Mỹ: Thỏa thuận lịch sử ngành xe điện; Lạm phát tăng; Vụ rò rỉ tài liệu mật; Thỏa thuận trần nợ công; Còn cần châu u?

Thỏa thuận lịch sử trong ngành xe điện: Tesla đầu tư trạm sạc rồi cho đối thủ dùng chung

(Ảnh minh họa).

Financial Times đưa tin, hãng Ford mới đây đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho các tài xế của mình quyền truy cập vào 12.000 trạm sạc nhanh trong mạng lưới trạm sạc của Tesla.

Financial Times đưa tin, hãng Ford mới đây đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho các tài xế của mình quyền truy cập vào 12.000 trạm sạc nhanh trong mạng lưới trạm sạc của Tesla. Hãng này trước đó đã lo lắng rằng phạm vi sử dụng trong điều kiện của pin có thể cản trở người mua xe trong việc muốn sở hữu một chiếc xe điện cho riêng mình.

Thỏa thuận này làm tăng gấp đôi số trạm sạc nhanh trong mạng lưới trạm sạc của Ford ở Bắc Mỹ. Chủ sở hữu xe của Ford sẽ nhận được quyền truy cập vào các trạm sạc vào mùa xuân tới.

Giám đốc điều hành của Ford, Jim Farley, đã công bố thỏa thuận này cùng với tỷ phú Elon Musk - ông chủ của Tesla, Twitter và Space X.

"Chúng tôi thực sự vui mừng," ông Farley nói. “Chúng tôi đang tăng cường sản xuất và chúng tôi nghĩ rằng đây là một bước tiến lớn đối với ngành của chúng tôi và tất cả các khách hàng sử dụng điện.”

Tesla đã lên kế hoạch mở một phần mạng lưới 45.000 bộ sạc của mình cho tất cả các mẫu ô tô điện vào cuối năm 2024, theo sự thúc giục của Nhà Trắng và để được tiếp cận khoản trợ cấp trị giá 7,5 tỷ đô la.

Nhà sản xuất xe điện này sẽ cung cấp ít nhất 7.500 bộ sạc cho người lái bất kỳ mẫu xe điện nào, bao gồm 3.500 bộ dọc theo đường cao tốc của Mỹ. Chính quyền ông Biden muốn sản xuất 500.000 bộ sạc trên toàn quốc vào năm 2030, tăng từ khoảng 130.000 bộ sạc hiện có, trong bối cảnh Mỹ đang chạy đua để mở rộng việc áp dụng xe điện.

“Chúng tôi không muốn Tesla Supercharger giống như một khu vườn có tường bao quanh,” Elon Musk nói.

Ông Farley cho biết khi thế hệ xe điện thứ hai của Ford ra mắt vào năm 2025, chúng sẽ được chế tạo với cùng một đầu nối mà Tesla đã sử dụng, loại bỏ nhu cầu về bộ chuyển đổi. Bộ chuyển đổi sẽ có giá vài trăm đô la.

Những quãng đường dài di chuyển ở Mỹ đã dẫn đến "sự lo lắng về phạm vi di chuyển" đối với những người lái xe, những người lo lắng về việc hết nhiên liệu khi di chuyển giữa các trạm sạc.

Nỗi sợ hãi của những người lái xe đã khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ thúc đẩy sản xuất nguồn pin cho phép xe di chuyển xa hơn trong một lần sạc. Điều này lại làm tăng giá thành của phương tiện trong khi EV đã có giá cao hơn so với những chiếc tương đương với động cơ truyền thống.

Ông Farley nói: “Ngành công nghiệp của chúng tôi bị ám ảnh bởi những cục pin khổng lồ này và tôi nghĩ đó có thể không phải là cách tiếp cận đúng đắn. Chúng ta nên làm cho pin càng nhỏ càng tốt . . . Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển trải nghiệm sạc càng nhanh càng tốt. Như thế, người sử dụng không phải tốn thêm tiền cho pin dự phòng."

Tỷ phí Musk và ông Farley đã đùa giỡn, khen ngợi nhau và bày tỏ về những khó khăn khi chế tạo ô tô trong buổi phát trực tiếp kéo dài 30 phút thu hút hơn 100.000 người theo dõi.

Người đứng đầu nhà sản xuất ô tô Michigan đã buồn bã kể một câu chuyện về việc lái xe ở California với các con của mình, cần phải sạc điện cho ô tô của mình và đã đi qua hết trạm sạc xe của Tesla này đến trạm sạc Tesla khác.

“Các con tôi cứ nhìn tôi và nói: 'Có một trạm Supercharger khác, bố có thể dừng ở đó không? Cái này thì sao bố?”, ông nhớ lại. “Tôi đành nói, không, chúng ta phải đi tới đằng sau tòa nhà kia nữa.'”

(Nguồn: Soha)

Lạm phát Mỹ tăng lần đầu tiên trong năm nay

Số liệu công bố mới đây cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Mỹ, đã tăng vào tháng 4, đảo ngược đà suy giảm những tháng gần đây.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa có một tuần giao dịch thuận lợi khi 2/3 chỉ số chính tăng điểm. Phố Wall đã giảm bớt phần nào áp lực sau thông tin Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công.

Sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa ông Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy, một thỏa thuận sơ bộ đã được 2 bên nhất trí. Nếu được Quốc hội thông qua, thỏa thuận sẽ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, trước khi Bộ Tài chính hết ngân sách để trang trải các chi phí vào ngày 5/6 tới.

Thông tin tích cực này phần nào đã lấn át số liệu lạm phát Mỹ tháng 4 được công bố hôm thứ Sáu (26/5). Theo đó, lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới lần đầu tiên đã tăng trở lại trong năm nay.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Mỹ, đã đảo ngược đà suy giảm những tháng gần đây khi tăng tới 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức 4,2% của tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1 vừa qua PCE hàng năm của Mỹ tăng, chủ yếu do việc tăng giá dịch vụ, thực phẩm và hàng hóa.

Sau khi dữ liệu PCE được công bố, các nhà đầu tư đang đặt cược có tới hơn 50% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 tới, tăng mạnh so với con số 18% chỉ 1 tuần trước.

(Nguồn: VTV)

'Kẻ phản bội nước Mỹ' Edward Snowden và vụ rò rỉ tài liệu mật gây chấn động

(Ảnh minh họa).

Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), là người đã tiết lộ những thông tin gây chấn động về chương trình do thám toàn cầu của chính phủ Mỹ.

Theo Reuters, vào ngày 26/9/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua việc cấp quốc tịch Nga cho Edward Snowden. Snowden vốn là một cựu nhân viên của NSA, bị coi là "kẻ phản bội nước Mỹ" sau khi tiết lộ hàng loạt tài liệu mật liên quan đến chương trình do thám toàn cầu của tình báo Mỹ cách đây một thập kỷ.

Edward Snowden là ai?

Edward Snowden, 39 tuổi, là một kỹ sư an ninh mạng. Từ năm 2005-2008, người này làm việc tại trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Đại học Maryland và bộ phận liên lạc toàn cầu thuộc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, Virginia. Tới năm 2009, Snowden ngừng làm việc cho CIA và xin vào tập đoàn Dell.

Tập đoàn Dell sau đó đã cử Snowden tới làm việc cho Văn phòng chia sẻ thông tin của NSA ở Hawaii. Vào tháng 5/2013, người đàn ông 39 tuổi từ bỏ công việc tại cơ sở của NSA. Tới đầu tháng 6/2013, Snowden bắt đầu liên lạc với các nhà báo của Guardian và Washington Post để tiết lộ về chương trình do thám toàn cầu của cơ quan tình báo Mỹ.

Chương trình do thám của Mỹ

Vào ngày 6/6/2013, Guardian và Washington Post đã đăng tải những tài liệu đầu tiên liên quan tới việc giám sát người dân thông qua mạng internet của chính phủ Mỹ.

Thông tin từ Snowden cho thấy, các nhà mạng lớn như Verizon, AT&T and Sprint Nextel đã cung cấp bản ghi âm cuộc gọi của khách hàng cho NSA và FBI. Ngoài ra, 2 cơ quan này cũng có truyền truy cập vào máy chủ của các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook và Apple.

Ngoài việc giám sát công dân Mỹ, Snowden cũng đưa ra những tiết lộ gây sốc về việc Washington do thám các quan chức chính phủ nước ngoài. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy, NSA và cơ quan thông tin của Anh đã chặn cuộc điện thoại mà các quan chức nước ngoài thực hiện trong thời gian hội nghị G20 diễn ra ở London năm 2009.

Bên cạnh đó, tình báo Mỹ đã cài máy nghe lén tại một số văn phòng của Liên minh châu Âu, giám sát các cuộc điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới và theo dõi ít nhất 38 đại sứ quán nước ngoài.

Các tài liệu do Snowden cung cấp cũng tiết lộ về các chương trình do thám bí mật Blarney và Rampart-T, vốn được dùng để thu thập thông tin về khủng bố và do thám lãnh đạo nước ngoài từ. Rampart-T tập trung vào 20 quốc gia, bao gồm NgaTrung Quốc.

Một chương trình bí mật khác mang tên PRISM cũng được Snowden hé lộ, chương trình này tập trung vào thu thập dữ liệu mà người dùng truyền tải thông qua việc truy cập internet.

Phản ứng của Washington và cuộc sống của Snowden

Theo CNN, sau khi thông tin về chương trình giám sát bị tiết lộ, NSA và Lầu Năm Góc đã cáo buộc Snowden với các tội danh ăn cắp tài sản chính phủ, truyền tin quốc phòng trái phép và cố ý tiết lộ tài liệu tình báo mật. Với việc đánh cắp 1,7 triệu tài liệu mật liên quan đến hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ, Snowden có thể đối mặt với bản án 30 năm tù.

Ngày 21/6/2013, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố chính thức các cáo buộc chống lại Snowden, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao thu hồi hộ chiếu của người đàn ông này. Tuy vậy, chỉ 2 ngày sau đó, Snowden đã tới Nga. Do hộ chiếu bị hủy bỏ, Snowden phải ở lại ở sân bay trong hơn một tháng.

Moscow sau đó đã cấp cho Snowden quyền tị nạn với thị thực cư trú ban đầu trong 1 năm và các lần gia hạn lặp lại đã cho phép Snowden ở lại Nga ít nhất cho đến năm 2020.

(Nguồn: Vietnamnet)

Thỏa thuận nâng trần nợ công Mỹ: Sóng gió chưa ngừng

Chỉ còn vài ngày để thông qua dự luật tăng trần nợ công đang ở mức 31.400 tỷ USD, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn đang chia rẽ một cách sâu sắc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/5 đã hoàn tất thỏa thuận ngân sách với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy để đình chỉ trần nợ 31.400 tỷ USD cho đến ngày 1/1/2025. Theo ông Biden, thỏa thuận này đã sẵn sàng để chuyển sang Quốc hội biểu quyết.

“Đây là tin tốt cho người dân Mỹ”, ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng sau cuộc điện đàm với ông McCarthy để hoàn tất thỏa thuận mà họ đã đạt được vào tối 27/5 sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng.

Tuy nhiên, đạt được thỏa thuận là một chuyện, nhưng vượt qua sự chia rẽ chính trị và các rào cản thủ tục tốn thời gian để thông qua luật trước ngày 5/6 là để ngăn Mỹ vỡ nợ là một thách thức hoàn toàn khác.

Phản đối gay gắt

Thỏa thuận đạt được hôm 27/5 đã vấp phải sự phản đối từ các thành viên cả hai đảng ở Hạ viện, làm dấy lên nghi ngờ liệu thỏa thuận này có đảm bảo số phiếu để Quốc hội thông qua và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trước ngày 5/6 hay không.

Các đảng viên Cộng hòa bảo thủ cho biết, dự luật không tạo ra quy mô cắt giảm chi tiêu mà họ mong muốn, trong khi các đảng viên Dân chủ cấp tiến bày tỏ sự khó chịu với các yêu cầu mở rộng đối với chương trình hỗ trợ thực phẩm cũng như các nhượng bộ khác của Nhà Trắng.

“Thỏa thuận này là điều điên rồ. Việc tăng trần nợ 4.000 tỷ USD mà hầu như không cắt giảm không phải là điều chúng tôi đã thống nhất. Tôi sẽ không bỏ phiếu để khiến quốc gia phá sản. Người dân Mỹ xứng đáng được nhiều hơn thế”, hạ nghị sĩ Ralph Norman viết trên Twitter.

Hạ nghị sĩ Ralph Norman, một thành viên của nhóm nghị sĩ bảo thủ House Freedom Caucus cho biết, ông sẽ không ủng hộ dự luật và hy vọng đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu bác bỏ nó. “Tất cả những gì cần làm là đưa nó trở lại vòng đàm phán. Thà không có thỏa thuận nào còn hơn là có được một thỏa thuận tồi”, ông Norman phản đối dự luật mới với giọng điệu gay gắt.

Thỏa thuận mới sẽ nâng trần nợ cho đến ngày 1/1/2025, giới hạn chi tiêu ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi các quỹ hỗ trợ Covid-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và đưa ra các yêu cầu làm việc bổ sung cho các chương trình hỗ trợ lương thực cho người Mỹ nghèo.

“Đây là một chính sách khủng khiếp. Tôi đã nói với ngài Tổng thống là điều này đang nói với những người nghèo và những người đang gặp khó khăn rằng chúng tôi không tin tưởng họ”, bà Pramila Jayapal, đảng viên đảng Dân chủ bức xúc khi nói đến những yêu cầu mới đối với những người nhận hỗ trợ thực phẩm và các chương trình phúc lợi công cộng khác.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với tỉ số 222-213, trong khi Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với tỉ số 51-49. Những con số này có nghĩa là những các thành viên ôn hòa ở cả hai đảng sẽ phải ủng hộ dự luật trong trường hợp nó bị những người theo đường lối cứng rắn ở một hoặc cả hai bên phản đối.

“Không ai có được mọi thứ mà mình muốn, nhưng trách nhiệm của những người quản lý là tránh được mối đe dọa của một vụ vỡ nợ thảm khốc”, ông Biden chia sẻ khi kêu gọi các nhà lập pháp phê chuẩn thỏa thuận.

Khi được hỏi liệu ông có nhượng bộ quá nhiều để nhận được sự đồng ý từ các đảng viên Cộng hòa hay không, ông Biden chỉ trả lời đơn giản: “Không có.”

Trong khi đó, ông McCarthy đã bác bỏ các mối đe dọa chống đối trong nội bộ đảng của mình, cho rằng hơn 95% đảng viên Cộng hòa “vô cùng phấn khích” về thỏa thuận này.

Ngoài ra, một số thành viên của đảng Cộng hòa cũng tỏ ra cởi mở đối với thỏa thuận. Hạ nghị sĩ Dusty Johnson, một trong những nhà đàm phán hàng đầu của đảng Cộng hòa về thỏa thuận này cho biết, chỉ có những người bảo thủ nhất mới phản đối thỏa thuận này, và những phiếu bầu đó chưa bao giờ thực sự có tác dụng.

Thỏa thuận này cần 218 phiếu bầu tại Hạ viện gồm 435 thành viên để được thông qua, sau đó nó sẽ được chuyển tới Thượng viện trước khi tới bàn làm việc của ông Biden.

Sự phản đối của các đảng viên bảo thủ nhất tại Hạ viện không phải là điều nằm ngoài dự kiến. Do đó, Nhà Trắng cho rằng có thể cần tới 100 phiếu bầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện để thỏa thuận trần nợ có thể tiến triển.

Theo ông Biden, liệu thỏa thuận có được Quốc hội thông qua hay không vẫn là một câu hỏi mở. “Tôi không biết liệu ông McCarthy có thu thập đủ phiếu bầu hay không. Tôi hy vọng ông ấy sẽ làm dược”, vị Tổng thống cho biết

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Mỹ còn cần châu Âu?

(Ảnh minh họa).

Quan hệ Mỹ và châu Âu đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người, nhất là sau phát biểu mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng lợi ích của châu Âu và Mỹ đang có sự khác biệt, đặc biệt là trong cách tiếp cận đối với châu Á. “Điều tồi tệ nhất đối với châu Âu là ngay khi làm rõ được vị trí chiến lược thì lại bị kéo vào một thế giới đầy khủng hoảng không phải của chính chúng ta”, ông Macron nhấn mạnh.

Phát biểu của Tổng thống Pháp đã làm gia tăng cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu Mỹ có nên tìm cách lôi kéo các quốc gia châu Âu vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, hay nên giảm bớt vai trò của mình trong việc bảo vệ châu Âu để ưu tiên cho các nhu cầu an ninh ở châu Á.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ rút lui khỏi châu Âu là cực kỳ rủi ro và có thể phá hủy mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng mối bận tâm này là quá mức. Trên thực tế, các quốc gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển giao phần lớn trách nhiệm bảo vệ châu Âu cho chính người châu Âu, cho phép Hoa Kỳ chuyển sang vai trò hỗ trợ.

Trường hợp phòng thủ của châu Âu rất đơn giản: với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự tăng cường đối đầu Trung-Mỹ, Washington sẽ thu được ít và hy sinh nhiều bằng cách đóng vai trò là nhà cung cấp an ninh chính cho các nước châu Âu có đủ khả năng tài trợ cho nền quốc phòng của chính họ trước nước Nga.

Tuy nhiên, chuyên gia Michael Mazarr thuộc tập đoàn RAND (Mỹ) lại không đồng tình với đánh giá này. Ông cho rằng các cam kết của Mỹ đối với châu Âu và châu Á đòi hỏi ít sự đánh đổi thực tế và việc Mỹ rút bớt quân ở châu Âu sẽ khó tiết kiệm được ngân sách. Ngày nay, quân đội Mỹ không có khả năng tiến hành các hoạt động toàn diện chống lại Trung Quốc và Nga cùng một lúc. Phòng thủ không đầy đủ sẽ làm suy yếu khả năng răn đe của Mỹ. Do đó, kế hoạch hòa bình không thể tách rời kế hoạch chiến tranh. Bên cạnh đó, một cuộc khủng hoảng trong tương lai ở Đài Loan hoặc quần đảo Điếu Ngư có thể đột ngột kéo Mỹ ra khỏi châu Âu.

Khi xem xét khả năng xảy ra chiến tranh ở châu Âu, ông Mazarr nhấn mạnh đến cái giá phải trả đối với mức độ cam kết hiện tại của Mỹ đối với an ninh của khu vực. Vị chuyên gia này lập luận rằng ngay cả khi Mỹ lùi bước khỏi châu Âu ngay bây giờ, một cuộc chiến ở châu Âu sẽ kéo họ trở lại. Tình thế sẽ không yêu cầu Mỹ tham gia cuộc chiến ngay từ đầu, càng không cần phải chiến đấu. Trên hết, mối đe dọa từ Nga cần được đánh giá chính xác và không được thổi phồng. Trong tương lai gần, Nga sẽ thiếu sức mạnh quân sự và nguồn lực kinh tế để đe dọa châu Âu, nên các chuyên gia cho rằng Washington cần phát triển các lựa chọn chính sách thực tế tương xứng với mối đe dọa gây ra cho lợi ích của Mỹ.

Ông Mazarr lập luận rằng Mỹ cần có các loại lực lượng và hệ thống vũ khí khác nhau ở châu Âu, nơi cần có quân đội và xe tăng trên bộ, và châu Á, nơi cần sự hỗ trợ trên biển và trên không. Tuy nhiên, một số nền tảng vũ khí quan trọng nhất đang được "thèm khát" ở cả hai khu vực và phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn sản xuất. Điều này có thể khiến nhu cầu của châu Á và châu Âu xung đột.

“Nếu châu Á luôn được coi là khu vực quan trọng nhất đối với các lợi ích của Mỹ, thì Lầu Năm Góc sẽ ưu tiên mua sắm các hệ thống và thiết kế lực lượng được tối ưu hóa cho các cuộc xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là Washington sẽ dành ít nguồn lực hơn cho những khí tài phù hợp với châu Â. Tương tự như vậy, sức mạnh tương đối của các quân chủng sẽ được xác định bởi các ưu tiên chiến lược và cách chúng định hình ngân sách quốc phòng”, ông Mazarr nhấn mạnh.

Về lâu dài, nhu cầu quốc phòng của châu Âu sẽ cạnh tranh với nhu cầu của châu Á. Chi phí thực sự cho sự hiện diện của Mỹ bao gồm chi phí cơ hội của việc điều hướng mua sắm và bố trí nhân lực. Ngoài ra, sự hiện diện quân sự vượt trội của Mỹ từ lâu đã cản trở sự phát triển các năng lực phòng thủ nội địa của châu Âu và cản trở sự hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia châu Âu.

“Các quan chức Mỹ mong muốn duy trì ưu thế quân sự của mình, lo lắng rằng các quốc gia châu Âu không thể tin tưởng để quản lý công việc. Nhưng ngày nay, thời kỳ đơn cực đã qua và Mỹ phải đối mặt với nhiều vấn đề thì một sự điều chỉnh là cần thiết”, ông Mazarr nhận định.

Theo ông Mazarr, chiến lược của Mỹ có thể dựa trên ba lập luận. Đầu tiên là sự phân chia lực lượng như vậy nên được tổ chức theo vấn đề hơn là theo địa lý. Thứ hai, Mỹ gặt hái những lợi ích từ mạng lưới liên minh hiện có của mình mà họ sẽ mất đi nếu áp dụng một vai trò hạn chế hơn trong phòng thủ châu Âu. Thứ ba, các quốc gia châu Âu sẽ rút lui khỏi các mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương nếu Mỹ đóng góp ít hơn thông qua NATO.

Nhiểu chuyên gia cho rằng, các quốc gia châu Âu có thể trở nên ít tôn trọng hơn đối với Washington nếu Hoa Kỳ rút quân và tài sản quốc phòng trong khi vẫn ở lại NATO. Mặt khác, họ vẫn sẽ có động cơ để tự bảo vệ mình khỏi hoạt động do thám, giám sát và cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, đồng thời định hình các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu trong quan hệ đối tác với Hoa Kỳ. Nguy cơ tách rời thương mại xuyên Đại Tây Dương là nhỏ, đặc biệt là khi các quốc gia châu Âu có thể chuyển hướng khỏi chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc ngay cả khi Hoa Kỳ duy trì tất cả các lực lượng của mình ở châu Âu. Và lợi ích tiềm năng - một châu Âu có thể tự bảo vệ mình nếu cần - là rất đáng kể.

“Trong những thập kỷ tới, Hoa Kỳ và Châu Âu nên tìm kiếm mối quan hệ như thế nào? Mối quan hệ này có nên là một quan hệ đối tác thực sự thích nghi với hoàn cảnh thay đổi? Hay nó nên là một sự phụ thuộc không cân xứng để duy trì sự thống trị cố thủ của Hoa Kỳ, khiến các quốc gia châu Âu ít trở thành đồng minh hơn và nhiều hơn, như ông Macron gợi ý, với tư cách là “chư hầu”? Yêu cầu châu Âu can thiệp có vẻ mạo hiểm, nhưng thực tế lại là sự lựa chọn an toàn hơn”, ông Mazarr khuyến nghị.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang