Mỹ: Thế thăng bằng mong manh; Biểu tình ủng hộ Trump; Trump 'sửa' tuyên bố; Kế hoạch công phá TQ; Vai trò của Ấn Độ

Thế thăng bằng mong manh của Fed

(Ảnh minh họa).

Trong bối cảnh nước Mỹ vừa đương đầu với cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng và lạm phát cao dai dẳng trong nền kinh tế, Fed hiện đang cố gắng giữ một thế cân bằng mong manh...

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tức ngân hàng trung ương nước này, đang gánh vác hai sứ mệnh là ổn định hệ thống tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô. Về lý thuyết, đây là hai công việc khác nhau và đòi hỏi những công cụ khác nhau để xử lý.

Trong bối cảnh nước Mỹ vừa đương đầu với cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng và lạm phát cao dai dẳng trong nền kinh tế, Fed hiện đang cố gắng giữ một thế cân bằng mong manh để tách riêng hai nhiệm vụ trên.

Hôm 22/3, Fed tiếp tục chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm khiến nền kinh tế giảm tốc và qua đó kéo lạm phát xuống, với mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và dự kiến có thêm một đợt tăng nữa trước khi tạm dừng. Song song với đó, Fed đang đẩy mạnh việc cho các ngân hàng vay vốn thông qua chương trình cho vay khẩn cấp với lãi suất mềm nhằm kiểm soát thiệt hại từ ba vụ sụp đổ ngân hàng liên tiếp gần đây, đặc biệt là vụ sập Silicon Valley Bank (SVB).

Theo tờ Wall Street Journal, trên thực tế, hai nhiệm vụ lớn của Fed là những công việc không dễ tách rời.

SỰ XUNG ĐỘT CỦA HAI NHIỆM VỤ

Lãi suất cao hơn làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và lạm phát thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có việc làm gia tăng chi phí vay vốn của các định chế tài chính, từ đó khiến các ngân hàng cho vay ít hơn. Quy trình này thông thường diễn ra êm ái, nhưng đôi khi cũng khá gập ghềnh: các ngân hàng hoặc các tổ chức cho vay khác sụp đổ hoặc tiến gần tới bờ vực sụp đổ, giá tài sản giảm chóng mặt và công chúng hoảng loạn, gây ra những vết nứt trong nền kinh tế ở mức độ nghiêm trọng hơn so với những gì Fed mong muốn. Đây chính là nguồn gốc của một câu nói nổi tiếng ở Phố Wall: “Fed thắt chặt cho tới khi có thứ gì đó đổ vỡ”.

Những động thái của Fed sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày 21-22/3 cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã nhận thấy có sự đổ vỡ. Các số liệu kinh tế Mỹ cho tới gần đây đều cho thấy sự vững vàng của tăng trưởng kinh tế trong khi lạm phát dai dẳng ở mức cao.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng các xu hướng kinh tế vĩ mô hiện nay có thể đòi hỏi lãi suất phải tăng vượt ngưỡng 5,25%, thậm chí là vượt nhiều. Nhưng trong dự báo mới nhất đưa ra ngày 22/3, ông Powell và các đồng nghiệp của ông đã từ bỏ kế hoạch đó, cho rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh trong khoảng 5 - 5,25% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.

Bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 22/3 đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 4,75-5%. Đây là đợt nâng lãi suất thứ 9 liên tiếp của Fed kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này vào tháng 3 năm ngoái.

“Chúng tôi đang theo dõi những gì xảy đến với các ngân hàng và đặt câu hỏi: liệu các điều kiện tín dụng có vì thế bị thắt lại hay không. Bằng cách này hay cách khác, việc đó thay thế một phần cho tăng lãi suất”, ông Powell nói với các nhà báo sau khi Fed họp xong.

Trên cơ sở cho rằng các điều kiện tài chính sẽ trở nên thắt chặt hơn vì khủng hoảng ngân hàng, giới chức Fed trong lần họp này dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ năm nay chỉ đạt 0,4%, giảm từ mức dự báo tăng 0,5% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 là 1,2%, từ mức 1,6% đưa ra trong lần dự báo trước.

Nếu các dự báo và tính toán của Fed trở thành hiện thực, với cuộc khủng hoảng ngân hàng được kiểm soát và lạm phát trượt dần về mức 2% từ khoảng 5-6% hiện nay, thì hành động “thăng bằng trên dây” của Fed được coi là thành công. Nước Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống thực sự, với một phí tổn tương đối thấp xét về thiệt hại đối với thị trường hay lạm phát.

HAI CHIỀU HƯỚNG ĐÁNG LO NGẠI CỦA CÂU CHUYỆN

Nhưng Wall Street Journal cho rằng câu chuyện hoàn toàn có thể diễn biến theo những chiều hướng khác, trong đó có hai chiều hướng gây lo ngại hơn cả.

Một là Fed có thể đã phản ứng quá mức. Fed và các cơ quan chức năng khác có lẽ đã tung tấm lưới an toàn ngân hàng quá rộng chỉ để giải quyết vấn đề tập trung vào một số ngân hàng thay vì một vấn đề có tầm ảnh hưởng hệ thống. Bằng cách dè dặt hơn trong việc tăng lãi suất, Fed có thể gây ra sự nới lỏng các điều kiện tài chính trên diện rộng, dẫn tới bước thụt lùi trong cuộc chiến chống lạm phát...

(Nguồn: VnEconomy)

Hàng ngàn người biểu tình ủng hộ ông Trump tại Texas

Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi có những đồn đoán một tuần trước đó rằng ông sẽ sớm bị bắt, Donald Trump đã chỉ trích mạnh mẽ các cuộc điều tra tội phạm vốn đã khiến ông đau đầu kể từ khi ông rời nhiệm sở, tháng 1/2021.

Tại cuộc biểu tình tại sân bay ở Waco, Texas, trước hàng nghìn người ủng hộ, cựu tổng thống gọi cuộc điều tra của New York City về các khoản tiền mua lấy sự im lặng từ ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels là tục tĩu.

"Công tố viên cấp quận ở New York dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của 'bộ phi tư pháp' ở Washington, DC, đang điều tra tôi về thứ không phải là tội phạm, không phải là hành vi xấu, không phải ngoại tình," ông nói trước khi miệt thị hình thức cá nhân của bà Daniels.

Ông nói, mọi mảnh ghép về cuộc sống cá nhân, tài chính và kinh doanh của ông đều bị "lật ngược và mổ xẻ" - nhưng tuyên bố rằng ông là "người vô tội nhất trong lịch sử nước chúng ta".

Trong tuần qua, ông Trump đã đăng tải trên trang mạng xã hội của mình những tuyên bố ngày càng hung hăng về "cái chết và sự hủy diệt" nếu ông bị truy tố, nhưng ông trong bài phát biểu đã tránh đưa ra bất kỳ lời cảnh báo nghiêm trọng nào như vậy. Và vào một buổi chiều đầy nắng ở Waco, Texas, cuộc tập hợp giống như các cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump đã diễn ra.

Hàng nghìn người ủng hộ cựu tổng thống đã đi qua các lều bán hàng của Trump, nơi họ mua những chiếc áo phông in dòng chữ "Chúa, súng và Trump" và "Trump đã thắng". Sau đó, họ tập trung trên đường nhựa của sân bay địa phương vài giờ trước khi chuyên cơ riêng của ông Trump dự kiến hạ cánh.

Họ chờ đợi trong cái nóng trong khi các bài hát của Abba, Frank Sinatra và Bon Jovi được phát đi qua loa lớn, và reo hò mỗi khi một nhóm những người ủng hộ Trump thay phiên nhau tạo hoạt náo đám đông.

Đám đông - mà ban vận động tranh cử của Trump ước tính lên tới 15.000 người - đã la ó khi tên của công tố viên New York City Alvin Bragg được nhắc đến, tuy nhiên, dường như không mấy ai quan tâm đến cuộc điều tra ở New York.

“Tôi không nghe những điều tiêu cực," Debbie Harvey từ Midlothian, Texas, một thị trấn gần Dallas, nói. "Tôi đang cầu nguyện rằng ông ấy không bị truy tố. Chúa vẫn đáp lời cầu nguyện."

“Có vẻ như không có gì nhiều," Brian Novie, sống ở Copperas Cove gần đó, cho biết. "Và bây giờ họ dường như đang vất vả tính xem có nên truy tố hay không."

Novie và bạn của ông, Richard Tarner, những người giống như Harvey đang tham dự cuộc biểu tình đầu tiên của họ về Trump, đã mua những chiếc áo phông kỷ niệm có dòng chữ "Trump ở Texas: Tôi đã có mặt tại đó - khi đó bạn ở đâu?" Họ nói rằng, ngay cả khi kỳ bầu cử sơ bộ năm 2024 của Đảng Cộng hòa đưa ra một loạt các lựa chọn mới thì họ vẫn trung thành với ông Trump.

“Ông ấy đã chứng minh rằng mình có thể hoàn thành công việc,” Tarner nói, đồng thời lưu ý rằng Thống đốc Florida Ron DeSantis, đối thủ đáng gờm nhất của ông Trump, vẫn chưa chứng minh được rằng ông có thể hành động được trên tầm chính trị quốc gia.

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc biểu tình ở Waco, một số phương tiện truyền thông và những người chỉ trích Trump đã đặt câu hỏi tại sao cựu tổng thống lại tổ chức cuộc biểu tình lớn đầu tiên của chiến dịch tranh cử năm 2024 ở Waco, nơi 30 năm trước chính quyền liên bang và tiểu bang đã tham gia vào một cuộc xung đột có vũ trang nhưng bế tắc với giáo phái Branch Davidian, sự kiện kết thúc với 86 người thiệt mạng.

Vụ việc trên đã góp phần thúc đẩy phong trào chống chính phủ ở Hoa Kỳ.

(Nguồn: BBC)

Ông Trump bất ngờ đảo ngược tuyên bố về nguy cơ bị truy tố

(Ảnh minh họa).

Sau khi đưa ra thông tin ông có thể bị bắt và bị truy tố, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ cho rằng các công tố viên có thể đã hủy cuộc điều tra.

"Tôi không bận tâm. Đó là một cuộc điều tra giả mạo. Như tôi đã nói với các bạn, chúng tôi không làm gì sai", cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn truyền thông sau một cuộc vận động tranh cử ở Texas tối 25/3 theo giờ địa phương.

Cuộc điều tra mà ông đề cập đến là cuộc điều tra mà công tố viên Manhattan Alvin Bragg tiến hành liên quan đến cáo buộc ông Trump đã chi 130.000 USD để "bịt miệng" một ngôi sao khiêu dâm về mối quan hệ tình ái khi ông vận động tranh cử năm 2016.

Ông Trump thừa nhận, ông không thực sự nắm rõ, nhưng tin rằng công tố viên đã hủy điều tra. "Tôi không rõ những gì đang xảy ra, song từ những gì tôi biết, họ đã hủy cuộc điều tra", cựu chủ nhân Nhà Trắng nói.

Sau đó, ông tiếp tục chỉ trích cuộc điều tra của công tố viên Alvin Bragg không có bằng chứng cụ thể, chỉ dựa trên những suy đoán. "Nếu có bất cứ điều gì từng xảy ra với vụ án, thì đó là một vụ án giả. Đây là một trường hợp giả mạo. Họ hoàn toàn không có gì. Họ nên truy tố Michael Cohen (cựu luật sư riêng của ông Trump) vì tất cả những lời dối trá mà ông ta đã nói", ông Trump nói.

Trước đó, ngày 18/3, ông Trump không đưa ra chứng cứ nhưng vẫn nói rằng ông có thể bị bắt vào ngày 21/3 và kêu gọi người ủng hộ biểu tình "giành lại đất nước". Đại bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử vụ ông Trump đã không được triệu tập vào hôm 22/3 như dự kiến, khiến quyết định về việc truy tố có thể bị đẩy lùi sang tuần này.

Sở dĩ ông Trump có nguy cơ bị truy tố hình sự do có liên quan đến cáo buộc chi 130.000 USD để "mua sự im lặng" của diễn viên phim người lớn Stormy Daniels trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2016.

Luật sư riêng của ông Trump, ông Michael Cohen, đã nhận tội vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, nhận bản án 3 năm tù, vì đã dàn xếp khoản thanh toán này. Ban đầu, ông Cohen nói dùng tiền túi để chi trả, nhưng sau đó thay đổi lời khai, khẳng định làm vậy theo chỉ thị của ông Trump và được Tập đoàn Trump hoàn tiền.

Nếu bị buộc tội, ông Trump sẽ là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự. Theo các chuyên gia, quá trình xét xử khi đó sẽ kéo dài khoảng một năm và trùng thời điểm quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của ông vào năm 2024.

Tuy nhiên, ông Trump đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

Các đồng minh ở đảng Cộng hòa của ông Trump cũng ra sức bảo vệ ông Trump trước nguy cơ bị truy tố trong một cuộc điều tra mà họ cho là "mang động cơ chính trị" trước thềm bầu cử tổng thống vào năm tới.

(Nguồn: Dân Trí)

Ông Biden ra tuyên bố nóng với láng giềng: Lộ diện kế hoạch đồ sộ "công phá" thế mạnh của Trung Quốc

Hãng Phát thanh Truyền hình Canada (CBC) ngày 25/3 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 24/3, thông báo rằng Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp tài chính cho ngành khai thác mỏ then chốt của Canada để xây dựng một "chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng ở Bắc Mỹ mạnh mẽ và kiên cường".

Theo CBC, Tổng thống Biden đã đến thăm Canada vào ngày 24/3 (giờ địa phương) và có cuộc gặp với Thủ tướng Trudeau. Để giảm sự phụ thuộc vào các "đối thủ cạnh tranh" về nguyên liệu thô cần thiết cho xe điện, đồ điện tử và các sản phẩm khác, hai nước có kế hoạch hợp tác để tạo ra một "chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế".

Chuỗi cung ứng khoáng sản Bắc Mỹ

Tuyên bố chung được công bố trên trang web của Nhà Trắng cho biết, Mỹ và Canada hy vọng sẽ thiết lập một "chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng mạnh mẽ và kiên cường ở Bắc Mỹ" để đảm bảo và phát triển việc khai thác, chế biến, chế tạo và tái chế các khoáng sản quan trọng ở hai nước, từ đó thực hiện "đa dạng hóa" chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, xe điện, chất bán dẫn, hàng không vũ trụ và quốc phòng...

Tuyên bố chung nêu rõ rằng, năm ngoái, căn cứ vào các điều khoản của "Đạo luật sản xuất quốc phòng", Mỹ đã quyết định cung cấp cho các công ty của Mỹ và Canada khoản tài trợ 250 triệu USD để khai thác và chế biến khoáng sản quan trọng cho ngành công nghiệp xe điện và pin. Chính phủ Mỹ sẽ công bố danh sách các công ty nhận được đầu tư vào mùa xuân này.

Hai ông Biden và Trudeau cũng thông báo rằng, "Quỹ cơ sở hạ tầng khoáng sản quan trọng của Canada" sẽ cung cấp 1,5 tỷ đô la Canada (khoảng 1,1 tỷ USD) để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng sạch cần thiết cho ngành khai thác mỏ, đồng thời đầu tư thêm 1,5 tỷ đô la Canada để phát triển sản xuất khoáng sản tiên tiến, năng lực xử lý và tái chế.

CBC cho biết, không rõ công ty Canada nào có thể nhận được đầu tư, nhưng các quan chức Canada đã đệ trình lên Chính phủ Mỹ một danh sách bao gồm ít nhất 70 dự án có thể xin tài trợ của Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Hạ viện Canada vào ngày 24/3, Tổng thống Biden nói: "Canada có lượng lớn khoáng sản quan trọng, rất quan trọng đối với chiến lược năng lượng sạch của chúng tôi và ngành năng lượng sạch toàn cầu. Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội hợp tác rất lớn. Điều này cho phép mọi thứ cần thiết cho chuỗi cung ứng của Canada và Mỹ đều có nguồn gốc và được cung cấp ở Bắc Mỹ."

Ông Biden tuyên bố rằng, việc này sẽ tạo thành một "mối quan hệ đối tác lý tưởng" , nghĩa là Canada chịu trách nhiệm khai thác khoáng sản và Mỹ chế biến các sản phẩm từ những nguyên liệu thô này. "Chúng tôi không có khoáng sản để khai thác, nhưng các bạn có thể."

Mỹ thúc đẩy giảm phụ thuộc Trung Quốc

Ngoài ra, hai ông Biden và Trudeau cũng đang cố gắng khuyến khích nhiều công ty trong nước tham gia vào ngành bán dẫn. Tuyên bố chung nêu rõ, Mỹ có kế hoạch đầu tư 50 triệu USD để khuyến khích các công ty Mỹ và Canada đầu tư vào ngành đóng gói linh kiện bán dẫn; Canada cũng sẽ phân bổ 250 triệu đô la Canada (khoảng 182 triệu USD) cho các dự án về chất bán dẫn trong thời gian tới.

Trang Politico chỉ ra rằng, Canada là quốc gia phương Tây duy nhất có trữ lượng coban, than chì, lithium và niken phong phú; và những tài nguyên khoáng sản này rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp như xe điện. Canada cũng là nhà sản xuất niobi - một vật liệu quan trọng trong ngành hàng không vũ trụ - lớn thứ hai thế giới, và là nhà sản xuất indi - một trong những nguyên liệu thô chính để chế tạo chất bán dẫn và ô tô tiên tiến - lớn thứ tư thế giới.

Theo Politico, mục đích Mỹ đầu tư vào ngành công nghiệp khoáng sản then chốt của Canada rõ ràng là để tăng cường khả năng “cạnh tranh” với Trung Quốc và “giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc” . Đồng thời, Canada cũng đang tìm kiếm đầu tư của Mỹ vào ngành chế biến khoáng sản để tạo thêm việc làm và thu nhập.

Nhưng CBC đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh ngành công nghiệp xe điện đang mở rộng nhanh chóng, tốc độ phát triển của ngành khai thác mỏ Canada vẫn chưa rõ liệu có thể theo kịp hay không. Các nhóm kinh doanh - do Hiệp hội khai thác mỏ British Columbia đại diện - đã cảnh báo Ottawa rằng, quy trình cấp phép và ủy quyền quá phức tạp có thể khiến Canada "bỏ lỡ cơ hội". Chính phủ Canada hứa hẹn sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt.

(Nguồn: CafeF)

Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

(Ảnh minh họa).

Với thế và lực gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, Ấn Độ ngày càng khẳng định vị thế, tầm quan trọng trên bàn cờ chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là đối tác không thể bỏ qua của nhiều nước lớn, trong đó có Mỹ. Vậy, Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ ra sao và mối quan hệ hai nước thế nào đang là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ

Dư luận quốc tế cho rằng, dưới thời Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ tiếp tục đề cao vai trò của Ấn Độ, khi xác định quốc gia này có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong việc triển khai chính sách đối ngoại đối với khu vực và thế giới. Mặt khác, Ấn Độ (nằm ở Ấn Độ Dương) cùng với Nhật Bản và Australia (nằm ở Thái Bình Dương) tạo thành tam giác chiến lược về an ninh, nên có thể giúp Mỹ bao quát hầu hết khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, góp phần kiềm chế “tham vọng” thay đổi trật tự khu vực và cán cân quyền lực của Trung Quốc. Chính vì vậy, sự coi trọng đối với Ấn Độ được thể hiện rõ trong nhiều chính sách quan trọng cũng như các phát biểu của quan chức chính quyền Mỹ. Trước hết, phải kể đến việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (hồi tháng 02/2022) đã xếp Ấn Độ vào nhóm đối tác hàng đầu cần làm sâu sắc quan hệ. Kế đến là Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2023 của Mỹ có điều khoản đề cập đến việc làm sâu sắc quan hệ với Ấn Độ, tăng cường quan hệ đối tác và hỗ trợ nước này giảm phụ thuộc vào Nga về quân sự, năng lượng. Đặc phái viên về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Kurt Campbell cũng từng khẳng định, Ấn Độ là nhân tố “đòn bẩy” trên vũ đài quốc tế thế kỷ XXI, một trong những quốc gia có thể định hình tương lai châu Á, là thành viên quan trọng của nhóm Đối thoại an ninh (QUAD) và nhiều cơ chế đa phương.

Xác định vai trò trọng yếu của Ấn Độ trong chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden triển khai nhất quán chính sách quan hệ với quốc gia này trên nhiều lĩnh vực. Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hai bên duy trì tiếp xúc linh hoạt và có nhiều chuyến thăm lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, như: chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi (tháng 9/2021), trước đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar (tháng 5/2021) và các chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (tháng 3/2021) và Ngoại trưởng Antony Blinken (tháng 7/2021), v.v. Đối với lĩnh vực kinh tế, hai bên tăng cường trao đổi thương mại, với kim ngạch năm 2021 tăng gần 33% so với năm 2020, nhiều vướng mắc về kinh tế bước đầu được tháo gỡ. Đáng chú ý, trong diễn đàn chính sách thương mại song phương được tổ chức hồi tháng 11/2021, cả Mỹ và Ấn Độ đều nhất trí tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho một loạt sản phẩm nông nghiệp; Mỹ đồng ý xem xét đề xuất của Ấn Độ về việc phục hồi cơ chế ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), nới lỏng quy định đối với xoài và lựu nhập khẩu từ Ấn Độ vào đầu năm 2022; ngược lại, Ấn Độ cũng có động thái tương tự với quả cherry, cỏ khô và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ. Về lĩnh vực quân sự, hai nước cam kết đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng, phát triển trang thiết bị quân sự, tăng cường tập trận chung, chia sẻ thông tin và hợp tác hậu cần giữa hai quân đội. Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại cho Ấn Độ, trong đó có máy bay chiến đấu đa năng MH-60R; đồng thời, cam kết hỗ trợ để Ấn Độ trở thành nhân tố bảo đảm an ninh trong khu vực.

Mỹ cũng khuyến khích Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực, quốc tế và trong các cơ chế đa phương do Mỹ dẫn dắt, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của Ấn Độ ở khu vực Nam Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không những thế, Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gia nhập nhóm các nhà cung cấp hạt nhân. Với cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo, coi trọng đồng minh, đối tác, Washington đã thuyết phục New Delhi tham gia tích cực hơn trong nhóm QUAD, góp phần nâng cao khả năng hợp tác của Nhóm: tổ chức thành công 04 hội nghị thượng đỉnh trong hai năm, triển khai chương trình 01 tỉ liều vaccine ngừa Covid-19, công bố sáng kiến quan hệ đối tác về nhận diện không gian biển (IPMDA), v.v.

Trong xử lý các vướng mắc giữa hai bên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề cao đối thoại và thuyết phục, hạn chế gây sức ép bằng các biện pháp áp thuế, hạn chế thị thực,… như thời Tổng thống Donald Trump. Đối với xung đột tại Ukraine hay việc Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, thay vì kích hoạt “Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA) như trước đó từng làm với Thổ Nhĩ Kỳ, đến nay Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định với Ấn Độ. Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng ủng hộ việc miễn trừ các biện pháp trừng phạt có thể kích hoạt theo CAATSA đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, việc chưa tuyên bố miễn trừ cũng cho thấy, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng trừng phạt trong trường hợp Ấn Độ thể hiện sự thiên lệch trong quan hệ với Nga.

Nhân tố ảnh hưởng và chiều hướng quan hệ Mỹ - Ấn Độ

Theo các chuyên gia, việc Mỹ điều chỉnh cách đánh giá và tiếp cận trong quan hệ với Ấn Độ là do tác động của nhiều nguyên nhân; trong đó, Trung Quốc được coi là nhân tố ảnh hưởng hàng đầu. Trước hết, sự trỗi dậy mạnh mẽ và việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á, Ấn Độ Dương được xác định là nguyên nhân chính, buộc Mỹ phải củng cố quan hệ với Ấn Độ nhằm “ngăn chặn” Trung Quốc. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc thời gian gần đây đang có dấu hiệu đi xuống, do xung đột giữa hai nước dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở vùng Ladakh (nổ ra từ tháng 6/2020 đến nay vẫn chưa kết thúc) hay Ấn Độ lo ngại Trung Quốc thông qua sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu, thiết lập các hải cảng ở một số nước Nam Á và vùng biển Tây Phi sẽ hạn chế các hoạt động giao thương liên lục địa, can thiệp sâu hơn vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ,… là những lý do để Mỹ và Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ hợp tác.

Tiếp đó, thời gian gần đây, vị thế, vai trò của Ấn Độ tại khu vực cũng như trên trường quốc tế ngày càng tăng, làm cho sự giao thoa về lợi ích giữa hai nước được mở rộng. Là quốc gia nằm trên tiểu lục địa Ấn Độ, vươn sâu vào Ấn Độ Dương - vùng biển kết nối các nền kinh tế châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Á, Australia và có nhiều tuyến đường biển, eo biển trọng yếu, như: Hormuz, Malacca, Bab-el Mandeb,… Ấn Độ được coi là mảnh ghép quan trọng trên bản đồ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với các chính sách phát triển kinh tế phù hợp, năm 2019, Ấn Độ vượt qua Pháp, Anh để vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ 05 thế giới và đứng thứ 03 châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản. Ấn Độ cũng là một trong số quốc gia có sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 (dự báo tăng trưởng GDP đạt khoảng 08% trong năm 2022 và 2023, cao hơn dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc). Cùng với thị trường nội địa rộng lớn, nguồn lao động dồi dào và thế mạnh về nguyên liệu thô, nước này có thể trở thành “mắt xích” tiềm năng thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng trọng yếu toàn cầu, nhất là chíp bán dẫn điện tử. Đầu năm 2021, chính phủ Ấn Độ thông qua chương trình Khuyến khích sản xuất (PLI) nhằm cung cấp động lực kinh tế đối với các công ty sản xuất nội địa và công ty nước ngoài tham gia sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”. Sự phát triển của Ấn Độ là động lực quan trọng thúc đẩy Mỹ tăng cường hợp tác, vượt qua Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ trong năm 2022, với tổng giá trị kim ngạch hai chiều lên tới 119,42 tỉ USD. Hiện quốc gia Nam Á này cũng là nước đứng thứ 05 thế giới về sức mạnh quân sự và hạt nhân, là đối tác quan trọng trong các cơ chế do Mỹ dẫn dắt, quốc gia hàng đầu nhập khẩu vũ khí của Mỹ.

Bên cạnh những thuận lợi, vấn đề dân chủ và mối quan hệ Ấn - Nga cũng là rào cản tác động tới việc hai nước củng cố mối quan hệ. Mặc dù Mỹ và Ấn Độ được coi là hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, có cùng nền tảng giá trị, cùng đề cao luật pháp quốc tế, nhưng hai nước vẫn còn nhiều khác biệt trong việc thực thi. Trong khi Mỹ đề cao các giá trị dân chủ, nhân quyền, bày tỏ quan ngại về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng và quyền của các nhóm dân tộc thiểu số ở Ấn Độ, thì Ấn Độ lại đề cao chủ trương “tự chủ chiến lược”, đa dạng hóa quan hệ và không liên kết truyền thống. Khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Mỹ nhiều lần thuyết phục, thậm chí gây sức ép để Ấn Độ cô lập Nga, nhưng Ấn Độ vẫn kiên quyết giữ mối quan hệ với Nga nhằm bảo vệ lợi ích, như: bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống với một số dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến cuộc xung đột; tiếp tục mua dầu thô và nhận hệ thống phòng không S-400 từ Nga, v.v.

Tuy hai nước vẫn còn một số quan điểm khác biệt, song các nhà phân tích quốc tế cho rằng, thời gian tới, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn sẽ duy trì và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Ấn Độ; đồng thời, thể hiện cách tiếp cận toàn diện, cân nhắc tổng thể, áp dụng “lạt mềm buộc chặt” trong xử lý các vấn đề còn khác biệt giữa hai nước. Bởi lẽ, Ấn Độ là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực và thế giới thông qua sự đa dạng về sắc tộc, tôn giáo và nhiều giá trị văn hóa riêng biệt. Cùng với đó là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng mở rộng về địa lý và quy mô; trong khi đó, Mỹ cùng lúc phải đối phó với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thì việc tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với “chốt chặn” Ấn Độ tại Ấn Độ Dương là điều cần thiết. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ cũng có những lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác với Mỹ; trong đó, phải kể đến sự hỗ trợ của Washington cho New Delhi trên các lĩnh vực thương mại, năng lượng, khoa học và công nghệ, công nghiệp quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, v.v.

Trong bối cảnh cục diện thế giới có sự thay đổi nhanh chóng, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, đặt ra nhiều thách thức mới cho các quốc gia, thì việc Washington và New Delhi ngày càng tìm thấy nhiều điểm tương đồng để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác vì lợi ích của mỗi bên là điều dễ hiểu. Dư luận quốc tế cũng hy vọng rằng, quan hệ Mỹ - Ấn Độ tiếp tục được củng cố sẽ góp phần củng cố hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới.

(Nguồn: Tạp chí Quốc Phòng)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang