Mỹ: Sục sôi biểu tình; Trump & chiến dịch tranh cử; DeSantis xung trận; Đàm phán bí mật với EU; Blinken công du Trung Đông

CẢNH SÁT ĐÁNH CHẾT NGƯỜI DÂN, NƯỚC MỸ SÔI SỤC BIỂU TÌNH

(Ảnh minh hoạ).

Làn sóng biểu tình đã quay lại nước Mỹ sau khi giới hữu trách công bố video clip ghi lại cảnh 5 cảnh sát của TP.Memphis (bang Tennessee) đánh đập dẫn đến cái chết của người da màu 29 tuổi Tyre Nichols.

Đoạn clip gây bão

Ngày 28.1 (giờ VN), Sở Cảnh sát Memphis công bố 4 clip, thời lượng tổng cộng hơn 1 giờ và chủ yếu trích xuất từ máy quay mang theo người của các cảnh sát liên quan, về trường hợp tử vong của Tyre Nichols.

Theo đó, nạn nhân Nichols bị nhóm cảnh sát tuần tra gồm 5 người yêu cầu dừng xe với lý do vi phạm luật giao thông, trước khi bị cảnh sát khống chế nằm sấp trên mặt đường. Nhóm cảnh sát tiếp tục đấm đá, dùng dùi cui tấn công, xịt hơi cay nạn nhân. Khi Nichols vùng dậy và bỏ chạy, một cảnh sát bắn súng điện về phía anh. Kế đến, Nichols gục xuống đường và bị bỏ mặc trong tư thế hai tay bị còng sau lưng suốt 23 phút trước khi cứu thương đến. Nạn nhân nhập viện và qua đời 3 ngày sau.

Sau vụ việc, 5 cảnh sát can dự trong vụ đánh đập gồm: Demetrius Haley, Tadarrius Bean, Justin Smith, Emmitt Martin và Desmond Mills, đều là người da màu, đã bị sa thải và truy tố trách nhiệm trong cái chết của Tyre Nichols. Hồ sơ của Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Shelby (quản lý Sở cảnh sát Memphis) ghi rõ các cảnh sát bị truy tố tội giết người cấp độ 2, tấn công và bắt cóc ở mức độ nghiêm trọng, có hành vi sai trái trên cương vị và áp bức nạn nhân.

Hai lính cứu hỏa có trách nhiệm sơ cứu Nichols cũng bị sa thải khỏi ngành và có thể bị truy cứu trách nhiệm liên đới.

Cơn phẫn nộ của dư luận

Đài NBC News dẫn lời ông Ben Crump, luật sư đại diện gia đình Nichols, cho rằng cách thức Giám đốc Sở Cảnh sát Memphis Cerelyn Davis xử lý, bao gồm bắt giữ và truy tố các cảnh sát liên quan trong vòng 20 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra, nên trở thành hình mẫu áp dụng những trường hợp cảnh sát tấn công và gây tử vong cho dân thường. Ông cũng kêu gọi nên xử lý nhanh trong trường hợp liên quan cảnh sát da trắng.

Memphis giải thể đơn vị cảnh sát

Sáng qua (giờ VN), Sở Cảnh sát Memphis thông báo giải thể đơn vị của 5 cảnh sát liên quan trong vụ ông Nichols là SCORPION (Chiến dịch xử lý tội phạm đường phố để khôi phục an bình cho các khu dân cư).

Đơn vị này gồm hơn 20 thành viên, có nhiệm vụ tuần tra nhằm kịp thời xử lý các vụ phạm tội trên đường phố. Các thành viên đi tuần theo tổ đội và thường áp dụng chiến thuật dừng xe do các vi phạm giao thông nhỏ để tìm kiếm các đối tượng là tội phạm nguy hiểm, tội phạm ma túy hoặc có vũ trang.

Luật sư Crump cũng là người đại diện gia đình nạn nhân George Floyd, người thiệt mạng trong tay cảnh sát da trắng Derek Chauvin ở TP.Minneapolis (bang Minnesota) vào ngày 25.5.2020. Sau cái chết của ông Floyd, các cuộc biểu tình bắt đầu lan rộng trên toàn nước Mỹ. Tổng cộng biểu tình đã xảy ra tại hơn 400 thành phố thuộc 50 tiểu bang, trong đó có một số vụ bạo động.

Còn trong trường hợp của Nichols, hôm 28.1 (giờ địa phương), những người biểu tình đã xuống đường ở TP.New York (bang New York), Atlanta (Georgia), Boston (Massachusetts), Baltimore (Maryland), Los Angeles, San Francisco (California), Portland (Oregon) và những thành phố khác trên khắp nước Mỹ. Họ giơ cao những tấm biển ghi tên nạn nhân Nichols và kêu gọi chấm dứt ngay tình trạng giới hành luật lạm dụng quyền lực dẫn đến những cái chết của dân thường.

Các nghị viên đại diện cho khu vực Memphis đang bắt tay soạn thảo dự luật cải cách ngành cảnh sát của tiểu bang.

(Nguồn: Thanh Niên)

ÔNG TRUMP VÀ CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG TRANH CỬ 2024

Tuyên bố của Donald Trump rằng ông sẽ tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2024 không phải là một trò đùa hay một mánh lới để tránh bị truy tố như một số người đồn đoán. Ông đang lên đường, nghiêm túc chuẩn bị cho việc chiếm lại Nhà Trắng.

Gần ba tháng sau khi công bố chiến dịch tranh cử của mình, cựu tổng thống đã thực hiện chiến dịch tranh cử đầu tiên ở bang Florida quê hương ông vào thứ Bảy.

Tại New Hampshire, ông phát biểu tại cuộc họp của Đảng Cộng hòa, tuyên bố chủ tịch đảng sắp mãn nhiệm sẽ là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của ông. Tại Columbia, thủ phủ của bang Nam Carolina, ông đã nhận được sự hậu thuẫn của thống đốc bang Henry McMaster, và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham.

Thượng nghị sĩ Graham, người bạn tâm giao của Trump, người đã tỏ ý vỡ mộng ít nhiều sau cuộc bạo động ở Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, giờ đã quay lại mạnh mẽ ủng hộ ông.

Ông Trump một lần nữa phủ nhận thất bại năm 2020 của mình và - không giống như bất kỳ ứng viên nào khác có thể được Đảng Cộng hòa lựa chọn - nói với những người ủng hộ rằng ông sẽ là ứng cử viên hiệu quả nhất vào năm 2024.

“Để thay đổi toàn bộ hệ thống, bạn cần một tổng thống có thể đảm nhận toàn bộ hệ thống và một tổng thống có thể giành chiến thắng,” ông nói từ hội trường chính của thủ phủ bang.

Tại cả hai điểm dừng, ông Trump ca ngợi những gì ông nói là thành tích thành công của ông trong nhiệm kỳ tổng thống và công kích thành tích của Tổng thống Joe Biden về tội phạm, nhập cư và kinh tế.

Bên kia đường, Todd Gerhardt, thành viên ủy ban điều hành quận của Đảng Cộng hòa từ Charleston gần đó, bán mật ong đựng trong chai nhựa hình Trump.

Ông Gerhardt là người sớm ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump, người đã tổ chức một cuộc tuần hành cho ông Trump trên đảo Kiawah sang trọng của Nam Carolina, và gần đây đã đến thăm dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống để gây quỹ và cung cấp mật ong cho các túi quà của chiến dịch tranh cử. .

Ông nói rằng Mar-a-Lago mang đến bầu không khí lễ hội khi đội ngũ của ông Trump chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới, và ông bác bỏ những lo ngại rằng cử tri Đảng Cộng hòa ở Nam Carolina và trên khắp Hoa Kỳ có thể đang tìm kiếm một ứng cử viên khác trong khoảng thời gian này.

Tuy nhiên, trước đó trong ngày, tại một khu chợ đường phố cách thủ phủ bang vài khối nhà, chuyến thăm của ông Trump tới Columbia dường như không được mấy quan tâm. Một khách quen tại quán cà phê địa phương càu nhàu về việc cựu tổng thống tổ chức sự kiện vận động tranh cử tại bất động sản thuộc sở hữu công là không phù hợp, nhưng hầu hết mọi người thậm chí còn không biết là ông ấy đang có mặt trong thị trấn.

"Dường như mọi người không nhiệt tình đối với Trump trong khoảng thời gian này," một người dân địa phương khác nói.

Không phải ngẫu nhiên mà hai điểm dừng chân đầu tiên trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ ba của ông Trump là Nam Carolina và New Hampshire. Hai bang này có thể sẽ là tâm điểm trong chiến lược chiếm lại Nhà Trắng của ông Trump.

Mặc dù Iowa là bang đầu tiên tổ chức cuộc tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa vào năm 2024, nhưng ông Trump đã về thứ ba ở đó vào năm 2016, và những người theo đạo Tin lành chiếm đa số trong khu vực bầu cử của Đảng Cộng hòa ở bang này có lẽ đang để mắt tới các ứng cử viên khả dĩ khác, như cựu Phó Tổng thống Mike Pence và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Tuy nhiên, New Hampshire và Nam Carolina đã đem về cho ông Trump một cú đấm có một không hai để đưa ông lên dẫn đầu vào năm 2016 - một vị trí dẫn đầu mà ông chưa bao giờ từ bỏ.

Những nơi này có thể làm điều tương tự vào năm 2024. Trên thực tế, mọi gương mặt được đề cử đại diện ra tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa kể từ năm 1980 đều giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nam Carolina, khiến cuộc bầu cử này trở nên độc nhất vô nhị trong số các bang bỏ phiếu sớm theo truyền thống.

Tuy nhiên, Nam Carolina có thể chứng tỏ là một thách thức độc nhất đối với ông Trump trong khoảng thời gian này. Ông ấy phải đối mặt với những thách thức tiềm ẩn từ Thượng nghị sĩ Tim Scott cũng như cựu thống đốc của bang, Nikki Haley.

Nếu đây là thời điểm xoay trục đối với ông Trump, thì đây là thời điểm mà các cuộc thăm dò dư luận đang bắt đầu ổn định đối với ông, sau khi tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống sau kết quả đáng thất vọng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11.

Một cuộc thăm dò của Emerson được tiến hành vào đầu tuần này cho thấy 55% cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump, vượt xa tỷ lệ 29% của Thống đốc Florida Ron DeSantis, người vẫn chưa tuyên bố tranh cử tổng thống nhưng được coi là đối thủ đáng gờm nhất của cựu tổng thống. Một cuộc thăm dò của Monmouth vào tháng 12 cho thấy ông DeSantis dẫn trước hai con số.

Đầu tuần này, Meta thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đã áp đối với các tài khoản của ông Trump sau vụ các ủng hộ viên của ông tấn công vào Điện Capitol.

(Nguồn: BBC)

ÔNG DESANTIS SẮP 'XUNG TRẬN'

(Ảnh minh hoạ).

Cuộc đua tổng thống năm 2024 của Mỹ đang có dấu hiệu khởi động khi có thông tin cho rằng Thống đốc Florida Ron DeSantis đã sẵn sàng cạnh tranh vị trí ứng viên của đảng Cộng hòa.

Các động thái của ông DeSantis thậm chí còn khiến ông Trump phải công khai đưa ra lời thách thức trong các sự kiện vận động tranh cử tại New Hampshire và Nam Carolina, Guardian đưa tin ngày 29/1.

“Ron sẽ không phải thống đốc nếu không có tôi. Khi nghe tin ông ấy có thể tranh cử, tôi cho rằng điều đó rất không trung thành”, ông Trump nói.

Ông Trump cáo buộc thống đốc Florida “đang cố gắng viết lại lịch sử” về ứng phó với Covid-19. Ông DeSantis ban đầu công khai hoài nghi về những nỗ lực của chính phủ trong việc tiêm chủng cho người dân. Nhưng sau đó, ông đã “quảng bá vaccine nhiều hơn bất kỳ ai”.

Ông DeSantis bắt đầu làm thống đốc Florida dưới cái bóng của ông Trump. Nhưng kể từ đó, vị thống đốc đã nổi lên như một đối thủ chính trị đáng gờm nhất đối với ông Trump trong đảng Cộng hòa.

Ông được nhiều quan chức đảng ủng hộ. Những vụ bê bối và hỗn loạn của ông Trump khiến các đảng viên nghi ngờ về khả năng chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Nhóm chính trị của ông DeSantis đã xác định được những nhân sự tiềm năng ở các bang như Iowa và New Hampshire. Những bang này sẽ nổ “phát súng lệnh” trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Hai nguồn tin của Washington Post chia sẻ thống đốc Florida đang đàm phán với Phil Cox và Generra Peck – hai thành viên chủ chốt trong cuộc tái tranh cử năm 2022 của ông DeSantis, về các vị trí cấp cao trong nhóm tranh cử năm 2024.

Bên cạnh ông DeSantis, một loạt các đảng viên Cộng hòa khác cũng sẵn sàng tham gia cuộc đua.

Cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley đã có một cuộc thảo luận thân mật qua điện thoại với ông Trump. Bà gợi ý rằng sẽ sớm công bố quyết định tham gia cuộc đua tổng thống.

“Bà ấy gọi cho tôi và nói rằng đang xem xét quyết định. Tôi nói rằng bà nên làm điều đó”, ông Trump nói với các phóng viên, đồng thời lưu ý rằng bà Haley từng nói sẽ không tham gia cuộc đua nếu ông Trump tái tranh cử.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump John Bolton trả lời với CBS rằng ông đang xem xét tham gia ứng cử. Ông chỉ trích cuộc tranh cử tổng thống năm 2024 của ông Trump là “chất độc” đối với đảng Cộng hòa.

(Nguồn: Zing News)

NHỮNG TUẦN ĐÀM PHÁN BÍ MẬT GIỮA MỸ VÀ CHÂU ÂU ĐỂ VIỆN TRỢ XE TĂNG CHO UKRAINE

Thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông sẽ gửi xe tăng M1 Abrams tới Ukraine được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán bí mật căng thẳng với Thủ tướng Đức và các nhà lãnh đạo châu Âu.

Theo tờ New York Times, các lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh rằng cách duy nhất để dòng vũ khí hạng nặng của châu lục này tới Ukraine là Mỹ gửi xe tăng của chính Mỹ cho Kiev. Quyết định của ông Biden, dù miễn cưỡng, đã mở đường cho xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất đến Ukraine sau hai hoặc ba tháng nữa. Mặc dù không rõ liệu xe tăng có tạo ra khác biệt quyết định cho Ukraine hay không, nhưng đây là động thái mới nhất trong một loạt hành động leo thang mà dần dần đã khiến Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến gần hơn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Các quan chức châu Âu và Mỹ thừa nhận rằng ba tháng trước, không thể tưởng tượng nổi Tổng thống Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các nhà lãnh đạo châu Âu khác lại đóng góp vũ khí hạng nặng như vậy cho Ukraine. Nhưng dần dần, họ cho rằng tình hình đã thay đổi.

Hơn nữa, phương Tây muốn chứng minh với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng châu Âu không rạn nứt trong mùa đông và NATO vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine.

Tổng thống Biden nói tại Nhà Trắng: “Ông Putin cho rằng quyết tâm của châu Âu và Mỹ sẽ suy yếu. Những chiếc xe tăng này là bằng chứng rõ ràng hơn về cam kết bền bỉ, không lay chuyển của chúng ta đối với Ukraine và sự tin tưởng của chúng ta vào kỹ năng của các lực lượng Ukraine”.

Chỉ mới tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã bác bỏ ý tưởng gửi xe tăng Abrams vì xe tăng Abrams là một thiết bị rất phức tạp và là những hệ thống mà Ukraine không sửa chữa nổi.

Nhưng khi cam kết viện trợ xe tăng cho Ukraine, ông Biden đã có thể tạo lớp bảo vệ chính trị để Thủ tướng Đức Scholz gửi xe tăng Leopard vào đầu mùa xuân. Quyết định của Đức đã mở đường cho Tây Ban Nha, Ba Lan và Phần Lan đi theo, còn Na Uy có khả năng sẽ công bố một khoản đóng góp tương tự.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden không muốn bị coi là bị đồng minh thân cận nhất buộc phải đưa ra quyết định. Ông coi vấn đề này là giữ gìn sự thống nhất. Ông Biden nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều ở bên nhau”.

Tổng thống Biden thường nói rằng ông có hai mục tiêu: giải phóng Ukraine và tránh xung đột trực tiếp giữa lực lượng Mỹ và Nga. Càng ngày, hai mục tiêu đó càng căng thẳng. Ngày 25/1, ông Biden nhấn mạnh rằng vũ khí mới sẽ nhằm bảo vệ lãnh thổ Ukraine, không hơn không kém. Ông nói: “Không có mối đe dọa tấn công nào đối với Nga. Nếu quân đội Nga trở về Nga, nơi họ thuộc về, cuộc chiến này sẽ kết thúc ngay hôm nay”.

Tuy nhiên, phía Nga có suy nghĩ khác. Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, đã nói về một âm mưu rộng lớn hơn của Mỹ, cho rằng tất cả là cuộc chiến ủy nhiệm của Mỹ nhằm vào Nga.

Cả ông Biden và ông Scholz đều lo lắng về hình ảnh chiến tranh ủy nhiệm. Ông Biden lo leo thang, còn ông Scholz lo phản ứng của các nước châu Âu khi thấy xe tăng Đức trên chiến trường dù đã 8 thập kỷ trôi qua từ Thế chiến II.

Sau cuộc điện đàm vào tuần trước với ông Scholz, ông Biden bắt đầu thay đổi dần. Ông yêu cầu Lầu Năm Góc gạt sang một bên nhiều ý kiến phản đối nói rằng xe tăng Abrams không phù hợp với nhu cầu của Ukraine và quá khó vận hành, bảo trì.

Đó là một chiến thắng của tính toán chính trị với các mối lo ngại về hậu cần. Mỹ không muốn đau đầu về vấn đề này khi mà những chiếc xe tăng Leopard của Đức ở gần đó có thể đến Ukraine nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn Abrams. Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu sẵn sàng gửi xe tăng Leopard của Đức nếu Đức đồng ý.

Trong các cuộc họp cấp cao của chính quyền Mỹ, ông Austin và Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã trình bày quan điểm của Lầu Năm Góc. Sau đó, các quan chức an ninh quốc gia của Nhà Trắng đã nhắc lại một cách nghiêm túc các quan điểm quân sự về lý do tại sao Abrams không phù hợp, còn xe tăng châu Âu thì có.

Nhưng nhiệm vụ của ông Austin và Tướng Milley là đưa ra lời khuyên quân sự tốt nhất cho Tổng thống Biden. Trong trường hợp này, lời khuyên là không gửi xe tăng có thể xung đột với nhu cầu duy trì sự thống nhất giữa các đồng minh. Các chính phủ châu Âu không muốn làm điều gì khiêu khích Nga trước khi Mỹ làm điều đó.

Ông Peter Juul, một nhà phân tích an ninh quốc gia, cho biết: “Dù muốn hay không, điều đó có nghĩa Mỹ vẫn là chất keo gắn kết NATO và châu Âu lại với nhau”.

Tuần trước đó, ông Scholz đã nói rõ rằng ông sẽ không đồng ý gửi xe tăng Leopard cho đến khi Mỹ đồng ý gửi Abrams. Các quan chức Mỹ lúc đầu nghĩ rằng ông Scholz có thể bị thuyết phục theo cách khác và hy vọng rằng cam kết của Anh gửi xe tăng Challenger 2 sẽ khiến Đức làm điều tương tự.

Tuy nhiên, các quan chức Đức đã nói rõ với ông Austin và Tướng Milley là họ sẽ không gửi xe tăng dù Anh đã thực hiện.

Sau khi Đức không đồng ý triển khai xe tăng tới Ukraine, các phương tiện truyền thông đã chỉ ra rằng sự chia rẽ này là vết nứt lớn nhất trong tinh thần thống nhất của NATO kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.

Sau một năm nhấn mạnh về sự đoàn kết của NATO, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận ra rằng đã đến lúc chính trị phải vượt qua sự phản đối của Lầu Năm Góc.

Chính Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã đi đến kết luận đó sau khi Đức từ chối gửi xe tăng trong cuộc họp ngày 20/1, nói rằng ông không thấy có ý nghĩa gì khi mạo hiểm gây ra rạn nứt trong NATO hoặc rạn nứt với Đức về vấn đề này.

Đến ngày 23/1, các quan chức cho biết cả ông Austin và Tướng Milley đều sẵn sàng gửi xe tăng Mỹ đến Ukraine. Ông Austin đã gọi cho Tổng thống Biden ngày hôm đó để đề nghị gửi xe tăng Abrams.

Trong khi một số nhà lập pháp nói Mỹ cần gửi ít nhất một chiếc xe tăng Abrams để mở đường cho những chiếc Leopard của Đức, thì các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc cho rằng điều đó là vô nghĩa. Một quan chức cho biết nếu Mỹ gửi hệ thống xe tăng tiên tiến nhất, thì nên gửi cả một tiểu đoàn có sức mạnh chiến đấu.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết một tiểu đoàn Ukraine có 31 xe tăng, vì vậy đó là số lượng mà Mỹ đã đồng ý gửi.

(Nguồn: Soha)

NGOẠI TRƯỞNG HOA KỲ CÔNG DU TRUNG ĐÔNG GIỮA LÀN SÓNG BẠO LỰC

(Ảnh minh hoạ).

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Trung Đông hôm Chủ nhật, bắt đầu chuyến thăm ba ngày, trong bối cảnh bạo lực bùng phát giữa người Israel và người Palestine, cũng như Iran và cuộc chiến ở Ukraine đang là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Sau khi dừng chân ở Cairo, ông Blinken hôm thứ Hai sẽ lên đường tới Jerusalem, nơi chính phủ cánh hữu mới của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gây lo ngại trong và ngoài nước về tương lai của các giá trị thế tục của Israel, các mối quan hệ sắc tộc bị rạn nứt và các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ với người Palestine.

Cũng đã có một loạt các vụ bạo lực chết người xảy ra trong những ngày gần đây, làm gia tăng lo ngại rằng bạo lực vốn đã leo thang sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Một tay súng Palestine đã giết chết 7 người trong một cuộc tấn công bên ngoài một giáo đường Do Thái ở Jerusalem hôm thứ Sáu tuần trước. Đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất như vậy nhắm vào người Israel ở khu vực Jerusalem kể từ năm 2008 và theo sau một cuộc tấn công chết người của Israel vào thành phố Jenin bị chiếm đóng ở Bờ Tây hôm thứ Năm tuần trước, vốn là cuộc tấn công đẫm máu nhất ở đó trong nhiều năm.

Trong các cuộc đàm phán với chính quyền mới của Israel, bao gồm các đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, ông Blinken sẽ lặp lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ về sự bình tĩnh và nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với giải pháp hai nhà nước, mặc dù các quan chức Hoa Kỳ thừa nhận các cuộc đàm phán hòa bình dài hạn không có khả năng diễn ra trong tương lai gần.

Ông Blinken cũng sẽ tới Ramallah để gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, các quan chức Palestine khác và các thành viên của xã hội dân sự.

Tại Cairo, ông Blinken sẽ gặp Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi và Ngoại trưởng Sameh Shoukry để tăng cường "quan hệ đối tác chiến lược" của Washington với Ai Cập và tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực như quá trình chuyển đổi của Sudan và bầu cử ở Libya, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về vùng Cận Đông, bà Barbara Leaf, cho biết.

Ông Blinken cũng sẽ chịu áp lực nêu lên những quan ngại về nhân quyền, theo Reuters.

Chính quyền Biden đã giữ lại hàng triệu đôla viện trợ quân sự cho Ai Cập do nước này không đáp ứng các điều kiện về nhân quyền, mặc dù các nhóm vận động đã thúc đẩy việc giữ lại nhiều hơn nữa, cáo buộc các hành vi lạm dụng phổ biến bao gồm tra tấn và cưỡng bức mất tích.

Phần lớn trong số 1,3 tỷ đôla viện trợ quân sự nước ngoài mà Washington gửi cho Ai Cập mỗi năm vẫn còn nguyên vẹn và Hoa Kỳ đã ghi nhận tiến bộ của chính phủ của ông Sisi đối với các vụ giam giữ chính trị.
Ông Sisi, người trở thành tổng thống vào năm 2014, đã nói rằng Ai Cập không giam giữ tù nhân chính trị, đồng thời lập luận rằng an ninh là tối quan trọng và chính phủ đang thúc đẩy nhân quyền bằng cách nỗ lực cung cấp các nhu cầu cơ bản như việc làm và nhà ở.

(Nguồn: VOA)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Khủng hoảng trứng; Xả súng ở Cali; Giải thể SCORPION; Tịch thu sổ của Biden; Cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang