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ thông qua việc tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe cho một đồng minh NATO", thông báo của DSCA cho biết.

Bên cạnh 60 trực thăng, thương vụ mua bán sẽ bao gồm 140 động cơ thay thế, hệ thống cảnh báo tên lửa, radio, bộ tiếp sóng, hệ thống định vị và gói hỗ trợ kỹ thuật. Mặc dù đã có sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao, DSCA vẫn cần cung cấp thông tin cụ thể về thương vụ cho Quốc hội Mỹ để được phê duyệt chính thức. Theo công ty Boeing, sẽ mất khoảng 3 năm để chuyển giao số trực thăng này.

Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, Đức đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và cam kết tài trợ 100 tỷ USD cho các lực lượng vũ trang nước này.

Boeing CH-47F Chinook là một trong những trực thăng vận tải lớn nhất trên thế giới. Kể từ khi vào biên chế từ đầu thập niên 1960, máy bay này đã được coi là phương tiện hậu cần chủ lực của lục quân Mỹ.

Với trọng tải 22.680kg và vận tốc tối đa lên tới 315 km/h, CH-47 Chinook đang là trực thăng quân sự nhanh nhất thế giới. Phi hành đoàn tiêu chuẩn của trực thăng này gồm 3 người, khoang chứa của trực thăng có thể chở tới 50 binh lính và nhiều khí tài khác nhau.

(Nguồn: Vietnamnet)

Ngoại giao Mỹ - Trung "tan băng"?

(Ảnh minh họa).

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã gặp nhau tại Vienna (Áo) trong tuần này, chấm dứt việc tạm dừng các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa 2 nước sau vụ khinh khí cầu bị bắn hạ hồi đầu năm nay.

Theo thông báo từ cả Washington và Bắc Kinh, hai bên đã tổ chức 8 giờ đàm phán, trong 2 ngày 10 và 11/5, tại thủ đô của Áo, với bối cảnh căng thẳng gia tăng, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Cả hai bên đều mô tả cuộc gặp không báo trước này là "thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng", về 2 chủ đề mà Nhà Trắng gọi là "hai trong số những chủ đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ băng giá" giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm cuộc chiến Nga-Ukraine và vấn đề Đài Loan.

Washington đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc không cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào cho Nga, trong khi theo dõi chặt chẽ các động thái của nước này đối với Đài Loan - nơi Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã cho biết ông Vương "đã giải thích một cách toàn diện về lập trường nghiêm túc của Trung Quốc" đối với Đài Loan, đồng thời cho biết thêm rằng hai nhà ngoại giao "đã đồng ý tiếp tục sử dụng tốt kênh liên lạc chiến lược này".

Trong một cuộc họp báo ngắn hôm 11/5, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nhấn mạnh rằng cuộc gặp Sullivan - Vương Nghị là một bước tiến lớn của ngoại giao hai nước thời điểm này.

AFP dẫn lời quan chức này cho biết, hai nhà ngoại giao cũng đã thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó trợ lý hàng đầu của Tổng thống Joe Biden đã thúc giục ông Vương hợp tác tốt hơn trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy.

Washington cho biết các công ty Trung Quốc là bên đã và đang cung cấp các hóa chất mà các băng đảng ma túy Mexico sử dụng để sản xuất thuốc giảm đau fentanyl - nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong do dùng thuốc quá liều tăng đột biến ở Mỹ.

Về vấn đề Đài Loan, quan chức này cho biết Mỹ nhấn mạnh rằng hai bên đã quản lý vấn đề này "hơn 40 năm mà không có xung đột", và rằng Washington không muốn thấy bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với "hiện trạng".

Việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc hồi đầu năm nay khi bay qua không phận nước này - sự cố mà Trung Quốc coi là một tai nạn nhưng Washington coi là một hành động gián điệp - đã khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến đi đã lên kế hoạch từ lâu để gặp người đồng cấp của mình ở Bắc Kinh.

Sự "tan băng" ngoại giao rõ ràng ở Vienna đã làm dấy lại những đồn đoán về việc sắp xếp lại lịch trình chuyến thăm của ông Blinken, hoặc thậm chí là một cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lần gần nhất hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện trực tiếp với nhau là bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Biden hôm 11/5 cho biết tình hình đã có tiến triển.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang