- Thời sự
- Thế giới
Truyền thông Mỹ cho biết, một loạt nhân vật trong nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã trở thành mục tiêu của những lời đe dọa đánh bom.
CNN dẫn thông tin từ Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ cho biết, cơ quan này đã nhận thức được nhiều mối đe dọa đánh bom nhằm vào những nhân vật có tên trong danh sách được đề cử và bổ nhiệm trong chính quyền Tổng thống đắc cử Trump, và họ đang làm việc cùng nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác.
“Chúng tôi luôn xem trọng mọi mối đe dọa tiềm ẩn như thường lệ, và khuyến khích người dân báo cáo bất kỳ điều gì họ cho là ‘đáng ngờ’ tới các cơ quan thực thi pháp luật”, thông cáo của FBI viết.
Ngay sau đó, đội ngũ của ông Trump đã lên tiếng về thông tin trên. “Các lực lượng thực thi pháp luật và nhiều cơ quan chức năng khác đã hành động nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho những người bị nhắm mục tiêu. Tổng thống Trump và toàn bộ nhóm chuyển giao quyền lực rất biết ơn về hành động nhanh chóng của họ”, bà Karoline Leavitt, người sẽ đảm nhận vị trí Thư ký báo chí Nhà Trắng trong chính quyền sắp nhậm chức của ông Trump, nói.
Cũng trong ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được báo cáo về vụ việc trên và “lên án những mối đe dọa bạo lực về chính trị”.
“Nhà Trắng đang liên lạc với cơ quan thực thi pháp luật liên bang và nhóm của Tổng thống đắc cử, và tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình”, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết.
Theo thông tin từ Thời báo Israel, một số quan chức trong nội các của ông Trump bị đe dọa đánh bom gồm có Elise Stefanik, người được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc; Susie Wiles, Chánh Văn phòng Nhà Trắng; Pam Bondi, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ…
Đội ngũ tiếp quản quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa ký một biên bản ghi nhớ với Nhà Trắng mở đường cho ông Trump chính thức bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực, chánh văn phòng sắp nhậm chức của ông cho biết hôm 26/11, sau nhiều tuần trì hoãn, Reuters đưa tin.
Động thái này sẽ cho phép bộ máy của ông Trump phối hợp trực tiếp với các cơ quan liên bang và tiếp cận các tài liệu. Sự chậm trễ bất thường trong việc ký kết văn bản thỏa thuận sau cuộc bầu cử ngày 5/11 đã làm dấy lên mối lo ngại của một số nhà bình luận về những trục trặc tiềm ẩn trong hoạt động của chính phủ hoặc về sự xung đột lợi ích.
Bà Susie Wiles, chánh văn phòng của ông Trump, cho biết trong một tuyên bố: “Sự vào cuộc này cho phép các ứng cử viên Nội các dự định của chúng tôi bắt đầu những bước chuẩn bị quan trọng, bao gồm việc triển khai các nhóm tiếp quản đến tất cả các bộ và các cục, đồng thời hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự”.
Ông Trump, đảng viên Cộng hòa, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Theo Nhà Trắng, trong những ngày trước đây, đội ngũ của ông Trump đã từ chối làm theo lời đề nghị từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ về việc nhanh chóng ký một bản ghi nhớ và họ đã phản đối một số điểm trong bản thỏa thuận chuyển giao vốn có theo truyền thống.
Theo thỏa thuận được ký hôm 26/11, đội ngũ của ông Trump đã tránh ký một cam kết về đạo đức của chính phủ, nói rằng họ có bộ tiêu chuẩn đạo đức riêng sẽ “đáp ứng các yêu cầu về nhân sự để chuyển tiếp vào chính quyền Trump một cách liền mạch”.
Bản cam kết riêng về đạo đức sau đó đã được đăng lên trang web của Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA). Cam kết này bao gồm những lời hứa rằng các thành viên trong đội ngũ tiếp quản sẽ tránh xung đột lợi ích, sẽ bảo vệ thông tin mật và sẽ không được tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào nếu họ đã tham gia vận động hành lang về lĩnh vực đó trong 12 tháng trước.
Ông Trump có cổ phần trị giá 3,76 tỷ USD trong tập đoàn Trump Media & Technology, hãng điều hành nền tảng Truth Social của ông, cũng như cổ phần trong một doanh nghiệp tiền điện tử, bất động sản và một số giao dịch nước ngoài.
Công ty bất động sản của gia đình, hiện do con trai ông Trump là Eric điều hành, sở hữu các khoản đầu tư trong lĩnh vực khách sạn, sân golf, khu nghỉ dưỡng và những nơi cho thuê văn phòng, hoạt động bán lẻ và chung cư ở Thành phố New York.
Ngoài ra, đội ngũ tiếp quản của ông Trump chưa ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Tư pháp để cho phép FBI tiến hành kiểm tra lý lịch của những người được đề cử và cũng chưa gửi cho FBI tên của các nhân viên an ninh quốc gia tiềm năng sẽ có quyền truy cập vào các thông tin mật.
Một quan chức Nhà Trắng nói rằng mặc dù thỏa thuận với Bộ Tư pháp chưa được ký kết nhưng đã có tiến bộ trong việc đạt được thỏa thuận như vậy.
Đội ngũ của ông Trump cũng phá vỡ truyền thống và không ký thỏa thuận với Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA), nơi lo cung cấp mặt bằng văn phòng để sử dụng. Đội ngũ này nói họ không muốn lãng phí tiền của người đóng thuế bằng cách sử dụng các văn phòng chính phủ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Saloni Sharma cho hay chính quyền Biden không đồng ý với quyết định của đội ngũ bên Trump về việc không ký một số thỏa thuận thông thường nhưng Nhà Trắng sẽ tiếp tục quá trình chuyển giao để tránh chậm trễ thêm nữa.
Đội ngũ của ông Trump cho biết quá trình tiếp quản của ông sẽ sử dụng nguồn tài trợ tư nhân thay vì tiền của chính phủ để trang trải chi phí chuyển giao. Đội ngũ này nói rằng các nhà tài trợ cho quá trình chuyển giao này sẽ được công bố trước công chúng.
Đảng Dân chủ thất bại vì họ 'tự chuốc lấy', chỉ mong sao trong nhiệm kỳ hai ông Trump không đối mặt với 'tai họa thế kỷ' như Covid-19.
Cuộc bầu cử Mỹ đã diễn ra hơn ba tuần, bây giờ ông Trump đang thành lập nội các mới. Phe Dân chủ vẫn còn gãi đầu gãi tóc, tự hỏi vì sao mà ra nông nổi này. Thông thường thì nguyên nhân thất bại sẽ rất khó tìm ra, nếu như nguyên nhân nằm ở chính mình.
Người ngoài có thể nhanh chóng nhìn ra nguyên nhân thất bại nếu họ nhìn vào việc ai trong đảng Dân chủ đang đổ lỗi. Những người đang đi đổ lỗi nhiều nhất là giới chóp bu lãnh đạo đảng Dân chủ, cụ thể là bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân Chủ ở Hạ viện và Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân Chủ ở Thượng viện.
Vai trò của hai người này trong cuộc tranh cử diễn ra hồi tháng 7, khi họ dẫn đầu phe Dân chủ ép buộc ông Biden rời đường đua. Bà Harris nhanh chóng được họ ủng hộ để thay ông Biden, nhưng thất bại của Đảng Dân chủ đã được xác định từ lúc đó. Dù là ai thay ông Biden tranh cử đi chăng nữa thì phe Dân chủ cũng cầm chắc thất bại.
Nguyên nhân không liên quan gì tới ông Trump. Ông Trump năm 2024 cũng giống như năm 2020, Trump vẫn là Trump, và những người hâm mộ ông vẫn tiếp tục hâm mộ, những người chán ghét ông vẫn tiếp tục chán ghét.
Bầu cử Mỹ thật ra là một buổi đánh giá màn trình diễn trong 4 năm vừa qua của đảng cầm quyền. Tuy vậy, nếu một ứng viên là đương kim tổng thống thì họ sẽ có một lợi thế nhất định. Các đương kim tổng thống luôn được người dân kính trọng, và chỉ có một trình diễn tồi tệ mới có thể kéo được một đương kim tổng thống rời ghế.
Năm 2020 là một ví dụ cụ thể. Chả là năm đó thì có dịch Covid-19. Dịch bệnh cả thế giới đều bị, nhưng màn trình diễn chống dịch của ông Trump đã gây ra cái chết cho hơn một triệu người, "thành tích" dẫn đầu thế giới trên mọi mặt, khiến cho tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm theo.
Chỉ với một "màn trình diễn" này mới khiến cho các cử tri phe Dân chủ nổi giận mà đi bầu để tiễn ông Trump về nhà.
Ông Biden đắc cử và phải tiếp tục đối mặt với hậu quả của dịch bệnh, bao gồm một nền kinh tế với chuỗi cung ứng đứt đoạn, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng cao. Những điều này đúng với tất cả các nước trên thế giới.
Nước Mỹ vẫn giữ vững ngôi vương kinh tế, tránh khỏi suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp xuống rất thấp, thị trường chứng khoán lập đỉnh liên tiếp. Hai cuộc chiến nổ ra nhưng đều là những thứ mà nước Mỹ không thay đổi được. Tuy vậy, Ukraine vẫn đứng vững sau gần 3 năm chiến tranh. Israel thì không được dư luận quốc tế ủng hộ nhưng họ vẫn là đồng minh của Mỹ và nhiều người Mỹ vẫn ủng hộ Israel.
Nếu so với mặt bằng chung của cả thế giới thì màn trình diễn về kinh tế của ông Biden đạt điểm cao nhất, mặc dù không cao như một số tổng thống Mỹ trước đó. Các vấn đề ngoại giao khiến điểm chấm cho ông Biden thấp hơn. Bù lại, ông vẫn là tổng thống đương nhiệm và đó là "điểm cộng" để ông Biden có thể "đậu" kỳ thi bầu cử nhiệm kỳ hai.
Vậy mà phe lãnh đạo Dân chủ lại lôi ông Biden xuống với lý do là ông ấy có một buổi tranh luận thảm họa. Ông Biden nói giọng khàn, có lúc nói nhịu và không rõ ý. Giọng khàn thì chỉ một hôm, nói nhịu thì là tật cố hữu của ông Biden, còn nói không rõ ý thì ông Trump mới là siêu đẳng.
Những ai có lắng nghe ông Trump phát biểu sẽ hiểu, còn những ai bảo là không phải vậy thì họ chưa chịu nghe ông Trump nói đó thôi.
Khi phe Dân chủ lôi ông Biden xuống, họ lại quên khuấy mất rằng không cần làm yên lòng "các cử tri Mỹ ". Họ cần làm yên lòng các cử tri phe Dân chủ. Hồi năm 2020, 74 triệu người đi bầu cho ông Trump, và họ cũng vẫn bầu cho ông Trump kỳ này. 81 triệu cử tri phe Dân chủ mới là những người phe Dân chủ cần làm yên lòng.
Khi họ lôi ông Biden xuống thì họ đâu có biết tới chuyện các cử tri của đảng Dân Chủ nghĩ gì? Họ cho rằng các cử tri sẽ không ủng hộ một ứng viên già nua, thế nhưng đây là người duy nhất đã đánh bại ông Trump, mà ông Trump cũng đâu trẻ hơn ông Biden?
Thành công lớn của ông Trump nằm ở chỗ đã nắm được đảng Cộng hòa dù thất bại vào năm 2020. Sau đó thì giới lãnh đạo phe Dân chủ đã tự tay dâng chiến thắng cho ông Trump.
Dẫu sao đi nữa thì hay không bằng hên, chỉ hy vọng ông Trump không gặp phải một tai họa thế kỷ như lần trước. Ông Trump mà phải lãnh đạo nước Mỹ qua một đại họa lần nữa thì cũng chưa biết nước Mỹ sẽ ra sao.
Kinh tế toàn cầu đang đứng trước một làn sóng bất ổn mới khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố áp đặt mức thuế cao với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Kinh tế toàn cầu đang đứng trước một làn sóng bất ổn mới khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố áp đặt mức thuế cao với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc.
Đây là một phần trong chiến lược “Nước Mỹ trước tiên” của ông, nhằm kiểm soát "những dòng chảy trái phép", đặc biệt là ma túy và người di cư.
Theo giới chuyên gia, quyết định áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada không chỉ làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đối với các ngành công nghiệp của Mỹ, mà còn khiến nền kinh tế của các quốc gia đối tác này lao đao.
Cụ thể, Mexico và Canada là hai quốc gia cung cấp một lượng lớn dầu thô cho Mỹ, chiếm khoảng 25% lượng dầu mỏ mà các nhà máy lọc dầu của Mỹ xử lý mỗi ngày. Một nguồn tin tiết lộ rằng các sản phẩm dầu thô cũng sẽ không được miễn thuế, điều này khiến các nhóm vận động trong ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ phản đối kịch liệt, cảnh báo rằng việc áp dụng thuế này có thể làm tăng giá dầu, đẩy chi phí nhiên liệu lên cao và tác động xấu đến người tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng với việc áp thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ có thể tăng mạnh. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ lên tới 3,7% vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng Trung ương Mỹ). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức mua của người dân mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và gia tăng chi phí sản xuất trong nước.
Ngành công nghiệp ô tô của Mỹ được dự báo là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp thuế này. Mexico và Canada là những nhà cung cấp linh kiện và xe hơi quan trọng cho các hãng xe Mỹ. Do vậy, việc áp đặt thuế có thể đẩy giá thành lên cao, đồng thời cản trở các chuỗi cung ứng vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19. Cổ phiếu của các hãng ô tô Mỹ như Ford và General Motors đã giảm mạnh trong những ngày qua, khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng lạm phát gia tăng và thị trường lao động bị ảnh hưởng.
Tương tự, ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ cũng phản đối mạnh mẽ kế hoạch tăng thuế nói trên. Nhiều nhóm vận động trong ngành dầu khí cho rằng việc áp thuế đối với dầu thô sẽ làm tăng giá nhiên liệu, gây bất lợi cho người tiêu dùng và đẩy các nhà máy lọc dầu vào tình trạng khó khăn. Canada hiện là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Mỹ, với hơn 4 triệu thùng/ngày và việc áp thuế đối với nguồn cung này có thể làm tăng giá xăng dầu tại các khu vực như Trung Tây, nơi phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Canada.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã chỉ trích kế hoạch thuế mới của Mỹ, khẳng định rằng chính sách này sẽ không giải quyết được vấn đề di cư hay tình trạng tội phạm ma túy mà ông Trump nhắm tới. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có cuộc điện đàm với Trump, được cho là "mang tính xây dựng và hiệu quả", với mục tiêu duy trì mối quan hệ thương mại ổn định và trao đổi về vấn đề an ninh biên giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định việc áp dụng mức thuế mới có thể gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Canada, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô và năng lượng.
Không chỉ các quốc gia đối tác trực tiếp của Mỹ, mà Liên minh châu Âu (EU) cũng thể hiện sự quan ngại về động thái này. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã lên tiếng kêu gọi EU cần chuẩn bị đối phó với khả năng Mỹ áp dụng thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng EU phải phản ứng một cách thống nhất và tìm cách đối thoại trước khi nghĩ đến việc áp dụng biện pháp trả đũa. Ông cũng cảnh báo rằng việc gia tăng thuế quan sẽ chỉ dẫn đến tổn thất cho tất cả các bên, kể cả Mỹ.
Theo Bộ trưởng Habeck, dưới chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump, các thỏa thuận thương mại và các quy tắc kinh tế hiện hành đang trở nên mong manh và khó dự đoán. Đức và các quốc gia EU có thể sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ chính sách thuế mới này, khi thị trường Mỹ là một trong những điểm đến quan trọng của hàng hóa xuất khẩu châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp và ô tô.
Một trong những vấn đề đáng chú ý là liệu quyết định áp thuế này có phải là bước đi đầu tiên trong một cuộc đàm phán hay không. Giới quan sát cho rằng ông Trump có thể đang sử dụng các biện pháp thuế như một công cụ để thúc đẩy Mexico và Canada đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn trong kiểm soát nhập cư và ma túy. Tuy nhiên, việc áp đặt thuế không phải là giải pháp lâu dài và điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện, ảnh hưởng đến cả 3 nền kinh tế.
Theo chuyên gia pháp lý Warren Maruyama, Tổng thống đắc cử Trump có thể thông qua các kế hoạch thuế nêu trên bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, mở đường cho các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này có thể kéo theo những hậu quả khôn lường không chỉ cho các đối tác của Mỹ, mà còn với chính nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Bắc Kinh có một công cụ mạnh mẽ để đáp trả chính sách thuế quan mới mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa áp dụng: đó là bắt đầu một cuộc chiến tiền tệ.
Tờ New York Times (NYT) ngày 26/11 cho hay, để đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá so với đồng đô la Mỹ là một biện pháp đã từng được Bắc Kinh áp dụng để đối phó với chính sách thuế quan.
Bắc Kinh từng làm như vậy vào năm 2018 và 2019, khi ông Trump áp đặt thuế quan trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của mình.
Đồng nhân dân tệ yếu làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài, giảm thiểu tác hại đối với khả năng cạnh tranh của Trung Quốc do chính sách thuế quan của chính quyền Trump gây ra.
Hạ giá nhân dân tệ có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc
Theo NYT, đồng nhân dân tệ yếu hơn có thể bù đắp một phần hoặc toàn bộ tác động của mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc mà ông Trump đã tuyên bố hôm 25/11 rằng sẽ ban hành vào ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm tới. Ông cũng tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico.
Vốn được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) kiểm soát chặt chẽ, việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể cho phép Bắc Kinh tăng cường sức mạnh cho cỗ máy xuất khẩu hùng mạnh của mình. Tổng khối lượng xuất khẩu ra thế giới của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng đang sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn nữa khi các ngân hàng thương mại của nước này tăng cường cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các nhà máy mới.
Tuy nhiên, NYT nhận định, việc hạ giá đồng nội tệ có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc. Đối mặt với đồng nhân dân tệ yếu hơn, các công ty và gia đình giàu có tại Trung Quốc có thể ráo riết chuyển tiền ra nước ngoài thay vì đầu tư trong nước.
Tỷ giá hối đoái thấp hơn của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ cũng có thể làm tổn hại niềm tin của công chúng Trung Quốc, làm suy yếu chi tiêu tiêu dùng trong nước và làm xói mòn giá cổ phiếu.
Đồng nhân dân tệ yếu cũng có thể gây ra tác động trái ngược với những nỗ lực gần đây của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự lao dốc của thị trường bất động sản.
"Không bên nào thắng trong cuộc chiến thuế quan"
Theo NYT, PBOC từng bị chỉ trích trên trường quốc tế khi đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ vào tháng 8/2015, và đang cố gắng không để một động thái đột ngột như vậy tái diễn.
Tại cuộc họp báo hôm 22/11, người đứng đầu bộ phận quốc tế của PBOC Liu Ye cho biết, ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ "duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ ở mức cân bằng hợp lý".
Nhưng Trung Quốc cũng cực lực phản đối bất kỳ mức thuế bổ sung nào. Đáp lại lời đe dọa của ông Trump hôm 25/11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết: "Trung Quốc tin rằng hợp tác kinh tế và thương mại Trung - Mỹ về bản chất là có lợi cho cả hai bên. Không bên nào có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hoặc một cuộc chiến thuế quan."
NYT đưa tin, các công ty Trung Quốc đã tăng cường đáng kể năng lực sản xuất của họ ở các quốc gia khác trong những năm gần đây, xây dựng các nhà máy lắp ráp những linh kiện từ Trung Quốc thành hàng hóa hoàn chỉnh để bán tại Mỹ và các nước khác. Điều này đã cho phép một số công ty Trung Quốc né thuế do chính quyền Mỹ áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển tiền ra nước ngoài trong những tuần gần đây để tiếp tục tăng cường hoạt động ở nước ngoài và đảm bảo rằng có thể duy trì xuất khẩu mạnh mẽ ngay cả khi ông Trump áp dụng mức thuế bổ sung đối với Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo hôm 22/11, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đã cam kết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc. Ông cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp thêm tài chính thương mại và bảo hiểm xuất khẩu cho các công ty này.
Theo NYT, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp thuế quan năm 2018 và 2019, vì nhiều công ty Trung Quốc đã chia nhỏ hàng xuất khẩu của mình thành các lô hàng đủ nhỏ để né thuế.
Trung Quốc cũng đã tăng nhanh xuất khẩu sang Đông Nam Á và Mexico - nơi hàng hóa sau đó thường được xử lý và vận chuyển sang Mỹ với mức thuế thấp hoặc không phải chịu thuế quan.
Trong tháng này, sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, giá trị của đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 2% so với đô la Mỹ. Đồng nhân dân tệ đã ổn định trong tuần qua ở mức 7,25 nhân dân tệ đổi 1 đô la.
Nhiều loại tiền tệ khác cũng đã suy yếu so với đô la kể từ cuộc bầu cử Mỹ. Đồng peso Mexico và đô la Canada đã giảm mạnh sau khi ông Trump nhắm mục tiêu vào cả hai quốc gia này bằng các mức thuế bổ sung dự kiến.
Ông Tập Cận Bình: Cần duy trì đồng tiền mạnh
Thành viên sáng lập công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) Arthur Kroeber nhận định, đồng nhân dân tệ có thể giảm thêm 9 hoặc 10% nếu Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là cần gần 8 nhân dân tệ để đổi 1 đô la, mức chưa từng thấy kể từ năm 2006.
Nhưng nhiều nhà phân tích khác tỏ ra nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận giảm mạnh đồng nhân dân tệ như vậy. Họ dự đoán mức sàn cho đồng tiền này là 7,3 đến 7,5 nhân dân tệ đổi 1 đô la.
Theo NYT, trong nhiều năm qua, Trung Quốc sẵn sàng để đồng nhân dân tệ yếu nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng tại một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 1, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu mô tả tầm nhìn về "phát triển tài chính chất lượng cao".
Ông Tập nhấn mạnh việc duy trì đồng nội tệ mạnh là điều cần thiết để Trung Quốc trở thành một cường quốc tài chính, cùng với các yếu tố quan trọng khác như ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính vững mạnh.
Bài phát biểu đó đã được đưa vào một cuốn sách xuất bản dưới tên ông Tập, đưa đồng nhân dân tệ mạnh vào quan điểm chỉ đạo của ban lãnh đạo Trung Quốc.
Khi Trung Quốc cho phép đồng tiền của mình trượt giá trong chính quyền Trump đầu tiên, Nhà Trắng đã thảo luận về việc cố tình làm suy yếu đồng đô la vào năm 2019 như một động thái đáp trả, nhưng Tổng thống Trump đã kiềm chế không làm như vậy.
Theo NYT, chính sách tiền tệ có thể sẽ là ưu tiên trong chính quyền Trump mới. Scott Bessent - người được ông Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Tài chính - là một nhà quản lý quỹ đầu tư có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực giao dịch tiền tệ. Nhưng ông Bessent được biết đến nhiều với việc giao dịch bằng đồng bảng Anh và đồng yên Nhật hơn là đồng nhân dân tệ.
Nguồn: Vietnamnet; VOA; Vnexpress; Bnews; CafeF
Các tập đoàn lớn cắt giảm lao động; Thảm họa rượu độc ở Lào; Truy nã ông Netanyahu; Israel chiếm toàn bộ Bờ Tây; Putin làm gì tiếp theo?
Mỹ: Người nhập cư ‘nháo nhào’; Nợ quốc gia phá kỷ lục; ‘Đế chế’ Trump & ảnh hưởng; Trump hoàn tất nội các; Chính sách TQ thời Trump 2.0
Mỹ: Lý giải hiện tượng ‘bão bom’; Thế hệ 1 con nở rộ; Musk & kế hoạch giảm biên chế; Tour du lịch ‘trốn’ Trump; Sự tương phản với TQ
Ngành sữa TQ gặp rủi ro; Nga giáng đòn vào Mỹ; Bộ trưởng ngoại giao họp G7; Ukraine ‘khó chồng khó’ ở Kursk; Trận chiến giành Kurakhovo
Chính trường Philippines dậy sóng; Nội chiến Syria bùng phát; Kiev gặp khó vì ATACMS, vũ khí ồ ạt đổ về; Putin tăng ngân sách quốc phòng
Mỹ: Bão tuyết tấn công; Chi 10,8 tỷ đô cho Black Friday; Tham vọng siêu cường bitcoin; Bán vũ khí cho Đài Loan; Trump đe dọa BRICS
Mỹ: ‘Ngày thứ Ba trao tặng’; Di sản Biden bị hoen ố; Trump ‘giải cứu’ các nhà bán lẻ; ‘Vương quốc’ Elon Musk; Trump muốn gì từ Canada?
Giá thực phẩm đạt đỉnh; TQ tung đòn với Mỹ; Chuyện gì xảy ra tiếp theo ở HQ; Kích hoạt hiệp ước Nga-Triều; Bất ổn chính trị Georgia
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá