Mỹ: Ồ ạt ‘chạy’ khỏi đất nước; ‘Phép thử’ với FED; Ngày đầu Trump trở lại; Trump sẽ thanh trừng Bộ Quốc phòng; Đảng Dân chủ lo xa

LÀN SÓNG DI CƯ RA NƯỚC NGOÀI TĂNG VỌT SAU KHI TRUMP ĐẮC CỬ

Lượt tìm kiếm di cư ra nước ngoài của người Mỹ tăng vọt sau khi ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trước đối thủ Kamala Harris.

Sau chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump, một bộ phận lớn người Mỹ đang tìm cách di cư ra nước ngoài để chạy trốn khỏi nhà lãnh đạo tương lai của họ, theo Hãng tin Reuters.

Dựa trên kết quả thăm dò hậu bầu cử của Edison Research, gần 3/4 người Mỹ tham gia khảo sát cảm thấy nền dân chủ của đất nước đang bị đe dọa sau khi ông Trump thắng cử. Không chỉ vậy, họ còn lo lắng cho sự an toàn của chính bản thân mình.

Sau khi các điểm bỏ phiếu tại bờ Đông nước Mỹ đóng cửa vào ngày 5-11, dữ liệu từ nền tảng tìm kiếm thông tin Google ghi nhận lượt tìm kiếm "chuyển đến Canada" tăng vọt tới 1.270% trong vòng 24 giờ.

Tương tự, các tìm kiếm về việc di cư sang New Zealand tăng gần 2.000%, trong khi những lượt tìm kiếm về việc chuyển đến Úc tăng 820%.

Trước đó ngày 6-11, một quan chức không nêu tên của Google cho biết các lượt tìm kiếm về việc di cư sang ba quốc gia trên đã đạt mức kỷ lục.

Theo số liệu từ trang web của Cơ quan di trú New Zealand, khoảng 25.000 người dùng mới có địa chỉ IP từ Mỹ đã truy cập vào trang web này trong ngày 7-11, tăng 23.500 người so với cùng thời điểm năm 2023.

Chỉ riêng tháng 7, Canada ghi nhận số người nộp đơn xin tị nạn lên đến 20.000 người - mức cao nhất từ trước đến nay.

Con số này đã giảm xuống còn khoảng 16.400 vào tháng 9, nhưng vẫn ở mức cao.

Tính đến nay, Ủy ban di trú và tị nạn Canada thống kê đã tiếp nhận hơn 250.000 yêu cầu và đang chờ xử lý.

Ngoài ra một số hội nhóm di cư khỏi nước Mỹ đã xuất hiện trên mạng xã hội, với hàng trăm người chia sẻ các gợi ý về những điểm đến lý tưởng, mẹo xin visa và tìm việc.

Tuy nhiên bà Heather Bell - cố vấn di trú tại Công ty luật Bell Alliance ở thành phố Vancouver (Canada) - cho biết không nhiều người thực sự có thể hoàn thành quy trình này, đặc biệt là trong bối cảnh chính phủ đang giảm số lượng người nhập cư tạm thời và thường trú đến Canada.

Thêm vào đó, trung sĩ Charles Poirier của Cảnh sát hoàng gia Canada cho hay điều này có thể khiến "tình trạng vượt biên, nhập cư bất hợp pháp vào Canada trở nên tồi tệ hơn".

Vị quan chức này nói thêm rằng giả sử có 100 người vượt biên mỗi ngày, các sĩ quan sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát và bắt giữ người nhập cư với quy mô lớn trên diện rộng như vậy, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

 

 

FED ĐỐI MẶT 'PHÉP THỬ' QUAN TRỌNG: CÓ TIẾP TỤC HẠ LÃI SUẤT?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 sẽ đóng vai trò là “phép thử” mới nhất đối với tình hình lạm phát của nền kinh tế Mỹ. Yếu tố này sẽ góp phần quan trọng vào cuộc tranh luận của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về quyết định điều chỉnh lãi suất sắp tới.

Báo cáo lạm phát dự kiến sẽ được công bố vào lúc 20 giờ 30 ngày 13/11 (theo giờ Hà Nội). Theo dự báo, CPI cơ bản sẽ đạt mức 2,6%, tăng nhẹ so với mức 2,4% của tháng 9, là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 0,2% so với tháng trước, tương tự với mức của tháng trước.

Trong khi đó, CPI lõi ước tính tăng 3,3% so với năm ngoái trong 3 tháng liên tiếp. Hiện tại, lạm phát lõi vẫn ở mức cao do giá nhà và chi phí các dịch vụ như bảo hiểm và chăm sóc y tế leo thang.

Jay Bryson, nhà kinh tế trưởng của Wells Fargo, cho hay: “CPI tháng 10 có thể củng cố quan điểm rằng đoạn đường cuối của hành trình đưa lạm phát trở về mục tiêu sẽ là chặng khó khăn nhất của Fed.”

Trong khi đó các nhà kinh tế của Bank of America, Stephen Juneau và Jeseo Park, cũng đồng tình với quan điểm trên. Nhóm này viết trong một lưu rằng “lạm phát có khả năng sẽ không cho thấy nhiều tiến triển” và số liệu CPI tháng 10 có thể sẽ đi ngang sau một thời gian hạ nhiệt đáng kể.

Dù lạm phát đã tăng với tốc độ chậm hơn, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Ngoài ra, triển vọng lạm phát vẫn chưa chắc chắn vì các nhà kinh tế cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn thúc đẩy chi phí tăng cao hơn sau khi ông Donald Trump tái đắc cử.

So với chính quyền Biden, các chính sách của ông Trump được cho là có khả năng khiến lạm phát tăng cao hơn, vì ông cam kết sẽ áp dụng mức thuế quan cao đối với hàng hoá nhập khẩu, cắt giảm thuế doanh nghiệp và hạn chế hoạt động nhập cư.

Trong cuộc họp báo sau đợt hạ lãi suất vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ không đưa ra quyết định dựa theo những thay đổi chính sách dự kiến từ chính quyền mới.

Tính đến ngày 12/11, thị trường tương lai đang dự đoán đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản khác vào tháng 12, dù các nhà đầu tư cho rằng khả năng ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất tăng lên khoảng 35% so với 22% cách đây một tuần, theo công cụ CME FedWatch.

2 nhà kinh tế của Bank of America cho hay: “Dựa vào những phát biểu của Chủ tịch Fed vào tuần trước, chúng tôi tin rằng Fed vẫn cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 12. Điều này có nghĩa là, sự thay đổi của các rủi ro liên quan đến lạm phát, cùng khả năng hồi phục của nền kinh tế Mỹ, đã làm tăng sự không chắc chắn về triển vọng chính sách trong trung hạn.”

Nhóm nhận định thêm: “Dù các yếu tố cơ bản của nền kinh tế cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục giảm nhẹ, nhưng những thay đổi về chính sách lại có khả năng sẽ làm gia tăng rủi ro cho triển vọng trong thời gian tới.”

 

 

KỊCH BẢN NGÀY ĐẦU TRUMP TRỞ LẠI: TRỤC XUẤT, TƯỜNG BIÊN GIỚI, HỦY CÁC CHƯƠNG TRÌNH CỦA BIDEN

Ông Donald Trump dự kiến sẽ thực hiện một loạt các hành động hành pháp vào ngày đầu tiên trở lại Tòa Bạch Ốc để tăng cường thực thi luật di trú và hủy bỏ các chương trình nhập cảnh hợp pháp mang dấu ấn của ông Biden, một nỗ lực toàn diện sẽ do “ông trùm biên giới” Tom Homan và những người theo đường lối cứng rắn về di trú của Đảng Cộng hòa dẫn đầu, ba nguồn tin thân cận với vấn đề này cho Reuters biết.

Các hành động hành pháp đó sẽ trao cho các viên chức di trú liên bang nhiều quyền hạn hơn để bắt giữ những người không có tiền án, tăng cường quân đội đến biên giới Hoa Kỳ-Mexico và khởi động lại việc xây dựng bức tường biên giới, các nguồn tin cho biết.

Ông Homan, người từng là quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ từ năm 2017-2018 dưới thời ông Trump trước đây, sẽ mang đến sự hiểu biết sâu sắc về hệ thống di trú của Hoa Kỳ sau bốn thập niên sự nghiệp từ một nhân viên Tuần tra Biên giới tuyến đầu trở thành người đứng đầu cơ quan bắt giữ và trục xuất di dân bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.

Ông Trump cũng dự kiến sẽ chấm dứt các chương trình nhân đạo của Tổng thống Joe Biden vốn đã cho phép hàng trăm nghìn di dân nhập cảnh hợp pháp trong những năm gần đây và có thể khuyến khích những người có tình trạng hết hạn di trú phải tự nguyện rời đi, theo các nguồn tin vừa kể.

“Tất cả những điều này nên được đưa ra thảo luận”, theo ông Mark Morgan, một viên chức di trú trong nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên của ông Trump, người nói rằng ông không phát biểu thay cho nhóm chuyển giao của ông Trump.

Các hành động hành pháp ban đầu của ông Trump sẽ khởi động chương trình nghị sự về di trú của ông, bao gồm lời hứa trục xuất số lượng kỷ lục di dân bất hợp pháp.

Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ ước tính có 11 triệu di dân không có tư cách hợp pháp vào năm 2022, một con số có thể đã tăng lên. Một số thành phố tiếp nhận di dân, bao gồm New York, Chicago và Denver, đã phải vật lộn để cung cấp nhà ở và hỗ trợ cho họ.

Ông Trump, một đảng viên Cộng hòa, đã đánh bại Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống tuần trước. Ông tuyên bố trọng tâm chiến dịch tranh cử của mình nhắm vào việc chính quyền Biden đã cho phép di dân bất hợp pháp vào Mỹ ở mức cao.

Nỗ lực chuyển giao của ông Trump vẫn đang trong giai đoạn đầu và các kế hoạch có thể thay đổi trước khi ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1. Phát ngôn viên của ông Trump không trả lời yêu cầu bình luận.

Việc bắt giữ di dân đã đạt mức kỷ lục trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, gây căng thẳng cho lực lượng thực thi biên giới Hoa Kỳ. Nhưng tình trạng vượt biên trái phép đã giảm mạnh trong năm nay khi ông Biden ban hành các hạn chế biên giới mới và Mexico tăng cường thực thi.

Ông Trump muốn giảm thiểu tình trạng vượt biên trái phép và sử dụng cách tiếp cận toàn chính phủ để bắt, giam giữ và trục xuất số lượng lớn di dân.

Ông Trump tuyên bố vào tối ngày 10/11 rằng ông Homan sẽ làm “ông trùm biên giới” của Tòa Bạch Ốc, giám sát an ninh và thực thi luật di trú. Phó Tổng thống đắc cử JD Vance hôm 11/11 dường như đã xác nhận rằng ông Stephen Miller, kiến trúc sư của chương trình nghị sự hạn chế di dân trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, sẽ trở lại làm phó chánh văn phòng phụ trách chính sách, đảm bảo vấn đề này sẽ vẫn là trọng tâm.

Reuters đưa tin ngày 12/11 rằng ông Trump cũng có kế hoạch đề cử Thống đốc South Dakota Kristi Noem làm Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Bà Noem, người xuất thân từ miền Trung Tây gần Canada hơn Mexico, đã có lập trường cứng rắn về vấn đề di dân bất hợp pháp và đã thực hiện một số chuyến đi trong những năm gần đây đến biên giới Hoa Kỳ-Mexico, nơi mà bà gọi là “khu vực chiến sự” vào tháng 1.

Chương trình nghị sự quyết liệt của ông Trump có thể sẽ gặp phải những thách thức pháp lý từ các tiểu bang do đảng Dân chủ điều hành, Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ và những người ủng hộ di dân.

Ngày đầu tiên

Một trong những hành động hành pháp trong ngày đầu tiên ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc dự kiến sẽ là lệnh về cái gọi là thực thi nội bộ, bắt và giam giữ những di dân bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, các nguồn tin cho biết.

Ông Trump có ý định hủy bỏ hướng dẫn của chính quyền Biden vốn ưu tiên trục xuất những người có tiền án nghiêm trọng và hạn chế thực thi đối với những người không phải là tội phạm, họ cho biết.

Lệnh của ông Trump sẽ kêu gọi ưu tiên trục xuất những người bị buộc tội trọng và những người đã cạn kiệt các con đường pháp lý để ở lại, nhưng sẽ không hạn chế các nhân viên di trú bắt giữ những di dân khác có khả năng bị trục xuất.

Theo Hội đồng Di trú Hoa Kỳ ủng hộ di dân, hơn 1 triệu di dân tại Hoa Kỳ đã cạn kiệt các lựa chọn pháp lý và bị ra lệnh trục xuất.

Ông Homan nói với Fox News vào ngày 11/11 rằng những người này sẽ là ưu tiên. Ông cho biết “Một thẩm phán liên bang đã nói, ‘Các người phải về nhà’, nhưng họ đã không về”.

Một số nhóm nhất định - chẳng hạn như sinh viên quốc tế ủng hộ nhóm hiếu chiến Hamas của người Palestine và đã vi phạm các điều khoản của visa sinh viên - cũng có thể được liệt kê là ưu tiên bị trục xuất, hai nguồn tin cho biết.

Một nguồn tin cho hay Cơ quan Thực thi Di trú có thể sử dụng máy bay quân sự để trục xuất và tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan khác trong chính phủ để vận chuyển những người bị trục xuất. “Tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc”, nguồn tin cho biết.

Hai nguồn tin nói một lệnh khác sẽ giải quyết vấn đề an ninh biên giới. Các nguồn tin cho biết ông Trump có ý định điều động Vệ binh Quốc gia đến biên giới và tuyên bố di dân bất hợp pháp là tình trạng khẩn cấp quốc gia để mở khóa nguồn quỹ xây dựng tường biên giới.

Hai nguồn tin cho biết việc xây dựng tường ở Arizona - nơi Thống đốc đảng Dân chủ Katie Hobbs phản đối các nỗ lực thực thi của đảng Cộng hòa - có thể là ưu tiên.

Kết thúc các chương trình của ông Biden

Các nguồn tin cho biết ông Trump có kế hoạch chấm dứt các chương trình “đặc xá” nhân đạo tạm thời của ông Biden, vốn đã cho phép hàng trăm nghìn di dân nhập cảnh hợp pháp và được tiếp cận giấy phép lao động. Các chương trình bao gồm một sáng kiến dành cho một số di dân nhất định có người bảo trợ tại Mỹ và một sáng kiến khác cho phép những người di dân ở Mexico sử dụng ứng dụng để lên lịch hẹn phỏng vấn tại biên giới.

Những người đang ở Hoa Kỳ có tình trạng đặc xá đã hết hạn và tự nguyện rời đi có thể được phép nộp đơn xin nhập cảnh hợp pháp mà không bị phạt, các nguồn tin cho biết.

Ông Trump cũng dự kiến sẽ đàm phán với Mexico về việc khôi phục chương trình “Ở lại Mexico” của ông, chương trình này yêu cầu những người xin tị nạn không phải là người Mexico phải ở lại Mexico trong khi hồ sơ của họ được Mỹ duyệt xét.

 

 

TRUMP SẼ THANH TRỪNG CÁC VỊ TƯỚNG QUÂN ĐỘI?

Trong chiến dịch tái tranh cử, ông Donald Trump đã thề sẽ thanh trừng các vị tướng quân đội được cho là "tỉnh thức" (woke). Giờ đây, khi đã chiến thắng, câu hỏi tại các hành lang Lầu Năm Góc là liệu vị tổng thống đắc cử có thực hiện những gì ông đã nói không.

Ông Trump được cho là sẽ có cái nhìn tiêu cực hơn về các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai sau khi Lầu Năm Góc đã phản đối ông về mọi thứ, từ thái độ hoài nghi của ông đối với NATO cho đến việc ông sẵn sàng điều quân để dập tắt các cuộc biểu tình trên đường phố.

Các tướng lĩnh và lãnh đạo quốc phòng dưới thời ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên là những người chỉ trích vị tổng thống đắc cử dữ dội nhất. Một số người coi ông là phát xít và tuyên bố ông không đủ tư cách để giữ chức tổng thống.

Đáp trả với sự tức giận, ông Trump nói rằng cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley có thể bị xử tử về tội phản quốc.

Các cựu quan chức cũng như các quan chức đương nhiệm cho rằng ông Trump sẽ ưu tiên lòng trung thành trong nhiệm kỳ thứ hai của mình và loại bỏ các sĩ quan quân đội và các công chức dân sự sự nghiệp mà ông cho là không trung thành.

"Thành thật mà nói, ông ta sẽ phá hủy Bộ Quốc phòng. Ông ta sẽ vào cuộc và sa thải các vị tướng đã chiến đấu vì Hiến pháp," ông Jack Reed, đảng viên Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nói.

Các vấn đề về chiến tranh văn hóa có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sa thải.

Fox News hỏi ông Trump vào tháng 6/2024 rằng liệu ông có sa thải các vị tướng được mô tả là "tỉnh thức" (woke) hay không - một thuật ngữ chỉ những người tập trung vào công lý xã hội và chủng tộc nhưng thuật ngữ này lại bị phe bảo thủ sử dụng để hạ thấp các chính sách tiến bộ.

"Tôi sẽ sa thải họ. Chúng ta không thể có một quân đội 'woke' được," ông Trump trả lời.

Một số quan chức hiện tại và trước đây lo ngại nhóm của ông Trump có thể nhắm vào chủ tịch hiện tại của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - Đại tướng Không quân Charles Brown Jr, một cựu phi công chiến đấu, một chỉ huy quân sự được kính trọng và cũng là người tránh xa chính trị.

Vị tướng da đen này đã phát một video mang thông điệp về sự phân biệt đối xử trong hàng ngũ quân đội ngay sau vụ cảnh sát giết George Floyd vào tháng 5/2020 tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Ông Brown đã trở thành tiếng nói ủng hộ sự đa dạng trong quân đội Hoa Kỳ.

Khi được đề nghị bình luận, người phát ngôn của ông Brown, Đại úy Hải quân Jereal Dorsey, nói:

"Chủ tịch cùng với tất cả các quân nhân trong lực lượng vũ trang của chúng tôi vẫn tập trung vào an ninh và quốc phòng của quốc gia và sẽ tiếp tục làm như vậy, đảm bảo quá trình chuyển giao suôn sẻ sang chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Trump."

Phó tổng thống đắc cử J.D. Vance, với tư cách là thượng nghị sĩ, đã bỏ phiếu chống lại việc xác nhận ông Brown trở thành sĩ quan quân sự cấp cao nhất của nước Mỹ vào năm 2023. Ông Vance đã chỉ trích điều bị coi là sự phản kháng trong Lầu Năm Góc đối với các mệnh lệnh của Trump .

"Nếu những người trong chính phủ của bạn không tuân theo bạn, bạn phải loại bỏ họ và thay thế họ bằng những người đồng điệu với những gì tổng thống đang cố gắng làm," ông Vance nói trong một cuộc phỏng vấn với bình luận viên cánh hữu Tucker Carlson trước cuộc bầu cử.

Trong suốt chiến dịch của mình, ông Trump đã cam kết khôi phục tên của một vị tướng Liên minh miền Nam (ủng hộ chế độ nô lệ trong thời kỳ nội chiến Mỹ) tại một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, đảo ngược một thay đổi được thực hiện sau vụ George Floyd.

Thông điệp chống phong trào "tỉnh thức" mạnh mẽ nhất của ông Trump trong chiến dịch đã nhắm vào binh lính chuyển giới.

Ông Trump trước đây đã cấm các quân nhân chuyển giới và đăng một quảng cáo chiến dịch tranh cử trên mạng xã hội X, mô tả họ là những người yếu đuối, với lời thề rằng "CHÚNG TA SẼ KHÔNG CÓ MỘT QUÂN ĐỘI 'WOKE'!".

Nhóm chuyển giao của ông Trump đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

'Các mệnh lệnh hợp pháp'

Ông Trump đã nói rằng quân đội Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong nhiều ưu tiên chính sách của ông, từ việc huy động Vệ binh Quốc gia và có thể là quân đội đang tại ngũ để thực hiện trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ cho đến việc triển khai quân đội để giải quyết tình trạng bất ổn trong nước.

Những đề xuất như vậy khiến các chuyên gia quân sự lo ngại. Họ cho rằng việc triển khai quân đội trên đường phố Mỹ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến phần lớn người dân chống lại lực lượng vũ trang vốn đang được nhiều người kính trọng.

Trong một thông điệp gửi đến quân đội sau khi ông Trump thắng cử, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Lloyd Austin đã thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử và nhấn mạnh rằng quân đội sẽ tuân thủ "mọi mệnh lệnh hợp pháp" từ các nhà lãnh đạo dân sự của mình.

Nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng ông Trump có phạm vi rộng để diễn giải luật pháp và quân đội Mỹ không thể không tuân thủ các mệnh lệnh dù họ coi là sai trái về mặt đạo đức nhưng hợp pháp.

"Có một nhận thức sai lầm phổ biến của công chúng rằng quân đội có thể chọn không tuân theo các mệnh lệnh vô đạo đức. Và thực tế là không đúng," nhà nghiên cứu Kori Schake thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, một viện có lập trường bảo thủ, nói.

Bà Schake cảnh báo rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể chứng kiến các vụ sa thải cấp cao khi ông thúc đẩy các chính sách gây tranh cãi.

"Tôi nghĩ sẽ có sự hỗn loạn rất lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, vì các chính sách mà ông sẽ cố gắng ban hành và vì những người mà ông sẽ bổ nhiệm," bà nói.

Một viên chức quân đội giấu tên của Mỹ không nghĩ điều đó đáng lo ngại, nói rằng việc tạo ra sự hỗn loạn trong nhân sự quân đội cấp cao sẽ tạo ra phản ứng chính trị dữ dội và không cần thiết. Ông Trump không cần điều đó để đạt được mục tiêu, người này nói.

"Các sĩ quan quân đội thường tập trung vào chiến đấu chứ không phải chính trị. Tôi thấy họ hài lòng với điều đó và họ nên như vậy," viên chức quân sự này nói.

Giảm quyền lực của các viên chức dân sự

Các viên chức dân sự tại Lầu Năm Góc có thể phải trải qua các bài kiểm tra lòng trung thành, theo những viên chức hiện nay và cả những người từng làm việc ở đó.

Các đồng minh ông Trump đã công khai ủng hộ việc sử dụng các lệnh hành pháp và thay đổi quy định để thay thế hàng ngàn viên chức dân sự bằng các đồng minh bảo thủ.

Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ nói với Reuters rằng Lầu Năm Góc ngày càng lo ngại ông Trump sẽ thanh trừng những nhân viên dân sự chuyên nghiệp khỏi bộ này.

"Tôi rất lo ngại về cấp bậc của họ," người này nói, đồng thời nói thêm rằng một số đồng nghiệp đã bày tỏ lo ngại về tương lai công việc của mình.

Các nhân viên dân sự nằm trong số gần 950.000 nhân viên mặc thường phục làm việc trong quân đội Mỹ và nhiều người có kinh nghiệm chuyên môn cao.

Khi tranh cử, ông Trump đã thề sẽ cắt giảm lực lượng lao động trong chính phủ liên bang.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, một số đề xuất gây tranh cãi của ông Trump đối với các cố vấn - chẳng hạn như bắn tên lửa vào Mexico để phá hủy các phòng thí nghiệm ma túy - chưa bao giờ trở thành sự thật, một phần vì sự phản đối từ các quan chức tại Lầu Năm Góc.

"Đây sẽ là năm 2016 (năm ông Trump lần đầu đắc cử) nhưng với sức mạnh khủng khiếp cùng với nỗi lo sợ rằng ông ấy sẽ làm suy yếu hàng ngũ và chuyên môn, gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho Lầu Năm Góc," viên chức giấu tên nói.

 

 

ĐẢNG DÂN CHỦ LO XA

Nhiều thống đốc, tổng chưởng lý của Đảng Dân chủ chuẩn bị các biện pháp ứng phó tác động tiềm tàng từ các chính sách được cho là bảo thủ của ông Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gặp tại Nhà Trắng ngày 13-11 để bàn về việc chuyển giao quyền lực. Thư ký báo chí Nhà Trắng hôm 9-11 cho biết cuộc gặp này dự kiến diễn ra lúc 11 giờ (giờ địa phương).

Theo đài CNN, ông Jeff Zients, Chánh Văn phòng Nhà Trắng và bà Susie Wiles, nhà quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã liên lạc để trao đổi về vấn đề chuyển giao quyền lực và thu xếp cuộc gặp nói trên. Trước đó, ông Biden đã gọi điện chúc mừng ông Trump thắng cử và mời ông đến Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ cũng cam kết bảo đảm tiến trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết đất nước.

Trong lúc này, Đảng Cộng hòa đang tiến gần việc nắm quyền kiểm soát Hạ viện, một kết quả quan trọng để ông Trump thúc đẩy chương trình nghị sự của mình sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025. Theo Reuters, kết quả kiểm phiếu mới nhất cho thấy Đảng Cộng hòa đã nắm 213/435 ghế tại Hạ viện, qua đó chỉ cần thêm 5 ghế nữa là chiếm thế đa số tại cơ quan này. Đảng Dân chủ hiện nắm 205 ghế.

Trước đó, Đảng Cộng hòa đã nắm đa số ghế tại Thượng viện. Kịch bản kiểm soát Hạ viện sẽ trao cho Đảng Cộng hòa quyền lực rộng lớn để có thể thúc đẩy các chính sách như cắt giảm thuế và chi tiêu, gỡ bỏ quy định về năng lượng, kiểm soát an ninh biên giới.

Đối mặt tác động tiềm tàng từ các chính sách bảo thủ sau khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, ngày càng có nhiều thống đốc, tổng chưởng lý của Đảng Dân chủ chuẩn bị các biện pháp ứng phó. Ông Gavin Newsom, Thống đốc bang California, tuần rồi kêu gọi các nhà lập pháp bang nhóm họp vào cuối năm trong nỗ lực bảo vệ chính sách địa phương về các vấn đề như quyền phá thai và biến đổi khí hậu trước chính quyền sắp tới và Đảng Cộng hòa.

Tại các bang khác, như Illinois, Massachusetts và New York, các quan chức tuyên bố sẵn sàng phát động cuộc chiến pháp lý và chính sách về các vấn đề như quyền phá thai, quy định về môi trường, kiểm soát súng, thực thi nhập cư… Riêng ông Jay Robert Pritzker, Thống đốc bang Illinois, nhấn mạnh bang này sẽ có hành động pháp lý nếu cần trong trường hợp các địa phương bị ngừng trợ cấp liên bang do từ chối hợp tác với kế hoạch trục xuất người nhập cư không có giấy tờ của ông Trump. Cũng với quan điểm cứng rắn tương tự, bà Maura Healey, Thống đốc bang Massachusetts, khẳng định cảnh sát địa phương sẽ không hỗ trợ các nỗ lực trục xuất người nhập cư của ông Trump.

Dù vậy, không phải thống đốc nào cũng tỏ thái độ gay gắt như trên. Thống đốc Wes Moore của bang Maryland lưu ý rằng sẵn sàng tìm kiếm tiếng nói chung với Nhà Trắng sắp tới. Trong khi đó, Thống đốc Gretchen Whitmer của bang Michigan bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ lãnh đạo đất nước bằng cách đoàn kết mọi người, bao gồm cả những người không bỏ phiếu hoặc ủng hộ ông.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ; CafeF; VOA; BBC; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang